Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Khúc Thán Ca Vô Thường Bất Hủ

05/11/201321:17(Xem: 27394)
17. Khúc Thán Ca Vô Thường Bất Hủ

mot_cuoc_doi_bia_3




Khúc Thán Ca

Vô Thường Bất Hủ





Rời Nālakagāma, đức Phật và đại chúng bộ hành theo con đường thương mãi để đến thị trấn Pāṭaligāma phồn vinh bên này phía nam sông Gaṅgā. Tại đây, ngài dừng chân một vài trú xứ, sách tấn tăng ni, sau đó vượt sông lên Vesāli...

Sau trận tai họa dịch bệnh, Vesāli phục hồi sinh lực rất nhanh. Nhờ biết tin vào những giá trị thiêng liêng, biết đoàn kết, biết sinh hoạt hội đồng với tinh thần dân chủ, biết cải cách chính sách kinh tế - nên đất nước sớm giàu mạnh, thịnh cường. Đi vào thành phố, chỗ này cũng công trường, chỗ kia cũng công trường. Ba bức tường thành chớn chở và kiên cố vòng quanh Vesāli như những vòng đai thép bảo vệ kinh đô - có ba cửa lớn vào ra luôn luôn có lính ôm gươm giáo sáng lòa. Rồi những vọng gác và những vọng gác, đêm đêm hỏa đăng sáng rực. Những dãy phố, dãy lầu kéo dài từng dặm, từng dặm phô ra tất cả mọi đường nét và sắc màu nguy nga tráng lệ...

Đi bên sau đức Phật, chư tăngi trầm trồ vì coi chừng, Vesāli sẽ vượt trội Rājagaha!

Biết đức Chánh Đẳng Giác không muốn xen vào một nhận xét nào, nên tôn giả Sāriputta nói:

- Là bậc xuất gia phạm hạnh, chúng ta không nên góp ý về việc phú cường của một quốc độ. Riêng tôi thì chỉ thấy lòng người thể hiện ra bên ngoài mà thôi! Tôi đọc được rằng, đó là tham vọng chinh phục, tham vọng bá chủ và cả tham vọng củng cố quyền lực. Tôi lại còn nghe mùi binh đao và máu lửa nữa đấy!

Nghe vậy, đức Phật bảo:

- Hãy ghi nhớ lời của Sāriputta! Đấy cũng là pháp duyên khởi đương nhiên vậy!

Đêm đó, đức Phật và đại chúng ngụ ở Đại Lâm. Tôn giả Sāriputta dẫn hai cô em gái sang ni viện để hôm sau cho thọ giới.

Cuộc lễ vừa chấm dứt thì tỳ-khưu-ni Ambapālī từ ngoài vào, đến đảnh lễ đức Phật và chư tôn trưởng lão. Đức Phật mỉm nụ cười nhẹ:

- Này con gái, đời sống phạm hạnh với tuổi già có thấy dễ chịu không?

- Rất mát mẻ và thảnh thơi, bạch đức Thế Tôn!

- Ừ! Đức Phật gật đầu - Con cũng đã trải qua không biết bao nhiêu là gian truân, chìm nổi. Chỉ do một phát ngôn bất cẩn, thiếu thận trọng mà con đã chịu không biết bao nhiêu kiếp đọa đày, thống khổ.

- Đệ tử cũng đã biết rồi, đã thấy rồi, bạch đức Thế Tôn!

Thế là cả đại chúng hôm đó đều đã biết người kỹ nữ nỗi tiếng thành Vesāli, vị tỳ-khưu-ni già đã chứng quả A-la-hán, luôn cả thần thông.

Và đây là câu chuyện của nàng.

Sau khi xuất gia, tỳ-khưu-ni Ambapālī không được vui do tuổi già, không còn đủ lanh lẹ trong mọi sinh hoạt như các tỳ-khưu-ni khác. Có một dao động mãnh liệt khi thấy bản chất già yếu, lụm khụm, mệt mỏi... và sự biến đổi, thay đổi của thân xác.

Hôm kia, ngồi bên bờ suối vắng vẻ, nhìn ngắm chiếc bóng già nua thấp thoáng ẩn hiện trong dòng nước, tỳ-khưu-ni Ambapālī kinh cảm, tràn đầy xúc động, thốt lên một bài kệ như sau:

“ - Ôi! Mái tóc thanh xuân của ta,

Mái tóc màu xanh sậm tợ mắt con ong chúa

và bồng bềnh sóng gợn từ gốc tới ngọn

Bây giờ sắc đẹp ấy đã bị phá hủy

Do bệnh hoạn, do tuổi già

Do lửa thời gian thiêu đốt

Nó khô rang giống như sợi vỏ cây gai dầu

Ai rồi cũng phải bị tuổi già khống chế,

bị sự vô thường chi phối

Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

Ôi! Một thời,

Mái tóc của ta tỏa hương thơm

giống như một hộp đựng châu báu

hoặc như một hộp đựng hương

Do trên đầu ta luôn phủ đầy hoa puppheti,

hoa campaka, hoa aribian

cùng bột hương và các loại hương liệu tế nhị, quý phái

Còn nữa, mái tóc ta dày rậm

như một khu rừng khéo trồng,

mỗi sợi tóc là mỗi gốc cây luôn được bảo vệ,

chăm sóc như trong công viên của hoàng gia,

Nó mềm mại, êm ái và sực nức thơm tho.

Lại còn được làm đẹp

với lược gắn bằng vàng ròng tinh chất,

với trâm cài có đính kim cương -

Nó óng ánh, đẹp đẽ

và chói sáng giống như ngày hội của muôn sao

Bây giờ thì nó đã thưa thớt dần

Sau khi cạo bỏ,

nó lại phảng phất mùi hôi như lông chú cún,

khó chịu như mùi lông cừu

Ôi! Quả đúng là một rừng bất tịnh

Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

Ôi! Một thời,

Đôi làn mi của ta

đã được họa sĩ trứ danh khéo vẽ

Đẹp tựa vầng trăng lưỡi liềm

Nó không những điểm màu xanh tinh tế,

màu gợi cảm tinh tế

mà còn pha thêm hồn của liễu rủ,

hồn của những sợi tơ con bướm ngài

Phải nói là nó đẹp đến tuyệt mỹ, vô song

Bây giờ đôi làn mi ấy

chỉ còn là những sợi rơm rạ khô vàng

kéo theo những tia nhăn nheo phủ xuống mệt mỏi,

báo hiệu sự già lão, chết chóc

Ôi! Một thời,

Đôi mắt của ta đen huyền và xanh thẳm

như đôi mắt của chúa bồ câu,

chúa thiên nga, chúa nai trong rừng sâu

Nó lại còn rực rỡ, chói ngời

nhưng xanh trong và tỏa sáng dịu dàng

như hai luồng châu báu

Bây giờ, tháng năm biến đổi

Nó đã đục lờ như nước sữa chua

Nó đã lấm tấm mọc lên li ti

những mụn bụi, mụn cát màu xám nâu

Nó xấu xí, bạc nhược và vô hồn đến nỗi,

có thể đem so với đôi mắt con cá chết,

nhưng mà con cá chết ươn!

Ôi! Đang lúc tuổi trẻ dậy thì

Mũi của ta mềm dịu,

Ngay thẳng và sáng trong

Sống mũi là một gò núi tinh tế, tuyệt hảo

Nó kiều diễm như châu ngọc không có tỳ vết

Bây giờ thì nó sụp xuống như ống cống bị gãy

lại còn tươm rỉ nước mũi lệt sệt hôi hám

Ôi! Sự thật vô thường thật là khó kham, khó nhẫn;

Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

Ôi! Một thời,

Đôi tai của ta, vành tai,

trái thùy châu của ta

Nó được những vòng vàng, vòng ngọc,

vòng bạc khéo chế tạo, tế nhị điểm trang

Nó sáng chói như ngọc chuốt

Bây giờ thì nó chảy xệ xuống,

nhăn nheo rủ xuống như hai miếng giẻ rách

Ôi! Sự thật vô thường thật đáng sợ

Đúng như lời dạy bảo của đấng giác Ngộ, không sai!

Ôi! Một thời,

Hàm răng của ta trắng tinh như ngà,

đều đặn như hạt lựu, hạt bắp,

trắng nõn như búp măng chuối mới sinh

Nay thì nó bị bể, bị gãy, bị sâu đục

rồi chiếc rụng, chiếc long

và chúng ngả sang màu vàng, đen xỉn

Trông mới ghê sợ, thê thảm dường bao!

Ôi! Một thời,

Giọng nói, âm sắc của ta ngọt ngào, ngọt lịm

Nó êm ái, du dương

Nó mê ly, thánh thót

Nó quyến rũ mê hồn

Khi ta thốt lên thì nó thỏ thẻ, đường mật,

gợi tình như tiếng chim cu

sống chung trong cánh rừng

cùng những ca sĩ non xanh líu lo tấu nhạc

trong một khúc trường xuân miên viễn

Nay thì nó rè rè, khan khàn, đứt đoạn

giống như gió thổi qua ống sáo trúc bị nứt bể!

Ôi! Một thời,

Chiếc cổ của ta thật là kiều diễm

Nó đầy đặn, mềm mại, tròn sáng

Như vỏ ốc xà cừ bằng vàng

được đánh bóng công phu, khéo tay và tinh tế

Giờ đây trông nó như vỏ mướp đắng phơi khô,

có nhiều ngấn quăn queo,

chỉ còn là bì da đựng lớp mỡ thừa,

chảy xệ, nhão nhoẹt.

Ôi! Một thời,

Hai cánh tay trần của ta mềm mại, tròn trịa

vàng sáng như được tô ngọc

hòa thêm với ánh trăng đêm mười sáu

Nó còn giống như hai ống ngọc tròn

vòng quanh ngôi đền tình ái

Nay thì nó đã xiêu đổ, biến dạng, đổi hình

Và nó yếu ớt, tàn tạ

như đóa hoa kèn trắng bệch

không còn chút huyết sắc nào

Ôi! Một thời,

Hai bàn tay của ta trắng trẻo, mềm dịu,

sáng trắng như trứng gà bóc

Lại còn nhẫn vàng, nhẫn ngọc,

nhẫn kim cương, hột xoàn trang điểm

tô chuốt óng ánh bóng ngời

Nay thì nhăn nheo, nhũn nhèo

mềm xèo như cây hành héo

như nhúm cải luộc!

Ôi! Một thời,

Cặp nhũ của ta căng phồng, tròn trịa

Mơn nõn như hai trái đào tiên

đầu vú cứng cáp tràn trề sinh lực

và đỏ hồng như điểm chu sa

Nay thì nó chảy xệ xuống

Như bầu da khô sữa không còn căng đầy

Như túi nước đã rỉ hết nước

ẻo xèo và nhăn nhúm

Ôi! Một thời,

Thân ta thon thả và chói sáng

như áo giáp vàng đánh bóng

Sau khi đã bôi lên một chất son tinh khiết

Đâu cũng mịn màng, láng lẩy

Đâu cũng tròn căng và thơm tho

Nay thì chúng đã xuống cấp

Như ngôi nhà mối mọt

Đã tàn tạ và mục rữa ở khắp mọi nơi

cả những sinh bào bé tí

cũng cau mặt, nhăn nhiu thảm hại

Ôi! Một thời,

Cặp đùi của ta múp míp đầy đặn

ánh ngời như cặp ngà voi

Mềm mại và uyển chuyển

như bước đi của tiên nữ

Và nó đã làm cho bao nhiêu

vương tôn công tử chết đứng chết ngồi

Vì nó đã được ông thợ trời khéo khắc, khéo tạc

Thành một tác phẩm tuyệt mỹ

Nay thì giống như hai ống tre khô giòn

đến thời quăng vào lửa đốt!

Cặp bắp chân của ta cũng thế

Như được uống nước no,

mịn màng và vàng óng

Lúc nào cũng giống như đôi giày được độn đầy bông

Nay thì nó gầy gò, teo tóp, xương xẩu

rất ít thịt và máu

giống như thân cây mè khô

được cắt bỏ ngoài đồng ruộng

khô nỏ, nứt nẻ

Những sợi lông chân của ta

cũng mịn màng vàng óng

Bây giờ thì như cây cỏ

trong ngôi rừng vừa bị lửa cháy!

Ôi! Cái thân, cái thân!

Các pháp hữu vi kết hợp này

Nó chịu cái già lão hủy hoại

Cái ngôi nhà được vô minh và ái dục xây nên

Nay đã cũ kỹ

cột kèo, đòn dông đã bị hư mục

Mái lợp, tấm che đã xiêu rách tả tơi

Và những lớp vôi trét tường đã đến hồi rụng rã

Cái thân vô thường này

là một cái bọc chứa đầy bất tịnh và đau khổ

Lời dạy của đức Tôn Sư

muôn đời là sự thật

Tham luyến, chấp thủ gì nữa

mà không chịu rời xa?”

Sau khi thốt lên lời thán ca về sự vô thường, biến đổi, bất tịnh của cái thân như thế, tỳ-khưu-ni Ambapālī nắm ngay tướng bất tịnh ấy, lìa tham ái, chấp thủ, đoạn trừ năm triền cái, năm thiền chi xuất hiện đi vào định thiền, tuần tự sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền chỉ trong thời gian bảy ngày. Nhờ tâm định vững chắc, kiên cố, nàng quán sát danh sắc, thấy được thực tánh, tam pháp ấn hiển lộ, chứng đắc các tầng tuệ giác, từ cạn vào sâu, chứng quả A-la-hán với đầy đủ ba minh.

Bổi hổi, bồi hồi, lạc phúc và an tịnh, nàng dùng thiên nhãn, sanh tử minh, rồi túc mạng minh chiêm quan nhìn ngắm các kiếp sống trầm luân sinh tử của mình, cảm thán, nàng thốt lên một bài kệ tán ca nữa:

“- Hóa ra ta đã có căn duyên

từ thời Phật Phussa

Ta thuộc dòng dõi Sát-đế-lỵ

Là chị gái của đức Hiền Trí ấy

Tuy nhiên, dẫu lắng nghe chánh pháp

dẫu bố thí cúng dường lớn lao

ta cũng chỉ biết

cầu mong có được sắc đẹp diễm kiều

Đến thời Phật Sīkhī xuất hiện

Ta sinh ra

trong kinh đô Aruṇa tuyệt vời thanh lịch

Ta xuất gia tỳ-khưu-ni trong giáo pháp này

Hôm kia,

dẫn đầu đoàn Ni chúng đông đúc

đến chùa nghe pháp đức Thế Tôn

có một vị Trưởng lão ni lậu hoặc đã tận

do hắt xì hơi nhổ ra một bãi đờm

Ta bước qua, thấy bãi đờm,

cất lời nguyền rủa

“Con kỹ nữ nào

dám nhổ cái đống bất tịnh ở đây!”

Do lời ác khẩu

phỉ nhổ bậc thánh vô nhiễm

Ta bị đọa sanh ở cõi hỏa ngục

chịu nhiều cực hình đau đớn

Sau đó bị dư nghiệp của quả báo

Ta bị làm kỹ nữ suốt mười vạn kiếp nữa

Đến thời Phật Kassapa

Ta được xuất gia tỳ-khưu-ni

với bậc Đại Chiến Thắng

Nhờ giới hạnh trong sạch

Tích lũy thiện nghiệp

Ta được hóa sanh vào cõi Tam thập tam

Đến thời Phật Sākya Muni hiện tại

Do đã chán các thai bào dơ uế

Nên tuy sanh làm người

Nhưng ta lại hóa sanh tại cây xoài

Nên được đặt tên là Ambapālī

Do nghiệp còn dư sót

Ta vẫn làm kỹ nữ

Do sắc đẹp, tài năng -

thế gian không ai sánh nổi

Nên được phong danh hoàng hậu kỹ nữ

Khi tuổi chiều bóng xế

Ta lại được nghe pháp của đức Thế Tôn

Duyên xưa trổ sanh

được xuất gia tỳ-khưu-ni

Và không mấy chốc

ta đã đạt Tam Minh

Mọi lậu hoặc, kiết sử không còn nữa

Ta thênh thang giải thoát

Ta vô ngại giải thoát

Ta chẳng còn tái sanh, luân hồi nữa

Ta đã làm trọn hảo phận sự của mình

Thực hiện đúng đắn lời dạy của đức Tôn Sư

Chẳng còn gì để làm nữa trên cõi đời

Vô lượng tri ân bậc Vô tỳ vết,

bậc Chiến thắng tam giới,

đã cho con nếm thưởng

hương vị Pháp bảo vô sanh bất diệt!”

Những đoạn kệ, nhất là bài thán ca vô thường bất hủ của tỳ-khưu-ni Ambapālī không mấy chốc được lan truyền đi khắp nơi. Một vị thánh ni, xuất thân là một kỹ nữ vừa được sanh ra trong giáo pháp của đức Thế Tôn là một biến cố trọng đại, được mọi người xưng tán, tôn trọng tụng ca, hàm tàng biết bao nhiêu ý nghĩa, khó nói cho hết được.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/05/2012(Xem: 7854)
Bà Cụ nhà tôi và nhà tôi chuyên tu Tịnh Độ. Mỗi ngày bà cụ ít nhất ba lần công phu niệm Phật. Nhà tôi ít nhất mỗi ngày một lần, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Khi nghe bàn đến chuyện Tịnh Độ thì nhà tôi như rồng gặp mây, thao thao bất tuyệt, cho rằng mình đã đi đúng đường, vì căn cơ thấp nên không thể hành trì thiền quán mà chỉ biết trì danh niệm Phật, tụng kinh bái sám, để một ngày nào đó được vãng sinh vào thế giới Cực Lạc.
02/05/2012(Xem: 5989)
Lớn lên, mang trong mình trái tim thương yêu đạo pháp thiết tha, tôi luôn ghi đậm hình ảnh mùa Phật Đản Phật lịch 2508-1963 đầy tự hào nhưng cũng nhiều hoài vọng...
02/05/2012(Xem: 7001)
Hằng năm, cứ vào dịp đến những ngày tháng tư âm lịch, lòng tôi lại dâng lên một niềm hân hoan khôn tả; niềm vui ấy chính là khoảnh khắc đón chờ đến ngày Phật đản...
02/05/2012(Xem: 9515)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ.
28/04/2012(Xem: 4914)
Lịch sử Phật giáo nói rằng: Vừa sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống rồi nói bài kệ:
28/04/2012(Xem: 6907)
Tôi chỉ muốn nói với cháu rằng, các cháu thật sự là thế hệ mới của thế kỷ 21 này. 11tuổi? Nên tôi nghĩ cháu sinh ra vào lúc bắt đầu của thế kỷ này. Thế hệ của tôi thuộc vào thế kỷ trước. Thế kỷ ấy đã qua rồi. Nên chúng ta đã nói lời chào giả biệt, bye bye. Thế nào đi nữa, tôi nghĩ thế hệ của tôi thuộc thế kỷ đã qua, đã cống hiến nhiều cho thế giới, nhưng cũng gây ra nhiều rắc rối cho nhân loại. Tôi muốn nói với quý vị một điều. Thế kỷ trước đã có nhiều thành tựu kỳ diệu, nhưng cũng là thế kỷ của những cuộc tắm máu. Do vậy, thế kỷ 21, một cách căn bản, logic, đừng có những cuộc tắm máu nữa.
27/04/2012(Xem: 6757)
Trong một quyển sách nhỏ mang tựa đề "Phật Giáo nhập môn" (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bảnGrancher, 2008), tác giả Fabrice Midal đã dành một chương để trình bày về vấn đềĐạo Đức và các Giới Luật trong Phật Giáo. "Tam giới" hay "ngũ giới"là những gì khá sơ đẳng và "quen thuộc" ít nhất là đối với những ngườitu tập đang bước trên Con Đường, thế nhưng dưới ngòi bút của Fabrice Midalchúng ta cũng sẽ khám phá ra một vài góc nhìn thật mới lạ.
26/04/2012(Xem: 7595)
"Chuyện Tình Của Liên Hoa Hòa Thượng" được phóng tác từ một câu chuyện lịch sử trong quyển "Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong"... Thích Như Điển
25/04/2012(Xem: 7372)
Hình ảnh Bồ Tát sơ sinh đứng trên quả địa cầu thật có nhiều ý nghĩa: Bồ Tát vào đời với nguyện lực khai sáng cho đời và hoàn thiện Ba La Mật...
22/04/2012(Xem: 6919)
Bởi con đã có được thân người quý giá này, với những tự do và thuận duyên Xin hãy cho con thành tựu các giáo lý quan trọng nhất!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567