Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Vị Đạo Sư thứ hai

14/03/201418:26(Xem: 23235)
22. Vị Đạo Sư thứ hai


Mot_Cuoc_Doi_01

22. Vị Đạo Sư Thứ Hai






Khu rừng của đạo sư Uddaka Rāmaputta trải dài ở sườn núi phía nam thuộc dãy núi Udāya, nằm ngoài bức tường thành thứ hai của kinh đô Rājagaha. Rừng cây với những gốc cổ thụ to lớn, mật độ thưa thớt, có vẻ nóng bức, vì thời tiết đang đi vào cuối hạ. Thỉnh thoảng, có vài cơn gió mang hơi lửa từ phương nam thổi tràn lên, lá vàng rụng xào xạc. Vài con suối đã cạn khô, nước chảy róc rách len lỏi giữa các lèn đá, tụ thành từng vũng xanh trong đủ nước dùng cho người và vật. Đây đó từng cốc lá che dựng tạm thời lấp ló sau các hàng cây. Vài bóng đạo sĩ tới lui, tọa thiền hoặc kinh hành trông thanh bình và yên ổn.

Đạo sư Uddaka năm nay chừng tám mươi tuổi, quắc thước, rắn rỏi, vầng trán cao rộng. Đặc biệt có đôi mắt sâu hoắm, nhãn quan lóng lánh có thần, biểu hiện một sức sống nội tâm có tu chứng, có sở đắc. Giáo pháp của đạo sư ảnh hưởng một vùng lớn rộng. Hội chúng có chừng bảy tám trăm người, kể cả xuất gia và tại gia.

Ông tiếp Siddhattha như một người học đạo bình thường, không hỏi xứ sở, gốc gác, dòng họ; chỉ hướng dẫn những pháp sơ cơ. Siddhattha chưa muốn đi sâu, nghĩ là thời gian còn nhiều, chàng dự định xem xét một vài vấn đề nội tâm đang còn máy động, lao xao. Cũng giống như ở khu rừng của đạo sư Ālāra, Siddhattha phải tự mình làm một lều cây để che sương, đỡ gió. Sau đó, nhìn quanh bạn đồng đạo, ai làm gì thì chàng làm nấy, tìm cách hòa nhập với học chúng. Siddhattha lúc này đã thuần thục mọi sự nên thấy cái gì cũng dễ dàng thông thuận, khế hợp.

Đạo sư Uddaka Rāmaputta, nghe nói không phải tự tu, tự chứng như đạo sư Ālāra Kālāma mà được học hỏi từ cố đạo sư Rāma các thiền phi tưởng, phi phi tưởng, là định cao nhất, lôi cuốn rất nhiều đạo sĩ tìm đến tu học.

Chương trình trong ngày, Siddhattha sử dụng giờ giấc tương tự trước đây. Đêm, hành thiền hai canh, nghỉ một canh. Ngày, theo bạn đạo đi khất thực các thôn làng ngoại ô Rājagaha; chiều, nếu rảnh rỗi chút ít, tìm khe suối xa vắng để tắm giặt, nằm nhìn ngắm mây trời, lắng nghe sự va động, các cảm giác tương giao phát sanh. Tất cả đều bình hòa, lắng trong, yên tĩnh. Đôi khi, sự an lạc kéo dài, thấm đẫm từ chân tơ kẽ tóc. Nhưng thỉnh thoảng, những câu hỏi, lẽ tử sinh, giá trị nền tảng của cuộc sống lại trở về như một đám mây u ám đi qua vùng trời tâm thức. Dù trú các định, xuống lên các định khá thuần thục nhưng khi trở lại với ý thức thường nghiệm, Siddhattha thấy mình vẫn còn bất an, vẫn còn những phiền não vi tế.

Nửa tháng trôi qua lặng lẽ, hôm kia Siddhattha tìm gặp đạo sư Uddaka, chàng cặn kẽ trình bày lộ trình tu tập bấy lâu của mình, các tầng thiền, an trú và chứng nghiệm những mong sự chỉ dẫn đúng đắn và cao minh hơn.

- Sao? Đạo sư Uddaka ngạc nhiên - Trong vòng nửa tháng mà chàng trai trẻ đã đã lên đến thiền “vô sở hữu” à?

- Dạ thưa không! Siddhattha đáp - Tất cả các tầng thiền ấy, đệ tử đã học được từ đạo tràng của đạo sư Ālāra; và đệ tử đã đi xuống, đi lên, vào ra khá thuần thục.

Vị đạo sư già nua bây giờ mới chăm chú quan sát tướng mạo của chàng trai đối diện. Ồ, tướng mạo đẹp đẽ, tỏa ra sự trang nghiêm, chững chạc. Lại nữa, chàng ta có giọng trầm ấm, có ngôn ngữ trôi chảy lưu loát, có cách diễn đạt ý tưởng chân xác, sâu sắc. Đây là người có học vấn uyên bác, thâm sâu, không phải là kẻ tầm thường.

Thế là đạo sư ân cần trao đổi:

- Này, người bạn trẻ! Cái định “vô sở hữu” mà bạn chứng đạt từ đạo sư Ālāra khả kính là một loại định bậc cao. Tuy nhiên, cái “vô sở hữu” ấy là một loại tri giác, một loại tưởng, chính xác là “tưởng không” đấy thôi. Lúc nào còn “tri giác”, còn “tưởng” thì vẫn còn năng tri và sở tri. Muốn bước lên một loại định cao hơn thế nữa thì người bạn trẻ cần phải rời luôn cái tưởng ấy, cái tri giác ấy.

Siddhattha nhíu mày:

- Phải rời luôn? Phải rời luôn, phải lìa bỏ tri giác - nghĩa là “không còn tri giác” thì có đồng nghĩa với gỗ đá không, thưa đức đạo sư?

- Hay, câu hỏi hay! Lìa tri giác, lìa tưởng nhưng không phải là “không có tri giác”, “không có tưởng” như gỗ đá vô tri!

Siddhattha nói:

- Nhưng có một đạo sư khá nổi danh nói rằng: Gỗ đá vô tri cũng không phải là không có tri giác, vẫn là tri giác! Điều ấy phải được hiểu như thế nào?

- Đừng có tin vào những phát ngôn ngốc nghếch! Đấy là hý luận. Là mép rìa của duy tâm, duy vật cực đoan. Ngay cõi “vô tưởng” của chúng sanh “không có tưởng”, chỉ còn sự diễn tiến của sắc uẩn, vẫn không đồng với gỗ đá vô tri vì bên trong nó vẫn tiềm miên danh uẩn.

- Nhưng lìa tri giác, lìa “tưởng không” mà “không phải vô tưởng”, không phải gỗ đá vô tri, thì nó là cái gì, thưa đức đạo sư?

- Điều ấy không nói được, này người bạn trẻ! Ngôn ngữ bất lực. Phải cần sự thực nghiệm, chứng nghiệm, nóng lạnh khắc biết!

Siddhattha lĩnh ý, rút về lều của mình. Vậy là phải lìa “vô sở hữu”, phải lìa “ý niệm không có gì cả”.

Chỉ mươi hôm sau, Siddhattha đến trình pháp:

- Để tử đã viễn ly được “tưởng không” ấy. Bây giờ đệ tử đã an trú vào một trạng thái mà không biết nó là cái gì. Nói “có tưởng”, không đúng; nói “không tưởng”, cũng không đúng. Cả hữu lẫn vô đều bất xác. Cũng không phải phủ định hay xác lập hai mặt nhị nguyên “có - không” của tưởng... mà là cái gì đó, đệ tử không nhìn rõ mặt!

Đạo sư Uddaka chăm chú hỏi:

- Vậy, người bạn trẻ đã trú vào cái gì?

- Thưa, có lẽ cũng là “tri giác”, cũng là “tưởng” thôi. Nhưng cái này nó vi tế quá, chẳng xác định được là nó có hay không.

- Đúng vậy! Đạo sư Uddaka gật đầu - Vì đấy là định phi tưởng, phi phi tưởng (nevasaññānāsaññā), là bậc thiền cuối cùng trên lộ trình tu tập. Ở châu Diêm-phù-đề này, đó là thành tựu cao nhất, xứng đáng cho những ai cần cầu xuất gia phạm hạnh.

Siddhattha cúi đầu.

Đạo sư Uddaka chợt đứng dậy, ưu ái nắm tay Siddhattha, bảo chàng ngồi vào bồ đoàn bên cạnh, rồi mở lời khen ngợi:

- Người bạn trẻ đã tiến bộ phi thường, vượt bậc, không thể có người thứ hai trên đời này. Công phu tu tập hơn nửa thế kỷ của ta cũng chỉ có chừng ấy, chỉ có định ấy. Ta có tín, tấn, niệm, định, tuệ như vậy thì người bạn trẻ cũng có tín, tấn, niệm, định, tuệ như vậy. Không hơn, không khác.

Siddhattha lắng tai nghe, nghiêm cẩn.

Đạo sư Uddaka chăm chú quan sát Siddhattha một hồi nữa rồi cặn cặn kẽ hỏi tên họ, dòng dõi, quê quán, xuất thân... Siddhattha tình thật trả lời, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Nghe xong, đạo sư có vẻ vui mừng:

- Ồ, có thế chứ! Phải là dòng dõi thượng đẳng mới xuất sanh được một nhân cách phi phàm như thế chứ! Đúng là rồng phượng giữa loài người!

Chợt đạo sư Uddaka xuống giọng:

- Này người bạn trẻ, này Siddhattha! Ta đã già rồi. Sự sống của ta chỉ còn đếm trên từng hơi thở. Đệ tử dưới trướng, kể cả người cao niên, hạ lạp lớn - kiến thức thì nông cạn, sở chứng thì giới hạn, nhân cách thì tầm thường. Chẳng có ai để sở cậy cả. Chẳng có ai có đủ khả năng, bản lãnh, trí tài, sở học, sở tu... để ta có thể giao phó kế thừa sự nghiệp. Vậy, bắt đầu hôm nay, Siddhattha hãy ở lại đây, hãy ngồi ở chỗ này để dẫn dắt hội chúng. Đạo tràng này là của bạn, này Siddhattha! Hãy vì ta mà phát triển giáo pháp cao thượng để lợi lạc cho phần đông...

Lúc hai người nói chuyện, ban đầu, chỉ vài người nghe, lát sau, cả hội chúng đều hay tin. Thế rồi, miệng truyền miệng, tai truyền tai, bây giờ, các đạo sĩ đã đứng lố nhố vòng trong, vòng ngoài để chứng kiến sự việc hy hữu. Họ yên lặng như tờ. Hình ảnh một đức đạo sư, tám mươi tuổi, đáng kính của họ - mà lại ân cần nắm tay một người trai trẻ, xem là bạn, lại giao phó toàn bộ đạo tràng cho chàng nữa - làm cho hội chúng bàng hoàng. Trình độ tu tập của chàng đã ngang hàng với sư phụ họ. Nhân cách, kiến thức và trí tài cũng được đạo sư trân trọng, ưu ái đặc biệt như thế kia...

Chợt, Siddhattha bái tạ đạo sư Uddaka, rồi thành khẩn nói:

- Tri ân sự tin cậy đầy nồng hậu của đức đạo sư. Đệ tử dù được đức đạo sư dẫn dắt tu tập đến định cao nhất - nhưng sau khi rời định, tâm đệ tử vẫn có cái gì đó còn lao xao, bất an. Dường như mọi tham sân, phiền não tế vi vẫn còn nằm ở đâu đấy, lúc duyên cảnh, chúng sẽ phát sanh trở lại...

Nghỉ hơi một lát, chàng tiếp:

- Thưa đức đạo sư tôn kính! Được đức đạo sư giao phó trọng trách hướng dẫn đạo tràng là một đặc ân, một nghĩa cử thiêng liêng, đệ tử xin ghi khắc tận đáy lòng, nhưng không thể thọ lãnh. Đệ tử còn cần phải ra đi, còn cần phải tìm kiếm. Cứu cánh của lộ trình phải là bất tử, phải bước ra khỏi vòng trầm luân, sinh diệt; phải đoạn tận tham sân si ở ẩn trong vô thức tối tăm. Dù còn hơi thở cuối cùng, đệ tử quyết không thối thất con đường mà mình đã chọn lựa.

Sau vài lần thuyết phục nữa, Siddhattha vẫn một mực lễ độ từ chối, đạo sư Uddaka biết là không thể giữ chân được chàng trai trẻ, một nhân cách siêu việt, ông thở dài. Hơn ai hết, đạo sư Uddaka biết là Siddhattha nói đúng, cái gì gọi là lộ trình bất tử vẫn nằm đâu đó ở phía trước, chàng ta ra đi là phải. Chính ông, ông vẫn còn nhiều hoài nghi và nhiều câu hỏi. Sau này, Siddhattha chắc hẳn sẽ tìm ra lời giải cuối cùng, sẽ thành tựu cái gì đó rất phi thường, chưa hề có trên thế gian. Riêng hội chúng của đạo sư Uddaka đã kính trọng lại tỏ ra càng kính trọng Siddhattha hơn khi chàng từ chối chức vụ lãnh đạo, kế thừa sự nghiệp. Rõ ràng người bạn trẻ này đã không màng địa vị, quyền uy và danh vọng. Một vài vị phàm tâm nổi lên, lấy bụng ta suy bụng người, bây giờ mới vỡ lẽ ra Siddhattha không tranh giành với ai cái gì cả, họ lại càng kính yêu và ngưỡng mộ chàng hơn.

Lúc trở về lều, người này người kia nắm tay chàng ra chiều bịn rịn. Nhiều đạo sĩ đến ngồi quanh lều của Siddhattha, họ muốn hiểu sự hoài nghi của chàng và lộ trình mai sau. Chàng tâm sự:

- Này các bạn! Siddhattha ôn tồn nói - Tôi không tỏ vẻ cao đạo khi từ bỏ sự kế thừa một gia sản tinh thần cao quý ấy. Quả thật, tâm tôi chưa yên, trí tôi chưa thông dù đã đắc được định cao nhất. Tôi phải ra đi. Đấy là tiếng gọi thiêng liêng và vô thượng của đời mình. Tôi phải gỡ thoát tuyệt đối và trọn vẹn mọi ràng buộc ngoại giới cũng như nội tâm. Tôi phải tìm cho ra đáp số chung cùng của mọi định phận tất hữu. Sự giải thoát tối hậu mới là mục đích rốt ráo của tôi, thưa các bạn!

Khi Siddhattha thu xếp y bát và một vài dụng cụ lặt vặt, chuẩn bị lên đường thì đạo sĩ Vappa tìm đến, đi theo sau còn bốn đạo sĩ khác nữa. Có một đạo sĩ lớn tuổi, tuy gầy gò nhưng dáng dấp nhanh nhẹn bước tới, chăm chú quan sát Siddhattha từ đầu đến chân rồi mừng rỡ thốt lên:

- Đúng rồi! Đúng là thái tử Siddhattha của chúng ta rồi! Ôi! Lạy đức Rāma! Chúng ta đã gặp, chúng ta đã gặp người xưa ở đây rồi!

Họ cùng ngồi xuống, hàn huyên tâm sự.

Hóa ra Siddhattha đã nghĩ đúng. Đạo sĩ lớn tuổi chính là Koṇḍañña, vị bà-la-môn trẻ tuổi thông thái thuở nào. Người đã quyết chắc chàng sẽ trở thành Phật Chánh Đẳng Giác. Bốn vị còn lại là Bhaddiya, Vappa, Mahānāma(1)và Assaji chính là con của các thầy bà-la-môn tướng pháp. Họ đã cùng rủ nhau xuất gia làm đạo sĩ, hy vọng sẽ gặp được Siddhattha trên lộ trình này khi nhân duyên chín muồi. Và họ đã nghĩ đúng.

Đạo sĩ Vappa sau khi gặp Siddhattha tại khu rừng Anupiyāvara, về sơn động, kể chuyện lại. Cả nhóm rất vui nhưng họ chưa lên đường được vì Bhaddiya đang cảm sốt. Hơn nửa tháng sau, cả năm người lại tìm đến đạo tràng của đạo sư Ālāra thì Siddhattha đã rời khỏi đấy nhiều ngày trước. Qua đàm đạo, đạo sĩ Koṇḍañña được nghe thầy và bạn tán thán, khen ngợi Siddhattha không hết lời. Ngoài thời gian ngắn nhất, Siddhattha đã chứng thiền ngang bằng với đạo sư Ālāra, chàng lại còn biểu hiện rạng rỡ về tư cách, phẩm hạnh và trí tuệ nữa. Việc từ chối kế thừa lãnh đạo không phải ai cũng làm được.

Koṇḍañña rất hân hoan, rạng rỡ:

- Này chư hiền giả! Ông nói với bốn đạo sĩ đồng tu - Thuở xưa ta đã không sai lầm, và bây giờ ta cũng không sai lầm! Chỉ nhìn thấy dấu chân to lớn của Siddhattha ở nơi này, ở nơi kia, ta biết rằng đấy là dấu chân voi của đức Chánh Đẳng Giác.

Đội nắng, dầm sương, năm vị đạo sĩ tìm đến khu rừng Udāya thì hay tin Siddhattha đã đắc định cao nhất, lại vừa từ chối kế nghiệp đạo sư Uddaka. Danh thơm của Siddhattha tràn qua tai mọi người, thơm ngát cả khu rừng tĩnh mịch.

Vì biết cả năm vị đạo sĩ đều đặt để lòng tin nơi mình nên Siddhattha đã không quản ngại nói chuyện lâu; trình bày hết những sở đắc, sở kiến, những câu hỏi, những hoài nghi; sau rốt là dự định khai mở con đường của chính mình như thế nào. Phải tự bước đi bằng đôi chân đất rướm máu, hằn đau hữu hạn của chính mình như thế nào. Phải kinh nghiệm chúng, phải cùng với nhịp đập, hơi thở và trái tim trên từng bước đi sáng tạo của đời mình.

Các đạo sĩ há hốc lắng nghe. Tất cả đều là những điều họ chưa biết. Kinh điển và tôn giáo truyền thống chưa ai nói như vậy. Có cái gì rất mới mẻ, rất sáng sủa - dù lộ trình chưa được phong quang.

Đạo sĩ Koṇḍañña dè dặt hỏi:

- Tôi hiểu. Ồ, không phải hiểu mà mơ hồ tôi cảm nhận được. Nhưng bây giờ, ngài sẽ đi đâu?

Siddhattha thở dài:

- Chính tôi, tôi cũng chưa biết, chưa rõ. Nhưng tôi sẽ đi, thưa chư tôn giả!

Đạo sĩ Koṇḍañña chợt cất tiếng to:

- Đừng, đừng nên như thế! Đừng gọi chúng tôi là chư tôn giả! Ngay cả một vài tầng thiền thấp nhất của đạo sư Ālāra mà chúng tôi, do ngu muội, vẫn đang còn lẩm ca lẩm cẩm. Rõ ràng, chúng tôi tu tập vài năm vẫn không bằng ngài tu tập mấy ngày. Rồi còn thiền định bậc cao của đạo sư Uddaka nữa, cả một thế giới mênh mông ấy, chúng tôi chưa héo lánh tới nơi mà ngài đã vượt qua rồi. Trong tương lai không xa lắm, ngài sẽ đắc quả Phật, chắc chắn như thế. Vậy từ nay chúng tôi nguyện đi theo ngài như là những đệ tử, như là những người hầu cận. Xin sa-môn Siddhattha Gotama chấp thuận cho!

Siddhattha nhăn mày nói:

- Tôi biết con đường của tôi còn nhiều chông gai, gian khổ lắm. Sợ rằng tôi chưa xứng đáng với sự mong mỏi của quý vị, sự kỳ vọng của quý vị; và ngay chính tôi, tôi cũng chưa rõ lộ trình mai sau ấy nó sẽ như thế nào! Còn rất mơ hồ và vô định vậy.

Đạo sĩ Koṇḍañña đáp:

- Không sao! Sa-môn Siddhattha Gotama đừng quá tự khiêm như thế. Ngài đi đâu cứ mặc, chúng tôi đi theo mà không hề nghi hoặc, đắn đo. Chúng tôi phó thác toàn bộ đời sống tâm linh này cho sa-môn Gotama định đoạt. Ôi, chỉ riêng cái bóng của sa-môn Siddhattha Gotama thôi là chúng tôi đã có đủ niềm tin, an tâm và mát mẻ rồi! Chúng tôi không ngại bất cứ một khó khăn, gian khổ nào.

Siddhattha vui vẻ nói:

- Ồ, vậy thì tốt! Vậy thì chúng ta sẽ cùng ra đi!

Họ từ giã khu rừng Udāya. Và lên đường.

Mùa mưa cay nghiệt lại sắp đến rồi.



(1) Bhaddiya và Mahānāma này không phải là bạn từ nhỏ của Siddhattha.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/04/2015(Xem: 8745)
Nghi thức trợ niệm lúc lâm chung trong Phật Giáo được các bậc cao tăng Đại Đức hoằng dương ở Đài Loan đã gần 20 năm nay, dần dần được đón nhận tích cực và phụng trì của quảng đại quần chúng trong xã hội và trong giới Phật Giáo tại Đài Loan. Nghi thức trợ niệm vốn là một phương pháp trợ duyên vãng sinh Tây Phương Cực Lạc trong Tịnh Độ tông, do các vị đại sư Ấn Quang, đại sư Hoằng Nhất cùng các vị cư sĩ đề xướng vào đầu thế kỷ 20. Năm 1951 tại Đài Loan có cư sĩ Lý Bỉnh Nam thành lập “Đài Trung Liên xã”, năm 1986 có hai vị cư sĩ Trí Mẫn và Huệ Hoa tông Viên Giác (được các Phật tử tôn kính xưng là hai vị thượng sư) thành lập Tịnh xá Nặc Na Hoa Tạng, đem toàn lực hộ trì và phát dương nghi thức trợ niệm lúc lâm chung. Nghi thức trợ niệm dần dần trở thành pháp môn tu tập phổ biến được quảng đại dân chúng trong xã hội Đài Loan tiếp nhận và hành trì.
06/04/2015(Xem: 17972)
Trong mọi khóa lễ, Chư tăng ni, Phật tử đều cầu xin: “Trú dạ lục thời an lành”. Tức ngày đêm hai mươi bốn tiếng an lành. Nhưng an lành là gì? Chiến tranh không phải an lành.
05/04/2015(Xem: 387910)
Vào ngày 15 tháng 02 năm 2015 tại Như Lai thiền tự, thành phố San Diego, miền Nam tiểu bang California, Hoa Kỳ; được sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới Thích Giác Nhiên cùng chư Tôn đức chứng minh, Hòa thượng Bổn sư Thích Minh Hồi đã cắt tóc cầu nguyện và chứng minh cho Phật tử Tâm Hoa, thế danh Võ Elizabeth Bích Liên xin xuất gia, ban pháp hiệu là Liên Ngọc và chỉ dạy cô về tịnh xá Ngọc Vân ở Việt Nam làm lễ thế phát xuất gia.
03/04/2015(Xem: 22210)
Ngọc xá lợi là phần di thể của các vị cao tăng Phật giáo sau hỏa táng. Đó là những hạt kích thước nhỏ, có dạng tròn hoặc các dạng khác. Một số hạt nhỏ có thể trông giống ngọc trai hoặc pha lê, với màu sắc khác nhau. Đó là bảo vật của Phật giáo toàn thế giới, cần lưu ý rằng, tất cả những gì thuộc về Phật tổ và các vị Thánh tăng như y bát, tóc, móng tay... cũng được xem là xá lợi. Dân gian vẫn thường đồn thổi về ngọc xá lợi với thực hư lẫn lộn. Chẳng hạn một vị chân tu 64 tuổi đã ngồi thiền 49 ngày rồi viên tịch tại chùa Vĩnh Bình thuộc huyện Kim Sơn, Ninh Bình nên có nhiều xá lợi. Còn ngọc xá lợi của Phật tổ thì có công năng kỳ diệu như phát quang, tự di chuyển hoặc có thể phân ra thành các viên ngọc khác.
02/04/2015(Xem: 11932)
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường ra một quán cà phê hay tiệm sách gần nhà để ngồi đọc sách. Ở bên này có những tiệm sách lớn, bên trong có hàng bán cà phê với những chiếc bàn nhỏ, chúng ta có thể ngồi uống nước, đọc sách hay viết lách gì cũng được, rất thích và tiện lợi.
01/04/2015(Xem: 8750)
Tôi năm nay 24 tuổi, công việc ổn định và yêu một anh bạn đồng nghiệp, hai chúng tôi dự định ba tháng nữa sẽ làm lễ cưới (lễ hằng thuận) ở chùa. Vừa rồi, tôi đưa anh ấy ra Bắc, nơi chùa chị tôi xuất gia tu học để làm lễ quy y cho anh. Quy y xong, anh được nhà chùa cho tụng kinh, khi tụng xong thì chuyện bất ngờ xảy ra, chồng sắp cưới của tôi xin phép thầy xuất gia. Sự việc xảy ra quá nhanh khiến tôi hết sức bất ngờ, buồn vui lẫn lộn. Nếu anh ấy xuất gia được thì hủy lễ cưới luôn. Thầy bảo sẽ trợ duyên cho anh ấy ở chùa tập sự một năm mới được xuống tóc và gửi đi học. Bây giờ, ngoài việc niệm Bồ-tát Quan Thế Âm ra, tôi chẳng biết làm gì nữa.
31/03/2015(Xem: 8892)
Giới luật và Phẩm Hạnh Huynh Trưởng
31/03/2015(Xem: 18479)
Dianne Perry, (sau này được biết đến qua pháp danh Tây Tạng của cô là Tenzin Palmo) là một vị ni cô người Anh đầu tiên, đã ẩn cư thiền định suốt 12 năm trong một hang động cao 12.300 bộ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách ngăn khỏi thế giới trần tục bởi những rặng núi phủ đầy tuyết trắng quanh năm. Tenzin Palmo đã sống một mình và tu tập trong động tuyết này. Cô đã chạm trán với những thú rừng hoang dã, đã vượt qua những cơn lạnh khủng khiếp, những cái đói giết người, và những trận bão tuyết kinh hồn; cô tự trồng lấy thực phẩm và ngủ ngồi trong cái hộp gỗ rộng cỡ 3 bộ vuông (theo truyền thống Tây Tạng, các vị tu sĩ đều tọa thiền trong một cái hộp gỗ như vậy). Cô không bao giò ngủ nằm. Mục đích của Tenzin Palmo là chứng đạo trong hình tướng một người nữ.
29/03/2015(Xem: 18820)
Giảng về diệu lý Bát Nhã của Bộ Kinh Kim Cang là pháp môn bình đẳng. Chúng ta phần đông đều không hiểu cho nên đầu lại thêm đầu, tướng lại thủ tướng đem cái pháp bình đẳng biến thành không bình đẳng.
28/03/2015(Xem: 8744)
Thuyết pháp là hạnh cao quý của người hoằng pháp vì họ là sứ giả của Như Lai, mang ánh sáng của chánh pháp rải đều khắp nhân gian khiến cho muôn người được hưởng cam lồ vị - sống hạnh phúc, chết bình an, hưởng an lạc ở nhàn cảnh, hay giải thoát, niết bàn. Hiện nay, sinh hoạt thuyết pháp phát triển sôi nổi ở nhiều nơi trong nước và hải ngoại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]