Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chồng của tôi, Bồ Tát nghịch duyên

19/09/201315:25(Xem: 13386)
Chồng của tôi, Bồ Tát nghịch duyên
Bo_tat_nghich_duyen

Vừa đọc xong tựa đề có bạn đã lo ngại dùm cho tôi, hôm nay ăn phải gan trời hay sao mà dám động đến đề tài nhức nhối như thế!

phim-nghich-duyenChẳng là một tối nọ tình cờ tôi xem được đoạn phim Nghịch Duyên của hãng phim Mã Lai, tả một câu truyện có thật xảy ra tại Trung Quốc từ thời xa xưa nào đó. Nhân vật chính chỉ có hai người là Chàng và Nàng, hay anh Chồng và chị Vợ, họ lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Vợ chồng sống khá hạnh phúc với nghề bán rau cải tươi ngoài chợ. Cho đến một hôm chị Vợ nghe được một bài Pháp của một vị Hòa Thượng giảng về công năng của câu Niệm Phật sẽ được vãng sanh. Chị ta mừng quá về kể hết cho chồng nghe các điều lạ, rồi áp dụng ngay tại chỗ việc ăn chay niệm Phật để cầu vãng sanh, không bước qua giai đoạn chuyển tiếp sửa soạn tinh thần cho anh Chồng.

Chị đi nhanh quá khiến anh Chồng nổi máu độc tài độc đoán quyết phá hoại đường tu của nàng. Suốt cuốn phim chỉ đưa ra hình ảnh ác ôn của anh Chồng cho đến khi chị Vợ được Phật A Di Đà tiếp dẫn, anh mới run lẩy bẩy cầu sám hối. Xem đến đây không biết các bạn ra sao, chứ riêng tôi ngồi khóc sướt mướt. Nghĩ người lại nhớ đến ta, sao mà nó giống hoàn cảnh của mình đến thế!

Tuy nhiên câu truyện của tôi có phần hiện đại, nghịch duyên của tôi đã được cập nhật hóa cho phù hợp với thời đại siêu vi tính hiện nay. Mời các bạn theo dõi câu truyện Nghịch Duyên đời mới của tôi.

Phần 1: Đạo

Một thuở xa xôi nọ cách đây khoảng 33 năm, có một đôi uyên ương trẻ họ yêu nhau tha thiết. Các bạn có biết uyên ương là con gì không? Đấy là đôi vịt bầu sống dưới gầm cầu, nếu ta bắt một con mái hay trống đem quay món vịt nướng Peking, con lẻ bạn còn lại sẽ héo hắt từng ngày, rồi leo lên thành cầu đập đầu vào đá hay nhảy xuống dòng nước chết theo. Giả thuyết thứ hai không ổn vì giống vịt bơi giỏi làm sao bị chết chìm được.

Nàng là một thiếu nữ hiền dịu với mái tóc dài chấm ngang lưng, vui tươi và hồn nhiên như một đóa hoa hàm tiếu. Chàng là cánh bướm đa tình mang đầy tính nghệ sĩ. Họ đã mở cửa tim của nhau bằng bản Nhạc Sầu Tương Tư và kể từ đó chủ nợ và con nợ truyền kiếp đã nhận diện nhau, chỉ còn cách trả sớm nghỉ sớm mà thôi. Cũng được cái may mắn là lúc ban đầu họ đang hưởng lớp mật ngọt bên ngoài của viên kẹo đắng bọc đường, nên cả hai đều thấy mình thật hạnh phúc chẳng có điểm nào phải phàn nàn.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chả mấy chốc họ đạt được tất cả những cái người đời thường mong đợi như công danh, sự nghiệp, nhà cửa, tiền tài ... Và cũng tại góc cạnh ấy, Nàng khám phá ra rằng người tình chung của mình chẳng có cùng chung với mình một chí hướng. Chàng chủ trương: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt quanh năm.” Phần nàng lại ngưỡng mộ hai câu thơ của một vị Thiền sư nào đó “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ. Làm người một kiếp cũng như không.”Họ như hai con đường sắt song song không thể đồng quy, thỉnh thoảng họ cũng gặp nhau tại một sân ga nào đó, nhưng sau đó lại tiếp tục song song.

Với lối nhập đề kiểu luân khởi như thế, tôi sẽ đi thẳng vào đề tài Nghịch Duyên trong đường Đạo của chồng tôi đã dành riêng cho tôi. Còn các phần nghịch duyên khác xin miễn bàn vì không muốn bài viết này là bài văn tế sống vị Bồ Tát Nghịch Duyên của tôi.

Mười năm về trước mẹ tôi đã ra đi về miền cát bụi, tuy có vất vả rước các vị cao Tăng về ngôi chùa Núi Thứu để tụng kinh cho mẹ. Tôi vẫn chưa tin mình đã làm tròn đạo hiếu đầy đủ. Tuy nhiên sau những buổi ma chay cúng Thất, tôi đã có cơ hội nghe và tụng các Kinh Di Đà và Địa Tạng. Một hình thức độ người sống mãnh liệt và hữu hiệu hơn bao giờ hết, tôi đã biết khi ra đi ta không mang theo được một thứ gì ngoài hai chữ Phước và Nghiệp. Tôi đã gieo duyên cùng Phật Pháp một cách thần diệu mà không biết.

Một năm sau gia đình tôi gặp đại hạn, chắc cũng cỡ Sao Quả Tạ hay Kế Đô gì đó. Chồng tôi gặp lại người tình cũ sau 27 năm xa cách, rồi cứ nằng nặc đòi vợ phải cấp giấy phép cho sang Úc 6 tháng thăm nàng. Trong tình trạng khói lửa mịt mù như thế, thay vì nhảy xuống sông Tiền Đường - Spree của thành phố Bá Linh, tôi xách xe chạy xuống Hannover thăm ngôi chùa có tên của một bộ kinh Đại Thừa. Ở đó có Giác Duyên đang chèo thuyền Bát Nhã ra vớt tôi, cho lên sống tiếp để tu tập phép Phật nhiệm mầu, hầu chống trả lại các chướng duyên của chồng tôi.

Nghĩa là Tu môn nào, ông ấy thử ngay tại chỗ xem có chịu nổi hay không. Môn võ công Nhẫn Nhục thập bát chưởng được chúng tôi ưa thích nhất, chàng ra chiêu này hơi nhiều cho tôi được trổ tài thi thố.

Chữ Nhẫn được viết bằng một hình trái tim nằm phía dưới, trên có dấu chấm phẩy giống hình lưỡi dao. Nhẫn nghĩa là khi dao ấn vào tim, ta không được quyền la và tim cũng không được quyền rỉ máu.

Từ ngày gặp được Giác Duyên, tôi tìm về mái nhà tâm linh nhiều hơn ngôi nhà đang sống. Cứ nghĩ lúc buông xuôi hai tay, chẳng mang theo được đồng xu nào là đem tiền ra cho từ thiện một cách thoải mái.

Tôi dồn hết thì giờ và công sức lo cho ngôi chùa ở địa phương, mang tên một ngọn núi nơi Đức Phật hay ngồi thuyết pháp. Nhiều lúc quá tích cực, tôi bỏ bê chàng một cách lặng lẽ, sóng gió lại bắt đầu nổi lên khi tôi vắng mặt thường xuyên.

Làm việc chùa đã lâu mà chưa có Pháp danh để gọi quả là điều thiếu sót, chẳng lẽ cứ Lan Cúc, Mận Đào hoài sao. Các bạn Đạo khuyên tôi kỳ Lễ Phật Đản này nên về lại mái chùa xưa xin Qui Y, thấy hợp lý tôi nhờ chàng trông chừng nhà cửa con cái vào hai ngày cuối tuần.

Trước ngày đi chàng đã dạo một khúc đàn chế nhạo: “Tôi biết thế nào Ổng cũng cho cô pháp danh là Thị Mẹt hay Thị Nẫu.”

Đến nơi các bạn Đạo cũng bàn tán xôn xao về pháp danh tương lai của tôi, anh Thị Hiện quả quyết Thầy sẽ cho tôi cái tên Thiện Nhang, vì Hương Nhang cùng một thứ, các bác ở chùa gọi tôi là Diệu Hương.

Sau buổi lễ, nhận phái quy y cùng pháp danh, Thầy gặp tôi cười hỏi : Sao ! Thấy tên mới thế nào ? Tôi nhờ sửa soạn trước nên đáp rất gọn: “Dạ! Trong ba nén hương Giới Định Huệ, Thầy cho con nén thứ nhất.” Thầy có vẻ hài lòng lắm.

Lúc về nhà, chàng tò mò hỏi ngay: “Ổng cho cô tên gì?”

Sau khi nói tên, chàng tuôn ra một hơi: “Thảo nào, tại cái mặt cô giống Trư Bát Giới, nên Ổng cho cô cái tên Thiện Giới là đúng rồi.”

May cho chàng là không có các bác già cả nào nghe thấy, không sẽ bị rầy với câu: “Ấy chết! Cậu nói thế phải tội”

Và trông lại trong gương khuôn mặt tôi không thuộc diện mặt miểng bầu nhìn lâu muốn chửi.

Chiếc xe buýt chín chỗ ngồi của tôi cũng góp phần không nhỏ trong công tác của chùa, nó chở các bạn Đạo đi tu gieo duyên, đi dự Lễ lớn ở các nơi xa, chở hàng chất đồ cho các công tác từ thiện. Rất xứng đáng để chủ nhân của nó tặng cho một pháp danh là Thiện Khói. Vì Thầy chỉ cho quy y những động vật hữu tình, còn vô tình là tùy ý chủ nhân.

Một hôm Ni Sư của Núi Thứu đang cúng Thất cho một đám ở chùa, tôi hớt hãi trở vào báo cáo: Ni Sư ơi! Thiện Khói nằm chết ở dọc đường rồi. Ni Sư tưởng một Phật tử nào lâm nạn bèn hỏi: Có cần Sư tụng niệm cho không? Tôi trả lời: Dạ không! Chỉ cần bỏ vài trăm thay hộp số mới, là sống lại ngay.

Ngoài công việc lăng xăng bòn phước, tôi chú tâm lo tìm kinh sách, băng giảng để mở mang trí tuệ, chỉ có giáo pháp của Phật mới giúp tôi thoát khỏi cảnh khổ đang quấn chặt lấy tôi. Nghiệp của tôi nặng lắm! Không biết nó đến từ đâu và từ kiếp nào, chỉ biết nó hiện ra sờ sờ trước mặt, mà mình không thể nào vất đi được. Các bạn của tôi đều ngạc nhiên khi thấy tôi cam tâm chịu đựng như thế. Họ xử theo đường Đời nên có cái nhìn như vậy, phần tôi chọn đường Đạo nên sống phải khó nhọc hơn. Kẻ nào làm ta đau khổ ta phải thương họ, xem họ như những vị Đại Thiện hữu tri thức, tôi áp dụng ngay câu này vào ông chồng của tôi. Thế là sau cơn mưa, lúc nào trời cũng sáng. Không ai hiểu nổi chuyện gia đình tôi, nhiều người xúi tôi bỏ béng cái cục nợ đi cho rồi, nhưng ba mươi năm trôi qua chẳng thấy thay đổi gì, cứ mưa nắng thất thường hoài, chán quá họ bỏ cuộc, trách tôi ai biểu ngu ráng chịu.

Chàng của tôi lại dở chứng, kiếm cớ này kia để cấm tôi không được gặp Giác Duyên của tôi nữa. Tôi thông cảm cho tâm trạng chàng, cái Ái sở hữu của chàng quá nặng, chuyện cạnh tranh với bà mẹ vợ còn rành rành ra đó ai mà chẳng biết. Già trẻ lớn bé gì ở bên cạnh tôi, chàng cũng không ưa hết. Chàng không cho tôi gặp gỡ giao thiệp với ai, viện cớ gây nhiều phiền phức.

Tôi tức quá thầm nghĩ, lúc tôi gặp nạn Giác Duyên đã đem thuyền Bát Nhã ra vớt lên, vừa leo lên thuyền mới tỉnh táo lại, đã ngoảnh mặt làm ngơ, con người đâu lại vong ân bạc nghĩa như thế. Nên mặc dù bị kềm chế khắt khe, tôi vẫn dùng phẩm Phương tiện số 2 trong kinh Pháp Hoa để trả nghĩa. Thỉnh thoảng bị chộp cổ, đành luyện thêm hạnh Nhẫn nhục, xương cốt càng cứng cáp.

Tức nước vỡ bờ, một hôm đang ngồi cạnh chàng, chuông điện thoại reo với tiếng: A Di Đà Phật, chào cô Thiện Giới, sau vài mẩu đối thoại ngắn, tôi định xách xe lên chùa làm công tác. Chàng nổi giận đùng đùng, bắt tôi phải từ chức ngay tại chỗ cho chàng nghe, không họp với hành gì nữa. Sư Cô Tâm Viên bên đầu giây hỏi: Chị Thiện Giới định từ chức nào ?Chàng hét lớn: Có chức nào từ hết.

Kể từ đấy, con đường công danh bên cửa Phật của tôi tàn lụi luôn, muốn đến chùa cũng phải đi chui.

Thấy chàng làm dữ quá, tôi phải rút lui vào bóng tối, đóng vai trò người vợ hiền, ngày ngày nấu cơm nghe băng giảng, chờ chồng đi làm về. Nhờ vậy mà tôi đã nghe gần hết các bộ kinh Đại Thừa trong vòng ba năm. Trong cảnh khổ nào ta cũng tìm ra được cái tốt đẹp nhất. Tuy nhiên không dễ dàng như các bạn tưởng đâu, chàng tuy cột được chân tôi, nhưng thấy tôi tối ngày chỉ nghe mấy ông Sư giảng cái gì nào Tâm Sở Tâm Vương, Y tha như duyên sanh khởi, khó hiểu quá đâm tức. Chàng sợ tôi mê cái cõi Tịnh Độ ở nơi nào đó, rồi chán cảnh Ta Bà mà bỏ chàng. Nên mỗi khi chàng vào bếp, tôi phải mở nhạc độc tấu đàn bầu bài : Ôi! Ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai?

Đến khi chàng ra khỏi lại tiếp tục nghe băng giảng, trong bếp lúc nào cũng để sẵn hai máy, một Đạo một Đời.

Nếu cứ kể chuyện choảng nhau giữa tôi và chàng chắc đến mai cũng không hết, nhưng phải nhắc tới chuyện này. Chẳng là hôm sinh nhật của chàng, tôi viết meo chúc mừng: Tặng anh hai câu thơ nhân ngày sinh nhật thứ 52

Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng.

Được mất bại thành, bỗng chốc hóa hư không.

Một phút sau, tôi nhận được meo trả lời của chàng :

Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như ÁCmộng.

Được mất bại thành, cũng bởi con vợ quá ngu si.

Các bạn thấy đó, làm sao tôi thắng nổi miệng lưỡi của chàng.

Tôi lúc nào cũng là nguyên nhân gây chuyện cho chàng đau khổ, các bạn hãy công tâm nghe câu chuyện này. Thời gian gần đây chàng phải đi làm xa, lý thuyết mà nói, tôi ắt được tự do tha hồ đi chùa và la cà nơi bạn bè. Thực tế trái hẳn, chàng kiếm cớ gọi điện thoại về để kiểm soát tôi liên tục. Bạn bè biết chuyện, có người chúc phúc cho tôi, bằng này tuổi đầu rồi mà vẫn được chồng ưu ái, chẳng bù với họ, vắng mặt cả ngày chồng cũng chẳng cần biết. Phạm vi hoạt động của tôi bị thu hẹp thấy rõ, đi đâu lâu cả ngày là lộ tẩy ngay. Tôi phải thật cẩn thận, không dám la cà nơi nào lâu. Đến chùa chẳng bao giờ được tụng đủ nửa thời kinh, sám hối, tụng giới xem như không dám nghĩ bàn. Tôi phải cất bộ y nâu Bồ Tát Giới lên bàn thờ để ngắm nhìn.

Một cuối tuần biết chàng không về, tôi bạo gan lên chùa ghi tên Thọ Bát Quan Trai, đây là khóa Tu một ngày một đêm cho người tại gia, muốn sống thử cuộc đời xuất gia. Không còn gì hạnh phúc bằng, cả một ngày cơm nước đã có người lo, chỉ việc tụng kinh, nghe Pháp, rồi đi kinh hành, lững thững trong sân chùa như những Đạo Cô. Bỏ mặc sự đời phiền não lại cho chàng. Đặc biệt khóa tu này do Giác Duyên của tôi hướng dẫn. Buổi tối tôi được phép ngoại lệ về nhà, sáng mai đến trước tám giờ hòa mình vào đại chúng là chẳng có gì phạm luật.

Tối về, cậu út báo cáo, bố tìm mẹ cả ngày, dặn mẹ gọi lại cho bố gấp. Tội gì phải gọi lại để nghe chàng chửi, tôi sửa soạn cơm nước cho cậu út, rồi đi ngủ sớm để mai tu tiếp.

Chàng quá tinh khôn và đa nghi, tôi bảo chàng nên đổi tên là Nguyễn Văn Tào Tháo thì đúng hơn. Không có gì qua mắt được chàng dù ở xa. Chiều Chủ nhật khi tôi về đến nhà, giờ hành tội đã điểm. Chàng hét lên trong điện thoại: Cô đi Thọ Bát Quan Trai mà phạm giới thứ nhất, cô biết là tội gì không? Tôi ngạc nhiên, nghĩ mình cả ngày ngồi trong chùa đến con muỗi cũng không giết, sao lại phạm tội sát sanh. Chàng gào tiếp: Là tội giết chồng! Tôi sẽ tự tử vì có con vợ như vậy.

Đến đây chịu không nổi với giọng điệu kỳ quái của chàng, tôi cũng lớn tiếng: Anh là đứa con bất hiếu! Dám hủy hoại tấm thân do bố mẹ tạo ra, chỉ vì một con đàn bà hay sao. Nếu nó không ra gì cứ việc bỏ quách, lấy con khác thiếu gì. Nói xong tôi cúp máy, không thèm nghe gì nữa. Chàng rung thêm vài lần nhưng tôi không dở máy, may quá ở xa không thì cũng tan xương nát thịt rồi.

Các bạn ạ! Lần này tôi phải lớn tiếng để trị cái tội hay dọa chết của chàng. Vì là con cầu tự được nuông chiều quá độ, chàng hay đem thân mạng ra yêu sách với người thân. Lúc ba tuổi, chàng vòi tiền chị chàng để mua kẹo không được, đã ngâm mình trong chậu nước tắm cho cảm lạnh, về chị của chàng sẽ bị bố la. Lúc mười tám tuổi, chàng đòi bố mẹ mua chiếc Honda 90 không được, cũng đòi tự tử bằng cách đi đăng lính, cho bố mẹ phải mất tiền chuộc về. Mười chín tuổi, đòi mẹ cưới Lệ Hoa không được, dọa lên Hồ Than Thở tự tử. Hai mươi mốt tuổi gặp tôi, không biết đã dọa chết bao nhiêu lần rồi.

Đây là tấm gương lớn cho các bậc làm bố mẹ, đừng bao giờ cho con mình là cái rốn của vũ trụ, nuông chiều quá độ. Cứ việc áp dụng câu: Yêu cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.

Thầy có tên một tỉnh miền Trung đã nói là tôi có đến 4 cậu con trai chứ không phải 3, cậu cả khó dậy nhất. Đúng! 3 cậu kia sai trái cứ việc la rầy thoải mái, còn cậu cả đành chịu thua.

Chàng hay chê tôi dốt, không chịu vào internet đọc báo hay xem ti vi để mở mang kiến thức. Tối ngày chỉ chúi đầu vào nghe mấy ông Sư lải nhải làm sao chịu nổi. Tôi trả lời: Cái đó là sự khác biệt giữa con người Trí Thức và con người Trí Tuệ. Em không cần biết trong dịch cúm gà ở Việt Nam chết bao nhiêu con, chỉ cần biết khi anh nổi cơn điên, em phải dùng thái độ nào để trị liệu.

Chàng là đối tượng cụ thể để tôi tu hành, bên cạnh chàng tôi phải xử dụng anh chàng Chánh Niệm liên tục, hễ hở ra một câu nói hay một cử chỉ gì nhỏ nhặt làm chàng không vừa ý là xảy ra chuyện lớn ngay. Chàng bắt bẻ từng chữ một, tôi không được dùng chữ quán chiếu nghe nổ lắm, phải nói là: Em nhìn sự việc ấy thật sâu và thật kỹ. Hay nhất là cạnh chàng tôi chỉ nên niệm Phật cho đỡ cãi nhau.

Bao nhiêu giáo lý kinh điển tôi thu thập được đều có chỗ để thực hành, phải áp dụng cho chớp nhoáng, phải vãng sanh ngay tại chỗ, không còn thì giờ để thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, trễ hết cả rồi!

Nhắc đến chuyện vãng sanh ngay tại chỗ, tôi phải kể câu chuyện này, không biết sẽ liệt vào loại bi kịch, hay hài kịch.

Chẳng là ba năm nay chàng dùng biện pháp mạnh để cấm tôi liên lạc với tập đoàn của Giác Duyên (theo danh từ của chàng), tôi vì muốn yên cửa yên nhà nên đành nhượng bộ. Tuy nhiên vẫn ngấm ngầm chờ dịp vùng lên, vất bỏ xiềng xích của bạo tàn. Tình cờ cô bạn tôi ở Tây Đức rủ đi dự Lễ Vu Lan, tạo cơ hội cho hai đứa gặp nhau tha hồ ăn quà và tán dóc. Tôi lâu nay không được đi đâu nên ngứa cẳng, nhớ lại cảnh cũ người xưa, lòng rạt rào khôn tả, quên luôn ông cai ngục đang rình mò.

Nghĩ rằng cuối tuần này chàng không về nổi, nên chiều thứ sáu xách xe chạy một mạch xuống Hannover. Cô bạn đi xe lửa đến trước đã giữ chỗ ngủ ở phòng Tổ. Ôi! Cuộc đời sao vui quá! Hai đứa dẫn nhau đi ăn hết hàng quà này sang hàng quà khác, cứ như là chết đói lâu ngày. Tối ngủ không đẫy giấc, mới bốn giờ sáng đã bị khua dậy để trả phòng cho Tăng Ni làm lễ. Ngày thứ bảy cũng để vui chơi và ăn quà, tối đến xem văn nghệ. Sau khi hưởng một ngày thỏa chí no nê, khoảng sáu giờ chiều trước giờ xem văn nghệ. Hai đứa dẫn nhau đến quầy hàng của chùa nhà mua ly chè thập cẩm. Bà cụ múc chè gặp tôi bảo: “Có người nhắn cô Thiện Giới mở điện thoại cầm tay”. Chưa mường tượng được cơn dông bão đang chờ, tôi còn cười giỡn chọc bà cụ câu nói ngọng, nhưng lòng đã hơi nghi nghi chắc chàng nhắn.

Tôi dẫn cô bạn vào ngồi trong xe hơi, rồi mở điện thoại cầm tay. Chẳng bao lâu chuông reo inh ỏi, vừa bấm nút đã nghe tiếng chàng hét kinh thiên động địa: “Cô đang ở đâu? Chậm nhất một tiếng mà không có mặt ở nhà là chết với tôi”. Chẳng những tôi chân tay bủn rủn, cô bạn cũng tái xanh, vội quay cửa kính xe lên cho đỡ nghe tiếng ồn ào bên ngoài, để tôi dễ bề nói dối. Trong lúc thập tử nhất sinh như thế này chỉ biết bám víu vào câu niệm Phật, cho hồn vía khỏi lên mây.

Đã đến nước này rồi, câu hỏi đặt ra là nên ở lại đến mai hay về liền. Để mai về tội càng nặng nữa, còn về ngay hồn vía đâu để mà lái xe. Tiến thối lưỡng nan cả tiếng đồng hồ chưa tìm ra câu trả lời, tôi đi báo tin cho tất cả mọi người có liên quan đến vận mệnh của cô Thiện Giới, cả gian hàng chùa nhà xôn xao, lo lắng giùm tôi.

Phải công nhận thần kinh tôi quá vững, chắc được chàng huấn luyện thường xuyên suốt ba mươi hai năm, tôi còn đủ can đảm để ngồi xem văn nghệ và chờ đến màn kịch Bói Kiều lên trình diễn. Đến mười giờ đêm, diễn xong vở kịch mà diễn viên chính với cõi lòng tan nát như tương, thu xếp chăn gối, túi ngủ tìm đường trở về chịu tội dưới chân chàng. Lúc ra khỏi hậu trường, gặp Thầy trụ trì trẻ, tôi hỏi gấp: Thầy có cứu được con không? Thầy cười bảo: Chị muốn cầu an hay cầu siêu? Tôi trả lời: Dạ! Cầu an trước xong rồi cầu siêu sau. Thầy giơ tay vẽ ấn rồi nói: Án đa rị đa rị Ta bà ha.

Leo lên xe tôi niệm Phật một cách thiết tha và liên tục, nhưng có lẽ nhất tâm bấn loạn nên chạy lạc đường. Cả tiếng đồng hồ chỉ lòng vòng trở lại chỗ cũ. Tôi báo tin chàng biết đang trên đường về nhà, còn bao giờ đến không nói trước được, rồi tắt máy điện thoại ngay. Kẻo đang chạy xe nghe tiếng chàng hét, dám tiêu diêu miền cực lạc lắm. Đoạn đường chỉ có ba trăm cây, nhưng sao dài thăm thẳm, trời tối như mực lại sương mù, tôi không dám chạy nhanh. Gần hai giờ sáng cơn buồn ngủ kéo đến, tôi niệm Phật thật to cho hai mí mắt dựng lên, nhưng chẳng ăn thua gì cả. Tôi tìm chỗ đậu để ngủ vài phút, lúc này có gọi Quán Âm gào rát cổ chắc Ngài cũng không chịu đến.

Về đến Berlin, đúng ba giờ sáng, chàng vẫn để đèn và Ti Vi chờ tôi, nhưng chàng đang ngáy như sấm. Tôi nhẹ nhàng đi thay quần áo, đánh răng rửa mặt sạch sẽ, rồi kéo chăn khe khẽ nằm cạnh chàng. Chàng trở mình ngồi dậy bắt đầu tra khảo, bao nhiêu uất ức từ một ngày một đêm, khi chàng đi từ sáu trăm cây số về nhà không thấy vợ đâu. Hỏi con, con cũng che chở cho mẹ không nói mẹ đi đâu. Chàng là con cháu Tào Tháo nên vào Internet tìm ra ngay nơi đến của vợ, nguyên ngày thứ bảy chàng điện thoại xuống chùa bắt người ta đi tìm cô Thiện Giới muốn loạn lên.

Kẻ phạm tội cứ ngồi yên niệm Phật, mặc những lời kém tao nhã trổi lên, chửi mãi cũng chán, chàng giựt tóc cho tôi trọc luôn để đi tu cho dễ. Tôi ngồi nhặt những sợi tóc rơi lả tả trên giường, thầm nghĩ một cái tóc là một cái tội, càng ít tóc càng ít tội. Tôi thấy chàng khổ sở quá! Bèn năn nỉ: “Anh không lấy lòng từ bi ra tha cho em một lần này đi.” Chàng gào to: “Cô làm tôi đau khổ mười phần, tôi phải làm cô đau ít nhất tám lần mới hả dạ.” Tôi nhìn ra cửa định thoát thân, tẩu vi thượng sách, nhưng chàng đã nhanh tay khóa cửa phòng lại. Biết không thể nào trốn nghiệp được, tôi đành ngồi yên niệm Phật để cầu vãng sanh. Chàng nghĩ ra được một kế để làm tôi đau khổ, khi nghe qua tôi sững sờ bảo chàng: “Anh à! Con quỷ sa tăng đã nhập vào người anh rồi”. Chàng đáp: “Đúng! Chính cô đã mang con quỷ đó vào người tôi.”

Chúng tôi dằng co với nhau đã hơn hai tiếng đồng hồ, tôi nghĩ muốn trục xuất con quỷ trong người chàng, không thể dùng tâm người trị được. Sẵn đây mình xả luôn cái TÔI của mình đi, chấp nhận hết mọi yêu sách của chàng, chỉ nhất tâm niệm Phật, chắc chắn sẽ được vãng sanh ngay tại chỗ. Quả đúng như vậy, đôi mắt chàng từ từ dịu lại, chàng ra lệnh:“Ra nấu tôi tô phở, nãy giờ mệt quá rồi!”Tôi biết mình đã thoát nạn, lấy phở trong tủ lạnh ra hâm, hôm thứ sáu trước khi đi đã thủ sẵn nồi phở phòng hờ.

Chắc các bạn muốn biết chàng đã dùng kế gì để khiến tôi đau khổ, nói ra sẽ Xấu Thiếp Hổ Chàng, chỉ biết dùng hai câu thơ này để diễn tả tâm trạng của tôi lúc đó:

Mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa.

Thẹn thùng này, rửa mấy khúc sông.

Nếu các đạo diễn của Hollywood thiếu chất liệu làm phim, có thể lấy tựa đề là Chỉ cần một câu niệm Phật, cũng đuổi được một con quỷ sa tăng chạy tóe khói.

Sáng hôm sau, chàng vẫn còn gầm gừ, dọa nạt nếu tôi còn tái phạm sẽ thế nọ sẽ thế kia, bỗng chuông điện thoại reng. Bác Chi hội trưởng của chùa hỏi thăm tình hình cô Thiện Giới sống chết ra sao, để còn báo cáo.

Chàng nhân cơ hội, nhắn nhủ vài câu, yêu cầu mọi người đừng bao giờ gọi điện thoại cho vợ chàng, đừng dụ dỗ gì vợ chàng nữa. Tôi quả thật dễ tin, lúc trẻ nhẹ dạ đi theo chàng, lớn bằng này tuổi đầu vẫn bị người dụ dỗ, nên chàng lúc nào cũng đi theo bảo vệ.

Vài hôm sau, đợi tình hình lắng dịu, tôi điện thoại hỏi thăm cô bạn đi chung, xem tâm trạng của kẻ bị bỏ rơi phải ngủ một mình dưới hầm cầu thang trước phòng Tổ như thế nào. Giọng oanh vàng cất lên: “Thôi! Một lần đi chung với mi, tao tởn đến già. Nghe giọng hét của chồng mi trong điện thoại, tao hết muốn lấy chồng. Quẻ xâm xin được ở chùa linh ghê! Có câu nói tao sẽ gặp được Thiện tri thức, giúp tao quyết định chuyện quan trọng. Bây giờ rõ rồi, nhất định không thèm lấy chồng nữa.”

Dầu sao câu chuyện của tôi cũng cứu được một tâm hồn sắp vướng vào vòng tục lụy. Với tuổi này, bạn còn muốn hưởng mật ngọt của tình yêu làm gì nữa. Tự do như thế chưa đủ sao?

Trong cơn nguy biến, cô bạn tôi còn nhớ gửi gấm chùa mang về hộ tôi cây ớt hiểm, tôi mua sáng hôm khói lửa ấy. Mỗi lần nhìn cây ớt đơm bông kết trái, lòng lại bồi hồi nhớ kỷ niệm xưa. Hẹn sẽ trở lại thăm chùa, nhưng nhất định sẽ đi chính thức, không chịu đi chui.

Qua bao câu chuyện làm mệt lòng người đọc như thế, tôi biết sẽ có nhiều trường phái tranh luận dữ dội lắm. Đa số sẽ thương cảm cho thân phận nàng phải chịu nhiều nỗi đắng cay và lên án hành động của chàng. Nếu nghĩ như vậy là xưa quá đi thôi! Thời đại của Hiểu và Thương sẽ nhận định mọi việc đơn giản như sau: Bất cứ chuyện gì xảy ra dù nhỏ hay to, đều tại Anh tại Ả, tại cả đôi bên, không lý gì tôi ngoan ngoãn ngồi yên, chàng lại lôi đầu ra mắng chửi. Từ khi ngộ ra chân lý ấy, tôi phát lời nguyện: Kể từ nay nếu tôi chọc cho chàng nổi giận, thì bao tội lỗi do chàng gây ra, tôi xin gánh chịu hết. Lúc mới gặp chàng, tôi đã biết trong con người chàng có hai bộ mặt Thiện và Ác, đều ở vào cao điểm. Tại sao tôi không tránh xa cái bộ mặt khó chịu ấy đi, mà cứ tìm cách xoáy mạnh vào để thiệt mạng uổng thân.

Chắc có lẽ vì một nguyện ước nhỏ của tôi vẫn hằng ôm ấp trong lòng, tôi mong sao kiếp sau, nếu được trở lại làm người, không cầu xinh đẹp, không cầu giầu sang, chỉ cầu biết Chánh Pháp là mãn nguyện. Chỉ bấy nhiêu thôi mà cũng làm đề tài tham luận với một anh bạn Đạo. Anh này cho rằng tại sao phải phân biệt Chánh với Tà, Phật Pháp đủ rồi. Tôi phản công: Nếu không nói rõ, sẽ gặp Pháp của Vô Thượng Sư Thanh Hải là lúa đời.

Các bạn Đạo của tôi đều bị chàng cấm không cho giao thiệp, với lý do họ hoặc bỏ chồng hay chồng bỏ gì đó, chơi với họ nhiều sẽ bị rủ rê vào hội Chê Chồng, đòi quyền sống chết phiền phức lắm. Chẳng ai dám gọi điện thoại cho tôi sợ gặp phải chàng, sợ chàng còn hơn sợ cọp. Nhiều người thấy chàng hung hăng quá, khuyên tôi nên viết tên chàng lên tờ giấy, đưa họ đem xuống chùa dán trên Đại Hồng Chung. Nghe tiếng chuông huyền diệu sẽ làm chàng tỉnh thức, hiền như con mèo mun. Tôi nghĩ bụng, có lôi được chàng bỏ vào trong chuông, nện thình thịch chưa chắc chàng đã tỉnh, chứ chỉ mới viết tên thôi ăn thua gì.

Các vị Cao Tăng mỗi lần đến thăm ngôi chùa Núi Thứu, lỡ gặp tôi đi phất phơ trong sân chùa đều hỏi thăm sức khỏe vị Đại Đại Đại Thiện Hữu Tri Thức của tôi. Tùy theo nồng độ nghịch duyên của chàng mà được thêm nhiều chữ Đại ở đằng trước.

Nhờ chàng mà tôi nhớ câu niệm Phật, giữ anh Chánh Niệm luôn ở bên mình. Tôi chẳng cầu đến lúc chết mới được vãng sanh vì chàng đã cho tôi vãng sanh đến bao nhiêu lần rồi. Chỉ cần lúc nguy khốn thành tâm niệm Phật là được Ngài rước ngay tại chỗ. Nếu bạn nào không tin còn thắc mắc xin meo về địa chỉ HoaLan@vãngsanh.com sẽ được kể rõ thêm từng chi tiết với dẫn chứng đầy đủ.

Đến đây hết phần 1 Nghịch Duyên trong đường Đạo của trường thiên Chồng Của Tôi - Bồ Tát Nghịch Duyên của Hoa Lan. Truyện được chia làm 4 phần Đạo, Hiếu, Nhẫn và Ái, trong 4 đường thử thách, chữ Ái thuộc loại rùng rợn nhất. Hoa Lan không dám tin phần này sẽ được vạch áo cho người xem lưng trong khuôn khổ tờ báo chùa.

Hiện giờ Hoa Lan đang áp dụng lời khuyên của các vị Thiện Hữu Tri Thức, hằng ngày phải niệm Phật và lạy Sám Hối cho vị Bồ Tát Nghịch Duyên này, hồi hướng công đức cho ông ấy đừng quậy nữa. Hoa Lan hiện đang bị mỏi lưng và long đầu gối vì đại nguyện nhỏ bé này.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Hoa Lan.

Mùa xuân 2006.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 9983)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
27/10/2010(Xem: 9689)
Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
27/10/2010(Xem: 11482)
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
27/10/2010(Xem: 6953)
Vì Sao Cần Phải Niệm Phật? Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung. Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Độ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!
25/10/2010(Xem: 6884)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
23/10/2010(Xem: 8905)
Từ hơn bốn mươi năm nay, chưa bao giờ Việt Nam đứng ra tổ chức một lễ Phật Đản lớn về tất cả mọi mặt: tôn giáo, văn hóa, xã hội, và về cả chính trị như lần này. Nói lớn về cả chính trị là bởi trong ba ngày vừa qua, thủ đô Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới.
23/10/2010(Xem: 10120)
Trong kinh Pháp Hoa có dạy: "Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mới xuất hiện ra đời, để mở bày, chỉ dạy chúng sanh giác ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật". Giáo pháp của Phật như biển rộng rừng sâu, tuy nhiên cũng có thể tóm thâu trong bốn câu kệ: “Chư ác mạc tác Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý Thị chư Phật giáo”.
23/10/2010(Xem: 8923)
"Mưa dầm thấm sâu, sẽ giúp con cháu trong gia đình đến với đạo Phật, thực hành theo lời dạy của đức Phật một cách tự nhiên và bền vững. Điều quan trọng là tự thân của mỗi người cư sĩ Phật tử nên tự nổ lực tinh tiến tu học, cẩn thận ba nghiệp thân miệng ý, làm sao để trở thành một tấm gương sáng cho con cháu noi theo"
22/10/2010(Xem: 7814)
Sự ảnh hưởng sâu rộng của Đức Phật và Tăng đoàn đã làm cho ngoại đạo lo sợ quần chúng sẽ theo Phật và xa rời họ. Do đó, một nhóm ngoại đạo đã suy nghĩ, toan tính âm mưu triệt hạ uy danh Đức Phật. Sau cùng, một nữ đệ tử cuồng tín của họ tên là Tôn Đà Lợi đã chấp nhận hy sinh bản thân cho mục đích đen tối đó.
22/10/2010(Xem: 5634)
“Nguyện lực” hay “quyết định lực” là 01 trong 10 ba-la-mật (pāramī) (1) theo kinh điển truyền thống. Nó là năng lực của ý chí tiếp sức cho tư tác (cetanā) hoàn thành tâm nguyện của người học Phật và tu Phật. Chư Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác đều có nguyện lực và đều có ba giai đoạn: Nguyện trong tâm (ý), nguyện thành lời (khẩu) và nguyện bằng hành động (thân) ba-la-mật. Như đức Phật Sakyā Gotama đã phát nguyện ở trong tâm suốt 7 A-tăng-kỳ, nguyện thành lời suốt 9 A-tăng-kỳ, và nguyện bằng hành động ba-la-mật suốt 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp(2). Như vậy là đức Phật Sakyā Gotama phải thực hành ba-la-mật trải qua 24 vị Phật tổ, kể từ Phật Dīpaṅkāra (Nhiên Đăng) cho đến Phật Kassapa (Ca Diếp).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]