Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Bốn phương pháp thu phục lòng người

19/02/201106:49(Xem: 12029)
14. Bốn phương pháp thu phục lòng người

NHỮNG TÂM TÌNH CÔ ĐƠN
Nguyên Minh

Bốn phương pháp thu phục lòng người

Bốn phương pháp thu phục lòng người, thường gọi là Tứ nhiếp pháp, cũng do đức Phật truyền dạy và đã được chư tăng áp dụng suốt 25 thế kỷ qua trong công cuộc hoằng dương chánh pháp. Tuy nhiên, tương tự như Lục hòa kính, các phương pháp này cũng hoàn toàn có ý nghĩa tích cực trong việc vận dụng vào đời sống của người thế tục.

Tứ nhiếp pháp bao gồm bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp. Đây là bốn phương pháp có thể được vận dụng để thu phục lòng người, khiến cho người khác tin vào những điều mình nói cũng như chấp nhận đặt niềm tin nơi bản thân mình. Cơ sở đầu tiên để thực hiện Tứ nhiếp pháp là tự bản thân mình phải nhận ra được chân lý đúng đắn, biết được phương pháp tu tập theo chánh đạo. Bởi vì có như vậy thì sự thuyết phục người khác tin theo mình mới có ý nghĩa tích cực.

Có sự khác biệt cơ bản giữa Lục hòa kính và Tứ nhiếp pháp. Trong khi Lục hòa kính là những nguyên tắc để tự mình noi theo nhằm góp phần tạo ra sự hòa hợp trong gia đình hoặc trong một tập thể, thì Tứ nhiếp pháp lại là những phương pháp nhằm giúp đỡ người khác, vì người khác mà thực hiện. Vì thế, nếu như yêu cầu trước hết của Lục hòa kính là tinh thần hướng thiện, thì yêu cầu trước hết của Tứ nhiếp pháp lại là tinh thần vị tha. Nhưng để có được tinh thần vị tha, trước hết phải có tinh thần hướng thiện. Đó là lý do vì sao phải đề cập đến Tứ nhiếp pháp sau Lục hòa kính, và trong thực tế thì trình tự thực hiện của hai pháp này cũng là như vậy.

Từ xưa, Tứ nhiếp pháp vẫn được xem là giáo pháp của hàng Bồ Tát Đại thừa dùng để giáo hóa, cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu những phương pháp này, chúng ta sẽ thấy được những ý nghĩa tích cực của chúng ngay trong cuộc sống thường ngày.

Trước hết là bố thí nhiếp, nghĩa là phương pháp thu phục lòng người bằng cách thực hành bố thí. Bố thí tức là trao tặng cho người khác những gì họ cần mà không đặt ra bất cứ điều kiện trao đổi nào. Bản thân việc thực hành bố thí đã là một phương thức tu tập, có công năng đối trị lòng tham lam, ích kỷ. Trong bố thí nhiếp, việc thực hành bố thí được vận dụng như một phương pháp để nhiếp phục lòng người. Điều này dựa trên tâm lý chung là bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thiện cảm với người đã giúp đỡ, trao tặng những thứ mà mình cần.

Bố thí không chỉ là giới hạn trong những giá trị vật chất như tiền bạc, thức ăn, đồ dùng... mà còn có thể là bất cứ điều gì được cần đến, như sự an ổn, sự hiểu biết... Vì thế, bố thí thường được chia ra ba hình thức là tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Tài thí chỉ cho việc ban phát, trao tặng tiền bạc, của cải hay đồ ăn thức uống, y phục, thuốc men... nói chung là những giá trị vật chất mà người khác đang cần đến trong cuộc sống.

Pháp thí chỉ cho việc trao tặng giáo pháp, truyền dạy những kiến thức, hiểu biết chân chánh có thể giúp người khác đạt được sự an vui, thanh thản trong đời sống. Tuy ở đây không có giá trị vật chất cụ thể nào được trao tặng, nhưng lại có thể mang đến những lợi ích sâu xa và lâu dài cho đời sống tinh thần của người nhận bố thí. Việc thực hành pháp thí có thể là trực tiếp hay gián tiếp, chẳng hạn như giảng dạy, khuyên bảo người khác những phương pháp tu tập chân chánh, khuyến thiện trừ ác, đó là trực tiếp thực hành pháp thí; còn góp sức vào việc sao chép, in ấn, phát hành kinh điển, giáo pháp... đó là gián tiếp thực hành pháp thí, bởi vì qua sự lưu hành kinh điển, sách vở mà sẽ có nhiều người học biết được giáo pháp chân chánh để thực hành.

Vô úy thí được xem là hình thức bố thí cao nhất, nghĩa là mang lại sự an ổn, không sợ sệt cho người khác. Hình thức bố thí này không chỉ dựa vào lòng tốt hay sự phát tâm bố thí là đủ, mà đòi hỏi người bố thí phải tự mình đạt được đời sống an vui hạnh phúc, có được uy lực của chánh pháp, mới có thể ban bố sự an ổn, không sợ sệt cho người khác. Cũng giống như khi có biến loạn xảy ra, hết thảy mọi người đều hốt hoảng, lo sợ. Nếu có người muốn trấn an người khác thì bản thân người ấy phải đạt được sự bình tĩnh, không sợ sệt, phải có đủ dũng lực để vượt qua cơn biến loạn ấy. Có như vậy mới có thể làm chỗ nương dựa, tin cậy cho người khác, mới có thể mang đến sự an ổn, không sợ sệt cho mọi người.

Người thực hành bố thí vốn không đặt ra mục đích, yêu cầu hay điều kiện, chỉ là xuất phát từ tâm nguyện của mình muốn đem đến sự lợi lạc, tốt đẹp cho người khác. Tuy nhiên, hệ quả tất nhiên của sự thực hành bố thí bao giờ cũng mang lại sự tin cậy và thân thiện của người khác. Vì thế mà việc thực hành bố thí mới được xem như một phương pháp có thể thu phục lòng người. Nói cách khác, tu tập hạnh bố thí vừa mang lại những lợi ích tinh thần cho chính mình, vừa làm cho người khác tin phục và cảm mến. Đó chính là ý nghĩa của phương pháp bố thí nhiếp.

Cần phân biệt rõ là người bố thí không phải nhắm đến mục đích thu phục lòng người. Vì như đã nói, tâm nguyện bố thí là hoàn toàn vô điều kiện, không có bất cứ một sự đòi hỏi đáp trả nào. Công năng thu phục lòng người, tạo ra được sự tin phục và cảm mến của người khác chỉ là một hệ quả tất nhiên phải có. Giống như bạn đốt lửa để sưởi ấm chứ không nhằm tạo ra khói, nhưng điều tất nhiên khi lửa đã cháy lên là phải sinh ra khói. Tương tự như vậy, khi bạn thành tâm thực hành bố thí thì tất nhiên phải gặt hái được sự cảm mến và tin phục của người khác.

Thứ hai là ái ngữ nhiếp, nghĩa là thu phục lòng người bằng lời nói khiến người yêu mến. Lời nói khiến người yêu mến được chia ra thành 2 loại. Thứ nhất là tùy theo tâm tánh, cách nói của người khác mà thường xuyên thăm hỏi, an ủi, chia sẻ những khi họ buồn khổ; khen ngợi, khuyến khích những khi họ làm được điều lành, khiến cho người nghe ngày càng tăng trưởng thiện tâm, lâu dần trở nên thân thiết, có thể tin phục và nghe theo mình. Như vậy gọi là thế gian ái ngữ. Thứ hai là vận dụng những lời dạy trong kinh điển, đúng theo chánh pháp mà khuyên dạy người khác, khiến cho họ xa rời điều ác, tăng trưởng điều thiện, đạt được đời sống ngày càng an vui, hạnh phúc. Nhờ kết quả đó mà người nghe trở nên tin phục mình. Như vậy gọi là xuất thế gian ái ngữ.

Việc thực hành ái ngữ không có nghĩa là phải chọn một trong hai cách vừa nêu, mà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhân duyên thích hợp để chọn lựa. Có khi phải đem chánh pháp giảng giải cho người nghe, nhưng có khi chỉ nên dùng những tình cảm thế tục để chia sẻ buồn vui với họ. Nói chung là phải chọn đúng lời và đúng lúc để nói thì mới có thể đạt được hiệu quả đối với người nghe.

Thực hành ái ngữ nhiếp cũng tương tự như “khẩu hòa” trong sáu pháp hòa kính. Sự khác biệt ở đây là “khẩu hòa” nhằm tạo ra sự hòa hợp giữa mọi người trong cùng một tập thể, còn ái ngữ nhiếp thì hướng đến sự thu phục lòng người nên cần có thêm sự chú ý đến tâm tánh, sở thích của người nghe. Như nói chuyện với người thích thể thao mà chỉ đề cập đến thời trang hoặc ca nhạc thì tuy không có gì sai trái nhưng sẽ không tạo được sự quan tâm của người nghe. Nếu biết vận dụng thế gian ái ngữ thì không phải vậy, vì cần phải biết quan tâm đến tâm tánh, sở thích của người nghe mới có thể thu phục được sự yêu mến, tin phục của họ. Trong kinh điển còn mô tả lại cách vận dụng thế gian ái ngữ của đức Phật khi thuyết pháp: cho dù có rất đông người đến nghe pháp, nhưng tùy theo tâm tánh mà mỗi người đều nghe thấy đức Phật giảng pháp bằng đúng thứ tiếng của mình và đều có thể hiểu rõ được ý nghĩa. Kinh Duy-ma-cật ghi lại ý này như sau:

Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Chúng sinh tùy loại các đắc giải.
Giai vị: Thế Tôn đồng kỳ ngữ.
Tư tắc thần lực bất cộng pháp.
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Chúng sinh các các tùy sở giải.

Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh loài nào cũng hiểu được.
Họ bảo: Thế Tôn nói giống mình!
Đó là thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh ai nấy tùy chỗ hiểu.

Vì thế, người khéo vận dụng ái ngữ nhiếp thì trước khi nói phải biết quan tâm đến tâm tánh, sở thích của người nghe. Từ đó mới có thể chọn cách nói sao cho vừa diễn đạt được những điều tốt đẹp, hữu ích, mà vừa thu phục được cảm tình của người nghe.

Ở đây, cần chú ý rằng việc chọn lựa cách nói sao cho phù hợp với người nghe hoàn toàn không có nghĩa là cách nói giả dối, trau chuốt hoa mỹ chỉ nhằm được lòng người nghe. Yêu cầu cơ bản của ái ngữ nhiếp vẫn phải là sự chân thật và đúng chánh pháp. Chính trong phạm vi của những gì chân thật và đúng chánh pháp mà người nói sẽ cố gắng chọn lựa cách nói, thời điểm nói sao cho phù hợp với người nghe.

Khi một người đang gặp nhiều chuyện buồn khổ, nếu chúng ta đến khuyên họ làm lành lánh dữ vào lúc đó thì chắc chắn là họ sẽ không lắng nghe. Tốt hơn là lúc ấy phải biết chân thành chia sẻ những nỗi khổ đau của họ, an ủi họ bằng những lời thích hợp để họ vơi bớt đi sự đau buồn. Đợi khi họ đã có thể sẵn sàng tiếp nhận thì mới đưa ra những lời khuyên thích hợp...

Như vậy, cũng có thể nói rằng ái ngữ nhiếp là cả một nghệ thuật sử dụng lời nói kết hợp với những phân tích sâu xa về tâm lý. Chúng ta không thể đạt được những điều ấy chỉ bằng vào sự suy luận học hỏi hay sự khôn khéo, lanh lợi của lý trí, mà trước hết là phải xuất phát từ một trái tim chân thành tràn ngập lòng thương yêu, vị tha. Có như vậy thì sự vận dụng ái ngữ nhiếp của chúng ta mới thực sự đúng đắn và đạt được hiệu quả.

Phương pháp thứ ba là lợi hành nhiếp, nghĩa là dùng những việc làm, hành vi có lợi cho người khác để thu phục lòng tin của họ. Trong những việc làm, hành vi có lợi cho người khác, có thể chia ra thành hai nhóm là tập thiện nhiếp và ly ác nhiếp.

Tập thiện nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người hiền thiện, nghĩa là thu nhóm, tập hợp các điều lành. Trong nhóm này lại chia ra làm hai trường hợp.

Một là đối với những người chưa từng làm điều thiện. Đối với những người này, người biết vận dụng lợi hành nhiếp sẽ dùng phương tiện gần gũi, tùy thuận với họ, rồi tìm những cơ hội thuận tiện, thích hợp để khuyên dạy, khuyến khích họ phát tâm làm việc thiện. Sau khi đã phát tâm làm việc thiện, họ sẽ tự mình nhận biết được những lợi ích thiết thực cho bản thân, và do đó mà nảy sinh lòng tin phục, cảm mến.

Hai là đối với những người đã biết làm việc thiện. Đối với những người này, người biết vận dụng lợi hành nhiếp sẽ gần gũi khen ngợi, khuyến khích, làm cho tâm thiện của họ càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhờ làm điều thiện nên người ấy có thể đạt được nhiều an vui, hạnh phúc trong đời sống, do đó mà sinh ra kính tin người đã khen ngợi, khuyến khích mình.

Ly ác nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người đã đi nhầm vào đường ác, nghĩa là làm cho họ phải rời xa, lìa bỏ những việc ác đã làm. Có hai cách để làm được điều này. Một là dùng những lời lẽ chân thật, đúng đắn để chỉ trích, quở trách hoặc dùng các biện pháp trừng phạt, nghiêm trị, làm cho kẻ ác phải nhận thấy rõ lỗi lầm của mình mà hối cải. Hai là dùng sự uy dũng, mạnh mẽ của mình để khuất phục những kẻ ác ngang ngạnh, cứng rắn, buộc họ phải lìa bỏ việc ác không dám tái phạm. Người vận dụng ly ác nhiếp phải có đủ sự hiểu biết và sức mạnh để khuất phục kẻ ác, làm cho họ không thể chống lại được. Mặc dù vậy, sau khi lìa bỏ việc ác đã làm, những người ấy sẽ đạt được đời sống an ổn và hạnh phúc hơn. Do đó mà họ nảy sinh sự tin phục, kính trọng đối với người đã giúp mình rời bỏ đường ác.

Tập thiện nhiếp và Ly ác nhiếp đều nhắm đến cùng một mục đích là khuyến thiện trừ ác, nhưng vận dụng cách nào là tùy thuộc vào đối tượng. Có nhiều trường hợp cần phải vận dụng cả hai. Chẳng hạn như đối với hành vi của một người, nếu khéo léo phân biệt sẽ thấy là không chỉ có toàn việc ác, mà đôi khi vẫn có những việc thiện đáng khen ngợi. Đối với việc ác, phải vận dụng nhiều phương tiện để khiến cho họ lìa bỏ, nhưng đối với những việc thiện lại cần phải khen ngợi, khuyến khích.

Tự mình làm việc thiện sẽ đạt được những lợi ích rất lớn lao. Vì thế, việc dùng mọi phương tiện để giúp người khác phát tâm làm điều thiện chính là hành vi mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của lợi hành nhiếp. Việc thân cận, gần gũi và giúp đỡ người khác tuy cũng mang ý nghĩa lợi hành, có thể khiến cho người khác nảy sinh sự thân mật, cảm mến, nhưng không phải là ý nghĩa chính của lợi hành nhiếp. Người vận dụng lợi hành nhiếp phải luôn hướng đến việc giúp cho người khác có thể phát tâm làm việc thiện và từ bỏ việc ác, như thế mới gọi là làm lợi ích cho người một cách chân chánh.

Phương pháp thứ tư là đồng sự nhiếp, nghĩa là thu phục lòng người bằng cách cùng chia sẻ mọi việc với họ. Cùng chia sẻ mọi việc không chỉ có nghĩa là cùng nhau làm việc, mà là cùng nhau trải qua những hoàn cảnh buồn, vui, khó khăn vất vả hay dễ dàng thuận lợi. Nhờ cùng nhau trải qua một hoàn cảnh nào đó, nên mới có thể chia sẻ tâm trạng của nhau, cảm thông được mọi nỗi niềm của nhau.

Vì thế, đồng sự nhiếp thường được chia ra thành hai loại là đồng khổ sự nhiếp và đồng lạc sự nhiếp. Đồng khổ sự nhiếp là cùng người khác trải qua gian nan hoạn nạn, khó khăn khổ nhọc, nhờ đó mà lấy sự chân thành chia sẻ, an ủi, động viên giúp sức cho họ vượt qua khó khăn, nhờ đó mà tạo được sự cảm mến, tin phục. Đồng lạc sự nhiếp là cùng người khác trải qua những hoàn cảnh thuận lợi, vui vẻ, luôn thân cận gần gũi để nhắc nhở, khuyên răn, giúp người không rơi vào chỗ đam mê trụy lạc. Nhờ có sự khuyên răn nhắc nhở ấy mà giúp cho họ giữ được đời sống an vui hạnh phúc. Do đó mà tạo được sự cảm mến, tin phục.

Người thực hành đồng sự nhiếp phải xuất phát từ sự chân thành, thật tâm chia sẻ, không giả dối, ngụy tạo. Trong lòng có thực sự thương yêu, thông cảm thì mới có thể cảm hóa được người khác nghe theo mình. Nếu chỉ thân cận gần gũi người khác vì những mục đích trục lợi thì không thể gọi là đồng sự nhiếp. Những trường hợp ấy sớm muộn gì cũng sẽ bị người khác nhận ra và khinh rẻ.

Như đã nói, cả bốn phương pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự đều là dựa trên nền tảng của sự tu tập đúng theo chánh pháp. Người thực hành bốn phương pháp này trước hết phải tự mình tu tập chánh pháp, đạt được chánh kiến, phát khởi tâm từ bi thương xót và muốn chia sẻ những khổ đau của người khác, từ đó mới có đủ năng lực và trí tuệ để thực hành bốn phương pháp này. Nhưng một khi thực hành được Tứ nhiếp pháp thì có thể thu phục được hầu như tất cả mọi hạng người, dù là người tốt hay kẻ xấu cũng đều có thể được giáo hóa. Chính do nơi công năng mạnh mẽ này mà đức Phật đã dạy các vị tỳ-kheo phải biết vận dụng Tứ nhiếp pháp trong việc giáo hóa chúng sinh, truyền bá chánh pháp.

Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta không thể vận dụng Tứ nhiếp pháp trong đời sống thế tục. Thật ra, nếu tìm hiểu rõ về bốn phương pháp này, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội vận dụng chúng trong đời sống, cho dù có những hạn chế nhất định nhưng vẫn có thể mang lại những kết quả rất khả quan trong việc thu phục lòng người.

Về phương pháp bố thí, chúng ta nên vận dụng trong việc chia sẻ khó khăn cùng người khác bất cứ khi nào có thể. Cơ sở của phương pháp này là giúp chúng ta có thể dùng những giá trị vật chất để đổi lấy một phần giá trị tinh thần, bao gồm niềm vui của bản thân và tình cảm của người khác. Khi chúng ta thật tâm làm việc bố thí, bản thân ta sẽ có được niềm vui nhẹ nhàng trong tâm hồn, trong khi người nhận bố thí sẽ nảy sinh tình cảm với chúng ta. Vì thế, khi cho đi một phần giá trị vật chất, chúng ta có thể đổi lại được niềm vui và tình cảm. Cho dù khi thật tâm làm việc bố thí, chúng ta không hề có ý tính toán trao đổi, nhưng kết quả tự nhiên bao giờ cũng sẽ là như vậy. Nếu không có phương pháp bố thí, cho dù chúng ta có dùng bao nhiêu tiền của cũng không thể đổi lấy được những giá trị tinh thần, bởi vì những thứ ấy thuộc về hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Thời Chiến quốc bên Trung Hoa có Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc nước Tề, là người hào hiệp, phóng khoáng, thường đãi khách trong nhà có hơn ba ngàn người. Mạnh Thường Quân giàu có vào bậc nhất nước Tề, thường chu cấp cho những người có tài để chờ khi có việc nhờ đến. Vì thế mà ngày này chúng ta hay dùng tên gọi Mạnh Thường Quân để chỉ những người hào phóng giúp đỡ, ủng hộ người khác.

Mạnh Thường Quân có được vua Tề phong cho một vùng đất ở xa gọi là Tiết ấp, được toàn quyền cai trị và thu thuế trong vùng ấy. Ngày kia, Mạnh Thường Quân xem sổ sách thấy số tiền nợ của dân đất Tiết quá nhiều, hầu như người dân nào cũng có nợ, liền nói với mọi người: “Vị nào có thể thay tôi đi đòi nợ ở đất Tiết.”

Có vị khách là Phùng Hoan xin đi. Trước khi đi, Phùng Hoan hỏi Mạnh Thường Quân: “Tôi đòi nợ xong, có nên dùng tiền ấy mua gì mang về chăng?” Mạnh Thường Quân vui vẻ đáp: “Ông xem trong nhà này còn thiếu món gì thì cứ tùy ý mua về.”

Phùng Hoan đến đất Tiết, cho người mời tất cả dân chúng đến, mang giấy tờ sổ sách ghi nợ ra đối chiếu rõ ràng, rồi thay mặt Mạnh Thường Quân mà tuyên bố xóa hết nợ cho dân đất Tiết. Xong, ông đốt sạch giấy tờ sổ sách ghi nợ, đánh xe quay về.

Mạnh Thường Quân thấy Phùng Hoan trở về nhanh quá nên có phần ngạc nhiên, vội vã ra đón tiếp, hỏi rằng: “Tiên sinh về nhanh thế, có thu được ít nhiều tiền nợ hay chăng?”

Phùng Hoan đáp: “Thu được đủ cả rồi.”

Mạnh Thường Quân lại hỏi: “Thế có mua gì về chăng?”

Phùng Hoan đáp: “Khi đi ngài có dặn, xem trong nhà thiếu món gì thì tùy ý mua về. Tôi xem kỹ thấy từ châu báu quý hiếm cho đến vật dụng, của cải, tôi tớ, ngựa xe trong nhà này đều thừa thải, không thiếu thứ gì. Vì thế, tôi đã thay ngài dùng hết cả số tiền nợ ấy mà mua lòng dân đất Tiết.”

Mạnh Thường Quân không nói gì, nhưng trong lòng có ý không vui.

Được hơn một năm sau, Tề Tuyên Vương không dùng Mạnh Thường Quân nữa, bãi chức. Mạnh Thường Quân phải đưa gia quyến về sống ở đất Tiết. Khi còn cách đất Tiết cả trăm dặm đã thấy dân đất Tiết già trẻ lớn bé đều kéo nhau đi đón, đứng chật hai bên đường, reo mừng nhiệt liệt. Mạnh Thường Quân xúc động nói với Phùng Hoan: “Tiên sinh vì tôi mua lòng dân đất Tiết, nay tôi mới hiểu.”

Người làm chính trị thời xưa, sợ nhất là khi thất thế sa cơ, bởi khi đương chức thì sự va chạm, oán thù không thể tránh được. Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc mấy chục năm, đến khi bãi chức về sống yên ổn được ở đất Tiết chính là nhờ có Phùng Hoan sớm biết cách dùng tiền nợ để “mua lòng dân”.

Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống mà nếu chúng ta biết khéo léo ứng xử cũng có thể dùng các giá trị vật chất để đổi lấy tình cảm của người khác. Bố thí nhiếp là một phương pháp giúp ta làm được điều đó.

Về phương pháp ái ngữ, chúng ta hầu như có thể mỗi ngày đều nhìn thấy được tác dụng của nó. Trong cùng một tình huống, một hoàn cảnh, chỉ cần thay đổi cách nói năng là có thể thấy ngay sự khác biệt trong phản ứng của người khác. Lời nói dịu dàng, êm ái bao giờ cũng có tác dụng làm cho “việc dữ hóa lành”, trong khi lời nói thô lỗ, cộc cằn bao giờ cũng dễ làm cho “chuyện bé xé to”. Hiểu được nguyên tắc này, chỉ cần chúng ta thường xuyên lưu ý rèn luyện cung cách nói năng của mình, biết “lựa lời mà nói” cho đúng nơi, đúng lúc, thì chắc chắn mọi việc trong cuộc sống đều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn hết là chúng ta sẽ chiếm được cảm tình của người khác một cách tự nhiên qua lời nói.

Về phương pháp lợi hành, chúng ta có thể vận dụng qua việc thường xuyên giúp đỡ, khuyên răn mọi người bỏ ác làm lành, cùng nhau sống cuộc sống hòa hợp và quan tâm lẫn nhau.

Việc giúp đỡ người khác chính là biểu hiện cụ thể của lòng thương yêu, sự mong muốn giảm nhẹ những khó khăn cho người khác. Vì thế, qua việc giúp đỡ người khác mà chúng ta có thể tự mình rèn luyện và phát triển tâm từ bi, mở rộng sự cảm thông với hết thảy mọi người.

Nhưng giúp đỡ người, làm lợi cho người thì không gì bằng chỉ bày cho họ biết điều hay lẽ phải, biết con đường chân chánh để noi theo. Vì thế, lợi hành không có nghĩa là tùy tiện ủng hộ, giúp đỡ hết thảy mọi việc làm của người khác, mà quan trọng nhất là phải biết làm sao để dần dần đưa họ vào con đường hướng thượng, bỏ ác làm lành. Chính vì thế mà trong những trường hợp gặp người quá ngang ngạnh, tàn ác, chúng ta cũng phải dùng đến sự uy dũng để khuất phục họ, buộc họ phải xa lìa việc ác. Làm như thế không phải là chúng ta oán ghét họ, mà chính là cố sức giúp họ thoát khỏi đường ác, không tiếp tục tạo ra những ác nghiệp nặng nề hơn nữa. Vì thế mà khi họ đã hồi tâm chuyển ý, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được tình thương chân thật mà ta dành cho họ. Ý nghĩa thu phục lòng người của lợi hành nhiếp luôn đúng trong mọi trường hợp là như vậy.

Về phương pháp đồng sự, chúng ta có thể vận dụng qua việc cùng chia sẻ mọi hoàn cảnh với những người quanh ta. Hạnh phúc chân thật không thể là niềm vui riêng lẻ cho mỗi người, mà phải được tạo thành từ sự an vui của hết thảy mọi người.

Khi đức Phật thành đạo, bản thân ngài đã giải thoát mọi khổ đau nhưng không chọn sống riêng mình trong cảnh giới an lạc, mà vẫn trải qua hơn 49 năm thuyết pháp độ sinh, cùng trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau với người đời.

Cuộc sống chúng ta không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, mà cũng phải có lắm lúc gian nan, khổ nhọc. Mọi người quanh ta cũng thế. Nếu có thể chân thành cảm thông và chia sẻ với mọi người, chúng ta sẽ thấy gánh nặng của mình trong cuộc sống tự nó vơi đi, vì không còn chỉ là riêng mình ta gánh vác. Ý nghĩa tinh thần này rất quan trọng, vì nó luôn giúp ta có đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn nhất. Vì như đã nói, điều đáng sợ nhất với tất cả chúng ta không phải là đối mặt với khó khăn, mà chính là sự cô độc không có người chia sẻ. Thực hành đồng sự nhiếp là một phương pháp tích cực giúp chúng ta loại bỏ được tâm trạng cô độc, bởi vì sự gần gũi chia sẻ cùng mọi người cũng chính là tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa ta với người khác.

Khi thực hành sáu pháp hòa kính, điều tất nhiên là nội tâm chúng ta đã được chuẩn bị, tu dưỡng rất nhiều. Vì thế, việc tiếp nhận và thực hành Tứ nhiếp pháp sẽ không phải là quá khó khăn. Chẳng hạn như, khi đã thực hành “khẩu hòa vô tranh” thì việc tiếp tục thực hiện ái ngữ nhiếp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều; khi đã thực hành “thân hòa cộng trú” thì sẽ có nhiều tương đồng trong việc thực hiện các pháp lợi hành nhiếp hay đồng sự nhiếp. Nói chung, tất cả các pháp khác cũng đều có những mối quan hệ nhất định với nhau như vậy. Và điều này cũng rất dễ hiểu, bởi vì tất cả đều cùng hướng về một mục đích chung là khuyến thiện trừ ác, mang lại cuộc sống an vui và hòa hợp cho hết thảy mọi người.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2016(Xem: 10395)
Vào một mùa Xuân với thời tiết mát mẻ rất đẹp. Trong một vườn hoa, có muôn loài hoa đang kheo sắc dưới những tia nắng ấm áp ban mai. Trong số những loài hoa đó, có hai đoá hoa hồng tuyệt đẹp, nổi bất hơn cả
18/06/2016(Xem: 13015)
Bài phát biểu lay động của Thủ tướng Bhutan, Xuất hiện trong TED - chương trình phi lợi nhuận với những câu chuyện truyền cảm hứng từ những con người thành công trên toàn thế giới, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đã có những chia sẻ cảm động về vấn đề biến đổi khí hậu ở quốc gia mình. Bhutan nằm trên dãy Himalaya vùng Nam Á, được bao trọn xung quanh bởi núi rừng trùng điệp. Nơi đây còn nghèo khó, lạc hậu nhưng được cả thế giới ngưỡng mộ bởi những con người hiền lành, sống chan hòa với thiên nhiên và hạnh phúc nhất thế giới.
14/06/2016(Xem: 6652)
Ở miền bắc Việt Nam, tiếc thay, đến chùa phần nhiều là người lớn tuổi thậm chí phần lớn là các cụ bà, rất ít các cụ ông. Quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” tồn tại biết bao năm nay. Tuy nhiên, mừng thay, quan niệm sau lầm này đang đần dần thay đổi. Nhiều người đặt câu hỏi: Tuổi nào bắt đầu tu, tuổi nào nên đến chùa?
13/06/2016(Xem: 7635)
Phật dạy chúng ta tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.
13/06/2016(Xem: 9530)
Khi vị Đạt Lai Lạt Ma hai mươi bốn tuổi thấy đám đông, ngài nhủn người ra và lau nước mắt liên tục. Mọi thứ ngài đã trải nghiệm trong vài tháng huyên náo đó - sự gia tăng áp lực của Trung Cộng ở Lhasa, sự đào thoát khốn khổ qua rặng Hy Mã Lạp Sơn, việc cuối cùng nhận ra rằng ngài đã trở thành một người tị nạn - tất cả đã kết tụ lại trong giây phút ấy. Những cảm xúc mâu thuẩn ấy ngài đã từng kềm chế vở òa. Và ngài đã lau nước mắt như ngài chưa từng làm như vậy bao giờ trước đây.
11/06/2016(Xem: 9517)
Từ vô thuỷ, thiên nhiên đã hiện hữu. Mẹ thiên nhiên đã đến trước loài người hàng triệu năm. Con người cần thiên nhiên cho sự sống còn của mình, nhưng rất tiếc là con người đã và đang tàn phá nó—trực tiếp hủy hoại bản thân mình và những thế hệ kế thừa. Trái đất Mẹ là nơi chúng ta đang sinh sống và không còn hành tinh nào khác để chúng ta được sống. Chúng ta là “những đứa con” của tự nhiên và vì thế chúng ta cần có trách nhiệm bảo vệ đất Mẹ mà trước hết là tìm ra những giải pháp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng hơn là ô nhiễm môi trường và có thể chúng ta đang trượt vào sự tuyệt chủng. Sống hay không sống trong sự hài hòa với thiên nhiên là lựa chọn duy nhất của con người với Trái đất Mẹ.
10/06/2016(Xem: 9851)
Ngày học ở nước ngoài, cuối tuần tôi rất thích vào nhà thờ nghe các cha giảng( ở Nga, Úc, Mỹ,.. và những nơi tôi học tập và công tác rất ít chùa, và nếu có thì rất ít các buổi thuyết pháp). Phải công nhận là các bài giảng rất hay, rất ý nghĩa. Có nhiều nội dung của các bài giảng tôi nhớ đến tận bây giờ. Từ ngày về Việt Nam tôi may mắn hay được nghe quý thầy thuyết pháp.
08/06/2016(Xem: 6835)
Chuyến đi Việt Nam lần này, ngoài việc làm lễ giỗ cho Mẹ, chúng tôi về Tổ Đình Long Tuyền đảnh lễ Sư Phụ, lễ Giác Linh sư huynh Giải Trọng và thăm quý thầy, ghé Tổ Đình Phước Lâm lễ Phật, đến chùa Bảo Thắng thăm chư Tôn Đức Ni, cũng như đi thăm một vài ngôi chùa quen biết. Như đã dự trù, tôi còn đi miền Bắc để thăm viếng ngôi chùa mà vị Thầy thân quen của tôi T.T Hạnh Bình mới vừa nhận chức Trụ Trì. Khi nghe Thầy báo tin nhận chùa ở ngoài Bắc, tôi có nói: Thầy nhận chi mà xa xôi thế? Nói thì nói vậy, chứ thật ra tôi rất mừng cho Thầy, ngoài tâm nguyện hoằng pháp độ sanh mà hàng trưởng tử Như Lai phải lo chu toàn, Thầy còn có nỗi thao thức đào tạo những lớp phiên dịch cho chư vị Tăng Ni từ Hán ngữ sang Việt Ngữ.
08/06/2016(Xem: 9863)
Nhân dân Việt Nam đánh giá rất tích cực chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từ 22-25/5/2016, vào thời điểm gần cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông ở nhà Trắng. Dùng khái niệm “Cơn sốt Obama”, tôi muốn phân tích bài diễn văn của Tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, vào lúc 12 giờ 10 phút, ngày 24/5/2016
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]