Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diễn văn Khai Mạc (TT Tâm Phương)

10/11/201313:19(Xem: 30948)
Diễn văn Khai Mạc (TT Tâm Phương)

tuvienquangduc_3


Diễn Văn Khai Mạc
Mừng Chu Niên 20 năm & Khánh Thành Bảo Tháp Tứ Ân

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bạch hiện tiền Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.

Kính thưa chư liệt vị lãnh đạo Cộng Đồng, Hội Đoàn, Đoàn Thể, quí Cơ Quan Truyền Thông, Phát Thanh, Báo Chí, quí Thân Hào Nhân Sĩ, quí Ân Nhân Đồng Hương Phật tử xa gần thân mến.

Lời đầu tiên chúng con xin thành tâm đảnh lễ đón mừng sự quang lâm chứng minh của hiện tiền Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni.

Chúng tôi cũng hân hoan đón chào sự có mặt thâm tình của quí vị lãnh đạo Cộng Đồng, Hội Đoàn, Đoàn Thể, quí Cơ Quan Truyền Thông, Phát Thanh, Báo Chí, quí Thân Hào Nhân Sĩ, quí Ân Nhân, Thân Hữu, đồng kính quí Đồng Hương Phật tử đã vì thâm tình của người con Việt xa xứ, vì đạo tình dân tộc mà chư liệt vị đồng có mặt cùng với chúng tôi vui mừng buổi đại lễ hôm nay.

Kính thưa Chư Liệt Vị, 30 năm của những người con Việt lưu vong trên xứ người qua biến cố lịch sử của mùa xuân 1975. Lần lượt từng đoàn người tìm đường vượt biển vì lý tưởng tự do dân chủ, trong đó có nhiều Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cũng đã ra đi. Trong số đó, chúng tôi là Tỳ kheo Thích Tâm Phương cũng cùng số phận với những con tàu lênh đênh trên biển Đông nhiều ngày để tìm về bến tự do.

Hồi tưởng lại, giữa mùa hè năm 1986, chúng tôi cùng 10 vị Tôn Đức kiết giới an cư tại Chùa Liên Hoa thuộc vùng kinh tế mới ở Hố Nai, Long Thành. Ngôi Chùa tranh vách đất nằm giữa miếng đất rộng hơn 20.000 mét vuông, chung quanh bao bọc với những luống mì xanh mướt của một vùng đất vừa khai hoang, hòa quyện cùng hàng cây bạch đàn dài hun hút hơn 200 mét dẫn vào sân chùa trơ trọi với cái giếng nước bằng đất có hai cây gỗ rừng gác ngang miệng giếng, mà ngày ngày quí Thầy đều ra đây đứng làm điểm tựa để xách lên từng gầu nước để nấu ăn, tắm rửa và tưới cây.

Xa xa bên kia đồi là một mái tranh cũng tỏa khói lam chiều mỗi khi hoàng hôn buông xuống, cũng từng nhịp mõ nhặt khoan của chú tiểu công phu chiều trong ngôi Bồ Đề Lan Nhã Tự.

Dọc theo ngọn đồi Lan Nhã Tự này là một con suối nhỏ chảy róc rách, dòng nước trong ngần dẫn tới bờ Diệu Pháp Tự, là một ngôi Chùa Ni do Sư Bà Diệu Không khai sơn rồi giao lại cho đệ tử là Ni Sư Hạnh Thân và những tỷ muội làm trụ trì với những nương lang, luống mì và những giồng khoai sắn.

Tất cả chúng tôi có ba ngôi chùa này được khai sơn và hòa nhập với cư dân vùng kinh tế mới Hố Nai. Hơn 20 Tăng Ni, ngày ngày 2 buổi công phu sớm chiều và rồi vui cùng nương rẫy củ khoai trái bắp, giây bí đỏ, bí đao xanh, đậu bắp v.v…Tất cả đều vươn lên mầm sống xanh mượt bằng những gánh nước nặng trĩu trên từng đôi vai của chúng tôi được lấy đi từ con suối nhỏ chảy dọc phía sau chùa, là những bước đi đầy kham nhẫn cho đạo pháp, dân tộc trường tồn trong từng tâm niệm, khí tiết trải nghiệm của quí Thầy và quí Sư Cô với bộ áo vạt khách nâu sòng loang lổ nhiều miếng vá đủ màu, đánh dấu những ngày tháng sống đầy ý nghĩa tại quê nhà.

Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ

Con dốc lòng vì đạo hy sinh.

Kính thưa Chư Liệt Quí Vị, cũng từ nơi này một buổi chiều mùa hạ, mùa an cư cấm túc tu học trong 3 tháng đó, tôi được một nhóm Phật tử tại Sài Gòn lên báo một tin tốt lành là: “chúng con đã lo và tìm đường cho Thầy đã xong, chúng con mời Thầy về lên đường”.Tôi nhớ rất rõ một buổi chiều đầy thổn thức lo âu của một chuyến đi xa không mấy an toàn bắt đầu vây bủa. Tôi cùng một nhóm Phật tử ngồi trên chiếc xe Đasu cũ kỷ, vượt qua những đoạn đường ngặt nghèo đất đỏ phủ kín của vùng kinh tế mới, và cuối cùng chiếc xe đã về đến cầu Sài Gòn. Tôi ngồi trầm tư nhìn kỹ quan sát mọi thứ sinh hoạt của một buổi chiều hoàng hôn buông xuống trên quê hương tôi.

Nhưng không có gì đáng nhớ, mà tôi chỉ nhìn thấy hằn in trên từng nét mặt nỗi lo lắng tất bật khi thành phố đã lên đèn, như báo hiệu một ngày đã trôi qua, những tấm vé số vẫn còn đầy ấp trên tay em chưa bán hết, gánh khoai lang luộc và đậu hủ non còn nặng trĩu trên vai người phụ nữ trạc tuổi sáu mươi.

Tôi ngắm nhìn đâu đâu cái ăn, cái mặc, cái nợ nần đáo hạn, như vẫn còn vây bủa những người dân nghèo khó khốn cùng của một thành phố đã có một thời mệnh danh là hòn ngọc viễn Đông. Nhưng rồi tôi vẫn được nhìn thấy nét hân hoan thầm kín của mỗi người đằng sau nỗi lo âu tất bật kia, ai ai cũng cố gắng tìm về một bữa cơm chiều đầm ấm bên những người vợ hiền, con thơ hay cha mẹ đã già yếu, ngồi tựa hiên nhà miệng mỏm mẻm nhai trầu ngóng đợi những người con đi tìm mưu sinh trở về khi mặt trời vừa tắt nắng.

Bến bờ tự do đã đến, tôi giã biệt quê hương, giã biệt thành phố Nha Trang thân thương, giã biệt Chùa An Dưỡng tại làng quê Thái Thông, Vĩnh Thái, nơi đã sanh ra tôi và nuôi lớn bằng ruộng đồng bát ngát, giã biệt mẹ già và người thân, giã biệt Sư Phụ tôi cùng Tổ Đình Linh Sơn Pháp Bảo Cầu Dứa, nơi đã vun trồng sơ tâm bồ đề cho từng sứ giả của Như Lai.

Hòn đảo tỵ nạn Bi Đông, Malaysia vào ngày 15-7-1986 đã đón nhận chúng tôi cùng 41 người sau 5 ngày hành trình vất vả, lênh đênh trên biển. Lúc bấy giờ trên đảo có khoảng 11.000 người Việt tỵ nạn cùng 6 vị Tôn Đức như TT. Thiện Quang, TT. Minh Thông hiện đang ở Canada, chúng tôi cùng vài vị nữa. Ôi bút mực nào diễn tả cho hết những ngày tháng đầy ý nghĩa gian lao trên bước đường vượt biển và tỵ nạn, mà hầu hết chúng tôi cùng quí vị đang ngồi ở đây đã từng trải qua không ít gian nan thống khổ. Xin hẹn lại cùng quí vị tìm đọc trong kỷ yếu 20 năm của Tu Viện Quảng Đức sẽ phát hành vào năm tới.

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, kính thưa Chư Liệt Quí Vị thân mến,

Sau 6 tháng ở trên đảo Bi Đông, chúng tôi được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan bảo lãnh qua Úc, lúc bấy giờ văn phòng của Giáo Hội đặt tại Chùa Phước Huệ, tiểu bang Sydney.

Sau 10 ngày ở tại văn phòng của Giáo Hội, chúng tôi được Giáo Hội bổ nhiệm về Trụ Trì Chùa Quang Minh tại 177 Morris St, vùng Sunshine. Sau gần 3 năm làm việc tại đây chúng tôi đã mua cho Giáo Hội cũng như Chùa Quang Minh miếng đất rộng hơn 30 ngàn mét vuông của thời điểm năm 1989 với số tiền $ 305.000 Úc Kim. Một miếng đất rộng đẹp mà về sau đã trở thành chốn tòng lâm cho ngôi Chùa Quang Minh.

Sau khi mua đất xong vì lý do sức khỏe nên tôi xin từ chức trụ trì chùa Quang Minh và về xin tịnh dưỡng một thời gian gần 5 năm tại vùng Broadmeadows, một ngôi chùa nhỏ do chúng tôi khai sơn tại nơi đây. Năm năm tại vùng Broadmeadows là một chặng đường khó khăn, từ một ngôi nhà nhỏ cải gia vi tự, gặp phải sự phiền lòng của người láng giềng bản xứ. Đây cũng là những kinh nghiệm “vạn sự khởi đầu nan” của chư Tôn Đức Tăng Ni đang sinh hoạt và phụng sự đạo Pháp trên xứ người.

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, kính thưa Chư Liệt Quí Vị,

Sau 5 năm khó khăn tại ngôi nhà cải gia vi tự, những người con Phật tại đạo tràng Tu Viện Quảng Đức đã được thuyên chuyển về vùng Fawkner này… Nhìn lại chặng đường đã đi qua, từ ngày khai sơn 20.6.1990 đến hôm nay 24.10.2010 là tròn đủ 20 năm 4 tháng. Chúng tôi không thể nào nhớ hết những người con Phật đầu tiên đã chắc chiu từng đồng trong những lon tiết kiệm, đã giúp tôi bán từng ly nước mía, từng cái bánh bao trong những lần hội chợ của Cộng Đồng, trong số những người giúp tôi ngay từ những ngày đầu, bây giờ có những người đã về với Phật như bác Minh Đức, cô Tâm Đức và vài người nữa. Nhìn lại một chặng đường của 20 năm trên con đường phụng sự đạo Pháp trên xứ người, những người con Phật cả hai hàng đệ tử, xuất gia và tại gia chịu không ít sự thăng trầm vinh nhục khó khăn gian khổ.

Hai mươi năm, một chặng đường của Tu Viện Quảng Đức, luôn sống và thực hiện theo đúng con đường Chánh Pháp của Như Lai, Tổ Tổ Tương Truyền, theo giòng phái Đại Thừa Lâm Tế Liễu Quán, công phu sớm chiều, độ sanh, quan hôn, tang chế, và luôn thực hiện theo đúng chí nguyện “Thượng Cầu Phật Đạo, Hạ Hóa Chúng Sanh”.

Hai mươi năm, một chặng đường Tu Viện Quảng Đức luôn luôn đứng trong lòng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Hải Ngoại tại Úc Châu, và sinh hoạt hướng dẫn Phật tử tu học theo đường hướng chung của Giáo Hội đề ra.

Kính thưa quí vị, những gì hiện có của Tu Viện Quảng Đức mà quí vị đã nhìn thấy đó là biểu hiện sự kham nhẫn, thăng trầm trải nghiệm 20 năm qua của người con dân nước Việt nói chung và nói riêng cho những người con Phật tại đây.

Vườn hoa Giác Ngộ dưới cội Bồ Đề, ngôi già Lam Quảng Đức được phần nào thành tựu trang nghiêm khiêm tốn qua nhiều bàn tay, trái tim và khối óc.

Vì dân tộc và đạo pháp, mà những người con nước Việt đã ngày đêm thao thức, nỗ lực bằng tất cả tài sức, mồ hôi và nước mắt, tâm đức và chí nguyện để nuôi lớn hoài bão, thực hành tâm nguyện của mình, để đóng góp vào nước Úc, xứ sở đa văn hóa này một nền văn hóa Việt, một nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam trên xứ người.

Kính thưa quí vị, bước ngoặc hơn 35 năm qua của Cộng Đồng Việt Nam, cũng như 20 năm sự có mặt của Tu Viện Quảng Đức và nhiều cơ sở Tự Viện khác trên toàn Liên Bang Úc Châu, chúng ta có thể khẳng định là chúng ta đã sánh vai cùng các sắc tộc khác đã đến đây trước chúng ta như cộng đồng Ý Đại Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon v.v… Chúng ta đã khẳng định vị trí của cộng đồng người Việt Tự Do trên xứ người.

Tu Viện Quảng Đức rồi đây sẽ đi vào cổ kính, tường phủ rêu xanh, chúng tôi cùng tất cả quí vị, rồi đây chúng ta cũng sẽ da mồi tóc bạc, chấp nhận định luật Vô Thường để ra đi vĩnh cửu… nhưng chúng tôi cũng như quí vị, khi sống với đời, chúng ta cần mẫn làm việc để lại cho đời và cho xã hội những hiện vật, dù ít hay nhiều; chúng ta cũng đã tạo tác thành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp… mà đức Phật đã từng dạy sự đau khổ hay hạnh phúc, sự ràng buộc hay giải thoát, đều bắt nguồn từ các hạnh nghiệp Thiện hay Ác, Xấu hay Tốt của chính thân và tâm mình.

Xin chân thành tri ân, tạc dạ ghi ơn những người con nước Việt lưu lạc trên xứ người xa gần nơi hải ngoại, hồi hướng công đức đến những người Phật tử xa gần đã cùng với chúng tôi chuyển lăn bánh xe chánh Pháp của đức Phật trên xứ người, để cứu mình giúp đời thêm hòa bình an lạc.

Hồi hướng công đức đến tất cả quí Phật tử tại đạo tràng Tu Viện Quảng Đức đã nhiều năm cộng khổ, và nhất là vài tháng gần đây quí vị đã đổ nhiều công lao, tiền của cho công việc Phật sự chung được thành tựu viên mãn.

Cho dù Ban Trị Sự, Ban Tổ Chức Đại Lễ tại Tu Viện Quảng Đức có cố gắng đến đâu thì sự thiếu sót không thể nào tránh khỏi.

Ngưỡng niệm Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, cùng toàn thể quí vị niệm tình thứ lỗi cho. Nguyện cầu mười phương Chư Phật, Chư Vị Bồ Tát chứng minh gia hộ.

Nhân Danh Viện Chủ Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức chính thức tuyên bố khai mạc buổi Đại Lễ Khánh Thành Bảo Tháp Tứ Ân và Mừng Chu Niên 20 Năm Thành Lập Tu Viện Quảng Đức.

NamMô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát, Tác Đại Chứng Minh

Tỳ Kheo Thích Tâm Phương

dienvankhaimac-vndienvankhaimac-vn2
dienvankhaimac-vn3dienvankhaimac-en
dienvankhaimac-en2
dienvankhaimac-en3
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/12/2020(Xem: 5106)
Ngày 10 tháng 12 vừa qua, theo Bình Nhưỡng đưa tin (KCNA) – Trong số những Di sản Văn hóa quý giá đất nước Triều Tiên có “Cao ly Bát Vạn Đại Tạng kinh” (고려 팔만 대장경, 高麗八萬大藏經, 80.000 Wooden Blocks of Complete Collection of Buddhist Scriptures” được khắc mộc bản vào nửa đầu thế kỷ 11, triều đại Vương quốc Koryo (918-1392).
19/12/2020(Xem: 5016)
Lối xưa người đến dạo chơi, Hoá thành chú Tiểu, học lời Thầy Trao. Thênh thang mây trắng hôm nào, Ra vào chốn tịnh, trăng sao gối tình.
13/12/2020(Xem: 6046)
Một học giả nổi tiếng người Anh, làm việc cho trường đại học ở Luân Đôn, nổi tiếng vì ông đã dịch một số sách vở Phật giáo từ tiếng Hoa. Trong số những ấn bản đã in của ông có tác phẩm “Cuộc Đời của Thánh Tăng Huyền Trang, The Life of Hsuan-Tsang”. Cư sĩ Samuel Beal sinh vào ngày 27 tháng 11 năm 1825, nguyên quán tại Greens Norton, một ngôi làng ở Nam Northamptonshire, Vương quốc Anh, vị học giả nổi tiếng Phương Đông học, vị Phật tử người Anh đầu tiên trực tiếp dịch những tác phẩm văn học Phật giáo từ tiếng Hoa sang Anh ngữ, ban đầy những ghi chép kinh điển Phật giáo, do đó góp phần làm sáng tỏ lịch sử Ấn Độ.
11/12/2020(Xem: 6048)
Phật giáo Hàn Quốc phải chịu đựng nỗi đau chưa từng có của “Pháp nạn 27.10” (10·27 법난, 十二七法難), nhưng chư tôn tịnh đức tăng già đã biến đau thương thành sức mạnh. Chẳng bao lâu, nỗi đau ấy đã thăng hoa thành động lực để sớm hồi sinh trong phúc lợi xã hội, và những thành tựu đáng kể bắt đầu đạt được trong các lĩnh vực xã hội dân sự, thông qua tổ chức phi chính phủ (NGO), nhân quyền, giao lưu liên Triều (Nam Bắc Hàn) và phúc lợi xã hội.
11/12/2020(Xem: 5554)
Mối quan hệ giữa Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc được minh họa rõ nhất qua lời của tác giả, nhà báo, nhà sử học và nhà tây tạng học, Cư sĩ Claude Arpi, người Pháp, người đã viết một loạt các tác phẩm quan trọng về Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc, bao gồm “Số phận Tây Tạng: Khi Những Côn trùng lớn ăn thịt Côn trùng bé; The Fate of Tibet: When the Big Insects Eats Small Insects”.
10/12/2020(Xem: 6263)
Trong số nhiều ấn phẩm sách báo, thư từ cũ xưa mà mẫu thân truyền giao cho tôi gìn giữ, bảo quản để làm tư liệu để viết lách sáng tác, tôi tìm thấy được quyến sách “Thi phẩm Từng giọt Ma Ni” (xuất bản năm 1993, bìa sách là tranh của Họa sĩ Phượng Hồng), cùng 02 phong bì thư của “Tạp chí An Lạc” được gửi qua bưu điện từ Sài Gòn ra Nha Trang vào năm 1966, trên các kỷ vật quý hiếm này đều có lưu thủ bút của một bậc danh tăng Phật giáo nước nhà: Hòa thượng Thích Thông Bửu.
10/12/2020(Xem: 5389)
Nữ nghệ sĩ Phật tử Jacques Marchais sinh năm 1887 tại Cincinnati, thành phố ở miền tây nam Ohio, Hoa Kỳ. Thân phụ của bà là cụ ông John Coblentz và mẫu thân là cụ bà Margaret Norman Coblentz. Vốn mồ côi cha từ thuở ấu thơ, mẹ phải vất vả đùm bộc trong cảnh gà mái nuôi con; Jacques Marchais đã đến các trại mồ côi và các mái ấm khác nhau trong suốt thời thơ ấu, và tuổi thanh xuân 16, bà đã trở thành diễn viên tham gia vào một bộ phim Boston Peggy From Paris, nơi bà gặp người chồng đầu tiên Brookings Montgomery. Bà sinh được ba người con, hai gái Edna May và Jayne, và con trai, Brookings.
08/12/2020(Xem: 14940)
29/ Nhị Tổ Huệ Khả Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Thứ Năm, 01/10/2020 (15/08/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Bổn lai duyên hữu địa, Nhơn địa chúng hoa sanh, Bổn lai vô hữu chủng, Hoa diệc bất tằng sanh. Xưa nay nhơn có đất, Bởi đất giống hoa sanh, Xưa nay không có giống, Hoa cũng chẳng từng sanh Nam Mô Đệ Nhị Tổ Huệ Khả Tôn Sư 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 https://www.facebook.com/quangducwebsite
07/12/2020(Xem: 5547)
Cư sĩ Giuseppe Tucci (dʒuˈzɛppe ˈtuttʃi; sinh ngày 5 tháng 6 năm 1894 – mất ngày 5 tháng 4 năm 1984), Học giả tiên phong người Ý, nhà Đông phương học, Ấn Độ học, Đông Á học, người đã xuất bản một số sách, mở đầu cho việc nghiên cứu tôn giáo, lịch sử và văn hóa của Tây Tạng. Ông là một trong những học giả Tây phương đầu tiên du hành một cách rộng rãi trên khắp vùng cao nguyên, Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng và các vùng phụ cận, những sách xuất bản của ông thường nổi tiếng về cả nội dung lẫn sự phiêu lưu mạo hiểm của ông trong khi làm nghiên cứu.
06/12/2020(Xem: 5504)
Đạo phật ngày nay đang xuyễn dương lối sinh hoạt của người con Phật là sống an nhiên tự tại trong hiện tiền. Lối sống được mọi người noi theo là tĩnh thức và hiện tại. Làm sao đạt được điều ấy? Và tại sao sống tĩnh thức và hiện tiền là chấm dứt khổ đau? Trong khi theo Phật dạy Tứ diệu đế thì tu tập diệt tận cùng lậu hoặc diệt khổ đau. Sống tĩnh thức là theo 4 y của Phật dạy: y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y trí bất y thức. Y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa. Sống hiện tiền là sống trong thiền định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]