Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lá thư Tịnh Hữu.

08/04/201319:09(Xem: 6300)
Lá thư Tịnh Hữu.

Thi Chon

Lá thư Tịnh Hữu

Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

Nhân Duyên


Tịnh Hữu thân mến.

".Phật xưa có thệ, nếu có chúng sanh,
muốn sanh nước ta, hết lòng tín nguyện, cho đến mười niệm,
nếu chẳng đặng sanh, chẳng thành chánh giác..."

Sáng nay,tôi đang rửa chén đoại trong quán, Thiện Đạt, một Phật tử công quả tại Chùa hớt hải chạy qua quán báo tin:
- Anh Thị Chơn ơi! Anh có biết là Thượng Tọa Thiện Thông đã bị đưa vào nhà thương rồi chưa?
- Chuyện gì vậy ? Tôi hỏi.
- Chiều qua, khi Thượng Tọa Quảng Bình vào thỉnh Thầy Thiện Thông ra dùng cơm tối, thì thấy Thầy Thiện Thông ngã trong thư phòng. Trong Chùa đã kêu xe cấp cứu đưa Thầy Thiện Thông vào bệnh viện rồi. Em Thiện Đạt hoảng hốt khẩn báo cho tôi biết tin này. Gương mặt của Thiện Đạt lúc đó buồn so và tái mét. Tôi cám ơn Thiện Đạt.
- Được rồi, Anh sẽ liên lạc với Chùa để tìm phương tiện đi thăm Thầy Thiện Thông. Tôi nói với Thiện Đạt như thế.

Sau đó tôi điện thoại vào Chùa thì được biết rằng, trong lúc Thầy Thiện Thông muốn viết cho sư phụ của tôi là Thượng Tọa Thích Như Điển một câu đối để tặng sinh nhật của sư phụ tôi vào ngày hôm sau là ngày 28.06.2000 thì bị "trúng gió" mà ngã ụp người xuống. Trong tay Thầy Thiện Thông vẫn còn cầm cây viết. Tôi hỏi quý đạo hữu trong Chùa (qua điện thoại): làm sao chúng ta đi thăm Thầy Thiện Thông được ? Một bác đạo hữu trong chùa cho biết là tôi cứ đến chùa và sẽ có xe của chùa chở đi. Sau giờ làm việc, tôi cũng chẳng màng đến việc ăn trưa nữa. Vì nhà hàng thường ăn trưa vào lúc 15.00 giờ. Tôi cùng cô Thiện Liên cuốc bộ qua Chùa, vì Chùa cách xa quán ăn của chúng tôi khoảng 700 mét. Chúng tôi không dùng xe riêng, vì trong Chùa đã cho biết rằng những ai muốn đi thăm Thầy Thiện Thông thì cùng tháp tùng với xe của Chùa và sẽ có quý Thầy trong Chùa hướng dẫn. Chúng tôi cứ y như thế mà làm.

Khi đến Chùa thì sự việc xảy ra không như vậy. Mạnh ai nấy đi ! Chúng tôi định về quán để lấy xe riêng đi. Khi bước ra sân Chùa thì gặp anh Thông, bào đệ của Thầy Thiện Thông, cùng phu nhân. Anh chị cho chúng tôi cùng đi xe chung đến bệnh viện để thăm Thầy. Mô Phật ! Chúng tôi được nghe kể lại là Thầy Thiện Thông bị bể mạch máu đầu, không phương cứu chữa. Y khoa chỉ tiếp nước biển để gọi là duy trì sự sống. Còn không phương cách gì làm phẫu thuật hay cứu chữa được nữa. Nói khác đi thì cơn vô thường đến lúc nào thì hay lúc ấy !

Đến nhà thương.Vào phòng hồi dưỡng, nơi Thầy Thiện Thông đang nằm. Những ống cao-su chằng chịt tiếp chất liệu dinh dưỡng hầu hy vọng kéo dài sự sống cho Thầy !

Trên đường đến nhà thương, tôi tâm niệm rằng tôi sẽ trì chú "Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni" bảy (7) biến để tạ ơn Thầy. Đây là câu thần chú mà Thầy và Thầy Từ Trí đã làm lễ an vị "Phật Bảo Tháp" tại tư gia của chúng tôi trong năm 1999 và trong quán ăn của chúng tôi để cầu an cho gia đình, thân quyến và sự an sinh của chúng tôi.

Nhưng trên đường đi, tôi lại đổi ý. Tôi sẽ trì cho Thầy bảy (7) biến chú "Bát Tự Đại Oai Đức Đà La Ni" của Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát để tạ ơn Thầy. Câu thần chú này do Sư Bà Như Tuấn truyền trao cho tôi nhân lễ Phật Đản năm 1999. Và sau đó tôi có thưa với Thầy Thiện Thông việc này. Thầy chỉ dạy tôi: Anh hãy cố gắng trì tụng thần chú này đi. Nó sẽ mang nhiều lợi lạc cho chính anh và chúng sanh. Tôi chỉ biết như vậy mà hành trì. Khi Thầy Thiện Thông sắp rời nước Đức, chúng tôi có thỉnh Thầy và sư phụ của chúng tôi dùng bữa cơm trai phạn cúng dường để tiễn biệt Thầy Thiện Thông về nguyên quán. Sau bữa cơm, Thầy Thiện Thông có kêu tôi ra và nói riêng:

- "Anh gắng trì tụng thần chú này để tự độ cho chính anh và dùng trị bệnh độ mọi người."

Tôi tạ ơn Thầy và trong khoảng khắc đó tôi chỉ niệm thầm trong trí "Án a vị ra hồng khư tả lặc". Ngoài ra tôi không có một mảy may tâm niệm nào khác.

Đến khi vào bệnh viện, người ta hướng dẫn vợ chồng anh Thông và chúng tôi vào phòng bệnh để "thăm" Thầy. Lúc đó có hai đạo hữu, Diệu Thơ đang đứng bên phía trái và anh Quảng Niệm đứng bên phía phải, từ ngoài nhìn vào, đang trì tụng "Nam Mô A Di Đà Phật" khoan thai nhịp nhàng. Tất cả những ý nghĩ của tôi dành cho Thầy trên đường đi bỗng dưng tiêu tan. Tôi nhìn Thầy đang nằm trên giường bệnh, nét mặt Thầy rất tươi, đôi mắt nhắm lại bình thản không một chút ưu tư. Không vướng một chút âu lo. Tôi chợt nhớ đến lúc tôi đã từng nằm trong tư thế như vậy cách đây 15 năm về trước. Chỉ có điều lúc đó tôi còn mở mắt ra được, nên tất cả mọi người cho rằng tôi còn sống. Nay nhìn Thầy Thiện Thông, vì Thầy nhắm mắt nên mọi người tưởng Thầy đã chết !

Lúc đó tôi tin chắc rằng Thầy chưa viên tịch.Mà thần thức của Thầy đang hoạt động rất căng thẳng. Bởi vì cái gì Thầy muốn nói cho mọi người nghe, đã bị sự tê liệt của các thần kinh ngăn ngại, khiến Thầy không cử động được; chứ không phải là Thầy không biết những gì xảy ra chung quanh mình. Tình trạng này cũng là tình trạng của tôi cách đây 15 năm trước vào ngày 31.5.1985. Vì biết như vậy nên tôi thầm nguyện: Con Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp xin đảnh lễ Thầy ba lạy và trì 108 biến Nam Mô A Di Đà Phật để tỏ lòng cảm ơn Thầy và cầu nguyện cho Thầy cao đăng Phật quốc.

Vì sao ? Một là, vì cá nhân tôi biết rằng, bệnh tình của Thầy không mong gì chữa khỏi đặng ! Hai là, vì Thầy bị bể mạch máu đầu. Còn tôi trước đây bị nghẽn mạch máu trên đầu. Sau khi lạy xong ba lạy, tôi cứ thế với hơi thở đều đặn - nhưng không quan tâm đến hơi thở - tôi mật niệm "A Di Đà Phật". Tôi bỏ hai chữ "Nam Mô" đi. Vì hai chữ "Nam Mô" chỉ có nghĩa là "cung kính, đảnh lễ" mà thôi ! Ở trong khoảng không và thời gian ấy, chúng ta mới có thể biết được rằng việc niệm Phật rất là cấp bách. Lúc đó chúng ta không thể phung phí chữ nghĩa được nữa ! Cũng như chúng ta thường được nghe rằng: đói thì cho ăn, khát thì cho uống. Đúng là như vậy và không thể khác được !

Cho nên sau khi lạy Thầy ba lạy là tôi bắt đầu niệm thầm trong "tâm thức": A Di Đà Phật. Với sự nhịp nhàng của hơi thở - nhưng không quan trọng đến hơi thở - (đây là mấu chốt quan trọng, tôi sẽ lần lượt kể cho các bạn rõ trong những bức thư sau). Tôi cứ niệm cho hết 108 biến. Xong cầu nguyện cho Thầy sớm cao đăng Tịnh Độ quốc và hồi hướng cho mọi loài chúng sanh cũng đều được vãng sanh Tịnh Độ.

Tôi lui ra ngoài để nhường chỗ cho những đạo hữu khác vào đảnh lễ Thầy. Ở phòng ngoài, tôi có duyên được nói chuyện với vợ chồng anh chị Thông, đạo hữu Diệu Thơ, anh Quảng Niệm và cô Thiện Liên về sự niệm Phật cũng như tâm niệm của mình đối với người đang nằm trên giường bệnh chờ cơn vô thường đến.

Vì phải đến giờ trở về quán làm việc nên tôi vào phòng bệnh của Thầy để lạy tạ từ biệt. Cũng giống như lần đầu, tôi lạy Thầy ba lạy để đảnh lễ rồi niệm 108 biến A Di Đà Phật.

Nhưng khi vào phòng bệnh,sau khi lạy Thầy xong ba lạy, tôi quỳ thẳng lên để mật niệm thì nhìn thấy gương mặt Thầy chau lại, tỏ vẻ có gì không hài lòng. Trong lúc đó thì bên tai tôi nghe được tiếng niệm Phật của một nữ đạo hữu đứng bên phía phải quá ư là chát chúa. Âm thanh lên xuống không đều đặn và rất là khó nghe. Còn Bác Tám trai thì đứng phía trái giường bệnh đang thầm niệm A Di Đà Phật đều, khoan thai và nhịp nhàng. Lúc đó tôi chỉ biết ghi nhận sự kiện này và tiếp tục thực hiện những gì mình đã dự định là: niệm 108 biến A Di Đà Phật, lạy Thầy ba lạy, cầu nguyện, hồi hướng và lui ra. Tôi không quan tâm đến giọng tụng chát chúa của nữ đạo hữu kia nữa ! Việc này tôi đã về trình lại với sư phụ tôi. Tôi có xin Thầy nhắc nhở đại chúng hãy lưu ý nghi thức hộ niệm cho người sắp đang lìa trần thế. Dù đó là một cư sĩ hay một người tu đi chăng nữa. Cũng nên phải rất cẩn thận điều này !

Sau đó sư phụ tôi có hỏi tôi: Vậy tâm trạng, thần thức của con trong lúc con bị cơn bệnh hiểm nghèo như Thầy Thiện Thông ra sao ? Liệu Thầy Thiện Thông biết những gì mình đang muốn nói với Thầy chăng ? Và thần thức của Thầy ra sao ? Lúc đó tôi mới có cơ hội, những gì tôi ấp ủ hơn 15 năm nay để trình bày cho Sư phụ tôi biết. Đồng thời sự ra đi của Thầy Thiện Thông đã là một duyên lành cho tôi tâm sự với mọi tín hữu khắp nơi về phương pháp hành trì Pháp Môn Tịnh Độ. Đó cũng là hoài bão của Thầy Thiện Thông đối với mọi Tịnh Hữu có duyên với Thầy trong khoảng không đầy hai năm qua.

Loạt bài với "Lá Thư Tịnh Hữu"này nhân chuyến ra đi của Thầy Thiện Thông là việc thực hiện một lời nguyện của tôi, lúc tôi bị liệt toàn thân, không nói chuyện được và tôi đã lập đại nguyện: ngày nào con nói lại được và cử động được thì con nguyện phần sống còn lại của con trên cõi ta bà này sẽ hoằng dương Pháp Môn Tịnh Độ. Và nếu ai niệm 10 lần "A Di Đà Phật" như con đã làm mà không được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc thì con xin nguyện không bao giờ ra khỏi địa ngục; và nguyện nhận chịu hết mọi bệnh tật khổ đau của mọi loài để họ phát tâm niệm "A Di Đà Phật" cầu vãng sanh Tịnh Độ.

Tâm trạng của tôi ở giờ phút đó, thật sự tôi muốn kể cho các bạn nghe từ 15 năm qua. Nhưng khó lắm ! Vì nếu một người đã qua đời, họ để lại xá lợi, hoặc có những sự huyền linh ứng hiện nào đó hiển ra thì mọi người cho rằng: à người đó tu thành chánh quả và đã được Phật A Di Đà hoặc Tam Thánh tiếp dẫn rồi. Khi đã có những sự kiện đã xảy ra thì người ta mới có thể kết luận hay phê phán. Chứ ít có mấy ai thấu rõ được sự kiện khi nó đang diễn tiến. Trừ phi họ thấu triệt được định luật "nhân quả nghiệp báo". Tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn mà sau khi Thái Tử Tất Đạt Đa thành đạo chỉ dạy cho chúng ta để thoát khỏi sanh tử luân hồi cũng không hề đi ra ngoài nguyên lý này. Phương tiện thì có khác, nhưng định lý này thì không hề thay đổi.

Tôi thì nói không hay, không có tài viết lách hoặc diễn giảng theo kinh sách và không có khả năng để trang trải tâm tư của mình qua thơ văn, chữ nghĩa v.v... Nhưng những gì tôi nói và viết ra đều là sự "chứng nghiệm" (không phải là kinh nghiệm !) thật nơi bản thân. Chứ tôi không bao giờ thích mượn lời nói, câu văn của người khác để hóa trang hoặc trang điểm cho chính mình. Vì tất cả những cái đó đều là hư ảo ! Nếu là như vậy thì tôi e rằng tôi chỉ là cái máy cassette, lặp đi lặp lại những gì người ta đã nói. Hoặc giả tôi chỉ là một diễn viên tài tình, đóng một vai thật hay như vai tuồng mình đã chọn hay người ta đặt ra cho mình. Đây chỉ là việc mượn cái hay của người khác để khoác lên cái "ngã kém cỏi của mình" mà thôi. Như vậy mình không phải là mình.

Chúng ta thường được nghe giảng đến "tu học" và "tu chứng". Trong hai cụm từ này có hai từ giống nhau đó là chữ "tu". Ngoài ra chúng ta còn được biết đến ba chữ "Văn, Tư, Tu". Như vậy trước khi muốn biết mình tu như thế nào, tu là sự sửa đổi để từ chỗ không thiện đến chỗ thiện và rốt ráo để được viên mãn, nên cần phải học. Nếu không học thì biết gì để mà tu. Nhưng chỉ có học không vẫn chưa đủ. Đức Phật đã không từng dạy cho chúng ta là: tin ta mà không hiểu ta thì phản ta. Có tin mới có học, mới có thường xuyên đi nghe thuyết giảng. Lại nữa, chỉ học không mà không biết suy nghĩ, là Tư, thì làm sao biết sửa đổi thế nào, làm sao biết hành trì pháp môn nào, phương tiện nào.

Cái "quả" của quá trình "Văn, Tư, Tu" là sự "Chứng". Ý muốn nói đến sự "Chứng Ngộ" chứ không phải là sự "dở chứng" vì trong bụng đầy ắp một đãy kinh sách, nói ra như cái máy cassette. Nghĩa là mình "chứng ngộ cho mình" chứ không "chứng ngộ cho người khác" được. Khi bạn nằm cô đơn một mình trên giường bệnh chờ cơn vô thường đến đón đi; hoặc đang nằm liệt như trường hợp Thầy Thiện Thông; hay đang thui thủi một mình trong chiếc quan tài thì mình "chứng cho mình" hay "sự hộ niệm chứng cho mình" hoặc "sự hộ niệm giúp cho mình chứng" ? Lúc đó bạn có còn biết niệm Phật hay không ? Đây mới là điểm then chốt của việc "tu hành". Trong khoảnh khắc đó, các bạn ơi! Mình mới khám phá ra và hiểu được tám chữ mà khi Thái Tử Tất Đạt Đa chào đời, bảy bước trên đóa sen nở, một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, Ngài đã dõng mãnh tuyên bố: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn". Các bạn có hiểu không ?

TT_Thich_Thien_Thong

Lúc còn tại thế, Thầy Thiện Thông ngoài việc xây chùa, dịch kinh sách, giảng viên của trường Cao Đẳng Phật Học của Giáo Hội trong nước... Thầy luôn giảng dạy, khuyên nhủ và triệt để hoằng dương Pháp Môn Tịnh Độ. Điều này không một ai trong chúng ta không biết đến. Qua lời Thầy Hạnh Tấn cho biết, Thầy Thiện Thông sẽ giảng về "Thiền Tịnh Giải Nghi" trong lần thọ Bát Quan Trai giới, lần cuối của đời Thầy. Cũng trong ngày này, Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức Quốc đã nhóm họp để bầu lại thành phần Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ 2000-2002. Tranh thủ trong giờ giải lao, tôi lên chánh điện để nghe Thầy giảng. Tôi ghi nhận nay nét mặt của Thầy không còn tươi tỉnh như xưa. Ngược lại cũng trên khuôn mặt từ ái ấy đượm nhiều nỗi lo âu và mệt mỏi. Giọng nói của Thầy không còn hùng mạnh như trước đây, khi tôi có duyên gặp Thầy. Nụ cười của Thầy không còn tươi như mọi khi. Tôi ghi nhận thấy những bắp thịt phía trên mặt của Thầy hơi bị lệch, hơi xệ xuống bên trái. Tay mặt Thầy cầm micro, nhưng nhiều lần như bị rớt xuống vì bị mỏi tay ? hoặc Thầy không còn cảm giác để điều khiển nữa ? Tôi rất ngạc nhiên. Vì triệu chứng này là báo hiệu của chứng nghẽn mạch máu não. Nó dẫn đến tình trạng liệt tay chân, méo mặt.

Đây là dấu hiệu cơn bệnh của chính bản thân tôi cách đây 15 năm về trước. Tôi bị liệt nửa người bên trái. Sau một tháng điều trị trong nhà thương, tôi bị liệt tiếp theo đó nửa thân bên mặt rồi đến toàn thân. Tôi không nói chuyện được, chỉ còn mở được hai con mắt trao tráo ! Nhưng nhờ biết niệm Phật mà sau một tháng tôi cử động lại được, nói lại được và sống đến ngày nay. Nếu không thì như Sư cô Diệu Trạm, đệ tử của Sư Ông Minh Tâm, mỗi lần gặp tôi thường vui vẻ nói: ai cũng tưởng mồ anh giờ đã xanh cỏ rồi đó, anh Thị Chơn ! Như đã kể, vì tôi còn mở mắt được chứ không như tình trạng của Thầy Thiện Thông, nằm liệt nhắm mắt, nên mọi người biết rằng tôi còn sống. Trong khoảng thời gian một tháng đó tôi không cử động được cũng như không nói chuyện được. Không khác gì một cái xác còn mở mắt mà thôi.

Các bạn có biếttâm trạng và thần thức của tôi lúc ấy không khác gì một cái xác đang nằm trong hòm. Người đến thăm nói gì tôi cũng nghe hết. Nhưng không trả lời và ra dấu được. Nếu có ai nói lời gì không hợp ý mình thì chỉ biết nhỏ dòng lệ an ủi mà thôi. Nhưng cái đêm tôi bị liệt toàn thân và không nói chuyện được là một sự đấu tranh kinh khủng trong thần thức của tôi. Lúc đó chỉ có cái "a lợi da thức" của tôi hoạt động cực kỳ mãnh liệt. Vì 4 ấm khác (sắc, thọ, tưởng, hành) mình không còn kiểm soát và điều khiển được nữa. Các bạn có biết lúc đó tôi bơ vơ, cô đơn, trống vắng và buồn thảm đến thế nào không ?

Các bạn cứ "tưởng tượng" rằng, giai đoạn đó là giai đoạn "cận tử nghiệp" vậy. Vì sao ? vì mình đang lơ lửng giữa sự "sống và chết" vậy (thân trung ấm đến cận tử). Nhưng quá trình đấu tranh quyết liệt trong A Lại Da Thức của tôi trong đêm đó để thấu triệt được 8 chữ "thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" và cuối cùng tôi biết mình phải niệm "lục tự A Di Đà". Nhưng cũng không sao niệm được. Trong khoảng thời gian đó, A Lại Da Thức của tôi hoạt động để còn nhớ đến 4 chữ "A Di Đà Phật" thôi mà cũng không niệm được, đó là quá trình "Văn, Tư, Tu" theo Sư phụ học Đạo, hành hoạt Phật sự và để cuối cùng mình mới được "chứng nghiệm" ngay nơi bản thân mình trong khoảng không gian bơ vơ lạc lõng đó. Sự "chứng nghiệm" này tôi sẽ lần lược kể cho các Tịnh Hữu biết trong những bức thư sau.

Lẽ ra tôi muốn viết về đề tài này trong nhiều năm về trước rồi để kể lại cho bạn đồng tu Tịnh Độ nghe. Viết ra rồi cất đó. Vì rất ngại. Mình còn sống sờ sờ đó mà nói đến những chuyện hoang đường mấy ai tin ! Nước nóng mình uống phỏng miệng mình biết, làm sao người khác có thể cảm nhận được cái nóng như mình.

Nhân chuyến ra đicủa Thầy Thiện Thông, Sư phụ có hỏi tôi về tâm trạng của tôi lúc bị liệt và không nói chuyện được lúc xưa ra sao để biết phần nào về bệnh trạng của Thầy Thiện Thông đang nằm trên giường bệnh. Tôi thưa với Sư phụ là Thầy Thiện Thông đang nằm đó, không cử động được, mắt nhắm nghiền nhưng thần thức của Thầy hoạt động dữ lắm. Ngoài ra Thầy còn nghe và ghi nhận được hết những gì mọi người đang đứng bên giường bệnh nói. Nhưng Thầy không nói, không ra dấu hay diễn tả qua ánh mắt được. Chỉ khi nào những gì Thầy không hài lòng thì cơ phận nào đó còn cử động được thì nó "ngọ nguậy", như là muốn nói cho mình biết một điều gì đó. Giống như con lúc xưa vậy, chỉ biết rơi nước mắt mà thôi.

Lần cuối cùng Sư phụ đến viếng Thầy Thiện Thông và Sư phụ khấn nguyện dõng mãnh với Thầy:
"Nếu Thầy còn nhân duyên với Phật Tử thì xin Thầy sống lại cho thật dõng mãnh. Còn như Thầy thấy không cưỡng được tử thần, thì xin Thầy yên ổn ra đi và nguyện cầu Đức tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tiếp độ Thầy được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ như ước nguyện thiết tha của Thầy".(Trích báo Viên Giác số 118 tháng 8 năm 2000, trang 84, cột 2, bài của Nhựt-Trọng Trần-Văn-Minh "Lễ Tang Cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông").

Qua sự ra đi của Thầy Thiện Thông. Cũng như qua câu nói của Sư phụ tôi: "Sự học không giúp gì cho sự chứng ngộ; nhưng không học thì biết gì để mà chứng ngộ".
Qua đó chúng ta, những người hành trì Pháp Môn Tịnh Độ học được bài học gì ?

1.Niệm Phật, trì chúgiúp cho chúng ta an lạc được cuộc sống chính mình, đó là cái Đức, và cũng an lạc được cho hoàn cảnh quanh mình, đó là Phước: lúc còn thở ra hít vào miệng mỉm cười được ! Mình còn niệm Phật được, mình còn đứng cử động được nên mình còn hộ niệm cho người quá vãng được. Nhưng đến phiên ta thì sao ?

2. Cho nên niệm Phật, trì chúlà một sự thực tập ngay cho chính bản thân mình khi mình không còn thở ra hít vào được nữa. Vả lại cơn vô thường nó đến không hề báo trước cho sự thở ra hít vào của mình. Người ta thường nói "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu". Câu này viết ra đây đọc không có chút gì là thiền vị cả, nhưng thực tế là như vậy.

3. Việc hộ niệmlà chuyện của người còn sống có lòng quan tâm đến mình. Nhưng có được vãng sanh Cực Lạc quốc độ hay không là chuyện của chính mình. Mình nằm đó bơ vơ lạc lõng không còn thở ra hít vào trong chánh niệm được nữa. Trong khi chồng vợ, con cái, thân nhân, bạn bè đứng kề bên kể lể. Ban Hộ Niệm thì đang tụng kinh niệm Phật cho mình v.v... Thử hỏi rằng lúc hiện tiền mà ta không chuẩn bị hành trang cho mình thì đến lúc đó sự hộ niệm có giúp được gì cho mình không ? Sự hộ niệm là chuyện của người sống. Việc đốt đuốc lên đi là chuyện của chính mình. Cho nên Phật nói nào có sai
"hãy tự thắp đuốc lên mà đi", đó là ý nghĩa rõ ràng mà trong giây phút ấy bạn mới thấu được ! Còn như chính mình đã tự thắp đuốc được thì sự hộ niệm cũng đâu có dư thừa ! Nhưng không biết hộ niệm thì điều ấy chẳng khác nào những ngọn gió thổi tạt qua làm chao đảo ngọn đuốc của mình, nếu ngọn lửa của mình không đủ mạnh. Còn ngọn lửa của mình dõng mãnh thì không có gì lấn áp được cả.

Cho nên sau khi Thầy Thiện Thông nghe lời khấn nguyện ở trên của Sư phụ thì 10 phút sau Thầy đã dõng mãnh bay về cõi Tịnh Độ. Có nhiều người học Phật mà vẫn cho rằng cần phải đọc nhiều kinh sách vì "Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học". Điều cần biết khi tu học Phật là người Phật tử chúng ta cần phải biết chọn một pháp môn chánh để phòng thân khi cơn vô thường đến. Chứ không thể đủ bản lãnh và khả năng để niệm được 10 câu "A Di Đà Phật" lúc nghiệp duyên ta bà chấm dứt. Nếu chúng ta chuẩn bị lúc còn thở ra hít vào được hành trang về cõi Tịnh Độ thì chúng ta không sợ con quỷ vô thường nữa. Vì dù nó có đến chúng ta vẫn ung dung tự tại tiến về cõi Phật A Di Đà. Ngài không đến tiếp dẫn chúng ta nữa mà Ngài hoan hỉ đón ta nơi quốc độ của Ngài. Đã không còn sợ chết nữa, hoặc như đã chết đi sống lại như trường hợp của tôi, hay nói cách khác là khi mình đã biết chuẩn bị cho sự ra đi, nghĩa là biết rõ hướng đi của mình thì điều này sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong lúc còn thở ra hít vào được, nghĩa là khi "còn sống". Người hộ niệm cũng cần phải biết điều này. Mình hộ niệm cho người đang lâm chung chính là sự nhắc nhở mình khi mình là kẻ đang nằm đó và mình phải làm gì !

4. Điều quan trọng nhấttrong Pháp Môn Tịnh Độ là sự "nhất tâm bất loạn". Ba điều "Tín, Nguyện, Hạnh" dành cho những Tịnh Hữu lúc còn sống tu tập, nó tương tự như quá trình "Văn, Tư, Tu" cho một hành giả vậy. Khi đạt được đến chỗ "nhất tâm bất loạn" thì đó mới là cái "quả" của quá trình hành trì "Tín, Nguyện, Hạnh".

Sau sự ra đi của Thầy Thiện Thông, các bạn hãy can đảm tự đặt mình trong tình trạng như sau: Tối nay ta lên giường ngủ và sáng mai mở mắt ra bạn không còn cử động được hơi thở ra hít vào mình cũng không còn kiểm soát được nữa. Lúc đó chỉ còn thần thức hoạt động. Dù sao bạn còn biết mình còn sống. Những hình ảnh quen thuộc bạn có thể tiếp thu qua bằng ánh mắt được. Thì hỏi bạn, lúc đó bạn làm gì ? Hoặc giả can đảm hơn: Bạn tưởng tượng sáng mai thức dậy, bạn không còn mở mắt được nữa. Có nghĩa là mình đã lìa trần. Thì tâm trạng của bạn lúc đó ra sao ? Bạn sẽ "phải làm" những gì để khỏi phụ lòng Thầy Tổ ? Nơi đây tôi muốn nhấn mạnh ở chỗ "phải làm" gì ? Thực tập được điều này, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác cho cuộc đời này. Cái đó tự các bạn sẽ cảm nhận được. Bạn không thể tâm sự hoặc kể cho người khác biết được cái cảm nhận đó. Vì nó thiếu sự tương ưng !

Các Tổ Thiềnvẫn thường giảng dạy cho thiền sinh: "Hãy dán chữ Tử ngay trên trán để quán chiếu". Thật đúng như vậy. Vì cái "Tử" chính là "chánh niệm", cái "hiện tại", cái "ngay bây giờ, trong lúc này" mình đang "sống" với nó. Vì trong một sát na cùng "có sanh, có tử". Trong sanh có tử và trong tử có sanh. Các bậc tu hành đắc đạo nhận diện nó rất rõ. Nên các Ngài bao giờ cũng biết trước cái "sanh" của mình. Người đời thì gọi là tử, nghĩa là lìa cõi ta bà này. Nhưng đối với các Ngài thì tử sanh - sanh tử không hai.

Như trường hợp Thầy Thiện Thông. Tôi được Sư phụ kể lại như sau: Sau buổi đi quá đường trưa ngày 27.06 thì Thầy Thiện Thông có nói là: Tôi về phòng nghỉ trưa và sẽ viết cho Thượng Tọa Viên Giác hai câu đối để mừng sinh nhật của Thượng Tọa vào ngày hôm sau 28.06. Nhưng vào buổi chiều ngày
27.06, lúc Thầy Quảng Bình vào phòng để mời Thầy Thiện Thông ra dùng cháo buổi tối, vì quý Thầy, Cô, Chú chỉ dùng cháo để ăn nhẹ trong mùa An Cư Kiết Hạ mà thôi, thì thấy Thầy xỉu quỵ trên sàn nhà, một tay còn cầm cây viết và tay kia cầm một mảnh giấy có hai câu đối:

"Đa niên bặt thiệp tận tha phương
Vị pháp vong xu, vị thế nhân"

Tôi bèn thưa với Sư phụ là: Nếu Thầy Thiện Thông viết tặng Thầy hai câu đối nhân ngày sinh nhật của Sư phụ với nội dung chết chóc như trên quả là điều không đúng. Thật ra Thầy Thiện Thông muốn viết tặng cho Sư phụ hai câu đối, nhưng Thầy biết cơn vô thường đã đến nên mới viết hai câu khác để làm bài kệ cho chính mình như các bậc cao tăng đắc đạo vẫn thường làm trước đây. Sư phụ tôi nói: Chắc là như vậy, Thầy Thiện Thông đã biết trước sự ra đi của mình. Tôi có thưa với Sư phụ là Thầy Thiện Thông hoằng dương Pháp Môn Tịnh Độ và thường hay nhắc nhở đại chúng niệm Phật cầu vãng sanh vì cơn vô thường sẽ không hẹn mà đến, nên con tin chắc rằng Thầy sẽ cao đăng Phật quốc. Sự húy kỵ cho Thầy chỉ là nghi thức của những người còn sống mà thôi, đó là theo quan điểm của tôi.

Sự ra đi của Thầy Thiện Thônglà một bài học sống thực và vô giá cho những hành giả Pháp Môn Tịnh Độ nói riêng và cho mọi người học Phật nói chung. Đúng như ý nghĩa thâm sâu câu nói của Sư phụ tôi: "Sự học không giúp ích gì cho sự chứng ngộ, nhưng nếu không học thì biết gì mà chứng ngộ". Sự ra đi của Thầy Thiện Thông cũng là nhân duyên thúc đẩy tôi, sau khi thưa chuyện và thỉnh ý Sư phụ, không còn ái ngại và do dự gì nữa để viết ra những kinh nghiệm của bản thân qua căn bệnh hiểm nghèo cách đây 15 năm về trước. Và cũng nhờ hồng ân chư Phật, chư Bồ Tát, Tam Bảo và Tổ Tiên cùng sự nhất tâm niệm Phật với tâm nguyện "nếu còn nhân duyên thì cho tôi dõng mãnh sống cuộc đời còn lại có ích cho Đạo và Đời; còn nếu nhân duyên đã hết thì tôi chỉ quyết tâm về quê hương Cực Lạc".

Văn chương chữ nghĩa kém cỏi, kính mong quý Tịnh Hữu hiểu ý quên lời. Âu cũng là điều hoan hỷ cho tôi lắm rồi. Hẹn bạn ở thư sau.

Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều được vãng sanh Cực Lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật

(Lá thư số 2 sẽ kể cho Tịnh Hữu rõ cái duyên của tôi đối với Pháp Môn Niệm Phật A Di Đà khi tôi bị chứng bệnh đau gan cấp tính).

Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

 


----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2017(Xem: 10343)
Chỉ là ngày giỗ bình thường như bao ngày giỗ khác của mọi người. Nhưng tôi, với những bạn bè bên cạnh tôi hiện nay, đó là những giây phút chạnh lòng bên mớ hành tranh và cũng là của cải trên suốt quảng đường đời hơn nữa đời người sống và cống hiến cho đạo pháp. Dù chỉ là tờ giấy, cây viết nhưng đó là gia sản to lớn chắt chiu có được mỗi khi chợt giựt mình ngồi suy tư nhìn lại.
07/03/2017(Xem: 8302)
Trong Phật giáo, có một sự thảo luận về những vết tích của nghiệp. Nói một cách chính xác thì dấu ấn ấy rất mơ hồ. Nó không phải là vật chất cũng không phải là tinh thần, nhưng hầu hết ở trong hình thức hùng mạnh, như là tiềm năng. Hầu như chúng ta có thể cho rằng đó là hình thái thuộc tính liên tục của tiềm thức. Khi nói về tiềm thức, đôi lúc nó được hiểu trong phạm vi hạt giống hoặc tiềm năng, đôi lúc nó hoàn toàn là một dấu ấn, nghĩa là có một cái gì đó in hằn rong ý thức của chúng ta, những dấu vết khiến chúng ta phải hành động trong một cách chắc chắn.
07/03/2017(Xem: 12348)
Đừng sống như một kẻ không biết gì về thế giới xung quanh. 1) "Đừng sống như cá trong chậu" Cái câu nói này có nghĩa “đừng chỉ thu lu trong thế giới của minh”, là một câu cách ngôn được thốt ra khỏi miệng tôi khi tôi giảng pháp cho một lớp học cách đây một vài năm tại một khoá tu học Phật pháp nửa ngày được tổ chức mỗi nữa tháng. Lớp này chỉ đơn giản được gọi tên là 'Hỏi và Đáp' và chúng tôi đặt tên lớp học sao cho liên quan đến chủ đề được bàn thảo cho đến khi kết thúc lớp học. Chủ đề là do câu hỏi của sinh viên nêu lên quyết định.
03/03/2017(Xem: 9028)
Phật tử hỏi: Kính bạch Hòa Thượng con có những thắc mắc cuối mong Hòa Thượng từ bi dẫn giải cho chúng con được rõ, rất đội ơn thầy. 1. Trong kinh Địa Tạng và kinh Vu Lan, Tự Tứ dạy cúng dường chư Tăng 10 phương thì có thể cứu được cha mẹ ông bà 7 đời được sanh về Nhân Thiên, còn hiện tại cha mẹ được phước lực tiêu khiên và ghi có chúng sanh sắp mạng chung nếu thân quyến tu nhân duyên thắng thọ thì các tội ác người mạng chung thảy đều tiêu sạch.
27/02/2017(Xem: 12892)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. ...
24/02/2017(Xem: 8026)
Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài đã giảng: "Này các thầy Tỳ Kheo! đến khi Như Lai thấu triệt Bốn Diệu Đế/ Bốn Thánh Đế (insight and understanding of the Four Noble Truths/Four Holy Truths), về 3 phương diện (three stages) và đủ mười hai phương thức(twelve aspects) một cách hoàn toàn sáng tỏ thì đến lúc đó Như Lai mới xác nhận trước thế gian này gồm có cả chư Thiên (Gods), Ma vương (Maras), Phạm thiên (Brahmas), Đạo sĩ (Recluses), Giáo sĩ Bà-la-môn (Brahmans), Con người (Humans) và loài ngoài hạng con người nữa (Some-One) rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
24/02/2017(Xem: 7441)
Chừng mươi ngày nữa là đến Tết của xứ Ấn, được sự phát tâm lành từ quí vị, chúng tôi đã thực hiện một buổi tặng quà tết cho các em nhỏ thuộc một mái trường làng không tường vách đơn sơ. Đây là một ngôi trường làng cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 8 cây số. Chúng tôi đã cố gắng để các em nhỏ em nào cũng có quà của quí vị cho. Hiện nay trường có 2 lớp học với tất cả là 156 em nhỏ thuộc giai cấp thấp của xã hội India. Xin gửi một vài hình ảnh tường trình thay cho lời tri ân cùng quí vị ân nhân đã bảo trợ cho buổi phát quà :
22/02/2017(Xem: 7806)
Trong 5 ngày từ 21 đến 25 tháng 2 diễn ra ĐẠI GIỚI ĐÀN TÁNH THIÊN tại Làng Mai Thái Lan, Parchong, cách Băng Cốc chừng 300 km. Đại giới đàn vô cùng long trọng, uy nghiêm, linh thiêng và tràn đầy năng lượng. Lần đầu tiên trong đời con được dự ĐẠI GIỚI ĐÀN nên rất xúc động và có những ấn tượng mạnh khó diễn tả trên câu chữ.
22/02/2017(Xem: 8366)
Phần này bàn về các cách dùng xuống thuyền, lên đất, ra đời từ nhận xét của linh mục/LM de Rhodes trong cuốn từ điển Việt Bồ La (1651). LM de Rhodes đã phải cố gắng ghi chú thêm khi thấy các cách dùng này, rất khác biệt (hay có lúc ngược lại) với các cách dùng ngữ pháp truyền thống của tiếng Pháp, La Tinh ...
21/02/2017(Xem: 7971)
Con được thuận duyên đến chùa Giác Ngộ tu tập, được hạnh ngộ TS Nguyễn Mạnh Hùng thật là điều vinh dự và may mắn cho con. Chương trình Gương Sáng với những chia sẻ rất tâm huyết, rất thẳng thắn làm con và tất cả các bạn con giật mình. Chúng con giật mình để giác ngộ từng chút để tự thay đổi mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]