Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm không vướng mắc

04/11/201416:19(Xem: 7236)
Tâm không vướng mắc
Buddha_1

Trong đời sống chúng ta thấy một số người có những quan niệm rất ngộ nghĩnh, hay kỳ quặc. Nhiều người trong họ là những người có ăn học, trí thức nhưng họ lại tin vào những điều huyền hoặc, không tưởng. Như có người tin rằng các loài khủng long bị diệt chủng là do các nhà khoa học chế tạo ra, chứ không có thật. 

Từ đó chúng ta dễ dàng tìm thấy những khái niệm và suy nghĩ trong đời sống, ăn khớp với quan niệm của mình. Chúng ta nhìn chung quanh bằng cặp mắt được tô màu bởi những quan niệm, niềm tin của mình. Cả những điều mình cho là đúng hay sai cũng được những quan niệm của mình tô vẽ.

Giống như một người đeo cặp kính màu do họ tạo ra. Họ sẽ nhìn thấy thế giới theo cặp kính màu đó nên sẽ khó có thể cảm thông với một người nào có những quan niệm khác hơn của họ. Vì có những quan niệm như vậy, trong tâm trí họ sẽ tự động loại bỏ những ý tưởng, hay quan niệm đối nghịch. Cách nhìn, cách sống, cách hành xử cũng theo đó mà hình thành. 
 
Ví dụ, có người quan niệm rằng ‘thà ta phụ người, chớ không để người phụ ta’. Cho nên mọi mối liên hệ từ tình cảm đến vật chất đều chỉ nghĩ lợi về cho mình. Trong đầu của họ luôn tính toán những kế hoạch, bước đi nào mà đem lợi về cho họ nhiều nhất, kể cả trong vấn đề tình cảm.

Hoặc như khi đang yêu, chúng ta sẽ bỏ qua những khuyết điểm của người yêu và chỉ chuyên nhìn vào những ưu điểm của người đó. Chúng ta thấy người đó thật hoàn hảo và, dù có người chỉ ra những điểm dở, chúng ta hầu như hoàn toàn không nhìn thấy. Có khi mình còn cho rằng những người kia có thành kiến với người yêu của mình. Cho nên tục ngữ có câu: “Yêu là mù quáng”. 
 
Nhưng khi chúng ta không còn yêu nữa thì những nét đặc biệt đáng yêu thuở xưa cũng bắt đầu phai nhạt dần. Chúng ta bắt đầu thấy những khiếm khuyết của người yêu mà mình mù quáng, không thấy lúc đang yêu.

Trong kinh Trung bộ (kinh số 74), Đức Phật giảng về ba quan điểm khác nhau mà người đời phần nhiều bị vướng mắc nên dễ sanh phiền não. Đức Phật phân tích: “Một số người tuyên bố: tất cả đều làm tôi thích thú. Một số người tuyên bố: tất cả đều không làm tôi thích thú. Một số người nói: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích. Quan điểm đầu gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ. Quan điểm hai gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ. Khi nghe vậy, Trường Trảo cho rằng Phật tán dương quan điểm mình. 
Nhưng Phật bình tĩnh tiếp tục phân tích: Ai chủ trương: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích, thì các phần làm họ thích là gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ; phần làm họ không thích là gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ. 
 
Người trí nhận thức rằng, nếu nói lên bất kỳ một quan điểm nào trong ba quan điểm trên, và cho đấy là sự thật, ngoài ra đều sai, thì sẽ chống lại hai hạng người chủ trương hai quan điểm kia. Tóm lại, có kiến chấp là có đối nghịch, đối nghịch đưa đến tranh luận, tranh luận đưa đến chống đối, chống đối đưa đến phiền não. Thấy thế, vị này hủy bỏ những tri kiến ấy” (Ni sư Trí Hải tóm tắt & chú giải).

Riêng Đức Phật có thể sử dụng ngôn ngữ thế gian nhưng không bao giờ bị vướng mắc vì Ngài thấu hiểu có kiến chấp thì sẽ đem đến phiền não và khổ đau. Kiến chấp này là những kinh nghiệm chúng ta lượm lặt trong đời sống và cho chúng là những sự thật sẽ mang lại lợi lạc cho bản thân. Chính vì những quan niệm này đã nhào nặn chúng ta thành một khuôn mẫu, một cá tính nhất định. Và từ đó, hình thành một con người với một cặp kính màu và quan niệm như vậy. 
 
Chẳng hạn, theo thống kê của Sở Xã hội Hoa Kỳ, các cháu gái chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình sẽ có khuynh hướng trở thành nạn nhân bị hành hạ bởi bạn trai hay chồng. Riêng các cháu trai chứng kiến những cảnh bạo động trong gia đình, như ba đánh đập mẹ… sẽ có nhiều khả năng trở thành người chồng vũ phu trong tương lai, tiếp tục cái vòng lẩn quẩn này vì những kinh nghiệm, quan niệm chúng học được từ cha mẹ mình. 
 
Rõ ràng, cái mà chúng ta nói là ‘học được’, dù tốt hay xấu, được giữ lại trong tâm thức để tạo duyên cho những cái khác sinh ra. Chính do cái tâm chấp thủ hay kiến chấp này đã đưa đẩy, lèo lái chúng ta thành ra một người như vậy. 

Khi niệm Phật, hay lúc thiền quán là chúng ta đang học cách buông xả. Mình buông xả quá khứ lẫn tương lai, và cả luôn hiện tại vì hiện tại cũng chỉ thoáng qua trong giây lát. ‘Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm’ nghĩa là không trụ vào đâu cả thì tâm giác ngộ sẽ có mặt. Như chúng ta biết, Lục tổ Huệ Năng đã giác ngộ qua câu này trong kinh Kim cương, và cũng chính vì hiểu rõ ý nghĩa của ‘vô trụ’ mà Ngài đã đối lại bài kệ của Tổ Thần Tú như sau:

Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhá trần ai
(Tổ Thần Tú)

Thân như cây bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ.
(Hòa thượng Thanh Từ dịch)

Bồ đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai.
(Lục Tổ Huệ Năng)

Bồ-đề vốn không cây, 
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?
(Hòa thượng Thanh Từ dịch)

Ý nghĩa của tâm không vướng mắc chúng ta thấy rất rõ trong bài kệ của ngài Huệ Năng. Không có một khái niệm, hay một quan niệm nào để bám víu trong bài kệ trên. Khi thiền quán với tâm không vướng mắc chúng ta cảm thấy mình như lá sen, không bị nước bùn dơ hay nước hồ sạch đọng lại. 
 
Tất cả đều trôi đi, không còn lại một dấu vết gì! Như lời Đức Phật dạy ở trên: “Có kiến chấp là có đối nghịch, đối nghịch đưa đến tranh luận, tranh luận đưa đến chống đối, chống đối đưa đến phiền não”. Cũng như trong kinh Bát nhã mà chúng ta tụng đọc hàng ngày: “… Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn”.

‘Vì không có sở đắc
Khi một vị Bồ-tát
Nương Diệu Pháp Trí Độ
(Bát-nhã Ba-la -mật)

Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi vọng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết-bàn tuyệt đối’  
(Thiền sư Nhất Hạnh - bản dịch cũ)

Vì tâm không chướng ngại, không vướng mắc nên tâm không bị khuấy động, không vọng tưởng, điên đảo, sợ hãi. Không chấp thủ vào nhị nguyên đối đãi, có có, không không… Cũng như Phật đã dạy về pháp duyên sinh: “Hễ cái này có, thì cái kia có. Hễ cái này không thì cái kia không”. Vì tâm không tạo duyên để cái kia sinh nên tất cả các hiện tượng sau khi có mặt đều tự biến mất. Như Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) đời Lý có sáng tác thi kệ sau:

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu vô như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không

Bài kệ được Phan Kế Bính dịch thơ:

Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Thử xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không là gì? 

Thiện Ý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 7663)
Đức Phật là một đấng đại Từ Bi, Ngài xem tất cả chúng sinh mọi loài như con một. Lòng yêu thương chúng sinh của Đức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, như mẹ thương con, chỉ mong làm sao cho con mình được hết tất cả khó và hưởng tất cả vui, cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói ...
04/04/2013(Xem: 6648)
Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” “Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác mạc tác – Chúng thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác – Hãy làm điều thiện)?
04/04/2013(Xem: 4956)
Hoằng pháp là một công tác quan trọng để con người thấm thuần chánh pháp, giác ngộ giáo lý của chư Phật. Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo, ngài cũng nghĩ đến việc hoằng pháp trước tiên, chính vì thế nên Ngài thành lập Giáo hội Tăng già để chư Tăng lên đường hoằng dương chánh pháp.
04/04/2013(Xem: 5862)
Có một cô thiếu nữ người Pháp, sinh ra ở một tỉnh cách làng Hồng độ chừng hai trăm cây số. Khi lớn lên, tới 19 tuổi, cô bỏ gia đình, bỏ nước Pháp, đi sang nước Anh để sinh sống. Người thiếu nữ Pháp đó giận mẹ, giận gia đình, giận luôn cả tổ quốc. Cô sang bên Anh sống như vậy luôn hai mươi năm.
04/04/2013(Xem: 8528)
Hôm nay là ngày sám hối lệ. Tất cả các Phật tử đến đây tụng kinh, nghe thuyết pháp và hành thiền. Đây là chương trình tu học mỗi tháng hai kỳ vào ngày 14 và 29 Âm lịch cho cư sĩ. Những bậc xuất gia có 2 ngày là 15 và 30 hàng tháng để làm lễ sám hối.
03/04/2013(Xem: 7508)
Tôi là một người sống độc thân (và không có con), năm nay tôi 50 tuổi. Tôi sinh sống ở Virginia thuộc Hoa Thịnh Ðốn, sức khỏe đầy đủ và tôi có một việc làm vững chắc. Tôi có một người cha 85 tuổi, sống tại Houston , Texas .
03/04/2013(Xem: 14942)
Hôm nay là ngày 21 tháng 11 năm 1993, chúng ta khai giảng khóa tu mùa Đông ở tại Xóm Hạ, Làng Hồng. Khoá học của chúng ta là Phật Pháp Căn Bản (Basic Buddhism)...
03/04/2013(Xem: 5476)
Đây là mười phương-pháp dạy trong kinh Hoa-Nghiêm, nơi phần Trị-Địa-Trụ ở phẩm Thập Trụ. Thật sự ra phương-pháp này không hạn cuộc nơi chư Tăng Ni, mà dành cho mọi người tu Bồ-Tát Hạnh, tại gia và xuất gia ...
03/04/2013(Xem: 6345)
Chướng ngại chính cản trở sự thành công trong hành thiền và phát tuệ giải thoát thường có dạng của một trong năm loại triền cái. Toàn thể pháp hành đưa đến Giác ngộ có thể được diễn tả như một nỗ lực để vượt qua năm chướng ngại nầy ...
02/04/2013(Xem: 13271)
Đức Phật truyền dạy giáo pháp nhằm mang lại an lạc và giác ngộ. Nếu Phật Pháp chỉ là những tiền đề lý luận thỏa mãn tri thức thì Đạo Phật đã không có khả năng tồn tại...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]