Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Thâu Nhiếp Mahā Kassapa

26/10/201316:40(Xem: 31578)
04. Thâu Nhiếp Mahā Kassapa
Mot cuoc doi bia 02




Thâu Nhiếp

Mahā Kassapa


Ngày hôm sau, đức Phật lặng lẽ ôm bát ra đi, không nói là đi đâu, không thông báo với ai cả. Hành trạng của đức Toàn Giác bao giờ cũng có nhân, có duyên chẳng ai thắc mắc cả! Hóa ra, đức Phật, sau khi trì bình khất thực, ngài đã đi bộ hơn nửa do tuần, tìm đến một ngôi làng ở ngoại ô, ngồi độ thực dưới gốc cây Bahuputtaka ven đường, chờ đợi nhân duyên để thu nhận thêm một đệ tử vĩ đại khác: Tôn giả Mahā Kassapa!

Cách chỗ ngồi của đức Phật không bao xa, bên kia con sông nhỏ có ngôi làng Mahātiṭṭha trù phú, có gia đình bà-la-môn Kapila cự phú; người ta đồn rằng, tài sản, kho tiền vàng, kho châu báu của ông còn nhiều hơn ông vua một tiểu quốc!

Ông bà-la-môn Kapila chỉ có một cậu con trai duy nhất! Tương truyền, lúc lâm bồn, bà mẹ ngồi dưới gốc cây đại thụ Pippali nên lấy tên cây đặt tên cho con: Pippali! Ngoài ra, còn có tên thường gọi khác nữa là Mahā Kassapa!

Cũng như nhiều nhân cách vĩ đại khác, Pippali có nhiều quý tướng, vẻ đẹp của bậc đại nhân, có sự thông minh, nết hạnh và những phẩm chất, cá tính ưu việt. Đến tuổi thanh niên thì kiến thức, sở học của chàng cũng tương tợ Sāriputta và Moggallāna vậy, nghĩa là đầy đủ bản lãnh của trí thức bà-la-môn thời đại: Có thể làm trưởng giáo, quan đại thần hoặc tham mưu triều chính! Đấy là ước vọng của gia đình.

Pippali có đời sống nội tâm trầm lặng. Đặc biệt là không thích ca, vũ, nhạc, rượu men, rượu nấu... và luôn tìm cách xa lánh ca nhi, mỹ nữ. Khi cha mẹ bắt lập gia đình thì chàng từ chối đây đẩy, hoảng sợ như đỉa phải vôi! Mặc dầu cương quyết cự tuyệt, nhưng thấy khó lay chuyển được ý định của hai thân, Pippali bày ra một mưu kế. Chàng thuê một nhà điêu khắc nổi danh, tạc tượng một mỹ nữ bằng vàng, bằng người thật rồi nói rằng: “Nếu quả thật trên thế gian có người đẹp như thế này, y hệt như thế này thì mới xứng đáng kết hôn với con!”

Tưởng cha mẹ nản chí, ai ngờ ông bà cho làm một chiếc kiệu lớn, như ngôi đình nhỏ, đặt tượng mỹ nữ lên trên, rèm che sáo phủ, có bốn bánh xe rồi thuê người di chuyển từ làng này sang làng khác. Bên cạnh luôn có mặt bốn thầy bà-la-môn học thức, trọng tuổi, có tướng mạo đẹp đẽ, tiên phong đạo cốt. Cứ hễ dừng xe một nơi phải lẽ, có thị trấn, xóm làng thạnh mậu; có gạo trắng, nước trong hoặc có kỳ hoa dị thảo thắm tươi thì các thầy bà la-môn lại rao truyền: “Nữ thần đây! Nữ thần giáng hạ trần gian đây! Các tiểu thư khuê các, các công nương diễm kiều hãy đến chiêm ngưỡng; chỉ cần kính thành hoa hương lễ phẩm thì sẽ đạt được những ước mơ như sở nguyện!” Thế rồi, rèm sáo được vén lên, tượng nữ thần bằng vàng với dung mạo tuyệt mỹ, chói lọi! Một đồn hai, hai đồn bốn, bốn đồn tám rồi như một đám hội của giai nhân khắp các nơi đổ đến! Bốn vị bà-la-môn trấn bốn góc, chăm chăm tìm kiếm “cô gái đẹp y, giống y tượng nữ thần” trong số mỹ nữ, gia nhân đến chiêm bái!

Lạ lùng làm sao, kỳ dị làm sao, có một cô gái đẹp y, giống y như vậy thật! Nàng tên là Bhaddākāpilāni, mười sáu tuổi, con gái của bà-la-môn triệu phú Kosiya ở thị trấn Sāgala, vùng Madda! Thật ra, Bhaddākāpilāni không muốn đi xem, nhưng bạn bè bảo là tượng nữ thần như được đúc từ nàng mà ra vậy, nên sinh ra tò mò! Khi bốn thầy bà-la-môn nhìn thấy Bhaddākāpilāni, họ cũng kinh ngạc, sững sờ, sao thượng đế sắp xếp chi những tao ngộ quá diệu kỳ!

Pippali không biết từ chối đâu được nữa. Cuộc hôn nhân hai bên sớm tiến hành. Chàng và nàng chung sống với nhau chẳng ai hạnh phúc cả. Đêm động phòng hoa chúc, chàng một góc, nàng một góc, chẳng ai nói chuyện với ai câu nào. Các đêm sau cũng thế. Pippali quan sát thì dường như Bhaddākāpilāni còn ủ ê, sầu não hơn cả chàng nữa! Ngạc nhiên, chàng hỏi: “Tại sao nàng có vẻ cáu giận ta như thế, ta có làm gì nàng đâu!” Bhaddākāpilāni ôn nhu, mềm mỏng trả lời: “Thiếp thành thật xin lỗi chàng! Thật ra, thiếp không có gì phải giận chàng cả! Thiếp giận là giận cho cái nghiệp duyên trớ trêu của mình! Từ khi lớn lên, mang thân nữ giới, thiếp không thích đời sống ngũ dục, lại càng không thích lập gia đình! Chí nguyện của thiếp là sống đời xuất gia phạm hạnh! Thế mà... thế mà...” Nói thế xong, Bhaddākāpilāni gục khóc nức nở. Hóa ra, cả hai có cùng một nguyện ước! Pippali sung sướng quá! Rồi chàng tâm sự cho nàng nghe! Cuối cùng, hai người cam kết, thỏa thuận,sẽ sống với nhau như bạn!

Thời gian trôi qua, hai vợ chồng thay nhau chăm lo mọi việc trong ngoài vì cha mẹ đã già yếu. Thì giờ rảnh rỗi, khá nhiều, họ nghiên cứu thêm triết đạo học, thực hành yoga, thảo luận với nhau về những điểm khúc mắt về các tư tưởng tôn giáo! Họ sống với nhau như bát nước đầy, trong sạch như vỏ ốc!

Vậy là sau mười hai năm thủ ước, cha mẹ qua đời, Pippali bèn bàn với Bhaddākāpilāni kế hoạch hành động: Trước khi xuất gia nên bố thí tất cả châu báu, của cải, tài sản! Chàng sẽ tha phương tầm đạo, sẽ học hỏi tất cả mọi giáo chủ, mọi chân sư ở trên đời! Còn nàng nên tạm thời đến xuất gia với ni chúng Nigaṇṭhānāṭaputta (Ni-kiền-tử), bao giờ tìm ra đạo lộ bất tử sẽ báo cho nàng sau!

Suốt ba tháng trường mới bố thí hết, xả ly hết của cải tích góp nhiều đời, chàng và nàng nhẹ hẫng, phơi phới. Chàng chuẩn bị đầy đủ tám món vật dụng của một du sĩ hành cước: ba y, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống kim chỉ và đồ lọc nước! Nàng cũng chuẩn bị như vậy. Lựa một ngày đẹp trời, nàng cắt bỏ mái tóc thanh xuân, chàng sạch sẽ râu tóc, tam y, nhất bát lên đường! Đến đầu làng, hai người chia tay, rẽ sang hai hướng; nàng về nam tìm đến giáo phái Ni-kiền-tử, chàng lên phía bắc, lang thang nhiều quốc độ! Năm ấy chàng đã ba mươi hai tuổi.

Chính cái ngày mà hai người ra đi thì đức Phật đang ngồi dưới cội Bodhirukkha! Vậy là chỉ hơn một năm mòn mỏi, không tìm ra chân sư, không tìm ra giải đáp tối hậu, Pippali lần hướng về quê nhà thì hay tin: Một vị Chánh Đẳng Giác đã ra đời, đang khai đàn lập giáo ở khu Rừng Tre do vua Seniya Bimbisāra cúng dường. Hiện tại, kinh đô này như đang lên cơn sốt của một tôn giáo không có thần linh, nói rằng, mỗi người là ngọn đèn cho mình, có thể giác ngộ, giải thoát cho chính mình mà không cần uy lực của thượng đế nào cả! Mấy ngàn sa-môn của tôn giáo mới ở ngoài truyền thống ấy như những đám mây vàng nhẹ nhàng, thanh thoát tràn ngập khắp mọi nơi, khắp mọi không gian: địa lý và tâm linh!

Pippali, tức là Mahā Kassapa, nghe rúng động từng chân tơ, kẽ tóc; tin đồn ấy rất hợp với tư duy của chàng, rất quen thuộc với những hình ảnh trong giấc mơ thánh thiện của chàng!

Đứng lặng bên ngôi nhà cũ. Nhắm mắt, tĩnh lặng chiêu niệm ân đức của hai đấng sinh thành, rồi Mahā Kassapa quay gót, theo thuyền vượt qua con sông nhỏ, với ý nghĩ là sẽ tìm đến Trúc Lâm; nhưng mới đi một đỗi đường thì gặp đức Thế Tôn! Phải, tuy chưa có duyên gặp đức Thế Tôn nhưng Mahā Kassapa thấy một sa-môn phi phàm với ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp đang ngồi tĩnh tại dưới cội cây Bahuputtaka, dung sắc chói ngời, hào quang sáng rỡ thì chàng biết, đấy là ngài chứ không còn ai khác nữa!

Với thái độ thành kính rất tự nhiên, Mahā Kassapa, quỳ mọp xuống, đảnh lễ rồi nói rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Thế Tôn là đạo sư của con, con là đệ tử của ngài! (Satthā me bhante sāvako-hamasmi!)

- Này Mahā Kassapa! Hãy ngồi xuống đây rồi Như Lai sẽ trao cho ông một gia tài pháp bảo!

Mahā Kassapa thấy đức Thế Tôn ngồi trên đám cỏ bằng, bèn lấy y ngoại (saṃghāṭi, y hai lớp) xếp làm bốn rồi thỉnh ngài an tọa, sau đó mới cung kính quỳ hầu một bên.

Đức Phật giáo giới:

- Nầy Mahā Kassapa! Ông ở trong gia đình giàu sang tột bực, lại được thọ sinh từ dòng tộc bà-la-môn cao quý (brāhmajāti), nên dễ ngã mạn về thọ sinh, ngã mạn về dòng tộc (jātimāna)! Trong giáo hội của Như Lai, cả bốn giai cấp đều bình đẳng như các con sông đều tan hòa trong biển nước của đại dương, ở đây, sự kính trọng không tùy thuộc giai cấp mà tùy thuộc vào hạ lạp! Sau này, giáo hội sẽ có những vị đại đức, những vị trung đức, những vị sơ đức phải biết như vậy để đối xử cho phải lẽ!

Nầy Mahā Kassapa! Ông đã có được một sở học và kiến thức uyên bác từ thuở thanh niên nên dễ sinh ra ngã mạn về tri kiến (ñāṇadiṭṭhīmāna)! Vậy ông phải biết chăm chú lắng nghe giáo pháp, ghi nhớ giáo pháp, thực hành giáo pháp và kính trọng giáo pháp mới mong thành tựu những lợi lạc tối thượng!

Nầy Mahā Kassapa! Ông có những quý tướng và vẻ đẹp của bậc đại nhân nên dễ sinh ra luyến ái sắc thân, tự hào về sắc thân, ngã mạn về sắc thân (kāyamāna)! Vậy ông nên tu tập đề mục niệm thân (kāyagatasati), nhất là phải thấy cho rõ những thể trược, những bất tịnh (asubha) của chúng. Rồi cũng nến tiến hành đề mục về hơi thở (anāpānasati) để đạt các định cần thiết, quán chiếu thân, thọ, tâm, pháp để thấy rõ thực tướng vô thường, vô ngã và dukkha của chúng để đạt tuệ nhãn, tuệ tri, tuệ giác, tuệ minh, giải quyết trọn vẹn vấn đề sinh tử, giải thoát tất cả mọi sầu, bi, khổ, ưu não trên cuộc đời này!

Đức Phật dạy xong ba điều về ngã mạn, du sĩ Mahā Kassapa trở thành tỳ-khưu! Đây là sự thọ giới được gọi là “thọ giới tỳ-khưu bằng giáo huấn” (Ovādapaṭiggahaṇ-ūpasampadā) đặc biệt, duy nhất trong giáo hội của đức Tôn Sư.

Là bậc vốn có trí hạnh đầy đủ, nghe xong tức hiểu, Mahā Kassapa ôm chân bụi của đức Thế Tôn, vô cùng cảm kích.

Đức Phật chợt mỉm cười, nói rằng:

- Tấm ngoại y của ông, không rõ bằng chất liệu gì mà mềm mát, ấm áp và êm dịu đến thế?

Mahā Kassapa là bậc trí, ông hiểu là đức Thế Tôn lại quở trách nhẹ nhàng, tinh tế khi ông đã sử dụng saṃghāṭi bằng loại tơ tằm cực mịn, không tương hợp với những sa-môn sơ cơ đang tu tập với đề mục niệm thân! Thế rồi, ông xin dâng cúng saṃghāṭi đắt giá ấy lên đức Phật, người đã diệt tận mọi nhiễm ô, đổi lấy saṃghāṭi tầm thường của ngài(1).

Đức Phật lại bi mẫn tứ giáo rằng:

- Nầy Mahā Kassapa! Ông hoàn toàn hiểu ý của Như Lai! Cái hạnh sáng rỡ của ông trong giáo pháp này chính là một bậc thánh vô dục, đầu-đà khổ hạnh nhưng lưu ý là đừng rơi vào cực đoan!

Bảy hôm sau, trước an cư mùa mưa mấy ngày, do nhiệt tâm, tinh cần tu tập, Mahā Kassapa đắc đạo quả A-la-hán, luôn cả tuệ phân tích và thần thông!

Quả thật là một thành tựu hy hữu của một nhân vật kiệt xuất nên hôm kia, trước đầy đủ chư vị tôn túc trưởng lão và mấy ngàn tỳ-khưu, đức Phật trân trọng giới thiệu Mahā Kassapa:

- Đây là một vị tỳ-khưu cũng được sinh ra từ cửa miệng của Như Lai, từ giáo pháp của Như Lai; là một đệ tử ưu tú, là một đệ tử cao quý! Mahā Kassapa sẽ là một tỳ-khưu đệ nhất về khổ hạnh đầu-đà rồi còn giáo hóa cho mọi người về một đời sống tri túc và thiểu dục nữa! (Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ dhutavādānaṃ yadidaṃ Mahākassapo!)

Lời tuyên bố của đức Phật, thế là đã xác định được địa vị ưu thắng, đệ nhất về khổ hạnh đầu đà của ngài Mahā Kassapa trong lòng giáo hội và đại chúng.

Khi nghe chuyện về hai vợ chồng hy hữu, mười hai năm thủ ước sống trong sạch bên nhau rồi còn dễ dàng rũ bỏ tài sản cự phú... nên hội chúng cứ xôn xao bàn tán mãi, không rõ do nhân gì, duyên gì từ kiếp trước! Đức Phật lại phải vén mở bức màn quá khứ, kể cho hội chúng biết rằng: Họ đã từng tu tập từ rất lâu xa, đã từng thực hành mười ba-la-mật tuy không bằng Sāriputta và Moggallāna, nhưng cũng đã trải qua nhiều vị Chánh Đẳng Giác. Đặc biệt, một kiếp nọ, Mahā Kassapa làm vua, có tên là Nandarāgā, Bhaddākāpilāni làm hoàng hậu; cả hai đều có đức tin trong sạch với thiện pháp. Vào thời không có Phật Toàn Giác ra đời, đức vua và hoàng hậu đã hộ độ bốn món vật dụng cho năm trăm vị Độc Giác đầy đủ, hỷ mãn cho đến khi các ngài an nhập Niết-bàn, với lời nguyện đạo quả bất tử. Kiếp ấy, sau khi truyền ngôi vị cho hoàng tử, cả hai khoác áo đạo sĩ vào Tuyết sơn sống đời khổ hạnh độc cư, lâm chung, đắc định, hóa sanh phạm thiên giới! Sở dĩ cả hai đều chán ghét ngũ dục là vì họ vừa ở cõi phạm thiên hạ sanh, tâm nhàm chán, viễn ly dục lạc của định sắc giới còn ảnh hưởng rất mạnh đến kiếp này!

Còn chuyện tượng nữ thần bằng vàng, lại gặp được mỹ nhân giống hệt, các bậc có trí tự hiểu rằng: Họ đã nhiều kiếp vợ chồng, nhiều kiếp cùng tạo trữ ba-la-mật thì hình ảnh, dung sắc của người vợ mỹ miều, đức hạnh không lúc nào là không hiện rõ rệt từng đường nét một trong tâm trí của thanh niên Pippali!



(1)Đức Phật chỉ muốn trả lại hạnh nguyện đầu-đà cho ngài Mahā Kassapa!





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6492)
Bằng tất cả trí tuệ, bạn mới có thể nhìn thấy cuộc đời là một dòng sống tương tác giữa cái này và cái kia, tạo ra một trường thiên diễn vô tận của ráng nắng, của bọt nước, của ánh chớp, của sương, của giấc mơ, của tâm thức giả huyễn – và bằng tất cả tình yêu, bạn có thể lắng nghe nụ cười và tiếng khóc trùng điệp đuổi bắt thay nhau của vạn loại chúng sanh trong thế giới phù hư giả ảo ấy.
09/04/2013(Xem: 18314)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc.
09/04/2013(Xem: 6819)
Theo cách nghĩ thông thường của người bên ngoài cửa chùa, Lục Hòa là một nguyên lý, một nguyên tắc hay qui tắc được áp dụng trong Tăng đoàn để có đời sống hòa hợp. Đơn giản mà nói, cách nghĩ ấy đúng. Nhưng dùng chữ “nguyên lý” hay “nguyên tắc” khiến người ta không khỏi có cảm nghĩ rằng để áp dụng Lục Hòa, tập thể xuất gia có vẻ như phải khép mình vào một thứ kỷ luật khắt khe, đầy khuôn khổ, phép tắc và thiếu tình cảm, giống như kỷ luật quân đội.
09/04/2013(Xem: 12353)
Nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan tâm tới chính mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi ngờ. Quan tâm tới lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi ngờ, trong khi đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh niềm tin và tình bằng hữu.
08/04/2013(Xem: 8690)
Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm nhuần năm Mậu Dần, nhằm ngày 24 tháng 6 năm 1998 sau khi làm lễ Bố Tát (Uposatta) tụng giới nơi chánh điện, trở lại thư phòng, tôi bắt đầu viết cho quyển sách của năm nay nhan đề là: Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.
08/04/2013(Xem: 9243)
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
08/04/2013(Xem: 6405)
Sáng nay, tôi đang rửa chén đoại trong quán, Thiện Đạt, một Phật tử công quả tại Chùa hớt hải chạy qua quán báo tin: - Anh Thị Chơn ơi! Anh có biết là Thượng Tọa Thiện Thông đã bị đưa vào nhà thương rồi chưa? - Chuyện gì vậy ? Tôi hỏi.
08/04/2013(Xem: 5816)
Vô thường không phải là một điều xấu, nó cũng có mặt tốt: nếu hạnh phúc không tồn tại mãi mãi, thì sự bất hạnh cũng không vĩnh cửu. Khi hết hạnh phúc, người ta bất hạnh; và người ta cũng trở nên hạnh phúc khi hết bất hạnh. Đi từ trạng thái này qua trạng thái kia xảy ra tự nhiên. Không phải hãm lại sự chuyển động và biết nắm lấy những sự vật như chúng đến, . . .
08/04/2013(Xem: 17582)
Ðể có thể nhận diện được tổng thể hệ thống loại hình sám văn, đó là cách phân loại theo nhóm đề tài và ý nghĩa. Tuy nhiên, vì sám văn có quá nhiều chủ đề, tùy theo lĩnh vực mà sử dụng riêng khác, nên rất phong phú đa dạng. Ðể nắm được tổng thể bố cục của cách phân loại nầy, chúng tôi xin khái lược về các cách phân loại có liên hệ trực tiếp. Qua đó, chúng ta có cơ sở để nhận diện được toàn hệ thống phân loại.
08/04/2013(Xem: 23367)
Quyển sách không nhằm vào chủ đích phân tích những gì trong kinh điển mà đúng hơn là để nhắc nhở chúng ta hãy nên nhìn thẳng vào bản chất của chính mình và của mọi vật thể chung quanh hầu giúp chúng ta biết ứng xử thích nghi hơn với cái bản chất ấy của chúng và để giúp chúng ta trở thành những con người sáng suốt, hoàn hảo và an vui hơn. Bản dịch sang tiếng Việt này được dựa vào ấn bản tiếng Anh của Rod Bucknell và tiếng Pháp của Jeanne Schut trên đây.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]