Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm về bến giác (tường thuật khóa tu)

13/03/201406:27(Xem: 11350)
Tìm về bến giác (tường thuật khóa tu)

khoatu_auchau_4

Tìm về bến giác

(Tường thuật khóa tu học thứ 13

tại Göteborg - Thụy Điển)


Khi nói đến hai chữ "Thụy Điển", tôi liên tưởng ngay đến Thủ Tướng Ingvar Carlsson, vị cứu tinh không những đối với hai vị Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu nói riêng mà còn đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói chung không bị mất đi hai nhân tài lỗi lạc.

Thượng Tọa Thích Trí Siêu, sinh năm 1943, tốt nghiệp 3 bằng Tiến Sĩ Triết Học, Sử Học và Bác sĩ Y khoa tại Đại Học Madison ở Wisconsin, Hoa Kỳ; Giáo sư Đại Học Vạn Hạnh, tác giả của hàng chục cuốn sách về lịch sử Việt Nam, lịch sử Phật Giáo vào những thời kỳ chưa có nhà nghiên cứu nào khai phá. Đó là lịch sử khởi nguyên dân tộc ta với những tư liệu viết từ thế kỷ II, III, V, đặc thù về Triết học và Tư tưởng Việt Nam.

Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ cũng sinh năm 1943, Triết gia, Học giả, Giáo sư Đại Học, một Luận sư Trung quán. Nói theo nhận định của Thi hào Bùi Giáng: "Sở tri của ông về Phật Học thật quảng bác vô cùng". Thêm nữa, "ông mang một nguồn thơ Việt phi phàm, trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương". Tác giả của nhiều bộ sách ấn hành trước năm 75 tại Sàigòn gây chấn kích trong lòng người đọc như "Trung Quán Luận", "Tô Đông Pha, một Phương Trời Viễn Mộng".

Vào năm 1984, cả hai vị Thượng Tọa cùng bị bắt chung với 19 Tăng, Ni, Cư Sĩ. Bị xử tử hình trong phiên tòa năm 1988 mà nhân dân Sàigòn gọi là vụ án "Thập Nhị Tăng Ni Già Lam Tự". Nhờ cuộc vận động quốc tế của Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, từ Liên Hiệp Quốc đến các chính giới Âu, Mỹ, Úc, Á, án giảm xuống 20 năm khổ sai. Công đầu trong vụ cứu tử này chính là do Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Carlsson. Thủ Tướng đã ra lệnh cho Ngoại Trưởng Sten Andersson đi ngay sang Hà Nội can thiệp....

Năm nay khóa tu học Âu Châu thứ 13 tổ chức tại Thụy Điển không khỏi nhắc nhở tôi và những người Phật Tử Việt Nam niềm tri ân sâu xa đến vị Thủ Tướng, ân nhân của chúng tôi.

Cũng như bao khóa tu học trước, tôi hăm hở đến Thụy Điển với một niềm hân hoan rộn ràng khó tả. Thụy Điển hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Ngoài niềm phấn kích muốn tìm tòi học hỏi hiểu biết về nước này, tôi còn mang một tâm trạng mới lạ khác nữa đó là sự hiện diện lần đầu tiên của Bảo tại khóa tu học, đứa con trai nuôi duy nhất của tôi năm nay vừa 30 tuổi.

Sở dĩ tôi muốn nhắc đến Bảo trong bài này không chỉ vì muốn nói về sự liên quan đặc biệt giữa tôi và Bảo, mà qua đó, còn nêu bật giá trị của Khóa Tu Học đã may mắn giúp tôi hiểu đạo hơn và đưa Bảo tìm được bến giác.

Giữa tôi và Bảo dường như có sự liên hệ tiền kiếp run rủi kiếp này cả hai cứ ràng buộc nhau qua những nhân duyên đưa đẩy mà cả tôi và Bảo không nghĩ trước được.

Hồi đó, lập gia đình đã 5 năm, tôi vẫn chưa có con. Đang chữa trị, đùng một cái vô thường 75 đến, Hữu, chồng tôi, khăn gói vào tù, tôi vừa 23 tuổi.

Ngày Bắc Nam thống nhất trong bẽ bàng cũng là ngày tôi biết nhiều và liên lạc được với toàn bộ họ hàng nhà chồng ngoài Bắc. Những tình cảnh đau thương, gian khổ mà nếu năm 1975 người dân miền Nam thuộc thành phần tư sản, "ngụy quân, ngụy quyền" bị đẩy lên vùng kinh tế mới, thì năm 1954 miền Bắc, các vùng rừng thiêng nước độc cày lên sỏi đá như Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai v.v... Cộng Sản đã đày những thành phần trí, phú, địa hào bị ghép tội "phản động", trong đó có thân nhân gia đình Hữu dìm xuống tận cùng đất đen, không một cơ hội nào ngoi lên được.

Chính nơi đây, Bảo được sinh ra, cất tiếng khóc chào đời chịu mọi nỗi gian khổ vất vả trong cuộc sống.

Bảo thứ giữa trong bảy anh chị em (3 trai, 4 gái) và là con người em trai của Hữu.

Hồi nhỏ, công việc thường nhật của Bảo: chăn trâu. Học hành lõm bõm vài ba chữ mà còn dốt và tinh nghịch phá phách nhất nhà. Vì thế Bảo bị ăn đòn như cơm bữa.

Liên lạc được với miền Nam, hay tin chúng tôi không có con, nhà đơn chiếc (Hữu đi tù, nhà chỉ còn tôi và cụ Tất, bố chồng tôi. Cụ Tất lúc đó 70 tuổi, không anh em họ hàng thân thích), người em trai của chồng tôi nắm lấy cơ hội "tống" Bảo cho làm con nuôi tôi. Phần ở trong Nam, Bảo có cơ hội học hành (dù sao vẫn hơn miền núi). Phần để cho tôi hủ hỉ đỡ buồn trong những ngày xa vắng Hữu. Phần cho Bảo gần ông nội (cụ Tất), một nhà nho cực kỳ nghiêm khắc để dạy bảo Bảo.

Một tấm ảnh của Bảo lúc đó 6 tuổi được gởi vào trình diện. Nét e ấp, ẹo người của Bảo nép bên... váy mẹ, trông Bảo rất hiền lành (thấy dzậy mà không phải dzậy!), tôi rất thích nhưng vẫn phải từ chối không dám nhận. Lý do: Sau 1975, Hữu đi tù, tôi bị đẩy ra ngoài cuộc sống, vắt giò tìm kế sinh nhai, cơm không đủ no, ngày 2 bữa vỗ bụng rau bình bịch, Hữu lại nghèo, tôi lấy gì nuôi Bảo ?!

Trước cuộc sống bế tắc, vài năm sau, một mình, tôi buộc lòng tìm cách vượt biên.

Ngày tôi ra đi định cư tại Thụy Sĩ cũng là lúc Bảo được cử vào Sàigòn với nhiệm vụ trông nom săn sóc ông nội. Lúc đó Bảo vừa 11 tuổi.

Có lẽ gian khổ quen, bẩm sinh lại táy máy tinh nghịch phá phách (tiềm năng của người tháo vát nhanh nhẹn), Bảo bắt kịp nhanh với đời sống trong Nam. Hằng ngày ngoài giờ học, Bảo đi chợ, quét dọn nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ cho mình và ông nội. Tài chánh, có tôi ở hải ngoại, lẽ dĩ nhiên không còn là vấn đề.

Phải nói, số Bảo rất đặc biệt. Trong Nam, Bảo gặp nhiều kỳ duyên. Những nhân tài miền Nam từ văn cho tới võ, nhất là kịp lúc Hữu cùng đa số sĩ quan ào ạt từ tù trở về, Bảo may mắn được nhận cho thọ giáo.

Mười tám tuổi, Bảo khả dĩ đủ vốn liếng hộ thân: kiến thức rộng, biết viết văn, làm thơ, thông thạo Anh văn và võ giỏi.

Về võ, Bảo có thể dùng cùi chỏ đập bể một trái dừa xanh, một quả sầu riêng. Kẹp hai ngón tay đập nát một quả cau. Đá vào thanh sắt chân không gãy mà sắt cong v.v... và v.v... Hồi đó, Bảo được mời đi biểu diễn nhiều.

Nhưng tiếc rằng Bảo chỉ giỏi tài mà chưa giỏi tâm. Sống trong xã hội nền luân lý đạo đức suy đồi. Loài người chỉ đầy hận thù, dùng man trá lừa đảo đạp lên nhau để sống. Tại trường, Bảo được học chủ thuyết Karl Marc, Lenin, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng, đảng Lao động Cộng Sản vinh quang và bác Hồ kính yêu vô vàn đạo đức (giả).

Trong khi tại nhà, Bảo hiếm hoi "thấy" Phật một cách lén lút trong các ngày giỗ, Tết, Rằm, mồng Một. Cho nên, được đào tạo và sống trong môi trường như vậy, mọi tài năng của Bảo, Bảo đã thi thố vào những điều vô bổ. Dù Hữu, ông nội (cụ Tất rất mộ đạo Phật - Phật, Chúa lúc đó còn bó tay) nên cả hai cùng nhau kéo Bảo cũng không đủ sức lôi Bảo ngược dòng trào lưu đang cuồn cuộn chảy.

Thế rồi, như chúng ta đều biết, dù người có tài có tâm chăng nữa, trong xã hội Cộng Sản Việt Nam bấy giờ, lý lịch mới chính là "khuôn vàng thước ngọc" để đo đếm tài năng. Với gốc gác xét tới ba đời của Bảo, lại thêm Bảo không có hộ khẩu tại Sàigòn, Bảo coi như thuộc thành phần sống ngoài xã hội. Tương lai Bảo vô cùng mờ mịt. Một lần nữa Bảo mơ ước... tung bay.

Ngày Bảo vượt biên đến Bidong, Malaysia, cũng là lúc có lệnh đình chỉ định cư đến các nước thứ ba.

Thụy Sĩ từ lâu đã không nhận người ngoại trừ duy nhất hai trường hợp: vợ chồng hay con cái tuổi dưới vị thành niên.

Hữu cũng vượt biên trước đó một năm. Tôi đã trải qua một cuộc giải phẫu lớn. Chúng tôi vẫn không có con.

Vịn vào tình trạng này và hoàn cảnh đặc biệt của tôi và Hữu đã phải xa nhau hơn 13 năm, ngày gặp lại cả hai đã tròm trèm "Bà nửa chừng xuân, ông sồn sồn tóc bạc", chúng tôi làm đơn xin chính phủ Thụy Sĩ xét trường hợp nhân đạo nhận Bảo làm con nuôi.

Hơn 6 tháng sau, Bảo đến Thụy Sĩ. Ngày đón Bảo tại phi trường, lòng tôi lâng lâng vui sướng, hồi hộp với một cảm giác thật lạ. Tôi được làm mẹ dù đứa con tôi không diễm phúc sinh ra. Nhưng tình mẫu tử vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng tiềm ẩn trong tim mọi người đàn bà để có cơ hội bộc phát một cách tự nhiên và tình yêu thương chân thành thì không thể phân biệt do sanh hay dưỡng dục. Nhiều khi tôi thầm nghĩ, có phải là định mệnh đã đưa Bảo đến với tôi, không qua đường thai nghén, mà do - nói theo thuyết đạo Phật - do nhân duyên kết hợp mà thành. Từ cái này đưa đến cái kia. Ngoài ra, nhìn qua tử vi, còn có một sự huyền bí trong số mệnh làm như mọi sự đã an bài không sao giải thích được. Mạng của Bảo có sao Tiên Đồng là chính tinh. Ngôi sao đó lại nằm trong cung ”tử tức” của tôi chiếu vào sao Dưỡng ứng làm con nuôi. Đã thế cung con của tôi còn có Tràng Sinh Đế Vượng, tức con quí tử, nên Bảo rất xuất sắc trên mọi lĩnh vực, tôi sẽ kể ở phần sau.

Từ ngày có Bảo, không khí trong nhà rộn ràng vui tươi hơn. Bảo lớn, nhưng trong con mắt tôi, tâm hồn tôi, Bảo vẫn như là đứa bé tôi mới sinh ra. Tôi nâng niu chiều chuộng Bảo, xem Bảo như con búp-bê trai, tôi mua sắm quần áo, giày dép, bắt Bảo mặc để cho tôi ngắm, rồi tôi cười. Niềm vui dâng tràn trong tôi. Tôi thấy cuộc đời đầy ý nghĩa. Và hạnh phúc cũng giản đơn chỉ là sự thanh thản an vui trong tâm hồn.

Hằng ngày tôi và Hữu đi làm. Bảo lo học tiếng Đức. Cuộc sống êm đềm trôi.

Mặc dù tiếng Đức, Bảo mới i tờ, nhưng trò chuyện với Bảo, xem bài vở Bảo học, tôi đoán Bảo có tiềm năng tiến xa theo cấp số nhân. Tôi khuyến khích, thăm dò và khuyên Bảo học đại học.

Sinh viên tại Thụy Sĩ chỉ 6% so với người bản xứ; so với người tỵ nạn còn ít ỏi hơn, đếm trên đầu ngón tay. Đa số đi làm ngay hoặc học nghề. Nhiều người khuyên Bảo (ngay cả người Thụy Sĩ) đừng phiêu lưu mơ tưởng chuyện cao xa ở Đại Học phí thời gian lại tốn kém, hãy nắm cái nghề cho vững chắc rồi tìm cách đi lên không muộn.

Riêng tôi, tôi nghĩ khác. Con đường trước mắt ta chưa đi sao lại ngại: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, cách núi. Mà khó vì lòng người ngại núi, e sông". Cho dù đường đi khó, nhưng có con đường nào dẫn đến vinh quang mà dễ dàng đâu? Bảo cũng đồng ý với tôi như vậy.

Trong nhà, Bảo thủ thỉ gần gũi với tôi hơn Hữu. Thấy "mẹ con tôi" ý hợp tâm đầu, Hữu cũng vui, để mặc cho tôi tự do lo liệu chăm sóc Bảo. Dường như Bảo cũng tin tưởng ở tôi nên nhất nhất chuyện gì Bảo cũng kể với tôi, thậm chí cả những chuyện riêng tư với các cô bạn gái. Bảo tâm sự, Bảo thích cô này hàm răng, Bảo yêu cô kia mái tóc, Bảo mê cô nọ làn da, Bảo si cô đó dịu dàng, Bảo mến cô nớ vóc dáng v.v... và v.v... và Bảo mơ làm sao lấy được tất cả! Tôi cười cười: "Nếu con sắp xếp được thời gian và chinh phục làm sao cho các cô đều đồng lòng sống chung một nhà, mami cũng chịu tất. Mami đang cần 8 cô để vũ". (Tôi yêu văn nghệ. Mỗi lần tìm các cô cho một màn múa, tôi năn nỉ hết hơi, hết sức, rất mệt). Bảo ngỏ lời với các người đẹp, nhưng chả em nào chịu vào "ban múa" của má anh. "Nếu em không múa thì... hát cho 7 em khác múa vậy". Rồi Bảo tắc lưỡi than, Bảo thiếu... phước, sinh nhầm thế kỷ, không sinh đúng thời (xưa) hay ở các nước có truyền thống được lấy nhiều vợ như... Phi Châu Camerun chẳng hạn!

Tôi hay đùa vui với Bảo nhưng trong thâm tâm nghiêm chỉnh mà nghĩ, tôi biết Bảo là anh chàng hiếu sắc (hiếu sắc thì nam nhi nào chả mê gái đẹp -điều này cũng thông cảm thôi-) nhưng nếu không tỉnh táo, không có trí Bát Nhã dễ rơi vào mê lầm khốn đốn, nên tôi vẫn luôn nhắc nhở, cảnh cáo Bảo:

Vũ vô thiết tỏa năng lưu khách.

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

(Dẫu không khóa, mưa lưu được khách.

Chẳng sóng to, sắc đắm tài danh)

Trở lại việc học hành của Bảo, đúng như tôi dự đoán. Nhờ Bảo có một trí nhớ đặc biệt (đọc một cuốn sách một lần nhớ, hiểu ngay) lại thêm siêng năng chăm chỉ hiếu học, sau một năm tiếng Đức. Bảo dễ dàng ngồi ở ghế Đại Học chẳng những thong dong còn là một sinh viên giỏi.

Sau 10 năm, Bảo chuẩn bị trình luận án Tiến sĩ cùng lúc Bảo có một việc làm tốt.

Tiếc thay, sự thành công dễ dàng của Bảo, đúng như một trong mười điều tâm niệm Đức Phật dạy: "Làm việc chớ mong chóng thành. Vì chóng thành thì lòng sanh kiêu mạn".

Bảo đã rất kiêu mạn, tự phụ về tài học, đặt mình quá cao, choáng váng say chiến thắng, tâm không định vững nên rơi vào vọng động mê lầm của "tham, sân, si" đưa những kiến thức thế gian thâu lượm được từ trường học, sách vở, ngoài đời sống tưởng là tuyệt vời lạc vào vô minh dẫn tư tưởng kiến giải hành động đều trong nhận thức sai lầm của tà tri, tà kiến.

Bảo chỉ luôn trông cậy vào tài năng rồi cứ mãi mong ước tìm kiếm những điều tuyệt hảo nhất trong cuộc sống để thỏa mãn lòng dục: Tiền tài, danh vọng, sắc dục...

Bảo đã để cái tâm lang thang, quên mất tiêu "tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn" và Bảo cũng quên luôn "Có tài mà cậy chi tài. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Cuối cùng, khi sở nguyện chưa thành, Bảo không bao giờ thấy tâm hồn thanh thản, an lạc vì "cầu bất đắc khổ". Bảo khổ là điều hiển nhiên.

Ngoài ra, nếu trước đây, hồi còn ở quê nhà, Bảo bắt kịp đời sống trong Nam, thì bây giờ tại Thụy Sĩ, với việc học hấp thụ chóng như vậy, Bảo cũng hội nhập nhanh nếp suy nghĩ, cách sống, nền văn hóa tại đây. Một nền văn hóa hoàn toàn trái ngược với phương Đông mà theo tôi, bên cạnh những ưu điểm từ phương cách tổ chức, phương pháp làm việc có tính cách khoa học kỹ thuật đem hiệu quả tốt để phục vụ nâng cao đời sống vật chất con người thì chính điều này, nếu không có trí tuệ soi xét với thiện tâm vững chãi cũng dễ dẫn dắt con người rơi vào tham dục, để ngũ dục sai sử; hưởng thụ vật chất tối đa, sống ích kỷ hết mình cho mình và vì mình. Rồi từ đó vô tình tự trói buộc mình trở thành những tên nô lệ vào những tham luyến để mãi mãi không bao giờ tìm thấy sự an nhiên tự tại và đồng thời biến những người xung quanh làm nạn nhân gây nhiều điều ác mà không biết.

Bảo thì cho rằng, thiện ác chỉ trong một sát na. Tùy từng góc cạnh, từng con người (vì mỗi người là một cảnh giới) và từng thời đại để có cái nhìn và cảm thọ giống hoặc khác nhau tuy cùng đứng trước một sự việc. Nếu thích hợp thì cảm thấy vui sướng hạnh phúc hưởng thụ thỏa thuê. Còn ngược lại thì sẽ cho cõi đời này là những nỗi chán chường. Cũng bàn tay mặt, ở phía này nhìn tới nó là tay phải. Ở phía khác nhìn lại nó trở thành trái. Đúng, sai, thiện, ác do quan niệm ý niệm của con người.

Cũng sự hiếu thảo nhưng mỗi nơi thể hiện một cách khác nhau. Một bộ lạc tại hòn đảo ở Úc, cha mẹ già đưa lên cây rung, rớt xuống thì con cái xúm nhau mần thịt, không rơi đem về nuôi tiếp. Á Châu thì nuôi nấng phụng dưỡng. Âu Mỹ gởi cha mẹ già vào Viện Dưỡng Lão. Nước Nhật coi con số 9 là xui trong khi Việt Nam số 9 được ăn tiền (bài cào). Ngay như trinh tiết của người con gái, Á Châu trang trọng giữ gìn đánh giá "chữ trinh đáng giá ngàn vàng", thì Tây phương giá trị không được một xu. Hễ yêu nhau thì trai gái cứ "sống thử" với nhau trước. Hợp thì kết hôn. Không thích nữa thì chia tay. Ngay lúc đã lập gia đình, tìm thấy bóng sắc mới thì về nhà ly dị. Hết sức đơn giản.

Bảo dẫn chứng nhiều nữa. Bảo nói hoàn toàn không sai, nhưng tôi muốn xác định vị trí và hướng nhìn của Bảo trong cuộc sống này, nên thay vì trả lời, tôi đặt lại câu hỏi. Nếu Bảo lập gia đình, Bảo có thích lấy người vợ nhầy nhụa "sống thử" hết người đàn ông này sang người đàn ông khác? Trong công việc làm, Bảo bận rộn, đi vắng, vợ Bảo giải khuây đi xi-nê với bạn trai? Còn con gái Bảo sau này mới 14 tuổi biết uống thuốc ngừa thai, tiếp bạn trai trong phòng riêng ngay chính nhà cha mẹ? Nếu Bảo không muốn, tức là Bảo đã xác định chỗ đứng cái nhìn của Bảo từ hướng nào rồi. Rõ ràng Bảo còn bản chất và cách suy nghĩ của người Việt Nam vì Bảo là người Việt Nam, cho dù có đổi quốc tịch Thụy Sĩ, có nhuộm tóc vàng vẫn không chối bỏ bản sắc của dân tộc nên không thể quay lưng dứt bỏ một cách tàn nhẫn chính mình để chạy theo một đời sống hoàn toàn mới mà chính mình hoàn toàn không thích hợp.

Tôi còn nhấn mạnh cho Bảo hay rằng, mình nên hãnh diện, vui sướng được may mắn nằm giữa hai khía cạnh trong một cuộc đời, như kẻ lưng chừng trời nhìn được tứ phía trong đó có hai phương Đông và Tây để có cái nhìn rộng hơn và tự lựa chọn. Lựa chọn một cuộc sống thế nào dung hợp hai nền văn hóa Âu, Á. Hội nhập, hòa đồng xã hội mới để không bị lạc lõng nhưng vẫn duy trì cái hay cái đẹp từ những sắc thái, đặc thù của dân tộc Việt Nam hầu đem lại cho mình hạnh phúc một cách thiết thực mà niềm vui sống đó không gây buồn phiền đau khổ cho người khác.

Nghe tôi nói, Bảo ư hử qua chuyện cho tôi vui lòng. Nhưng mơ hồ tôi đoán Bảo hấp thụ và thích hợp đời sống Tây phương hơn. Do đó, giữa tôi và Bảo với thời gian, hai người dường như đâu lưng nhìn về hai phía. Càng dõi xa xăm, lòng càng cách biệt nhau. Thỉnh thoảng, Bảo có quay đầu ngoảnh lại trong chốc lát cũng chỉ khi nghe tiếng gọi của tôi. Tôi không hoàn toàn trách Bảo, nhưng tôi buồn và lo sợ Bảo sẽ sa lầy ngụp lặn trong những thú vui hưởng thụ vật chất Tây phương mà hậu quả tai hại của nó sẽ phá vỡ hệ thống gia đình vốn lỏng lẻo tại đây. Trách nhiệm của "tình mẫu tử" luôn mong con toàn hảo, tôi luôn nhắc nhở, càng kéo Bảo trở về truyền thống dân tộc thì Bảo càng công kích tôi bảo thủ, lạc hậu. Đứng trước tình trạng đó, tôi biết làm gì đây, khi khả năng của tôi, như kẻ không biết bơi đứng nhìn người chới với giữa dòng nước, tôi chỉ biết ngậm ngùi đau xót lặng lẽ quay lưng.

Rồi tất cả những cố gắng để níu kéo Bảo chỉ khiến tôi mệt nhoài, chán chường, thất vọng, buông xuôi... Cuối cùng, chính tôi cũng rơi vào nỗi khổ của "cầu bất đắc khổ" (muốn Bảo như mình) và "Oán tắng hội khổ" (khi phải nghe, thấy, gặp, sống với những người không như mình).

Trong nhà, Hữu bình an như vại. Chàng chẳng nói gì. Có hai lý do: Thứ nhất, Hữu muốn để Bảo thảnh thơi tâm trí lấy cho xong bằng Tiến Sĩ. Thứ hai, thấy tôi đã nói, chàng không nói. Hữu giải thích, nhà có hai người. Một người la, một người vuốt, để Bảo còn... thở chứ! Ngoài ra ý chàng còn muốn để tôi thi thố... tài năng "uốn nắn" Bảo trở thành người có lý tưởng đem sở học phục vụ xã hội, tổ quốc, nhân loại (độ chúng sinh), đó mới là sự nghiệp thiết thực, vẻ vang tôi và Hữu đều mong ước. Bằng Tiến Sĩ không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để thực hiện những điều to tát trên. Nếu thành công đương nhiên chàng hưởng... ké. Nào là con ông bà Hữu (rõ ràng tên chàng) thuộc dòng họ Trần (cũng họ tên chàng) chứ có nêu tên tộc tôi đâu. Còn nếu Bảo hư thân mất nết, chắc chắn không chỉ chàng mà cả bàn dân thiên hạ sẽ đổ thừa... "con hư tại mẹ"! rồi réo tên tôi ra... nguyền rủa!

Trách nhiệm của tôi...to tát, nặng nề như vậy, nhưng Hữu không hỗ trợ... hùa cùng tôi răn đe Bảo, nên tôi cũng ghét chàng luôn! Thế là, một lần nữa, tôi lại rơi vào "cầu bất đắc khổ" (kéo chàng theo đồng minh của mình không được) và "oán tắng hội khổ" (hằng ngày phải thấy thêm "bản mặt" mình ghét).

Thế rồi, Khóa Tu Học Âu Châu kỳ thứ 13 tại Thụy Điển do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu Châu tổ chức lại đến. Ngoài niềm hăm hở gặp lại Thầy, bạn, những khuôn mặt thân thương tôi quen biết từ vài năm trước; sống lại nếp sống Việt; học hỏi thêm nước mới, tôi còn tránh khỏi đụng độ với hai... "nội thù" đã đem cho tôi ...oán tắng hội khổ.

Tham dự khóa tu học kỳ này, tôi không "ham chơi" chỉ lo ca múa hát hò như những lần trước mà không hiểu sao tôi lại chú tâm tìm hiểu kỹ càng giáo lý của Đức Phật qua lời quí Thầy giảng.

Trong lớp, ngồi hai bên tôi tả, hữu (như áp tải tù nhân) có Hữu và Bảo. Tất cả cùng lắng nghe:

- "Hãy chấp nhận sự tương đối của cuộc sống mới mong cầu sự an lạc hạnh phúc được. Vì Đức Phật đã dạy: "đời là bể khổ". Tùy nhân duyên hay nghiệp lực từ cái này sinh ra cái kia. Tham dục để đáp ứng nhu cầu của ngũ dục mãi mãi khiến con người không bao giờ biết đủ để chính điều đó quay lại hại chính mình".

- "Người Phật tử lấy thân, tâm làm gốc. Vì đó là nhân khổ của ba ác (thân, miệng, ý). Chỉ cần một niệm phát khởi bồ đề tâm:

- Ngưng ác hành thiện.

- Ác ngưng tức tâm tịnh.

- Tu thiện tức khổ diệt hết.

- Khổ diệt hết, tức tăng phước.

- Tăng phước tức làm quả cho thường lạc.

- Tâm tịnh tức làm nhân cho cõi tịnh.

Dụng tâm như thế lâu ngày thuần thục cho đến trong... mộng cũng không quên.

Quí Thầy còn giảng nhiều nữa, tôi nghe ngây ngất như người vào vườn trầm, nhưng tôi không còn là kẻ "cưỡi ngựa xem hoa" như trước đây để chỉ nghe phảng phất mùi hương, mà tôi tự hái lấy trầm nắm chặt trong tay để thưởng thức tận tường hương thơm ngào ngạt của nó.

Cuối giờ, tôi còn hỏi:

- Bạch Thầy, người Phật tử biết sống đạo nhưng xung quanh phải tiếp xúc, va chạm với người không biết sống đạo sẽ gây phiền não cho mình thì mình phải làm sao?

Thầy giảng:

- Người Phật tử luôn có hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Nhưng nếu cố hết sức vẫn không hóa giải được thì qui vào nghiệp. Nghiệp mình và nghiệp người. Hãy bình thản trả nghiệp coi như nhân quả đang xả.

Nhưng,

Chúng sinh gặp nghịch cảnh thì cho là nghiệp.

Người tu gặp nghịch cảnh thì cho là hạnh nguyện.

Tôi len lén nhìn sang Bảo, dò xét tâm ý Bảo. Nét mặt Bảo vẫn bình thản. Tôi biết, những lý thuyết Thầy giảng, đối với Bảo là con mọt sách, Bảo đã nằm lòng, chẳng những nhuần nhuyễn giáo lý của Đức Phật mà ngay cả Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo cùng các tôn giáo khác, Bảo đều đọc qua, hiểu hết nhưng... quên chưa thực hành đấy thôi. Nay, tuy đến đây lần đầu, không khí xung quanh đầy đạo vị, thân cận thiện hữu trí thức, nhắc nhở lại lời Phật dạy, tôi hy vọng tâm Bảo ít nhiều cũng "phảng phất mùi hương". Và rồi chính sự xuất hiện của 3 em bé (tôi giới thiệu sơ dưới đây) mới thực sự đánh động tâm Bảo:

- Bé Nguyễn Tống Julia Đại, 13 tuổi. Em có khuôn mặt tươi sáng, mắt phụng, mày ngài. Trông em như tiên đồng ngọc nữ. Hằng ngày tại khóa học, em có nhiệm vụ rung chuông thức chúng nhắc nhở mọi người (khoảng 600 người) từ lầu trên cho tới tầng cuối tụng kinh, ăn cơm, học giáo lý. Em thức sớm (khoảng 5 giờ sáng) khi mọi người còn ngủ (đúng 6 giờ sáng mọi người phải có mặt tại Chánh điện tụng kinh), em ngủ trễ khi tất cả mọi người đã vào phòng (23 giờ bắt buộc mọi người đi ngủ). Thì giờ rảnh em phụ các bác, các chị bán hàng lấy quỹ cho chùa, bưng cơm rót nước hầu quạt quí Thầy... Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng em ý thức trách nhiệm rất cao với nguyện ước độ chúng sinh tạo công đức cúng dường Tam Bảo.

- Bé Tô Hiến Hào, 3 tuổi. Nếu chúng ta từng thấy trong những bức tranh các em bé miệng cười toe toét ngồi, bò quay xung quanh Đức Phật Di Lặc, thật dễ thương đó chính là hình ảnh bé Tô Hiến Hào. Bé dễ thương thu hút cái nhìn của mọi người là điều hiển nhiên. Bé càng... dễ ghét hơn khi bò lên Chánh điện miệng luôn bi bô: "Mô Phật, mô Phật, con đi tu tâm!". Đã đành có người lớn dạy em mới nói, nhưng tướng pháp như tiên đồng và hiện tượng em không thích ăn thịt (hễ ăn thịt là em ói) chỉ ăn chay, chắc chắn em có căn tu của một vị cao tăng, nếu không muốn nói của một vị Phật trong tương lai. May mắn cho bé và cả cho các Phật tử như chúng ta, thân sinh ra bé nét mặt hiền hòa rất có tâm đạo và hoan hỉ nếu lớn lên bé muốn đi tu.

- Bé thứ ba gây chú ý nhiều đến Bảo, đó là bé Đồng Hoàng Việt, 9 tuổi.

Bấy lâu, Bảo vẫn tự hào có trí nhớ... đặc biệt. Nhờ vậy đọc và học rất nhanh. Đến đây "đụng" với Đồng Hoàng Việt, Bảo như gặp "kỳ phùng địch thủ" Bảo thực sự ngộ ra "cao nhân tất hữu cao nhân trị" (núi cao còn có núi cao hơn) vì rõ ràng hồi 9 tuổi Bảo đã không thông minh như Hoàng Việt.

Bé Hoàng Việt từ 4 tuổi do nhân duyên đưa đẩy bé đã học kinh Phật. Đến nay bé thuộc làu tất cả các loại kinh, trong đó, đặc biệt nhất Kinh Lăng Nghiêm rất khó, rất dài (xin trích một đoạn ngắn): "... ba ra tát đà na yết rị a sắc tra nẫm, ma ha yết ra ha nhã xà, ty đa băng tát na yết rị, tát bà xá đô lô nể bà ra nhã xà, hồ lam đột tất phạp nan giá na xá ni, bí sa xá tất đác ra, a kiết ni ô đà ca ra..." lại đọc rất nhanh, thậm chí người lớn rành tiếng Việt cầm tập kinh đọc theo vẫn không kịp, không nhận ra mặt chữ.

Thầy Như Điển trụ trì chùa Viên Giác Đức Quốc đã giới thiệu bé với mọi người. Việt đã "biểu diễn" đọc bất cứ kinh gì do Thầy yêu cầu. Ngoài đời, Việt học rất xuất sắc. Tuy còn bé nhưng tác phong Việt nghiêm chỉnh đĩnh đạc và có nhận thức khác người. Bé hiện là đệ tử của Thầy Như Điển. Nguyện ước của bé lớn lên muốn đi tu để cứu độ chúng sinh.

Ngoài ra tại khóa học, Bảo còn có nhân duyên tiếp xúc với hai đệ tử và học trò của Thầy Như Điển. Thầy Hạnh Tấn và Thầy Đồng Văn. Cả hai đều đã xong Phó Tiến Sĩ và Tiến Sĩ. Vấn đề tôi muốn nêu ở đây không phải bằng cấp của hai vị đó mà là tâm. Thay vì dùng tài năng sở học để "vinh thân phì gia", điều này không xấu vì người ta bỏ công sức thì được quyền hưởng rất đương nhiên và công bằng. Nhưng tự ép mình tu hành, tự lựa chọn một lý tưởng xuất trần vượt lên trên mọi hưởng thụ vật chất thường tình để gánh vác trọng trách cao cả mưu cầu an lạc cho chúng sinh đó mới là điều đáng nói, đáng kính trọng.

Thầy Phước Nhơn đã từng giảng: "Cũng nắm tay, nhưng nếu dùng để đấm lưng người đang nhức mỏi giá trị sẽ khác dùng để đấm vào mặt người. Tất cả điều khiển hành động thiện, ác để có giá trị nhiều, ít, tốt, xấu đem an lạc hay phiền não cho mình cho người xuất phát đều từ tâm. Nên tu tâm, dùng tâm để hướng dẫn tài năng thì mới quí vậy. Cụ Nguyễn Du đã chẳng bảo: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" ".

Sau khóa học, nhìn Bảo thích thú thân thiện với các bé thiện tâm, hoan hỷ gần gũi nhiều bạn đạo, hứa hẹn nhau sẽ gặp lại ở những khóa tới, lòng tôi vui. Dường như đã có hạt bồ đề nhen nhuốm trong tâm Bảo. Tôi hy vọng với thời gian hạt giống kia đủ nhân duyên sẽ nảy mầm xanh ngọn.

Riêng tôi, tôi soi lại chính mình. Những gian truân cay đắng trên đường đời tôi gánh chịu, phải chăng đó là nghiệp tôi phải trả hay hạnh nguyện để thử thách cho tôi? Có lẽ cả hai. Khi nhận ra điều đó, tôi bình thản. Bấy giờ tôi mới ngộ rõ giá trị nhiệm mầu của Phật Pháp mà bấy lâu tôi cũng như đại đa số Phật tử lơ là không tìm hiểu.-

Trần Thị Nhật Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2021(Xem: 6559)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
18/08/2021(Xem: 9731)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
17/08/2021(Xem: 7513)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 5058)
Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này.
16/08/2021(Xem: 7180)
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
15/08/2021(Xem: 4966)
Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.
15/08/2021(Xem: 7398)
Là người hay là thú, sinh ra đời nếu bộ não bình thường thì tất cả đều có cái biết. Biết đói, biết no, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết thiếu, biết đủ v.v… Tâm trí loài vật, có nhiều loài khá khôn ngoan, nhưng khôn ngoan cách nào cũng không bằng con người. Khi còn nhỏ cái biết của con người rất hạn hẹp. Khi lớn lên cái biết dần mở rộng, nhờ học hỏi từ môi trường gia đình, học đường, xã hội. Tùy theo căn cơ mà có người thông minh học một biết mười, có người kém thông minh chậm hiểu. Nhưng dù cái biết của người thông minh hay cái biết của người kém thông minh thì đó cũng là cái biết cần thiết cho đời sống.
13/08/2021(Xem: 6437)
Công ơn cha mẹ tựa biển trời Làm sao báo hiếu hỡi người ơi? Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ trọn đời.
13/08/2021(Xem: 9074)
Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ - A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây: MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
09/08/2021(Xem: 8242)
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]