Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Đối diện nỗi khổ niềm đau

21/02/201107:42(Xem: 6627)
3. Đối diện nỗi khổ niềm đau

HOA NHẪN NHỤC
Nguyên Minh

Đối diện nỗi khổ niềm đau

Chúng ta không chỉ bực tức, khó chịu vì những gì người khác gây ra cho ta. Còn có vô số những sự việc bất như ý ta phải chịu đựng trong đời sống mà hầu như chẳng do ai gây ra cả! Bệnh tật hành hạ, thời tiết khắc nghiệt, vĩnh viễn xa lìa người thân yêu khi người ấy chết đi... Đó là những việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời sống, và ta chỉ có thể chấp nhận mà không thể đổ lỗi cho bất cứ ai. Ai gây ra bệnh tật? Ai làm cho thời tiết nóng bức hay rét buốt? Ai làm cho ta người thân ta phải chết?... Tất cả đều không có câu trả lời, và vì thế ta cũng không có ai để quy trách, giận dữ. Nhưng không phải vì thế mà ta có thể tránh né được những nỗi khổ đau này.

Những khổ đau như vậy là rất nhiều trong cuộc sống. Nếu chúng ta không có một phương cách gì để đối trị với chúng thì cuộc sống của ta sẽ chỉ là một chuỗi nối tiếp những khổ đau mà không còn có chút ý nghĩa gì. May thay, sự thật không phải là như thế. Bởi vì sự hiện hữu của khổ đau là không thể phủ nhận, nhưng sự tiếp nhận những khổ đau ấy như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào sự nhận thức và tu dưỡng của mỗi chúng ta.

Trong thực tế, hầu hết những trạng thái tinh thần của chúng ta được tạo ra bởi thói quen hay sự huân tập lâu đời. Chẳng hạn, có những người từ nhỏ không thích chuột vì lý do nào đó, và rồi họ ghét chuột cho đến suốt đời. Cứ mỗi lần nhìn thấy chuột là họ kinh tởm, giận dữ hoặc khiếp sợ. Sự giận dữ hay khiếp sợ đó không đến từ những con chuột – bằng chứng là có những người khác không ghét chuột – mà xuất hiện từ chính thói quen lâu ngày của người ấy.

Cũng vậy, chúng ta từ lâu đã quen tránh né, trốn chạy những cảm giác khó chịu hay đau đớn. Chúng ta không ưa thích những cảm giác ấy, và mỗi khi chúng xuất hiện thì trong lòng ta khó chịu, bực tức, chỉ mong sao cho chúng chấm dứt càng sớm càng tốt. Nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng chính tâm trạng không ưa thích, bực tức và mong muốn sự chấm dứt mới là vấn đề, còn bản thân những cảm giác khó chịu hoặc đau đớn tự nó không phải là điều gây khó chịu quá nhiều cho ta. Nhưng từ lâu ta vẫn quen xem cả hai yếu tố này là một nên không thể nhận ra được nguyên nhân thực sự của vấn đề.

Tôi còn nhớ vào những năm cuối thập niên 1970, khi sống trong căn nhà tranh đơn sơ dựng lên giữa khu đất rừng mới khai hoang, tôi thường xuyên phải “gặp gỡ” những con vật không lấy gì làm thân thiện như rắn, rết, bò cạp... Sau mỗi cơn mưa, chúng thường tìm vào “ẩn náu” trong nhà vì có nhiều chỗ khô ráo. Mỗi khi lấy quần áo để thay hoặc đưa tay mở cánh cửa liếp, bạn đều có thể nhìn thấy chúng ẩn nấp ở đâu đó...

Lần đầu tiên tôi bị bò cạp chích là một kinh nghiệm không lấy gì làm tốt đẹp. Khi vừa đưa tay chạm đến chiếc áo mắc trên vách tre, tôi có cảm giác một mũi kim sắc nhọn nhỏ xíu vừa đâm vào tay mình, và ngay sau đó là một cảm giác nhức nhối cực kỳ khó tả. Cơn đau lan nhanh như một dòng điện chạy rần rần trong cánh tay, và tôi nghe dưới nách nổi lên ngay một hạch lớn. Rồi cả cánh tay tôi sưng nhức, một lúc sau lại chuyển sang tê rần, rồi lại nhức nhối... Những cảm giác hết sức khó chịu ấy liên tiếp thay nhau với cường độ càng lúc càng dữ dội hơn. Tôi nhắm nghiền mắt lại, cắn răng chịu đựng và có cảm giác vết chích nơi bàn tay tôi đang ngày càng sưng to, căng phồng đến mức như sắp vỡ tung...

Thật ra thì nơi vết chích chỉ hơi sưng đỏ lên đôi chút thôi. Nhưng nọc độc của con vật tạo cảm giác đau nhức làm cho tôi khó chịu cực kỳ. Suốt đêm hôm đó, tôi nằm trăn trở, rên rỉ, không chợp mắt được chút nào. Đầu óc tôi không còn một ý nghĩ nào khác hơn là cảm giác về cơn đau nhức đang hoành hành. Tôi giận dữ, bực tức, đau đớn, khó chịu... đầu óc chỉ tràn ngập những cảm giác khó chịu về cơn đau mà không còn nghĩ đến gì khác, tưởng như ngay trong ngày mai tôi sẽ cuốn gói rời khỏi vùng đất khốn nạn này!

Nhưng rồi cho đến khi gần sáng thì cơn đau nhức dịu đi và tôi thiếp ngủ được đôi chút. Thức dậy, tôi có cảm giác cơn đau nhức vẫn còn đó nhưng không dữ dội như hôm trước. Tôi quan sát vết chích trên tay và thấy đã hơi bớt sưng, để lại một quầng thâm bao quanh một chấm đen nhỏ. Rồi đến chiều thì cơn đau nhức dường như mất hẳn. Tôi tự nhủ: “Ừ, thế thì cũng chẳng có gì ghê gớm lắm.”

Khỏi nói chắc bạn đọc cũng biết là về sau tôi vẫn thường xuyên bị bò cạp chích, vì biết làm sao tránh được những con vật bé nhỏ này khi thói quen kỳ lạ của chúng là rất hay chui vào quần áo mắc trên vách tre hay vất trên giường nằm. Có lẽ chúng thích hơi người, tôi nghĩ vậy. Nhưng những cơn đau nhức về sau được tôi chấp nhận với một ý thức tỉnh táo hơn. Tôi quan sát chúng, cảm nhận chúng và làm quen với chúng. Sự thật là chúng đã dần dần trở nên “dễ chịu” hơn, và tôi không thấy “ngán sợ” chúng như ban đầu nữa.

Mọi trạng thái tinh thần của chúng ta đều là do thói quen, cũng tương tự như thế. Khi bạn chấp nhận đối diện với một cảm giác đau đớn nào đó, rồi bạn sẽ thấy nó thật ra cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Và nếu có những lần thứ hai, thứ ba... bạn sẽ thấy rõ là trạng thái tinh thần của bạn bao giờ cũng thay đổi theo cách ngày càng dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn e sợ hoặc chán ghét một cảm giác nào đó và cố tìm cách tránh né để không phải chịu đựng nó, sự chán ghét của bạn sẽ làm cho trạng thái tinh thần khi chịu đựng cảm giác ấy mãi mãi khó chịu. Tiến trình quen dần đi với cảm giác khó chịu đó xem như bị ngăn chặn bởi ý thức tránh né của bạn.

Lần sắp tới đây, khi bạn có một cảm giác đau đớn nào đó, do thương tích, hoặc do côn trùng cắn chích, hoặc đơn giản hơn nữa là mỏi mệt rã rời sau một ngày làm việc quá sức chẳng hạn... bạn hãy thử qua kinh nghiệm mà tôi trình bày ở đây.

Khi nhận biết cảm giác đau nhức hoặc mỏi mệt đang hiện hữu trong cơ thể mình, bạn hãy thở vào một hơi thật sâu, dừng lại một chút để tâm ý được tĩnh lặng phần nào, và sau đó hãy nhủ thầm với chính mình: “Có một cảm giác đau nhức, khó chịu trong thân thể tôi. Tôi không thể và cũng không cần thiết phải tránh né nó. Tôi sẽ chấp nhận nó, bởi vì rồi nó sẽ qua đi, không thể tồn tại mãi mãi. Tôi không có gì phải e sợ nó cả. Mặc dù tôi không mong muốn nó, nhưng sự có mặt của nó là một sự thật và tôi sẵn sàng chấp nhận sự thật đó.”

Khi bạn tự nhủ, hoặc chỉ cần nghĩ thầm trong đầu những ý tưởng như thế, mọi sự bực dọc, khó chịu sẽ tan biến dần đi. Bạn sẽ cảm nhận cơn đau một cách bình thản hơn, và chắc chắn bạn sẽ thấy rằng nó thật ra cũng không quá khó chịu như bạn tưởng.

Khi còn nhỏ tôi đã từng nhìn thấy những đứa trẻ ở quê tôi chạy chơi ngoài đồng trống. Chúng vấp ngã rồi đứng dậy, chạy chơi tiếp với bạn bè, ngay cả khi chân tay chúng trầy trụa, rướm máu. Những đứa trẻ ấy đã quen với cảm giác đau khi té ngã, trầy xước, vì điều đó xảy ra mỗi ngày với chúng. Vì thế, chúng không hề khóc lóc, rên la hay khó chịu. Không có ai chăm sóc cho chúng sau mỗi lần vấp ngã. Cha mẹ chúng bận công việc đồng áng và chỉ trở về nhà khi mặt trời đã đứng bóng hoặc lúc nhá nhem tối. Chúng phải tự chăm sóc bản thân mình, và vì thế chúng phải làm quen với những tổn thương nho nhỏ mỗi ngày như thế.

Điều đó thật hoàn toàn khác biệt với những đứa trẻ con thành thị ngày nay được chăm sóc và bảo vệ trong môi trường tốt hơn. Khi tay chân trầy xước, chảy máu, chúng luôn được rửa sạch, bôi thuốc sát trùng và băng lại. Tôi không có ý nói rằng sự chăm sóc kỹ lưỡng như thế là có gì không tốt, nhưng chỉ muốn nói đến sự khác biệt giữa hai đứa trẻ trong hai môi trường chăm sóc khác nhau này là chúng thường chịu đựng cảm giác đau đớn với hai tâm trạng hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta cũng không khác gì những đứa trẻ ấy. Khi lần đầu tiên trải qua một cảm giác đau đớn nào đó, nếu bạn chịu đối diện và chấp nhận cảm giác đau đớn ấy với một tâm trạng thản nhiên và dẹp bỏ mọi sự bực tức, giận dữ theo khuynh hướng thông thường, bạn sẽ thấy là khi cơn đau trôi qua bạn đã tăng thêm sức chịu đựng rất nhiều đối với nó. Lần thứ hai hoặc thứ ba, khi bạn phải chịu đựng một cơn đau tương tự thì bạn sẽ thực sự “quen biết” nó nhiều hơn, và vì thế bạn luôn cảm thấy dễ chịu hơn.

Khi bạn nhẫn chịu được những nỗi đau nho nhỏ như vừa nói, rồi bạn sẽ nhận ra một điều là ngay cả sự chịu đựng những nỗi đau to lớn hơn, với cường độ dữ dội hơn và kéo dài trong thời gian lâu hơn, thật ra cũng không đi ngoài quy luật này. Chúng ta có thể làm quen và chấp nhận mọi nỗi đau, miễn là ta chịu đối diện và trải qua những nỗi đau ấy một cách thản nhiên, không bực tức.

Bạn đọc có thể sẽ đặt câu hỏi: “Vì sao tôi lại phải chấp nhận những nỗi đau kia chứ?” Xin thưa, bởi vì đó là giải pháp khôn ngoan duy nhất mà bạn có thể chọn. Nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận những nỗi đau, bạn vẫn phải trải qua, vẫn phải chịu đựng mà không thể nào tránh né, trừ khi bạn không còn sống nữa trên cuộc đời này. Vì những nỗi đau luôn hiện hữu khắp mọi nơi, mọi lúc. Chúng là những yếu tố tất nhiên cấu thành cuộc sống này. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không sẵn sàng chấp nhận, bạn sẽ phải đồng thời trải qua một tâm trạng bực dọc, tức tối, và chính điều đó mới làm cho nỗi đau của bạn càng trở nên khó chịu hơn.

Không chỉ là những nỗi đau về thể xác, mà cả đến những nỗi đau về tinh thần, những tổn thương tình cảm, cũng đều sẽ trở nên dễ chịu hơn khi bạn thực hành theo phương pháp này. Nói chung, khi một sự việc không hay đã xảy ra và gây tổn thương cho bạn, thì việc bực tức hoặc mong muốn cho sự việc thay đổi đều chỉ là vô ích. Điều duy nhất mà bạn có thể làm được trong trường hợp này chỉ là sự thích nghi và chấp nhận sự thật theo cách tốt nhất mà thôi.

Thực tế của đời sống này là mỗi ngày chúng ta đều phải trải qua những nỗi khổ niềm đau khác nhau. Có những nỗi đau nhỏ nhặt chỉ kéo dài trong năm mười phút, cũng có những nỗi đau dữ dội mà ta phải chịu đựng trong vài ba ngày, và còn có những nỗi đau ngấm ngầm, âm ỉ nhưng đeo bám chúng ta trong suốt nhiều năm tháng... Trong tất cả những trường hợp đó, chúng ta không thể làm được gì khác hơn ngoài việc chọn lựa giữa hai thái độ là thản nhiên chấp nhận hay bực tức, hằn học. Dù chọn cách nào thì ta cũng không thể tránh né được việc trải qua những nỗi khổ niềm đau đó, nhưng sự khác biệt lớn lao ở đây chính là một trạng thái tinh thần tích cực và thanh thản hay nặng nề và u ám.

Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có thái độ tiêu cực, mặc nhiên chấp nhận mọi sự đau khổ đến với mình. Vấn đề chúng ta đang bàn đến chỉ là những nỗi đau đã thực sự xảy ra và không còn biện pháp nào để ta tránh né, ngăn chặn. Đó là một thực tế, và vì thế ta chỉ có thể chọn cách tốt nhất để tiếp nhận thực tế ấy. Còn trước khi sự việc xảy ra, dĩ nhiên là ta cần phải có mọi cố gắng tích cực để ngăn ngừa, hóa giải chúng, thay vì là ngồi yên chờ đợi chúng xảy đến cho mình.

Một cách cụ thể, như trong trường hợp vừa kể trên, tôi đã học được những cách ngăn ngừa hữu hiệu để giảm bớt số lần bị bò cạp chích. Trước khi lấy quần áo, tôi phải quan sát cẩn thận trước khi sờ tay vào, và trước khi mặc quần áo vào cần phải giũ thật mạnh mấy cái để những con vật nhỏ bé này nếu đang ẩn núp trong đó sẽ bị văng ra. Nhờ những biện pháp tích cực này, tôi tránh được một số lần bị bò cạp chích, nhưng tất nhiên là thỉnh thoảng cũng vẫn bị như thường.

Tương tự như thế, để ngăn ngừa bệnh tật bạn cần phải tuân thủ một nếp sống lành mạnh, giữ vệ sinh và ăn uống đúng cách, thường xuyên rèn luyện thân thể... Những biện pháp tích cực này chắc chắn sẽ giúp bạn hạn chế được rất nhiều lần mắc bệnh, nhưng cũng không thể ngăn ngừa được một cách tuyệt đối. Vì thế, mỗi khi cơn bệnh đã thực sự xảy đến cho bạn thì bạn cần phải biết nhẫn chịu nó.

Với những nỗi đau tinh thần, những tổn thương tình cảm cũng vậy. Một nếp sống hòa hợp và chân thật, cởi mở có thể giúp bạn tạo ra nhiều tình cảm gắn bó với mọi người chung quanh, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ gặp rắc rối về tình cảm. Vì thế, hãy tích cực trong việc nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, nhưng cũng sẵn sàng trong việc chấp nhận những tổn thương tình cảm một khi có ai đó gây ra cho bạn.

Khi bạn biết nhẫn chịu mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống với một tinh thần thanh thản, không bực tức, không oán hận, đó chính là bạn đang thực hành hạnh nhẫn nhục ở mức độ gọi là “an thọ khổ nhẫn”. Sự biểu hiện của tinh thần nhẫn nhục này thoạt nhìn qua thì có vẻ như rất gần với sự cam chịu, buông xuôi, nhưng khác biệt lớn lao nhất ở đây chính là trạng thái tinh thần của bạn: một tinh thần an nhiên chấp nhận và không hề có sự oán hận, bực tức.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2020(Xem: 6639)
Tản mạn : Làm sao Chuyển hoá khổ đau ? "Khổ đau chỉ đến khi ta khởi lên ý niệm đó mà thôi ! " Nếu ai đó đã từng học được điều này thì mời các bạn cùng tôi ngâm vài vần thơ trước khi vào đề tài rất hữu ích cho thời đại công nghệ này bạn nhé ! Nhất là giới trẻ và trung niên ngày nay dù có học Phật Pháp hay đang nghiên cứu vài sách về tâm lý . Làm thế nào khổ đau được chuyển hoá ? Không lạm bàn nạn dịch với thiên tai Thẩm sâu nội tâm ... rơi lệ , thở dài Chuyện uất ức, bất mãn, thành công thất bại ! Suy cho kỹ ... Tâm phan duyên, hoang dại ! Khổ đau chỉ đến ... ý niệm khởi đó thôi Tự mình tiêu cực, sao lại phải Tôi!!! Nào tản mạn ... nuôi dưỡng được tâm thái tích cực !!! ( thơ Huệ Hương )
17/11/2020(Xem: 8028)
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NI TRƯỞNG THƯỢNG NGUYÊN HẠ THANH Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di Mẫu Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư cùng chư Đại đức Tăng Ni, Kính thưa quý Thiện nam, Tín nữ xa gần, Thật là vinh dự cho chúng con/ chúng tôi hôm nay được viết những dòng giới thiệu này cho tuyển tập “Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ” (Sharing the Dharma - Vietnamese Buddhist Nuns in the United States) do Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, Chùa Hương Sen, đứng ra biên soạn và xuất bản.
17/11/2020(Xem: 5790)
Nhân loại đã biết cách bay lên mặt trăng, tuy nhiên nhiều nơi trên địa cầu vẫn còn bị ràng buộc với những thói quen xưa cổ, trong đó một thành kiến khó rời bỏ là xem nhẹ phụ nữ. Hầu hết các tôn giáo cũng xem nhẹ phụ nữ. Riêng trong Phật Giáo, phụ nữ từ xưa vẫn có một vị trí đáng kính và bình đẳng trên đường học đạo, để tận cùng là thành tựu Niết Bàn. Khi vua Pasenadi nước Kosala không vui vì hoàng hậu Mallikà sinh một bé gái, Đức Phật trong Kinh SN 3.16 dạy vua rằng: "Này Nhân chủ, ở đời / Có một số thiếu nữ / Có thể tốt đẹp hơn / So sánh với con trai / Có trí tuệ, giới đức..." Hơn hai mươi thế kỷ sau, ý thức nữ quyền mới trở thành phong trào. Theo định nghĩa cô đọng và đơn giản, nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng của nữ giới với nam giới về chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy thường khi, nữ quyền gắn liền với dân quyền, vì bình quyền nam nữ dẫn tới ý thức bình quyền cho từng người dân, đặc biệt là nơi các dân tộc đang bị các nước thực dân thống trị, hay nơi các sắc tộc thiểu số
16/11/2020(Xem: 4805)
Vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, Hội đồng Thống nhất Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo Bangldesh (Bangladesh Hindu Bouddha Christian Oikya Parishad; BHBCOP), đã tổ chức một chương trình tập hợp và biểu tình hàng loạt trên toàn quốc để phản đối các cuộc tấn công, đốt phá, tra tấn và giết hại người tôn giáo thiểu số tại Bangldesh. Là một phần của cuộc biểu tình, họ đã thành lập các chuỗi người và các cuộc biểu tình từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa tại các giao lộ chính của các trụ sở cơ quan chính quyền cấp quận, huyện, thành phố và tỉnh trên khắp đất nước, bao gồm cả giao lộ Shahbagh, Dhaka và giao lộ ngã tư New Market, Chittagong.
16/11/2020(Xem: 5477)
Vào giữa thế kỷ thứ mười bảy, Đức Đệ Ngũ Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh tầm quan trọng như thế nào để việc phân tích không trở thành một bài học thuộc lòng như vẹt mà phải là sống động. Khi chúng ta tìm kiếm cho một “cái tôi” tồn tại cụ thể như vậy mà không thể tìm kiếm được nó hoặc là cùng giống hay khác biệt với tâm thức và thân thể, điều thiết yếu là phải tìm kiếm cùng khắp; bằng khác đi chúng ta sẽ không cảm thấy tác động của việc không tìm thấy nó. Đức Đệ Ngũ Đạt Lai Lạt Ma đã viết:
15/11/2020(Xem: 6064)
Mười bốn câu trích dẫn lời của Đức Phật dưới đây được chọn trong số 34 câu đã được đăng tải trên trang mạng của báo Le Monde, một tổ hợp báo chí uy tín và lâu đời của nước Pháp. Một số câu được trích nguyên văn từ các bài kinh, trong trường hợp này nguồn gốc của các câu trích dẫn đó sẽ được ghi chú rõ ràng, trái lại các câu đã được rút gọn, chỉ giữ lại ý chính, sẽ không có chú thích về nguồn gốc. Ngoài ra trong bài 1 trước đây, người chuyển ngữ đã mạn phép ghi chú dài dòng với hy vọng có thể giúp một vài độc giả theo dõi dễ dàng hơn chăng các lời trích dẫn đôi khi khá cô đọng hoặc trừu tượng? Dầu sao thiết nghĩ sự suy tư và phán đoán là quyền hạn ưu tiên và thiêng liêng của người đọc, vì lý do đó kể từ bài 2 này, người chuyển ngữ sẽ mạn phép chỉ xin ghi chú thêm một vài suy nghĩ riêng của mình khi cảm thấy cần thiết. Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của các câu trích dẫn này trên trang mạng của báo Le Monde: https://dicocitations.lemonde.fr/auteur/616/Bouddh
14/11/2020(Xem: 6462)
Kính mạn phép được thay đổi lại lời của một bài hát mà âm điệu đã thấm sâu vào huyết quản tôi từ bao giờ và hôm nay một lần nữa lại vang vang ...nửa như kích thích sự hưng phấn trong tôi nửa như khuyến khích tôi phải trình bày vì sao tôi thấy ra được điều này " Một niềm an vui hạnh phúc hỷ lạc thật sự có mặt và có thật trong mỗi con người chúng ta "
13/11/2020(Xem: 5165)
Từ khi có Lục tổ Huệ Năng đưa ra lý thuyết chúng sanh có sẳn Tánh Giác gọi là Phật Tánh trong người nhưng vì bị Ý thức che mờ đi nên cần ngồi thiền vén lớp ý thức này ra thì Phật tánh sẽ hiện ra thành Phật nên không cần kinh luật bất lập văn tự mà tu. Rất nhiều người bình dân phương nam đi theo một thời đông đảo. Câu hỏi được đặt ra là tánh giác này có trước hay sau ý thức? Thế nên mới đưa ra kế tiếp là giác ngộ rồi mới khởi tu tức là học kinh Phật. Vì Giác ngộ đến Giải thoát sinh tử là một chặng đường rất dài có khi rất nhiều kiếp cần trãi nghiệm. Vậy chúng ta nghiên cứu giác ngộ trước.
13/11/2020(Xem: 4815)
Nhân khi đọc bài Thành Tựu Niết bàn của Cư sỹ Nguyên giác Phan Tấn Hải, chúng tôi xin phép kết hợp với thuyết big bang của Stephen Hawking và tiến trình giác ngộ của Đức Phật, và sự sống và chết theo Phật giáo để luận bàn về Niết bàn, giải đáp thắc mắc đức Phật chết rồi đi về đâu? Đây chỉ là khởi niệm mới lạ, biết đâu tương lai sẽ có người chứng minh được.
13/11/2020(Xem: 4759)
Phương tây từ thế kỷ thứ 18 đã từng phát huy cái ngã cái tôi của con người như “tôi suy tư là tôi hiện hữu”. Từ đó đến nay người Phuơng tây phát triển cái tôi, đưa đến tôn trọng cái tính riêng biệt cũa cái tôi từ triết lý đến luật pháp. Nhưng đạo phật lại diệt ngã thì làm sao mà hoằng pháp cho người Phương tây tu theo phật được? Làm sao giải thích được ý nghĩa diệt ngã của đức Phật? Vậy ta có thể giải thích là không phải ngã? Khi người ngồi thiền định dưới cội bồ đề 49 ngày, người đạt giác ngộ và đập tay xuống đất mà nói ta đạt được chánh đẵng chánh giác do trời chứng , ta chứng và đất chứng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]