Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quan hệ giữa anh, chị, em với nhau

23/02/201115:19(Xem: 9093)
Quan hệ giữa anh, chị, em với nhau

SỐNG ĐẸP GIỮA DÒNG ĐỜI
Nguyên Minh

CHƯƠNG III: SỐNG ĐẸP TRONG GIA ĐÌNH

Quan hệ giữa anh, chị, em với nhau

Với những thế hệ trước đây, hầu hết các gia đình đều đông con, thậm chí còn có nhiều gia đình một người cha mà có đến hai, ba người mẹ, nên quan hệ giữa anh, chị, em với nhau phức tạp hơn ngày nay rất nhiều. Ngày nay, mỗi gia đình chỉ thường có từ một đến hai con, hoặc nhiều lắm là ba con – tất nhiên vẫn còn một số ngoại lệ – thì quan hệ giữa anh, chị, em trong gia đình trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Người Việt Nam có truyền thống xem trọng huyết thống kèm theo với việc phân biệt tôn ti trật tự. Nếu như anh em trai cùng một nhà trong tiếng Anh chỉ dùng cùng một từ “brother” để chỉ đến, thì người Việt phân biệt rõ ràng anh hay em. Hơn thế nữa, quan điểm “quyền huynh thế phụ” cho đến nay vẫn được không ít người tôn trọng.

Đã phân biệt tôn ti trật tự, thì cung cách ứng xử cũng phải có sự khác biệt nhau. Làm anh, chị thì bao giờ cũng phải biết nhường nhịn các em. Tuy có “quyền” hơn nhưng đồng thời trách nhiệm cũng lớn hơn, phải biết lo lắng cho các em và nhiều khi thay thế cha mẹ trong nhiều công việc có thể được. Ngược lại, làm em thì phải tôn kính anh chị, biết giữ bổn phận của mình. Những điều đó tạo thành một khuôn mẫu chung hầu như có thể thấy ở tất cả mọi gia đình Việt Nam.

Quan hệ giữa anh, chị, em với nhau trong thời gian chung sống dưới mái gia đình nói chung là như vậy. Ở đây không cần thiết phải phân tích nhiều hơn mới thấy được.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là khi mỗi người đều đã lập gia đình riêng của mình, liệu mối quan hệ đó được gìn giữ như thế nào? Rất nhiều người không xem đây là vấn đề cần thiết, mà chỉ duy trì một mối quan hệ tuỳ thuộc vào điều kiện sinh sống hoặc làm việc của mình. Người ta ít nghĩ đến việc phải làm thế nào đó để củng cố những mối quan hệ mà thật ra là vô cùng quan trọng vì không sao thay thế được.

Tục ngữ có câu “Giọt máu đào hơn ao nước lã.” Ngày nay chúng ta thường lặn hụp nhiều hơn trong “ao nước lã” mà ít khi chủ động làm điều gì đó để củng cố quan hệ với những “giọt máu đào” của mình.



° ° °



Trong cuộc sống trôi chảy bình thường, chúng ta rất ít khi nhớ đến anh hay chị, em của mình. Mỗi người một gia đình, thường là tất bật với vấn đề sinh kế, cho dù có thong thả đôi chút về vật chất cũng khó lòng mà rảnh rỗi được trong thời đại này.

Nhưng một khi có điều gì đó bất thường xảy đến. Một tai nạn, một cơn bệnh nặng, hoặc thậm chí một sự thất bại nặng nề, suy sụp trong công việc... thì những người đầu tiên mà chúng ta nhớ đến chính là các anh, chị em của mình. Hơn thế nữa, họ cũng thường chính là những người đầu tiên quan tâm tìm đến với chúng ta. Đó là những người mà chúng ta có thể tin cậy, chia sẻ, dựa dẫm trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài mối quan hệ huyết thống bao giờ cũng được xem trọng trong truyền thống dân tộc ta, thì suốt cả một thời thơ ấu gắn bó bên nhau dưới mái gia đình cũng là một yếu tố khiến cho chúng ta không thể nào tìm được một quan hệ tương đương ở bất kỳ ai khác. Lời xưa nói: “Anh em như chân với tay, vợ chồng áo mặc thay ra thay vào.” Điều đó cũng có những cơ sở vững chắc của nó. Người ta có thể ly dị với vợ hoặc chồng chứ không thể thay đổi được quan hệ ruột thịt giữa người trong một nhà.

Tuy nhiên, liên hệ huyết thống cũng chưa phải là yếu tố tuyệt đối để đảm bảo một quan hệ tốt đẹp. Anh em với nhau là “tình”, còn có gắn bó với nhau đến mức nào cũng còn tuỳ nơi cái “nghĩa” nữa. Tình nghĩa có quân bình, đầy đủ thì quan hệ mới có thể tốt đẹp bền vững. Cái “nghĩa” ở đây chính là cung cách đối xử với nhau qua thời gian.

Nếu bạn nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp với anh, chị em, bạn sẽ biết cách làm thế nào để củng cố tốt mối quan hệ đó.

Nếu bạn có được những người anh, chị em gắn bó tốt, bạn có được những chỗ dựa tinh thần rất quan trọng, cần thiết trong những lúc sóng gió của cuộc đời. Một điều nữa cũng quan trọng không kém mà đôi khi bạn có thể không nghĩ đến. Đó là mối quan hệ tốt cho con cái của mình. Nếu như “trăm người bạn vẫn chưa phải là thừa”, thì tại sao bạn không cố gắng gìn giữ cho con cái mình những mối quan hệ đáng tin cậy trong cuộc đời chúng?



° ° °



Chỉ cần bạn nhận thức đúng được tầm quan trọng của vấn đề, và thật lòng muốn làm, bạn sẽ làm được. Vì có rất nhiều cách đơn giản mà hiệu quả để bạn làm điều ấy.

Hãy dành thời gian nghĩ đến các anh, chị, em của mình, cho dù họ đang sinh sống ở đâu đó, gần hay xa bạn. Nếu bạn có ít thời gian, hãy giữ liên lạc với họ ít nhất mỗi tháng một lần. Điều quan trọng là hãy làm điều đó một cách chân thành và đều đặn, chẳng hạn vào đầu tháng hoặc cuối tháng, hoặc theo một định kỳ thích hợp nào đó. Họ sẽ nhận ra là bạn đang quan tâm đến họ, không chỉ là việc chợt nhớ đến một cách tình cờ. Trong thời hiện đại này, bạn đừng bảo là khó làm điều ấy, vì như vậy sẽ là tự dối mình. Bạn có thể dùng điện thoại, thư tín... cách nào cũng được. Hơn thế nữa, nếu không nhận được sự hồi âm, phúc đáp, cũng đừng lấy điều đó làm đáng buồn hay hờn giận. Không phải ai cũng có thể nhạy cảm đến mức nhận ra ngay mọi việc, nhưng nếu bạn kiên trì, bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng.

Nếu có dịp nào đó bạn có thể sắp xếp đưa con cái đi chơi, hãy nghĩ đến việc viếng thăm các anh, chị, em của mình như một trong những nơi ưu tiên. Thử tưởng tượng, bọn trẻ sẽ được chơi đùa với nhau trong một tình thân ấm áp khác hẳn với những quan hệ bạn bè thông thường của chúng. Điều đó đủ để bù đắp cho sự quan tâm của bạn. Về phần bạn, những dịp này sẽ vô cùng thuận tiện để anh em, chị em ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa – những kỷ niệm mà tôi tin là bao giờ cũng rất đẹp đối với mỗi người, bởi vì ngay cả một trận đòn dữ dội của thời thơ ấu thì ngày nay cũng sẽ được nhớ đến một cách thú vị và trân trọng. Đó là những giây phút đẹp mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác. Điều đó nuôi dưỡng tinh thần bạn, tiếp thêm sức mạnh cho bạn trong cuộc sống khó khăn, vất vả.

Nếu như bạn may mắn có cha mẹ vẫn còn sống trên đời này, bạn có thể đề nghị với các anh, chị, em của mình những dịp cùng đến thăm cha mẹ. Đây là một ý hay, vì bạn sẽ được sống lại không khí gia đình thân mật của ngày xưa và đồng thời giáo dục cho con cái mình mối quan hệ tốt trong dòng tộc.

Ngày xưa các cụ luôn tôn trọng tục lệ “ăn giỗ” ở nhà một vị tộc trưởng hoặc đích tôn, vì những người này chịu trách nhiệm cúng giỗ ông bà. Đây là một tục lệ mang nhiều ý nghĩa sâu xa mà rất tiếc là trong thời hiện đại chúng ta không giữ được nhiều.



° ° °



Ngày tôi còn nhỏ, cứ mỗi dịp được theo cha mẹ đi “ăn giỗ” là trong lòng vô cùng náo nức, mừng vui. Tôi chưa đủ trí khôn để hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ông bà, nhưng tôi cảm nhận được sâu sắc mối quan hệ thân mật với những người trong dòng họ mỗi lần được về ăn giỗ. Người về ăn giỗ rất đông, và điều thú vị là bất cứ ai trong số họ cũng đều có quan hệ huyết thống xa gần với gia đình. Tôi được chỉ cho biết những ông, bà, cô, chú, bác, anh, chị, cháu ... đủ mọi thứ bậc không sao nhớ hết. Tôi thích nhất là có những “đứa cháu” gọi tôi đến bằng chú hoặc bác mà chúng lớn hơn tôi đến mươi, mười lăm tuổi!

Ngày nay những đám giỗ lớn như thế không còn nữa. Nhưng vào ngày giỗ ông nội hoặc bà nội tôi, các cô, chú vẫn thường quy tụ về nhà tôi, cùng với con cái của họ, vì cha tôi là con trai lớn nhất. Vào những dịp này, người lớn trẻ con đều vui vẻ, tràn đầy tình thân mật. Tôi không biết ông nội hay bà nội có về chứng giám lòng thành của con cháu hay không, nhưng chắc chắn một điều là nếu còn sinh tiền các vị sẽ lấy làm sung sướng khi thấy con cháu vẫn giữ được tình thân như thế.

Đó là điều mà ngày nay chúng ta vẫn còn làm được, nếu muốn. Hầu hết người Việt Nam không ai là không có tục cúng giỗ ông bà hàng năm. Nhưng việc tổ chức “phần ai nấy cúng” như ngày nay vẫn thường được thực hiện “cho thuận tiện” là một sai lầm. Trong anh chị em nên thống nhất việc cúng giỗ phải do một người tổ chức mà thôi. Nếu cha mẹ đã mất, người ấy thường là con trai lớn nhất. Nếu cha mẹ còn sống, người cúng giỗ sẽ là người đang sống với cha mẹ, bất kể đó là con trưởng, con thứ hay con út. Những người khác có trách nhiệm đưa con cái về “ăn giỗ”. Đây là một cơ hội vô cùng quý giá để anh chị em trong gia đình cùng gặp gỡ nhau và siết chặt tình thân, gắn bó nhau hơn nữa.

Thật ra, trong thực tế thì quan hệ giữa anh, chị, em một nhà với nhau không phải bao giờ cũng hoàn toàn êm đẹp. Đôi khi, vì cuộc sống khó khăn, chúng ta rất dễ có những đụng chạm, xích mích với nhau. Tuy nhiên, nếu hiểu được tầm quan trọng của một mối quan hệ tốt và lâu dài cho bản thân cũng như con cái mình về sau, chúng ta có thể cởi mở hơn, dễ cảm thông hơn và cũng nhẫn nhục hơn. Chỉ cần được như thế, bạn sẽ thấy không có xích mích nào là không thể hàn gắn, hoà giải được.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/09/2018(Xem: 7161)
Sau khi mãn khóa Tu học Phật Pháp Châu Âu kỳ thứ 30 tại thành phố Neuss Đức Quốc, tổ chức trong 10 ngày từ 23.07 đến 01.08.2018, trở về lại trụ xứ, tôi được thông báo Hòa Thượng Thích Bảo Lạc có tâm ý muốn về chùa Bảo Quang Hamburg, thuộc miền Bắc nước Đức để vấn an sức khỏe Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm thương kính của chúng tôi.
09/09/2018(Xem: 6859)
PHÁP THOẠI TRONG ĐÀN LỄ KHÁNH TẠ MỘC BẢN KHẮC CHÚ LĂNG NGHIÊM Người giảng: Đại Đức Thích Vân Pháp Phiên tả: Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát. Nam mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát. Nam mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh. Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. Ngưỡng bạch chư Tôn Trưởng Lão Hòa Thượng chứng minh đàn tràng. Ngưỡng bạch chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni. Kính thưa chư Tôn Thiền Đức trú xứ chùa Pháp Vân, thành phố Đà Nẵng.
05/09/2018(Xem: 7440)
Nhân ngày Tự tứ, tôi nói sơ lược ý nghĩa và bổn phận của người xuất gia. Mong Tăng Ni lãnh hội và thực hành tốt, để không đi ngược lại với bản hoài cầu đạo giác ngộ giải thoát của chính mình, đồng thời đền trả được tứ trọng ân.
03/09/2018(Xem: 11885)
Cảm Đức Từ Bi (sách pdf) của Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
03/09/2018(Xem: 4823)
Chúng tôi đến phòng khách khá ấm cúng ngay bên bờ Hồ Tây ngày thu. Khá nhiều doanh nhân và các bạn thiện tri thức có mặt. Quãng chừng 30 bức tranh được bày trên các giá rất sang trọng, rất đẹp. Một triển lãm tranh tuyệt vời. Nếu những ai có biết đến tranh một chút thì nhận ra rằng tất cả các bức tranh ở đây đều là của một họa sỹ rất đặc biệt, một nhà sư Phật giáo. Nơi tôi và các anh em bạn hữu đang có mặt là trụ sở công ty Hiệp Hưng, doanh nghiệp mà nữ doanh nhân Đoàn Thị Hữu Nghị đã có đến hơn 20 năm gắn bó. Tranh đang trưng bày tại đây là của sư Pháp Hạnh, một nhà sư rất đặc biệt và có tài năng hội họa.
31/08/2018(Xem: 7247)
Tôi bất ngờ được một đồng nghiệp gửi cho bức ảnh chụp chị Đoàn Thị Hữu Nghị trong trang phục của người xuất gia. Em hỏi tôi có biết chị đã xuất gia rồi không. Tôi giật mình và tìm cách liên lạc với em Đinh Thu Hoài, một trong 4 người đầu tiên thành lập Hội hội nữ doanh nhân Hà Nội. Thu Hoài xác nhận thông tin trên và cho biết chị Hữu Nghị đã xuất gia được hơn 2 năm rồi. Thu Hoài cũng ngạc nhiên vì tôi không biết chuyện này. Tôi nhờ Thu Hoài liên lạc để tôi có thể gặp sư cô. May thay, sư cô đang ở Việt Nam. Còn may mắn hơn khi sư cô sẵn lòng tiếp tôi. Tôi đến rất sớm. Hẹn 14 giờ nhưng tôi đến sớm 10 phút. Thu Hoài đến từ hướng khác mà do trời Hà Nội mưa nên kẹt xe và đến muộn. Đúng 14 giờ sư cô xuất hiện. Tôi quá bất ngờ về khuôn mặt của sư cô. Nữ doanh nhân Đoàn Hữu Nghị, phó chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội đây thật ư! Nhìn sư cô tươi như hoa mà tôi mừng. Thấy sư cô có khuôn mặt hồng hào mà tôi vui. Biết sư cô vẫn nhớ đến mình mà tôi hạnh phúc quá. Thế và chúng tôi
30/08/2018(Xem: 5531)
Xuất gia gieo duyên là việc xuất gia vì một nhân duyên gì đó mà xuất gia xuống tóc mấy ngày sau đó lại trở lại cuộc sống đời thường. Và cái đúng và sai về nhận thức lại từ đây mà xuất hiện.
28/08/2018(Xem: 5927)
Hãy bắt đầu sớm sủa nhất khi có thể trong đời sống của ta để đạt được sự quen thuộc với những thể trạng đạo đức của tâm thức. Khi năng lực này được thiết lập, thì nó sẽ có thể hướng dẫn tâm thức về phía đạo đức ngay cả khi lâm chung. Tuy nhiên, trong khi lâm chung, ta có thể bị áp đảo với cơn đau làm thành bất lực từ một chứng bệnh khủng khiếp, ta có thể đau khổ vì một cái chết bất đắc kỳ tử trong một tai nạn hay một sự tấn công, hay ta không thể chấm dứt mạng sống qua sự cạn kiệt phước đức
20/08/2018(Xem: 5426)
Tôi bất ngờ gặp bác ở khóa thiền của thầy trò chúng tôi tại Khánh Hòa. Bác vẫn vậy, vẫn đi với 1 chân. Bác vẫn thế, tích cực tham gia các khóa thiền. Đây là lần thứ 3 tôi thấy bác là một thiền sinh chăm chỉ và cần mẫn hành thiền. Tôi kính trọng bác vô cùng và lấy đây là tấm gương lớn muốn kể cho những ai thực sự muốn học và thiền hàng ngày.
19/08/2018(Xem: 7580)
Tu thiền (Bhavanã Jhãna) Phật giáo là tiến trình tu tập, hành trì miên mật một pháp môn nào đó để kinh nghiệm trực tiếp trên Thân và Tâm về những giáo lý nhà Phật mà hành giả đã học từ kinh điển hay qua sự hướng dẫn của những bậc chân nhân.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]