Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Thực hành phóng sinh mỗi ngày?

21/02/201114:52(Xem: 6529)
14. Thực hành phóng sinh mỗi ngày?

PHÓNG SINH - CHUYỆN NHỎ KHÓ LÀM
Nguyên Minh

Thực hành phóng sinh mỗi ngày?

Có thể bạn sẽ dễ dàng nảy sinh sự hoài nghi khi nghe đến điều này. Bởi cho dù có dễ dàng đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không thể tin được là mỗi chúng ta đều có thể thực hành việc phóng sinh mỗi ngày. Bạn sẽ hình dung được ngay biết bao nhiêu là trở ngại, phiền toái, khó khăn... mà thực tế là không thể nào vượt qua để có thể tổ chức việc phóng sinh mỗi ngày!

Nhưng điều đó đơn giản chỉ là vì bạn đã hiểu ý nghĩa của việc phóng sinh theo một cách quá hẹp. Và thật không may là cách hiểu theo nghĩa hẹp đó lại là cách hiểu vẫn quen thuộc từ xưa nay, đến nỗi nhiều người luôn nghĩ như thế mà không có gì cần phải suy xét lại.

Thực ra, như trong một phần đầu chúng ta đã bàn đến, mạng sống này của tất cả chúng ta đều quý giá và rất mong manh. Sự quý giá và mong manh đó dẫn đến một hệ quả là sự sống cần phải được chăm sóc, bảo vệ trong từng giây, từng phút. Bởi vậy, sẽ là một sai lầm nếu chúng ta chỉ thấy được sự chấm dứt của đời sống là cái chết, mà không thấy được những tổn hại về thể chất cũng như tinh thần có thể thường xuyên xảy ra trong đời sống – những cái chết dần dần hay những cái chết từng phần của đời sống.

Khái niệm “không giết hại” của Phật giáo thực ra trong nguyên ngữ tiếng Phạn (Sanskrit) được viết là ahiṃsā, và ban đầu được dịch sang chữ Hán là bất hại. Về sau, trong một số kinh điển cũng dịch từ này là bất sát sinh. Cách dịch sau này giúp cho khái niệm ahimsa trở nên dễ hiểu, dễ truyền đạt hơn, nhưng đồng thời cũng do đó mà thu hẹp một phần ý nghĩa.

Hiểu một cách đầy đủ, ahimsa có nghĩa là không gây ra sự tổn hại cho bất cứ chúng sinh nào. Lý do rất đơn giản, bởi vì mỗi chúng ta đều không muốn bị người khác làm tổn hại. Do tự xét mình như vậy, nên không thể gây ra tổn hại cho người khác. Trong kệ số 129 của kinh Pháp Cú, Phật dạy về điều này rất rõ:

Ai cũng sợ dao gậy,
Ai cũng đều sợ chết,
Lấy tâm mình suy người,
Đừng giết, bảo người giết.

Nhất thiết cụ đao trượng,
Nhất thiết giai úy tử,
Dĩ tự đạc tha tình,
Mạc sát, giáo tha sát.

Như vậy, nói không giết hại là đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì khi “lấy tâm mình suy người” thì chúng ta có thể thấy rằng, không chỉ là ta không muốn bị giết hại, ta cũng không muốn cả những việc như bị đánh đập, bị xúc phạm bằng lời nói, bị thương tổn về thể xác hoặc tinh thần... Trong đó, không giết hại là ý quan trọng nhất, nhưng các ý khác cũng không thể quên đi, vì chính việc hiểu đúng và đầy đủ ý tưởng này mới có thể giúp ta thực sự trở nên người hiền thiện.

Trong cuộc sống, ác nghiệp được tạo thành không chỉ khi chúng sinh giết hại lẫn nhau, mà còn cả khi chúng sinh gây tổn hại cho nhau dưới mọi hình thức. Thực ra, chúng ta cũng đã từng biết có những trường hợp nếu ai đó bị làm hại đến mức “sống không ra sống”, thì sự gây hại như vậy còn có thể xem là nặng nề hơn cả sự giết hại, bởi nó gây ra những nỗi đau khổ rất lớn lao cho nạn nhân.

Vì vậy, ý nghĩa của lời khuyên “không giết hại” nên được hiểu rộng hơn để đúng với những gì Phật đã truyền dạy, nghĩa là không chỉ giới hạn ở việc đoạn dứt sinh mạng, mà còn là tất cả những hành vi gây tổn hại đến đời sống hạnh phúc của mọi chúng sinh, tất cả những hành vi mà tự thân chúng ta không muốn người khác thực hiện đối với mình.1

Và hiểu theo nghĩa này thì quanh ta luôn đầy dẫy những hành vi gây tổn hại cho nhau. Do tham lam, sân hận, si mê, mỗi ngày chúng ta đều không ngừng làm tổn hại người khác, ngay cả những người thân nhất của mình. Chúng ta nói năng không lựa lời, cốt sao cho thỏa ý, bất kể điều đó có xúc phạm người khác hay không. Chúng ta cay cú với đồng nghiệp khi bất mãn, quát nạt những nhân viên dưới quyền khi nóng giận, và thậm chí có những khi gây thương tổn cho người khác một cách không cần thiết...

Không chỉ lời nói, mà cả việc làm của chúng ta cũng không ra ngoài khuynh hướng này. Nếu không tỉnh táo nhận biết, chúng ta sẽ còn tiếp tục gây tổn hại cho người khác, bởi vì chúng ta rất thường cho đó là những việc “hợp lý”. Trong cái lý bon chen, mạnh được yếu thua, ta sẵn sàng gạt bỏ hoặc cướp lấy quyền lợi của người khác mà không cho như vậy là bất nhẫn. Ta gây đau khổ cho người khác ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, và bản thân ta cũng hứng chịu khổ đau do người khác gây ra... Cái vòng luẩn quẩn của đời sống cứ thế mà tiếp diễn.

Vì thế, nếu hiểu phóng sinh theo ý nghĩa là cứu vớt sự sống, thì sự sống quanh ta ngày ngày cần đến sự cứu vớt. Tự kiềm chế bản thân để không nói ra lời nặng nề với một đồng nghiệp, đó là ta đang cứu vớt cuộc sống hạnh phúc của người ấy, tránh cho họ những giây phút dằn vặt, khổ sở vì bị xúc phạm, và do đó mà cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn. Tương tự, nếu trong cơn nóng giận ta biết tự chế để không trút giận lên những thuộc cấp của mình, đó là ta đã cứu vớt cuộc sống hạnh phúc của họ...

Có những sự việc rất nhỏ nhoi, nhưng nếu bạn quan sát theo hướng này, bạn sẽ thấy là rất nên làm. Chỉ cần mang lại niềm vui và tránh được sự tổn hại cho mọi người quanh ta, thì bất cứ lời nói, việc làm nào cũng đều trở nên có ý nghĩa lớn lao. Bởi vì đó chính là thực hành việc phóng sinh.

Do đó, khi bạn giúp đỡ người khác, khuyên người khác làm điều tốt đẹp, chỉ rõ cho họ biết một điều lầm lạc không nên làm... đều là giúp cho họ có thể sống tốt hơn, và như thế cũng đều là phóng sinh.

Bạn hãy bắt đầu từ những người thân trong gia đình. Hãy dành ra một khoảng thời gian thích hợp để suy nghĩ về những gì bạn đã làm trong thời gian qua. Bạn đã nói năng, ứng xử, hành động như thế nào, có thực sự là không gây tổn hại đến những người thân của mình hay không? Nếu quả được vậy, bạn sẽ là người rất may mắn. Bởi vì trong hầu hết các trường hợp, khi suy xét lại một cách khách quan, chúng ta rất thường nhận ra nhiều việc làm của mình luôn gây ra sự buồn khổ, thương tổn hoặc phiền lòng cho những người thân. Trong trường hợp ấy, chúng ta đã vô tình làm tổn hại đến cuộc sống vui vẻ của họ, cho dù đó là cha, mẹ hay anh, chị, em... Và ngay khi chúng ta nhận ra để chấm dứt những lời nói, việc làm gây thương tổn cho người thân của mình mỗi ngày, đó là ta đã thực hành phóng sinh, đã làm cho đời sống của họ trở nên vui vẻ, tốt đẹp hơn.

Cũng với cách nhìn này, bạn sẽ thấy có rất nhiều điều nên làm khi giao tiếp với tất cả mọi người. Cuộc sống quanh ta vốn đã có quá nhiều những khổ đau, bất hạnh. Ta không nên tạo thêm những nỗi khổ đau, bất hạnh khác nữa, mà hãy bằng mọi cách làm giảm bớt đi những nỗi khổ hiện có cho mọi người quanh ta. Chỉ cần bạn biết mở lòng ra để thực sự cảm thông, bạn sẽ biết được những việc nên làm.

Đôi khi, có những việc nghe ra rất lớn lao tưởng như dời non lấp bể nhưng lại chẳng có gì là quan trọng, bởi nó chẳng liên quan gì đến cuộc sống hạnh phúc của chúng ta. Nhưng việc quan trọng thực sự lại chính là những việc giúp ta có một cuộc sống an vui, hạnh phúc hơn, cho dù đó có thể là những việc rất nhỏ nhoi...

Một bài diễn văn gây chấn động thế giới cũng chẳng có nghĩa gì với một người đang đau khổ vì mất đi một người thân, nhưng một lời an ủi chân thành đưa ra đúng lúc lại có thể chia sẻ được phần nào nỗi đau và giúp cho cuộc sống của người ấy bớt phần khổ sở. Cũng vậy, hàng triệu đô-la bỏ ra để xây dựng một tòa cao ốc có thể là không có ý nghĩa bằng những khoản học bổng khiêm tốn nhưng giúp cho một học sinh nghèo không phải bỏ học...

Chúng ta thực sự có thể làm được rất nhiều điều để chia sẻ những khó khăn, những nỗi đau khổ của mọi người quanh ta trong cuộc sống, cũng như mang lại cho họ những niềm vui nhỏ nhoi nhưng vô cùng quý giá. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được như vậy khi có được một sự đồng cảm sâu sắc, một sự rung động thật lòng, biết vui theo cái vui của người khác và cảm nhận được nỗi đau của người khác. Đây chính là ý nghĩa của lòng từ bi trong cuộc sống. Bởi vì từ bi không phải là điều gì rất xa xôi và trừu tượng, khó hiểu, mà từ bi chính là khả năng mang lại niềm vui và cứu vớt khổ đau cho người khác!1 Và trong ý nghĩa này thì đó cũng chính là thực hành việc phóng sinh.

Nhưng cũng không chỉ có đời sống của kẻ khác mới là quý giá, mà đời sống của bản thân ta cũng cần được quan tâm. Chúng ta không thể chỉ quan tâm đến đời sống của người khác mà quên đi việc chăm sóc đời sống bản thân. Hơn thế nữa, thực tế là chỉ khi nào ta đã có được cuộc sống an vui, hạnh phúc đúng nghĩa, ta mới có khả năng mang lại an vui, hạnh phúc cho kẻ khác.

Chăm sóc đời sống bản thân không có nghĩa là theo đuổi sự sung túc, giàu có hay an nhàn, hưởng thụ. Tất cả những điều đó chỉ mang lại cho ta sự thỏa mãn giả tạo và nhất thời, không bền chắc. Cho dù quanh ta có đầy đủ hết thảy mọi điều kiện vật chất, ta vẫn không thoát khỏi những nỗi khổ đau của cuộc sống này, cũng như điều đó không hề đảm bảo là ta sẽ được thực sự an vui, hạnh phúc.

Vì thế, ý nghĩa của việc chăm sóc bản thân ở đây chính là hướng đến một đời sống thực sự an vui, hạnh phúc, bằng sự thanh lọc và rèn luyện tinh thần để có thể có được sự an vui trong mọi điều kiện khác nhau của đời sống.

Và khi bạn làm được như thế là bạn đang cứu vớt đời sống của chính bản thân, không để cho đời sống này phải chết dần đi qua việc chìm sâu trong ác nghiệp, và luôn nuôi dưỡng nó mỗi ngày bằng những thiện nghiệp để có thể hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn. Trong ý nghĩa này, sự tu tập hướng thượng này cũng chính là thực hành việc phóng sinh.

Do đó mà có thể thấy rằng ý nghĩa của việc phóng sinh là rất rộng, và tương quan với tất cả những điều lành đã được Phật thuyết dạy, cũng tương quan với hết thảy các pháp môn tu tập. Và điều đó cũng là dễ hiểu, vì cho dù là pháp môn nào đi nữa thì cũng không ngoài ý nghĩa cứu vớt đời sống này ra khỏi mọi khổ đau vì ác nghiệp.

Thực hành bố thí cũng là phóng sinh, vì là nuôi sống thân mạng của chúng sinh, mang đến cho họ những gì họ đang cần đến trong đời sống.

Thọ trì năm giới cấm1 cũng là phóng sinh, vì giúp cho đời sống của ta và người khác đều được an vui, hạnh phúc, không gây tổn hại đến bất cứ ai.

Tu tập hạnh nhẫn nhục cũng là phóng sinh, vì nhẫn chịu mọi khổ đau về phần mình mà không làm tổn hại đến kẻ khác, do đó mà sinh khởi lòng từ bi thương xót và cảm thông với tất cả chúng sinh.

Thực hành hạnh tinh tấn cũng là phóng sinh, vì dẹp bỏ sự lười nhác, sa đọa, tự mình luôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người chung quanh mình.

Tu tập trí huệ Bát-nhã cũng là phóng sinh, vì giúp ta thấu rõ bản chất và ý nghĩa cuộc sống, có thể tự mình chọn cách sống tốt đẹp và hướng dẫn cho mọi người quanh mình cũng đều có đời sống tốt đẹp.

Thực hành thiền định cũng là phóng sinh, vì nuôi dưỡng được đời sống tinh thần tốt đẹp, có được định lực trong đời sống, nhờ đó mà có thể làm lợi ích cho chính bản thân và cho mọi người khác.

Vì thế nên nói rằng, thực hiện hết thảy mọi điều lành, tu tập hết thảy mọi pháp môn, cũng đều là thực hành phóng sinh.

Do đó mà chúng ta hoàn toàn có thể thực hành việc phóng sinh mỗi ngày, không cần thiết phải chờ đợi dịp này hay dịp khác, cũng không cần thiết phải chờ đợi dành dụm cho được nhiều tiền bạc, bởi vì việc thực hiện các điều lành nhiều khi lại không cần thiết phải có tiền. Nhưng điều quan trọng không thể thiếu được lại chính là một tấm lòng!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/09/2014(Xem: 7555)
Mình là tu sĩ tầm thường Xin cơm bánh trái mười phương phố, làng Có gì hãnh diện, khoe khoang? Lấy gì kênh kiệu, vênh vang với đời? Xin ăn từng vá ơn người Trú an hơi thở chẳng rời bước chân Xả ly từng niệm tham sân Thong dong y bát nẻo gần, lối xa Thuở xưa, Phật cũng vậy mà Trang nghiêm thân giáo, nhà nhà hóa duyên Cho tín tâm nở chợ triền Để không hổ thẹn phước điền nhân gian
24/09/2014(Xem: 8745)
Cụ Bà Tâm Thái, 82 tuổi phát tâm đóng chuông Đại Hồng Chung mỗi buổi khuya tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, nhân dịp Cụ Bà viếng thăm Úc 6 tháng từ 25-9-2014 đến 25-3-2015
21/09/2014(Xem: 6789)
Thấy người làm việc lành việc phải, mình tán thán bằng lời, hoặc góp một phần công, giúp một phần của để thành tựu công việc lành ấy. Quả là người này đã có lòng lành đáng quí đáng mến. Huống nữa, Tam Bảo là cây cầu đưa chúng sanh từ bến mê qua bờ giác, Tam Bảo là con thuyền cứu vớt chúng sanh đang chìm trong bể khổ đưa đến bờ Niết-bàn, Tam Bảo là ngọn đèn sáng soi đường cho chúng sanh khỏi lạc trong rừng tối vô minh. Người phát tâm tán trợ bồi bổ tô đắp cho Tam Bảo thường còn ở thế gian thì công đức biết bao kể xiết. Vì Tam Bảo thường còn ở thế gian, chúng ta phát tâm cúng dường, quả là việc làm tự lợi lợi tha đầy đủ.
19/09/2014(Xem: 7903)
Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80 thì đó là nửa đường, nhưng với tuổi 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi cứ nghe se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn có chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không chịu thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.
18/09/2014(Xem: 7829)
Dì Sáu là một người đàn bà rất đáng phục. Sinh trưởng ở miền nam Việt Nam, lúc nhỏ chắc học hành cũng chẵng bao nhiêu. Sau 1975 di tản sang tây, không biết một tí tiếng Pháp nào, vậy mà lại một thân một mình sống được yên hàn từ mấy chục năm nay tại xóm La Tinh, ở ngay trung tâm thành phố Ba Lê hoa lệ.
12/09/2014(Xem: 9609)
Hương đêm lan tỏa quanh mẹ khi mẹ bước ra khỏi lan can lầu. Có mùi thơm dìu dịu của dạ lý hương từ bên dưới thoảng nhẹ và mùi sương đẫm trên những thân lá trường sinh. Từ trên đỉnh chùa núi ở phía nam thành phố, từng hồi đại hòng chung trầm ấm rền rền gióng lên, qua không gian tĩnh lặng của sáng sớm mùa hẹ, âm ba của nó như những lượn sóng trầm chảy vào thời gian và thế giới bình yên của thành phố biển. Vậy là đã ba giờ rưỡi sáng.
08/09/2014(Xem: 7441)
Người, vật, chim muông, hoa lá, cỏ cây, lâu đài, phố thị, làng mạc... đều nương tựa trên mặt đất. Cũng vậy, chúng sanh hữu tình, các bậc trí tuệ, chư thánh nhơn, đức Phật... cũng do 10 nghiệp lành mà có sắc thân, tướng mạo, y báo, chánh báo sai khác, dị đồng... Tất cả phải nương tựa nơi 10 nghiệp lành vậy. Mười nghiệp lành không những ngăn giữ chúng sanh khỏi bị đọa lạc vào bốn con đường đau khổ, mà còn mở cánh cửa thênh thang hạnh phúc an vui của phước báu nhân thiên sang cả. Mười nghiệp lành thường quyết định duyên lành, làm cho thông minh sáng láng, học hành thành đạt, sự nghiệp hanh thông, gia đình ấm êm và cả trí tuệ thông hiểu con đường xuất ly ba cõi nữa.
08/09/2014(Xem: 9809)
Đức Phật từng dạy: “Trên đời có hai hạng người đáng quý. Thứ nhất, người chưa hề phạm tội và thứ hai là người lỡ phạm tội nhưng hết lòng sám hối, nguyện không tái phạm.” Kinh sách ghi lại nhiều bài sám với những hình thức ngắn, dài, đại cương hoặc chi tiết, để mỗi hành giả tùy căn cơ, nhu cầu và phương tiện mà phát nguyện sám hối. Ở đây, chỉ xin được chia sẻ đôi giòng, sau hai tuần lễ đại chúng đạo tràng chùa Phật Tổ hành trì, trong khóa tu sẽ liên tục một tháng, tụng lạy bộ“Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp Lương Hoàng Sám”
06/09/2014(Xem: 12883)
-Tâm Phật rỗng rang, không chất chứa gì cả. Tâm chúng sinh là một kho chứa khổng lồ chất đầy gánh nặng vui buồn, sướng khổ, hận thù, oan khiên nghiệt ngã của quá khứ. “ Câu thơ “ Hận tình mang xuống tuyền đài chưa tan” cho thấy dù đã chết xuống Âm Phủ rồi mà mối hận tình vẫn chưa nguôi và có thể ôm sang kiếp khác- kiếp lai sinh. Rồi thì bao ưu tư khắc khoải của hiện tại, bao lo âu, hân hoan, hoang mang lo sợ của tương lai. Tất cả đều chất chứa trong tạng thức, trong tim óc, trong tâm, trong não bộ giống như một người thấy tin tức, hình ảnh gì trên Internet hay Diễn Đàn cũng đọc rồi “download” rồi “save” vào bộ nhớ khiến một lúc nào đó máy hư, tức “tẩu hỏa nhật ma” rồi hóa điên.
06/09/2014(Xem: 12497)
Cụ bà Phúc Thái sinh năm 1923 tại Thái Bình, di cư vào nam 1935, lập gia đình và có 7 người con, hiện cụ có 16 người cháu và 6 chắc. Hiện cụ đã 91 tuổi đang tịnh dưỡng thiền tập và sống khỏe tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]