Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Giới Thiệu

21/09/201202:13(Xem: 5388)
Lời Giới Thiệu

Cốt Lõi Của Cội Bồ Đề

Buddhadasa Bhikkhu

Hoang Phong
chuyển ngữ

cotloicuacoibode

Lời giới thiệu

(của người dịch)

Vào những ngày cuối năm 1961 bước sang đầu năm 1962, một nhóm tu học Phật Pháp của nhân viên bệnh viện Siriraj ở Bangkok có mời một nhà sư Thái Lan là Buddhadasa Bikkhu đến thuyết giảng trong ba ngày. Nội dung của ba buổi thuyết giảng được ghi lại và in thành một quyển sách nhỏ. Mãi đến năm 1983 tức là 21 năm sau đó thì quyển sách này được dịch sang tiếng Anhvới tựa đề là "Heartwood of the Bodhi tree"(Cốt lõi của cội Bồ-đề).

Từ đó đến nay quyển sách này ngày càng được nhiều người biết đến và đã được liên tục tái bản, đồng thời cũng đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác. Năm 2011 quyển sách này được bà Jeanne Schut một đệ tử người Pháp của vị đại sư Ajhan Chah dịch sang tiếng Pháp với tựa đề "Le coeur du message du Bouddha"(Tâm điểm thông điệp của Đức Phật) với một văn phong sáng sủa và bóng bẩy. Bản chuyển ngữ tiếng Việt được dựa vào cả hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp trên đây.

Mãi đến năm 2006, tức là bốn mươi bốn năm sau khi ấn bản tiếng Thái được phát hành và cũng là mười ba năm sau khi Buddhadasa qua đời thì quyển sách này đã được cơ quan UNESCO chính thức đưa vào danh sách các tác phẩm thuộc gia tài văn hóa của nhân loại. Đồng thời cũng vào dịp này UNESCO đã vinh danh và thừa nhận Buddhadasa là một nhà tư tưởng thượng thặng và uyên bác về Phật Giáo.

Buddhadasa xuất gia năm 1926 khi vừa được hai mươi tuổi. Sau vài năm tu học trong một ngôi chùa tại Bangkok ông nhận ra rằng "sự tinh khiết không thể nào tìm thấy ở những thành phố lớn", nên bèn rời chùa và trở về quê ông ở miền nam Thái Lan. Ông dốc lòng sửa lại một ngôi chùa hoang phế và đến năm 1932 thì biến ngôi chùa này thành một trung tâm giảng dạy Phật Pháp rất nổi tiếng tên là "Suan Mokkhabalarama"(có nghĩa là "Khu vườn Giác Ngộ"và thường được gọi tắt là "Suan Mokkh"), một trong những nơi đầu tiên tại Thái Lan giảng dạy về thiền Minh Sát (Vipassana).

Buddhadasa rất nhiệt tâm và bền chí trong việc nghiên cứu Tam Tạng Kinh và các tập sách bình giải bằng tiếng Pa-li. Ông chủ trương phải tìm lại sự tinh khiết nguyên thủy cho Phật Giáo. Tuy nhiên ông cũng nghiên cứu và tìm hiểu các tôn giáo khác và giữ một mối bang giao rất cởi mở với các tôn giáo này.

Trên phương diện thuyết giảng và quảng bá Đạo Pháp thì Buddhadasa chủ trương chỉ nêu lên những điều chủ yếu, thiết thực và thật cần thiết nhằm giúp người tu tập loại bỏ được khổ đau và đạt được giác ngộ một cách trực tiếp và nhanh chóng. Ông không nêu lên các khái niệm mang tính cách triết học hay đơn thuần tín ngưỡng, vì theo ông đấy là những gì không thiết thực. Chính vì điểm này mà nhiều người thường hiểu lầm và xem Buddhadasa thuộc vào nhóm các học giả và các người tu tập Tây Phương chủ trương "duy lý hóa" và "khoa học hóa" Phật Giáo, mà người đầu đàn của khuynh hướng này là một thiền sư người Anh tên là Stephen Bachelor.

Quyển sách gồm ba phần, ghi lại nội dung của ba buổi thuyết giảng như sau:

Phần I: Những điểm chính yếu nhất trong giáo huấn của Đức Phật

Phần II: Tánh không là gì

Phần III: Phải luyện tập như thế nào để thường trú trong tánh không.

Trong phần thứ nhất Buddhadasa nêu lên mục đích chủ yếu nhất của Đạo Pháp là giúp con người loại bỏ khổ đau. Thế nhưng tại sao con người lại khổ đau? Chẳng qua bởi vì con người luôn tìm cách nắm bắt và bám víu vào "cái tôi" và cái "của tôi", và sự nắm bắt và bám víu sai lầm đó đã làm phát sinh ra một căn bệnh trầm kha mang tính cách bản năng và nội tại nơi mỗi con người. Buddhadasa gọi căn bệnh ấy là "căn bệnh tâm linh" và phương thuốc chữa trị là cách luyện tập nhằm giúp mỗi người thực hiện được bản chất vô ngã của chính mình và của mọi sự vật.

Vì thế, theo một cách nhìn nào đó nếu chúng ta một mặt thì tu tập Đạo Pháp và một mặt thì lại cứ khư khư bám víu vào "cái tôi" và cái "của tôi" hay bất cứ một thứ gì khác - dù đấy là niết-bàn, sự giác ngộ hay sự giải thoát - thì đấy cũng chỉ là cách tự tạo ra cho mình một tình trạng mâu thuẫn với chính mình để rồi lại đưa đến mọi thứ khổ đau khác mà thôi. Những thứ khổ đau ấy đôi khi rất tinh tế và kín đáo khiến chúng ta không ý thức được sự hiện diện và các tác động do chúng gây ra mà cứ tưởng rằng đấy là con đường đích thật giúp thực hiện được những ước vọng tâm linh của mình. Chúng ta mong cầu đạt được một sự giải thoát nào đó, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là một sự lừa phỉnh, bởi vì sự mong cầu ấy cũng chỉ đơn giản là một hình thức bám víu vào cái ngã của mình.

Phần thứ hai của quyển sách giải thích về tánh không, là khái niệm chủ yếu và căn bản nhất của Đạo Pháp. Dù rằng có ít nhiều khác biệt trong cách hiểu và cách giải thích về tánh không giữa các tông phái và học phái, thế nhưng tất cả đều nhất loạt chấp nhận và nêu cao khái niệm cốt lõi này trong Đạo Pháp. Cũng nên hiểu rằng bất cứ một hình thức tu tập nào không căn cứ vào khái niệm này đều có thể xem như không phải là chính Pháp.

Không có một nền văn minh nào, một hệ thống tư tưởng nào, một triết học nào, một tôn giáo nào, một khoa học nào nêu lên khái niệm này ngoài Đạo Pháp của Đức Phật. Thật vậy khái niệm về tánh không do Ngài đưa ra vượt lên trên tất cả các tôn giáo, kể cả "Phật Giáo" dưới các hình thức "tín ngưỡng" mang tính cách đại chúng. Tánh không hay vô ngã dù thuộc lãnh vực cá thể con người hay bao gồm tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, và dù mang tính cách tâm thần hay ngoại cảnh thì cũng đều biểu trưng cho một sự "hiểu biết" siêu việt trong lãnh vực triết học và một "phương tiện" thực dụng góp phần vào việc "điều chế" phương thuốc công hiệu nhất nhằm chữa trị "căn bệnh tâm linh", là nguyên nhân mang lại những thứ "khổ đau" dai dẳng và sâu kín nhất của con người.

Phần thứ ba của quyển sách trình bày rõ ràng và cụ thể các phép luyện tập giúp chữa trị căn bệnh tâm linh, hay nói cách khác là giúp chúng ta đình chỉ mọi sự nắm bắt và bám víu vào "cái tôi" và cái "của tôi" là nguyên nhân cội rễ khiến tạo ra căn bệnh ấy. Nếu thực hiện được sự đình chỉ đó một cách tuyệt đối thì đấy cũng sẽ là sự Tắt Nghỉ toàn diện, là Niết-bàn, là Tánh Không đích thật, là Đạo Pháp, là Đức Phật.

Nghe qua thì có vẻ dễ hiểu thế nhưng tánh không lại là một khái niệm rất khó thấu triệt. Vậy phải làm thế nào để giúp cho tất cả mọi người với khả năng lĩnh hội không đồng đều, đều có thể quán thấy được tánh không hầu mang lại cho mình một sự đình chỉ tuyệt đối hay là sự giải thoát? Vì nếu chỉ biết tụng niệm liên miên và mượn những hình thức lễ lạc màu mè để che dấu những khổ đau dai dẳng, nội tại và sâu kín của mình, hoặc nói một cách khác là tự đánh lừa mình thì chúng ta cũng sẽ chẳng giải quyết được gì nhiều, nếu không muốn nói tất cả chỉ sẽ đưa đến một sự bế tắc. Để vượt lên khó khăn này Buddhadasa hướng chúng ta vào sự quán thấy tánh không dưới những thể dạng thật đơn giản hiện ra trong cuộc sống thường nhật của mình. Dù rằng thể dạng trống không hay tánh không trong các trường hợp sơ khởi ấy chưa được toàn vẹn đi nữa, nhưng cũng đã đủ để giúp chúng ta "nếm được" một chút "tiền vị" nào đó của niết-bàn đích thật sau này.

Thật vậy, Buddhadasa đã từng bảo rằng bất cứ ai, dù đấy là các cụ già hay những người chất phác không được học hành nhiều, kể cả đám trẻ con còn cắp sách đến trường, nếu họ thật sự muốn loại bỏ khổ đau thì tất cả cũng đều có thể thừa hưởng được hiệu quả mang lại từ tánh không: "Nếu không đủ sức hiểu được vô ngã và tánh không là gì thì ít ra các bạn cũng phải hiểu được thế nào là không ích kỷ chứ! Và nếu không ích kỷ thì cũng đủ để mang lại một sự giải thoát nào đó cho mình và giúp mình đến gần với Đức Phật hơn". Thật thế, không ích kỷ cũng là một hình thức gián tiếp không bám víu vào "cái tôi" và "cái của tôi", một thể dạng thật đơn giản nào đó của tánh không.

Khái niệm về tánh không mang hai khía cạnh khác biệt nhau. Khía cạnh thứ nhất biểu trưng cho bản chất của hiện thực, nêu lên sắc thái triết học siêu hình, liên quan ít nhiều đến khoa hiện tượng học và tất cả các ngành học khác, nói chung là sự hiểu biết của con người. Khía cạnh thứ hai mang tính cách thực dụng giúp người tu tập đạt được sự giải thoát và an trú trong hiện thực, tức là trong tánh không của vũ trụ và của chính niết-bàn. Buddhadasa đã khai triển khía cạnh thứ hai này một cách thật khéo léo, giúp chúng ta quán thấy tánh không của chính mình và của hiện thực trong từng giây phút một trong cuộc sống thường nhật: có nghĩa là trong những lúc sinh hoạt bình thường, trong khi thiền định và trong lúc cái chết gần kề.

Người dịch mạn phép xin ghép thêm một vài lời ghi chú nhỏ vào phần chuyển ngữ với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi nguyên bản hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ nghiêngvà đặt trong hai dấu ngoặc. Ngoài ra trong phần phụ lục ở cuối sách người dịch cũng xin trình bày thêm một vài nét về vị đại sư Buddhadasa.

Hoang Phong
(Bures-Sur-Yvette, 18.09.12)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/12/2010(Xem: 5271)
Chúng ta cần biết ý nghĩa Giáo Pháp là gì. Giáo Pháp hay Pháp bảo là một từ ngữ tiếng Phạn mà có nghĩa đen là một “phương sách phòng ngừa”.
06/12/2010(Xem: 8506)
Ở đây giáo sư tiến sĩ Alexander Berzin từng nghiên cứu và tu tập với những đạo sư Tây Tạng gần ba mươi năm tại Dharamsala, Ấn Độ, sẽ giảng giải việc thực hành bảy điều quán nguyện trong đời sống tu tập thực tiễn hằng ngày.
05/12/2010(Xem: 5318)
Năm giờ sáng, mây xám tuy mỏng, nhưng che phủ bầu trời, che cả những vì sao muộn khiến không gian ẩm tối, lạnh lẽo và rưng rức quạnh hiu! Vậy mà có vị Phật lặng thinh ngồi đó...
04/12/2010(Xem: 5029)
Nói đến chữ tu, có người lầm tưởng rằng phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ con để tìm nơi non cao thanh vắng, hoặc ở chùa, ở am mới gọi là tu. Không phải như thế đâu, tu có nghĩa là sửa đổi, trau dồi. Sửa là sửa hư, sửa sai, sửa lạc lầm, sửa xấu thành tốt, sửa dữ thành hiền, tà vạy thành ngay thẳng, tối tăm thành sáng suốt, si mê thành giác ngộ, phàm phu thành thánh hiền, chúng sanh thành Phật, sanh-tử thành Niết-Bàn.
03/12/2010(Xem: 3632)
Một đệ tử đang ở trong tù viết thư cho Rinpoche khẩn cầu ngài ban những thực hành cho quãng đời còn lại của anh. Rinpoche đã trả lời như sau. Bài do Michelle Bernard biên tập.
03/12/2010(Xem: 14705)
Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng.
30/11/2010(Xem: 8860)
Đức Phật dạy rằng nếu muốn tự giải thoát ra khỏi thế giới Ta bà thì phải tuân theo ba lời giáo huấn tối thượng như sau : đạo đức, chú tâm và trí tuệ. Khi nào biết noi theo ba lời giáo huấn ấy thì ta sẽ đạt được sự giải thoát cá nhân...
28/11/2010(Xem: 5320)
Lâu lắm chúng tôi không có cơ hội về giảng cũng như nhắc nhở sự tu hành cho toàn thể chư Tăng Ni ở khu Đại Tòng Lâm. Hôm nay được ban tổ chức trường hạ Đại Tòng Lâm mời về thăm và nói chuyện với tất cả Tăng Ni và Phật tử nơi đây, tôi liền hoan hỉ chấp nhận.
27/11/2010(Xem: 9014)
Trong khi Đức Phật tạo mọi nỗ lực để dẫn dắt hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến những tiến bộ tâm linh cao cả nhất, Ngài cũng nỗ lực để hướng dẫn hàng đệ tử cư sĩ tiến đến sự thành công...
25/11/2010(Xem: 23543)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567