Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Ba: Truyền thừa lời Phật dạy

14/05/201107:52(Xem: 7909)
Phần Ba: Truyền thừa lời Phật dạy

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Ba
TRUYỀN THỪA LỜI PHẬT DẠY

Trong những phần trước chúng ta đã nhìn thấy được những tinh yếu của những lời Phật dạy cũng như cách thức áp dụng những tinh yếu đó vào cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ này. Nhưng chúng ta có thể thắc mắc về cội nguồn của đạo Phật và về phương thức mà đạo Phật thuần chất đã được truyền thụ cho đến thế hệ hiện nay của chúng ta. Tại sao lại có nhiều truyền thống khác nhau trong Phật giáo và những truyền thống đó là gì? Đạo Phật đã được hành trì như thế nào ở những nước khác nhau? Tất cả những vấn đề trên sẽ được thảo luận trong phần này.

-ooOoo-

XII. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT

Cảm kích tất cả chúng ta

"Đức Phật đã miêu tả những chân lý có giá trị muôn đời và đã phát huy những đạo lý không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho cả nhân loại. Đức Phật là một trong những vị chân nhân đạo đức vĩ đại nhất xuất hiện trong thế gian này" (Albert Schweizer, học giả người Pháp về thần học và triết học đã đoạt giải Nobel).

Đời sống của những bậc chân nhân đã nâng cao giá trị của loài người chúng ta. Thật là một ân phước, những vị ấy đã xuất hiện và sinh sống giữa loài người chúng ta. Tiểu sử của những bậc chân nhân như vậy làm cho chúng ta phấn chấn. Những vị ấy đã chỉ bày phương pháp để chúng ta vượt qua những khó khổ và làm lợi lạc cho tha nhân. Chúng ta có thể tìm thấy rằng những việc xảy ra trong đời sống của Đức Phật có nhiều việc tương tự với những gì chúng ta đang gặp phải trong cuộc sống, tương tự với những nỗ lực mà chúng ta đang thực hiện để tu sửa bản thân.

Sinh ra năm 560 trước tây lịch (TL), Đức Phật là một thái tử thuộc hoàng tộc Thích-ca của xứ Ca-tỳ-la-vệ, ngày nay là Nepal. Trước khi mãn nguyệt khai hoa, mẹ của thái tử nằm mộng thấy một số điềm lành. Chuyện kể rằng khi vừa mới sinh ra, thái tử bước đi bảy bước và tuyên bố: "Đây là lần tái sinh cuối cùng của ta."

Một số người cảm thấy vô cùng sung sướng khi được nghe kể về những điều mầu nhiệm xảy ra trong lúc Phật đản sanh cũng như đời sống sau này của Đức Phật; đó là những điều biểu thị cho những thành tựu tâm linh của Ngài. Một số người khác thì lại nghi ngờ vì những mẩu chuyện như vậy chưa được giải thích về phương diện khoa học.

Đây là vấn đề mà chúng ta có thể tranh luận bất tuyệt, nhưng làm như vậy là đi lạc đề. Điều quan trọng là chúng ta tu tập và thành tựu được những phẩm chất cao thượng bằng cách sống theo Chánh pháp. Những giai thoại kể về những bậc thánh nhân chỉ nên là nguồn cảm hứng. Những giai thoại đó có thể làm gương mẫu sống động giúp chúng ta phát triển đời sống tâm linh. Tốt nhất là bạn nên xem những giai thoại có nhiều tính chất mầu nhiệm huyền bí đó là nguồn phấn khích tích cực và làm cho chúng ta hưng phấn hơn, có lợi cho cuộc sống. Nếu bạn không thể thấy theo chiều hướng như vậy thì cũng không phải là vấn đề quan trọng. Trong những giai thoại kể về Đức Phật, bạn hãy tập trung tâm ý vào những đoạn mà theo bạn là có ý nghĩa nhất.

Mẹ của Ngài mệnh chung bảy ngày sau khi đản sinh. Ngài được người mẹ kế là Kiều Đàm Di săn sóc nuôi dưỡng. Một nhà hiền trí nói với cha Đức Phật (vua của thành Ca-tỳ-la-vệ) rằng đứa trẻ sau này sẽ là một người kiệt xuất vĩ đại: hoặc là một vị hoàng đế vĩ đại với quyền lực về kinh tế, chính trị và xã hội, hoặc là một thánh nhân vĩ đại với trí tuệ và từ bi dắt dẫn mọi người trên con đường tâm linh.

Nhà vua mong muốn con của mình đạt được điều tốt đẹp nhất; và theo quan điểm của nhà vua, điều tốt đẹp nhất là quyền lực và giàu có hơn người. Rõ ràng là nhà vua không thấy được giá trị của sức mạnh tâm linh và năng lực tâm linh của thái tử. Nhà vua đã xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp nhất (theo quan điểm của bản thân nhà vua) để cho thái tử được hưởng thụ và trưởng thành. Trong cuộc sống này, thái tử Tất-đạt-đa có tất cả mọi thứ mà đồng tiền có thể mua được. Tất cả mọi điều không được ưa thích đều bị tống ra ngoài bức tường bao kín cung điện và thái tử không được phép ra ngoài thành vì vua cha sợ rằng thái tử sẽ phải chạm mặt với thực tế cạnh tranh nghiệt ngã của đời sống và e rằng những điều ấy làm cho thái tử không được vui.

Khi còn là một đứa trẻ, thái tử Tất-đạt-đa đã là người từ ái và thành công về cả hai phương diện võ nghệ và văn tài. Lớn lên, Ngài lập gia đình và có một đứa con. Từ thành công này đến thành công khác, trong mọi phương diện, thái tử đã đáp lại những kỳ vọng của gia đình và xã hội. Vì vậy, đối với mọi người Ngài là hiện thân của "thành công."

Một ngày nọ, thái tử cùng với người đánh xe vượt qua khỏi cấm thành, Ngài thấy một người già da nhăn, ốm yếu, lưng còng, hôi hám đang đi trên đường. Đối với một thái tử được bảo bọc kỹ lưỡng thì đây là một cảnh trạng vô cùng lạ lẫm trong cuộc đời vì những người già cả như thế này từ lâu đã bị cấm bén mảng vào bên trong bức tường của cấm thành. Khi thái tử hỏi người đánh xe về người già ấy thì biết được rằng mọi người đều không thể tránh khỏi quá trình già yếu, rệu rã và hôi hám. Trở về hoàng cung, thái tử trở nên lặng lẽ, trầm mặc hơn. Thế là thứ hạnh phúc toàn vẹn ở thế gian mà lâu nay vua cha chủ động xây dựng và thái tử "được" uốn nắn theo để ước mơ đã vỡ tan như bong bóng nước trong mưa.

Một ngày khác, thái tử lại cùng với người đánh xe phiêu lưu ra ngoài và thấy một người bệnh hoạn đang rên rỉ trong cơn đau nhức. Khi hỏi ra thái tử biết được rằng mọi người đều bị nhiều loại bệnh tật rình rập, chi phối, áp đảo; cuối cùng bị bệnh tật làm cho mê mệt, tê liệt và ngã quỵ, mặc dù không ai muốn như vậy cả.

Ra ngoài thành lần thứ ba, Ngài thấy một xác chết. Người đánh xe giải thích cho Ngài biết rằng chết là điều không thể tránh khỏi và tất cả chúng ta đều phải từ bỏ thân thể này, từ bỏ trần gian này với những thú vui và những gì thân ái yêu thương nhất. Nghe vậy thái tử cảm thấy kinh khiếp, hãi hùng. Ngài bỏ nếp suy nghĩ do vua cha tác động và lèo lái; Ngài bắt đầu tự đề khởi nếp suy nghĩ riêng về ý nghĩa của đời người: người ta không có chọn lựa nào khác ngoài cảm giác già nua, đau bệnh và chết ư! Thế thì tất cả những của cải vật chất, tất cả những quyền lực và uy thế mà Ngài đang có chẳng còn nghĩa lý gì nếu chúng không chống lại được già nua, xấu xí, rệu rã; không chống lại được bệnh hoạn, suy kiệt và hôi hám; không chống lại được dấu chấm hết của mạng sống, gục ngã, xuôi tay? Ngài nhận ra rằng ngay cả gia đình, bè bạn, mặc dầu họ dành cho Ngài một tình thương yêu vô bờ bến, nhưng họ không thể bảo vệ Ngài thoát khỏi già, bệnh và chết. Họ cũng chẳng bảo vệ được bản thân của họ nữa mà.

Trong chuyến đi ra ngoài thành lần thứ ba, Ngài thấy một khất sĩ ăn mặc đơn giản, thanh bần. Người đánh xe giải thích rằng đây là một người đã bỏ lại sau lưng những phiền lụy của đời sống trần gian, đang đi tìm ý nghĩa của cuộc đời và giải pháp cho những vấn đề của nhân sinh theo một phương pháp thánh thiện và trong sạch nhất.

Đêm hôm đó sau một buổi đại yến linh đình, Ngài nhìn thấy cảnh tượng những vũ nữ xinh đẹp huy hoàng đầu hôm, giờ đây đang nằm sóng soải ngủ quên, có nàng ngái ngủ, ú ớ chuyện đâu đâu, có nàng phát ra tiếng thở nặng nề, mê mệt. Nàng nào cũng tóc tai rũ rượi sau một đêm dài múa hát. Những yêu kiều, tươi tắn, rực rỡ trong buổi yến tiệc vừa rồi té ra chỉ là sự căng nụ và bừng nở của một loài hoa rồi sau đó... Nhìn thấy sâu xa thực chất của những biến thái khác nhau đó, Tất-đạt-đa quyết định phải tìm cho ra giải pháp cho cái bản chất bất như ý của cuộc đời. Ngài thấy việc đắm chìm trong dục lạc giác quan là vô nghĩa và vô vọng vì một ngày nào đó, người sống với những tham đắm ấy phải chết và bỏ lại tất cả. Những người ấy chưa từng trải nghiệm và không bao giờ có thể trải nghiệm toàn bộ năng lực tiềm ẩn của con người.

Thái tử bước giã biệt người vợ và đứa con thân yêu rồi cùng với người đánh xe rời khỏi hoàng thành. Cởi bỏ y phục và đồ trang sức đế vương của một thái tử, Ngài khoác lên mình mảnh áo đơn sơ rồi cắt tóc, quyết tâm tìm ra lời giải cho những bí mật của cuộc đời. Trước hết, Ngài lên đường đi tìm kiếm một vị đạo sư.

Trong những năm đầu, Ngài thọ học với những vị đạo sư thiền định nổi tiếng nhất thời bấy giờ và đạt được những thành tựu thập phần viên mãn theo giáo lý của những vị này. Thế nhưng tâm thức của Ngài vẫn chưa thoát khỏi vòng vây của tham lam, sân hận và si mê, vẫn còn bị trói buộc trong "có không còn mất". Để xoay xở tìm lối thoát siêu vượt lên, Ngài quyết định tu tập theo những pháp môn tột cùng của khổ hạnh. Cùng với năm người bạn, Ngài tu tập theo pháp môn thiền định ròng rã 6 năm, hạn chế tối đa việc ăn uống. Mặc dầu Ngài đạt được những tầng thiền định cao thượng nhất đương thời nhưng tâm trí Ngài vẫn không được giải thoát hoàn toàn. Bằng kinh nghiệm của chính bản thân sau nhiều năm tháng cần khổ tu tập, Ngài nhận ra rằng hành hạ bản thân không phải là nền tảng của sự chứng đạt tâm linh, ngọn nguồn của Vô Thượng Giác.

Chánh Đẳng Chánh Giác

Từ bỏ đường lối khổ hạnh cực đoan, sức khỏe dần dần hồi phục trở lại, Ngài liền đi đến Bồ đề đạo tràng thuộc khu vực Đông Bắc Ấn Độ rồi ngồi tĩnh tọa dưới cội cây Bồ đề. Với hùng lực và quyết tâm cao nhất. Ngài dũng mãnh phát nguyện không bao giờ đứng dậy rời khỏi chỗ thiền tọa khi chưa được giác ngộ hoàn toàn.

Câu chuyện kể tiếp rằng Ma vương, chủ tể của loài ma, đã xua lực lượng đến ngăn cản, không cho Ngài tiếp tục thiền định. Chúng ta có thể xem Ma vương là những thế lực từ bên ngoài đến để gây trở ngại cho chúng ta hay là một phần tâm thức của chính chúng ta còn phân vân, chấp thủ và u mê. Một trận chiến xảy ra giữa Đức Phật và quân đội của ma, giữa sáng suốt và u mê, giữa thánh thiện và phàm tình, tục lụy. Trận chiến này có nhiều ý nghĩa đối với những tâm hồn nhạy bén với những giá trị tâm linh và là nguồn khích lệ đối với những người hướng thiện, muốn chống lại những tham lam thấp kém.

Trước hết, Ma vương đã đưa ra những chiến binh hung hãn nhằm chận đứng việc thiền định của Ngài, nhưng Đức Phật đã chuyển hóa những vũ khí của ma quỷ thành một trận mưa hoa thơm ngát. Điều này có thể hiểu là nỗi sợ hãi và tính chất sân hận trong tâm thức của chúng ta có thể dùng lòng yêu thương để chế ngự và chinh phục.

Kế đến, Ma vương đã gửi những nàng con gái khả ái và nõn nà, xinh tươi và thơm tho như mộng đến để làm cho Bồ Tát phải bị lôi cuốn mà xao lãng tâm ý, hầu phá vỡ tâm thức tập trung cao độ của Ngài. Nhưng Tất-đạt-đa đã chuyển hóa những nàng con gái kiều diễm này thành những cái túi đựng đồ đang trong quá trình hư mục và bắt đầu tiết ra mùi hôi thúi. Nhục nhã và xấu hổ, chúng lẫn trốn tức thì. Cần nhắc nhở rằng lòng ham muốn của chúng ta sẽ không còn một chút sức lôi cuốn khi chúng ta nhìn xuyên thấu qua lớp võ hào nhoáng bên ngoài của những đối tượng mà chúng ta chấp thủ, ái luyến.

Cuối cùng, Ma vương đã tấn công đến tư cách và nhân thân của Bồ Tát; nó đặt vấn đề Bồ Tát có đủ thiện nghiệp sâu dày, tư cách để ngồi chỗ đó hay không. Tất-đạt-đa đã dùng tay chạm lên quả địa cầu, vị nữ thần của quả đất xuất hiện, xác nhận rằng Ngài đã huân tập đầy đủ phước đức và thiện nghiệp sâu dày. Điều này biểu thị rằng những nghi ngờ do dự của chúng ta sẽ tan biến nếu chúng ta dựa trên nền tảng của thực tại, tức là chính cái thực tại mà chúng ta đang sống, đang sống trong, đang sống với. Chính cái thực tại mà chúng ta đã vượt qua được bức màn ảo giác và thiên kiến, cố chấp; chính cái thực tại đã được chúng ta nhìn xuyên thấu được bản chất tàng ẩn của nó. Bị thất bại, Ma vương bỏ đi.

Trong đêm đó, Bồ Tát tiếp tục thiền định, dần dần tẩy sạch tâm tư khỏi các cấu uế sau cùng tinh tế của vô minh và chấp ngã. Bình minh hôm ấy Bồ Tát đạt được Phật quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tức là đã đoạn trừ hoàn toàn tất cả các cấu nhiễm trong tâm tư và đã thành tựu viên mãn mọi đức tánh thù thắng tối cao.

Ban đầu Đức Phật cảm thấy ngần ngại trong việc tuyên thuyết giáo pháp, không biết người nào có thể hiểu được kinh nghiệm phi thường này hay không? Lúc ấy, có những vị thiên do Phạm thiên dẫn đầu xuất hiện và thỉnh cầu Phật thuyết giảng, nói rằng chắc chắn sẽ có những người có tâm hồn trong sáng, ít nhiễm bụi trần, khi nghe được giáo pháp, những người ấy sẽ có được lợi lạc.

Khi biết rằng năm người bạn ẩn sĩ đã từng cùng tu khổ hạnh chung với mình đang ở Sarnath, Đức Phật du hành tới nơi ấy. Nhận ra Đức Phật từ xa nhưng năm người bạn ẩn sĩ này vẫn còn giữ trong lòng cảm giác giận hờn và khinh ghét vì trước kia họ là những người từng chứng kiến sự kiện Đức Phật giảm hẳn khổ hạnh đến mức độ gần như bỏ luôn lối tu cổ điển này. Họ nêu lên ý kiến chung là không tiếp đón Đức Phật. Tuy nhiên khi Đức Phật đến gần, khi được diện kiến tôn nhan sáng rỡ hào quang từ bi và trí tuệ của Đức Phật thì cảm giác giận hờn và thành kiến xa xưa của họ tan biến như mây mù trước ngọn gió ban mai mát mẻ thanh lương. Thay đổi hẳn thái độ, năm người bạn ẩn sĩ khổ hạnh tiếp đón Đức Phật nồng nhiệt, thập phần kính ngưỡng. Nhân duyên chín muồi Đức Phật tuyên bố bài pháp thoại đầu tiên, khởi sự sự nghiệp truyền bá giáo pháp vô thượng.

Bài pháp thoại đầu tiên này nói về Tứ thánh đế. Năm vị ẩn sĩ bừng tỉnh ngộ và xin được thọ giáo tu hành theo Đức Phật. Chẳng bao lâu sau đó cả năm vị đều chứng được quả vị A-la-hán. Như thế, cộng đồng Tăng-già đã được chính Đức Phật thành lập.

Suốt 45 năm còn lại, Đức Phật du phương giáo hóa khắp mọi nơi thuộc miền Bắc Ấn Độ. Mọi người, thuộc mọi thành phần xã hội đều có thể xin quy y, theo về với Ngôi Tam Bảo để sống cuộc đời lợi lạc an vui, tu tập theo những lời của Đức Phật dạy bảo. Một ngày nọ, Ngài quay trở về thành Ca-tỳ-la-vệ để thuyết pháp độ cho gia đình. Nghe được những buổi pháp thoại do Đức Phật tuyên thuyết vua Tịnh Phạn cũng đạt được nguồn phước lạc vô biên. Nhà vua phát tâm quy y Tam Bảo và tu hành theo lời dạy của Đức Phật. Người con trai là La-hầu-la cũng xuất gia trở thành vị Tỷ-kheo và sau này trở thành vị đệ nhất về mật hạnh.

Sau khi Tịnh Phạn Vương qua đời, dì mẫu của Đức Phật cùng với 500 nữ nhân dòng họ Thích-ca xin được xuất gia. Ban đầu Đức Phật từ chối, có lẽ là vì Ngài không muốn rằng dì mẫu có ý định xuất gia chỉ vì nỗi đau khổ do vua Tịnh Phạn, chồng bà, mới vừa qua đời.

Kiều Đàm Di mẫu đã thể hiện quyết tâm và ý chí xuất trần cao độ của mình. Bà cùng với 500 nữ nhân cạo sạch tóc, mặc y vàng đi bộ theo Đức Phật hàng trăm dặm từ thành Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly. Ananda, người thị giả trung thành và đắc lực của Đức Phật đã hỏi Phật rằng phụ nữ có khả năng chứng được quả vị A-la-hán không. Đức Phật trả lời rằng phụ nữ có khả năng chứng quả A-la-hán. Sau đó, Đức Phật cho phép đoàn phụ nữ này được gia nhập tăng đoàn. Như thế, giáo đoàn ni được thành lập, mở cửa ngỏ giải thoát cho mọi người phụ nữ có thiện duyên. Da-du-đà-la cũng xuất gia vào ni đoàn và cũng đắc được quả vị A-la-hán cao quý.

Phật giáo tác động vào xã hội

Nhìn từ nhiều khía cạnh, Đức Phật là một nhà cách mạng xã hội trong thời đại đó. Ngài lên tiếng đả kích mạnh mẽ các nghi lễ cầu cúng mang nặng tính hình thức; khiến người ta phải suy nghĩ đến mục đích của các buổi tế lễ Bà-la-môn đương thời đang được tiến hành. Đức Phật cũng lên án việc phân biệt đối xử và những bất công xã hội khác trong hệ thống giai cấp. Tuy sống trong bối cảnh văn hóa như vậy nhưng Ngài đã không để cho những tập tục hủ lậu ấy xâm nhập vào trong sinh hoạt của đoàn thể Tăng-già. Đức Phật đã kiên quyết với lập trường rằng mọi người đều phải được đối xử một cách bình đẳng. Trong giáo đoàn của Đức Phật, lòng kính trọng được dành cho những vị trưởng lão cao hạ và những vị đã chứng đạo chớ không dành cho những người thuộc một giai cấp đặc biệt nào đó trong xã hội.

Ở Ấn Độ thời cổ đại, thân phận của người phụ nữ không được xem trọng, dù vậy Đức Phật đã làm sửng sốt nhiều người khi Ngài công khai thừa nhận năng lực tâm linh của phụ nữ. Đức Phật đã cho phép phụ nữ được thoát ly khỏi gia đình mặc dù theo phong tục ngàn đời của xã hội thời bấy giờ thì người phụ nữ luôn luôn phải sống dưới sự cai quản của người đàn ông: trước hết là người cha, kế đến là người chồng, và khi tuổi già thì nương với những người con trai.

Có nhiều vị trưởng lão ni xuất chúng đã đạt được quả vị A-la-hán. Những lời huấn thị của những vị ni này được ghi lại trong tác phẩm Trưởng Lão Ni Kệ thuộc hệ thống kinh tạng Pali. Một số người cho rằng lúc đầu Đức Phật không muốn chấp nhận cho người nữ xuất gia; sau đó Ngài thay đổi quan điểm và miễn cưỡng chấp nhận; điều này hàm ý rằng có thể đó là một sai lầm khi Ngài đổi ý như vậy. Nên được nhắc rằng Đức Phật của chúng ta cũng đã từng không muốn tuyên thuyết Chánh pháp nhưng sau đó Ngài đổi ý. Tại sao trong sự kiện đó không ai bảo rằng Ngài đổi ý như vậy là sai cả!

Ngược lại tính chất chuyên chế của hầu hết hệ thống chính quyền Ấn Độ thời cổ đại, Đức Phật ủng hộ một hệ thống điều hành có tính cộng hòa và dân chủ hơn. Ngài đã dựa trên hệ thống này để thành lập nên cộng đồng Tăng-già. Các vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni đã thọ giới cụ túc 10 năm thì được xem là những vị đã vững chãi trên con đường tu tập và được gọi là những vị cao hạ. Những vị cao hạ này họp mặt với nhau trong những buổi thảo luận, xây dựng nên những đường lối và đưa vào thực hiện trong các cộng đồng Tăng-già.

"Nội quy" của cộng đồng Tăng-già là những giới điều mà Đức Phật đã thiết lập cho các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni. Trong thời mà những vị đệ tử đầu tiên gia nhập tăng đoàn thì chưa có một giới điều nào cụ thể cả. Những giới điều được thiết lập khi có những vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni làm những hành động có hại cho bản thân và cho người khác hay những hành động xúc phạm đến mọi người. Khi những hành động như vậy được trình báo cho Đức Phật biết thì Ngài tuyên bố rằng trong tương lai, những người đệ tử đã thọ cụ túc giới không nên có những hành động như vậy nữa. Theo trình tự như vậy những giới điều được hình thành.

Những giới điều cốt lõi gồm: không sát hại mạng sống của con người, không trộm cắp, không nói dối về những quả vị tâm linh mà mình đã chứng được và không hành dâm. Những giới điều khác nhằm điều chỉnh tác phong của Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni, quy chế về y phục, về cách hành xử giữa những Tỷ-kheo với nhau, giữa Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni và những oai nghi tế hạnh khác. Tăng đoàn cũng không được sử dụng bất kỳ loại dược chất gây nghiện nào cả.

Song song với hội chúng tăng ni xuất gia Đức Phật còn có nhiều đệ tử cư sĩ từ tất cả mọi thành phần xã hội, mọi tầng lớp xã hội. Mối liên hệ giữa hội chúng xuất gia và hội chúng tại gia có tính chất hỗ tương lợi lạc và trân trọng lẫn nhau. Chức năng của hội chúng Tăng-già là hết lòng tu tập theo lời dạy của Phật, nêu gương lành sống động cho người khác, đồng thời giáo huấn, hướng dẫn đời sống hướng thượng lại cho mọi người. Để thực hiện được việc này các vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni phải sống một cuộc sống đơn giản thanh bần. Tăng ni không dấn thân vào việc đồng áng hay thương mại để kiếm sống vì những nghề nghiệp này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian mà đúng ra phải dành cho việc học giáo lý và thực tập thiền định; những nghề nghiệp này cũng dễ làm cho người ta đắm nhiễm và tham trước.

Vì vậy mà mỗi buổi sáng các vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni đi hóa duyên tuần tự nơi nhà cư sĩ để có được thực phẩm hằng ngày. Mặc dầu việc này đôi khi bị xem là "đi xin," thật ra không phải như vậy. Các vị tăng ni không mở miệng hỏi xin và không bắt buộc ai phải mang phẩm vật ra cúng dường hay bố thí. Tăng ni chỉ im lặng, chậm rãi đi ngang qua những gia đình; những người nhận thức được giá trị tâm linh của con đường đạo, khởi thiện tâm và muốn ủng hộ thì đem phẩm vật ra cúng dâng với tâm tự nguyện và hoan hỷ.

Những người xuất gia không phải là những người sống ký sinh vào xã hội. Thật ra người xuất gia đang thực hiện một vai trò quan trọng trong cuộc đời, củng cố tầng đạo đức sâu nhất trong tâm thức xã hội. Những thế hệ của tăng ni đã là những người gìn giữ những lời dạy của Đức Phật từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác, đồng thời làm cho những lời dạy đó trở thành những hiện thực sống động. Nhờ vào việc đưa giáo pháp thâm nhập vào dòng chảy tâm thức của bản thân mà tăng ni thăng hoa được hành vi và trí tuệ của mình rồi lại đem những pháp lạc này chỉ dạy lại cho cư gia và phổ biến cho mọi người có đủ thiện duyên. Tăng ni tu học đúng theo Chánh pháp truyền thống là những người đem bản thân ra để chứng minh rằng người ta có thể trở nên thanh tịnh hơn, từ ái hơn và rộng lượng hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ vì được xuất gia mà hành vi của một người trở nên thanh khiết một cách tự nhiên. Hầu hết những người con Phật dù là tại gia hay xuất gia đều chưa phải là Phật! Những vị ấy đang trong quá trình tu học và cố gắng đạt được chánh quả. Mặc dầu con đường đạo mà Đức Phật chỉ dạy là con đường hoàn hảo và thuần thiện nhưng những con người cụ thể đang tu tập theo con đường đó không phải ai cũng luôn đạt được sự hoàn hảo và thuần thiện đó.

Khi Đức Phật 80 tuổi, sau 45 năm giảng dạy giáo hóa chúng sinh, Ngài thị tịch ở thành Câu-thi-na. Trong sự kiện quan trọng này, điều nổi bật mà chúng ta có thể ghi nhận ở đây là thay vì chỉ định một người thừa kế và thiết lập nên một cơ cấu quyền hạn, Đức Phật khuyến khích tất cả những đệ tử của mình hãy lấy Chánh pháp tức là lấy những lời mà Ngài đã dạy làm vị đạo sư, làm vị hướng dẫn và chỗ nương tựa tâm linh. Như vậy, Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm thành khẩn của mỗi cá nhân trong việc tu tập, đồng thời Đức Phật cũng biểu lộ ý hướng rằng với mục đích tiến bước trên con đường giải thoát và giác ngộ, hội chúng Tăng-già hãy sống chung hòa hợp theo tinh thần cộng hòa trong mối quan hệ tương thân và tương kính với nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2021(Xem: 5411)
Vô thường là không chắc chắn, thay đổi, không trường tồn. Vô thường là đặc tính chung của mọi vật. Mọi vật sinh ra điều theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Khi hiểu rõ về Vô thường con người sống vui hơn. Vì biết rằng thân nhẹ nhàng như mây[2].
30/08/2021(Xem: 8894)
Nụ cười Anh tỏa nắng Giữa dịch bệnh đau thương Trái tim Anh lấp lánh Trong cuộc sống đời thường
27/08/2021(Xem: 5739)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm Hộ trì Tăng Bảo nhân mùa Vu Lan tự tứ, cũng như san sẻ với chư Tăng tu hành nơi xứ Phật trong lúc còn nhiều khó khăn do Dịch covid ... Vào sáng thứ Ba 24 Aug 2021 vừa qua chúng con, chúng tôi đã thiết lễ cúng dường chư Tăng thuộc các truyền thống Phật giáo tại Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya India với sự bảo trợ của chư tôn đức Ni và chư Phật tử 4 phương...
26/08/2021(Xem: 4541)
Namo Sakya Muni Buddha Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 9, 10, 11 & 12 2021 với sự chia sẻ của Thầy Thích Tánh Tụê. Thứ 7 ngày 4 tháng 9 - 2021 Từ 2PM to 5PM Pháp thoại & sinh hoạt với ACE Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông. 9311 McClure ave Westminster Ca 92683 Liên hệ chi tiết: Đạo hữu minh Anh (714) 319 3455
24/08/2021(Xem: 6903)
Tôi lúc nhỏ đi vào truy môn, ban đầu đọc tụng danh hiệu của 88 Đức Phật, trong lòng yên lắng, được điều chưa từng có! Nay tôi già rồi, mỗi khi xưng niệm danh hiệu, niềm hỷ lạc vẫn như xưa. Có điều tôi chưa xem xét [các danh hiệu ấy] xuất từ Kinh nào? Gần đây tôi tham cứu Đại tạng thì mới biết rằng 35 Đức Phật xuất từ Kinh Đại Bảo Tích, được trình bày rất rõ ràng xuyên suốt bản kinh. Người đương thời góp nhặt danh hiệu 88 Đức Phật, bỏ qua kinh văn, chỉ chép danh hiệu Phật là để giản tiện, nhưng người đọc sẽ không biết xuất xứ từ đâu.
23/08/2021(Xem: 4346)
Kính bạch Thầy hôm nay giỗ Mẹ , con tự khấn thầm sẽ học lại Trung bộ kinh mà trước đây đã học chưa trọn vẹn qua sách của HT Thích Minh Châu và Ni Sư Trí Hải chú giải thì may mắn làm sao con thấy online trọn bộ trên YouTube của Sư Sán Nhiên giảng tại Mỹ và được chú thích rõ ràng và ngay bài đầu tiên con đã thu thập và nhớ lại những gì đã học , kính xin phép Thầy cho con trình pháp xen kẻ với những pháp thoại của Thầy để cúng dường Pháp Bảo hầu kiếp sau có cơ hội tiến tu trên đường Đạo . Kính đảnh lễ Thầy, kính đa tạ và tri ân Thày, HH
20/08/2021(Xem: 5327)
Người Á Châu không ai là không biết đến hoa Sen. Vì Á Châu chúng ta có khí hậu ấm áp, nhất là những xứ như Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc và ngay cả Đại Hàn hay Nhật Bản, hoa Sen vẫn thường nở khoe sắc thắm vào mùa Hè nắng ấm. Sen có nhiều loại và nhiều màu khác nhau, nhưng hai màu chính mà chúng ta thường thấy là hoa Sen màu hồng và hoa Sen màu trắng. Trong Kinh A Di Đà diễn tả về màu sắc của hoa Sen ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có cả hoa Sen màu xanh tỏa ra ánh sáng xanh, hoa Sen màu vàng tỏa ra ánh sáng vàng nữa; nghĩa là có nhiều màu sắc khác nhau khi hoa được trổ ra nơi cảnh giới giải thoát ấy.
20/08/2021(Xem: 6081)
Ai đã sống trải qua thời kỳ u ám thê lương của những năm đất nước đói nghèo với tên gọi "thời bao cấp", ắt hẳn thấm thía và nhận biết giá trị quý báu của chén cơm, manh áo. Nói không quá, "cơm trắng, áo đẹp" hầu như chỉ có trong... giấc mơ. Một xị dầu lửa, hay một cục xà bông để vừa giặt, vừa tắm, vừa gội đầu, cũng là những vật phẩm giá trị không phải muốn có lúc nào là được đâu.
19/08/2021(Xem: 6455)
Không sống với quá khứ, cũng không mơ tưởng tương lai. Hãy tập trung tâm thức vào giây phút hiện tại.
19/08/2021(Xem: 7575)
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm. Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp. Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh. Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]