Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Những khuynh hướng thiện ác

21/02/201116:21(Xem: 6024)
3. Những khuynh hướng thiện ác

HÁT LÊN LỜI THƯƠNG YÊU
Nguyên Minh

Những khuynh hướng thiện ác

Nho gia thường dạy rằng: “Con người sinh ra vốn tánh hiền lành.”[7] Quan điểm này cho rằng chính những va chạm, tiếp xúc trong cuộc sống khi con người dần lớn lên đã làm phát sinh những tính xấu, khiến chúng ta ngày càng xa rời bản chất hiền thiện ban sơ của mình. Điều này tất nhiên là rất phù hợp với những tâm hồn lạc quan, luôn tin tưởng vào bản chất hiền thiện của con người.

Nhưng không phải ai cũng có thể tin như vậy. Có người lại cho rằng ngược lại, vì cho rằng sự hiền lương của con người vốn phải nhờ nơi sự giáo dục, học tập và rèn luyện. Trẻ con nếu không được dạy dỗ uốn nắn thì chỉ có thể đi vào con đường xấu ác chứ không thể trở thành người tốt đẹp.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau một vài phân tích, và hy vọng khi đó sẽ có thể làm sáng tỏ hơn những gì đang bàn đến.

Thật ra, đối với đa số chúng ta thì không cần thiết phải tranh cãi về việc con người sinh ra vốn là hiền thiện hay xấu ác, mà điều quan trọng hơn là nên phân tích xem những gì có thể chi phối khuynh hướng hiền thiện hoặc xấu ác ở mỗi con người.

Điều này hoàn toàn không đòi hỏi phải có một kiến thức uyên bác hay khả năng suy luận hơn người. Chỉ cần có được thời gian thỏa đáng và một sự phân tích khách quan thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đi đến một kết luận chính xác tương tự.

Hầu hết những việc xấu ác mà con người nhúng tay vào thường không phải vì bản thân họ thực sự mong muốn, ưa thích. Điều mà họ mong muốn, ưa thích thường chính là những giá trị vật chất mà việc làm xấu ác đó mang đến cho họ. Một tên trộm vốn dĩ không thể ưa thích việc ăn trộm, nhưng bị cuốn hút, sai khiến bởi những món lợi béo bở kiếm được bằng việc ăn trộm. Một quan chức tham nhũng vốn dĩ không phải vì thích làm điều đó, nhưng động lực thôi thúc khiến ông ta bất chấp những nguyên tắc đạo đức cũng như pháp luật chính là cuộc sống xa hoa có được nhờ vào việc tham nhũng...

Nói một cách khác, động lực thúc đẩy chúng ta đi vào con đường tội lỗi chính là lòng ham muốn. Nếu có thể thỏa mãn lòng ham muốn mà không phải làm những điều xấu ác, chắc chắn sẽ không ai nhúng tay vào tội lỗi! Vì vậy, có thể nói rằng thủ phạm đứng sau mọi tội lỗi của con người chính là lòng ham muốn.

Cũng có nhiều trường hợp người ta thực hiện những hành vi xấu ác vì thù hận, vì ghen tức... Nhưng nếu xét kỹ những nguyên nhân đã dẫn đến sự thù hận, ghen tức đó thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy đa phần là do những xung đột về quyền lợi, địa vị, danh tiếng... Mà những thứ ấy xét cho cùng cũng chính là đối tượng của lòng ham muốn. Vì vậy, nếu chế ngự được lòng ham muốn thì những hành vi xấu ác thuộc loại này cũng không thể xảy ra!

Nhưng trong một phần trước, chúng ta đã phân tích và thấy được rằng lòng ham muốn tự nó không phải là một yếu tố sẵn có, mà vốn dĩ được hình thành từ những nhu cầu của chúng ta, rồi sau đó được nuôi dưỡng ngày càng lớn lên bởi ý thức chấp ngã.

Chúng ta không thể ham muốn một sự vật khi chúng ta không có nhu cầu. Chẳng hạn, phi thuyền không gian, hỏa tiễn liên lục địa... đều là những tài sản kếch sù, nhưng hầu hết chúng ta không ham muốn chúng, vì chúng ta không có nhu cầu!

Một đứa bé hình thành lòng ham muốn đối với bầu vú mẹ trước tiên vì đó là nhu cầu để nó tồn tại. Nó sẽ ôm giữ bầu vú mẹ và khóc thét lên để phản đối khi bị giằng ra lúc chưa được bú no. Nhưng lòng ham muốn không dừng lại ở đó. Khi một đứa bé đang bú, nếu có một đứa bé khác sờ vào bầu vú còn lại của mẹ nó, nó sẽ dùng tay đẩy ra hoặc tỏ một thái độ phản đối khác. Lòng ham muốn của nó đã bắt đầu lớn lên vượt quá nhu cầu, vì được nuôi dưỡng bởi ý thức chấp ngã: bầu vú đó là “của ta”, không ai khác được dùng đến, cho dù hiện nay ta không sử dụng!

Khi “cái ta” càng lớn lên, ý thức chấp ngã càng phát triển, và do đó mà lòng ham muốn cũng phát triển không ngừng, thậm chí không hề có một giới hạn cuối cùng nào! Bạn có từng nghe nói về những vị đế vương trong lịch sử Trung Hoa, như Tần Thủy Hoàng chẳng hạn? Kho báu của ông chứa đầy những vật quý giá mà có thể cả đời ông ta chẳng bao giờ sờ đến. Những mỹ nữ được tuyển vào cung để phục vụ ông ta nhưng có rất nhiều người chẳng bao giờ được đến gần hoặc thậm chí là nhìn thấy mặt ông ta, bởi vì có quá nhiều mỹ nữ như thế! Ông ta làm những điều đó không phải vì nhu cầu, mà vì lòng ham muốn. Và lòng ham muốn của ông phát triển đến mức ấy chính là do nơi ý thức chấp ngã, bởi vì tất cả đều hình thành xoay quanh “cái ta”.

Có một tên gọi khác của ý thức chấp ngã – có lẽ là quen thuộc và phổ biến hơn đối với hầu hết chúng ta – là vị kỷ. Vị kỷ có nghĩa là chỉ biết quan tâm đến chính mình mà không quan tâm đến người khác. Tính vị kỷ chi phối hầu hết mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta ở từng mức độ khác nhau, cũng như được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Với những người có mức độ vị kỷ quá lớn, chúng ta rất dễ dàng nhận ra cách ứng xử đầy tính tham lam và hẹp hòi của họ, bất chấp mọi tổn hại gây ra cho người khác. Ở những người có mức độ vị kỷ ít hơn, lòng tham lam thường được kiềm chế, cân nhắc trước khi biểu lộ thành hành động, và do đó thường ít gây tổn hại cho người khác hơn.

Mặt khác, với những người thô thiển ít học, tính vị kỷ thường dễ dàng bộc lộ qua lời nói cũng như những hành vi ứng xử. Nhưng với những người có học thức, được rèn luyện trong những môi trường đạo đức tốt, tính vị kỷ của họ thường rất khó nhận ra, bởi vì nó luôn được che giấu dưới những lớp vỏ bọc tinh tế, những lời nói khôn khéo hay những hành vi rất kín đáo.

Một người bán hàng nâng giá món hàng của mình lên quá cao là một biểu lộ của tính vị kỷ rất dễ nhận ra, vì điều đó thường không được che đậy dưới bất cứ lớp vỏ bọc tốt đẹp nào. Nhưng khi một bác sĩ muốn lấy được nhiều tiền hơn từ bệnh nhân, ông ta thường luôn thực hiện điều đó theo cách sao cho không bị đánh giá là tham lam, nghĩa là ông ta sẽ có đủ một trăm lẻ một lý do tốt đẹp để biện minh cho việc làm của mình. Vì thế, trong trường hợp này thì tính vị kỷ của ông ta thật khó nhận biết hơn nhiều.

Trong một số trường hợp, tính vị kỷ âm thầm thúc đẩy người ta thực hiện những việc mà đôi khi bản thân họ cũng không hiểu hết, giống như một chiếc xe xuống dốc đôi khi lệch khỏi mặt đường mà người lái xe không thể kiểm soát được. Đôi khi người ta muốn có được những thứ khác hơn là tiền bạc, của cải, chẳng hạn như những lời khen tặng, tiếng tốt hay sự kính phục của người khác. Trong những trường hợp này, sự biểu lộ của tính vị kỷ lại càng khó nhận biết hơn.

Gần đây, thỉnh thoảng tôi có đọc thấy trên một vài tập sách mang nội dung giảng giải kinh Phật lại có in kèm dòng chữ: “cấm trích đăng một phần hay in lại”. Điều này quả thật hoàn toàn mâu thuẫn với những gì được các tác giả trình bày trong sách. Trong khi chuyển tải những nội dung khuyên dạy mọi người mở rộng lòng thương yêu và chia sẻ cùng người khác, thì bản thân những tập sách này lại không cho phép người khác được tự do truyền bá, phổ biến những lời dạy chứa đầy lòng thương yêu đó. Đây có thể xem là một ví dụ minh họa cụ thể cho tính chất tế nhị rất khó nhận biết của lòng vị kỷ, khi mà bản thân các tác giả có thể cũng không nghĩ đến.

Trong tất cả các kinh Phật, bao giờ cũng có một hoặc nhiều đoạn mang nội dung tán thán, khen ngợi những ai tham gia việc đọc tụng, sao chép và truyền bá kinh điển đến với nhiều người khác. Thật đáng buồn khi một số người đã vô tình quên đi nội dung này và tuyên bố “giữ bản quyền” đối với những tập sách truyền dạy giáo pháp từ bi của đức Phật!

Tóm lại, có thể nói rằng ý thức chấp ngã hay tính vị kỷ là nguyên nhân chính tạo ra khuynh hướng xấu ác của con người, bởi nó nuôi lớn lòng ham muốn, mà lòng ham muốn lại là động lực thúc đẩy con người đi vào con đường tội lỗi. Vì vậy, chúng ta cũng có thể suy luận ngược lại để thấy rằng: nếu trừ bỏ được lòng vị kỷ hay ý thức chấp ngã thì lòng ham muốn của chúng ta sẽ không thể phát triển vượt quá những nhu cầu thực sự trong đời sống. Khi các vị thiền sư mô tả một cuộc sống bình thường “đói ăn, khát uống” thì chính là các vị đã thực sự đạt đến sự kiểm soát lòng ham muốn ở mức độ như thế.

Còn đối với những việc làm tốt đẹp của chúng ta thì sao? Động lực nào thúc đẩy chúng ta làm điều thiện? Có thật là con người sinh ra vốn đã sẵn tánh hiền thiện hay chăng?

Nếu xét theo những gì được nhìn thấy, thì hầu hết những hành vi tốt đẹp của chúng ta đều xuất phát từ nền tảng giáo dục văn hóa và môi trường đạo đức, tín ngưỡng mà chúng ta đã lớn lên trong đó. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nếu loại bỏ đi những chuẩn mực văn hóa, đạo đức và tín ngưỡng thì chúng ta sẽ không thể căn cứ vào đâu để phân biệt giữa điều thiện với điều ác, giữa cái tốt với cái xấu.

Tuy nhiên, mọi chuẩn mực văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng ban đầu cũng đều là do con người đặt ra. Vậy nếu xét cho cùng thì con người đã căn cứ vào đâu để hình thành nên những chuẩn mực ấy?

Câu trả lời cho vấn đề nằm ở một trong những bản năng tự nhiên vốn có không chỉ ở con người mà còn cả ở các loài vật: đó là bản năng thương yêu!

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được bản năng thương yêu ở loài vật khi quan sát những con vật chăm sóc và trìu mến con cái của chúng. “Hổ dữ không ăn thịt con” là một câu tục ngữ quen thuộc được dựa trên sự quan sát sự thật này. Cho dù là chỉ có thể sống được nhờ ăn thịt, nhưng loài thú hung dữ này cũng chẳng bao giờ ăn thịt con mình. Dù không bị chi phối bởi bất cứ một chuẩn mực văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng nào, nhưng chúng vẫn không thể làm được điều đó, bởi vì bản năng thương yêu nơi chúng không cho phép chúng làm như vậy.

Loài vật không chỉ thương yêu con cái của chính mình, mà còn có khả năng phát triển sự thương yêu, quyến luyến đối với những con vật sống cùng bầy đàn, đối với người nuôi dưỡng chúng, hoặc thậm chí đối với những người thường chơi đùa, tiếp xúc với chúng...

So với con người, lòng thương yêu của loài vật hạn chế hơn rất nhiều, vì chúng thiếu hẳn khả năng học hỏi, rèn luyện dựa vào những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng do những thế hệ đi trước truyền lại. Vì thế, lòng thương yêu ở loài vật chỉ thuần túy là một bản năng tự nhiên, trong khi ở con người thì bản năng tự nhiên ấy đã được phát triển để trở thành một đức tính, một bản chất tốt đẹp có thể làm nền tảng cho hết thảy mọi ý nghĩ, lời nói và hành động. Do đó mà con người mới có thể mở rộng lòng thương yêu đến người khác, thậm chí đến cả muôn loài, muôn vật trong vũ trụ.

Điều này giải thích vì sao những vị tu sĩ khi tu học lâu năm có thể trở nên hiền từ, bao dung hơn là khi họ mới bước chân vào cửa Phật, và những ai may mắn được thường xuyên tiếp xúc, học hỏi với họ lâu ngày cũng dần dần phát triển được một tấm lòng thương yêu rộng mở hơn.

Bản năng thương yêu chính là nền tảng ban đầu để hình thành mọi chuẩn mực đạo đức, tín ngưỡng. Chúng ta có thể biết được điều này là vì khi phân tích so sánh, chúng ta không thể tìm ra được bất cứ một chuẩn mực đạo đức, tín ngưỡng nào đi ngược lại với lòng thương yêu. Trong suốt quá trình lịch sử tiến hóa của nền văn minh nhân loại, một thực tế đã được chứng minh là, bất cứ điều gì được nhận biết là đi ngược lại với lòng thương yêu đều sẽ dần dần bị đào thải.

Chế độ nô lệ là một ví dụ. Mặc dù đã tồn tại qua nhiều ngàn năm, nhưng khi được cộng đồng nhân loại nhận biết là đi ngược lại với lòng thương yêu, chế độ nô lệ đã phải chấm dứt. Bản án tử hình là một ví dụ khác. Mặc dù vẫn được một số người ủng hộ vì tính chất răn đe của nó, nhưng phần lớn các quốc gia trên thế giới ngày nay đã bãi bỏ án tử hình. Các quốc gia khác tuy chưa bãi bỏ hoàn toàn nhưng cũng đã hạn chế rất nhiều số lượng các bản án tử hình, và theo khuynh hướng hiện nay thì hy vọng là trong một tương lai không xa lắm sẽ không còn bản án tử hình trên khắp hành tinh chúng ta.

Bản năng thương yêu được nuôi dưỡng ngay từ khi ta mở mắt chào đời, bởi vì hầu hết chúng ta đều nhận được sự thương yêu trìu mến từ cha mẹ. Khi được thương yêu, người ta luôn có khuynh hướng đáp lại, và do đó mà phát triển được bản năng thương yêu vốn sẵn có nơi mình. Các nhà tâm lý học đã xác nhận điều này qua những kết quả nghiên cứu về sự phát triển tâm lý bất bình thường ở những đứa trẻ lớn lên trong môi trường thiếu vắng lòng thương yêu, chẳng hạn như khi gia đình tan vỡ, hoặc khi cha mẹ nghiện ngập và rơi vào nếp sống sa đọa...

Một hệ quả quan trọng của nhận xét này là không nên dùng bạo lực đối với trẻ em. Tuy đã bước vào thế kỷ 21, nhưng hiện nay vẫn còn không ít những bậc cha mẹ tin tưởng vào hiệu quả giáo dục của việc sử dụng đòn roi đối với con trẻ. Trong thực tế, cho dù bạn có thể nhìn thấy những đứa trẻ chịu sự giáo dục bằng đòn roi có vẻ như rất ngoan ngoãn, nhưng sự thật là chúng đang âm thầm chịu đựng nhiều sự ức chế tâm lý, thường xuyên sống trong sự lo lắng, sợ hãi, và sẵn sàng bộc phát những tính xấu một khi cảm thấy không có sự đe dọa của đòn roi.

Mặt khác, do sự kéo dài trạng thái ức chế tâm lý này, đứa trẻ có thể sẽ trở nên lầm lì ít nói hoặc cư xử thiếu cởi mở, khó hòa nhập với cộng đồng. Trong khi giao tiếp với cha mẹ hoặc những người lớn khác, trẻ cũng rất dè dặt và thường không mạnh dạn đưa ra những thắc mắc hoặc những nhận xét, ý kiến riêng của mình.

Khi bạn có đủ kiên nhẫn để giải thích cho trẻ hiểu được một việc làm nào đó là sai trái, không nên làm, trẻ sẽ tự có ý thức tránh không làm việc đó cũng như ý thức được trách nhiệm của mình nếu vi phạm điều sai trái đó. Nhưng khi bạn chọn cách giáo dục bằng roi vọt hoặc nói chung là những biện pháp đe dọa gây sợ hãi, trẻ chỉ có thể nhận biết một điều rằng đó là một hành vi bị cấm, một hành vi dẫn đến sự trừng phạt. Và do đó trẻ không có khả năng nhận thức được tính chất sai trái của hành vi bị ngăn cấm cũng như trách nhiệm của bản thân khi vi phạm hành vi sai trái đó. Sự kéo dài của tình trạng này sẽ hạn chế khả năng phát triển nhận thức của trẻ đối với môi trường chung quanh, và hình thành nơi trẻ một nếp sống thiếu quyết đoán cũng như thiếu tinh thần trách nhiệm.

Sự thương yêu là một nhu cầu thiết yếu không kém bầu sữa mẹ. Đối với trẻ con, nếu như dòng sữa mẹ luôn là dưỡng chất quý giá nhất giúp cơ thể phát triển tốt, thì sự thương yêu là yếu tố tối cần thiết để giúp cho một tâm hồn non trẻ phát triển theo hướng tốt đẹp nhất, với những đức tính tốt đẹp nhất. Bởi vì, mọi đức tính đều bắt nguồn từ lòng thương yêu, đều dựa trên nền tảng của lòng thương yêu. Chúng ta sẽ trở lại một cách chi tiết hơn với chủ đề này trong một phần sau nữa.

Một số người có thể không tin rằng lòng thương yêu là bản năng tự nhiên vốn có của con người, bởi một nhận xét trong thực tế là nếu không được giáo dục tốt, không được lớn lên trong môi trường đạo đức, tín ngưỡng tốt đẹp, con người thường không thể phát triển lòng thương yêu. Nhận xét này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần phân biệt giữa lòng thương yêu như một bản năng với sự phát triển thực sự của lòng thương yêu ở mỗi con người.

Xét từ góc độ là một bản năng tự nhiên, lòng thương yêu hiện hữu từ thuở ban sơ ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, để thực sự nuôi dưỡng và phát triển lòng thương yêu, chúng ta cần phải được giáo dục và rèn luyện trong một môi trường văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng tốt. Nếu không có những điều kiện này, bản năng thương yêu thường sẽ không thể phát triển, và do đó con người có thể đi vào những con đường xấu ác thay vì là tốt đẹp.

Điều này cũng đúng với mọi bản năng khác trong tự nhiên. Như một con sói rừng chẳng hạn, luôn sẵn có những bản năng chống chọi và săn mồi để có thể tồn tại giữa thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt một con sói con về nuôi dưỡng trong môi trường chung sống với con người, cung cấp đầy đủ thức ăn và mọi nhu cầu khác, điều tất nhiên là những bản năng nói trên sẽ không thể phát triển, và con vật có thể không có được những khả năng như một con sói rừng. Rõ ràng là sự phát triển của bản năng luôn đòi hỏi phải liên tục học tập và rèn luyện trong những môi trường thích hợp.

Chính từ việc nhận biết về bản năng thương yêu này mà Nho giáo đã tỏ ra lạc quan khi tin tưởng vào bản chất hiền thiện của con người. Tuy nhiên, nói rằng “con người sinh ra vốn tánh hiền lành” thì quả thật chưa hoàn toàn chính xác. Bởi vì, điều sẵn có của mỗi con người, như đã nói, thật ra chỉ mới là một bản năng tự nhiên, và cần phải có được các yếu tố giúp nuôi dưỡng, rèn luyện thì bản năng ấy mới có thể phát triển thành “tánh hiền lành”. Vì thế, những ai không tin vào cái “tánh hiền lành” đó sẽ có thể dẫn ra không ít những trường hợp phát triển tính xấu ngay từ thuở nhỏ. Chúng ta chỉ có thể giải thích những trường hợp này như là sự thiếu phát triển của lòng thương yêu, và do đó không có nền tảng để hình thành những đức tính khác.

Khi nhận biết về bản năng thương yêu, chúng ta cũng đồng thời thừa nhận một thực tế là có sự khác biệt ngay từ khi sinh ra ở mỗi con người. Cũng tương tự như mọi bản năng khác, tuy là tất cả đều sẵn có, nhưng mức độ không bao giờ hoàn toàn giống nhau ở từng cá thể. Sự khác biệt ngay từ khi sinh ra thường được khoa học ngày nay quy về nguyên nhân di truyền, do ảnh hưởng của những gen khác nhau mà mỗi một cá thể nhận được từ cha mẹ. Tuy nhiên, vẫn có không ít những trường hợp mà cách giải thích này tỏ ra chưa hoàn toàn thỏa đáng.

Phật giáo dạy rằng những khác biệt như thế là do nghiệp lực khác nhau của mỗi cá nhân trước khi thọ nhận một đời sống mới. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể chứng minh cụ thể được điều này. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nhận biết dựa vào trực giác và đức tin mà thôi. Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận được sự khác biệt giữa tất cả chúng ta ngay từ khi sinh ra, và điều đó hoàn toàn không thể lý giải bằng các yếu tố môi trường hay điều kiện sinh trưởng.

Do có sự khác biệt về bản năng, nên có những người rất dễ phát triển mạnh mẽ lòng thương yêu, ngay cả khi rơi vào những điều kiện khắc nghiệt nhất. Ngược lại, có những người cho dù gặp nhiều điều kiện môi trường thuận lợi mà vẫn thấy khó phát triển lòng thương yêu. Từ thực tế này mới nảy sinh những nhận xét trái ngược nhau như là: con người sinh ra vốn sẵn tánh hiền lành, hoặc con người sinh ra vốn sẵn tánh hung dữ...

Thật ra, cho dù có sự khác biệt như đã nói, nhưng điều quan trọng nhất là bất cứ ai trong chúng ta cũng đều sẵn có bản năng thương yêu, nên chỉ cần được giáo dục, rèn luyện đúng hướng, trong những môi trường đạo đức tốt đẹp, thì chắc chắn là mỗi người đều có thể phát triển được bản năng vốn có ấy để trở nên hiền lành, cao thượng. Phật giáo thể hiện rất rõ quan điểm này qua việc xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau, và tất cả mọi người đều có khả năng tu tập để trở nên hiền thiện, đạt đến sự giác ngộ. Sự tu tập đó, xét cho cùng cũng không phải gì khác mà trước hết phải là sự học hỏi, rèn luyện để phát triển bản năng thương yêu vốn có của mỗi người.

Tóm lại, ngay từ khi mở mắt chào đời, mỗi chúng ta đều đứng trước một ngã ba đường. Trong khi bản năng thương yêu giúp ta có khả năng trở thành một người hiền thiện thì ý thức chấp ngã lại nuôi lớn lòng ham muốn và đẩy chúng ta vào con đường xấu ác. Vì thế, cuộc đối đầu giữa hai khuynh hướng thiện và ác trong mỗi người chúng ta, xét cho cùng chính là vấn đề phát triển lòng thương yêu hay nuôi lớn lòng ham muốn. Một khi hiểu rõ được bản chất thực sự của vấn đề như vậy, chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc chống lại khuynh hướng xấu ác và nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân mình.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8671)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (2005) Phật lịch 2549 tại Chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, tôi và tăng chúng độ 30 vị, rất an lạc trong mỗi từng sát na sanh diệt của cuộc đời ở trong 90 ngày ấy.
09/04/2013(Xem: 11878)
Hoa là một loài thực vật tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà loài người thường hay trân quý, nhất là những loài hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa mẫu đơn, hoa mai, hoa cúc, hoa huệ...
09/04/2013(Xem: 16971)
Nếu nói 20 năm là một thế hệ, thì những bài viết trong quyển sách thứ 36 nầy đã hơn một thế hệ rồi. Đó là 25 năm của một chặng đường lịch sử mà chúng tôi đã đi qua.
09/04/2013(Xem: 10362)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật . Cùng tất cả trại sinh ngày Hạnh quý mến, Trong Lục Độ Tập Kinh, có dạy: “Thà mất nước không thà mất hạnh”. Thà mất nước, là thà mất biên cương, lãnh thổ, chứ không thà mất hạnh. Mất hạnh là mất văn hoá, mất nếp sống đạo đức, mất thuần phong mỹ tục, mất nhân tính, mất đi lý tưởng sống. Mất nước là mất biên cương, mất lãnh thổ, mất chủ quyền quốc gia, mà còn Hạnh, nghĩa là còn nền đạo đức của một dân tộc, còn nền văn hoá của một dân tộc, còn thuần phong mỹ tục của một dân tộc, và còn lý tưởng sống của một dân tộc, thì việc mất chủ quyền về chính trị, mất biên cương, mất lãnh thổ của dân tộc, sớm muộn gì cũng có thể phục hồi lại được, nhưng một dân tộc không mất biên cương, lãnh thổ mà mất Hạnh thì vĩnh viễn mất nước. Cũng vậy, người phật tử chúng ta, dù mất sinh mạng, nhưng không mất lý tưởng, thì chúng ta vẫn còn là một con người nguyên vẹn trong lý tưởng giác ngộ.
09/04/2013(Xem: 5816)
Hôm nay là ngày 16 tháng 11 năm 2003 tại vùng núi rừng của Tu Viện Đa Bảo ở Sydney thuộc nước Úc, tôi và tăng chúng ở đây đã gần một tháng nhập thất rồi và công việc của chúng tôi là dịch kinh, hành trì, tu tập, công phu, học tập, chấp tác v.v...
09/04/2013(Xem: 9788)
Nhiều người cho rằng Phật Giáo mang tư tưởng xuất thế nên không chủ trương có gia đình, không khuyến khích kết hôn, cũng tương đồng với việc cho rằng người theo đạo Phật đều phải xuất gia. Thật ra, đây là một quan niệm sai lầm.
09/04/2013(Xem: 7320)
Sống trên đời nầy, ai sinh ra rồi cũng phải có bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi đối với chính bản thân mình và đối với cộng đồng xã hội và từ đó luật pháp được đặt ra để bảo vệ cho những quyền lợi và trách nhiệm đó. Nếu người nào vi phạm, tức có luật pháp là cán cân dùng để giải quyết mọi việc trong cuộc đời.
09/04/2013(Xem: 7536)
Trong cuộc sống vốn dĩ mang tính chất vô thường biến đổi nầy, chẳng có gì mang tính chất nhất định cả. Vì vậy chư Phật và chư Tổ Sư đã vì đời mà khuyên nhủ chúng ta rằng: "Không có gì là thực tướng. Tất cả chỉ là mộng huyễn mà thôi".
09/04/2013(Xem: 6116)
Bằng tất cả trí tuệ, bạn mới có thể nhìn thấy cuộc đời là một dòng sống tương tác giữa cái này và cái kia, tạo ra một trường thiên diễn vô tận của ráng nắng, của bọt nước, của ánh chớp, của sương, của giấc mơ, của tâm thức giả huyễn – và bằng tất cả tình yêu, bạn có thể lắng nghe nụ cười và tiếng khóc trùng điệp đuổi bắt thay nhau của vạn loại chúng sanh trong thế giới phù hư giả ảo ấy.
09/04/2013(Xem: 17597)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]