Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi sáu

14/10/201311:47(Xem: 12384)
Chương hai mươi sáu
coitroi2



Chương hai mươi sáu

Con đường dẫn vào vùng kinh tế mới Bàu Cạn vẫn là con đường lởm chởm ổ gà và đầy bụi đỏ. Hồi đó chúng tôi thường gọi đùa là đường “hồng trần.” Bây giờ vẫn vậy, không gì thay đổi. Chỉ có những cây dương và bạch đàn hai bên đường là cao vút, dầy đặc hơn, che mát gần một nửa chiều ngang con đường xuôi ngược duy nhất của vùng này. Lúc tôi vừa xuống xe đò, rời quốc lộ để đi bộ vào đường đất, mặt trời hãy còn chấp chóa sau những tàng lá xào xạc đong đưa ở hướng tây, bên trái của tôi. Đường này không có xe cộ ra vào thường xuyên. Mỗi ngày có vài chuyến xe máy cày chạy ra chạy vào giữa xã Bàu Cạn và đầu đường ra quốc lộ; đến bốn, năm giờ chiều thì không còn chuyến xe nào nữa. Ngoài loại xe máy cày kéo theo một rờ-mọt chở khách, không có bất cứ loại xe nào chịu đựng nổi sự dằn xóc của con đường lồi lõm bị cày nát bởi hàng trăm chiếc xe bò với bánh sắt chạy qua suốt ngày đêm.

Tôi đi bộ vào hướng chùa. Khoảng ba cây số. Đi chừng nửa đoạn đường thì mặt trời cũng sắp lặn sau những khóm tre và những mái nhà tranh tỏa khói bếp.

Từ xa, tôi đã có thể nghe được tiếng mõ nhịp nhàng từ phía chùa vọng đến, lúc được lúc mất theo từng cơn gió tiếp nối nhau tung bụi mù mịt trên đường. Từ ngày tôi rời bỏ vùng này để ẩn lánh rồi cuối cùng vào tù, không một người bạn nào của tôi lai vãng chùa này, cho nên khi gặp Tửu hai ngày vừa qua, tôi cũng không được biết thêm gì về tình hình nơi đây ngoại trừ chuyện mấy chú tiểu ở đây đều đã hoàn tục, rời khỏi chùa. Nhưng bây giờ có tiếng mõ, tiếng chuông từ phía chùa vang vọng đến. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, mà cũng vừa an lòng. Ít ra thì chùa cũng chưa bị nhà nước tịch thu hay bị bỏ hoang.

Mặt trời đã lặn khi tôi tiến vào cổng chùa. Vào giờ này, cũng như hơn nửa giờ đồng hồ trước trên đường đi, ít người qua lại nên không ai phát giác sự có mặt của tôi. Hai cây bạch đàn do tôi trồng hai bên pho tượng Quán Thế Âm lộ thiên bây giờ cũng đã cao vút khỏi mái chùa và rũ bóng xanh sẫm làm nền cho pho tượng trắng nổi bật lên trong khuôn viên chùa. Bây giờ thì tôi nghe rõ tiếng tụng kinh bên trong chánh điện là của hai ni cô với giọng tụng khàn yếu của tuổi già. Tôi đến trước pho tượng đức Quán Thế Âm lộ thiên, chắp tay cúi chào và bỗng dưng xúc động với niềm ăn năn như thể tôi là đứa con hoang nghịch trở về sau một chuyến rong chơi ngoài gió bụi.

“Thầy đó phải không thầy?” một giọng trẻ nít cất lên phía sau lưng tôi.

Tôi quay lại thì bắt gặp Thảo, con anh Hải và chị Tâm ở đối diện chùa. Có lẽ con bé thấy tôi bước vào chùa nên chạy theo. Hai năm qua rồi mà nó vẫn không lớn thêm được mấy tí dù tính theo tuổi thì năm nay có lẽ bé đã lên mười.

“Thảo hở con? Đến đây thầy bảo.”

Con bé ngập ngừng một lúc rồi chạy a tới ôm lấy tôi, khóc mếu máo.

“Thầy ơi, thầy không có sao hở thầy? Thầy mới về hở thầy. Thầy đừng có đi nữa nghe. Để con về nói ba mẹ con nghe. Hu hu...”

“Khoan, thầy dặn nè, nói ba mẹ qua đây gặp thầy, đừng cho ai biết nhiều, nghe chưa.”

Con bé dạ một tiếng rồi chạy vù về nhà. Tôi bước vào trong, vòng ra phía sau chánh điện, ngồi ở bàn khách (cũng là bàn ăn) của chùa. Hai ni cô tụng kinh nên chùa chẳng ai coi ngó. Tôi ngồi im, thoáng nhớ lại một thời sống vui cùng tăng chúng nơi đây. Lúc đó đất chùa hãy còn trống hoang, tôi và các thầy các chú trẻ, ra công khai phá, trồng trọt. Bây giờ chung quanh vườn chùa đầy những cây mít oằn trái và những cây điều xum xuê cành lá. Vườn chùa trông mát mẻ hơn xưa rất nhiều.

Tôi ngồi một lúc thì anh Hải, chị Tâm chạy qua chùa. Tôi trò chuyện cùng họ đâu chừng mười phút sau thì đồng bào phật-tử lối xóm lần lượt tụ đến đầy nghẹt, bao vây lấy tôi, người câu này người câu nọ, hỏi thăm tới tấp. Tôi khá bỡ ngỡ khi xuất hiện trước mặt họ với hình thức một người thế tục. Tôi dự tính chỉ cho vài người quanh khu vực chùa biết, không ngờ người ta đồn với nhau quá nhanh, xóm trên xóm dưới ùn ùn kéo về. Rồi hai sư cô tụng kinh xuống, nghe Phật tử giới thiệu tôi thì đến chắp tay chào, yêu cầu tôi trở lại chùa để hướng dẫn họ và phật-tử tu học. Theo lời một sư cô lớn tuổi thì giáo hội cử họ về đây để tạm thời thay tôi coi sóc ngôi chùa cho đến khi nào tôi trở lại. Tôi nói với hai sư cô đồng thời nói chung với đồng bào phật-tử chung quanh:

“Trong hai năm qua, tôi cứ lo lắng không biết ngôi chùa này sẽ như thế nào khi tôi đi vắng; nay trở về nghe được tiếng chuông mõ, gặp được hai sư cô, biết được mái chùa vẫn còn đây, tôi thật an lòng. Tôi thành thật cám ơn quí sư cô đã thay tôi hướng dẫn phật-tử ở đây trong nhiều tháng qua. Tôi cũng xin thỉnh cầu quí sư cô kể từ hôm nay, chính thức đảm nhận việc trụ trì ngôi chùa này để tiếp tục giúp đỡ Phật tử tu học, vì có thể hoàn cảnh hiện nay không cho phép tôi trở lại đây được nữa. Trong nay mai tôi phải ra Nha Trang để trình diện công an địa phương tại đó, không biết chừng nào mới gọi là ổn định... Riêng đối với quí phật-tử ở đây, tôi mong quí vị hết lòng hỗ trợ hai sư cô để xây dựng, kiến thiết ngôi chùa; và quan trọng nhất là phải siêng năng tu tập, tụng kinh, lễ Phật mỗi ngày...” Có nhiều tiếng sụt sùi thút thít trong đám đông khiến tôi phải ngưng một lúc. “Quí vị làm được điều đó thì dù cách xa đến đâu, hoặc phải chịu một hoàn cảnh nào khó khăn hơn trước, tôi cũng vui vẻ, yên tâm, biết rằng những hạt giống tốt tôi gieo trồng nơi đây được chăm bón, phát triển, có thể chịu đựng được những khắc nghiệt của thời tiết.”

Buổi tối ấy, tôi dùng cơm tại chùa rồi đi thăm một số gia đình gần chùa nhất. Cuối cùng, tôi ngủ lại đêm ở một cái chòi của gia đình chú tiểu Hòa—một gia đình rất thân với chùa vì có ba người đi tu, trong đó hai người là đệ tử của tôi. Tôi không ngủ đêm tại chùa vì hiện nay các tịnh thất nhỏ dùng làm chỗ nghỉ cho chư tăng đều đã bỏ hoang nhiều ngày, cỏ gai mọc phủ cả mái; chỉ còn một gian nhà có hai phòng nhỏ dành cho hai sư cô, tôi không muốn chiếm chỗ của quí sư cô; phần khác, tôi muốn tránh ngủ đêm tại chùa, vì e rằng có thể công an đến xét hỏi nửa đêm, làm khó tôi, làm phiền cho chùa. Lúc nãy nói chuyện với phật-tử tụ họp tại chùa, biết đâu trong số đông đó lại có người của công an.

Trong xã Bàu Cạn cách chùa hơn một cây số, nhà cửa thưa thớt, rừng tre gai và cỏ tranh còn đầy. Căn chòi tôi ngủ đêm nằm sâu và biệt lập trong vùng tre gai ấy. Gia đình chú Hòa phát dọn một lối đi riêng từ nhà đến chòi. Họ kín đáo đưa tôi đến đó, tránh không cho nhiều người biết. Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, anh chú Hòa sẽ chở tôi bằng xe đạp, ra quốc lộ đón xe về Sài Gòn.

Đêm đó không ngủ được, nằm nghe rừng đêm dậy tiếng côn trùng, lòng tôi chợt nẩy sinh một nỗi nao nức kỳ lạ, giống như có một sự mời gọi nào đó thúc giục tôi ngồi dậy, ra ngoài. Tôi vén mùng bước khỏi cái giường tre ọp ẹp, xỏ chân vào xăn-đan, bước đến khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Bây giờ là đêm mùng mười tháng chạp âm lịch. Trăng đã lên sớm rồi lặn sớm. Màn trời đen kịt làm cho muôn sao như sa xuống gần, càng lúc như rực sáng thêm lên. Mà ánh sao càng rực sáng, tôi càng thấy nao nao, bấn loạn, bức xúc, như con cá thiếu vi, con chim thiếu cánh, con mèo thiếu vuốt, con người thiếu tim—hay trái tim bị teo rút không đập—để rồi quờ quạng, nghiêng đảo, sục tìm, sục kiếm, lăng quăng... Tôi tìm gì đây? Tôi muốn gì đây? Tôi khát khao gì đây? Ôi, một cái gì trong tôi đã mất hay một cái gì trong tôi chưa có, khiến tôi thèm nhớ chạy rông!

Ngay lúc ấy tôi bỗng nghiệm ra rằng, dường như bầu trời cao rộng trên đầu tôi luôn luôn là bãi đáp hoặc là cho mặt trời, hoặc là cho mặt trăng, hoặc là cho các vì sao xa; và mỗi phiên lượt của chúng đều thúc đẩy, khích động để bật dậy trong tôi một cái gì. Tôi từng nghĩ mặt trời, mặt trăng thúc đẩy sự khởi sinh lý trí và tình cảm, ở dạng thái quang minh sáng rỡ. Nhưng tôi chưa biết nỗi phấn khích lạ lùng khó hiểu nào đó mà những vì sao đang đoanh vây tôi thúc gọi và đánh động. Tôi đứng im ngước nhìn chúng, đẩy cánh cửa tre thưa ra, hồi hộp, xao động bâng quơ một lúc, rồi băng mình vào đêm rừng ướt sương. Tôi đi thật nhanh, đi như chạy, không nhắm một hướng nào nhất định. Và trong khi chân tôi lập xập quàng xiên trên lối cỏ chập chùng sương giăng, tim tôi cơ hồ bắt nhịp với tiết điệu mơ màng nguyên sơ của vũ trụ. Chân tôi tự dưng bước chậm lại, chậm lại. Tôi đứng im tại chỗ hay tôi đang bước mà nghe như đánh nhịp với thanh âm uyển chuyển nhẹ nhàng của tấu khúc đêm hoang. Tôi múa và vũ trụ quanh tôi cũng múa. Tất cả đều múa, trong một ẩn điệu êm dịu, nhè nhẹ, như mây, như sương, như cơn mưa lất phất rơi trên hồ thu quạnh. Muôn sao lập lòe, lấp lóa. Tre gai rung mình, đong đưa. Cỏ tranh xào xạc, lướt thướt. Đất trời xoay. Đất trời xoay...

Em đến như sương

Mờ ngập con đường xao xác gió khua đêm

Mờ ngập hàng cây lá biếc nghiêng mình

Mờ ngập tim anh nửa đời xô giạt

Mờ giấc mộng đeo đẳng cuốn anh đi

Lối trước mơ hồ, ngõ sau người rượt đuổi

Tuổi xuân lạc bước, chạy mãi đến bao giờ

Đất trời hoang mang

Nằm xuống bên nhau quên đời thoáng chốc

Ôi nhớ nụ cười khúc khích rụng muôn sao

Ôm nhau đi, ôm nhau đi

Đất lạnh

Rừng hoang

Lòng người man trá

Ngủ giấc phù hư lây lất đêm này...

Ngày ngày thức dậy nhìn qua cửa

Mờ mịt khung trời khuất bóng trăng sao

Sóng dữ dập dồn, đẩy nhau đi tới

Em đi, anh đi, người người đi

Tan tác muôn phương tay không đưa vẫy

Lời riêng giữ lại, chưa kịp nói yêu nhau

Gác vắng nằm im,

Đưa tiễn âm thầm dáng sương mỏng mảnh

Đêm mịt mùng gió hú ngàn khơi

Ôi giấc mộng huyền, em thay anh chôn vào lòng biển

Và anh chôn em ở tận đáy tim này...

Cúi xuống niềm đau mà tìm quên lãng

Vết cắt chưa lành lại cứa thêm dao

Anh có cha già tựa hiên ngóng đợi

Hay anh mơ, mơ viển mơ vông?

Lụy tình man man vờ quên mất người thiên cổ

Anh nhếch môi cười với nỗi nhớ niềm đau

Nước mắt khô nhanh không kịp khóc người nằm xuống

Bi khúc vô thường anh múa với ngàn sao

Namphương là đâu?

Mộng huyền là đâu?

Chỉ thấy đêm rừng quay quắt nhớ mắt ai nâu

Anh kiếm phương nam hay tìm giấc mộng hư hão

Mà góc trời này gục xuống với đêm sâu...

Xoay tít nữa đi, đêm không cùng tận

Đưa ta về cuối bãi hoang sơ...

Tôi đứng lại nơi hàng rào phía vườn sau của chùa. Mặc dù khoảnh vườn sau của chùa—nơi có hai tịnh thất và một thư viện nhỏ của chùa tôi—đã bị cỏ tranh phủ lấp không còn dấu vết gì của ngày cũ, tôi vẫn nhận biết ngay bằng cảm giác thân thuộc năm xưa với con đường mòn ngoằn ngoèo chạy dọc theo chiều dài của chùa, phân chia đất chùa với khu nghĩa trang lác đác vài ngôi mộ của dân xã Bàu Cạn. Hóa ra trong điệu vũ điên cuồng với sao đêm, bước chân tôi đã theo cái nghiệp thức ẩn tàng nào đó mà đưa tôi đến đây lúc nào không hay. Tôi đứng im một lúc để định hướng rồi đạp lên cỏ, vạch đường tiến sâu vào. Đây là thư viện, mái tranh bị gió thổi tốc đi gần một nửa, để trơ trống ở trên một khoảnh trời nhỏ lấm tấm sao. Nền vách thư viện được xây bằng gạch đúc (đất sét), nên qua nhiều mưa nắng hãy còn giữ lại bậc thềm cao và bốn vách thẳng đứng, vững chắc. Khung cửa chính và hai khung cửa sổ bằng gỗ với chấn song sắt đã bị ai tháo gỡ làm trống mất một phần vách ở mặt tiền. Tôi ngồi nơi bậc thềm ấy khá lâu, lặng nhìn vẻ tàn tạ của khung cảnh chung quanh. Năm xưa chúng tôi tụ tập ở đây khoảng mười tăng sĩ trẻ và mấy chú tiểu. Bây giờ mỗi người mỗi ngả. Cả một khu đất rộng với nhiều loại cây ăn trái vây quanh hai tịnh thất và một thư viện, bây giờ là đồng cỏ hoang. Các sư cô hiện ở chùa đã già yếu, không đủ sức khai phá dọn dẹp. Tôi thở dài đứng dậy, men theo khoảng cỏ thưa đến tịnh thất của tôi, nằm phía bên phải của thư viện. Căn tịnh thất hoàn toàn sụp đổ. Chỉ thấy một đống lùm xùm không còn hình dạng một căn nhà, mà như một đống rơm, một núi rác, mái tranh ôm vách đất, cỏ lau chen tre rừng. Tôi chợt bật cười khan một mình. Dường như đến tận phút này tôi mới nhận biết rằng đời tôi chưa làm được một cái gì nên chuyện. Tất cả những gì tôi mơ ước, toan tính, thực hiện, hình thành, xây dựng... đều dở dang, thất bại, tiêu tán, chìm khuất. Ngay cả cái chuyện rất nhỏ là cất ngôi thảo am xiêu vẹo ở chốn hoang dã quê mùa này mà cũng không thành, không giữ được thì nói chi đến đại sự khác như... như đại sự gì nhỉ? Không có đại sự gì cả. Đời tôi chưa có đại sự. Bởi chính cái đại sự xuất gia, thoát ly sinh tử để vói đến một phương trời cao rộng, là con đường cao đẹp mà tôi đã dốc mười lăm năm tuổi trẻ tôi vào đó, cuối cùng cũng gián đoạn, bỏ ngang, thì không còn có một thứ gì khác trong đời tôi đáng để gọi là đại sự nữa! Tôi không ngờ tôi lại có mặt trên đời một cách vô tích sự như thế.

May ra thì hãy còn một thành tựu, một thứ hiện hữu không do tôi dựng nên, đã có mặt nơi đây trước khi tôi đến, và sẽ tồn tại sau khi tôi đi, bởi nó không do sức tôi tạo nên, không do ý tôi mà thành: cây tràm. Nó là cây tràm khô phía sau căn tịnh thất này, sâu về hướng bờ ruộng khoảng năm trăm thước. Nó to lớn, đứng sừng sững nơi bìa rừng như một hung thần dị dạng từ nhiều năm, không ai dám đưa tay đụng đến hoặc nẩy sinh ý nghĩ đốn hạ. Chỉ có nó là kiên gan đứng mãi, ngoài cuộc dâu bể tang thương này. Tôi ôm niềm tin đó, háo hức đạp bừa lên cỏ tranh, chạy đến hướng ruộng. Cây tràm khô. Cây tràm khô. Tôi vừa chạy vừa lẩm bẩm. Nhưng vượt khỏi đám cỏ cao ngút đầu, chạm mặt với đồng trống rồi, tôi không thấy cây tràm đâu nữa. Cây tràm đã biến mất. Người ta đã đốn ngã và dọn sạch nó, không còn một dấu vết nào. Tôi hụt hẫng, loạng choạng ngồi phịch xuống một gò đất nhỏ gần đó. Đầu óc tôi ngay tức khắc trống rỗng không còn một tì vết nào của niềm tin, hy vọng, ý niệm, cảm thức, hồi ức, tri kiến... và ngay cả những cơ cấu kinh nghiệm làm nền tảng cho sự phát sinh những thứ ấy. Tất cả đều tan biến và tôi ngồi đây mà lọt thỏm vào hư không như kẻ ở trong trạng thái “huyền nhai tán thủ”(vách núi buông tay) hay “bách xích can đầu tu tiến bộ”(đầu sào trăm trượng bước thêm bước nữa).

Tôi ngồi lặng một mình ở cái gò đó cho đến khi gà trong xóm gáy mới lững thững quay trở về căn chòi, rửa ráy, rồi trở lại Sài Gòn.

***

Tôi bấm chuông rồi đứng đợi. Phương chồm người ra ở lan can trên lầu để nhìn xuống, thấy tôi, nàng mau mắn chạy xuống mở cửa. Tôi bước vào, lẳng lặng ngồi nơi xa-lông phòng khách. Nàng khóa cửa rồi quay lại hỏi dồn:

“Sao anh, gặp lại mọi người có vui không? Ô, có chuyện gì hả? Sao mặt anh buồn vậy?” nàng vừa nói vừa bước đến, ngồi sát bên tôi, vẻ mặt quan tâm lo lắng.

“Cũng bình thường, không có gì quan trọng,” tôi lạnh nhạt nói.

“Có phải chùa anh... đã bị nhà nước dẹp?” Phương e dè hỏi.

“Không, đã nói không có gì mà. Hiện có hai sư cô đang ở đó trông coi.”

“Vậy tốt quá rồi, sao anh lại buồn?”

Tôi xua cả hai tay, lắc đầu nói:

“Không có gì, không có gì đâu. Anh muốn nằm một lúc.”

“Vậy anh lên lầu há?” nàng đứng dậy.

“Không, anh nằm dài ở đây, một chút thôi, được không? Em có chuẩn bị tiếp khách gì không?”

“Không, anh nằm đây cũng được, không sao, để em đi lấy gối cho anh.”

Nàng chạy lên lầu. Tôi nằm xuống, mở mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà. Vừa khi nàng định nâng đầu tôi để đưa cái gối vào, tôi cầm lấy tay nàng, nói:

“Nam Phương, xin lỗi em nghe... về chuyện đi Nha Trang. Em đừng đi theo anh nhé, được không? Anh muốn đi một mình.”

Nàng chưng hửng nghiêm mặt ngó tôi một lúc, rụt tay lại:

“Sao vậy?”

“Không hiểu sao, nhưng anh linh cảm là chuyến đi này không vui vẻ gì đâu. Em đừng đi chung với anh. Mình còn gặp nhau dịp khác mà, phải không?”

Phương ngồi xuống ở chiếc ghế nệm đối diện, nói:

“Hình như anh thích hứa suông, thích bội ước, thích hủy bỏ những cái hẹn cái thề... Không sao. Anh không thích có em đi chung thì thôi, em đi riêng chuyện em như xưa nay, có gì đâu.”

“Đừng nói vậy. Anh... thực ra, anh cũng chẳng hiểu sao nữa. Anh chỉ thấy là anh muốn đi một mình. Có lẽ một ngày nào đó, em sẽ hiểu vì sao.”

“Thôi, anh không cần giải thích nữa. Em không giận đâu. Anh nằm nghỉ đi, rồi chiều nay em chở anh đi phố, mua sắm một ít áo quần hay đồ đạc gì cho anh trước khi lên đường.”

“Đâu có cần...” tôi nhỏm dậy nói.

“Xuỵt, nằm ngủ đi, đừng nói nữa,” nàng đưa một ngón tay lên chận ở môi, nói vậy. Y như một bà mẹ trẻ. Tôi ngoan ngoãn nằm xuống trở lại, nhắm mắt.

Nhưng nàng vừa quay đi một đoạn ngắn thì tôi đã ngồi bật dậy, gọi nàng lại:

“Phương à, anh phải đi bây giờ.”

“Cái gì? Bây giờ à! Tâm anh sao lại bất an vậy kìa! Làm như ngồi trên lửa bỏng! Có chuyện gì thì cũng giải quyết từ từ, gì mà vội vàng hấp tấp quá!”

“Anh vừa nghĩ ra một cách: khỏi cần đi Nha Trang!”

Phương lẳng lặng quay trở lại, ngồi vào xa-lông, chờ đợi tôi giải thích. Tôi phấn khởi nói:

“Anh không cần biết anh được tạm tha là do ban quản trại xét danh sách tù nhân bệnh nan y rồi tự động thả hay là do cam kết của ba anh trong đơn bảo lãnh mà anh dặn ông làm. Nếu anh về Nha Trang rồi đi trình diện chính quyền địa phương, tất nhiên gia đình anh phải chịu trách nhiệm về mọi hành tung của anh trong thời gian sống với gia đình; còn như anh không về Nha Trang thì gia đình đâu chịu trách nhiệm! Phải không? Anh đã xa gia đình từ nhỏ, không có tên trong hộ khẩu của gia đình, chính quyền Nha Trang làm sao biết được là anh bị bắt rồi được trại giam K4 thả ra! Còn công an ở Long Thành, nơi mà anh có hộ khẩu chính thức, chính họ cũng không biết anh được trại giam K4 thả ra; vậy thì làm sao họ kiểm soát anh! Chưa hết, trại giam K4 họ chỉ cấp lệnh tha bắt buộc anh về Nha Trang, chứ có phải là cho xe đưa anh về tận Nha Trang để giao cho công an ngoài đó quản thúc tại gia đâu. Như vậy, họ làm sao biết được là anh có về Nha Trang hay không! Đoạn đường từ Long Khánh về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn ra Nha Trang, biết bao nhiêu là trạm công an, biết bao nhiêu là bất trắc nguy hiểm gì đó xảy ra... biết đâu anh bị công an ở địa phương nào bắt, bị cướp giết hay bị tai nạn xe cộ gì đó. Vậy là có thể xóa tên anh trên cuộc đời được rồi.”

Phương gật đầu, tỏ vẻ đồng ý cách giải thích của tôi, nhưng hình như nàng chưa hiểu hết, hoặc là nàng đang băn khoăn suy nghĩ một điều gì khác.

“Em hiểu không?”

“Hiểu chứ.”

“Vậy làm sao em có vẻ... ngơ ra?”

“Em đang nghĩ những gì phải làm khi anh quyết định không ra Nha Trang trình diện.”

“Thôi, em không cần phải lo. Vả lại, chuyện đó em không lo được đâu.”

“Chuyện gì mà không lo được?”

“Ơ... để anh nói em nghe sau, bây giờ anh phải đi gặp Tửu cái đã,” tôi dợm chân tính đi.

Phương chận lại, nói:

“Khang à, làm gì thì làm, anh cũng tìm cách báo cho gia đình anh biết để yên tâm. Ít nhất phải có một vài người nào đó ruột thịt của anh, thấy anh, gặp mặt anh, bằng xương bằng thịt, chứ cái điện tín em đánh đi hôm qua không chắc là sẽ làm ba anh tin đâu.”

Tôi gục gặc đồng ý và cám ơn nàng. Phương không thắc mắc hỏi thêm chuyện gì nữa, có lẽ nàng biết là chẳng thay đổi gì được tôi. Phương lấy xe gắn máy đưa tôi lái, nàng ngồi phía sau, ngồi một bên kiểu phái nữ (kiểu này theo nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa thì đàn ông cũng nên bắt chước!), tay phải vịn thành yên, tay trái níu nhẹ trên vai tôi. Lâu quá mới cầm lái trở lại, tôi hơi loạng choạng lúc mới rời khỏi nhà một đoạn. Ra khỏi đó rồi, tôi mới quen. Tôi không nhớ nàng đã buông tay khỏi yên xe và ôm vòng ngang ngực tôi vào lúc nào. Đầu nàng hơi tựa vào vai tôi và thỉnh thoảng áp sát ngực nàng vào lưng tôi, nóng lừng.

Đến đầu hẻm, tôi trao tay lái cho Phương lái về. Phương đưa tôi một chìa khóa, dặn:

“Em cóp–pi một chìa khóa cho anh nè, anh giữ để lỡ không có em ở nhà thì cũng vào được để nghỉ ngơi, hoặc nhằm khi chỗ nhà anh Cường không được an ninh. Nhớ đừng đi lại nhiều không tốt nghe anh. Quyết định ra sao thì cho em biết, để em góp ý hay biết đâu em giúp được anh chút gì đó. Thôi, em về.”

Tôi bước vào nhà. Tửu thấy tôi thì mừng lắm:

“Trời, Khang đi đâu mất biệt làm cho ai cũng lo! Có Như Tâm đến đây hôm qua, ở lại ăn hai bữa cơm tại đây, ngồi chờ Khang suốt ngày. Tôi thì đạp xe chạy lòng vòng mấy công viên hay mấy quán cà phê vỉa hè, coi thử có Khang ngồi đâu đó không. Nhưng Sài Gòn mênh mông biết Khang đâu mà gặp!”

“Tôi đi Long Thành thăm chùa Long Quang. Này Tửu à, tôi quên hỏi là lâu nay Thiện Chí có liên lạc với anh không?”

“Thiện Chí hả? Không. Mà chi vậy?”

“Thiện Chí có hứa với tôi là sẽ xuống Châu Đốc dò tìm đường vào chiến khu Bảy Núi của lực lượng Hòa Hảo. Tôi muốn gặp anh ấy... xem thử kết quả ra sao.”

“Khang vẫn còn giữ ý định đó à?”

“Không còn cách nào khác.”

“Vậy... vậy phải gặp Thiện Chí ở đâu?”

“Đến chùa Giác Sanh hỏi.”

Tửu chở tôi đi ngay buổi chiều hôm ấy. Ở chùa Giác Sanh, người ta nói Thiện Chí không còn ở đó nữa mà cũng không biết rõ anh hiện ở đâu, chỉ cho chúng tôi địa chỉ gia đình của anh ở gần chợ Tân An, Long An, bảo đến đó hỏi thì tất biết.

Sáng sớm hôm sau, tôi và Tửu đón xe đò rời Sài Gòn, xuống chợ Tân An, đến nhà Thiện Chí. Cô em gái của Thiện Chí cho biết Thiện Chí hiện đang sống tạm trong nhà. Chúng tôi ngồi ở phòng khách chờ cô lên lầu gọi Thiện Chí.

Thiện Chí gặp tôi, vui mừng vô kể, thăm hỏi rối rít. Khi cơn vui dịu xuống rồi, anh cũng như những người bạn của tôi trước đó, hỏi một câu giống nhau:

“Vậy trong những ngày sắp tới, Khang tính sao?”

“Tôi đến đây, vừa để thăm anh, vừa muốn hỏi xem chuyện Châu Đốc ra sao,” tôi nói ngay không úp mở.

Thiện Chí nói với giọng ái ngại:

“Từ sau ngày ra tù một hai tháng, tôi đã xuống Long Xuyên mua lại một miếng đất rẫy, trồng bậy bạ rau đậu để dò la tin tức nhưng không bắt được đường dây nào với lực lượng Hòa Hảo. Một vài người thân tín ở vùng Bảy Núi cho rằng không làm gì có chuyện một lực lượng võ trang Hòa Hảo còn tồn tại... Dường như cánh võ trang Bảo An đoàn đã rút qua biên giới, trà trộn với dân, sống ở Cao Miên hay Thái Lan. Nhưng này, Khang à, ở dưới đó có một bà phật-tử rất tiếng tăm, giàu có, chồng con chết hết, chỉ còn bà ở lại chăm sóc mồ mả ông bà tổ tiên... Khang biết không, bà ấy cũng có lòng với đất nước lắm. Nghe tôi kể chuyện của Khang, bà cảm động, dặn tôi rằng khi nào Khang về được, tìm cách đưa Khang xuống gặp bà. Bà nói, bao nhiêu tài sản còn lại của bà xin hiến hết cho Khang làm cách mạng, làm lại từ đầu, không cần kết hợp với lực lượng nào khác. Thực đó. Để rải rải tôi sắp xếp vài công chuyện ở đây rồi đưa Khang đi xuống đó, nghe?”

Nghe Thiện Chí nói không có đường rút, tôi đã không còn hứng thú gì để hỏi thêm. Chuyện một bà mạnh thường quân nào đó kể ra cũng là một tia hy vọng cho một chí sĩ cách mạng đấy. Nhưng làm lại từ đầu ư? — Cũng được. Tôi chưa mỏi mệt, chưa muốn bỏ cuộc. Nhưng ngay lúc này thì chưa được. Bây giờ là lúc cần một chỗ ẩn thân, không phải lúc toan tính, tổ chức này nọ... Toan tính gì đây, tổ chức gì đây với một cái đầu trống rỗng như tôi bây giờ! Có một luồng gió dữ đang ùa tới, chồm tới phía sau, tôi phải gấp rút ẩn thân. Tôi đang cần một chỗ ẩn thân an toàn mà chỗ ấy không thể là những gia cư có hộ khẩu chính thức của chế độ. Nó phải là một vùng đất, một thổ ngơi biên địa nào đó, nằm ngoài vòng pháp luật.

Tôi từ giã Thiện Chí. Thiện Chí tiễn ra cửa, hỏi lại:

“Về chuyện bà phật-tử dưới Long Xuyên... Khang tính sao?”

“Cám ơn anh, và cám ơn tấm lòng của bà ấy... Chuyện đó hãy để nhân duyên đưa đẩy đi há.”

Trở về Sài Gòn, tôi tiếp khá nhiều bạn bè lần lượt đến thăm. Họ đến thăm rồi vội vã cáo từ, không người nào ngồi lâu. Dường như ai cũng sợ lây vạ vào thân, như thể tôi là một tên phung cùi ghẻ lở. Tôi không trách họ. Đối với tôi, đó chỉ là chuyện nhỏ. Tôi đang tính chuyện khác. Tôi bàn với Tửu chuyện đi Đà Lạt để thăm dò đường dây của lực lượng FULRO (viết tắt từ danh xưng tiếng Pháp của một lực lượng chính trị có võ trang của dân tộc thiểu số ở cao nguyên, có chủ trương tách rời cao nguyên trung phần Việt Nam thành một nước tự trị ở trung tâm Đông Dương; tôi chưa tìm hiểu kỹ về họ, chỉ nhớ mang máng có đọc đâu đó rằng họ được chính phủ Pháp đỡ đầu trước đây nhằm tạo một trái độn giữa ba nước Việt – Miên – Lào để dễ dàng kiểm soát các nước này hơn). Xét cho cùng thì chủ trương của lực lượng này không phải là điều mong đợi của tôi, nhưng ít ra họ cũng là thành phần đối lập với chính quyền cộng sản. Lúc ở trại giam B5 Biên Hòa, tôi nghe vài người sống ở vùng cao nguyên kể rằng lực lượng FULRO đã từng đụng độ nhiều trận với quân đội chính qui Việt Nam ở ven biên giới Lào–Việt và ngay cả ở một vài thị trấn giáp rừng già cao nguyên. Họ có chiến khu trong rừng già và thường cho người về thành để móc nối, mộ quân, quyên góp lương thực. Nhiều người Việt vùng cao nguyên đã hết lòng hỗ trợ họ vật chất, có gia đình cho con trai đi theo họ thay vì cho đi bộ đội của chính phủ cộng sản Việt Nam. Tôi chỉ cần được họ chấp nhận để ẩn thân tạm thời một thời gian...

Tửu bây giờ mặc nhiên trở thành anh thủ quỹ riêng của tôi: ai đến thăm hay biếu xén tiền bạc quà cáp gì cho tôi cũng qua sự sắp xếp và đón nhận của Tửu. Chuyện tôi đi Đà Lạt, Tửu không ngăn cản, cũng không đi cùng. Anh gom tiền của nhiều người biếu riêng cho tôi, chuẩn bị chút ít hành trang gì đó cho tôi lên đường. Trước tiên là đi mua tạm cho tôi một chiếc xe đạp cũ; có xe rồi, Tửu dẫn đường tôi đi may hai bộ đồ tây, lại mua một đồ lính để mặc cho ấm và biết đâu có thể cần khi bắt được đường dây với lực lượng FULRO (!).

Tửu cũng đến nhà các chị tôi, gọi chị Thuần ra quán cà-phê gặp tôi (lúc đó, tôi tránh không đến nhà bất cứ người thân nào trong gia đình để gia đình không chịu trách nhiệm về chuyện tôi bỏ đi, không trình diện chính quyền). Các chị của tôi đã từ Nha Trang về lại Sài Gòn sau khi lo xong đám tang ba tôi. Chị tôi kể rằng ba tôi bị cao áp huyết, té nặng, chở vào bệnh viện nằm một vài ngày rồi mất trên giường bệnh. Miệng ông vẫn còn mỉm cười khi vào áo quan. Tôi được kể sơ với giọng mếu máo của người chị.

Chị tôi đưa một miếng vải đen nhỏ cho tôi đeo trước ngực áo. Tôi từ biệt chị và nhờ chị nhắn lại với cả gia đình tôi, nhất là mẹ tôi, để cả nhà yên tâm là tôi đã được về.

Thấy tôi đeo tang ở ngực áo, bạn bè nào đến gặp cũng đều ngỏ lời chia buồn rồi nhìn tôi, ái ngại. Họ không ngờ rằng tôi đã biết chuyện từ nhiều ngày trước mà không nói với họ.

Chuyện ba tôi mất bây giờ trở thành một thứ dĩ vãng đã được tôi chôn thật nhanh rồi khỏa lấp vội vàng. Tôi chỉ còn miếng vải đen nhỏ u ám gắn nơi ngực áo như là một cách biểu lộ khiêm tốn cái hiếu cảm của tôi dành cho ông. Nhưng khi đạp xe tới nhà Nam Phương, tự dưng tôi tháo bỏ miếng băng tang bỏ vào túi áo. Tôi không hiểu động lực nào xúi tôi làm vậy. Trước đây tôi không hề muốn chia sẻ cái tang của tôi cho cho các bạn bè khác nhưng đã sắp sửa chia sẻ với Nam Phương; còn bây giờ các bạn bè khác của tôi đều đã biết thì tôi lại thấy chưa sẵn sàng để bộc lộ với nàng. Dường như ở nơi Phương có một cái gì đó thầm kín, khó hiểu, cho tôi cảm giác là đại tang của tôi chẳng quan trọng gì lắm. Có thể từ cách suy nghĩ hay từ cách sống lặng lẽ độc lập của nàng nơi căn nhà đó.

Tôi nói tôi sắp đi Đà Lạt. Nam Phương buồn bã, hỏi:

“Anh muốn đi một mình hở?”

“Ừ, đi một mình.”

“Lỡ chuyện gì xảy ra cho anh, ai mà biết được?”

“Có biết cũng làm gì được đâu.”

“Anh này thiệt tình đó, bộ anh tưởng rằng chuyện của anh không can dự đến ai hở? Anh không biết rằng... em lo sợ, em quan tâm đến anh lắm hay sao!”

Nàng khóc. Tôi dỗ. Rồi cuối cùng nàng cũng bằng lòng để tôi đi một mình.

“Em cũng sẽ đi vắng trong thời gian anh đi Đà Lạt. Em đi thăm nuôi ba em. Vậy mình sẽ gặp lại vào dịp Tết nha. Anh nhớ về sớm, ăn Tết với em, chở em đi hành hương các chùa. Được không? Đừng có hứa lèo nhé.”

Nàng gom nhiều thứ linh tinh như thuốc cảm, thuốc ho, dầu gió... vào một cái túi nhỏ, đưa tôi, dặn dò đủ thứ về chuyện giữ sức khỏe. Rồi chúng tôi chia tay.

Lần đầu lên cao nguyên, tôi thích thú nhìn ngắm những đồi thông trùng trùng điệp điệp nhoai lên trên những thảm cỏ xanh trải dài cơ hồ bất tận. Trước mắt tôi là một thành phố màu xanh. Cái màu đó hiếm khi thấy được trên những đường phố tấp nập xe cộ của Sài Gòn. Nhưng mối bận tâm của tôi không cho tôi thưởng thức trọn vẹn thắng cảnh Đà Lạt. Tôi xin ở lại chùa Linh Sơn vì ở đó có vài người bạn tu quen biết. Từ đây, mỗi ngày tôi tìm đến một số người bạn khác do các bạn bè ở Sài Gòn giới thiệu. Người ta bảo tôi chờ đợi, để giới thiệu với người này, người kia. Mà rồi chờ hoài, chờ hoài, vẫn chưa có dấu hiệu gì là có thể bắt được manh mối với FULRO. Đôi khi buồn quá, tôi lang thang một mình trên vài đường phố lạ ở gần chùa Linh Sơn nhất. Thường thì ngồi ở một quán cà phê nhỏ trên đồi, ngó xuống thác Cam Ly. Ban ngày lơ thơ lẩn thẩn ngoài phố, ban đêm về gác tay nằm nghĩ chuyện tương lai. Cái tương lai mù mịt không có một liên hệ manh mối nào với hiện tại. Cuối cùng, những gì tôi mong đợi tìm kiếm ở thành phố cao nguyên này đều được trả lời bằng con số không. Không có gì hết. Chuyện FULRO là chuyện quá khứ lâu đời rồi. Họ đã bị tan vỡ, bị bộ đội cộng sản càn quét đánh dẹp hết rồi. Một người bạn mới quen cho biết như vậy và khuyên tôi nên trở về Sài Gòn, đừng nấn ná lâu tại Đà Lạt vì Sài Gòn dù sao hãy là thành phố đông dân, phức tạp, có thể tạm an ổn trong một thời gian bất hợp pháp. Giấy tạm tha của tôi, theo họ đề nghị, là nên cất luôn đừng đem ra xài nữa, vì đưa ra cho công an sẽ bị bắt ngay. Lệnh tha buộc tôi về Nha Trang trình diện trong vòng tuần lễ đầu, tôi không đi Nha Trang có nghĩa là chống lệnh, chống lệnh tức là đã có âm mưu, có tội rồi. Người ta giúp tôi có giấy đi đường bằng cách đưa tôi ra đồn công an, khai báo là từ Sài Gòn lên Đà Lạt chơi bị kẻ gian đánh cắp mất hết giấy tờ và tiền bạc. Công an hỏi tên, tôi khai tên và địa chỉ giả. Họ cấp cho tôi một tờ giấy chứng nhận để đi đường và dặn là về Sài Gòn phải khai báo ngay cho công an Sài Gòn để làm lại giấy tờ khác chứ tờ giấy họ cấp chỉ có giá trị trong vòng một tháng. Lúc từ Sài Gòn lên, tôi đón xe cơ quan nhà nước nên không đưa giấy tờ ra. Bây giờ, những người bạn ở Đà Lạt nói chuyện đón xe cơ quan nhà nước hầu như không có ở đây vì đã có lệnh cấm rất ngặt.

Tôi về Sài Gòn bình an. Bấy giờ đã cận Tết Đinh Mão. Tửu cho biết có Tâm Hải từ Nha Trang vào Sài Gòn tìm tôi. Tâm Hải là đoàn phó đặc trách nội vụ (trong khi Tửu đoàn phó đặc trách ngoại vụ) của Đoàn Phật Tử Phụng Đạo do tôi thành lập năm 1982. Tôi đạp xe đi gặp Tâm Hải. Chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu và cùng đi ăn cơm chay ngoài tiệm. Buổi tối, Tâm Hải theo tôi đến chỗ anh Cường, ngủ lại đêm với tôi và Tửu ở đó. Chúng tôi trò chuyện suốt đêm. Buổi khuya, Tửu đi tụng kinh ở bàn thờ Phật của nhà anh Cường, Tâm Hải cũng hỏi tôi câu hỏi mà mọi người trước đó đều hỏi:

“Vậy rồi Khang tính sao đây trước khi hết hạn tạm tha?”

“Nếu không còn đường nào, có lẽ mình lại phải vào tù chứ biết sao bây giờ.”

“Sao Khang không đi vượt biên?”

“Vượt biên à? Tôi không còn tin tưởng ở chuyện vượt biên nữa. Hình như tôi có một thứ nghiệp dĩ oan khiên nào đó níu kéo tôi ở lại với đất này. Chưa xóa cái oan khiên đó thì chưa dứt áo đi được.”

“Nhưng Khang phải đi, nơi này không còn đất sống cho Khang nữa đâu.”

“Sao lại không còn? Cho dù ở tù thêm hai mươi năm nữa, tôi vẫn cứ sống nhăn như thường thôi.”

“Dĩ nhiên là sống được chứ chẳng phải không, nhưng bởi vì... bởi vì... đối với tôi, nếu tôi ở vào trường hợp của Khang, tôi sẽ từ biệt tất cả mọi người để lên đường, không nấn ná ở lại một chút nào nữa. Khang có biết người ta nói sao không?”

“Ố, lại là chuyện tôi vào tù khai báo huỵch toẹt cho công an khiến cho bạn bè bị bắt và chạy tứ tán chứ gì! Chuyện đó tôi biết rồi, chẳng nhằm vào đâu cả. Tôi không đau khổ vì nó đâu, cũng chẳng cần giải thích đâu.”

“Không phải chuyện đó, còn chuyện khác nữa. Nhưng thôi, không cần phải nói với Khang làm gì lúc này. Để khi nào Khang đi được ra nước ngoài rồi tôi viết thư kể Khang nghe.”

“Tôi không đi nước ngoài đâu. Anh cứ kể đi.”

“Tôi sợ Khang... Thôi được, để tôi nói. Như vầy: một số bạn bè, trong đó có cả những bạn bè rất thân với Khang, đã xì xầm nói với nhau rằng... tội Khang làm rất nặng đối với nhà nước, Khang sẽ bị án rất nặng, đáng lẽ bị tù chung thân hay ít nhất là hai mươi năm, vậy mà Khang về sớm quá... chắc là công an thả Khang ra với điều kiện nào đó, chẳng hạn giao Khang làm đặc tình, xâm nhập vào giáo hội để chỉ điểm báo cáo giống như Hân đã làm trước đây vậy.”

Tôi hơi khựng một chút rồi bật cười lên một tràng, rồi tiếp tục cười như điên như dại. Tâm Hải ái ngại, cầm tay tôi, nói:

“Nhưng tôi nói thật, Khang ơi, nghe tôi nói này. Đối với tôi, tôi luôn nhìn Khang như một con phượng hoàng đang sống giữa bầy gà, hay như một viên ngọc nằm lẩn trong đá sỏi... Dù ở hoàn cảnh nào, Khang cũng sẽ không bao giờ mất đi bản chất của Khang cả. Khang luôn luôn là như vậy. Tôi nói chuyện đồn đãi bậy bạ đó không phải để Khang quan tâm rồi buồn khổ. Tôi chỉ tức thay cho Khang, không muốn chứng kiến cảnh Khang phải sống chung cái bầu trời nhỏ này với những người đã khinh thị Khang đến mức đó. Cho nên tôi mới đề nghị là Khang nên lên đường. Chỉ hành động lên đường vượt biển của Khang mới chứng minh được, mới giải tỏa được mối oan đó mà thôi.”

“Không, tôi sẽ không chứng minh gì với ai nữa. Tôi sống cuộc đời của tôi. Tôi có giấc mộng của riêng tôi, tôi cũng có nỗi khổ đau sâu kín của tôi để chứng minh cho chính sự hiện hữu của tôi, chứ không cần chứng minh sự trong sạch hay bất cứ tính chất cao đẹp nào đó mà mọi người mong đợi, đòi hỏi. Tôi không có bổn phận phải chứng minh bất cứ một cái gì của tôi cho mọi người.”

Nói cứng với Tâm Hải như vậy, nhưng vừa chia tay với anh rồi, tim tôi như nghẽn cứng, không chịu đập. Tôi lấy xe đạp tới nhà Nam Phương một cách không suy nghĩ. Xa nàng đã mười hai ngày, tôi thấy nhớ và thấy cần phải gặp nàng, muốn gặp nàng vô cùng, nhất là trong lúc này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2019(Xem: 7549)
Một ngày như mọi ngày, không có gì thay đổi, giống hệt như ngày hôm qua, không có gì vui, không có gì mới, là nỗi kinh hoàng của con người. Căn bệnh buồn nản, chán đời (depressed) mà trong nước gọi là trầm cảm đã được ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khóc than trong bản nhạc “Một ngày như mọi ngày” như sau:
10/04/2019(Xem: 6553)
Ban sơ, Phật giáo là một phong trào cải cách chống lại uy quyền Vệ-đà, nghi lễ Bà-la-môn và hệ thống giai cấp đầy bất công cuả xã hội Ấn độ . Thời Đức Phật, khuynh hường nầy phát triển rộng khắp dưới sự lãnh đaọ của Đức Phật, đạo Phật được số đông dân chúng và gai cấp thống trị ủng hộ. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 9 DL, Ấn giáo tung đòn phản công: tư tưởng đạo Phật được cố ý đem vào Ấn giáo và Đức Phật lịch sử được tuyên bố là một Hóa thân của thần Vệ Nữu. Những gì trước đây là điểm hấp dẫn của Phật giáo nay cũng được tìm thấy trong Ấn giáo.
09/04/2019(Xem: 5671)
Con Cháu Hiếu Ông Bà Vui Tươi Lắm Hãy Giành Nhau Phụng Dưỡng Phước Đức Nhiều Chính Người Già Là Ruộng Phước Phì Nhiêu Sau Tam Bảo, Cùng Neo Đơn Khốn Khó…(2)
09/04/2019(Xem: 6797)
MỞ RỘNG GIÚP ĐỞ Nguyên bản: Extending Help Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / Monday, February 25, 2019
07/04/2019(Xem: 8780)
Nó bị người ta tra tấn hành hạ rất dã man, quá đói mà không có gì ăn phải ăn cả vỏ bánh kẹo của du khách, bây giờ nó đã được giải thoát và sống cuộc sống vui vẻ, tự do. Trong suốt 50 năm, chú voi Raju sống một kiếp sống nô lệ. Không ai biết cuộc đời trước kia của nó là như thế nào, chỉ biết rằng nó đã bị bắt cóc khỏi mẹ và tách khỏi bầy từ khi còn rất nhỏ, rồi được bán đi bán lại qua tay của 27 người chủ khác nhau như một món hàng hóa, để rồi cuối cùng chôn vùi cuộc đời mình tại một sở thú ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
04/04/2019(Xem: 8174)
Chuẩn bị lên đường, bạn dặn tôi đến nơi nhớ điện thư cho biết năm nay (2018) Bồ Đề Đạo Tràng có gì lạ. Tôi đáp ngay: vâng, sẽ cố gắng. Nhưng xin hiểu giùm. Nếu ai đó trong ba năm qua, năm nào cũng đến đấy thì khó thấy chuyện lạ. Chuyện gì cũng quen. Từ con đường đi có chỗ ổ gà phải tránh, cổng vào chùa khép đến chỗ nào thì nghe tiếng kêu két két, anh bán hàng góc chùa Tây Tạng lúc nào cũng cười tươi. Kể cả bà già ăn xin cũng là người cũ, ngồi ủ rũ y nguyên chỗ cũ. Chuyện gì cũng thấy như năm ngoái mình đã thấy. Nhưng, nói vậy mà việc ấy cũng có cái hay của nó: tự nhiên sao mình có cảm giác thật thân quen, như đi xa về lại thăm nhà. Thành ra muốn vừa lòng bạn nhưng không lẽ lặp lại chuyện đã từng kể cho bạn nghe những năm rồi. Rồi bỗng … quên luôn!
02/04/2019(Xem: 7858)
Cuốn sách “Quan Âm Quảng Trần” được ra mắt cách đây 7 năm (2010), được in lần thứ hai và ba vào năm 2012 & 2014 tại NXB Tổng hợp, Phương Đông, và lần thứ tư này tại NXB Hồng Đức, Tp. HCM, Việt Nam. Trong lần in thứ tư này, tác giả vẫn giữ lại nội dung như lần đầu ra mắt. Tuy nhiên, để sách hữu dụng và phục vụ tốt hơn, kỳ này nhiều lỗi được chỉnh sửa, có thêm hình xen kẽ, nhiều thuật từ Pali với Phạn được đính kèm, có thêm phần tóm gọn và các câu hỏi đàm luận ở cuối mỗi chương và đặc biệt tác phẩm được chuyển gữ sang tiếng Anh: “The Commentary of Avalokiteśvara Bodhisattva. “ Tác giả muốn đặc biệt tri ân đệ tử Tỳ-kheo-ni Viên Quang đã giúp tác giả trong việc trình bày, xuất bản cũng như phát hành sách. Trường Đại Học Riverside, Tiểu bang Cali, Hoa Kỳ Mùa Xuân, ngày 07 tháng 01 năm 2018
30/03/2019(Xem: 9801)
Trong pháp hội Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền Bồ Tát sau khi khen ngợi công đức thù thắng của Phật đã nói với đại chúng rằng muốn trọn nên công đức như Phật thì phải tu mười điều rộng lớn như sau: Một là lễ kính các đức Phật. Hai là khen ngợi các đức Như Lai. Ba là rộng sắm đồ cúng dường. Bốn là sám hối các nghiệp chướng. Năm là tùy hỷ các công đức.
27/03/2019(Xem: 8802)
KHOÁ TU HỌC ‘THIỀN CHÁNH NIỆM’ DÀNH CHO GIỚI TRẺ VÀ NGƯỜI BẢN XỨ TẠI BANG NEW JERSEY-THIỀN VIỆN THANH TỪ (Thích Thiện Trí) Sau hai ngày hướng dẫn thiền "Chánh Niệm và khoá học Từ Bi Tâm" với Giáo Sư Thiele tại Đại Học Vanderbilt, tôi lại tiếp tục khăn gói lên đường tới Thiền Viện Thanh Từ tại bang New Jersey để hướng dẫn tiếp hai ngày cho khoá thiền mới dành cho giới trẻ và người bản xứ do Thầy trụ trì và giới trẻ tại Thiền Viện tổ chức.
25/03/2019(Xem: 5028)
Không hiểu sao dạo này chị hay khóc ! Hồ lệ đầy tràn ...cần phải làm vơi ? Đọc xong sách quý " Bánh xe cuộc đời " Bao xúc cảm ...chợt ....giọt dài giọt ngắn .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]