Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Miên mật, hiện pháp, lạc trú

17/11/201209:19(Xem: 8492)
06. Miên mật, hiện pháp, lạc trú

Miên mật, hiện pháp, lạc trú

Làng Mai

Chúng ta biết rằng sự thực tập ở Làng Mai được tóm tắt trong ba nguyên tắc: Thứ nhất là Miên mật, thứ hai là Hiện pháp, và thứ ba là Lạc trú. Nếu nắm được ba nguyên tắc đó cho chắc chắn, thì sự thực tập của chúng ta sẽ có kết quả rất mau chóng.

Trước hết là tính miên mật của sự thực tập.

Miên mật có nghĩa là không gián đoạn, uninterrupted. Miên có nghĩa là kéo dài ra, không ngắn ngủi, kéo dài hoài, như trong từ ngữ "triền miên" hay "miên trường". Mật có nghĩa là sít sao với nhau, không có kẽ hở ở giữa. không có kẽ ngăn cách hai khoảnh khắc, hai khoảnh khắc dính liền với nhau, gió không thể lọt vào được.

Tính miên mật của sự thực tập giáo pháp đã có từ xưa, không phải là một sáng tạo mới. Ví dụ khi chúng ta thực tập Tứ Niệm Xứ, quán chiếu về thân, về thọ, về tâm, và về pháp, thì sự thực tập đó cũng phải miên mật. Tức là khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ăn cơm, khi làm việc, khi cúi xuống, khi ngẩn lên, tất cả những giây phút đó đều phải có quán chiếu hết. Khi đọc kinh Niệm Xứ cho thật sâu sắc, ta thấy được tính miên mật đó.

Như vậy, sự tu tập không phải chỉ xảy ra trong khi mình ngồi thiền, mà nó xảy ra trong tất cả những lúc khác như là lúc mình đi tiểu cũng có sự thực tập, lúc đi cầu cũng có sự thực tập, lúc giặt áo, lúc ăn cơm, lúc rửa bát đều phải có sự thực tập. Sự thực tập không bao giờ dừng hết. Đó gọi là miên mật. Ngay trong thời đức Thế Tôn còn tại thế, các thầy, các sư cô cũng đã thực tập theo phương pháp miên mật rồi.

Tại Làng Mai, chúng ta đừng tưởng đi vào thiền đường mới là thực tập, đi vào Phật đường mới là thực tập. Giờ phút mà ta chải răng vào buổi sáng để chuẩn bị đi ngồi thiền, đó đã là giờ phút thực tập rồi. Cho nên phải chải răng như thế nào để sự thực tập nó có mặt trong khi mình chải răng, chứ đừng nói rằng tôi chải cho nhanh để đi thực tập ngồi thiền, thì không đúng. Giờ phút chải răng nó cũng linh thiêng giống như là giờ phút lạy Bụt, hay ngồi thiền. Khi chải răng xong, mình cất bàn chải, mình mở cửa phòng tắm ra, tất cả những giây phút đó đều phải là những giây phút của sự thực tập, nghĩa là phải có chánh niệm trong đó. Nếu làm hối hả cho xong để đi làm chuyện khác, dù chuyện đó là chuyện ngồi thiền, thì cũng không đúng nguyên tắc thực tập gọi là miên mật.

Khi từ phòng tắm trở về phòng ngủ, mặc áo vào, mọi động tác cũng đều phải thực tập chánh niệm. Trong kinh có nói rõ: Khi mặc áo tăng già lê, vị khất sĩ biết rằng mình đang mặc áo tăng già lê. Khi cúi xuống, biết rằng mình đang cúi xuống. Khi ngửng lên, biết rằng mình đang ngửng lên. Khi đi, biết rằng mình đang đi. Vì vậy cho nên tính miên mật của sự thực tập không phải chỉ có trong Thiền Trung Quốc, mà nó có ngay trong Thiền Nguyên thủy nghĩa là trong thời Bụt còn tại thế.

Sự thực tập ở Làng Mai là sự thực tập miên mật. Nó phản chiếu được tính chất chân truyền và chính thống của đạo Bụt Nguyên thủy. Chúng ta thực tập miên mật suốt ngày: Trong thiền đường, trong phòng tắm, trong cầu tiêu, trong nhà bếp, ngoài vườn rau, trên sân cỏ, đâu đâu chúng ta cũng đều phải thực tập. Nếu không thì chúng ta bỏ phí giờ phút đó, rất là uổng.

Vậy thì khi có người hỏi: Đến Làng Mai, quý vị thực tập mấy giờ trong một ngày? Quý vị trả lời là tôi thực tập suốt ngày, thì mới đúng. Mà có thực tập, người ta nhìn vào là họ thấy liền. Khi mình đi, khi mình đứng, khi mình nằm, khi mình ngồi mà có thực tập, người khác nhìn vào là họ thấy mình là người đang thực tập. Thành ra khi mình thấy một thiền sinh đi như bị ma đuổi, dù là đi từ cư xá đến thiền đường, vì sợ trễ giờ, thì mình biết người đó đang không thực tập.

Vua Trần Thái Tông có viết trong Khóa Hư Lục rằng: Ăn cơm, uống nước cũng là thực tập, mà đi cầu, đi tiểu cũng là thực tập. Cho nên chỗ nào cũng là đạo tràng cả. Vì vậy, tại các thiền viện, ở trong cầu tiêu người ta để một bình hoa, trong phòng tắm cũng để một bình hoa, chứng tỏ rằng cầu tiêu cũng là một thiền đường và phòng tắm cũng là một đạo tràng. Khi vào bếp người ta thấy trong nhà bếp cũng có một bình hoa, để nhắc nhở cho mình rằng nhà bếp là một nơi thực tập.

Tại Làng Mai mỗi khi vào bếp nấu cơm cho đại chúng, thì ta bắt đầu việc làm bếp bằng cách dâng một cây hương, để nhớ rằng thời gian mình ở trong bếp là thời gian thực tập. Vì vậy cho nên không có một lời nói, không có một cữ chỉ nào thoát ra khỏi sự thực tập. Cho nên trong không khí của nhà bếp người ta thấy có không khí của chánh niệm, của chánh định, của niềm vui. Nếu nhà bếp không có không khí đó, thì người ta biết rằng những người phụ trách việc bếp núc hôm nay, không phải là những người thực tập. Họ chỉ nấu cơm thôi chứ họ không thực tập.

Đến chùa là để thực tập chứ không phải là để nấu cơm! Nấu cơm thì ở ngoài đời cũng nấu được. Rửa bát thì ở ngoài đời ai cũng rửa bát! Trong chùa thì thời gian nấu cơm, rửa bát là thời gian của thực tập.

Do đó cho nên chúng ta phải nhớ rằng nguyên tắc đầu của sự thực tập ở Làng Mai là nguyên tắc miên mật. Cũng như trong thời đức Thế Tôn còn tại thế, không phải khi các thầy ngồi xuống gốc cây mới bắt đầu thực tập. Đi đến gốc cây đã là một sự thực tập rồi.

Chúng ta thử nhìn vào thiền Trung Quốc. Khi thực tập thoại đầu hay thực tập công án, người ta cũng đòi hỏi sự miên mật. nghĩa là mang một thiền thoại đầu hay một công án, thì mình phải luôn luôn ý thức được rằng mình đang mang thoại đầu đó hay công án đó để ôm ấp nó, để quán chiếu nó, gọi là Khán thoại đầu, hay là Khán công án. Khán có nghĩa là nhìn vào đó, biết rằng nó có mặt đó. Theo cách viết chữ Hán thì trong chữ "khán" có một bàn tay (thủ), và dưới đó thì có con mắt (nhãn). Cầm lên và nhìn sâu vào trong lòng nó thì gọi là khán.

Trong thiền Đông Độ, tức là thiền Tổ Sư, tính miên mật của sự thực tập cũng rất rõ ràng. Thầy trao cho mình một thoại đầu hay một công án, thì mình phải đem hết tất cả thân tâm của mình ra mà ôm lấy thoại đầu đó, ôm lấy công án đó và quán chiếu nó cả ngày, cả đêm. Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi đều phải đề công án lên. Đề tức là nâng nó lên. Vì vậy cho nên trong thiền Đông Độ, ta vẫn thấy được tính cách miên mật một cách rất rõ ràng. Nguồn gốc của miên mật là từ Thiền Niệm Xứ của thời đức Thế Tôn, tại vì trong kinh Niệm Xứ có tính miên mật của sự thực tập.

Trong tông phái Tịnh độ cũng vậy, niệm Bụt là phải niệm miên mật. Bỏ bớt một câu nói chuyện, thêm vào một câu niệm Bụt, thì tính miên mật nó tăng cường. Vì vậy cho nên khi đi, khi đứng, lúc nằm, lúc ngồi, câu niệm Bụt trở thành đối tượng của chánh niệm. Không khi nào mình buông câu niệm Bụt cả. Câu niệm Bụt trở thành một công án, mình phải nắm lấy, mình phải ôm lấy nó, phải sống với nó 24 giờ mỗi ngày, thì mới gọi là thực tập Tịnh độ đúng mức. Nếu có người muốn sinh qua cõi Tịnh độ, nắm lấy danh hiệu của Bụt A Di Đà mà niệm, và quán tưởng ngày đêm thì có thể trong bảy ngày là thành công. Có khi chỉ một ngày thôi cũng đã thành công rồi. Thành công được là do tính miên mật của sự thực tập. Còn cứ mỗi giờ niệm một câu thì đâu có miên mật, khoảng hở ở giữa rất là lớn!

Vì vậy cho nên tính miên mật là một tính căn bản của sự thực tập đạo Bụt. Biết như vậy mình thấy rằng sự thực tập của mình phải miên mật thì mới đúng là sự thực tập của đức Thế Tôn. Điều nên chú ý là Làng Mai nhấn mạnh đến điểm đó, chứ không phải Làng Mai là nơi duy nhất thực tập miên mật.

Đặc tính thứ hai của sự thực tập Làng Mai là hiện pháp.

Tiếng Anh có thể dịch là present moment, hoặc là not a matter of time. Tiếng Phạn là Di((ha Dharma. Di((ha có nghĩa là nhìn thấy. Nhiều khi các thầy dịch là Kiết pháp, tức là những cái mình thấy ngay, những cái đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nghĩa là sự thực tập đó phải xảy ra trong giây phút hiện tại, vì giây phút hiện tại, và cho giây phút hiện tại - In the present moment, because of the present moment, and for the sake of present moment - Vì hiện tại nó là như vậy, cho nên ta mới thực tập. Vì hiện tại có những khổ đau, có những khó khăn, có những vấn đề, cho nên ta mới thực tập. Phải thực tập cho hiện tại, chứ không phải thực tập cho một hạnh phúc nào trong tương lai, và thực tập ngay trong giây phút này.

Ví dụ mình nói thực tập bây giờ là cốt để cho tương lai mình có hạnh phúc, tương lai mình được lên thiên đường, tương lai mình được vãng sanh tịnh độ, tương lai mình có giải thoát, giác ngộ, thì đó không phải theo nguyên tắc gọi là hiện pháp. Thực tập là thực tập vì hiện tại, và thực tập ngay trong giây phút hiện tại. Ca dao Việt Nam có câu:

Rủ nhau đi cấy đi cày, Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.

Câu đó có nghĩa là bây giờ chỉ có khó nhọc thôi, và cái ngày phong lưu đó nó thuộc về tương lai. Bây giờ là phải cực khổ thì sau này mới có hạnh phúc. Quan niệm đó không diễn tả được tính hiện pháp của sự thực tập. Phải tìm cho được niềm vui ngay trong lúc cấy cày thì mới là hiện pháp. "Ngày phong lưu" chỉ là kết quả tất nhiên của việc thực tập hiện pháp.

Thực tập là cho sự giải thoát, sự giác ngộ, sự an lạc ngay trong hiện tại. Mình không đi thiền hành để 10 ngày hay 10 năm sau mới bắt đầu có hạnh phúc! Theo nguyên tắc hiện pháp thì khi bắt đầu thực tập là có kết quả liền. Cho nên mới gọi là siêu việt thời gian, tiếng Phạn là Ak(lika, not a matter of time. K(lika là thời gian, "A" là không, là phi thời gian. Tính chất thực tập của mình là phi thời gian, vượt thoát thời gian, có nghĩa là khi nắm lấy pháp môn để thực tập thì kết quả có liền, không đợi tới dù chỉ một phút sau mới có kết quả.

Ví dụ mình thực tập thiền đi, Cố nhiên sau hai ba phút thực tập là mình có hạnh phúc rồi, nhưng ngay trong bước đầu mình phải có hạnh phúc lập tức. Ngay trong bước đầu tiên mình đã thấy có một sự đổi mới, có kết quả liền. Tại vì ngay trong bước đầu mình đã có niệm, có định, con người mình đã thay đổi. Kết quả có liền lập tức, và mình phải thấy kết quả đó ngay trong lúc bắt đầu thực tập. Cũng như hơi thở có chánh niệm An Ban Thủ Ý. Mình thở trong thất niệm thì không nói gì, nhưng lúc bắt đầu thở vào có chánh niệm thì có kết quả liền, con người mình đã bắt đầu đổi khác. Chưa đổi hoàn toàn nhưng bắt đầu đã có thay đổi. Đó là vì thở vào mà biết là thở vào thì tự nhiên trong người mình có chất của niệm, của định, do đó mà có sự thay đổi liền trong hơi thở vào đầu tiên. Còn nếu mình không thấy có gì khác hết khi thực tập, thì sự thực tập đó chưa đúng là hiện pháp.

Đức Thế Tôn có nói: Giáo pháp của ta tốt đẹp trong lúc đầu, tốt đẹp ở khúc giữa, và tốt đẹp ở khúc sau. Giây phút mà ta nắm lấy sự thực tập, bắt đầu thực tập, thì đã bắt đầu có sự thay đổi trong thân tâm ta rồi. Kết quả có liền, nó còn mau hơn cà phê uống liền, hay là mì ăn liền! Nếu bước thiền hành thứ nhất mà có kết quả thì bước thứ hai nó cũng có kết quả như vậy, và còn có nhiều hơn một chút. Cho nên nói rằng Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu thì không thích hợp với cách thực tập này.

Mình thường nói: Khổ hải mênh mông, quy đầu thị ngạn, là cũng có nghĩa của hiện pháp. Biển khổ thì mênh mông, nhưng quay đầu lại một cái là thấy bờ liền. Đó là tính hiện pháp của sự thực tập. Mình thấy được kết quả của sự thực tập ngay lúc ban đầu, thì niềm tin của mình nơi pháp môn có liền lập tức, và càng thực tập thì niềm tin đó càng lớn. Nếu thở vào và thở ra mà không thấy gì thay đổi trong thân và trong tâm hết, thì cái thở vào và thở ra đó không đúng. Thở mà thấy có sự thay đổi trong tâm thì mới đúng là sự thực tập hiện pháp. Mình phải học hỏi từ thầy, từ bạn, làm sao thở để có sự khác biệt ở thân và ở tâm liền.

Đi thiền cũng vậy, nếu đi 10 bước, 20 bước mà chưa thấy có sự thay đổi gì hết, tức là mình thực tập sai rồi. Ngay trong bước đầu đã phải thấy sự thay đổi trong thân và trong tâm. Tại vì bước đầu là bước bắt đầu giúp mình nhất tâm vào trong chánh niệm. Khi bước một bước thì tất cả những trần lao khổ ải ta buông bỏ hết, mình chỉ trở về với bước chân thôi, thì lúc đó sẽ có sự thay đổi lớn. Còn nếu không có thay đổi gì hết, tức là mình chưa buông bỏ những trần tâm, những lo lắng, những điều ưu tư của mình. Trong khi thầy, trong khi các bạn đi những bước rất là thong dong, rất an lạc, mình cũng đi giống y như họ, nhưng mình mang theo với mình tất cả những ưu sầu, lo lắng, những dự án, và mình không thảnh thơi gì hết. Thảnh thơi là thảnh thơi ngay từ lúc bắt đầu.

Khi quý vị tới làng thì nên nắm ngay lấy phương pháp thực tập hơi thở và bước chân. Nếu quý vị ở một ngày rồi mà chưa thấy có gì thay đổi, thì chuyện đó rất tội, rất uổng cho quý vị, tại vì một ngày là nhiều lắm. Trong một ngày mình thở không biết bao nhiêu là hơi, và mình bước không biết bao nhiêu là bước. Nếu mình không nắm vững được kỹ thuật thở và kỹ thuật bước, thì một ngày ở Làng Mai nó uổng phí cho mình và cho cả Làng Mai, tại vì làng làm ra khung cảnh đó là để cho mình tới mà thực tập. Cho nên phải nắm lấy hơi thở, nắm lấy bước chân, thì tự nhiên nó có sự thay đổi liền lập tức trong thân và trong tâm của mình. Dù sự thay đổi đó chỉ mới nhỏ thôi, thì đó cũng là từ tính hiện pháp của sự thực tập.

Đi sâu vào, ta thấy tất cả tinh hoa của giáo lý Đại thừa đều nằm trong tính hiện pháp. Những điều kiện của hạnh phúc có đủ rồi, có sẵn rồi, mà tại mình đã quen đi tìm. Trong mấy mươi năm, mình cứ tin rằng mình không có đủ những điều kiện của hạnh phúc, cho nên mình cứ tiếp tục đi tìm. Không phải mình đã đi tìm trong mấy mươi năm trong kiếp của mình, mà mình đã đi tìm trong những kiếp xa xưa nữa. Kiếp trước mà mình có thể thấy rõ nhất là kiếp của cha mẹ mình. Tại vì cha mẹ mình tức là mình trong kiếp trước. Ông bà mình cũng là mình trong kiếp trước. Trong bao nhiêu kiếp, mình đã chạy đi tìm những điều kiện của hạnh phúc, chưa bao giờ dừng lại được. Hầu hết chúng ta đều làm như vậy. Các thế hệ trước đã không dừng nghĩ trên con đường đi tìm những điều kiện của hạnh phúc. Đến lượt chúng ta, chúng ta tiếp tục sự nghiệp đi tìm đó, mà chưa bao giờ ta tìm thấy được. Đức Thế Tôn nói rằng: Con đừng đi tìm nữa! Tại sao con phải đi tìm? Nó có ngay ở trong hiện pháp, nó có ngay ở trong con. Nếu dừng lại thì con có thể nhận diện được những điều kiện của hạnh phúc, và con có thể có hạnh phúc liền.

Trong kinh có một giáo lý rất là quan trọng mà ít chùa, ít thầy nói tới. Đó là giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú, tiếng Phạn là Diððha Dhamma Sukha Vih(ri. Sukha là lạc, là hạnh phúc, trái với Du(kha, tức là khổ. Vih(ri là trú, tức là sống. An trú tức là sống một cách hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Di((ha Dhamma tứclà hiện pháp. Những danh từ này đức Thế Tôn đã dùng rất nhiều lần trong kinh, Ví dụ trong kinh Người Áo Trắng, tức là kinh Ưu Bà Tắc mà Bụt đã dạy cho ông Cấp Cô Độc. Hôm đó ông Cấp Cô Độc tới chùa Kỳ Viên, cùng đi với 500 người bạn tất cả đều trong giới thương gia, để gặp thầy Xá Lợi Phất, vì ông rất thân với thầy Xá Lợi Phất. Sau khi ngồi nói chuyện một hồi, thầy Xá Lợi Phất nói: Bây giờ tôi đưa quý vị đến thăm đức Thế Tôn. Tất cả đều vui mừng! Khi mọi người đến ngồi dưới chân Bụt, ngài dạy cho họ một kinh gọi là kinh Ưu Bà Tắc. Đây không phải là kinh Ưu Bà Thập Giới. Kinh này nằm trong Đại Tạng Nam Truyền, và trong Bắc Truyền, tức là trong A Hàm cũng có. Đây là một kinh mà ta gọi là kinh Tiểu thừa. Trong kinh đó, Bụt dạy cho 500 vị thương gia làm thế nào để sống cho có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Vì những vị thương gia cứ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có trong tương lai, phải lo làm cho nhiều tiền, thật nhiều tiền nữa, thì mới có hạnh phúc. Đức Thế Tôn dạy không cần nhiều tiền, không cần phải chạy nữa, các ông có thể có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại. Danh từ Hiện Pháp Lạc Trú đã được đức Thế Tôn dùng ít nhất là 4 hay 5 lần ở trong kinh này.

Sự thật là vậy. Nếu ngừng lại được thì mình nhận ra rằng mình có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc. Ví dụ hai chân của mình còn mạnh, mình có thể đi thiền hành được, mình có thể chạy được, có thể nhảy được nữa! Thử tưởng tượng ngày mai quý vị phải chống gậy, đi lom khom, không nhảy được nữa, không chạy được nữa! Vậy mà bây giờ quý vị đi tìm gì? Không lý quý vị đi tìm cái gậy đó? Mình có hai con mắt còn tốt, chưa phải mang kiếng. Mở ra là thấy trời xanh, thấy mây trắng, thấy khuôn mặt của người mình thương, thấy bông hoa nở, thấy lá vàng bay, thì có hai con mắt còn sáng, đúng là một điều kiện của hạnh phúc. Mình có một trái tim đang đập bình thường. Có nhiều người bị bệnh tim, họ có thể đứng tim bất kỳ lúc nào. Họ rất mong có trái tim bình thường như mình, nhưng họ cầu đêm, cầu ngày mà không bao giờ có được!

Trong khi mình có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc ở trong thân mình, ở trong tâm mình, và chung quanh mình, mà mình cứ làm lơ, mình cứ chạy, cứ đi kiếm tìm những hạnh phúc khác, những điều kiện khác của hạnh phúc, rất là dại! Cái thói của mình là chạy, là rong ruổi đi tìm! Vì vậy mà tính hiện pháp là rất quan trọng trong giáo lý của đức Thế Tôn.

Trong đạo Bụt Đại thừa chúng ta học được nguyên tắc gọi là Vô đắc, tức là không cần gì phải chiếm đoạt nữa, phải đi kiếm nữa! Ta có đủ hết rồi. Giáo lý này cũng từ tính Hiện Pháp mà ra.

Trong đạo Bụt còn có giáo lý gọi là Vô Nguyện, cũng từ đó mà ra. Vô nguyện và Vô đắc cũng gần gần như nhau. Vô nguyện hay Vô tác là một trong ba cánh cửa giải thoát, gọi là Tam giải thoát môn, tức là Không, Vô tướng, và Vô tác. Vô tác có nghĩa là không cần chạy đi tìm kiếm điều gì nữa, hạnh phúc có đủ ở đây rồi.

Giáo lý Vô tác rất là mầu nhiệm. Khi nghiên cứu, học hỏi các truyền thống tâm linh trên thế giới, thì mình thấy đạo Bụt gần như là đạo duy nhất, trong đó mình có thể tìm thấy giáo lý Vô tác rõ ràng mà thôi. Tinh thần vô tác có thể có trong các truyền thống tâm linh khác, nhưng giáo lý và phương pháp về Vô tác ở trong đạo Bụt là rất rõ ràng. Vô tác có nghĩa là không đặt trước mặt mình một đối tượng để chạy theo. Tiếng Anh mình thường dịch là Aimlessness. Ví dụ như một đợt sóng đang hăm hở đi tìm. Nhìn trên mặt biển, trên mặt sông, ta thấy những đợt sóng cứ theo nhau, vươn tới trước để tìm. Không biết đi tìm gì mà nó cứ đi tìm hoài! Nhìn kỹ vào trong đợt sóng thì đợt sóng được làm bằng nước, và hóa ra đợt sóng nó đi tìm nước! Đó là điều rất buồn cười. Đợt sóng đã là nước rồi, tại sao phải đi tìm nữa?

Con người cũng vậy! Cái hạnh phúc, sự giác ngộ, sự vững chãi, sự thảnh thơi, cái gọi là Phật tính, cái gọi là chân như, đều nằm sẵn trong mình rồi, vậy mà mình vẫn đi tìm! Chỉ lúc nào mình chấm dứt sự đi tìm, thì lúc đó mình mới chứng nhập được, mới thấy được Phật tánh đó, hạnh phúc đó, sự vững chãi đó, sự thảnh thơi đó. Đợt sóng không cần phải chết mới thành nước được! Ngay trong giờ phút này đợt sóng đã là nước rồi! Mình cũng vậy. Mình đâu cần phải chết mới vào tịnh độ, vào niết bàn được? Mình đang an trú trong niết bàn!

Kinh Pháp Hoa có nói "Chư Pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng". Có nghĩa là tất cả các pháp từ bao giờ vẫn an trú trong tự tính niết bàn của nó. Các pháp đâu cần đi tìm niết bàn? Niết bàn là bản chất của các pháp rồi! Tại sao các pháp, trong đó có mình, lại chạy đi tìm? Chấm dứt sự đi tìm thì gọi là Vô nguyện. Mình là cái mà mình đang đi tìm. Đây là một giáo lý rất thậm thâm: Dừng lại sự đi tìm là bí quyết của thành công trong sự tu tập!

Kinh Hoa Nghiêm có câu:

Nhược nhân dục liễu tri, Tam thế nhất thiết Phật, Ưng quán pháp giới tánh, Nhất thiết duy tâm tạo.

Có nghĩa nếu ai muốn biết và muốn hiểu về chư Bụt có mặt trong ba đời, người ấy chỉ cần quán chiếu về tánh của vạn pháp, tất cả đều do tâm tạo ra mà thôi. Như vậy thì tịnh độ cũng do tâm mà ra. Tịnh độ không phải ở phương Tây, không phải ở phương Nam, hay là phương Bắc. Tịnh độ không phải là ở quá khứ, không phải ở tương lai. Tịnh độ là một vấn đề hiện pháp.

Cho nên pháp môn tu tập của Làng Mai là mỗi bước chân đi vào tịnh độ. Đây là một sự thực tập rất hào hùng, rất cách mạng. Tôi cũng tin rằng có nước Chúa, có cõi Tịnh độ. Nhưng nước Chúa cũng như cõi Tịnh độ không ở chỗ nào khác, cũng không ở đâu xa. Nếu có niệm, có định, có tuệ thì bước một bước là đi vào nước Chúa liền. Nếu có niệm, có định, có tuệ thì bước một bước là đi vào cõi tịnh độ liền. Cho nên xin quý vị nhớ cho kỹ câu Mỗi bước chân đi vào tịnh độ. Tôi đề nghị các thầy, các sư cô viết một bản của câu này và để ở đầu đường thiền hành của mỗi xóm. Nếu cần viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp thì viết rằng: The Kingdom is now or never. Tại vì Tây phương là xứ Cơ Đốc Giáo, mình có thể dùng chữ Kingdom of God, thay cho chữ Pure Land. Le Paradis c'est maintenant ou jamais.

Làng Mai có bài kệ Đã về, đã tới. Về đâu, tới đâu? Về Hiện pháp! Tại vì đó cũng là địa chỉ của các đức Thế Tôn, các vị Bồ tát. Chính cái địa chỉ đó là quê hương đích thực của mình. Vì vậy mà hiện pháp là một pháp môn rất quan trọng, và thực tập Hiện pháp là một phương pháp tu tập của Làng Mai.

Tính chất thứ ba của sự thực tập ở Làng Mai là Lạc trú

Tức là sống hạnh phúc. Nghĩa là thực tập của chúng ta phải đem lại sự tịnh lạc, đem lại hạnh phúc liền trong lúc đó. Nếu sự thực tập của mình là một lao tác mệt nhọc, thì đó không đúng nguyên tắc thực tập của Làng Mai.

Như đã nói, đức Thế Tôn có dạy rằng: Giáo pháp của ta tốt lành ngay từ lúc bắt đầu, tốt lành ở khúc giữa, và tốt lành ở đoạn cuối. Ví dụ đi thiền hành 15 phút, thì phút đầu cũng có hạnh phúc, mà phút chót cũng có hạnh phúc, phút giữa cũng có hạnh phúc. Vì vậy cho nên khi ngồi thiền mà thấy đau khổ, thấy chờ đợi để có tiếng chuông chấm dứt thời thiền, thì việc ngồi thiền của mình không đúng với tính thứ ba của sự thực tập Làng Mai.

Cũng vậy, khi đi thiền hành mà không thấy có hạnh phúc, khi thở mà thấy mệt quá, thấy giống như mình đang tranh đấu dữ dội lắm, thì đó không phải là sự thực tập của Làng Mai. Thở như thế nào mà trong khi thở có hạnh phúc, thì mới đúng. Ngồi như thế nào mà trong khi ngồi có hạnh phúc, thì mới đúng. Đi như thế nào mà trong khi đi có hạnh phúc, thì mới đúng. Rửa chén như thế nào mà trong khi rửa có hạnh phúc, thì mới đúng. Còn nói rửa cho mau, cho rồi để còn đi ngồi thiền, và trong khi rửa chén lại thấy đau khổ, thì sự rửa chén đó không phải là sự thực tập, mà chỉ là một khổ sai chung thân!

Người thực tập đúng là khi ăn cũng có hạnh phúc, khi uống cũng có hạnh phúc, khi đi, khi ngồi, khi nằm, khi nấu cơm, khi rửa bát, khi tưới vườn, khi trồng cây đều có hạnh phúc cả. Thực tập mà không có hạnh phúc, là không đúng thực tập mà chúng ta mong muốn. Nếu mình cảm thấy thiền ngồi, thiền nằm, thiền đi, thiền làm việc là khổ đau, là mệt nhọc, thì mình biết đó không phải là sự thực tập của Làng Mai. Tại sao vậy? Tại vì mình vẫn trông chờ cái hạnh phúc của tương lai, và mình đi ngược lại tính thứ hai của sự thực tập, tức là tính hiện pháp. Nếu mình thực tập đúng tinh thần hiện pháp, thì tính lạc trú là chuyện dĩ nhiên. Vì mình không thực tập tính hiện pháp, cho nên thực tập của mình không có tính cách an lạc.

Ngoài ra, sự thực tập của mình còn phải có công năng nuôi dưỡng, trị liệu, đem lại niềm vui. Mỗi bước chân đều có thể đem lại sự nuôi dưỡng thì mới đúng là sự thực tập lạc trú. Cho nên sự thực tập của chúng ta được gọi là thức ăn. Nó phải là thức ăn, phải có tính cách nuôi dưỡng, phải có tính cách trị liệu. Nếu mình ăn đúng thì thức ăn có tính cách trị liệu. Ví dụ khi mình bị nóng, có những mụt nhỏ mọc ra trên mặt, thì mình ăn chè Xâm bảo lượng. Ăn vừa ngon, mà vừa có tính cách trị liệu, vừa đưa lại niềm vui. Sự thực tập cũng phải như vậy, phải là thức ăn. Cho nên trong truyền thống thiền môn có câu Thiền duyệt vi thực, có nghĩa là cái hạnh phúc của sự thiền tập là thức ăn hàng ngày của mình.

Nói tóm lại, đến Làng Mai mà nắm được ba nguyên tắc miên mật, hiện pháp, và lạc trú mà thực tập, thì chỉ nội trong vài ngày là mình đã có thể thực hiện một sự đổi mới trong thân và trong tâm.

(Phiên tả Pháp thoại ngày 11-4-99 - Xóm Thượng - Làng Mai)

Trích Ebook Làng Mai: Truyền Thống Sinh Động Thiền Tập
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2021(Xem: 6763)
Cao nguyên Tây Tạng, ngoài Bắc cực và Nam cực, là bồn chứa băng tuyết to lớn nhất, và thường được xem là "Cực Thứ ba". Tây Tạng là nguồn cung cấp nước cho một số sông to lớn nhất trên thế giới, trong số đó gồm có sông Brahmaputra, sông Hằng, sông Indus, sông Mê-kông, sông Salween, sông Hoàng hà và sông Trường giang. Các con sông đó là nguồn sống, bởi vì chúng cung cấp nước uống, dẫn nước vào các hệ thống thủy lợi, giúp việc canh tác và sản xuất thủy điện, cho gần hai tỉ người trên khắp các vùng Á châu. Nhiều băng hà trên Tây Tạng tan thành nước, các công trình xây đập và đổi hướng sông ngòi, kể cả việc phá rừng quy mô đã khiến các hậu quả tạo ra bởi thái độ tắc trách về môi trường, ngày càng lan rộng khắp nơi.
09/11/2021(Xem: 5550)
Gần đây, tôi đã nhận lời mời của đài truyền hình trực tuyến quốc nội "thử niệm" (此念) để chia sẻ về Triết lý Giáo dục “tăng trưởng cuộc sống" (生命成長), trong hàng loạt bài Triết lý Giáo dục của Tôi. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.
09/11/2021(Xem: 9854)
Tứ Niệm Xứ là phương pháp thực hành thiền quán tập trung 4 đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Thực hành Tứ Niệm Xứ, giúp người tu có được cái nhìn sâu sắc về vô thường, từ đó loại bỏ được những phiền não trong cuộc sống hàng ngày.
09/11/2021(Xem: 5440)
Điều đầu tiên chúng ta nhận thức vật chất, phải thông qua cơ thể của chính mình. Thậm chí có thể nói rằng, con người biết đến sự tồn tại của ý thức, thông qua cảm giác của thân thể. Ảnh hưởng của thân thể lên ý thức là điều hiển nhiên, giống như sự khó chịu và đau đớn do bệnh tật gây ra, khiến chúng ta nhận thức được sự tồn tại khách quan của tứ khổ sinh, lão, bệnh, tử.
08/11/2021(Xem: 7158)
Huế, không khí vẫn bình lặng, sự bình lặng làm cho những ai quen sống cuộc đời phóng túng phải kinh hãi và họ kinh hãi là phải lắm, vì rất ít ai có khả năng nghe được tiếng nói từ bình lặng và hiến dâng trọn vẹn cho sự bình lặng đó. Ngày xưa, khi những vị giáo sĩ ngoại đạo tranh cãi nhau, làm cho không khí xáo động hết bình lặng, hoặc tình cờ, hoặc vì chủ đích, đức Phật đi đến giữa chúng tranh cãi ấy, thì trong chúng đó họ tự bảo nhau: “Đức Gotama đến kia kìa! Ngài là bậc an tịnh, trầm lặng, Ngài không muốn ồn ào!”. Họ nói với nhau như vậy xong, họ liền giữ sự im lặng mỗi khi gặp đức Thế Tôn.
08/11/2021(Xem: 7087)
Mùa xuân là hình ảnh của con người. Tâm của con người như thế nào, nó sẽ tạo ra mùa xuân cho con người đúng như thế ấy. Tâm của một người xấu thì không thể nào tạo ra một mùa xuân đẹp cho chính mình, huống hồ gì họ có thể tạo ra một mùa xuân đẹp cho gia đình và xã hội. Mùa xuân là hình ảnh của cộng đồng người. Tâm thức của cộng đồng người như thế nào, họ sẽ tạo ra mùa xuân cho chính cộng đồng của họ đúng như thế ấy. Tâm của một cộng đồng người đặt đức tin của họ vào những thế lực ngoại tại, thì tự thân của cộng đồng đó sẽ tạo ra những biểu tượng thần thánh để tôn sùng và tô vẽ cho mùa xuân của cộng đồng họ qua hình ảnh thánh thần.
08/11/2021(Xem: 8593)
Sáng ngày 6/11/2021, tại thôn Nà Danh, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Đại diện Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, và các nhà tài trợ doanh nhân Phật tử Công ty TNHH ToTo, Cục Hải Quan Hà Nội, Công ty Cổ Phần TM&DV Ngọc Hà, Công ty TNHH Kentetsu World Express Việt Nam, Công ty Cổ Phần Tư Vấn Công Nghệ Thiết Bị và Kiểm Định xây dựng CONINCO, cùng Đại diện Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Lê Lai đã tiến hành Khánh thành trường Mầm non trên địa bàn xã.
08/11/2021(Xem: 4792)
Thói quen của chúng sinh thường tự cho mình là trung tâm, và việc mãi mê những ham muốn vật chất không bao giờ thỏa mãn. Đối với mọi thứ trên đời, các bạn muốn sở hữu những thứ tốt, và từ chối những cái xấu, tức là tham lam và chán ghét. Khi tâm trí con người bị chi phối bởi hai thế lực này, họ không thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan, và cách đối nhân xử thế dễ bị trục trặc. Một số người nổi tiếng, nhưng họ thực sự có hạnh phúc? Một số người không ngần ngại sử dụng các phương tiện không chính đáng để đạt được danh và lợi, chẳng hạn như làm hại người khác vì lợi ích riêng cho bản thân, hoặc ức hiếp đánh đập những người mà họ không thích. Mọi người không ngừng suy nghĩ về sự khác biệt, và họ có thể cảm thấy tội lỗi khi tỉnh giấc lúc nửa đêm dài trong mộng. Nếu tâm không thể thanh thản thì khó có thể gọi là một cuộc sống hạnh phúc.
08/11/2021(Xem: 5212)
Vô Tầm Vô Tứ Định là tầng Định thứ hai trong bốn chi Thiền do đức Phật thiết lập. Bốn chi Thiền đó gồm Sơ Thiền tương xứng với Sơ Định hay Định Hữu Tầm Hữu Tứ, Nhị Thiền tương xứng với Vô Tầm Vô Tứ Định, Tam Thiền tương xứng với Xả hay An Chỉ Định, Tứ Thiền tương xứng với Chánh Định.
08/11/2021(Xem: 5484)
Tổ chức Từ thiện Xã hội Cộng sinh Toàn cầu và Thiếu Lâm Tự (소림사), thành phố Bucheon, Gyeonggi, Hàn Quốc đã hoàn thiện trong xây dựng ngôi Trường Tiểu học Bucheon Sorimsa (부천소림사초등학교) và trao tặng một nơi lý tưởng học tập cho các em thiếu niên tại Nepal.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]