Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. “Hớt” Phước Của Người Nghèo!

17/03/201408:55(Xem: 24365)
33. “Hớt” Phước Của Người Nghèo!
blank
“Hớt” Phước
Của Người Nghèo!

Tôn giả Mahā Kassapa sau thời gian đi vào định “lắng yên cảm giác, lắng yên tưởng tư”(1), ngài cảm nghe thân thể nhẹ nhàng, sảng khoái như sau một giấc ngủ ngon dài, không mộng mị. Nó đã nghỉ ngơi suốt cả bảy ngày rồi còn gì! Bước ra cửa động, hít thở khí trời trong lành rồi tôn giả đi kinh hành qua lại, tới lui bên triền núi có những khóm cây rừng nở hoa thơm dịu nhẹ...

Trong lúc ấy thì tại cung trời Đao Lợi, một số ngọc nữ là cung nga của Đế Thích thiên chủ, họ vốn có thiên nhãn, biết “sự kiện trọng đại, hy hữu” ấy nên bàn tính với nhau, là hãy cùng nhau xuống đặt bát cúng dường cho tôn giả, để kiếm được quả phước thù thắng. Tâm ý tương thông, cả mấy chục cô ngọc nữ, mỗi người chuẩn bị một nắm vật thực cõi trời, màu sắc lấp lánh, thấm tẩm nhiều chất bổ dưỡng, thiên hương, thiên vị; gói trong mảnh mây lụa, cài thêm những đóa hoa trời rồi như đám mây ngũ sắc, họ xuất hiện tại hang động Pipphaliguhā, nơi này cũng không xa Veḷuvanārāma tịnh xá bao nhiêu.

Tôn giả Mahā Kassapa vừa ôm bát ra khỏi cửa động thì thấy sự xuất hiện đột ngột của cả một đám thiếu nữ sắc nước, hương trời, dung mạo và xiêm áo đều khác phàm, biết ngay họ là ai, nhưng ngài cũng điềm đạm, lịch sự hỏi:

- Quý cô là ai? Đến đây có việc gì không?

- Thưa, xin ngài hãy tế độ chúng con! Cho chúng con được đặt bát cúng dường!

- Xin chi biết lý do của sự cúng dường này?

- Để cho chúng con kiếm được một chút ít phước báu nương nhờ trong mai hậu.

- Vậy sao? Hãy xem lại mình đi! Phước báu hiện tại của quý cô hơn cả trăm ngàn lần, hơn cả triệu lần những người đang đói khổ ở xóm làng chiên-đà-la này, thế mà còn cất công từ xa xôi đến đây đòi “bòn” thêm phước nữa ư?

- Vâng! Chúng con luôn luôn thèm phước, luôn luôn thấy mình thiếu phước. Hãy cho chúng con đặt bát, thưa tôn giả quý kính!

Tôn giả Mahā Kassapa vẫn ôn tồn giải thích:

- Quý cô thử coi! Gió thường tìm vào hang trống, nước chỗ cao thì phải chảy xuống chỗ thấp. Đấy là định luật tự nhiên của đất trời. Khi mình đã có nhiều phước rồi, thì nên để dành phước này cho những người nhà cửa rách nát, thiếu cơm, thiếu áo, này hỡi chư ngọc nữ cung trời Ba Mươi Ba.

Biết là đã lộ tẩy trước đôi mắt của bậc thắng trí thượng nhân, chẳng biết sao hơn, tiu nghỉu, chư ngọc nữ tức khắc bay trở lại cung trời.

Đế Thích thiên chủ thấy biết hết mọi chuyện, ông cười cười nói với họ:

- Đi đặt bát cúng dường cho tôn giả Mahā Kassapa mà quý cô lại trang phục ăn vận cao sang như đi lễ hội nhà trời. Tôn giả ấy chỉ tế độ cho người nghèo, kẻ quần túm áo ôm, kẻ mà vá cơm có trấu lót bụng cũng thiếu thốn, nghe rõ không? Vậy thì mình phải biết giả dạng khuôn mặt méo mó, nhăn nhiu, già khọm, nghèo khổ, run lẩy bẩy... ở trong cái chòi trống hoác, lỗ chỗ nhìn thấy ngàn sao thắp rạng ban đêm kìa, biết chưa? Ta sẽ giả dạng như vậy may ra mới “hớt” được cái phần phước thiên hạ vô song này!

Nói xong, Thiên Chủ kêu nàng thiên hậu cưng quý của mình, cả hai tức khắc hóa trang thành hai ông bà già xấu xí, đói khổ rồi mất tích!

Thấy tôn giả Mahā Kassapa đang từ từ chậm rãi đi đến xóm nghèo của các gia đình cùng đinh, nô lệ, Đế Thích bèn sử dụng thần thông nối thêm một con đường mòn ngoằn ngoèo, bò sang một hướng khác. Ở tại đầu lối nhỏ này, Đế Thích cũng sử dụng thần thông tạo một căn nhà xiêu lệch, tồi tàn mà ông là một ông lão già khọm trên trăm tuổi, tóc bạc phơ, áo vá trăm mảnh, thân tợ bộ xương khô, teo tóp da và xương đang lẩy bẩy kéo chỉ. Còn bà cũng già nua như ông vậy, tóc bạc lưa thưa, răng rụng, móm mém... cũng đang tẩn mẩn, cặm cụi làm việc nơi khung dệt.

Dừng chân trước cửa, nhìn vào bên trong, thấy rõ sinh hoạt của một gia đình già cả neo đơn, tôn giả Mahā Kassapa tự nghĩ: “ Đúng là gia đình thợ dệt chăm chỉ! Cơ khổ! Chẳng có ai mà lại nghèo khó đến như hai ông bà già lão này. Dẫu không có cơm, có bánh đi nữa, dầu chỉ còn canh thừa,nước cháo chua hay cám rau... ta cũng hoan hỷ thọ nhận, độ thực để cho họ thoát kiếp khốn khổ này!”

Đế Thích biết chuyện ấy bèn dùng thiên âm rót vào tai nàng thiên hậu: “Ngài đang đứng trước cửa. Nàng cứ giả vờ không thấy, không biết, không nghe gì hết. Và ta cũng vậy. Cứ chăm chỉ, cần mẫn công việc của mình”.

Tôn giả đứng hồi lâu, thấy hai ông bà vẫn không hay biết, bèn cất tiếng “tằng hắng”. Vẫn không ai nghe. “Có lẽ họ điếc”, tôn giả tự nghĩ rồi “tằng hắng” lần thứ hai, lần thứ ba, lớn hơn.

Đế Thích bây giờ mới nói vừa đủ nghe:

- Bà nó ạ! Hình như có ai đang đứng trước cửa, bà nó xem thử là có chuyện gì vậy?

- Tui mắt mờ hơn ông, ông hãy nhìn xem thế nào?

Đế Thích bỏ khung cửi, bước ra, che mắt, hom hem nhìn. Như thử đã thấy biết rồi, ông già quỳ mọp xuống, lạy sát đất rồi than thở:

- Thần thánh ôi! Nghiệt dữ ha! Không mấy thuở có vị sa-môn của đức Phật Cù Đàm ghé nhà, cái tệ xá rách nát này đúng là được hưởng phước trời rồi! Nhưng bà nó ơi! Nhờ coi xem mình có thứ vật thực nào thượng hảo hạng, quý giá nhất không vậy bà?

Thiên hậu cũng phụ hoạ theo, đóng cho trọn vẹn màn kịch hay, lẩm ca lẩm cẩm nói:

- Ông nó nói cái gì vậy cà? Cái gì mà thượng hạng, cái gì là đệ nhất vậy cà? À... nhà ta có đấy! Hôm qua, tôi đã âm thầm bỏ tiền mua một món ăn đặc biệt, định bất ngờ tặng ông để kỷ niệm “một trăm lẻ mười mùa xuân” của ông đó!

- Tốt quá! Tốt quá! Vậy bà hãy làm ngay cái món đặc biệt ấy đi! Chúng ta cúng dường cái món “một trăm lẻ mười mùa xuân” thì chúng ta sẽ được hưởng hằng ngàn, hằng ngàn cái mùa xuân kia lận!

Tuân lời, bà lão bước vào trong một lát, bước ra, trên tay đã có một món ăn đặt trong cái bát lớn, sứt mẻ nhưng hương thơm lại tỏa ra ngào ngạt, như thơm lan cả kinh thành Rājagaha...

Tôn giả Mahā Kassapa sau khi thọ nhận vật thực tự tay hai ông bà run rẩy thay nhau sớt vào bát, tự nghĩ: “Gia đình thợ dệt nầy quả thật là rất nghèo khổ, nhưng bát vật thực, tại sao hương thơm lại tỏa ngát lên cả bốn cõi trời thiên vương như thế? Ai đây hả?”

Hướng tâm, và khi biết đấy chính là Đế Thích cùng với thứ hậu, tôn giả Mahā Kassapa la rầy:

- Thiệt là hết nói! Hiện hình ra đi thôi, Đế Thích thiên chủ và thứ hậu thiên nương! Tại sao hai vị lại chơi có trò này, lại đang tâm “hớt” mất phần phước của người nghèo khổ vậy?

Biết không còn giấu giếm bậc Đại thánh tăng được nữa, họ trở lại nguyên dạng. Đế Thích trong thân tướng mũ miện chói ngời, quỳ mọp bên chân:

- Xin tôn giả xá tội cho. Bởi đệ tử nghèo quá nên muốn “bòn” một chút phước thôi mà!

- Thiên chủ mà lại nghèo ư? Lại than nghèo hả? Một bậc thiên chủ cao sang, oai lực trùm trời đất, cai quản cả bốn châu thiên hạ(1), cai quản cả ba mươi ba tầng trời mà lại than nghèo, than khổ? Tội nghiệp không!

- Quả thật như vậy mà, đệ tử nghèo phước lắm! Đệ tử nói thật đó!

- Vậy thì thử nói ta nghe?

- Tôn giả cứ thử hướng tâm một chút là biết ngay mà. Sở dĩ đệ tử làm vua cõi trời Ba Mươi Ba là nhờ công đức mà đệ tử đã làm trong thời kỳ không có đức Chánh Đẳng Giác ra đời.

- Ừ, ta thấy rồi, biết rồi... và còn sao nữa?

- Kể từ độ ấy đến giờ, đệ tử cũng chỉ thọ hưởng phần phước xưa cũ đó thôi.

- Đúng vậy! Thiên chủ chưa làm thêm được một phước mới nào! Hãy nói tiếp đi!

- Thưa, trong kiếp hiện tại nầy, khi thấy tuổi thọ của mình sắp mãn, đệ tử đã qua trung gian ông nhạc sĩ trưởng của thiên đình, nên đã đến thăm viếng đức Thế Tôn trên núi Vediyaka, làng Ambasaṇḍā...

- Ừ, ta cũng thấy rồi, biết rồi. Nhưng lần ấy do phước trí nghe pháp, thiên chủ đạt được tâm bất thối với con đường, đồng thời hóa sanh trở lại thân Sakka trong nháy mắt...

- Đúng vậy! Nhưng đệ tử cũng chỉ hưởng lại phần phước cũ, phước mới cũng chưa có một chút gì!

- Ừ, ta đã hiểu.

Ngẫm nghĩ một lát, Đế Thích thưa:

- Tôn giả hãy cho biết: Làm phước, làm công đức trong thời kỳ có đức Chánh Đẳng Giác và làm phước, làm công đức trong thời kỳ không có đức Chánh Đẳng Giác thì cái nào thù thắng hơn, cái nào quả phước vượt trội hơn?

- Dĩ nhiên là thời kỳ có Phật!

- Vậy thì thưa tôn giả! Phước của đệ tử từ xưa đến nay, được làm, được tạo từ thuở không có Phật nên phước báu của đệ tử làm sao so sánh được với phước báu hiện nay của cận sự hai hàng trong giáo hội của đức Đạo Sư!

Tôn giả Mahā Kassapa gật đầu:

- Thiên chủ nói đúng!

- Vậy thì đệ tử nói đệ tử “nghèo phước” có đúng chăng?

- Đúng, nếu so sánh với những cận sự nam nữ hiện nay.

Rồi thiên chủ như tâm sự:

- Tôn giả biết không? Hiện nay trên cõi trời của đệ tử, có vị thiên vương tên là Cūḷaratha, vị thiên vương tên là Mahāratha, vị thiên vương tên là Anekavaṇṇa; họ chỉ là những thiện nam bình thường, nhưng nhờ bố thí, cúng dường đến đức Thế Tôn và tăng chúng nên mạng chung, hóa sanh lên cõi trời Đao Lợi, tức khắc, họ “giàu phước” hơn đệ tử nhiều.

- Nói cụ thể hơn một chút, thiên chủ!

- Thưa! Quyền lực cai trị, cai quản thì họ cũng chỉ là thần dân của đệ tử nhưng hào quang, sắc tướng thì họ thắng xa đệ tử. Đứng bên cạnh ba vị ấy thì quang sắc của đệ tử trở nên lu mờ và đen tối. Có lần, khi đến gần các vị ấy, đệ tử thấy thân sắc của mình trở nên u ám thảm hại; xấu hổ quá, đệ tử và cả đoàn cung nga đành phải chạy trốn vào biệt điện! Ôi! Thật là tệ hại! Ánh sáng từ nơi tướng hảo quang sắc của họ chiếu đến đệ tử thì như bao trùm cả đệ tử, dõng mãnh uy hiếp đệ tử; còn ánh sánh của đệ tử thì như sợ hãi, thập thò, thập thò... không dám bò tới, lết tới đụng đến cái chéo thiên bào của họ! Quả thật là khốn khổ, quả thật là nghèo đói phước đức quá trời trời, thưa tôn giả!

“ Đúng sự thật là vậy!” Tôn giả Mahā Kassapa nghĩ! “Tuy do mưu, do mẹo nhưng dù sao, nhân và duyên đã xảy ra rồi, quả và báo không thay đổi được”. Ngài bèn nhắc nhở:

- Thôi! Ta thông cảm! Nhưng một lần duy nhất này thôi đó nghe! Đừng có chơi cái trò chơi thiếu chơn, thiếu chánh như vậy nữa, thưa thiên chủ!

Như được đại xá, thiên chủ quỳ sụp, lạy lia lịa:

- Tri ân tôn giả! Tri ân tôn giả đã thông hiểu nỗi lòng!

- Được rồi!

- Nhưng đệ tử “dùng mẹo” để đặt bát cúng dường như thế thì phần phước sau này sẽ như thế nào, thưa tôn giả?

- Vẫn trả quả như thường, tuy nhiên, nó sẽ không được trọn vẹn đâu!

- Tại sao?

- Vì do thiên chủ có cái tâm hơi xiên lệch đó!

- Đệ tử hiểu!

- Phải tinh cần tu tập thêm một chút, chớ quá phóng dật! Phải hộ trì giáo pháp nhiệt tâm thêm một chút! Ta phúc chúc cho thiên chủ được tròn ước nguyện. Thôi, hãy đi đi!

- Xin ghi nhận lời dạy dỗ và tri ân tôn giả một lượt nữa!

Thế rồi, Đế Thích thiên chủ nắm tay thiên hậu, bay bổng lên không trung, tan hòa giữa mây trời, hỷ lạc dâng đầy khắp cả người, cao hứng thốt lên ba lần, âm ba vang động cả sơn hà, đại địa:

“- Ôi! Ta đã cúng dường vi diệu, thù thắng và ta sẽ được quả phước vi diệu, thù thắng!”

Đức Phật theo dõi diễn tiến câu chuyện từ đầu, đến khi thấy Đế Thích cảm hứng ngữ thốt lên sung sướng như vậy, ngài kể lại cho đại chúng tỳ-khưu nghe, sau đó thuyết giáo thêm rằng:

- Với phước báu cao sang như vậy rồi mà cái ông thiên chủ Đế Thích kia còn muốn đi “bòn” phước nữa! Cho hay, bất cứ chúng sanh nào cũng phải nương tựa phước, nhờ phước sanh, nhờ phước thành. Cho chí Như Lai cũng vậy, trong suốt bốn a-tăng-kỳ, trăm ngàn đại kiếp, Như Lai gần như toàn mãn ba-la-mật, mà những kiếp cuối cùng, như tích truyện thái tử Vessantara(1), vẫn còn tích lũy thêm năng lực của năm đại thí. Vậy, câu chuyện này các vị phải thuyết lại nơi này, nơi khác cho hai hàng cận sự nam nữ được nghe, để họ noi theo, để họ làm gương...

Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19:

Trong tác phẩm “Sự tích đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni” của soạn giả Minh Thiện - Trần Hữu Danh; ở hạ 19 này, tại núi Linh Thứu, có kể lại câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” của thiền tông Đông độ. Đại lược là khi đức Phật cầm bông hoa đưa lên, đại chúng không ai hiểu chuyện gì, chỉ có tôn giả Mahā Kassapa là mỉm cười. Đức Phật bèn nói: “Nay Như Lai có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn – Như Lai trao lại cho ông đó”.

Theo Tuệ Sỹ trong “Tinh hoa triết học Phật giáo” cũng nói là chuyện xảy ra tại núi Linh Thứu, và hoa là cành hoa Kumbhala.

Từ đấy, theo thiền Đông độ, ngài Mahā Kassapa được tâm ấn của Phật nên làm sơ tổ của thiền tông.

Thiền sư Nhất Hạnh cũng có kể lại chuyện này, trong tác phẩm “Đường xưa mây trắng” - cũng trong hạ 19 này, nhưng bối cảnh không gian thì xảy ra ở tại Jetavanārāma.

Xét rằng, câu chuyện này có một số vấn nghi:

1- Mới hạ thứ 19 mà sao đức Phật vội “trao” vậy? Và cuối đời, trước khi Niết-bàn, đức Phật chỉ dạy đại chúng trong mai hậu, hãy lấy Pháp và Luật làm thầy!?

2- Thời Phật, và tại Ấn Độ, chưa có thiền được gọi là thiền của tổ? Chỉ sang Trung Hoa mới có tổ sư thiền.

3- Tôn giả Mahā Kassapa duyên gặp đức Phật tại cội cây Bahuputtaka, gần làng Mahātiṭṭha; ngài đắc quả A-la-hán vào cuối hạ thứ nhất của đức Phật, sau hai vị đại đệ tử, sau ba vị Kassapa thờ thần lửa, sau 30 vị vương tử xứ Kosala, sau 54 vị bạn hữu công tử Yasa và Yasa (55), sau nhóm 5 đạo sĩ Koṇḍañña. Như vậy, trước tôn giả Mahā Kassapa, tối thiểu cũng có 95 (60+30+3+2) vị trên đây đắc quả A-la-hán, có nghĩa là họ đều có “chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn” cả rồi (con số 95 là chưa tính đệ tử của 3 anh em Kassapa và đệ tử của hai vị thượng thủ giáo hội). Hay đây là chánh pháp nhãn tạng khác, Niết-bàn diệu tâm khác?

4- Đây “có lẽ” là ý đồ do thiền tông Trung Hoa dựng lên, họ lập tôn giả Mahā Kassapa làm sơ tổ để chứng tỏ mình được kế thừa chính thống từ đức Phật. Nhưng danh sách ba mươi ba vị tổ sư lại quá nhiều sơ hở - vì có ít nhất là 5 vị tổ không liên hệ gì với thiền tông Trung Hoa cả, đó là:

- Thế Hữu (Vasumitra): Tổ thứ 7, sống vào thời vua Kanishka II, phụ tá với Hiếp Tôn Giả chủ trì kết tập kinh điển lần thứ IV của Hữu bộ bằng tiếng Saṅskrit. Hai bộ luận của ngài là “Dị bộ tông luận”“Giới thân túc luận” không liên hệ gì đến thiền tông cả. Ngược lại, Hữu bộ luận là nơi lập cước để các truyền thừa đi sau tranh luận với phái Không tông, Trung quán của Long Thọ.

- Hiếp Tôn Giả (Pārasava):Tổ thứ 10, chủ tọa cuộc kết tập kinh điển lần thứ IV của Hữu bộ. Cũng không liên hệ gì với thiền tông Trung Quốc (Ngay sự sắp xếp Hiếp Tôn Giả thứ 10, mà Thế Hữu thứ 7, ta đã thấy có cái gì đó bất ổn rồi.

- Mã Minh (Aśvaghoṣa):Tổ 12, chính ngài là người nhuận sắc toàn bộ Tam Tạng cho Hữu bộ, cũng không liên hệ đến Thiền Tông.

- Long Thọ (Nāgārjuna):Tổ 14, là vị triết gia kỳ vĩ, trước tác luận Trung Quán, là cơ sở của tất thảy học phái Không tông của Đại thừa sau này. Lưu ý: Không tông là lập cước cho các kinh luận Đại thừa phát triển chứ không phải Thiền tông – là bất lập văn tự.

- Thế Thân (Vasubandhu):Tổ 21, ngài trước tác 500 bộ luận tạo giềng mối vững chắc cho Hữu bộ, đả phá Đại thừa. Sau, do Vô Trước, anh ruột, thuộc Đại thừa, buồn phiền mà sinh bệnh; thương anh, Thế Thân viết tiếp 500 bộ luận nữa để xiển dương Duy thức, phát triển tư tưởng Đại thừa. Với hành trạng như thế mà Thiền tông cũng đưa ngài vào làm tổ của mình! Tóm lại, Thiền tông cố ý đưa cả 5 vị kể trên – kế thừa tổ thiền tông cả – thì mọi tinh hoa tư tưởng đều được họ mang về phái mình ở Trung Hoa hết rồi.

5- Thời Phật, tôn giả Mahā Kassapa được tôn là đệ nhất đầu-đà; và ngài chỉ nổi bật ở hạnh này, còn các phương diện khác như trí tuệ, thần thông, trì luật, thuyết pháp... thường không bằng các vị khác.

6- Đức Phật thường nói, Như Lai chỉ là một vị đạo sư dẫn đường, không phải là người lãnh đạo giáo hội, cũng không có ý đề cử ai lãnh đạo thay ngài. Vậy việc đức Phật “trao” cho tôn giả Mahā Kassapa “cái tâm gì đó” là khả nghi lắm! Cái thấy Niết-bàn, giác ngộ, thân chứng Niết-bàn, đức Phật “trao cho tất cả những ai có tai để nghe, có trí để tìm hiểu” kia mà!

7- Thiền tông còn nói rằng: Sau tôn giả Mahā Kassapa, người kế thừa là tôn giả Ānanda? Xin thưa, sau khi đức Phật nhập diệt ba tháng, trong lần kết tập Phật ngôn lần thứ nhất, tôn giả Ānanda đã đắc quả A-la-hán rồi. Không biết tôn giả Mahā Kassapa “trao kế thừa” cho tôn giả Ānanda cái gì đây? Lại nữa, tại Ấn Độ không có truyền thống kế thừa y bát.

(Ở đây chỉ xét về mặt lịch sử. Còn tư tưởng của Thiền tông từ ngài Đạt Ma, tư tưởng trong “Pháp bảo đàn kinh” của ngài Huệ Năng có chăng một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ kinh văn nguyên thuỷ - lại là chuyện khác, thuộc nghiên cứu khác).



(1)Là định diêt thọ, tưởng.

(1)Tứ Đại thiên vương là 4 vị thiên tướng của Đế Thích.

(1)Chuyện thái tử bố thí vợ, con.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/07/2012(Xem: 8395)
Điều 1- Người Phật tử chân chính nương tựa đức Phật, người thầy dẫn đường giúp cho nhân loại biết cách hướng thượng, từ nay cho đến trọn đời không tu theo Trời, Thần, Quỷ, vật, nhưng vẫn tôn trọng bằng tình người trong cuộc sống.
09/07/2012(Xem: 6735)
Điều 1- Người Phật tử chân chính, trước khi làm gì và đi theo quan điểm của ai, chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư chiêm nghiệm, sau khi thấy rõ lợi ích thiết thực, không làm tổn hại người vật, ngay khi đó chúng ta mới tin và bắt đầu thực hành theo.
07/07/2012(Xem: 9238)
Tôn giáo là phương tiện, là phương pháp hoặc công cụ có thể hỗ trợ mọi người hòa nhập vào đời sống tâm linh. Điều đó nên như vậy nhưng đôi khi nó lại không được thực hiện.
06/07/2012(Xem: 9620)
Trước tiên xin cảm ơn Ngài vô cùng vì đã nói chuyện với chúng tôi sáng nay. Thưa Đức Thánh Thiện, Ngài vừa nói chuyện với sinh viên ở San Diego về 'lòng từ bi không biên giới', bây giờ tôi muốn hỏi Ngài trước hết về 'lòng từ bi trong biên giới'. Ngài nghĩ Hoa Kỳ có phải là một quốc gia từ bi không?
05/07/2012(Xem: 15205)
Truyen Tam Phap Yeu Giang Giai
05/07/2012(Xem: 8080)
Người đẹp thì dù đi tu, đầu cạo trọc, khoác cà-sa vẫn đẹp. Ở đời cũng như trong đạo, khả ái và dễ thương là một phước báo. Tuy vậy lợi điểm này đôi khi cũng bất cập hại và không ít người tu phải lao đao vì cái "đẹp" của mình.
04/07/2012(Xem: 9323)
Chư Phật Như Lai đã lìa mọi cái thấy, mọi tưởng, nên tâm không chỗ nào không hiện diện. Tâm chân thật ấy là tánh của tất cả các pháp.
01/07/2012(Xem: 15188)
Ai mong ước trở về Chân-Thiện-Mĩ Cũng phải vào nguồn tỉnh thức tâm linh Cần hướng đến mẫu số chung: Vô Ngã
26/06/2012(Xem: 7973)
Trong kinh điển Phật giáo, danh và thực là hai phạm trù được đề cập, phân tích cặn kẽ. Danh là tên gọi, hình thức bên ngoài. Thực là phẩm chất, nội dung bên trong.
26/06/2012(Xem: 13413)
Bồ đề tâm là vua các phép lành. Phát Bồ đề tâm là điều tối cần thiết của một đệ tử Phật. Có nhiều bản văn của chư Tổ viết để khuyên người phát tâm vô thượng ấy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]