Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Bốn Mươi Chín Ngày Sau Khi Thành Đạo

14/03/201418:34(Xem: 29381)
26. Bốn Mươi Chín Ngày Sau Khi Thành Đạo

Mot_Cuoc_Doi_01

26. Bốn Mươi Chín Ngày
Sau Khi Thành Đạo





Giáo pháp vi diệu, sâu mầu vừa chứng đạt còn cần phải chiêm nghiệm nên đức Phật Gotama chưa vội đi đâu, ngài còn cần phải rà soát lại toàn bộ sự thấy biết ấy. Đây chính là thời gian mà ngài vừa thọ hưởng hạnh phúc siêu thế vừa làm cho hệ thống lại, chi tiết thêm cái kho tàng nội tâm vừa mới khám phá.

Tuần lễ thứ nhất, tại cội cây tuệ giác (bodhirukkha), đức Phật Gotama trú tâm vào hơi thở và lát sau, ngài nhẹ nhàng đi vào tứ thiền; rời tứ thiền, ngài lên bốn tầng thiền vô sắc; rời phi tưởng, phi phi tưởng, hai sát na sau, ngài đi vào diệt thọ tưởng định, yên lắng cảm giác và tri giác để nghỉ ngơi, tịnh dưỡng trong cõi Niết-bàn, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế (vimuttisukha). Bảy ngày qua đi nhưng thời gian chỉ như cái chớp mắt, đức Phật Gotama xả định Diệt thọ tưởng, lần lượt xuống Phi tưởng phi phi tưởng, xuống Vô sở hữu... rồi trở lại sơ thiền... lên lại tứ thiền, xuống cận hành để chiếu soi, xem xét lại giáo pháp duyên khởi. Đây là một loại giáo pháp tế vi, sâu nhiệm, phải cần được khám phá một cách toàn diện và triệt để. Giáo pháp này rất mới mẻ, đi ngược với truyền thống ngàn xưa từ suối nguồn kinh điển Vệ-đà. Vậy muốn truyền bá cho nhân gian dễ thấy, dễ biết, dễ thuyết phục thì phải tỏ tường tận chân tơ kẽ tóc mỗi sát-na tư tưởng, tâm niệm, trạng thái, cái tạo nên dòng chảy duyên khởi phức tạp ấy. Vô thường, vô ngã và dukkha cũng từ đây mà dấy sanh, mà nhận biết, mà chứng nghiệm. Thế là trong minh nhiên vắng lặng và trong suốt, đức Phật Gotama thấy rõ từng vòng khoen, dính trong nhau, tiếp lực cho nhau, tan hòa trong nhau; và, quá khứ, hiện tại, vị lai dường như không có gián cách, chẳng có kẽ hở nào. Tùy thuộc vô minh, hành sinh khởi. Tùy thuộc hành, thức sanh khởi. Tùy thuộc thức, danh sắc sanh khởi. Tùy thuộc danh sắc, lục nhập sanh khởi. Tùy thuộc lục nhập, xúc sanh khởi. Tùy thuộc xúc, các cảm thọ sanh khởi. Tùy thuộc cảm thọ, ái sanh khởi. Tùy thuộc ái, các thủ sanh khởi. Tùy thuộc thủ, các hữu sanh khởi. Rồi sanh, rồi già, rồi chết, rồi sầu bi khổ ưu não chi phối toàn bộ chúng hữu tình. Vòng luân hồi thế là đã lập định. Muốn chấm dứt vòng tái sanh luân chuyển rối mù và kiên cố ấy, ngài đã tìm ra. Cứ gỡ một khoen là chúng sẽ đứt lìa, nhất là cái khoen vô minh. Chấm dứt vô minh thì hành chấm dứt. Chấm dứt hành thì thức chấm dứt. Chấm dứt thức thì danh sắc không thể sanh khởi. Không có danh sắc thì sẽ không có lục nhập. Chấm dứt lục nhập thì xúc chạm vào đâu. Không có xúc thì làm sao có ái. Không có ái thì thọ đoạn trừ. Không có thọ thì không có thủ. Không có thủ thì không có hữu. Không có hữu thì không có sanh. Với sự chấm dứt sanh thì già bệnh chết, và toàn bộ khối đau khổ- sầu bi khổ ưu não - sẽ chấm dứt. Muốn tỏ tường hơn nữa, ngài quán sát chiều xuôi và chiều ngược vòng duyên khởi ấy nhiều lần. Chẳng có chỗ nào là không hiện ra một cách thông tỏ, minh bạch. “Khi nhân này có thì có quả này. Có sự phát sanh của nhân này thì có quả này phát sanh. Khi nhân này không có thì quả này không thể có mặt. Nếu nhân này chấm dứt thì quả này chấm dứt.” Đức Phật Gotama vào đêm cuối của tuần lễ thứ nhất ấy, ngài thốt lên câu kệ cảm hứng ngữ như một khúc ca khải hoàn:

“- Quả thật là như vậy, chân lý đã hiển hiện minh nhiên trước tuệ nhãn thâm sâu của ta. Bao nhiêu hoài nghi, tối tăm đã được vén mở, phủi sạch. Toàn bộ khối đau khổ ta đã tìm thấy nguyên nhân và ta đã tận diệt chúng không còn dư tàn.”

Tuần lễ thứ hai, lúc vầng dương vừa ló dạng, đức Phật Gotama xả thiền, bước ra xa chừng hai mươi tầm thốt nốt, hướng đông bắc, đứng nhìn cội cây ân nghĩa đã che sương đỡ nắng cho ngài suốt thời gian qua. Ngài biết là rồi ngài sẽ ra đi, giã biệt người bạn vô tình này. Một cọng cỏ, một chiếc lá ở nơi đây đã cùng với ngài mà hiện hữu, đã cùng với ngài mà nói lên sự sống vô cùng; huống gì cội bồ-đề, cây tuệ giác này, là người bạn, là chứng nhân cho sự giác ngộ viên mãn và rốt ráo của ngài. Thế rồi, đức Phật Gotama đứng nhìn đăm đăm và bất động cội bodhirukkha, không đổi oai nghi. Bảy lần nắng, bảy lần sương, bảy lần mặt trời mọc và lặn, bảy lần mặt trăng lên và xuống… ngài không chớp mắt, liên tục nuôi dưỡng những sát-na tâm tĩnh lặng, thanh bình. Ngài muốn để lại cho thế gian một bài học về hạnh tri ân.

Tuần lễ thứ ba, suốt nửa tháng, thấy đức Phật Gotama cứ luẩn quẩn loanh quanh tại cội bồ-đề, một số chư thiên hoài nghi không biết ngài đã thật sự chứng đắc đạo quả hay chưa? Và pháp giác ngộ của một bậc Chánh Đẳng Giác được nhiều vị trời có nhiều oai lực ca tụng, tán thán ấy ra sao? Thấy rõ tâm ý ấy, đức Phật Gotama đã dùng thần thông, tạo một con đường bằng ngọc (ratana camkamana) giữa hư không, từ chỗ ngài đứng đến cội bồ-đề, rồi đi kinh hành lui tới suốt cả bảy ngày trên ấy. Chưa thôi, ngài còn vận dụng một loại thần thông trao truyền tư tưởng cho số chư thiên ấy biết rằng, ngài còn có chín đức tánh vô thượng, mười tuệ lực viên mãn, bốn pháp vô úy siêu việt, bốn năng lực chở che bất hại, bốn trí biện thông vô ngại, bốn vô lượng tâm với chúng sanh, Ba Mươi Ba-la-mật tối thắng, tròn đủ sáu thông, tám minh, mười lăm hạnh và còn nhiều hơn thế nữa. Hiểu xong, biết xong, thấy xong, số chư thiên ấy hoan hỷ tán thán không hết lời. Hoa mạn-thù tung bay phất phới.

Tuần lễ thứ tư, đức Phật Gotama dùng thần thông, kiến tạo một ngôi lầu bằng ngọc (ratanaghara) ở hướng Tây Bắc, tượng trưng cho ngôi lầu giáo pháp rồi ngài ngự ở trong ấy, quán chiếu, soi tỏ những trạng thái sanh diệt của những sát-na tâm. Những dòng tâm đi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Những dòng tâm dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế giới. Sự diễn tiến, vận hành của danh sắc từ thô đến tế. Tuệ soi đến đâu là ngài thấy rõ đến đấy. Chỉ cần hướng tâm, là ngài thấy rõ dòng tâm của cả con kiến, con ruồi, chim, thú dữ, kẻ đui mù, người điếc lãng, ngạ quỷ, chư thiên, địa tiên, a-tu-la. Ôi, quả thật là vi diệu, sâu nhiệm, ngại rằng có giảng nói cũng chẳng ai biết, ai thấy, ai tin! Các danh pháp sinh diệt nhanh quá, ngay một sát-na đã có ba tiểu sát-na sanh, trụ và diệt. Ngay một sắc pháp, có cái còn tế vi tợ hư không. Thế mà chính chúng, cái nhỏ nhiệm tưởng như không thấy ấy, nó là nhân, là duyên, tương hệ duyên phức tạp để tạo nên thế gian, thế giới, nhân sinh, hữu tình, vô lượng vô biên dòng chảy, những rừng thống khổ, những biển nước mắt! Thế là suốt bảy ngày, đức Phật Gotama đã phác thảo bố cục, nội dung, chi tiết toàn bộ tạng Abhidhamma. Thế rồi, ngài hình dung, sau này, tòa nhà lầu giáo pháp, phải lấy bốn niệm xứ làm nền móng, bốn cây cột vững chắc chính là bốn thần túc, vách tường phải được dựng lên, ngăn chặn bất thiện pháp - chính là Luật giới. Rui, mè, đòn tay, các chi tiết phụ khác chính là tạng Kinh. Abhidhamma chính là nóc lầu. Trong khi tuệ đi sâu vào tâm để thấy những vi tế, phức tạp của những sát-na nhân duyên và duyên hệ (sau này là bộ Paṭṭhāna - tinh hoa của tạng Abhidhamma) cả thân và tâm đức Phật Gotama trở nên sáng trong và tinh khiết, tỏa ra vòng hào quang sáu màu, đó là xanh dương (nīla), vàng (pīta), đỏ (lohita), trắng (odāta), cam (majeṭṭha) và trộn lẫn năm màu thành màu thứ sáu (pabhassara).

Tuần lễ thứ năm, đức Phật Gotama bước qua hướng đông của cội bồ-đề, tọa thiền tĩnh tại dưới bóng cây ajapālanigrodha, thọ hưởng hạnh phúc vô vi, giải thoát. Vào ngày cuối, đọt nhiên có một người bà-la-môn ngã mạn (hukumkajātika) đi ngang, dừng lại hỏi:

- Này sa-môn! Ông hạ thủ công phu tu hành như vậy, nhưng có biết, đứng ở phương diện nào ta có thể trở thành thánh nhơn? Nói cách khác, có những điều kiện, nguyên nhân nào để trở thành bậc thánh nhơn?

Đức Phật Gotama đã trả lời bằng bài kệ:

“- Xa lánh mọi điều xấu xa, tội lỗi, không còn ngã mạn (hukumka), đã tịnh hóa mọi ô nhiễm, chế phục, điều ngự lục căn, thông suốt pháp học và chơn chánh, sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được gọi là thánh nhơn. Vị ấy không còn tham sân, phóng dật, phiền não dù ở đâu trên thế gian này!”(1)

Nội dung pháp thoại như đọc được tâm hành của mình, sợ hãi quá, người bà-la-môn lủi mất.

Sau đó, còn một biến cố khác: Ba người con gái của Ma vương là Taṇhā (tham ái), Arati (tật đố) và Rāga (dục ái) đã dùng đủ mọi cách để quyến rũ đức Phật Gotama nhưng thất bại.

Chuyện là, sau khi dẫn thiên binh, thiên tướng thảm bại trở về, Ma vương rầu rĩ. Siddhattha Gotama đã chiến thắng, có nghĩa là danh vọng, tiếng tăm, quyền uy của Ma vương từ nay sẽ bị suy giảm. Thấy Ma vương cứ thở vắn, than dài, không thiết gì đến những thú vui ngũ dục tối thượng của cõi trời, ba người con gái tìm hỏi đầu đuôi tự sự. Sau khi hiểu rõ, họ đồng thanh cười phá lên. Nói rằng:

- Trên thế gian này, chẳng ai có thể thoát khỏi quyền uy của nữ giới; trái tim người đàn ông dẫu sắt đá, dẫu như làm chủ được mình, nhưng sẽ ngã gục bởi sắc đẹp thiên kiều bá mị, bởi tiếng nói hoa cười ngọc thốt, bởi mùi hương nữ tính quyến rũ. Phụ vương hãy giao nhiệm vụ ấy cho chúng con.

Ma vương dẫu không còn tin tưởng gì lắm, do nghĩ đến ngũ dục tối thượng ở ba tòa Cung Vui, thái tử cũng không mê đắm nhưng chẳng có kế sách nào khác, đành phải gật đầu đồng thuận. Thế là ba cô thiên nữ, vốn đã sẵn có sắc đẹp mỹ diệu, vóc ngọc, dáng ngà, đào tơ, sen ngó chợt biến hóa thành ba nữ vương sắc đẹp xứng đáng đội vương miện hoa hậu tam giới, dẫn theo một đoàn ca nữ, nhạc nữ, vũ nữ cùng những nhạc khí tối thượng, trong nháy mắt đã dập dờn xung quanh cội cây Ajapālanigrodha. Thế rồi đàn, sáo, kèn du dương trầm bổng trỗi lên. Tiếng hát lời ca ma mị, cuốn hút, đam mê, đắm say tán dương ái tình, dục vọng thể xác đồng một loạt như những mũi tên hoa dịu dàng, tẩm độc, phóng thẳng vào tim đức Phật Gotama. Chưa thôi, hòa theo tiếng nhạc là những vũ điệu mềm mại, uyển chuyển, lướt trôi, phơi phới, nhẹ bay những tấm xiêm lụa mỏng như mây, ẩn hiện những tòa thiên nhiên bồng đảo lẳng lơ, khêu gợi. Tuy nhiên, đức Phật Gotama vẫn an nhiên, trạm nhiên, thanh tịnh, bất động. Thấy bọn thiên nữ không lay chuyển, rung động được người đàn ông trác việt, phi phàm, ba cô con gái nháy mắt với nhau đồng ra tay. Họ dùng thần lực biến hóa ra từng khung cảnh, từng kỷ niệm, từng giai đoạn tình tự và ân ái mặn nồng trước đây giữa thái tử và Yasodharā. Từ xiêm áo, màu sắc, nước da, suối tóc, khuôn mặt, vóc dáng, giọng nói, ánh mắt, gót sen, búp tay; tất cả đều y hệt công nương Yasodharā. Và ba đoạn, ba cảnh là ba Yasodharā thuở xưa: Tại cuộc thi hoa hậu, thi võ nghệ và tuần trăng mật. Lại còn từng giọng bướm ong, lời chăn gối, cứ thủ thỉ thù thì như rót đường, rót mật vào tai. Ôi, biết bao nhiêu là mặn nồng, xao xuyến do hương hoa, hương xiêm y, hương da, hương tóc, hương kỷ niệm, hương cả một cuộc đời thanh xuân, tươi trẻ như cơn mưa tình xối xả đổ xuống tâm trí, gợi nhắc những hoài niệm ngọt ngào hầu quyến rũ đức Phật Gotama. Ồ, thật kinh khiếp thay là quyền lực vô địch của sắc thanh hương cõi trời! Tuy nhiên, chỉ như làn gió nhẹ xao qua cành lá, mặt phẳng tâm hồ của ngài chẳng gợn lên một tí nào, chẳng thể làm xao động được những sát na thâm sâu của đại định. Đức Phật Gotama mở mắt ra, mỉm nụ cười như đóa sen xanh rồi nói với các nữ ma:

- Vô lượng sắc đẹp mỹ miều, âm thanh khả ái, hương vị khả lạc, Như Lai đã chiến thắng, đã bước qua, đã giải thoát tất cả chúng rồi. Chẳng còn quyền lực nào trong tam giới có thể chỉ huy, sai khiến hoặc quyến rũ Như Lai được nữa. Khêu gợi bản năng tính dục là đòn phép tối thượng mà các ngươi vừa biến hóa, chưng bày, trình diễn cũng không thể chinh phục được Như Lai. Đằng sau chúng là vị đắng, chua, chát, gai máu, dơ bẩn, độc dược, nước mắt, hận thù, địa ngục và ngạ quỷ. Chúng sanh cứ hối hả, hớt hải, triền miên nhảy vào chiếc lưới quỷ quái, xảo quyệt của các ngươi, bị các ngươi trói chặt từ vô lượng kiếp rồi. Thôi, các ngươi hãy tự tan biến đi! Hãy trở về với cái bầu bóng tối si mê và dục vọng vô tận, vô độ của các ngươi, của ma chúa các ngươi!

Lời nói chân thật có uy lực bất khả tỉ của đức Phật Gotama, nhiệm mầu thay, chúng ma nữ, tức khắc tan vào bóng tối, trả lại khung cảnh thanh bình, trời quang, mây rạng. Lũ chim quanh rừng chợt cất tiếng hót líu lo, ríu rít. Mấy chú nai con không biết ở đâu đến, nằm yên lặng gần bên, đưa những đôi mắt tròn, đen lay láy nhìn ngài với vô vàn sự trìu mến và tin cậy.

Tuần lễ thứ sáu, đức Phật Gotama bước qua hướng Đông của cây Ajapālanigrodha, tọa thiền dưới bóng cây Muccalinda để chiêm cảm niềm vui siêu thế. Bất chợt, gió lạ thổi tới, càng lúc càng mạnh, mây đen vần vũ kéo đến, sấm chớp đì đùng nổi lên, rồi một trận mưa xối xả tối trời, tối đất phủ dập núi rừng. Có chú rồng rất lớn ở một cái hồ sâu gần đấy, hằng đêm trông thấy hào quang lóng lánh sáu màu kỳ lạ của đức Phật Gotama, tò mò, ngạc nhiên tìm đến. Sau khi quan sát một hồi, chú rồng tự nghĩ: Vị này là ai mà tướng mạo oai phong, tươi đẹp, cao sang, quý phái tột bực như thế nầy? Chắc không phải là người! Vậy là thần, là chư thiên, phạm thiên chăng? Đức Phật Gotama biết được ý nghĩ của rồng, dùng thần thông, chỉ trong một vài niệm là trao gởi thông tin, cho rồng biết rõ ngài là Phật, đã tận diệt mọi khổ đau, phiền não, đã ở ngoài tam giới, hiện tại, luôn có những vị trời, quân của Tứ đại thiên vương (Cātummahārāja) túc trực, hầu hạ bên cạnh. Sung sướng, hạnh phúc quá, rồng tự nghĩ: Vậy đây là phước báu hy hữu của ta, ta phải dùng thần thông, chở che cho ngài trong suốt thời gian mưa to gió lớn này. Nghĩ thế xong, rồng quấn quanh kim thân đức Phật Gotama bảy vòng, hóa ra bảy cái đầu như bảy cái tàn lọng vĩ đại, che kín, không để cho bất kỳ một hạt mưa nào xâm phạm, rơi đụng chéo y của ngài. Trận mưa thật là kinh hoàng và dai dẳng, suốt gần một tuần lễ mới dứt. Sau khi trời trong, mây tan, gió lặng, rồng gỡ mình ra, hóa thành một thanh niên, cung kính, năm vóc sát đất đảnh lễ ngài. Đức Phật Gotama tán thán công đức của rồng, sau đó, nói một bài kệ:

“- Đã nghe, đã thấy chân lý, sống tri túc, ẩn dật là hạnh phúc. Biết thu thúc, có tâm lành tốt đối với mọi chúng sanh là hạnh phúc. Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng tầm thường là hạnh phúc. Phá được ngã chấp, ngã ái là hạnh phúc tối thượng”(1).

Tuần lễ thứ bảy, đức Phật Gotama bước đến phía bên phải cội cây Muccalinda, ngồi dưới tàn cây Rājāyatana, an nhập diệt thọ tưởng định…

Thế là suốt bốn mươi chín ngày, đức Phật Gotama không ăn; ngài duy trì mạng sống, sức khỏe nhờ vào mâm vàng cơm sữa kỳ diệu bốn mươi chín vắt, bằng trái thốt nốt, của nàng Sujātā, con gái của triệu phú Senānī. Cơ thể của ngài tuy có gầy ốm nhưng thần sắc vẫn tươi rạng, thần khí vẫn sung mãn do được nuôi dưỡng bởi pháp lạc của thiền, pháp lạc của quả, pháp lạc của giải thoát. Thời gian này, đức Phật Gotama đã chiêm nghiệm, rà soát lại toàn bộ giáo pháp mà ngài đã kiếm tìm được, chứng ngộ được. Chúng vẹn toàn, châu biến, mỹ mãn chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối.

Tại nhân gian là vậy, nhưng ở thế giới tưởng như vô hình, chư thiên, phạm thiên vẫn theo dõi ngài, nhất là những vị có căn cơ sâu dày với thiện pháp, những vị đã từng tạo ba-la-mật cùng với ngài trong nhiều tiền kiếp xa xăm. Sốt sắng, nhiệt tình và nhiều tín tâm nhất chính là Tứ đại thiên vương và vua trời Sakka. Trong không gian thanh lặng, họ bảo vệ ngài rất chặt chẽ, nghiêm cẩn, chu đáo. Bởi vậy, thấy đức Phật Gotama xả thiền sau khi nhịn ăn suốt bốn mươi chín ngày, trời Sakka hóa thân thành một người chăn bò, tình cờ đi ngang, nghêu ngao ca hát, rồi biếu tặng ngài một nắm trái ca-na chín vàng, bảo là sa-môn hãy ăn cho vui miệng. Đức Phật Gotama mỉm cười thọ nhận, ngài biết đấy là trời Sakka; lại càng biết trong những trái ca-na kia, ông ta đã thành tâm, cẩn trọng tẩm đầy thực phẩm tinh tế, vi diệu của cõi trời để cúng dường. Ngài nói:

- Như Lai chúc phúc cho ngươi. Thiện pháp càng gieo trồng thì quả trái mai hậu càng thịnh mãn, ngạt ngào hương sắc. Như Lai và ngươi còn nhiều nhân duyên gặp gỡ.

Hôm sau, có hai vị thương gia, tên là Tapussa và Bhallika; họ là hai anh em ruột, với năm trăm cỗ xe hàng hóa, từ Ukkala trên đường đến sông Gaṅgā, theo lộ trình thiên lý trở lại quê nhà, đang dừng nghỉ dưới một cội cây gần đó. Có một vị thiên, kiếp trước là quyến thuộc của hai người ấy, nghĩ rằng: “Con đường thương mãi, con đường kiếm tiền làm giàu là niềm đam mê của họ. Giàu rồi thì muốn giàu thêm. Đấy là cái hố tham không đáy. Miệt mài tích lũy của cải, bạc vàng là nấm mồ chôn biết bao tâm địa si ác của con người. Càng tích lũy thì càng ích kỷ, càng sa lầy vào những hành nghiệp xấu ác. Ta rất xót thương họ. Ta muốn giúp đỡ họ. Ta phải tạo duyên cho họ biết làm phước, cúng dường, biết gieo trồng thiện pháp - nhất là gieo vào đám ruộng đệ nhất thượng đẳng điền”.

Nghĩ là làm, vị thiên dùng thần lực làm cho cả năm trăm cỗ xe, mặc dầu được cột rịt kiên cố bởi năm trăm con bò kéo, tự dưng một ngàn bánh xe bị quay tròn, trong lúc xe vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Lạ lùng quá, ngạc nhiên quá, hai vị thương gia cùng những người giúp việc, chạy đến níu giữ xe lại. Vẫn không ăn thua, những bánh xe vẫn thản nhiên quay! Kinh dị, sợ hãi, tái mặt... họ đồng quỳ xuống lạy như tế sao, van vái thần trời, thần đất, thần cây xin tha cho họ, xin đừng trừng phạt họ nữa. Lúc này, vị thiên mới hiện thân ra với thần sắc cao sang, chói sáng, đứng giữa hư không, uy nghi, lẫm lẫm, đẹp một ngàn lần hơn vua chúa của cõi người. Vị thiên nói:

- Ta không làm hại hai vị đâu. Trong quá khứ, ta và hai vị có một lần là cùng chung huyết thống. Hiện tại, do chút phước kiếp trước, ta sanh làm một vị trời nho nhỏ. Ta muốn giúp hai vị biết hướng thiện quay đầu, trở về với thiện pháp để được lợi ích lâu dài...

Nói thế xong, vị thiên đưa tay chỉ về hướng cội cây Rājāyatana, nói rằng:

- Cách đây không bao xa, chỉ chừng một tầm cây cung, có một vị Phật, một bậc Chánh Đẳng Giác vừa ra đời. Đấy là một bậc vô thượng mà chư thiên, Tứ đại thiên vương, Chúa chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba, Phạm thiên... đều phải quy ngưỡng, cung kính, cúng dường. Thật là duyên lành hy hữu cho hai vị. Ngay bây giờ, hãy chuẩn bị bánh bột rang và mật ong(1)để đến dâng cúng cho ngài. Đã bốn mươi chín ngày, ngài không ăn. Vậy cúng dường vào lúc này là phước quả sẽ trổ sanh như rừng, như biển...

Nói xong, vị thiên biến mất. Hai vị thương gia rùng mình, kinh cảm. Một vị trời nho nhỏ mà năng lực, phước tướng như thế ấy, huống hồ... Với sự kính trọng vô biên và niềm hoan hỷ dạt dào, họ mang bánh sattu và madhu tìm đến cội cây vị thiên đã chỉ. Thấy vị sa-môn với tướng hảo quang minh, oai nghiêm mà dịu hiền, như mặt trăng và mặt trời cùng giao hòa với nhau mà lung linh tỏa rạng; cả hai cùng quỳ xuống, rồi thưa:

- Chúng con từ xa đến, nhờ có một vị thiên quyến thuộc chỉ bày; xin được thành kính cúng dường ngài chút vật thực mọn mảy; mong ngài hoan hỷ và bi mẫn thọ dụng để cho chúng con được lợi lạc dài lâu.

Đức Phật Gotama tự nghĩ: “Bây giờ ta không có bát, chẳng rõ các vị Phật quá khứ có khi nào thọ nhận vật thực bằng tay không?” Ngay khi ấy, đọc được tâm ý của ngài, Tứ đại thiên vương tức khắc vân tập, hiện nguyên hình, dâng cho ngài bốn cái bát bằng đá của cõi trời. Ngài nhận cả bốn cái bát, sau đó, dùng thần thông, nhập bốn cái làm một rồi thọ lãnh bánh bột rang và mật ong của hai vị thương gia.

Ngài độ thực xong, họ dâng nước và tăm xỉa răng. Với vài lời ngắn gọn, đức Phật Gotama phúc chúc đến họ rồi giảng cho họ nghe biết Phật là gì, giác ngộ, giải thoát là gì; giáo pháp, tức là con đường thoát khổ ấy ra sao.

Hoan hỷ quá, hai người thương gia quỳ mọp xuống, năm vóc sát đất, đồng thốt lên:

- Xin ngài cho chúng con được nương tựa, được gieo duyên với ngài cùng với giáo pháp thoát khổ ấy!

Đức Phật Gotama mỉm cười:

- Ừ, hai ông là hai người đầu tiên trong giáo pháp của Như Lai đấy; vậy thì phải nói như thế này cho được đúng hơn: “Buddhaṃ, saranaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi” (Tôi đi đến nương tựa nơi đức Phật. Tôi đi đến nương tựa nơi giáo pháp.)

Hai người thương gia y lời vập đầu đọc lại ba lần.

- Thế là hai ông trở thành đệ tử đầu tiên của Như Lai trên thế gian này đấy.

Tapussa và Bhallika vòng tay, cúi đầu rồi thưa:

- Chúng con ở rất xa, là người nước ngoài, lần này về, không biết lúc nào trở lại Māgadha. Vậy xin ngài cho chúng con một vật gì đó để chúng con tưởng niệm, để hằng nhớ đến ngài và giáo pháp.

Đức Phật Gotama tiện tay đưa lên đầu, lấy mấy sợi tóc rồi trao cho hai người khách thương - có tám sợi - rồi nói:

- Các ông vậy là có đại nhân duyên. Mấy sợi tóc của Như Lai không phải đơn giản. Sau này, lúc Như Lai nhập diệt rồi, ở xứ các ông sẽ thịnh hành giáo pháp diệt khổ nhiều ngàn năm(1).

Hai người thương gia vừa đi một lát, đức Phật Gotama ngồi suy nghiệm, có một số ý nghĩ nảy sanh:

- “Giới đức, hạnh đức ở nới ta đã chu toàn, viên mãn. Định thế gian và thánh quả định, ta cũng chu toàn, viên mãn. Tuệ ba cõi và tuệ siêu thế, ta cũng đã tròn đầy và châu biến. Pháp giải thoát từ cạn vào sâu, từ trong ra ngoài ta đều cởi bỏ toàn diện, rỗng không, chẳng có gì dính mắc. Vậy trên thế gian này có ai tối thượng hơn để ta có thể đến thân cận, học hỏi, lễ bái, cung kỉnh và tôn trọng?”

Sau đó, đức Phật Gotama hướng tâm đưa tuệ vô biên nhìn khắp ba cõi bốn loài, mười phương thế giới, cảm thán, ngài thốt lên:

-“Thật cô độc làm sao! Ta đã nhìn khắp thế gian, thế giới mà ta không thấy ai trong cõi người và trời, sa-môn, bà-la-môn, ma vương, chư thiên hay phạm thiên có giới đức, giới hạnh, giới tạng (sīkhakkhanda) hơn ta để ta có thể đến để thân cận, học hỏi, để tỏ lòng tôn kính, lễ bái, sùng mộ!

Và ta cũng đã nhìn khắp thế gian, thế giới, khắp các cõi trời và người, nhưng không tìm thấy một sa-môn, bà-la-môn, ma vương, chư thiên, phạm thiên nào có định đức, định hạnh, định tạng (samādhikkhanda), có tuệ đức,tuệ hạnh, tuệ tạng (paññākkhanda), có giải thoát đức, giải thoát hạnh, giải thoát tạng (vimuttikkhanda) hơn ta để ta có thể đến để thân cận, học hỏi, để tỏ lòng tôn kính, lễ bái, sùng mộ!”

Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến ngài:

“- Vậy, giáo pháp, pháp báu, pháp tạng này (dhammakkhanda) là tối thượng tôn, là vô năng thắng - hay ta hãy tỏ lòng tôn kính, lễ bái, sùng mộ cái giáo pháp mà ta vừa chứng ngộ?”

Lúc ấy, phạm thiên Sāhampati, bạn thân của ngài từ thời đức Phật Kassapa, với thời gian chớp mắt, sử dụng thần thông, như viên lực sĩ duỗi cánh tay đã hiển hiện bên cội cây Rājāyatana, cung kính chấp tay rồi nói rằng:

- Quả thật vậy, thưa đức đạo sư vô song (satthā anuttaro), bậc thượng nhơn vô tỉ, những bậc Ứng Cúng, những đức Chánh Đẳng Giác trong quá khứ đều tỏ ra tôn kính và sùng mộ giáo pháp này.

Những bậc Ứng Cúng, những đức Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai cũng tôn kính và sùng mộ giáo pháp này.

Vậy bạch đức Thế Tôn, cầu xin ngài cũng là bậc Ứng Cúng, đức Chánh Đẳng Giác trong thời hiện tại, hãy tôn kính và sùng mộ giáo pháp ấy.

Phạm thiên Sāhampati còn nói thêm rằng: Những bậc Chánh Biến Tri trong quá khứ, vị lai và hiện tại, đã, đang và sẽ giúp cho nhiều người được thoát khổ, tất cả những vị ấy, đã đang và sẽ tôn kính giáo pháp cao thượng. Đó vốn là đặc tánh, là phẩm hạnh, là diệu dụng của chư Phật ba đời. Vậy, sau này, ai muốn tìm lợi lạc cho mình và với ước nguyện được trưởng thành trong đời sống cao đẹp, tầm cầu giác ngộ, giải thoát, họ phải biết tôn kính giáo pháp vô song ấy.

Nói xong, thưa thỉnh xong những điều cần thiết, phạm thiên Sāhampati nhiễu ba vòng về phía hữu, quanh đức Phật Gotama, tỏ lòng tôn kính rồi biến mất giữa hư không.

Rời cội cây Rājāyatana, đức Phật Gotama kinh hành trở lại cội cây Ajapālanigrodha, an tịnh và ngồi xuống, những ý nghĩ khác lại dấy khởi:

- “Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ, quả thật là thậm thâm vi diệu, vắng lặng, cao siêu, tế nhị; lại ở ngoài phạm vi của lý luận, suy đoán, kiến thức và hiểu biết thường phàm nên rất khó thấy, khó biết, khó lãnh hội, ngoại trừ những bậc thiện trí may ra mới thấu hiểu. Lại nữa, thế gian quen sống trong luyến ái, đam mê nhục dục ngũ trần thì làm sao nắm bắt được lý nhân quả tương quan, pháp tùy thuộc phát sanh, duyên hệ, duyên hệ duyên, vốn là giáo pháp cốt tủy, tinh yếu thường không thể để dành cho những đầu óc nông cạn, hời hợt, lười biếng, phóng dật, tối tăm và nhiều vọng tưởng. Và Niết-bàn nơi chấm dứt mọi hiện tượng phát sanh có điều kiện, hữu lậu, nơi từ bỏ mọi khát vọng, chỗ tiêu diệt mọi tham ái, luyến ái buộc ràng, cũng là một vấn đề ở ngoài thẩm quyền của trí năng thường nghiệm, khó khăn vô cùng. Nếu Như Lai truyền dạy giáo pháp ấy thì chúng sanh sẽ không lãnh hội được. Thật là phí công vô ích! Thật là phí công vô ích!”

Lát sau, những tư tưởng sau đây lại phát sanh đến ngài, như là sự đúc kết của mọi băn khoăn, do dự:

“- Quả vậy, Như Lai đã khó khăn, gian lao vất vả lắm mới chứng ngộ được giáo pháp này. Nhưng giáo pháp ấy sâu kín quá, tế nhị quá, người còn mang nặng tham ái và sân hận thật không dễ gì thấu triệt. Chúng sanh bị bao trùm trong si mê và ái dục, tâm trí bị che phủ bởi đám mây đen kịt thì làm sao thấy được ánh sáng chân lý? Giáo pháp này lại đi ngược dòng đời nữa thì làm sao mà phổ biến giữa cuộc đời? Vậy ta chưa thể lên đường truyền bá trong lúc này!”

Đọc được ý nghĩ của đức Thế Tôn, phạm thiên Sāhampati sợ rằng, nếu đức Phật quyết định không đi truyền bá giáo pháp, và, vì chúng sanh không nghe được pháp diệt khổ thì thế gian sẽ bị tiêu vong nên một lần nữa, xuất hiện, và thỉnh nguyện rằng:

- Xin thưa với đức Thế Tôn! Kính thỉnh nguyện ngài hãy lên đường truyền giáo. Cầu xin đức Đại Bi hãy gióng trống pháp bất tử! Nếu giáo pháp nhiệm mầu không được tuyên dương thì tam giới sẽ bị bốc cháy, thế gian sẽ bị diệt vong. Có những chúng sanh dính ít nhiều bụi cát trong mắt, nếu không nghe được giáo pháp sẽ phải bị trầm luân, sa đọa. Giáo pháp được thuyết giảng, người còn ít bụi cát sẽ dễ dàng thấu hiểu, liễu nghiệm, sẽ chứng ngộ được chân lý cao siêu, vô thượng ấy.

Thấy đức Phật vẫn trầm ngâm, yên lặng, phạm thiên Sāhampati lại cung kính vập đầu, tha thiết, khẩn khoản:

- Xin đức Thế Tôn hãy vén tay mở rộng cửa vô sanh bất tử! Giáo pháp vô song được tuyên thuyết bởi một đấng hoàn toàn trong sạch; giáo pháp cao thượng được diễn giảng bởi một bậc có trí tuệ thâm viễn sẽ đánh bại hằng trăm, hằng ngàn tà thuyết hý luận, hý ngôn do những giáo chủ, tà sư huênh hoang múa môi, múa lưỡi khắp cõi châu Diêm-phù-đề.

Hỡi bậc đại thiện trí! Hỡi đấng Toàn Giác! Xin đức Thiện Thệ hãy cho phép chúng sanh được nghe một loại giáo pháp tinh thuần, vô nhiễm mà ngài đã chứng ngộ được trải qua vô lượng kiếp với vô lượng ý chí huân tu công hạnh. Hiện ngài đang đứng trên đỉnh tối cao của tòa lâu đài pháp bảo siêu việt và huy hoàng ấy. Xin đấng Thoát Khổ hãy nhìn xuống chúng sanh đang chìm đắm trong đêm đen mộng trường tăm tối, đang ngập chìm trong biển khổ, đang bị cuốn lôi triền miên trong dòng bộc lưu của hoạn nạn, tai ương, tật nguyền, máu lệ của vòng trầm luân tử sinh bi thống.

Ngài là bậc trí nhân, là đấng hiền nhân, là người minh triết; ngài còn là bậc chiến thắng vĩ đại, là người đã ở ngoài, ở cao và ở trên mọi quyền lực của ma vương, đã hoàn toàn tháo gỡ mọi trói buộc, mọi xích xiềng, lưới võng của dục, của triền, của phược. Xin ngài hãy hoan hỷ đứng lên và châu du hoằng pháp khắp thế gian. Xin ngài hãy gióng trống pháp bất tử! Xin đức Thế Tôn bi mẫn ban rải cam lồ pháp vũ!

Đức Phật Gotama chậm rãi, điềm đạm nói với vị phạm thiên nhiều trí tuệ và giàu tâm lượng, hiểu rằng: “Giáo pháp quá sâu mầu, vi diệu, tinh tế; lại thuộc phạm trù trực giác thâm chứng, nên thật khó cho chúng sanh lãnh hội bằng trí năng suy lý. Còn nữa, giáo pháp lại đi ngược dòng đời, ngược dòng tham ái thì làm sao thuyết giảng lọt tai, lọt trí thế gian, khi chúng sanh vốn xem hạnh phúc là sự thỏa mãn dục trần. Như Lai quyết định chưa truyền bá!”.

Thấy đức Đại Giác vẫn giữ tâm đại định không lay chuyển, phạm thiên Sāhampati lại vập đầu cung thỉnh lần thứ hai, lần thứ ba. Đức Phật Gotama mỉm nụ tiếu sanh tâm, tự nghĩ: “Tín ngưỡng bà-la-môn xem vị phạm thiên là thượng đế, là bậc hóa sanh chủ, là đấng tối thượng tôn, vô năng thắng; bây giờ, vị phạm thiên này, bạn cũ của ta, đã vì giáo pháp, vì chúng sanh mà thưa thỉnh ba lần đúng với truyền thống chư Phật ba đời, làm cho ta cũng phải xúc động chánh pháp!”

Lặng lẽ, tịnh định dùng thiên nhãn quan sát thế gian, đức Phật Gotama thấy rõ rằng: “Chúng sanh có rất nhiều giống loại, nhiều căn cơ, nhiều tâm trí, nhiều trình độ dị đồng, sai khác. Có chúng sanh nhiều bụi cát trong mắt, có chúng sanh ít bụi cát trong mắt. Có kẻ thông minh, sáng suốt, có kẻ ngu tối, u mê. Bẩm tánh người này tốt, hiền; cá tính người kia xấu, ác. Loại người này sáng dạ, dễ dạy; loại người kia cứng đầu, ương bướng khó dạy. Còn một số khác, có lẽ là thành phần tốt nhất, do họ đã thấy hiểm họa của tham dục và sân ác trong dòng chảy của ô uế ngũ trần nên đã tìm cách tu tập bằng cách này hay cách khác, bằng tín ngưỡng này hay tôn giáo kia. Ngược lại, có rất đông chúng sanh đầy đặc vô minh, ngu si và tà kiến thì quả thật không thể dù một triệu mặt trời chân lý cũng khó có thể dọi sáng đến tâm trí dày sâu, đầy đặc tối tăm của họ.” Cũng tự nhiên và đúng với lẽ thường tình thôi - Đức Thế Tôn nghĩ tiếp - Hãy nhìn cái đầm sen kia! Biết bao nhiêu là sen xanh, sen đỏ, sen trắng, sen vàng, sen hồng, sen tía nằm xen kẽ nhau, lẫn lộn trong nhau. Cây nào cũng mọc từ bùn, vươn ra khỏi bùn, vượt lên khỏi mặt nước rồi cho hoa hữu sắc hữu hương. Tuy nhiên, có cây đang còn ở trong bùn, chui rúc trong bùn; có cây vừa ra khỏi bùn, vươn mầm ở đáy hồ, sống thầm lặng dưới đáy hồ; có cây đang ở trong nước, cố vươn lên khỏi mặt nước để đón nhận ánh sáng mặt trời;có cây đã ở trên mặt nước, bung những tàn lá to, xanh biếc, dập dờn trên mặt nước, đón nắng đón sương rồi bung những đóa hoa tinh khôi, kiều diễm phụng hiến hương sắc cho thế gian mà chẳng dính một chút bùn nhơ.”

Chiêm nghiệm như thế xong, liên tưởng như thế xong, đức Phật Gotama tuyên bố như giọng sư vương giữa bình minh của kỷ nguyên mới:

- Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho muôn loại chúng sanh. Ai có tai để nghe, có mắt để thấy, có trí để thấu hiểu - hãy đặt trọn vẹn niềm tin tưởng.

Thế là đức Phật Gotama quyết định lên đường chuyển bánh xe pháp. Lúc ấy đã gần cuối mùa hạ, sắp đến mùa mưa, ngày mồng năm tháng sáu, năm năm trăm tám mươi tám (năm Dậu) trước Tây lịch kỷ nguyên.



(1)Trích Udāna

(1)Từ Udāna: “ Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passato. Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pānabhūtesu samyamo. Sukhā virāgalā loke kāmānaṃ samatikkamo. Asmimānassa yo vinayo etaṃ veparama sukho”.

(1)Sattu và madhu - là lương thực mà khách lữ hành thường mang theo bên mình, thời bấy giờ.

(1)Hai thương gia này là người Myanmar, 8 sợi tóc sau này được thờ tại đại tháp Shwedagon, hiện nay là bảo vật, là niềm hãnh diện và vinh quang của người Myanmar.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/03/2011(Xem: 6943)
Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay Tin lành chỉ tin có một Thượng đế duy nhất thì gọi là nhất thần giáo. Trong khi đó, đạo Khổng hay đạo Lão tin vào nhiều đấng thần linh nên những đạo này được gọi là đa thần giáo.
17/03/2011(Xem: 8681)
Phật giáo gọi nghiệp là (kamma). Kamma gồm nghiệp thiện, nghiệp ác. Theo Dhamma thiền Vipassaana gọi là Sanhara. Sanhara là phản ứng của tâm và tinh thần, hình thành hành động có dụng ý, tạo nên nghiệp. Nghiệp mang lại hậu quả trong tương lai, hậu quả xấu do nghiệp ác, hậu quả tốt do nghiệp thiện. Nghiệp liên quan chặt chẽ với nhân quả. Có nghĩa là trồng cây gì (nhân) ta hưởng trái đó (quả). Không thể trồng cây ớt mà hưởng cà được. Nhân quả này cũng là luật thiên nhiên trong qúa trình sinh hoại của vạn vật.
17/03/2011(Xem: 8174)
Nói tới chuyện Nhân Quả một số người khinh thị, cho đó là lạc hậu, lỗi thời, quê mùa giống như chuyện “Rắn Báo Oán” chẳng hạn. Thế nhưng Luật Nhân Quả lại là định luật bất biến chi phối sự tồn vong của khoa học. Nếu mai đây khí Hydrogen và khí Oxygen hợp lại mà không thành nước thì khoa học sụp đổ, cuộc sống con người và thiên nhiên đảo lộn hòan tòan.
16/03/2011(Xem: 7818)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không chophép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấnđề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng,các câu phát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sáchgiúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạnnào cũng được.
15/03/2011(Xem: 14043)
Trời tu viện rộng và đẹp, sáng nay mây ngoài biển đã kéo vào chưa? Thôi, xin mời thầy hãy vào cốc Trăng Lên, nhóm lửa và thêm chút củi vào cho ấm.
12/03/2011(Xem: 8775)
Hỡi các tín đồ! cho dù ngày bây giờ hay vài năm tới hoặc 100 năm sau con người có thể chưa sáng chế được thiết bị để “ giải mã” tiếng kêu của các loại vật bị con người giết hại thì cũng đã đến lúc chúng ta cũng cần phải dừng lại để lắng nghe, để ngắm nhìn, để quan sát, để tận mắt nhìn thẳng vào mắt những loài vật xung quanh ta trước khi ta giết hay cho vào miệng ta đã nhé.
08/03/2011(Xem: 7259)
Kiến tạo lại mộttrong hai pho tượng Phật khổng lồ ở Bamyan tại A-Phú-Hãn (Afghanistan) là mộtcông trình có thể thực hiện được. Hai pho tượng này bị các người Hồi giáoTaliban đặt mìn phá tan vào năm 2001.
02/03/2011(Xem: 8400)
Tập truyện này kể lại nhiều câu chuyện mang tính giáo dục cao, có thể giúp dạy bảo, khuyên răn nhằm bồi dưỡng nhân cách, đưa con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ...
02/03/2011(Xem: 8563)
Học thiền, chúng ta học Pháp Bảo Ðàn mà không học Tín Tâm Minh là không được. Tổ chỉ tóm gọn tinh yếu của thiền, bao nhiêu lời, bao nhiêu chữ đề là Tín Tâm Minh.
01/03/2011(Xem: 8537)
Giữa muôn vàn phức tạp của cuộc đời, chúng ta phải sống như thế nào? Chắc hẳn trong đời, bạn đã từng có lúc tự hỏi mình câu hỏi đó?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]