Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Rèn Luyện Tinh Thần

19/02/201114:57(Xem: 7094)
Sự Rèn Luyện Tinh Thần

HẠNH PHÚC KHẮP QUANH TA
Nguyên Minh

CUỘC SỐNG QUANH TA

SỰ RÈN LUYỆN TINH THẦN

Chúng ta vẫn thừa nhận việc cần có những nhu cầu vật chất cơ bản để có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc. Chẳng hạn, tối thiểu bạn cũng cần có một chỗ ở ổn định, điều kiện mưu sinh đảm bảo, các nhu cầu sống hàng ngày được đáp ứng... Tuy nhiên, trong tinh thần “biết đủ”, một khi những nhu cầu cơ bản ấy đã được đáp ứng thì việc đạt đến một cuộc sống hạnh phúc hay không sẽ hoàn toàn do yếu tố tinh thần của chúng ta quyết định. Vì thế, điều tất yếu để đạt được cuộc sống an vui hạnh phúc là phải có sự rèn luyện tinh thần.

Tinh thần không phải là một thực thể đơn giản, ngược lại nó phức tạp hơn nhiều so với thế giới vật chất mà chúng ta có thể nhìn thấy hoặc sờ mó được. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể so sánh với những gì nhìn thấy được trong thế giới vật chất để nói về tinh thần một cách đơn giản và dễ hiểu hơn.

Chẳng hạn, trong thế giới vật chất có những sự vật rất hữu ích cho ta và có những sự vật khác độc hại. Tương tự, cũng có những yếu tố tinh thần có lợi, lại cũng có những yếu tố tinh thần vô cùng độc hại.

Để vận dụng tốt mọi sự vật, chúng ta cần hiểu biết tinh tường về những tính chất có lợi hoặc có hại của chúng. Cũng vậy, khi nói đến việc rèn luyện để hoàn thiện tinh thần thì điều trước tiên là phải biết phân biệt những gì có lợi để trau giồi và những gì có hại để loại bỏ, hoặc ít ra cũng là giảm thiểu dần đi.

Để hiểu đúng về tính chất có lợi hay có hại của các yếu tố tinh thần, chúng ta cần học hỏi. Chẳng hạn như, chúng ta cần học hỏi để biết rõ những cảm xúc và hành vi xấu ác tác động như thế nào đến tâm hồn chúng ta, cũng như những cảm xúc và hành vi tốt đẹp giúp ích như thế nào trong việc nuôi dưỡng và hoàn thiện tâm hồn. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải thấy được nhiều yếu tố xấu ác không chỉ tác hại đến bản thân chúng ta, mà còn gây ảnh hưởng tai hại cho cả những người thân quanh ta, hoặc cho cả cộng đồng xã hội; cũng như không chỉ trong hiện tại mà còn có thể là lâu dài về sau.

Sự học hỏi này vô cùng quan trọng, vì nó định hướng và tạo ra động lực cho sự rèn luyện tinh thần. Khi ta biết được những gì là có lợi và những gì là có hại, ta có thể nhắm đến việc nuôi dưỡng những điều tốt đẹp và loại bỏ dần những điều xấu ác để tâm hồn ta ngày càng hoàn thiện, cho nên nói rằng đây là một sự định hướng. Khi ta hiểu biết đầy đủ về những tác động có hại do các điều ác gây ra, ta mới có thể quyết tâm loại bỏ chúng. Khi ta hiểu biết đầy đủ về những tác động có lợi do các điều lành mang lại, ta mới có thể quyết tâm trau giồi, thực hiện chúng. Sự hiểu biết càng sâu sắc, toàn diện thì quyết tâm càng mạnh mẽ, bất chấp mọi khó khăn vẫn có thể thực hiện được. Cho nên nói rằng nó tạo ra động lực cho sự rèn luyện tinh thần.

Sự oán hờn hay thù hận, căm ghét, sự ghen tức, ganh tị, sự tức giận, sự tham lam... là các ví dụ tiêu biểu về những yếu tố tinh thần xấu ác. Một khi ta chất chứa những điều này trong lòng, tâm hồn ta sẽ ngày càng trở nên nặng nề, bất an. Chúng giống như những liều thuốc độc ngày đêm ngấm ngầm làm hại tâm hồn ta, khiến cho ta mất đi sự sáng suốt, thanh thản và an ổn. Chúng ta có thể bằng vào kinh nghiệm tự thân để phân tích và nhận ra những tác hại này, và chúng ta cần phải làm như thế để có thể tự mình cảm nhận mà không phải là chỉ biết được thông qua người khác.

Về mặt tự thân, khi chúng ta căm ghét hoặc thù hận ai đó, những cảm xúc này thôi thúc chúng ta phải bộc lộ ra bằng lời nói hoặc việc làm. Đồng thời, chúng ta tự biết rõ một điều là những lời nói hoặc việc làm này có tác dụng gây ra phản ứng không hài lòng từ phía đối tượng – cho dù điều đó có thực sự xảy ra hay không. Vì thế, một mặt chúng ta chịu sự thôi thúc phải nói ra hoặc hành động, một mặt phải luôn căng thẳng đề phòng những phản ứng bất lợi do chính những lời nói hoặc việc làm đó gây ra. Điều này khiến cho tâm trạng của ta luôn nặng nề, bất an và không thể nào duy trì được sự sáng suốt, thanh thản.

Nhưng vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi mỗi cá nhân, mà còn có một sự tương quan tất yếu với môi trường chung quanh. Lấy ví dụ, khi bạn chất chứa sự căm ghét hay thù hận trong lòng, những người chung quanh sẽ cảm nhận được điều đó và thấy khó khăn hơn trong việc giao tiếp thân thiện với bạn. Với đối tượng của sự căm ghét hay thù hận thì vấn đề còn tệ hại hơn nữa, vì nó có khuynh hướng thúc đẩy một phản ứng tương tự, nghĩa là họ cũng sẽ muốn đáp lại bằng sự căm ghét hay thù hận. Và bạn có thể dễ dàng hình dung được cái vòng quay luẩn quẩn này sẽ kéo dài như thế nào.

Lòng từ bi, đức nhân hậu, sự khoan dung... là những ví dụ tiêu biểu về các yếu tố tinh thần tốt đẹp. Khi chúng ta phát khởi và nuôi dưỡng tâm từ bi, mở rộng lòng yêu thương và đối xử tốt với mọi người chung quanh, tâm hồn chúng ta cũng tự nhiên rộng mở. Chúng ta sẽ thấy việc giao tiếp với những người chung quanh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì sự cởi mở này tất yếu sẽ khuyến khích những đáp ứng tốt đẹp từ những người mà chúng ta giao tiếp. Và trong những môi trường giao tiếp như thế, chúng ta cảm thấy không cần thiết phải che giấu hay sợ sệt, đề phòng người khác, do đó mà tâm trạng của ta sẽ trở nên an ổn hơn, thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Những cảm giác như sợ sệt, nghi ngờ, thiếu tự tin và bất an sẽ tự nhiên biến mất.

Điều này lại có khả năng tạo ra sự tin cậy của người khác đối với chúng ta. Và do đó mà môi trường giao tiếp sẽ phát triển theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Lấy ví dụ, bạn muốn giao một công việc cho ai đó, ngoài việc nắm chắc khả năng người ấy có thể thực hiện tốt công việc, bạn còn cần phải có sự tin cậy vào người đó. Nếu không có sự tin cậy, ngay cả khi đó là một người rất có năng lực, bạn cũng sẽ không thể yên tâm giao phó công việc. Mặt khác, khi bạn giao một công việc cho ai đó với một tâm trạng thiếu hẳn sự tin cậy, người ấy sẽ hoàn toàn có thể cảm nhận được điều này và nó ngăn cản việc anh ta làm tốt công việc. Như vậy, bạn có thể thấy rõ một điều là: sự tin cậy khuyến khích sự tin cậy, và sự hoài nghi cũng tạo ra sự hoài nghi tương ứng. Nói cách khác, nó tạo ra khoảng cách giữa những con người.

Việc nuôi dưỡng những yếu tố tinh thần tốt đẹp như lòng từ bi, đức nhân hậu, sự khoan dung... chắc chắn sẽ làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn, mang lại cho chúng ta một cuộc sống ngày càng an vui hạnh phúc hơn.

Nói tóm lại, những gì mà chúng ta vẫn thường gọi là điều thiện, điều ác... thực ra chính là một cách giản dị hơn để chỉ đến những yếu tố có lợi hay có hại cho tâm hồn. Tuy nhiên, theo cách hiểu này thì việc phân biệt một yếu tố là có lợi hay có hại có thể là dễ dàng hơn vì nó tùy thuộc vào sự cảm nhận và đánh giá của chính chúng ta, mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào bất cứ hệ thống chuẩn mực cứng nhắc nào. Mặt khác, để đạt đến cuộc sống an vui hạnh phúc, những phương thức mà chúng ta cần thực hiện chính là loại bỏ dần những điều có hại và nuôi dưỡng những điều có lợi. Ý nghĩa của sự rèn luyện hay tu dưỡng tinh thần thật ra cũng chỉ là gói gọn trong phát biểu đơn giản mang tính nguyên tắc này.

Tuy nhiên, mặc dù nguyên tắc là như thế, nhưng để đạt đến những kết quả thực sự, quá trình thực hiện đòi hỏi chúng ta phải có một sự hiểu biết và thực hành toàn diện, cũng như cần phải trải qua những quãng thời gian nhất định.

Chúng ta có thể tạm so sánh sự rèn luyện tinh thần với việc hoàn thiện sức khỏe chẳng hạn. Để có được sức khỏe tốt, chúng ta cần đến rất nhiều thứ trong chế độ ăn uống, không thể chỉ đơn giản là một, hai hay ba yếu tố. Mặc dù có thể kể ra một số những yếu tố tiêu biểu như chất đạm, chất béo, chất bột đường... nhưng trong thực tế chúng ta cần đến một sự cung ứng toàn diện của rất nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như các loại vitamin và khoáng chất, cũng như sự cân đối tất cả các thành phần dinh dưỡng thích hợp cần thiết cho hoạt động của cơ thể.

Cũng vậy, tâm hồn chúng ta vô cùng phức tạp. Mỗi một giây phút ngắn ngủi trôi qua, chúng ta sinh khởi trong tâm rất nhiều ý niệm hay tư tưởng. Trong số đó, có những tư tưởng có lợi và những tư tưởng có hại đan xen lẫn nhau. Chúng ta cần có sự sáng suốt hiểu biết mới có thể phân tích và nhận rõ được.

Mặt khác, chúng ta không thể đòi hỏi bất cứ một chế độ dinh dưỡng hợp lý hay phương thức luyện tập thể lực nào có thể làm thay đổi cơ thể chúng ta ngay trong một sớm một chiều. Điều đó cần có thời gian. Cũng vậy, không thể đòi hỏi một sự hoàn thiện tâm hồn ngay tức thời. Chúng ta cần có sự thực hành kiên trì qua thời gian trước khi có thể đón nhận được những kết quả tốt đẹp hoàn toàn. Thậm chí có nhiều thói quen xấu đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và nỗ lực rất lớn mới có thể xóa bỏ được. Cũng như việc nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp hoàn toàn không phải dễ dàng như khi chúng ta khoác lên một chiếc áo mới để làm thay đổi vẻ ngoài của mình.

Tuy nhiên, ngay khi chúng ta bắt đầu đi đúng hướng, chúng ta có thể cảm nhận ngay được những thay đổi tích cực diễn ra mỗi ngày trong tâm hồn. Điều đó tạo cho chúng ta một sự lạc quan và tin tưởng vào tương lai, ngay cả khi chúng ta biết rõ hiện tại mình vẫn còn rất nhiều điều chưa tốt. Sự lạc quan tin tưởng này chính là động lực để chúng ta tiếp tục hướng đến sự hoàn thiện tâm hồn.

Chúng ta không thể đòi hỏi bản thân mình hay bất cứ ai khác trong quá trình rèn luyện tinh thần lại có thể xóa bỏ ngay tất cả những tư tưởng căm ghét, thù hận hay tham lam, ghen tức... Những tư tưởng ấy đã bắt rễ quá lâu trong tâm hồn chúng ta, việc loại bỏ chúng cần có thời gian và những nỗ lực đúng hướng. Khác biệt cơ bản giữa một người đang rèn luyện tinh thần với một người bình thường là biết nhận ra những tư tưởng độc hại ngay khi chúng xuất hiện. Điều đó chặn đứng sự phát triển lớn mạnh của chúng, cắt đứt mọi nguồn năng lượng tinh thần nuôi dưỡng chúng, và do đó chúng sẽ tự nhiên phải tàn lụi đi. Mỗi một lần như thế, những hạt giống xấu trong tâm hồn ta lại được loại trừ đi một phần. Do đó, với quá trình tu dưỡng lâu dài, chúng sẽ ngày càng ít hơn cho đến khi trở nên hiếm hoi và dứt hẳn.

Nhưng kết quả của quá trình rèn luyện tinh thần không những được cảm nhận bởi tự thân mỗi người, mà còn có thể được quan sát thấy một cách khách quan bởi các nhà khoa học hiện đại bằng vào những nghiên cứu mới đây nhất. Kết quả nghiên cứu này cũng một lần nữa khẳng định rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có khả năng rèn luyện tinh thần để đạt đến một cuộc sống an vui hạnh phúc.

Cuộc thí nghiệm của các bác sĩ Avi Karni và Leslie Underleider được tiến hành ở National Institute of Mental Health (Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia). Trong cuộc thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành quan sát các đối tượng được yêu cầu thực hiện một công việc rất đơn giản: liên tục dùng ngón tay gõ nhẹ vào một vật theo những chỉ dẫn nhất định.

Bằng kỹ thuật scan hình ảnh não bộ, người ta xác định được vùng não liên quan đến công việc này. Công việc được yêu cầu tiếp tục thực hiện liên tục mỗi ngày kéo dài trong 4 tuần lễ, và những người tham gia đã chứng tỏ là họ làm công việc đó ngày càng thuần thục và nhanh nhẹn hơn. Kết thúc giai đoạn này, việc scan hình ảnh não bộ được thực hiện một lần nữa và so sánh với lần trước đó. Kết quả cho thấy vùng não bộ liên quan đến công việc mà đối tượng thực hiện đã được mở rộng.

Điều này chứng tỏ là việc tập luyện một công việc nào đó có thể giúp tạo ra những tế bào thần kinh mới và thay đổi theo hướng hoàn thiện dần đường dẫn truyền các tín hiệu não bộ có liên quan đến công việc được tập luyện.

Tính chất quan trọng này của não bộ có vẻ như chính là điều kiện căn bản về mặt thể chất cho khả năng chuyển hóa tinh thần của mỗi chúng ta. Bằng vào việc sinh khởi những ý tưởng tốt đẹp và thực hành những phương thức suy nghĩ tốt đẹp, chúng ta có thể làm thay đổi cụ thể cấu trúc các tế bào não bộ và phương thức hoạt động của não. Cơ sở khoa học này cũng giải thích vì sao sự chuyển hóa nội tâm cần phải bắt đầu với sự học hỏi (đưa những tín hiệu mới vào não bộ) và kiên trì thực hành, rèn luyện mới có thể dần dần thay đổi những trạng thái không tốt (cấu trúc não bộ hiện thời) bằng những trạng thái tốt đẹp, hoàn thiện hơn (hình thành các tế bào mới và cấu trúc mới).

Như vậy, chúng ta thấy rằng việc rèn luyện hay tu dưỡng tinh thần để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc không chỉ là một ý niệm trừu tượng mà đã trở thành một khả năng rất cụ thể mà mỗi người trong chúng ta đều sẵn có.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 6676)
Trong buổi thiền tọa hôm nay chúng ta đã kết nối được với tổ tiên. Chúng ta biết tổ tiên đang có mặt trong từng tế bào cơ thể. Một người mất gốc, một người bị cắt đứt liên hệ với tổ tiên không thể là một người có hạnh phúc. Cũng như cây không có gốc rễ thì cây không thể sống, nếu chúng ta không tìm tới gốc rễ thì chúng ta không sống được. Tết là một dịp để chúng ta tìm về nguồn và tiếp cận được với gốc rễ của mình.
29/03/2013(Xem: 7141)
Có hai thầy trò nhà kia làm nghệ sĩ xiếc. Thầy là một người đàn ông góa vợ và học trò là một cô gái nhỏ tên Kathullika. Hai thầy trò đi khắp đó đây trình diễn để kiếm sống. Màn trình diễn thường xuyên của họ là ông thầy đặt một cây tre khá cao trên đỉnh đầu mình, rồi bé gái leo dần lên đầu cây và dừng lại trên đó, để người thầy tiếp tục di chuyển trên mặt đất. Cả hai thầy trò đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một mức độ khá cao để giữ thăng bằng và ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra.
29/03/2013(Xem: 5197)
Thầy Chỉnh Tuệ, sư cô Trí Hải và một số thi văn hữu định làm một tập văn về cố thi sĩ BÙI GIÁNG. Chỉnh Tuệ biết Bùi Giáng thường tới thăm tôi nên đã ngỏ ý xin tôi viết ít dòng tưởng niệm?
29/03/2013(Xem: 5705)
Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui. Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư: - Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: - Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
26/03/2013(Xem: 7391)
Sự phát triển của khoa học y sinh hiện đại và công nghệ sinh học đã tạo ra những tình huống phức tạp mà chúng đang gia tăng mạnh mẽ mỗi ngày. Những tình huống này đưa ra những nan đề đạo đức lớn hơn bao giờ hết. Xã hội và loài người đang đương đầu với những nan đề đạo đức sâu sắc, cần đến một lĩnh vực đạo đức hoàn toàn mới, được gọi là “đạo đức y sinh”(biomedical ethics).
20/03/2013(Xem: 7218)
Ô nhiễm môi trường đã tác động lên cuộc sống của mọi sinh vật trên trái đất. Những bức ảnh ô nhiễm môi trường dưới đây như một lời cảnh báo dành cho tất cả chúng ta.
15/03/2013(Xem: 6004)
Vai trò của Phật giáo đối với vấnđề tính dục tùy thuộc bối cảnh và trình độ hiểu biết Đạo Pháp của người Phật tử.Kỷ cương giới luật ghi chép trong kinh sách được xem như trực tiếp xuất phát từnhững lời giáo huấn của Đức Phật, do đó thường được áp dụng chung cho tất cả cáctông phái trừ một vài ngoại lệ đối với Phật giáo Nhật bản.
07/03/2013(Xem: 4644)
Ở đời, chúng ta thường thấy có người bên ngoài dáng vẻ giàu sang, thành công, đi xe sang trọng, nhà ở thật đẹp. Nhưng trên thực tế, họ rất chật vật trong đời sống hàng ngày. Tôi có một anh bạn quen, sang Mỹ chỉ mới hơn 5 năm mà đi xe hiệu BMW và ở nhà trong khu đắt tiền, cao cấp, lên đến bạc triệu. Hỏi ra thì anh chỉ cười buồn và than rằng lúc nào cũng bận rộn, không có thời gian rảnh. Sau này mới biết rằng anh làm 3 việc (job) cùng một lúc để có thể xoay xở trả cho căn nhà sang trọng và chiếc xe đắt tiền kia.
05/03/2013(Xem: 6599)
Abraham Lincol ​:​ "Nếu tình bạn là điểm yếu lớn nhất của bạn, thì bạn chính là người mạnh mẽ nhất trên thế giới"
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567