Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Đất Rút

27/11/201318:13(Xem: 25137)
04. Đất Rút
mot_cuoc_doi_tap_5

Đất Rút

Khi đức Phật với thị giả Nigāta đến thành phố Devadaha, vương quốc Koliya thì rất đông tỳ-khưu tăng ni chờ đón ngài, trong đó có chư vị trưởng lão như Kimbila, Nandiyā..., chư vị tỳ-khưu-ni như Khemā, Uppalavaṇṇā... rải rác từ Mallā, Vesāli hay Veḷuvana sang.

Cũng như Kapilavatthu, thành phố Devadaha không có gì thay đổi, vẫn tương tự như Kapilavatthu hiện nay, nhưng hình như các cửa hàng, xe ngựa và người mua kẻ bán ít nhộn nhịp hơn và dân chúng dường như nghèo đi. Có cái gì đó như “xuống cấp” trên các con đường, trên các dãy phố và cả trong mọi sinh hoạt nhất là kinh tế, thương mại và các ngành nghề thủ công khác. Nghe nói rằng, mấy năm sau này, vì buồn phiền chuyện gia đình nên đức vua Sappabuddha tuổi càng lớn càng sinh ra uống rượu. Công việc triều chính, đức vua giao hết cho các quan đại thần, đa phần họ là thành phần thủ cựu, không muốn thay đổi, cải cách nên đất nước ngày càng trì trệ và đói nghèo! Ở đây, một thời thịnh vượng đã xa rồi. Các vị quan trẻ và tướng giỏi như Anudāma và Viruḷhāka thuở cùng tranh tài với thái tử Siddhattha cũng đã bỏ sang nước khác. Thịnh rồi suy, suy rồi thịnh, âu đó cũng là định luật hằng cửu.

Sau mùa mưa nên tiết trời khá khô ráo, mát mẻ, hội chúng một số đến ni viện có sẵn, một số tìm đến các hang động, cội cây trong những khu rừng ngoại ô lân cận.

Riêng đức Phật và chư vị trưởng lão thì được sa-di Sīvali mời thỉnh về ngự tại khu vườn cây ăn trái của hoàng thân Mahāli và công nương Suppasāvā, là cha và mẹ của chú. Ở đây có một số cốc liêu tương đối đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt.

Ngày đầu tiên, đức Phật và chư vị trưởng lão đi trì bình khất thực qua các con đường trong thành phố không có gì xảy ra. Nhưng hôm sau thì phát sanh một sự cố.

Chuyện là, gia đình cha mẹ sa-di Sīvali khởi tâm cúng dường lớn đến đức Phật và hội chúng tăng ni. Con đường đi đến biệt phủ của hoàng thân Mahāli và công nương Suppasāvā phải đi qua cổng cung điện; khi đức Phật và hội chúng ôm bát đi ngang đây thì bị đức vua Sappabuddha cho người chận đường. Ông còn đặt một trường kỷ cùng mâm bát, nghênh ngang một mình ngồi “vách mảy” uống rượu.

Khi nghe các quan nội thị báo là đức Phật sắp đến thì đức vua mỉm cười, cất giọng có vẻ lịch sự:

- Nói với ông Cồ Đàm, là trẫm xin lỗi vì trẫm đang bận uống rượu, không tránh đường được!

Tôn giả Ānanda thấy chuyện chướng mắt, đến bên đức vua, ôn tồn nói:

- Không nên như thế, đại vương! Hãy tránh đường để đức Phật và hội chúng đi trì bình khất thực. Hãy lịch sự và tế nhị một chút, đại vương!

- Lịch sự à? Tế nhị à? Này! Ta bảo cho mà biết! Ta là cha rể của nó. Ta lớn hơn nó! Theo lễ nghi của “lịch sự và tế nhị” ấy, thì nó phải tránh ta hay ta phải tránh nó? Hả? Ông nói đi?

- Nhưng đây là đức Phật, tâu đại vương! Tôn giả lại nhỏ giọng - Chận đường đức Chánh Đẳng Giác, tội lớn lắm đấy!

Sa-di Rāhula nói lớn:

- Tội địa ngục đấy, thật đấy, không phải nói dọa đâu, thưa ông ngoại!

Đức vua cười ngạo mạn:

- Một ngàn cái địa ngục ấy, ta cũng không sợ.

Đứng từ xa nhưng đức Phật biết rõ mọi chuyện, ngài lắc đầu rồi nói với chư vị trưởng lão:

- Thôi, đành vậy, ta sẽ đi lối khác.

Khi thấy đức Phật bỏ đi, đức vua Sappabuddha bảo với quan nội thị:

- Hãy cho người theo dõi xem thử ông Cồ Đàm có nói gì không rồi về báo lại cho ta hay.

Quả vậy, khi quay đi, đức Phật dừng chân lại một chút rồi nói:

- Biết sao được! Cái quả địa ngục thật đấy! Như Lai cũng không cứu được!

Rồi đức Phật nói với Devadatta:

- Ông hãy về báo cho đức vua hay! Hãy lo giữ gìn sinh mạng của mình. Đúng ngày thứ bảy, kể từ hôm nay, nghĩa là kể từ sát-na khởi tâm niệm ngăn chặn Như Lai, đức vua sẽ bị quả đất rút ngay tại chân cầu thang trong tòa lầu bảy tầng ở cung điện. Và nếu tâm niệm kia được thay đổi, có sám hối, có ăn năn thì tội báo sẽ nhẹ đi!

Nhưng vô ích. Một người báo lại. Hai người báo lại. Viên quan nội thì kể lại tận tường hơn, nhưng đức vua cười ha hả:

- Ta chết như thế sao? Bảy ngày sao? Bị quả đất rút sao? Chuyện tào lao không!

Lúc này các vị lão thần hay chuyện cũng đến gần bên khuyên can đức vua, sau đó, có một vị tâu:

- Xin đại vương hãy cẩn trọng! Từ nhỏ đến lớn, cho đến sau này, khi thành Phật rồi, ông sa-môn Cồ Đàm không bao giờ nói dối. Ông ta đã nói cái gì thì sự việc xảy ra đúng y như thế.

Đức vua vẫn “chấp mê bất ngộ”, cười gằn:

- Đúng thế! Sa-môn Cồ Đàm chưa hề nói dối! Nhưng cái chuyện tiên tri bảy ngày ta chết tại chân cầu thang, ta sẽ làm cho ông ta trở thành kẻ nói dối ngay tức khắc!

Nói thế xong, trở lại cung điện, đức vua sai nội thị mang thức ăn vật uống, cả rượu, cả đầu bếp, cả những tiện nghi nhu dụng lên tầng lầu thứ bảy. Ông dự định sẽ đóng đô tại đây suốt bảy ngày. Ông còn cẩn thận bố trí hai lực sĩ canh gác tại mỗi cửa tầng lầu với lời dặn dò nghiêm khắc:

- Nếu thấy trẫm bước xuống các tầng lầu thì các ngươi tìm cách ngăn cản lại. Không ngăn cản, các ngươi sẽ bị chém đầu. Làm vậy, các ngươi sẽ được trọng thưởng!

Đâu đó xong xuôi, ông cười nói oang oang:

- Bảy ngày ta nhất quyết ở đây, không bước xuống bên dưới thì làm sao ta lại chết ở chân cầu thang kia chớ! Phen này cái tội “ tiên tri láo” của ông sa-môn Cồ Đàm bị bẽ mặt thật sự rồi!

Chuyện đến tai đức Phật, ngài thuyết một thời pháp nói về các loại nghiệp. Đại ý như sau:

- Này các thầy tỳ-khưu! Nghiệp (kamma) là hành động, là tạo tác, tức là những việc làm cố ý, có chủ ý dù lành tốt hay xấu ác. Hành động hay tạo tác là nghiệp nhân, và phản ứng của hành động hay tạo tác ấy gọi là nghiệp quả. Nói ngắn gọn là nhân quả nghiệp báo.

Chúng sanh ở trong ba cõi sáu đường đều bị chi phối bởi nghiệp do chính mình đã tạo tác. Nghiệp tạo ra muôn loài, sanh ra muôn loài, là chủ tể của muôn loài. Chúng sanh là thừa tự của nghiệp, năng sanh của nghiệp, huyết thống của nghiệp, cháu con của nghiệp! Từ ý nghĩa ấy, nghiệp sanh phạm thiên, chư thiên, ma vương, dạ-xoa, thọ thần, sơn thần, con người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục cùng với nhân thân và cả những hoàn cảnh duyên sanh tương hệ. Biết vậy, bậc trí phải biết lìa xa những nghiệp xấu ác, thực hành những nghiệp lành tốt cho mình.

Này các thầy tỳ-khưu! Nghiệp lành tốt phát sanh bởi vô tham, vô sân, vô si; nghiệp xấu ác phát sanh bởi tham lam, sân hận, si mê. Nghiệp lành tốt có mười điều được gọi là thập thiện nghiệp; nghiệp xấu ác cũng có mười điều được gọi là thập ác nghiệp. Thập thiện nghiệp thì được sanh làm người hữu phúc, sang cả hay hóa sanh vào sáu cõi trời dục giới để thọ hưởng thiên lạc. Thập ác nghiệp thì đọa vào bốn con đường đau khổ đấy là a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Còn nếu những ai đắc định hữu sắc hoặc vô sắc thì hóa sanh vào hai mươi cõi trời phạm thiên. Định luật của nghiệp là vậy, không có vị thượng đế, một vị hóa sanh chủ, sáng tạo chủ nào thay đổi được.

Thuyết thế xong, đức Phật kết luận:

- Trường hợp đức vua Sappabuddha thì Devadatta, Yasodharā, Rāhula và cả Mahā Moggallāna đã tìm cách cảm hóa nhưng thất bại. Rồi Như Lai đã cho người thông báo rồi, nhắc nhở rồi nhưng tâm hận thù, oán kết quá sâu nặng của đức vua sẽ tự làm hại chính mình thôi. Cái nghiệp ngăn trở, cản đường có vẻ ngạo nghễ, thách thức vừa rồi của đức vua lại càng nặng nề hơn, Như Lai không có cách chi để hỗ trợ, cứu giúp được nữa. Theo với thấy biết như thực của Như Lai, đúng ngày thứ bảy, đức vua sẽ bị quả đất rút tại chân cầu thang thứ bảy. Dầu đức vua ngự trên thượng lầu của tòa nhà bảy tầng, dầu đức vua đứng giữa hư không, trên đầu núi, dầu đức vua ngồi ngoài biển lớn, dầu đức vua trốn trong động thẳm hang sâu... thì đức vua cũng không trốn thoát khỏi nghiệp đã gieo, trốn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần được!

Rồi đức Phật đọc lên câu kệ ngôn:

“- Trốn vào động thẳm hang sâu

Ẩn trong núi vắng, non đầu, trùng khơi

Có đâu một chỗ trên đời

Tử thần lại chẳng đến lôi kéo về!”(1)

Và quả đúng như sự thấy biết của đức Chánh Đẳng Giác. Đến ngày thứ bảy, bên dưới tòa lầu, con ngựa quý có tên là Hạnh Phúc của đức vua tự dưng nổi chứng bất kham, cứ hí vang lên rồi đá rầm rầm vào tường vách mà không ai khống chế được.

Không cần hỏi, đức vua cũng biết rằng, chỉ có ông, thấy bóng của ông, nghe tiếng nói của ông, con ngựa mới thôi quậy, mới đứng yên. Nghĩ là sắp hết ngày thứ bảy rồi, đức vua yên trí sai lực sĩ mở các cửa lầu để ông xuống trị chứng con ngựa. Đến cầu thang thứ bảy, chợt đức vua sẩy chân, trôi tuột cả thân hình xuống dưới. Ngay khi ấy như có hiện tượng động đất, khoảng dưới chân cầu thang, đất nứt ra, hiện ra một lỗ sâu thăm thẳm rồi nuốt đức vua vào trong lòng nó, vô tăm, vô tích.

Mười bốn tên lực sĩ nhìn ngắm quả báo kinh khiếp xảy ra cho đức vua Sappabuddha ngay trước mắt, họ chỉ việc há hốc, đứng trân, sợ hãi quá không thốt được nên lời.



(1)Pháp cú 128: “Na antalikkhe na samuddamajjhe - na pabbatānaṃ vivaraṃ pavissa. Navijjati so jagatippadeso - yatthaṭṭhitaṃ nappasahetha maccūti”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/07/2011(Xem: 8643)
Hỏi: Tại sao đạo Phật lại đề xướng ăn chay? Đáp:Người ăn chay thì dục niệm nhẹ. Kẻ ăn mặn thì dục niệm nặng nề. Có tôn giáo cho rằng động vật được sanh ra là để cho loài người ăn, cho nên ăn mặn là một việc hợp lý trời đất. Song le, Phật Giáo đề xướng tinh thần "mọi vật đều cùng một thể, đó gọi là Đại Bi," và xem mọi loài chúng sanh đều có Phật-tánh, đều sẽ thành Phật; cho nên chủ trương giới sát, phóng sanh.
27/07/2011(Xem: 8302)
Mỗi người đều có nhân quả báo ứng của riêng mình. Hễ tạo nghiệp gì thì chịu quả báo đó. Không những chỉ có loài người là phải chịu quả báo mà tất cả chúng sanh cũng vậy; tạo nghiệp từ xưa, ngày nay gặt quả. Điều đó không dễ hiểu đâu. Ví như bị đọa làm súc sinh hoặc ở nơi ác đạo thì rất khó khôi phục lại thân người; nên nói rằng:
26/07/2011(Xem: 8321)
Quyển “MỚI VÀO CỔNG CHÙA” ra đời trước, chúng tôi hướng dẫn độc giả vừa mới làm quen với mùi tương dưa, còn ngỡ ngàng khi bước chân vào cổng chùa. Đến quyển “VÀO CỔNG CHÙA”, chúng tôi nhắm đến những độc giả đã quen thuộc với những chiếc mái vốn cong, từng nghe tiếng mộc ngư nhịp đều buổi tối và tiếng chày kình ngân nga buổi khuya. Tuy nhiên vẫn còn là khách thấy nghe thân cận nhà chùa, chưa phải là người sống trong chùa.
24/07/2011(Xem: 8108)
Ngày nay, việc tổ chức đám cưới tại chùa có lẽ không mấy ai còn cho là lạ, nhưng đây là điều đã được mong muốn từ nửa thế kỷ trước, mà Ni trưởng trụ trì chùa Phước Hải hiện nay – ngày đó là sư cô Tịnh Nguyện, là một trong những vị tu sĩ mở đầu cho truyền thống tốt đẹp này. Một số người vẫn hình dung nhà thờ là nơi để tổ chức đám cưới với tiếng đàn Organ sang trọng, âm vang dưới mái vòm trang nghiêm phủ xuống cô dâu chú rể. Còn nhà chùa chỉ là nơi tổ chức đám tang, với những “vãng sanh đường” leo lét ánh nến, nhang khói mờ mờ, âm âm tiếng mõ trầm buồn.
22/07/2011(Xem: 6714)
Bạn bè là sự thể hiện sinh động cho mối quan hệ đặc thù giữa người với người. Mối quan hệ đó được thiết lập căn bản trên sự đồng đẳng hoặc bất đồng đẳng về giới tính, tuổi tác, chí nguyện, đam mê, sở thích,… là tiêu chí quan trọng để khẳng định nhân cách hoặc quan điểm sống của một con người. Với Phật giáo, sống là sống với. Do đó, bạn bè là một thuộc tính riêng có của các loài chúng sanh nói chung và của con người nói riêng, và là một trong những nhân tố quan trọng, có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực lên bối cảnh sống cũng như khả năng thăng hoa tâm linh của một con người. Sống phải có bạn bè. Không có bạn bè, được xem là một trong năm điều bất hạnh đã được Đức Phật cảnh báo(1).
22/07/2011(Xem: 6900)
Bên cạnh sự ảnh hưởng trực tiếp của gia đình, trong cuộc sống chúng ta, mối tương giao với bạn bè cũng đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành bại của mình. Trong mối quen biết ngoài xã hội, hay trong đoàn thể cùng sống chung, ta có nhiều loại bạn hữu; nhưng tìm được người bạn tốt, chân thật hiểu được ta, để có thể chia sẻ tâm tư là điều khó, huống chi là hỗ trợ ta vượt qua những khó khăn trong đời sống thì càng khó gấp bội phần.
22/07/2011(Xem: 6609)
Suốt ngàn năm bị nội thuộc Trung Quốc dân tộc Việt không ngừng nỗi dậy đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự chủ. Năm 968 (Mậu Thân) Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên nạn cát cứ 12 sứ quân, thống nhất non sông xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế. Nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), lập nên triều đại quân chủ đầu tiên của nước Đại Việt.
22/07/2011(Xem: 7076)
Có những biện giải Phật học mà đôi khi ý nghĩa thực tiển vượt thoát khỏi cái võ ngôn từ. Đó là khi hiện thực nương gá vào sự biện giải đó bị biến dạng theo lịch sử, thời gian. Gần gũi hơn, có những phạm trù, khái niệm mà khi vận dụng, ta vô tình quên mất nghĩa gốc ban đầu của chúng. Vấn dề Phật sự là một trường hợp như vậy.
16/07/2011(Xem: 7579)
Lúc này chúng ta hãy quan sát điều gì đang thực sự xảy ra trong thế giới; có bạo lực thuộc mọi loại; không chỉ phía bên ngoài mà còn cả trong sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta.
15/07/2011(Xem: 7504)
Không biết tự bao giờ, Trà trở thành thân quen trong nếp sống Thiền gia Phật Giáo Bắc Truyền, rồi trà thành một phần văn hóa của Phật Giáo...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]