Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Tấm Lòng Của Cô Gái Uttarā

27/11/201320:35(Xem: 20335)
19. Tấm Lòng Của Cô Gái Uttarā
mot_cuoc_doi_tap_5


Tấm Lòng

Của Cô Gái Uttarā



Suốt gần nửa tháng, vợ chồng Puṇṇaka và con gái Uttarā dọn về nhà mới là một biệt phủ sang trọng; may nhờ có gia nhân, tôi trai, tớ gái giúp việc, đâu đó trong ngoài đã khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp. Từ một thân phận nô lệ, bây giờ họ là gia đình đại phú, mở mắt ra là giàu sang nhất kinh thành, dù có nằm trong mộng cũng không có được sự đổi đời như thế.

Việc đầu tiên hai vợ chồng bàn nhau là phải biết tri ân Tam Bảo nên họ đến tịnh xá Trúc Lâm, thỉnh đức Phật, hai vị đại đệ tử cùng chư tăng để họ được đặt bát cúng dường trong bảy ngày tại tư gia. Đồng thời cũng là cơ hội để họ khánh thành tòa biệt phủ, ra mắt với mọi người, mọi giới trong kinh thành.

Cuộc lễ lớn quá, họ phải thuê mướn tất cả từ tổ chức, lều trại, trang hoàng, nấu ăn, bưng dọn cùng trăm việc linh tinh khác. Bà Puṇṇaka và con gái Uttarā tuy tháo vát, đảm đương nhưng họ chỉ chăm lo cẩn thận, chu đáo phần việc cúng dường đức Phật và chư tăng mà thôi.

Cứ mỗi ngày, mỗi buổi như vậy, đức Phật và hai vị đại đệ tử lại thay nhau thuyết pháp đến cho gia đình và quan khách. Đức vua Bimbisāra, hoàng hậu Videhi cùng triều đình cũng đến tham dự buổi đầu tiên, là một vinh hạnh lớn cho gia chủ.

Hôm gặp lại tôn giả Sāriputta, vị sa-môn thù thắng cho họ có được ngày hôm nay, cả gia đình quỳ mọp xuống ôm chân bụi của ngài mà nước mắt ràn rụa, ngài phải phủ dụ:

- Nhân nào quả nấy! Cả gia đình đã có duyên lành từ kiếp trước chứ ta nào có tài cán gì, uy lực gì đâu! Hãy sống vì mọi người, vì an vui và hạnh phúc cho phần đông!

Trong bảy ngày đặt bát, có một thời pháp của đức Phật đã giúp cho hai vợ chồng Puṇṇaka, cô con gái Uttarā đều được chứng quả Dự Lưu! Từ đó, cả vợ chồng và cô con gái không ngày nào là không cúng dường thức này vật nọ đến chư tăng tịnh xá Trúc Lâm. Và hễ có cơ hội là họ lại cùng nhau đi nghe pháp, do đó, càng ngày họ càng khắng khít với đức tin Tam Bảo.

Trưởng giả Sumana thấy gia đình nô lệ Puṇṇaka, bây giờ với tài sản lớn, danh vọng lớn hơn cả mình nên cho người đến dạm hỏi cô con gái cho con trai của mình nhưng bị khước từ. Không hiểu lý do, trưởng giả Sumana đích thân tìm đến hỏi. Đại phú gia Puṇṇaka tiếp đón “chủ cũ” của mình thật đàng hoàng, lịch sự nhưng khi đề cập đến chuyện cầu hôn thì ông bảo:

- Xin lỗi! Con gái tôi theo đức Phật, có đức tin với Tam Bảo; con trai ông theo ngoại đạo, chẳng có đức tin chơn chánh, tôi không thể gã được!

Trưởng giả Sumana năn nỉ:

- Chúng ta dù sao cũng đã từng quen biết nhau mà! Đừng cạn tàu, ráo máng như thế! Được con gái ông làm vợ, con trai tôi biết đâu nó sẽ khá hơn, tốt hơn!

Đại phú gia Puṇṇaka khăng khăng không chịu. Sau, do lời khuyên của nhiều nhà quyền chức, vọng tộc, phú hào đã khuyên Puṇṇaka đừng làm mất tình thân của trưởng giả kia. Cuối cùng, Puṇṇaka nhận lời, vào ngày trăng tròn tháng Asalhi, gả Uttarā cho con trai trưởng giả Sumana là chủ cũ của mình.

Từ khi về nhà chồng, Uttarā không có dịp gặp gỡ chư vị tỳ-khưu Tăng ni, hoặc cúng dường hoặc nghe pháp tại tịnh xá Trúc Lâm nữa. Hôm kia, nàng Uttarā hỏi người hầu:

- Mùa an cư còn bao lâu?

- Thưa phu nhân, nửa tháng nữa.

Uttarā nhắn tin về cha nàng: “Tại sao cha mẹ lại để cho họ nhốt con trong cái nhà ‘vô phước’ này vậy? Thà là cha mẹ đánh con, chửi con còn hơn là gả con cho một gia đình ngoại đạo như thế này. Từ ngày về đây, con không được gặp đức Phật, hai vị thượng thủ giáo hội, chư vị trưởng lão, cho chí một vị tỳ-khưu Tăng ni gì đó cũng không thấy mặt! Ôi! Một chút công đức nhỏ cũng không làm được thì cuộc sống làm người có ý nghĩa, giá trị gì nữa?”

Cha mẹ nàng được tin, buồn bã nói với nhau rằng:

- Ôi! Con gái ta bất hạnh quá!

Rồi cả hai tính kế. Sau đó, ông bà Puṇṇaka gởi cho con gái mười lăm ngàn đồng tiền vàng, kèm theo lời dặn dò: “Trong kinh đô Rājagaha này có cô kỹ nữ tên là Sirimā, nổi tiếng là một mỹ nhân trong thiên hạ; ai ở với cô ta một đêm phải bỏ ra một ngàn đồng tiền vàng, không thừa không thiếu. Thế mà các vương tôn công tử phú gia tranh giành nhau đấy! Vậy, với số tiền này, con mời cô ấy về cho chồng con để thay thế con. Và con sẽ có được thời gian mười lăm hôm để đi làm phước, cúng dường, nghe pháp tùy thích!”

Vui mừng khôn xiết, nàng Uttarā cho mời kỹ nữ Sirimā đến, với lời dịu dàng, đề nghị làm bạn với chồng mình mười lăm hôm, với số tiền mười lăm ngàn đồng tiền vàng đưa trao ngay tận tay.

Sirimā tức thì ưng thuận, mà chồng của nàng Uttarā cũng vì say mê nhan sắc của cô kỹ nữ nên mau mắn đồng ý, hài lòng để Uttarā tự do như ý.

Như chim được sổ lồng, nàng Uttarā đi thỉnh ngay đức Phật cùng chư vị trưởng lão để đặt bát tại tư gia nửa tháng cuối cùng trong mùa an cư.

Ðược đức Phật nhận lời, nàng vô cùng vui sướng nghĩ thầm: “Từ ngày mai trở đi cho đến ngày mãn hạ, ta không còn bị ràng buộc gì với ông chồng và công việc gia đình chồng nữa. Hãy để tâm vào việc sắp đặt bánh trái cơm nước cho được chu đáo!” Thế rồi nàng đích thân tính toán các loại thực phẩm, món ngọt, món mặn thượng vị cứng mềm đâu đó rồi cùng với các nữ tỳ đi chợ, vào bếp, chăm lo từ việc nhỏ đến việc lớn. Muốn cho việc đặt bát cúng dường được thành tựu tốt đẹp, nàng luôn nở nụ cười, thái độ dịu dàng, mềm mỏng khi chỉ bày công việc; và nàng lại còn vui vẻ ban thưởng tiền bạc cho những người phụ việc, kẻ làm công, tôi trai tớ gái nên ai cũng hoan hỷ, ai cũng thương kính cô chủ tốt bụng.

Đức Phật chỉ tham dự một hôm, sau đó là tôn giả Sāriputta, đôi khi thay thế bằng tôn giả Moggallāna hay tôn giả Ānanda dẫn đầu hội chúng. Và các thời pháp cũng thay đổi như thế.

Vậy là ngày nào nàng cũng được như ý, ngày nào nàng cũng mãn nguyện. Và thời pháp nào nàng cũng chăm chú lắng nghe, do vậy, kiến thức về kinh giáo của nàng có thêm được bề rộng và bề sâu. Điều đặt biết, nàng thích bài giảng của tôn giả Ānanda về tâm từ, nên khoảnh khắc nào nàng cũng niệm tâm từ, tu tập tâm từ ngày cũng như đêm nên khuôn mặt nàng lúc nào cũng tươi rạng và mát mẻ.

Một hôm, tình cờ chồng nàng Uttarā đứng ở cửa sổ lầu cao, nhìn xuyên qua cửa bếp, chợt nẩy sinh ý nghĩ: “ À, ta xem thử cô vợ của ta làm gì ở trong đó mà suốt cả nhiều ngày không hề thấy mặt?” Rồi ông thấy Uttarā đi tới đi lui, mình mẩy đẫm mồ hôi, mặt mày dính đầy tro bụi, mồ hóng... với dáng dáp như đang tất tả với công việc. Ông rủa thầm: “Họa là cái con điên! Không điên cũng khùng! Sống trong một gia đình giàu sang, danh giá như thế này, lại không thích thọ hưởng ngũ dục, những tiện nghi xa hoa, những thú vui quý phái mà lại đầu tắt mặt tối trong bếp núc như kẻ tôi đòi, hạ tiện, nấu nướng thức ăn, cung cung kính kính phục vụ cho những ông thầy tu trọc đầu!”. Nghĩ thế xong, ông cười cười rồi bỏ đi!

Cô kỹ nữ Sirimā đứng gần đó thấy vậy, tự hỏi: “Ông ấy thấy ai mà cười vậy ha?” Nhìn thẳng qua cửa sổ nhà bếp, trông thấy Uttarā đang vuốt mồ hôi trên má, Sirimā nghe ghen tức trong lòng: “Chỉ vì bà ta thôi! Ồ! Hóa ra giữa họ vẫn còn tình tứ với nhau lắm”. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì, dù Sirimā sống chưa đầy nửa tháng trong nhà triệu phú như một nàng hầu; nhưng chóa mắt vì sự giàu sang, hào nhoáng, lộng lẫy của gia chủ, nàng quên mất thân phận ‘chỉ là kẻ thế thân vui chơi cho người ta’, lại cứ tưởng mình là ‘nữ chủ’!

Vì vậy, Sirimā cảm thấy căm ghét Uttarā, khởi ác tâm muốn hại nàng, muốn làm gì đó cho nàng phải khổ sở, phải đau đớn mới cam lòng! Cô ta bèn chạy xuống lầu, đi vào nhà bếp, đến bên chão bánh, múc một vá bơ đang sôi tiến về phía Uttarā.

Cô Uttarā vô tư, thấy Sirimā đi tới không biết có việc chi, nhưng cũng mở lời:

- Cô bạn đã giúp tôi rất nhiều. Trái đất này có thể to rộng, cõi trời phạm thiên kia có thể cao lớn, nhưng lòng tốt của cô còn vĩ đại hơn nhiều. Nhờ cô, tôi được rảnh thời gian để cúng dường và nghe pháp. Cảm ơn cô nhiều lắm!

Vừa nói đến ngang đó, thoáng thấy đôi mắt cô kỹ nữ hằn lên tia lửa và cái cách cầm cái vá bơ sôi, đoán biết ngay chuyện gì. Cô Uttarā nhắm mắt lại, niệm tâm từ rồi bình tĩnh, chậm rãi nói:

- Cô bạn làm gì thì làm, tuyệt đối tôi không nổi giận với cô đâu. Nếu điều tôi nói là chân thật thì vá bơ sôi kia chẳng thể làm gì tôi được, bằng lời kia là gian dối thì tôi sẽ bị hại!

Nói thế xong, một năng lượng tâm từ như bao phủ con người cô, sắc mặt cô nên khi vá bơ sôi từ trên đầu hắt xuống, nó chợt như nhúm nước lạnh tưới nhẹ lên đầu lên mặt mà thôi. Tức giận, Sirimā quay lưng định đi múc vá bơ thứ hai...

Tuy nhiên, những gia nhân giúp việc đã kịp thời ra tay. Người thì la hét, người thì nguyền rủa:

- Cút đi! Đồ đĩ ngựa!

- Mày là cái gì trong nhà này mà tưới bơ lên đầu bà chủ của tao!

- Hãy “tẩn” nó!

Rồi họ đồng ùa tới Sirimā, kẻ đánh bằng tay, kẻ đạp bằng chân, kẻ đập bằng chảo, bằng vung, người giật tóc, người xé xiêm áo... cho đến khi cô ta thân tàn ma dại luôn.

Nàng Uttarā can ngăn không kịp, chạy tới đẩy mọi người ra, đứng chắn hai tay rồi nằm sấp xuống che chở cho Sirimā nói lớn rằng:

- Cô Sirimā đã hành động thô bạo là do sân si không kềm chế được mình; mà các người cũng bằng hành động thô bạo để đối lại thì xấu ác cũng tương đương! Làm cho người khác đau đớn như thế là không đẹp rồi, không tốt rồi!

Mọi người thấy tấm lòng quảng đại của cô chủ Uttarā, họ cúi đầu như hối lỗi. Nàng Uttarā đưa tay dịu dàng đỡ Sirimā dậy rồi nhờ mọi người mang cô ta vào phòng. Sau đó, nàng tận tay tắm rửa cho cô ta bằng nước ấm, lấy khăn thơm lau khô rồi lấy dầu quý xoa bóp những chỗ bị sưng tấy! Nàng cũng đích thân vào tủ lấy xiêm áo tốt, đẹp, sang trọng để cho Sirimā thay đổi bộ đồ cũ đã bị dơ, rách.

Cảm động quá, Sirimā bưng mặt, thút thít khóc! Bây giờ, cô ta mới sực nhớ, mình chỉ là người hầu, lại được bà chủ rộng lòng tha thứ, chăm sóc chu đáo với bàn tay dịu dàng của người mẹ, cô suy nghĩ: “ Thật là thô bỉ, hung ác và cả vô lý nữa, khi mình đổ bơ nóng lên đầu cô chủ chỉ vì ghen tức chồng nàng cười với nàng!? Và nàng, thay vì sai gia nhân trói ké ta lại, hạch sách ta, mạt sát ta, đánh đập ta... thì nàng lại la mắng gia nhân, bảo vệ ta, lại còn tắm rửa cho ta, xoa bóp dầu thơm cho ta, hết lòng xoa dịu vết thương đau cho ta nữa! Ôi! Nếu ta không ôm gót chân nàng mà xin lỗi thì cái đầu của ra sẽ bị bể làm bảy mảnh!”

Nghĩ thế xong, Sirimā lồm cồm bò dậy, quỳ dưới chân Uttarā, sụt sùi nói rằng:

- Xin phu nhân tha lỗi cho tôi! Tôi đã ăn ăn, bứt rứt nhiều lắm!

“Trí tuệ” lúc ấy chợt đến với Uttarā nên nàng thản nhiên nói:

- Tôi là con của cha tôi. Nếu cha tôi tha lỗi cho cô thì tôi mới tha lỗi cho cô!

- Lành thay, thưa phu nhân! Cô Sirimā nói - Tôi sẽ thành tâm xin lỗi với người, đại phú gia Puṇṇaka!

- Không! Uttarā đáp - Puṇṇaka là cha thế gian của tôi! Tôi muốn nói đến đức cha xuất thế gian của tôi kìa!

Sirimā không hiểu.

Uttarā phải giải thích:

- Chính là đức Phật! Chính là bậc Tôn Sư Vô Thượng Giác! Cả gia đình chúng tôi đều được sinh ra trong lòng giáo pháp. Cô phải thành tâm xin lỗi tôi, có sự chứng minh của đức Đạo Sư!

- Tôi đã hiểu rồi! Thế tôi phải xin lỗi với ngài bằng cách nào mới xứng hợp?

- Mai là ngày cuối cùng trong mười lăm ngày làm phước sự của chúng tôi. Vậy cô phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, cơm bánh vật thực để đặt bát cúng dường đến đức Phật cùng năm trăm vị tỳ-khưu! Chỉ có việc làm ấy mới nói lên lời xin lỗi chơn chánh nhất.

Nghe lời, cô kỹ nữ tức tốc về nhà, sai bảo gia nhân chuẩn bị đâu đấy mọi thứ, sáng ngày, cùng với chục chiếc xe ngựa kéo cùng với tỳ nữ mang thức ăn, vật uống, thượng vị loại cứng, loại mềm đến trang viện của gia đình Uttarā.

Khi đức Phật và hội chúng tỳ-khưu đến, cô kỹ nữ Sirimā cúi gầm mặt, không dám ngửng đầu lên, cũng không dám tận tay dâng vật thực đến cho ai cả. Biết được sự tự ti mặc cảm của cô bạn, nàng Uttarā sai bảo gia nhân, cùng với mình làm những công việc như lệ thường.

Trong lúc đức Phật và hội chúng thọ trai, Sirimā cùng một đoàn tỳ nữ của cô vẫn lặng lẽ quỳ ở phía trước. Độ thực xong, khi tay vừa rời khỏi bình bát, đức Phật mỉm cười nói:

- Vật thực đặt bát cúng dường hôm nay, dường như không phải là của “con gái nhỏ”(1)của Như Lai?

Uttarā đang hầu bên, cung kính đáp:

- Đúng vậy! Bạch đức Thế Tôn! Phần phước sự hôm nay là do bạn con, cô Sirimā thành tâm xin sám hối với đức Thế Tôn vì một việc làm không được đúng, không được tốt!

Đức Phật với từ tâm mát mẻ, ngài nói:

- Này Sirimā! Hãy nghe, Như Lai muốn nói chuyện với con đây.

Và khi cô kỹ nữ lí nhí “thưa vâng, thưa vâng” rồi ngửng đầu lên, đức Phật hỏi:

- Con đã làm việc gì mà nghĩ là có tội vậy?

- Con đã tạt vá bơ sôi lên mặt của nữ chủ, bạch đức Thế Tôn!

- Ừ, ấy là việc xấu, ác! Rồi sao nữa?

Cô Sirimā bèn kể lại toàn bộ sự việc rồi nói thêm:

- Do vậy, con muốn xin lỗi thì cô chủ bảo, hãy “xin lỗi với cha xuất thế gian của tôi” nên hôm nay mới có phước sự này! Cô còn bảo, nếu cha tôi tha lỗi thì tôi sẽ tha lỗi!

- Có đúng vậy không, Uttarā?

Rồi đến lượt, Uttarā kể lại.

Nghe xong toàn bộ sự việc, đức Phật khen ngợi:

- Này Uttarā! Hành động được vậy là quý lắm, là tốt lắm! Con đã thấy được sự thật muôn đời, và cũng sống được với sự thật muôn đời ấy! Chỉ có dòng nước mát ngọt của tâm từ mới tưới tắt tất thảy cơn lửa nóng của tâm sân, tâm hận. Từ bi mới có thể xóa sạch oán thù! Dùng không mắng chưởi để thắng mắng chưởi. Dùng bố thí để thắng xan tham. Dùng thật ngữ để thắng vọng ngữ. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi đó con!

Rồi đức Phật đọc lên một bài kệ:

“- Không sân chế ngự hận sân

Với người xấu, ác; phải cần lành, vui!

Xan tham, bố thí diệt rồi

Lấy lòng chân thật thắng lời dối gian!”(1)

Sirimā nghe xong bài kệ, cô đắc quả Nhập Lưu, sung sướng quá, cô quỳ lạy đức Phật và cô đã khóc như chưa từng bao giờ được khóc.

Chỉ có đức Thế Tôn và một số trưởng lão là đọc được “ngôn ngữ” của tiếng khóc ròng rã ấy.

Đức Phật dịu dàng cất tiếng hỏi:

- Con có học được bài học gì đấy, có phải thế không, Sirimā?

- Thưa vâng! Bạch đức Tôn Sư! Như đám mây phủ ngàn năm đã được xua đi mãi mãi! Như đêm tối trời, chân cao chân thấp trên bờ vực thì giáo pháp của đức Đạo Sư đã cho con một ngọn đèn. Xin cho con được trở về nương tựa nơi Tam Bảo, để từ rày về sau sống cuộc đời lành, tốt hơn!

- Ừ! Vậy là con đã sám hối rồi đấy! Như Lai chứng nhận hành động sám hối thiết thực ấy của con.

Chợt một tiếng nói bên sau vọng lại:

- Đệ tử cũng nhìn nhận sự sám hối ấy hôm nay của Sirimā là chân thật, là đại chân thật, bạch đức Tôn Sư!

Mọi người quay mặt nhìn lại, hóa ra là vị thần y Jīvaka, ông ta chính là anh ruột của cô kỹ nữ.

Thần y Jīvaka bước vào quỳ bên cạnh Sirimā, đảnh lễ đức Phật rồi nói tiếp:

- Bao nhiêu năm qua, bạch đức Tôn Sư! Đệ tử đã không nhìn mặt nó, đã đoạn tuyệt với nó; từ rày về sau, đệ tử sẽ nhìn nhận nó là em, một đứa em chân chính, lang thang lưu lạc nay đã trở về. Ôi! Trong mịt mù cát bụi lầm lỡ, may nhờ uy đức của Tam Bảo, anh em con mới nhìn thấy rõ mặt nhau! Tri ân đức Vô Thượng Giác.

Thần y Jīvaka cũng quay sang, chấp tay xá sâu, cảm ơn ánh sáng trí tuệ và năng lượng từ bi của nữ gia chủ Uttarā đã cảm hóa, đưa em ông trở về với chánh đạo! Những người có mặt ở trang viện, ai ai cũng xúc động.

Uttarā cảm thấy mừng vui đến nghẹn ngào, nàng cũng chấp tay xá chào lại:

- Tôi cũng cảm ơn người bạn của tôi, cô Sirimā, đã giúp tôi tu tập được chút ít tâm từ mà đức Ānanda đã chỉ dạy.



(1)Hàm chỉ nữ thánh đệ tử vừa vào dòng, Nhập Lưu.

(1)Pháp cú 223: “ Akkodhena jine kodhaṃ, asādhuṃ sādhūna jine. Jine kadariyaṃ dānena, saccena alikavādinaṃ”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/10/2011(Xem: 18207)
Một trong những nhân tố chính yếu cung cấp năng lượng cho Cách Mạng Hạnh Phúc đã là sự nghiên cứu khích động phơi bày nhiều lợi ích của hạnh phúc – những hạnh phúc trải rộng...
24/10/2011(Xem: 5197)
Những lúc ngồi ngẫm nghĩ, tôi lại càng thấm thía câu nói mà ông cha ta đã dạy: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” hay “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
24/10/2011(Xem: 5129)
Tôi năm nay đã 95 tuổi, ngày giờ đã đến lúc phải mãn. Tôi cũng cố gắng lắm, kỳ thật những người bạn đồng tu cùng thời với tôi đều đã theo Phật từ lâu. Tôi còn ở trên đời để gặp mặt tất cả các huynh đệ là điều hy hữu lắm. Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu không thể nói nhiều nên chỉ nói những điều cốt yếu để nhắc nhở tất cả các huynh đệ.
23/10/2011(Xem: 8302)
Khi người ta đến để nghe tôi giảng, nhiều người làm như thế với mục tiêu đón nhận một thông điệp hay một kỹ năng cho việc bảo vệ niềm hòa bình nội tại và cho việc đạt đến một sự thành công trong đời sống. Một số người có thể đơn giản biểu lộ sự tò mò, nhưng điều quan trọng nên biết là tất cả chúng ta giống nhau, tất cả là những con người. Tôi không có gì đặc biệt: tôi chỉ là một ông thầy tu giản dị. Chỉ là một con người. Và tất cả chúng ta đều có khả năng cho những điều tốt đẹp cũng như những điều xấu xí. Cũng thế, tất cả chúng ta đều có quyền để hướng dẫn những đời sống hạnhphúc. Điều này có nghĩa là những ngày và những đêm vui vẻ; trong cách này, đời sống chúng ta trở nên hạnh phúc.
22/10/2011(Xem: 5814)
Người thì cho rằng Đạo pháp – Dharma – do Đức Phật thuyết giảng là một tôn giáo, kẻ lại cho đấy là triết học, có người xem Đạo pháp là một nền luân lý, thế nhưng cũng có người quả quyết Đạo pháp củaĐức Phật là một khoa học tâm linh. Thật ra thì không có nhãn hiệu nào hàm chứa đầy đủ ý nghĩa để biểu trưng cho Đạo pháp một cách trung thực.
21/10/2011(Xem: 5281)
Ngày xưa, đức Phật tọa thiền 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề đến khi sao mai mọc thì Ngài chứng Lục Thông và đắc Tam Minh trở thành bậc Vô thượng Bồ Đề cho nên Lục Thông (lục thần thông) là sáu diệu dụng vô ngại tự tại của Phật.
21/10/2011(Xem: 5228)
Ngày xưa, sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, đức Phật Thích Ca đã tìm ra con đường giải thoát, có được thanh tịnh Niết bàn và giác ngộ viên mãn. Sau khi thành đạo, Ngài đến vườn nai ở xứ Ba-la-nại để thuyết giảng chân lý Tứ Diệu Đế cho nhóm ông Kiều Trần Như để chuyển bánh xe pháp và năm vị đệ tử đầu tiên này đều trở thành A la hán.
21/10/2011(Xem: 6844)
Danh từ Hạnh Phúc cũng như Thực Phẩm, có nhiều nghĩa khác nhau. Có thức ăn cho kẻ nghèo, cho người trung lưu và hạng người giàu sang. Có những loại thức ăn quốc tế, sản xuất từ các vùng khác nhau, tất cả đều bồi dưỡng cho cơ thể. Hạnh Phúc cũng thế. Tùy theo giai cấp và sự hiểu biết mà con người có cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Hạng người trí thức có quan điểm hạnh phúc khác với những người bình dân sống cuộc đời đơn giản, nhưng các bậc Giác Ngộ mới đạt được Hạnh Phúc Tối Thượng.
20/10/2011(Xem: 5953)
Bên nắng hồng xưa cũ Màu lam phủ chân đồi đời người bao suơng gió niềm tin vẫn lên ngôi Gió thức giấc sáng nay sưởi ấm lòng ẩn sĩ bên vô ngã vô thường an nhiên cùng chánh pháp ..
20/10/2011(Xem: 6421)
Chúng ta tự khẳng định là con của Đức Phật, nhưng chưa thấy Phật thì phải đi tìm Phật, như đi tìm người cha mà mình bị thất lạc; đó là quá trình tu hành của giai đoạn một. Và đến giai đoạn hai, khi tìm được Phật là thấy Phật rồi, chúng ta mới thật sự học Phật, làm theo Phật, là giai đoạn ba.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567