Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Khi Tịnh Tài sinh Bất Tịnh

03/09/201102:06(Xem: 10878)
4. Khi Tịnh Tài sinh Bất Tịnh

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG
Trần Kiêm Đoàn

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG 4

Ngày 6 - 8 - 2011
Khi Tịnh Tài sinh Bất Tịnh

Sáng nay, được anh chị Phương và anh chị Xuân đưa về thăm thành phố New Orleans, tôi được nhìn lại thành phố gần tròn 6 năm sau ngày trận bão lụt Katrina tàn phá khủng khiếp với gần 1,500 người thiệt mạng. Đây là Thành phố có độ thấp dưới mặt nước biển từ một đến ba mét (1 mét = 3.28 feet) nên đi giữa lòng phố xá mà vẫn có cảm giác “ớn lạnh” như đang đi giữa lòng biển khơi. Tháng 8 năm 2005, nơi đây là biển nước mà tháng 8 hôm nay, chúng tôi đang đi giữa biển nắng vàng. Trong vô thường cũng đã có sẵn cái bình thường. Như tuổi già cảm nhận được hạnh phúc về chiều của bước chân rong chơi cũng gần với ngày “đi thật” nên dẫu chân có bước giữa vô thường mà lòng vẫn thấy bình thường. Nếu không có vô thường của tre tàn thì làm sao có bình thường của măng mọc.

Thành phố New Orleans – một thời là một trong bốn thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ – đã hồi sinh sau thiên tai. Đời sống đang tấp nập trở lại tự nhiên như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; rồi Xuân… Chúng tôi dừng lại khu thị tứ French Quarter, nơi được xem như mảnh hồn văn hóa châu Âu cũ của những ngày cả miền Đông Nam nước Mỹ còn ở trong ảnh hưởng Pháp. Chín giờ sáng, muốn vào uống một tách cà phê kiểu Tây ở quán Du Monde cũng phải sắp hàng dài mất cả tiếng đồng hồ. Du Monde của 29 năm về trước nằm nhỏ nhắn xinh xinh trên bãi cỏ xanh bên bờ sông Mississippi lộng gió không còn nữa. Dãy thành cao đã che chắn tầm mắt thủy thủ của khách phương xa về đây tìm lại hình ảnh sóng nước của dòng sông.

Rời quán nước, chúng tôi tìm thăm các chùa Phật giáo Việt Nam nơi đây. Với một cộng đồng người Việt 15 nghìn người, New Orleans có 3 chùa. Cả 3 chùa đều đẹp, kiến trúc mỹ thuật mỗi nơi một vẻ, nhưng có vẻ vắng người sinh hoạt trong một ngày cuối tuần đẹp trời như hôm nay. So với thành phố Sacramento nơi tôi đang ở có 13 chùa với số dân Việt 18 nghìn người. Những số liệu và số lượng chưa hẳn đã nói lên được điều gì quan trọng. Nhưng ít nhất cũng phản ánh được khía cạnh của nhu cầu và thực tế.

Trong ý tưởng hành hương mùa Hè, tôi tự tạo những cơ hội "thuận duyên" cho mình được viếng các chùa viện Việt Nam từ miền Tây sang miền Đông; từ các vùng Trung Mỹ lưa thưa người Việt đến xứ "sa mạc trường canh" có nơi nóng tới 111 độ F như ở xứ Arizona gần biên giới Mễ Tây Cơ. Có khi ngồi trên máy bay cất cánh rồi, tôi mới chợt nhận ra là chưa biết đêm nay mình sẽ xin ngủ lại chùa nào, nhất là khi về Nam Cali, nơi có nhiều chùa Việt Nam và phần lớn có người quen biết nên khỏi phải "báo trước giữ chỗ" theo kiểu Mỹ.

Thật là thú vị. Nhất quận công, nhì không nhà. Đi mà nơi đâu cũng thảy đều có thể là nơi chia tay, điểm hội ngộ và chốn quay về với cái tâm vô cầu, cái chí vô quái ngại là cả một niềm an lạc. Hơn thế nữa, chi phí cho "tam thường" như ăn, ngủ, mặc càng già càng đơn giản nên nằm trong khả năng khiêm tốn của tuổi già muốn làm khách hành hương.

Nét đẹp truyền thống của các chùa Việt bình thường so với các chùa Tàu, chùa Tây Tạng, chùa Nhật Bản… nguy nga đồ sộ trên xứ Mỹ nầy là điểm dễ ghé, dễ gần khi khách hành hương muốn tới lễ Phật, làm công quả. Cái đẹp đơn giản mà hầu như chùa Việt nào cũng có là tinh thần hoan hỷ đón khách: Một chung trà với thầy Trụ trì, một bữa cơm chay với các bác Đạo hữu, một đêm ngủ chùa thức khuya dậy sớm mà đôi mắt không cay sè ngái ngủ theo tiếng chuông công phu là hương vị cửa thiền đầy thanh nhã. Có thanh nhã mới thanh thoát. Có thanh thoát mới thanh cao. Có thanh cao thì trạng thái tâm linh mới nhẹ nhàng gần phương giải thoát.

Mùi tục lụy dễ làm cho những con đường tìm về phương trời cao rộng của tâm linh là tiền bạc, vật chất. Tiền là huyết mạch của đời sống phàm trần; nhưng đồng thời cũng là nghiệp chướng làm cho con ngưòi điên đảo. Tiền là chỉ dấu quan trọng nhất của sự sở đắc. Nó xác định cái "có" của thế giới hình tướng. Cái có là bến bờ sau cùng của sự giác ngộ hình tướng. Thái tử Tất Đạt Đa đã tới được bến bờ của sự "giác ngộ hình tướng" đó khi sinh ra đời trong cung vua. Nhưng sau lớp hình tướng của ngai vàng, điện ngọc, quyền lực, tiền bạc lạnh lùng; của ái dục tham đắm và si mê thì sự đau khổ của kiếp người vẫn còn nguyên vẹn. Đau khổ vừa là nguyên nhân mà cũng vừa là hậu quả của thế giới hình tướng. Qua bao nhiêu thời gian, con người đã tuyệt vọng ném sự đau khổ của mình cho ma quỷ lẫn thần thánh với ước mong được cứu rỗi giữa đời nầy và sau khi chết. Con người đã quá mệt mỏi nên sinh ra lười biếng lý luận. Họ ném cục đá vào không gian vô tận với tất cả lòng tin vô điều kiện rằng, họ sẽ quăng vỡ mặt trời cho trần gian... đỡ nóng! Chỉ có một người không hung hăng quăng cục đá phá mặt trời xa vời tít tắp trên cao ấy – do tham lam, sân si và kiêu mạn gây nên – mà hoàn toàn tĩnh lặng, chiêm nghiệm cái nóng thiêu đốt phát khởi tự lòng mình: Đó là Thái tử Tất Đạt Đa, tiền thân của đức Phật Thích Ca.

Đạo Phật là tập đại thành của một dòng tâm thức, ý thức và nghiệp thức, nhất quán từ bỏ cái Có hình tướng để tìm về cái Chân Không Rỗng Lặng của thật tánh uyên nguyên nằm sẵn trong mỗi sinh thể. Sự từ bỏ ấy cần quy hợp cả "tam chánh hạnh" là hạnh Bi, hạnh Trí và hạnh Dũng. Sự suy diễn sai lầm nhất của những đầu óc duy Tướng, kiến Tướng mà không nhận ra lý Tánh giữa cuộc đời hiện thực nầy là chỉ thấy sự buông bỏ vật chất, thái độ từ bỏ danh vị hão huyền của đạo Phật như là một thái độ yếu đuối, bi quan xa rời cuộc sống hay tệ hơn nữa là "thủ tiêu tinh thần tranh đấu"! Khi cần, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã phát huy oanh liệt hạnh Dũng để cầm quân ra trận đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên, thể hiện tròn đầy hạnh Trí để nhường ngôi vua và theo đuổi đến cùng hạnh Bi để xuất gia lên núi Yên Tử.

Đức Phật không gọi tên hay dán nhãn hiệu mà nhìn thấu tận gốc rễ của thực thể muôn loài, muôn vật để đưa ra phương thức đối trị. Phật nhìn thấu suốt cái Tánh Rỗng Lặng của cái Ta giả tạm và cái Người hư huyễn. Bám vào cái bè lau cứu rỗi của thần thánh giữa dòng đời chảy siết trong sinh diệt trùng trùng là cái khổ của vô minh. Cho nên, cần tỉnh táo để tự cứu mình và giúp người biết tự giải cứu ra khỏi dòng u trầm đau khổ đó, không có lý giải nào siêu việt hơn là biết xả bỏ cái giả tạm, thấy được cái Không Chân Thựcđể nương theo và tự cứu mình.

Lịch sử thăng trầm của đạo Phật trong hơn hai nghìn năm trăm năm qua là lịch sử tranh đấu gay go vừa nội tại, vừa ngoại cảnh giữa Chánh NiệmVọng kiến; giữa cái Có Đời Thườngvà cái Không Rỗng Lặngcủa Đạo. Tự bản chất, Đạo là con đường sửa sai, làm lành để nuôi lớn lòng trong và trí sáng; chứ không phải là một chuỗi sinh hoạt van xin, cầu khẩn để mỗi ngày trở nên yếu đuối, nương nhờ và tối tăm hơn.

Tuy lịch sử không lập lại nguyên trạng như chuyện tắm hai lần trên cùng một dòng sông; nhưng hệ quả của một sự suy tàn hay đổ vỡ trong một hệ thống tôn giáo có nhân sinh quan và vũ trụ quan xuyên suốt Tánh Không như đạo Phật thường phát xuất từ một số nguyên nhân tương đối có bản chất giống nhau. Thử điểm lại nguyên nhân và hậu quả của những chặng đường “pháp nạn” của đạo Phật Đông Tây và xưa nay là do đâu?

Đạo Phật suy tàn ở Ấn Độ sau thời “cực thịnh” dưới triều đại A Dục Vương (Asoka, 272-236 TTL). Trong lịch sử hơn 2000 năm từ thời Hậu Hán đến “Thái bình thiên quốc”, qua 14 triều đại, đạo Phật Trung Quốc bị tàn hại tới bốn lần. Đạo Phật Triều Tiên sau thời vua Hiếu Tôn (1650-1659) đã mất hết sinh lực phải nương nhờ Phật giáo Nhật Bản vực dậy. Đạo Phật ở Việt Nam sau thời đại Lý Trần cho đến ngày nay cũng đã trải qua bao nhiên lần thịnh suy. Hình trạng diễn ra tuy có khác, nhưng sự xuất phát thì đều bắt nguồn từ những tạp hợp nguyên nhân giống nhau. Mở đầ cho cuộc chấn hưng Phật giáo lớn rộng gần đây nhất do Thái Hư Đại Sư chủ xướng tại trung Quốc thời 1930 và có ảnh hưởng lớn đến cácc tổ chức Phật giáo của các nước trong vùng, Chu Tử Kiều, một trong những khuôn mặt năng nỗ nhất của nhóm lãnh đạo cải cách đã nhận định:

“Trong ba ngôi Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng ví như Trí, Tâm, Thân của một cơ thể. Dẫu Trí sáng và Tâm lành đến mấy, nhưng Thân bệnh thì cơ thể đó cũng chịu cảnh khiếm dụng. Đó là khi nền tảng cơ bản làm xương sống cho sự sinh hoạt và phát triển của đạo Phật là Tăng Đoàn bị suy đồi, mất dần phẩm chất. Chùa chiền, lễ nghi và chức danh trở thành hình thức trang trí và làm thước đo phàm tục cho công hạnh dày mỏng của nhà tu.”

Trong Luật Tạng dành cho giới tướng Tỳ Kheo và Phương Thức Sám Tội, chương 4, phần Xả Đọa (Nissggiya), điều giới 18 quy định:

“Tỳ kheo nào tự tay cầm tiền, hoặc vàng bạc, hoặc bảo người cầm, hoặc để xuống đất mà nhận, phạm Xả Đọa.”

Về Điều Giới nầy, Chu Tử Kiều diễn giải thêm về tệ nạn đương thời đưa đến nhu cầu cấp thiết mở đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo:

usdollars“ Ngày nay, đạo pháp suy vong, tiền bạc nằm trong tay bậc tu hành. Giới xuất gia sống xoa hoa, phù phiếm trên sự hy sinh công sức và tiền bạc của hàng cư sĩ, phật tử tại gia phải hy sinh mồ hôi nước mắt mới kiếm được. Hàng đại tăng, cao tăng và danh tăng chân tu thì mủ ni che tai tìm tới cõi vắng mà quy ẩn tu chứng cho riêng mình. Hàng phàm tăng vọng tu thì xuất hiện khắp nơi. Kẻ tham lam, ái dục đội áo mảo nhà tu bợ đỡ giới cầm quyền, mua chuộc giới trưởng giả đại gia, chia bè kết phái để kiếm quyền, kiếm lợi; an nhiên sống hưởng thụ trên sự hy sinh không đúng chỗ và tín tâm cúng dường sai lạc của khối tín đồ nhẹ dạ chỉ biết thụ động đến chùa với tinh thần sùng bái cực đoan gần như mê tín. Hành động phong thánh tu sĩ, dâng cúng tiền bạc của cải vô điều kiện của đại chúng Phật tử như thế đã gây ra tác dụng ngược chiều. Ý nghĩ tốt đẹp ‘cúng dường xây dựng đạo pháp’ ban đầu có nguy cơ biến tướng thành gió bão kim tiền làm suy vi đạo pháp. Một khi chấp thủ tiền bạc trong tay, lòng thanh tịnh của người tu hành sẽ trở thành bất tịnh. Tiền bạc sẽ sinh ra lòng tư hữu; thay vì tìm tới cửa Không, người tu hành sẽ bị dính mắc vào ham muốn cá nhân, bị thu hút vào đời sống có nhiều phương tiện vật chất tham dục của phàm nhân. Trong hai thập niên qua, ở Nam Kinh, Giang Tô, Triết Giang, Chấn Giang, Dương Châu, Hồng Châu, Phả Đà Sơn, Ngũ Đài Sơn… đã xây nên nhiều ngôi đại Già Lam thật là nguy nga tráng lệ. Nhưng đáng lo thay, tự viện thi nhau mọc lên càng cao, càng lớn thì giới hạnh của Tăng chúng càng kém và công hạnh của tăng đoàn càng bé lại.”(Chu Tử Kiều: Tam Phật Chủ Nghĩa. Thư Vụ Ấn Quán, 1931.)

Suy gẫm dòng lịch sử Phật giáo xưa và nay, khách hành hương bỗng thấy có những điều trùng hợp. Đạo Phật là con đường đi tìm sự rỗng lặng của Không để giải thoát trong một thế giới bon chen đi tìm cái Có để xác định sự hiện hữu và sinh tồn. Đạo Phật không xuất thế như đạo Lão hay nhập thế như đạo Nho, vì thật ra, xuất thế cũng chỉ là mặt phải hay bề trái của nhập thế. Thay vì ôm sự nghiệp công danh của Khổng Mạnh thì lại ôm giấc mơ Lão Trang, xem thế sự như là một giấc mộng lớn. Với đạo Phật thì nhập thế cũng là xuất thế và cõi ra đi cũng là chốn quay về giữa thế cuộc trùng trùng duyên khởi.

Nói về nguyên nhân của những thời kỳ đạo Phật bị bài bác và tàn hại, đức Lạt Ma Đề Văn đã viết trong Phật Giáo Sử Luận, rằng:“Khi Phật giáo bị thế lực đời thường sử dụng thì cũng chính là khi người ta hiểu nhầm lẫn là “cực thịnh” vì bị dính mắc rồi bám chặt vào cái có của phàm trần.Vô hình chung, đạo Phật tự biến tướng thành một thế lực đại thù nghịch của các thế lực chủ trương “Sở hữu” quần chúng, vật chất, tiền bạc, địa vị, danh xưng… Trong cuộc đối đầu đầy mỉa mai và nghịch lý giữa một đạo Phật chủ trương tay không, tâm tịnh, lòng từ với những thế lực tay ôm vũ khí sáng lòa, tâm đầy thù hận, lòng quyết tiêu diệt kẻ thù như các thế lực Bà La Môn, Hồi Giáo, Nho Giáo đương quyền… thì làm sao đạo Phật tránh được những cuộc tàn hại quy mô như đã xẩy ra sau khi các triều đại hưng thịnh Phật giáo lụi tàn.” (Patham Pub; New Deli. 1981)

Điểm lại dòng giáo sử hơn 2000 năm, thời kỳ nào mà thiền sư trở thành quân sư, quan sư, quốc sư, vương sư… là đạo Phật đang bị dính mắc vào danh tướng và thế quyền đầy phiền não, báo hiệu chiều hôm trước của sự thoái trào. Thời còn tại thế, đức Phật và một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ Kheo thường xuyên có các vị quốc vương, tể quan, trưởng giả tiếp cận và mời mọc đủ mọi điều. Nhưng tất cả đều như trăng soi đáy hồ; trăng lặn, hồ trong và chẳng còn lưu dấu vết. Vật sở hữu trong tay Phật và hàng đại đệ tử cũng chỉ có chiếc bình bát để ngày ngày khất thực và mấy mảnh pháp y đủ che thân. Nơi cư trú và nói Pháp của Phật và Tăng đoàn vẫn là khu vườn Cấp Cô Độc. Thế giới cao rộng của đạo Phật còn tỏa sáng muôn đời sau là trí tuệ tròn đầy và gương soi vằng vặc về nếp sinh hoạt tịnh hạnh và giản đơn của chư Tăng.

Bởi vậy, cửa chùa còn được gọi là Cửa Tịnh.

Tịnh là một từ Hán Việt gồm hai ý: Trong sáng + sạch sẽ.

Hòn đá sạch sẽ mà không trong nên chưa tịnh.

Thau nước trong mà không sạch nên chưa tịnh.

Nhà chùa vừa trong vừa sạch nên gọi là tịnh xá.

Khi lòng người vừa trong, vừa sạch thì gọi là tịnh tâm.

Khi vào cửa chùa, Tịnh còn có thêm ý nghĩa là rỗng lặng vắng lặng, yên ắng, định tâm, chánh niệm (Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng). Tiền bạc cúng dường vào cửa nhà chùa thì được gọi là Tịnh Tài. Nghĩa là đồng tiền trong sáng, sạch sẽ, vắng lặng; không làm dấy động lòng kiêu của kẻ cho và lòng tham của người nhận.

Tiền bạc cúng cho nhà chùa phải là đồng tiền lương thiện.

Người cúng, phải cho bằng cái tâm trong sáng, vắng lặng. Cho mà không cần ai biết và không cầu trả lại.

Người nhận, cũng phải nhận bằng cái tâm trong sáng. Nhận mà không khởi lên ý nghĩ tham lam, sở đắc nào; và tuyệt đối phải sử dụng tiền bạc cúng dường vào những việc Phật sự hoàn toàn vắng bóng cái “Ngã” (ngã tham, ngã chấp, ngã sở, ngã dục, ngã mạn).

Xã hội hôm nay là một xã hội thực dụng mà sức mạnh của đồng tiền đang trở thành vô địch. Khi nền móng xã hội lung lay vì tiền thì chốn thiền môn, cửa giáo đường, nơi tu viện sẽ rất khó mà trở thành nơi vô nhiễm.

Trên bước hành hương mùa Hè năm nay, tôi đã được đi qua và biết nhiều nơi tôn giáo ở Mỹ. Hầu như ở đâu đời sống tâm linh cũng ít nhiều bị dao động hay chao đảo vì vấn đề vật chất tiền bạc. Mức độ chao đảo mạnh hay yếu, lộ mặt hay được che chắn khéo léo còn tùy thuộc cá nhân và từng cơ sở chùa viện. Nhưng dẫu lạc quan và cẩn trọng đến mấy thì cũng khó mà phủ nhận được rằng, đạo Phật Việt Nam đang đứng trước cơn gió bão thử thách của thời đại vật chất thực dụng. Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh đến tình cảnh của đạo Phật Việt Nam vì đất nước và dân tộc Việt Nam vừa mới và đang trải qua những cơn quặn mình của lịch sử. Khi con người đối diện với một hoàn cảnh chưa ổn định thì tâm lý bon chen sở hữu tiền bạc để sống còn sẽ chế ngự đời sống tâm linh. Thứ “tâm lý sống còn” nầy thường rất phổ biến trong một hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế còn tranh tối tranh sáng, chưa định hình rõ rệt.

usdollars-smNhư lời sư Hằng Tịnh ở Đài Loan nói trong băng thuyết pháp năm 2011, nhan đề Tránh Bài Sư Phá Phật:“Xã hội ngày nay đang lâm cảnh ‘sùng tài đạo tán’. Nếu không khéo thì người cúng dường thiếu mất hạnh Bố thí Ba La Mật đã đành mà phía tiếp nhận lại càng xa công hạnh Lục độ Ba La Mật. Nghĩa là cả hai phía tín đồ cúng dường và phía tu sĩ tiếp nhận đều đang bị đồng tiền chi phối làm mất đi ý nghĩa tịnh tài song hành với tịnh tâm ở chốn cửa Thiền. Ngày nào tu sĩ còn nắm giữ tiền bạc trong tay thì ngày đó còn lâm cảnh tâm bất tịnh. Tâm loạn thì làm sao mà an trú trong giới luật cho đuợc. Nếu chưa độ được mình thì mong gì độ được ai. Bởi vậy, mỗi chùa cần có một Ban Tài Chánh minh bạch. Cần công khai rõ ràng về mọi sự thu chi. Vị tu sĩ trú trì chùa tuyệt đối không giữ tiền, không nắm tiền và không dính vào tiền là điều kiện tiên quyết cho tịnh tài không sinh ra bất tịnh. Phật tử có tín tâm mà đặt tiền trong tay nhà tu là đang gián tiếp bài sư phá Phật mà vô tình không biết…Hệ Thống các chùa Thuyền Môn đã tổ chức cơ sở tịnh tài rất khéo là làm một thẻ Tín Dụng (credit card) cho thầy Trú trì. Vị Trú trì có quyền chi tiêu việc Phật sự theo nhu cầu cần thiết hàng ngày, nhưng việc dùng tiền đều hiện ra rõ ràng trong hồ sơ thẻ tín dụng hàng tháng, Cuối tháng, ban Tài chánh của chùa lo thanh toán mà không ai thắc mắc về sự trong sáng của Thầy trú trì nên pháp uy thầy càng tăng trong đại chúng.”

Phải chăng, khái niệm Tịnh tài truyền thống chốn thiền môn đang bị bứng ra khỏi nguồn gốc sinh khởi để trở thành bất tịnh khi sư Hằng Tịnh tha thiết nói lên mối quan hệ tiền bạc của nhà tu.

Hơn hai nghìn năm qua, hàng triệu ngôi chùa lộng lẫy nguy nga và triệu triệu tăng tín đồ chỉ còn là cát bụi. Nhưng trí tuệ Phật Đà và dáng vẻ thiền định, rỗng lặng của đức Phật và thế giới đạo Phật vẫn mãi mãi là biểu tượng cho dòng tâm linh thái bình an lạc của nhân gian.

Tu không phải là chắp tay nhắm mắt theo đuôi dòng sự việc của tâm lý đám đông mà cần có sự chọn lựa. Trước khi tu chứngthì cần có tu sửa, tu tập, tu duỡng và tu hành.Vì tu là một tiến trình gạn đục khơi trong của thân và tâm nên “tu bụi” – Tu Giữa Bụi Trần – là khó nhất.

New Orleans, mùa Vu Lan 2011

Trần Kiêm Đoàn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2020(Xem: 6638)
Tản mạn : Làm sao Chuyển hoá khổ đau ? "Khổ đau chỉ đến khi ta khởi lên ý niệm đó mà thôi ! " Nếu ai đó đã từng học được điều này thì mời các bạn cùng tôi ngâm vài vần thơ trước khi vào đề tài rất hữu ích cho thời đại công nghệ này bạn nhé ! Nhất là giới trẻ và trung niên ngày nay dù có học Phật Pháp hay đang nghiên cứu vài sách về tâm lý . Làm thế nào khổ đau được chuyển hoá ? Không lạm bàn nạn dịch với thiên tai Thẩm sâu nội tâm ... rơi lệ , thở dài Chuyện uất ức, bất mãn, thành công thất bại ! Suy cho kỹ ... Tâm phan duyên, hoang dại ! Khổ đau chỉ đến ... ý niệm khởi đó thôi Tự mình tiêu cực, sao lại phải Tôi!!! Nào tản mạn ... nuôi dưỡng được tâm thái tích cực !!! ( thơ Huệ Hương )
17/11/2020(Xem: 8027)
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NI TRƯỞNG THƯỢNG NGUYÊN HẠ THANH Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di Mẫu Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư cùng chư Đại đức Tăng Ni, Kính thưa quý Thiện nam, Tín nữ xa gần, Thật là vinh dự cho chúng con/ chúng tôi hôm nay được viết những dòng giới thiệu này cho tuyển tập “Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ” (Sharing the Dharma - Vietnamese Buddhist Nuns in the United States) do Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, Chùa Hương Sen, đứng ra biên soạn và xuất bản.
17/11/2020(Xem: 5786)
Nhân loại đã biết cách bay lên mặt trăng, tuy nhiên nhiều nơi trên địa cầu vẫn còn bị ràng buộc với những thói quen xưa cổ, trong đó một thành kiến khó rời bỏ là xem nhẹ phụ nữ. Hầu hết các tôn giáo cũng xem nhẹ phụ nữ. Riêng trong Phật Giáo, phụ nữ từ xưa vẫn có một vị trí đáng kính và bình đẳng trên đường học đạo, để tận cùng là thành tựu Niết Bàn. Khi vua Pasenadi nước Kosala không vui vì hoàng hậu Mallikà sinh một bé gái, Đức Phật trong Kinh SN 3.16 dạy vua rằng: "Này Nhân chủ, ở đời / Có một số thiếu nữ / Có thể tốt đẹp hơn / So sánh với con trai / Có trí tuệ, giới đức..." Hơn hai mươi thế kỷ sau, ý thức nữ quyền mới trở thành phong trào. Theo định nghĩa cô đọng và đơn giản, nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng của nữ giới với nam giới về chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy thường khi, nữ quyền gắn liền với dân quyền, vì bình quyền nam nữ dẫn tới ý thức bình quyền cho từng người dân, đặc biệt là nơi các dân tộc đang bị các nước thực dân thống trị, hay nơi các sắc tộc thiểu số
16/11/2020(Xem: 4803)
Vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, Hội đồng Thống nhất Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo Bangldesh (Bangladesh Hindu Bouddha Christian Oikya Parishad; BHBCOP), đã tổ chức một chương trình tập hợp và biểu tình hàng loạt trên toàn quốc để phản đối các cuộc tấn công, đốt phá, tra tấn và giết hại người tôn giáo thiểu số tại Bangldesh. Là một phần của cuộc biểu tình, họ đã thành lập các chuỗi người và các cuộc biểu tình từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa tại các giao lộ chính của các trụ sở cơ quan chính quyền cấp quận, huyện, thành phố và tỉnh trên khắp đất nước, bao gồm cả giao lộ Shahbagh, Dhaka và giao lộ ngã tư New Market, Chittagong.
16/11/2020(Xem: 5477)
Vào giữa thế kỷ thứ mười bảy, Đức Đệ Ngũ Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh tầm quan trọng như thế nào để việc phân tích không trở thành một bài học thuộc lòng như vẹt mà phải là sống động. Khi chúng ta tìm kiếm cho một “cái tôi” tồn tại cụ thể như vậy mà không thể tìm kiếm được nó hoặc là cùng giống hay khác biệt với tâm thức và thân thể, điều thiết yếu là phải tìm kiếm cùng khắp; bằng khác đi chúng ta sẽ không cảm thấy tác động của việc không tìm thấy nó. Đức Đệ Ngũ Đạt Lai Lạt Ma đã viết:
15/11/2020(Xem: 6064)
Mười bốn câu trích dẫn lời của Đức Phật dưới đây được chọn trong số 34 câu đã được đăng tải trên trang mạng của báo Le Monde, một tổ hợp báo chí uy tín và lâu đời của nước Pháp. Một số câu được trích nguyên văn từ các bài kinh, trong trường hợp này nguồn gốc của các câu trích dẫn đó sẽ được ghi chú rõ ràng, trái lại các câu đã được rút gọn, chỉ giữ lại ý chính, sẽ không có chú thích về nguồn gốc. Ngoài ra trong bài 1 trước đây, người chuyển ngữ đã mạn phép ghi chú dài dòng với hy vọng có thể giúp một vài độc giả theo dõi dễ dàng hơn chăng các lời trích dẫn đôi khi khá cô đọng hoặc trừu tượng? Dầu sao thiết nghĩ sự suy tư và phán đoán là quyền hạn ưu tiên và thiêng liêng của người đọc, vì lý do đó kể từ bài 2 này, người chuyển ngữ sẽ mạn phép chỉ xin ghi chú thêm một vài suy nghĩ riêng của mình khi cảm thấy cần thiết. Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của các câu trích dẫn này trên trang mạng của báo Le Monde: https://dicocitations.lemonde.fr/auteur/616/Bouddh
14/11/2020(Xem: 6461)
Kính mạn phép được thay đổi lại lời của một bài hát mà âm điệu đã thấm sâu vào huyết quản tôi từ bao giờ và hôm nay một lần nữa lại vang vang ...nửa như kích thích sự hưng phấn trong tôi nửa như khuyến khích tôi phải trình bày vì sao tôi thấy ra được điều này " Một niềm an vui hạnh phúc hỷ lạc thật sự có mặt và có thật trong mỗi con người chúng ta "
13/11/2020(Xem: 5164)
Từ khi có Lục tổ Huệ Năng đưa ra lý thuyết chúng sanh có sẳn Tánh Giác gọi là Phật Tánh trong người nhưng vì bị Ý thức che mờ đi nên cần ngồi thiền vén lớp ý thức này ra thì Phật tánh sẽ hiện ra thành Phật nên không cần kinh luật bất lập văn tự mà tu. Rất nhiều người bình dân phương nam đi theo một thời đông đảo. Câu hỏi được đặt ra là tánh giác này có trước hay sau ý thức? Thế nên mới đưa ra kế tiếp là giác ngộ rồi mới khởi tu tức là học kinh Phật. Vì Giác ngộ đến Giải thoát sinh tử là một chặng đường rất dài có khi rất nhiều kiếp cần trãi nghiệm. Vậy chúng ta nghiên cứu giác ngộ trước.
13/11/2020(Xem: 4812)
Nhân khi đọc bài Thành Tựu Niết bàn của Cư sỹ Nguyên giác Phan Tấn Hải, chúng tôi xin phép kết hợp với thuyết big bang của Stephen Hawking và tiến trình giác ngộ của Đức Phật, và sự sống và chết theo Phật giáo để luận bàn về Niết bàn, giải đáp thắc mắc đức Phật chết rồi đi về đâu? Đây chỉ là khởi niệm mới lạ, biết đâu tương lai sẽ có người chứng minh được.
13/11/2020(Xem: 4757)
Phương tây từ thế kỷ thứ 18 đã từng phát huy cái ngã cái tôi của con người như “tôi suy tư là tôi hiện hữu”. Từ đó đến nay người Phuơng tây phát triển cái tôi, đưa đến tôn trọng cái tính riêng biệt cũa cái tôi từ triết lý đến luật pháp. Nhưng đạo phật lại diệt ngã thì làm sao mà hoằng pháp cho người Phương tây tu theo phật được? Làm sao giải thích được ý nghĩa diệt ngã của đức Phật? Vậy ta có thể giải thích là không phải ngã? Khi người ngồi thiền định dưới cội bồ đề 49 ngày, người đạt giác ngộ và đập tay xuống đất mà nói ta đạt được chánh đẵng chánh giác do trời chứng , ta chứng và đất chứng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]