Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Hiện Tại Lạc Trú

17/11/201209:19(Xem: 9862)
03. Hiện Tại Lạc Trú

Hiện Tại Lạc Trú

Thích Hạnh Bình

Sau khi xảy ra lần kiết tập thứ hai tại thành Ve xá ly (Vesˆli) Tăng già tranh luận về “Thập sự phi pháp”1, Phật giáo bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, là giai đoạn của các trào lưu tư tưởng trong Phật giáo xuất hiện, các nhà sử học Phật giáo gọi là: Thời kỳ Phật giáo Bộ phái (TCN 370~SCN150). Theo “Dị Bộ Tông Luân Luận”2, Thế Hữu (Vasumitra) cho rằng, có tối thiểu là 20 Bộ phái. Trong đó Hóa Địa Bộ (Mahi§Œsaka) có chủ trương: “Quá khứ, vị lai vô, hiện tại hữu”, có nghĩa là không có quá khứ và vị lai, chỉ có hiện tại. Thật ra, quan điểm này được giới nghiên cứu biết đến ngang qua các luận của phái Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ (SarvŒstivŒda) cụ thể là “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận” (Abhidharma-mahŒvibhŒ•a-§Œstra), là tác phẩm với nội dung tư tưởng, các nhà Hữu Bộ phản bát tư tưởng “Quá khứ vị lai vô” của Hóa Địa Bộ, để hình thành tư tưởng “Tam thế thật hữu pháp thể hằng tồn”3, có nghĩa là 3 thời (quá khứ hiện tại và vị lai) là thật có, thật tánh của các pháp tồn tại vĩnh viễn, cũng chính tư tưởng này trở thành đối tượng phê phán của Phật giáo Đại thừa, đó là lý do tại sao trong “Kinh Kim Cương” đưa ra quan điểm: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc và vị lại tâm cũng bất khả đắc”, đó là cách phản biện của Phật giáo Đại thừa. Quá trình phát triển tư tưởng của Phật giáo giống như cây đại thọ, sự trưởng thành và phát triển của nó theo trật tự thời gian và chịu ảnh hưởng của không gian. Qua đó nó cho chúng ta khá nhiều bài học từ quá khứ, và từ số liệu của hiện tại, nó cũng dự báo cho chúng ta những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Nội dung bài viết này, người viết không nhằm mục đích giới thiệu lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, cũng không có ý trình bày giới thiệu tư tưởng của phái Hóa Địa Bộ, chỉ đơn giản giới thiệu một bài kệ với nội dung đề cao thời gian hiện tại, được ghi chép trong “Kinh Tương Ưng Bộ” (Sa×yuttanikŒya), sau đó được các đại đệ tử Phật giải thích thành khá nhiều kinh trong “Kinh Trung Bộ” (MajjhimanikŒya) hay “Kinh Trung A Hàm” (MadhyamŒgama).

Với nội dung tư tưởng của bài kệ, người viết đặt nghi vấn: Phải chăng nó vốn là tư tưởng tiền thân của phái Hóa Địa Bộ ? Đúng hay không, nó không phải là chủ đề được thảo luận chính của bài viết này. Vấn đề chính vẫn là tìm hiểu Thế Tôn muốn gởi gắm gì cho chúng ta qua bài kệ này.

1. Tư liệu

Nếu như chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng, trong 5 bộ Nikˆya “Kinh Tương Ưng Bộ” (Sa×yuttanikŒya) là bộ kinh được kết tập sớm nhất, kê đến là “Kinh Trung Bộ” (MajjhimanikŒya), “Kinh Trường Bộ” (DighanikŒya), “Tăng Chi Bộ” (AºguttaranikŒya) và “Tiểu Bộ” (KhuddakanikŒya) thì bài kệ này được xuất hiện khá sớm trong “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, Chương I: Tương Ưng Chư Thiên, phẩm Cây Lau, Kinh Rừng Núi số 10, trang 18, HT. Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1993. với nội dung:

Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh lìa cành.

Cũng với nội dung này, sau đó đến “Kinh Trung Bộ” tập 3 được phát triển thành 4 kinh: Thứ nhất là “Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả” (Bhaddekarattasuttam) số 131, với nội dung gồm 2 phần tổng thuyết và biệt thuyết. Phần tổng thuyết bằng bài kệ 16 câu:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Và phần Biệt thuyết là lời giải thích của đức Phật về nội dung bài kệ này. Thứ hai, “Kinh A Nan Nhứt Dạ Hiền Giả” (Ananda bhaddekaratta suttam) với nội dung Tôn giả A Nan giảng giải bài kệ này; Thứ ba, “Kinh Đại Ca Chiên Diên Nhứt Dạ Hiền Giả” (Kaccana bhaddekaratta suttam) với nội dung Thế Tôn đọc bài kệ này cho Tôn giả Samiddhi nghe, sau đó Tôn giả Ca Chiên Diên giảng rộng ý nghĩa bài kệ này cho Tôn giả Samiddhi và các Tỷ kheo nghe, Thứ tư, “Kinh Lomasakangiya Nhứt Dạ Hiền Giả” (Lomasakangiya bhaddekarattasuttam) với nội dung đức Thế Tôn giảng bài kệ này cho Tôn giả Lomasakangiya..

Ngoài ra, phần Hán dịch, trong “Kinh Trung A Hàm” cũng có 3 kinh tương đương, như Số 165. “Kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên”, số 166 “Kinh Thiền Thất Tôn” và Kinh số 167 “Kinh A Nan Đà thuyết”. Vì để tiện độc giả so sánh, ở đây người viết xin trích bài kệ từ “Kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên” như sau:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
Tương lai cũng chớ mong cầu.
Quá khứ đã qua, đã mất,
Tương lai chưa đến, còn xa.
Hiện tại những gì đang có
Thì nên quán sát suy tư.
Niệm niệm mong manh không chắc,
Người khôn biết vậy nên tu.
Nếu có làm theo hạnh Thánh,
Ai hay nỗi chết ưu sầu.
Nhất định tránh xa sự chết;
Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
Như vậy thực hành tinh tấn,
Ngày đêm không chút biếng lười.
Vì vậy phải thường tụng đọc

Bạt-địa-la-đế kệ này.4

Đây là nguồn tư liệu liên quan đến bài kệ nhấn mạnh thời gian hiện tại, được ghi chép trong các kinh A Hàm và Nikaya. Về mặt hình thức, có thể nói bài kệ đầu tiên được ghi chép trong “Kinh Tương Ưng” tuy chỉ có 8 câu, nhưng ý nghĩa của nó cũng chẳng khác mấy so với bài kệ gồm 16 câu trong “Kinh Trung Bộ” hay “Kinh Trung A hàm”, nếu có khác nhau chăng nữa, chỉ là phần giải thích, tức là phần văn xuôi, mà trong kinh được đức Phật gọi bài kệ là phần Tổng thuyết (phần cương yếu), phần giải thích gọi là phần Biệt thuyết. Phần biệt thuyết cũng được gọi là phân tích (vibhanga) hay luận (abhidhamma). Từ điểm này, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rằng khi Thế Tôn còn tại thế, giáo pháp được đức Thế Tôn giảng dạy vẫn chưa tách ra thành 3 tạng, tức kinh luật và luận. điều đó có nghĩa rằng trong kinh có luật và luận.

Nội dung và ý nghĩa của bài kệ này được đức Phật xem như là những điều căn bản cho Phạm hạnh. Lý do nào đức Phật đề cao như vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung và ý nghĩa của nó ở phần dưới đây.

2. Nội dung và ý nghĩa của bài kệ

Đứng về mặt tương đối mà nói, không gian và thời gian là hai khái niệm làm nền tảng cơ bản cho sự nhận thức của con người, nhận thức mà không gắn liền với khái niệm không gian và thời gian thì vấn đề không thể nhận thức, khái niệm đúng sai, tốt xấu, thiện ác, luật pháp… không thể thiết lập. Ví dụ, trước năm 1980 hoàn cảnh của ông A ở Việt nam rất nghèo, vì quá vất vả nên phát sinh nhiều bịnh tật. Sau đó 1 năm ông A được bão lãnh sang định cư ở Mỹ, kể từ đó đời sống kinh tế của ông cũng theo đó thay đổi, bịnh tật cũng thuyên giảm. Qua câu chuyện này, nó cho ta hiểu về nguyên tắc nhận thức bao giờ cũng gắn liền với thời gian và không gian, nếu chúng ta muốn hiểu ông A này mà bỏ móc thời gian trước và sau năm 1980 và không gian Việt Nam và Mỹ thì chúng ta không thể nhận thức một cách chính xác về ông A trước và sau móc thời gian và không gian này. Câu chuyện triết học cái trứng sinh con gà hay con gà sinh cái trứng không biết được cái nào sinh cái nào, vì chúng ta đã cắt khái niệm thời gian và không gian khỏi chúng, nếu chúng ta căn cứ vào khái niệm không gian và thời gian để lý giải cái nào sinh ra cái nào, thì vấn đề không khó khăn. Một tháng trước tôi thấy nhà ông A con gà sinh ra cái trứng, tôi được quyền nói như vậy, và ngày hôm qua chị B thấy nhà anh D cái trứng sinh ra con gà. Chị B cũng được quyền phát biểu như vậy. Cả hai người phát biểu đều đúng, vì trên thực tế là như thế. Nhờ vào khái niệm không gian và thời gian này mà các trật tự xã hội cũng được thành lập và có giá trị, ngay cả khái niệm đạo đức cũng phải dựa vào hai khái niệm này.

Thế thì tại sao nội dung bài kệ này khuyên chúng ta ‘đừng nghĩ về quá khứ, đừng mơ về tương lai, hãy sống trong hiện tại’, điều đó có ý nghĩa gì ? phải chăng nó nghịch lại với nguyên tắc nhận thức của con người ? Để vấn đề được nhận thức một cách trung thực và khách quan, chúng ta nên căn cứ vào kinh văn để phân tích. Theo “Kinh Đại Ca Chiên Diên Nhứt Dạ Hiền Giả” Tôn giả Ma ha Ca Chiên Diên giải thích sự nguy hiểm của việc truy tìm quá khứ và khuyên chúng ta không nên truy tìm quá khứ:

Này chư Hiền, thế nào là truy tìm quá khứ ? "Mắt của tôi trong thời quá khứ là như vậy". Các sắc pháp là như vậy, và thức ở đấy bị ái và dục trói chặt. Vì thức bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Vì hân hoan trong ấy, vị ấy truy tìm quá khứ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý… Vì hân hoan trong ấy, vị ấy truy tìm quá khứ.5

Và này chư Hiền, thế nào là không truy tìm quá khứ? "Mắt của tôi trong thời quá khứ là như vậy. Các sắc pháp là như vậy", và thức ở đây không bị dục và ái trói chặt. Vì thức không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Vì không hân hoan trong ấy, vị ấy không truy tìm quá khứ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý … Như vậy, này chư Hiền, là không truy tìm quá khứ.6

Ở đây, Tôn giả Ca Chiên Diên lấy 6 nội xứ là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý làm chủ đề để thảo luận về con người. Con người gồm hai phương diện thân và tâm. Thân gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm tức là ý. Nói đến thân là nói đến sắc đẹp, thuộc về trạng thái của thân thể của con người; nói về ý là nói về tư tưởng, quan điểm. Sự tồn tại của con người là sự tồn tại luôn gắn liền với thời gian và không gian. Về mặt thời gian con người tồn tại theo định luật từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại hướng về tương lại. Quá khứ là thời gian đã qua, đã mất, không còn giá trị, nếu có đi chăng nữa chỉ là những dấu tích lịch sử, để con người rút ra bài học, xây dựng một cái gì đó cho hiện tại. Thế nhưng con người không tôn trọng sự thật đó, lại có thái độ xua đuổi cố quên đi những điểm xấu của mình, nếu như có ai đó vô tình hoặc cố ý nhắc lại một việc gì đó không mấy đẹp của mình trong quá khứ, tự nhiên lòng cảm thấy không vui, ngay lập tức không có thiện cảm với người nói, đôi khi sinh giận hờn thù oán với người đó; Ngược lại, nếu ai đó nhắc lại những gì hay đẹp của mình trong quá khứ, tự nhiên lòng cảm thấy rất vui, cho rằng người nói là người hiểu mình và cảm thấy rất thân thiện với người đó, mặc dù hiện giờ mình không còn như trước, hoặc đôi khi lời ca ngợi đó chỉ là lời nịnh bợ, có ý đồ không tốt, muốn lợi dụng việc gì đó, thế nhưng người nghe vẫn thích nghe những lời nói ấy. Đó là trạng thái tâm lý nuối tiếc quá khứ.

Liên quan vấn đề này, chúng ta cũng nên lấy một vài kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày để hiểu sâu hơn về lời dạy của đức Phật. Giả sử nếu chúng ta là người mẫu trước đây, từng nổi danh một thời, hiện giờ mình là một người đứng tuổi, thân hình không còn như xưa nữa, thế hệ sau vừa trẻ vừa đẹp đã thay thế mình, nói một cách khác đã bị xã hội đào thải. Nghĩ lại thời ấy, biết bao niềm vui, kẻ đưa người đón, biết bao người thương mến nuông chìu… bây giờ thì ngược lại, càng nghĩ càng buồn, càng so sánh càng tủi thân. Tại sao buồn và tủi thân, phải chăng người ấy không chấp nhận thực tại? sống với tâm mơ tưởng tiếc nuối quá khứ quá nhiều ? Nổi buồn đó chính là thái độ tiếc nuối về quá khứ, không chấp nhận hiện tại. Một ví dụ khác, nếu chúng ta là người có chức có quyền trước đây, tâm lý tiếc nuối quá khứ cũng không sao tránh khỏi. Người ấy, nghĩ rằng ngày xưa mình như thế này như thế nọ, quyền hành trong tay, đối với cấp dưới mình có quyền quyết định theo ý mình. Thế nhưng, trên thực tế bây giờ mình đã là người già người về hưu, không còn tại chức nữa. Vị trí chức vụ đã thay đổi, thế nhưng tâm lý và thái độ lãnh đạo của quan lớn đó vẫn chưa thay đổi theo tuổi , vị trí thực tế của mình trong xã hội. Từ đó phát sinh sự xung đột không những chỉ ở xã hội mà ngay cả trong gia đình của chính mình, và dường như mọi người có thái độ kính nhi viễn chi muốn xa lánh. Tại sao ? Nếu như đó không phải là thái độ không chấp nhận hiện tại, sống nuối tiếc về quá khứ thì là cái gì ?

Người đó đã quên một điều cơ bản là sự nhầm lẫn giữa sinh hoạt tình cảm và lý trí. Tình cảm là lãnh vực hoạt động thuộc trái tim và lý trí là lãnh vực hoạt động của trí óc, chức năng của trái tim để thương yêu làm chất liệu để sống; chức năng của khối óc để giải quyết công việc. Trong cuộc sống gia đình, nếu chúng ta không dùng trái tim để chia sẽ tình cảm, mà lại lấy sự tính toán chi li, rạch ròi của trí óc bộc lộ tình cảm thì tình cảm đó chẳng khác nào các phép tính, điều đó tạo thành cuộc sống cứng ngắt, khuôn sáo thiếu thú vị. Nói một cách khác, nếu chúng ta lấy phong cách làm việc của cơ quan đối sử với vợ con trong gia đình, nó là nguyên nhân sâu xa đổ vỡ hạnh phúc. Cũng vậy, đối sử với bạn bè thì bạn bè cũng xa lánh. Nguyên nhân chính của vấn đề là sự sai lầm của nhận thức, hay nói một cách cụ thể hơn là sự nhầm lẫn không gian và thời gian. Nhầm lẫn không gian là sự nhầm lẫn biến gia đình thành công sở, nhầm lẫn thời gian là sự nhầm lẫn tưởng sinh hoạt gia đình là công sở.

Thái độ không chấp nhận cuộc sống thực tại, luôn mơ tưởng và nuối tiếc thời quá khứ là con dao vô hình giết dần giết mòn những hạnh phúc trong hiện tại và ngay cả tương lai. Quá tô hồng về những gì trong quá khứ, điều đó đồng nghĩa hiện tại chỉ có khổ đau và tương lai buồn chán. Đó là ý nghĩa câu:

…….

Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh lìa cành.

Thử hỏi, chúng ta lấy tiêu chuẩn nào để làm cuộc so sánh bảo rằng hiện tại không đẹp bằng quá khứ? mối tình đầu là mối tình đẹp nhất ? Nếu mối tình đầu ấy không tan vỡ trở thành vợ chồng thì mối tình ấy có đẹp không? Nếu câu trả lời là không thì khái niệm đẹp chỉ vì bị tan vỡ và lòng nuối tiếc, trong ấy mang theo khá nhiều ảo tưởng và nhận định cảm tính. Như vậy tại sao chúng ta lại lấy cái quá khứ để làm một tiêu chuẩn cho hiện tại và tương lai, để rồi sống trong sự tiếc nuối buồn đau? Nghĩ cho cùng, chính mình cũng không công bình với mình, nếu như quá khứ là những gì xấu xa không đẹp thì mình lại cố tình quên đi, cũng không muốn ai đề cập, tại sao cái đẹp thì nuối tiếc cái xấu thì cố quên? Thật ra, thời gian và không gian nào cũng có cái ưu và khuyết điểm của nó, con người sống trong đó có được hạnh phúc hay không là sự khôn ngoan của con người, biết lựa chọn và biết thích hợp với không gian và thời gian, nói cách khác không có thời gian, không gian nào chỉ thuần có khổ đau hay hạnh phúc. Đó là ý nghĩa và lý do tại sao đức Phật khuyên con người không nên có thái độ quá nuối tiếc về quá khứ.

Nếu như sống quá mơ tưởng và nuối tiếc về quá khứ là một trong những nguyên nhân mang lại khổ đau cho đời người, thì thái độ sống quá mơ ước về tương lại cũng là nhân tố gây ra khổ đau. Để mô tả ý này, cũng trong kinh này đức Phật phân tích

Và này chư Hiền, thế nào là ước vọng tương lai ? "Mong rằng mắt của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các sắc pháp là như vậy", và vị ấy hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Vì duyên hướng tâm như vậy, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy ước vọng tương lai. "Mong rằng tai của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các tiếng là như vậy... (như trên)... Mong rằng mũi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các hương là như vậy... (như trên)... Mong rằng lưỡi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các vị là như vậy... (như trên)... Mong rằng thân của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các xúc là như vậy... (như trên)... Mong rằng ý của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các pháp là như vậy", và vị ấy hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Vì duyên hướng tâm như vậy, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy ước vọng tương lai. Như vậy, này chư Hiền là ước vọng tương lai.

Và này chư Hiền, thế nào là không ước vọng tương lai? Mong rằng mắt của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các sắc pháp là như vậy". Vị ấy không hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Do duyên không hướng tâm, vị ấy không hân hoan trong ấy, vị ấy không có ước vọng tương lai. "Mong rằng tai của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các tiếng là như vậy ... (như trên) ... Mong rằng mũi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các hương là như vậy ... (như trên) ... Mong rằng lưỡi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các vị là như vậy ... (như trên) ... Mong rằng thân của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các xúc là như vậy ... (như trên) ... Mong rằng ý của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các pháp là như vậy". Vị ấy không hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Do duyên không hướng tâm, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không có ước vọng tương lai. Như vậy, này chư Hiền, là không ước vọng tương lai.

Quá khứ là thời gian đã trôi qua, cái gì đã qua thì không thể níu lại được, nếu không níu kéo lại được mà tâm nuối tiếc quá khứ tạo thành đau khổ. Cũng vậy, tương lai là thời gian chưa đến, chưa đến mà đặt hy vọng quá nhiều ở tương lai cũng là nhân tố sinh ra khổ đau. Tại sao? vì thời gian không bao giờ ngừng trôi, không gian lại luôn biến đổi, con người sinh tồn trong không gian và thời gian đầy biến động đó lại không chịu ảnh hưởng luật vô thường sao? Hơn nữa bản thân con người cũng là một hợp thể của nhân duyên, và nhận thức của con người cũng được hình thành theo sự chuyển biến của không gian và thời gian. Tất cả mọi vật đều vô thường, ngay cả nhận thức con người, thì làm thế nào để đoan chắc mơ ước tương lai như thế này hay thế khác? Nếu như có đi chăng nửa chỉ là những giả định một ước mơ mà thôi, chúng được xây dựng từ những yếu tố hiện tại, nhưng từ hiện tại đến tương lai lại phải trải qua một khoảng thời gian, thời gian đó lại tiếp tục vô thường. Thế thì không có nhân tố nào mang tính vững chắc để quyết định tương lai như thế này hay thế kia. Mọi vật đều biến đổi mà nhận thức của con người lại không thay đổi cho nên khổ sinh. Khổ ấy không phải do vô thường mà do không chấp nhận vô thường hay nói cách khác do quá mơ ước về tương lai. Mơ ước mà không thành là niềm đau là sự xót xa cay đắng. Những cô dâu Việt Nam xây ước mơ lấy chồng ngoại, để mong thay đổi cuộc sống nghèo khổ của chính mình và của gia đình, nhưng sự thật thì không như vậy, ước mơ sụp đổ tạo thành nổi đau của những nổi đau. Cụ thể và rõ ràng nhất từ câu chuyện “Tài sản lớn nhất của mẹ” của Phóng viên: Nguyễn văn Tiến Hùng - Yến Trinh thực hiện, được đăng trên trang Website: www.tuoitre.com.vn ngày thứ hai, 27/08/2007, với nội dung nói lên nổi đau của người mẹ khi tan vỡ giấc mơ đẹp về người con gái độc nhất yêu thương của mình (Xin đọc phần phụ lục). Thật ra câu chuyện thương đau như thế này không chỉ có một mà có muôn ngàn câu chuyện đau thương khác nhau ở trong xã hội Việt Nam cũng như khắp quả địa cầu. Đó chính là ý nghĩa câu kệ:

Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,

Hay

Do mong việc sắp tới,
(Do than việc đã qua,)
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh lìa cành.

Hầu như mọi người chúng ta ai ai cũng xây dựng cho mình một ước cho tương lai, thế nhưng ước mơ đó có được thành tựu hay không, tùy thuộc rất nhiều yếu tố nhân duyên, một trong những nhân duyên đó ly tán đều có thể làm cho giấc mơ tan vỡ, có thể một đời xây dựng, nhưng chỉ trong chốc lát biến giấc mơ thành mây thành khói. Vô thường chính là chiếc búa vô hình luôn rình rập bên ta và sẵn sàng phá vỡ tất cả khi hội đủ nhân duyên, không tương nhượng bất cứ ai. Quả là

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết.

Thế mà đời người nếu như không sống nuối tiếc về quá khứ, thì mơ ước về tương lai. Nói như thế không đồng nghĩa đạo Phật chối bỏ quá khứ, không màng đến đời sống tương lai. Đạo Phật xem quá khứ như là bài học kinh nghiệm cho hiện tại, xem tương lai như là mục tiêu hướng đến, và xem hiện tại như là nền tảng cho những gì ở tương lai. Mục đích hướng đến tương lai nhưng phải xây dựng từ hiện tại, vì hiện tại chính là cơ sở cho tương lai. Nếu hiện tại là những nhân tố tốt thì tương lai không thể xấu, nếu hiện tại là những nhân xấu thì tương lai không thể tươi sáng. Do vậy, củng cố và xây dựng tốt cho hiện tại, điều đó đồng nghĩa xây dựng ước mơ tốt đẹp cho tương lai; Nếu xem thường phút giây hiện tại, chỉ biết xây dựng cái gì đó ở tương lai, điều đó chẳng khác nào không học vỡ lòng đòi học Đại học. Đây chính là ý nghĩa câu kệ:

Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển,
Biết vậy nên tu tập.

Trong 3 thời gian: quá khứ hiện tại và tương lai. Quá khứ là thời gian đã qua, vị lai là thời gian chưa đến, hiện tại là thời gian con người đang sống và đang làm việc. Sự sống đó vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào cách giải quyết hợp lý hay không hợp lý của con người. Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích như sau:

Và này chư Hiền, thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại ? Này chư Hiền, nếu mắt và các sắc pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Này chư Hiền, nếu tai và các tiếng... (như trên)... nếu mũi và các hương ... (như trên)... ; nếu lưỡi và các vị... (như trên)... ; nếu thân và các xúc... (như trên)...

Và này chư Hiền, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại ? Này chư Hiền, nếu mắt và các sắc pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Này chư Hiền, nếu tai và các tiếng.. (như trên).. Này chư Hiền, nếu mũi và các hương.. (như trên)... Này chư Hiền, nếu lưỡi và các vị ... (như trên)...

Con người tiếp xúc với thế giới ngoại tại ngang qua 5 giác quan bên ngoài là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và một cơ quan bên trong là ý. Đối tượng của 5 giác quan bên ngoài là màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon ngọt, xúc chạm, và một đối tượng bên trong là pháp (tức là hình ảnh của sắc thinh hương vị xúc). Trong khi 5 giác quan này tiếp xúc với đối tượng tốt đẹp dễ mến thì tâm (ý) liền đắm trước chiếm đoạt đối tượng ấy, muốn mà không được cho nên khổ sinh; Ngược lại, khi 5 giác quan (căn) tiếp xúc với 5 đối tượng (trần), nếu đối tượng đó là cái không đẹp khả ái thì tâm sân hận nổi lên, vì không muốn mà vẫn phải tiếp xúc, cho nên khổ sinh. Cả hai trường hợp này đều phát sinh khổ, không phải chỉ có đối tượng khả ái. Tại sao ? nguyên nhân chính của vấn đề là với tâm vô minh (vô tri) thì tiếp xúc với đối tượng nào cũng sinh khổ, giống như người chột mắt, dù có sắc đẹp hay sắc xấu đều không thấy cả, chứ không phải chỉ không thấy sắc đẹp.

Thế thì làm thế nào để chấm dứt khổ đau ấy ? Theo nhà Phật chỉ có sự nhận thức đúng, tức là khi 5 giác quan tiếp xúc với 5 trần không bị 5 trần chi phối, ái nhiễm hay sân hận, cho nên không rơi vào khổ đau. Lý do khiến tâm không rơi vào sự chi phối chính là trí tuệ, chỉ có vai trò trí tuệ mới có khả năng thấy rõ thực tướng của các pháp, và chỉ đạo cho tâm đối sử với các pháp một cách hợp lý, mới thoát khỏi khổ đau. Đây chính là ý nghĩa của đoạn kinh vừa dẫn được Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích.

Thật ra, ý nghĩa của 3 thời được Tôn giả Ma ha Ca Chiên Diên giải thích trong bài kinh này, nhấn mạnh thái độ của con người đối với các pháp, nếu với tâm si ám sẽ bị dao động bỡi sự đẹp xấu của các pháp mà sinh vui buồn, và ngược lại với tâm sáng suốt sẽ không bị dao động bỡi sự đẹp xấu của các pháp, do vậy tâm không sinh vui buồn. Trong khi đó ý nghĩa lại nhấn mạnh vai trò hiện tại trong 3 thời. Không nên hồi tưởng hay truy tìm về quá khứ quá nhiều, vì quá khứ là cái đã qua, không quay trở lại; Ngược lại vị lai là những gì chưa đến, sống quá đặt nặng về tương lai, dễ sinh chán nản thất vọng, vì từ hiện tại đến tương lai còn nhiều điều chuyển biến đổi thay. Dẫn rằng, 3 điểm thời gian chúng có sự liên hệ với nhau, nhưng trong đó thời gian hiện tại là quan trọng nhất. Hiện tại là cơ sở để hình thành cái ước mơ ở tương lai, ước mơ đó có được thành tựu hay không, tùy thuộc nhiều nhân tố, nhưng trong đó nhân tố cơ bản nhất là trong thời gian hiện tại đã làm được gì, nếu hiện tại là số không thì tương lai làm sao mà có được. Cũng vậy, muốn cầu sinh vào cõi Cực Lạc hay thành Phật thì hiện tại làm sao cho hạt giống giác ngộ, tức hạt giống Phật nẩy mầm đâm chồi nẩy lộc , thì tương lai mới trổ quả Phật, nếu hiện tại không trồng hạt giống giác ngộ mà lại trồng hạt giống si mê thì làm sao về được cõi Phật trong tương lai ? Đó chính là lý do tại sao đức Phật nhấn mạnh vai trò hiện tại.

Ở đây, chúng ta có thể lấy hai nền văn hóa Đông Tây để làm rõ thêm về ý nghĩa bài kệ này. Người Việt Nam nói riêng hay người Đông Phương nói chung rất chú trọng đến ngày mất. Ngày ấy, người thân sắm sửa nhiều lễ vật để hiến cúng cho người thân, nhưng lúc sinh tiền ngày sinh nhật của người thân không mấy ai chú ý, lại xem đó như là chuyện vô ích lãng phí và phô trương. Thế nhưng, cách suy nghĩ người Tây Phương thì ngược lại, họ rất chú trọng ngày sinh nhật hơn là ngày mất, ngày sinh nhật phải là một ngày vui, tổ chức tiệc tùng, còn ngày mất là ngày buồn kỷ niệm đơn giản.

Một ví dụ khác, người Việt (Đông Phương) chúng ta có tính hay lo xa, lo cho chồng, lo cho con, cho bà con cho hàng xóm, lo cho kiếp sau…nhưng bản thân mình thì không lo, lo cho kiếp sau, nhưng kiếp này chẳng lo. Tính hay lo xa này, có điều hay nhưng trong đó mang theo nhiều điểm xấu. Vì quá lo cho người khác, vô tình trở thành thái độ khống chế, làm cho cuộc sống của họ mất tự do, cảm giác bị dòm ngó theo dõi, chăm sóc lo cho mà đối phương không chấp nhận trở thành giận hờn. Nếu là người có tín ngưỡng tôn giáo thì lo nghĩ quá nghiều cho kiếp sau, nhưng kiếp này lại chẳng lo. Ví dụ tiềm hiểu về kiếp sau, làm việc gì để kiếp sau được sinh vào cõi lành. Thế nhưng người ta ít tìm hiểu làm thế nào để cuộc sống này được an lạc hạnh phúc. Nhưng quan điểm sống của người Tây Phương thì không như vậy, suy nhĩ của họ thực tế hơn, họ quan tâm cuộc sống hiện tại nhiều hơn là kiếp sống mai sau, nghĩ cho mình nhiều hơn là nghĩ cho người khác, do vậy cách giáo dục của họ nhằm giúp cho con người biết sống tự lập. Nếu như mọi người đều ý thức về đời sống tự lập, tự làm chủ lấy mình, không nương tựa vào kẻ khác, thì đó là động lực cơ bản kích hoạt tinh thần cầu tiến, nổ lực học tập, trao dồi kiến thức, nó cũng là yếu tố để con người biết bổn phận và trách nhiệm. Thật ra tinh thần này chính là tinh thần “Ngươi là hoàn đảo chính mình, còn ai khác hơn để ngươi nương tựa”, được đức Phật lập đi lập lại nhiều lần trong các kinh A hàm và Nikaya.

3. Lời kết

Về mặt hình thức sinh hoạt, Phật giáo là một tôn giáo như bao Tôn giáo khác, nhưng Phật giáo không phủ nhận giá trị và vai trò của đời sống hiện tại, đề cao đời sống kiếp sau; ngược lại cho rằng, cuộc sống của kiếp này như thế nào chính là cơ sở để hình thành kiếp sau. Như vậy, kiếp này là nhân kiếp sau là quả. Nếu như quả từ nhân mà có thì vấn đề của chúng ta là lo gieo nhân chứ không phải lo gặt quả, vì nhân đã trồng thì quả phải gặt. Cũng vậy, muốn kiếp sau có đời sống tốt đẹp thì đời sống này phải gieo nhân lành, nhân lành chính mình đã gieo thì quả lành cũng chính mình phải gặt, không ai có thể thay thế, đó là đạo luật nhân quả. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần quan tâm ở cuộc sống hiện tại này, không phải là cuộc sống khác.

Một cách tương đối mà nói, thời gian và không gian là điểm tựa cho con người nhận thức. Nói một cách khác, không có khái niệm không gian và thời gian thì con người không thể nhân thức một vấn để gì, luật pháp hay trật tự đạo đức xã hội không thể hình thành, vì con người có sự quan hệ mật thiết với không gian (xã hội) và thời gian, không gian và thời gian thay đổi thì nhân thức con người cũng thay đổi theo, luật pháp là những qui điều được thiết lập theo từng thời kỳ và từng xã hội, không cố định. Do vậy, không có không gian và thời gian con người không thể nhận thức được sự vật. Đây là nguyên tắc cho sự nhận thức.

Về mặt thời gian, quá khứ là những bài học đáng quí giúp con người hiểu được những vấn đề trong hiện tại hơn. Vị lai là thời gian chưa đến, nhưng không vì chưa đến mà phủ nhận tương lai. Hiện tại là thời gian đang trôi qua, con người đang sống trong ấy. Nếu như đã có quá khứ thì phải có hiện tại, hiện tại đã có thì phải có tương lai. Tương lai đó như thế nào đều tùy thuộc vào hiện tại. Do vậy, chúng ta cần phải biết trân trọng giây phút hiện tại, xem đó như là hạt mầm cho giấc mơ tương lai.

_____________________________________

KINH SÁCH THAM KHẢO

- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành năm 1993.

- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1,2 và 3, Viện NCPHVN ấn hành.

- Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong bộ “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh” tập 3, Hội Văn Hóa Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, năm 2000.

-《異部宗輪論》: (CBETA, T49, no. 2031).

-《大毗婆沙論》: (CBETA, T27,No.1545).

1 1. Thức ăn được muối có thể để qua đêm, 2. Quá giờ ngọ 2 ngón tay có thểđược ăn, 3. Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ, rồi ngồi ăn lại vẫn hợp pháp, 4.Tỳ kheo ăn xong, đi sang nơi khác ăn thêm vẫn hợp pháp, 5. Tỳ kheo dùng sữa đường hòa lại uống ngoài bữa ăn chính vẫn hợp pháp, 6/ Tỳ kheo uống rượu tự chế biến từ trái cây vẫn hợp pháp, 7. Tỳ kheo tùy ý làm tọa cụ lớn hoặc nhỏ vừa với mình vẫn hợp pháp, 8. Tỳ kheo có thể làm những việc mà lúc còn cư sĩ đã làm vẫn hợp pháp, tất nhiên có việc có thể làm được và có việc không thể làm được, 9. Trong một trú xứ có một nhóm Tỳ kheo làm pháp yết ma riêng, sau đó đến yêu cầu chúng Tăng chấp nhận pháp yết ma ấy vẫn hợp pháp, 10. Tỳ kheo có thể thu nhận và cất giữ vàng bạc, tiền của vẫn hợp pháp.

2 Thế Hữ u tạo, Pháp sư Huyền Trang dịch, “Dị Bộ Tông Luân Luận” (異部宗輪論:CBETA, T49, no. 2031).

3 《大毗婆沙論》:「若有異熟因在現在世時,彼所得果當言在何世?過去耶?未來耶?現在耶?若言在過去,應說有過去﹔若言在未來,應說有未來…若言彼因不在三世,彼應無因…若無因者,果亦應無。」 (CBETA, T27,No.1545,p.393a~b).

4 Trích từ: http://www.quangduc.com/kinhdien/Trungaham/trungah13-165.html

5 HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, 2001, trang 460.

6 HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, 2001, trang 460~461.

(CÙNG TÁC GIẢ/ DỊCH GIẢ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2010(Xem: 6545)
Năm giờ sáng, mây xám tuy mỏng, nhưng che phủ bầu trời, che cả những vì sao muộn khiến không gian ẩm tối, lạnh lẽo và rưng rức quạnh hiu! Vậy mà có vị Phật lặng thinh ngồi đó...
04/12/2010(Xem: 6391)
Nói đến chữ tu, có người lầm tưởng rằng phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ con để tìm nơi non cao thanh vắng, hoặc ở chùa, ở am mới gọi là tu. Không phải như thế đâu, tu có nghĩa là sửa đổi, trau dồi. Sửa là sửa hư, sửa sai, sửa lạc lầm, sửa xấu thành tốt, sửa dữ thành hiền, tà vạy thành ngay thẳng, tối tăm thành sáng suốt, si mê thành giác ngộ, phàm phu thành thánh hiền, chúng sanh thành Phật, sanh-tử thành Niết-Bàn.
03/12/2010(Xem: 5552)
Một đệ tử đang ở trong tù viết thư cho Rinpoche khẩn cầu ngài ban những thực hành cho quãng đời còn lại của anh. Rinpoche đã trả lời như sau. Bài do Michelle Bernard biên tập.
03/12/2010(Xem: 17973)
Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng.
30/11/2010(Xem: 11674)
Đức Phật dạy rằng nếu muốn tự giải thoát ra khỏi thế giới Ta bà thì phải tuân theo ba lời giáo huấn tối thượng như sau : đạo đức, chú tâm và trí tuệ. Khi nào biết noi theo ba lời giáo huấn ấy thì ta sẽ đạt được sự giải thoát cá nhân...
28/11/2010(Xem: 8099)
Lâu lắm chúng tôi không có cơ hội về giảng cũng như nhắc nhở sự tu hành cho toàn thể chư Tăng Ni ở khu Đại Tòng Lâm. Hôm nay được ban tổ chức trường hạ Đại Tòng Lâm mời về thăm và nói chuyện với tất cả Tăng Ni và Phật tử nơi đây, tôi liền hoan hỉ chấp nhận.
27/11/2010(Xem: 11560)
Trong khi Đức Phật tạo mọi nỗ lực để dẫn dắt hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến những tiến bộ tâm linh cao cả nhất, Ngài cũng nỗ lực để hướng dẫn hàng đệ tử cư sĩ tiến đến sự thành công...
25/11/2010(Xem: 26735)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
25/11/2010(Xem: 12913)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câuphát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nàocũng được. Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sáchtheo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vềPhật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo chọn lọc từ các bài diễn văn,phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
23/11/2010(Xem: 7072)
Chiếc y của người xuất gia Phật giáo biểu trưng cho sự thanh bần, giản đơn, và quan trong hơn cả là nó nối kết người mặc với vị thầy bổn sư của mình - Đức Phật...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]