Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Râu tôm nấu với ruột bầu...

19/02/201106:49(Xem: 11692)
4. Râu tôm nấu với ruột bầu...

NHỮNG TÂM TÌNH CÔ ĐƠN
Nguyên Minh

Râu tôm nấu với ruột bầu...

Kinh Thánh kể lại rằng khi đức Chúa sáng tạo ra loài người, ngài đã lấy xương sườn của người đàn ông để tạo ra người đàn bà và cho người đàn bà ấy làm vợ anh ta.

Chuyện đã quá lâu nên chúng ta cũng khó lòng biết được là sự thật xưa kia đã diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, điều làm tôi quan tâm nhiều nhất trong mẩu chuyện này lại chính là cách hiểu về mối quan hệ vợ chồng. Bất kể rằng người đàn bà có thật được làm từ xương sườn của người đàn ông hay không, thực tế là chúng ta chỉ có được một cuộc hôn nhân lý tưởng khi hai người thực sự trở thành một phần thân thể và tâm hồn của nhau. Nói cách khác, mỗi người đều phải cảm nhận được những buồn vui của người kia như của chính mình, cùng nhau chia sẻ tất cả những lo toan, bực dọc cho đến những hạnh phúc ngọt ngào trong cuộc sống. Chỉ có như vậy thì hôn nhân giữa hai người mới thực sự là nền tảng vững chắc cho tòa lâu đài hạnh phúc mà trong đó những đứa con sẽ ra đời và khôn lớn.

Vì thế, mỗi khi chứng kiến một cuộc hôn nhân đổ vỡ hay phải tồn tại trong đau khổ, tôi thường nói đùa rằng đó là một trường hợp nhận... lầm xương sườn người khác!

Đó là nói theo cách hoàn toàn biểu trưng, để chỉ rõ rằng hạnh phúc thực sự trong hôn nhân chỉ có thể đạt được với sự hòa hợp giữa hai người, hay nói theo cách khác là hai người “tuy hai mà một”! Nhưng xét cho cùng lý, nếu mỗi người chỉ có một cái “xương sườn” để đi tìm, thì rõ ràng việc “nhận lầm” của người khác cũng là điều thường xuyên phải xảy ra thôi. Hơn thế nữa, nếu không may cái “xương sườn” của tôi lại nằm đâu đó cách tôi vài trăm cây số hoặc ở tận bên kia bờ đại dương, thì biết làm sao mà “ráp lại”!

Trên đất nước hình cong chữ S này, ông bà ta xưa kia đã từng nói một cách hình tượng và hợp lý hơn về một cuộc hôn nhân lý tưởng. Hãy nghe câu ca dao này:

Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng hòa vợ thuận gật đầu khen ngon.

Thế là đã quá rõ vấn đề. Chỉ cần được “chồng hòa vợ thuận” thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi buồn vui đều có thể san sẻ, và mọi bất đồng cũng không còn là trở lực. Triết lý sống ở đây đơn giản và mộc mạc nhưng lại hết sức thiết thực và chí tình, chí lý, như được diễn đạt một lần nữa mạnh mẽ hơn qua câu tục ngữ: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.”

Hiểu theo cách này thì chúng ta có thể yên tâm không còn sợ chuyện... nhận lầm “xương sườn” người khác. Và vấn đề hạnh phúc lứa đôi trong hôn nhân cũng không còn là chuyện “duyên phận trời cho”, “phải sao chịu vậy”! Chìa khóa của vấn đề chính là nằm trong yếu tố “chồng hòa vợ thuận”, mà điều đó thì không ai có thể mang đến cho chúng ta, chỉ có tự ta phải nỗ lực và khéo léo trong ứng xử mới có thể đạt đến mà thôi. Ở đây không có chỗ cho những biện bạch đúng sai, phải trái hay tốt xấu, hơn kém. Chỉ cần vợ chồng đồng thuận một lòng, “phu xướng phụ tùy” là đã có thể đủ để đảm bảo cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Người vợ hoặc chồng của bạn chắc chắn là người bạn đem lòng yêu thương nhiều nhất, nhưng không nhất thiết - và thường không thể là người có nhiều ưu điểm nhất, giỏi giang nhất hoặc xinh đẹp, đáng yêu nhất như ảo tưởng của không ít bạn trẻ khi vừa mới lập gia đình. Tâm lý tự nhiên khi đang yêu là bạn thường chỉ nhìn thấy toàn những... ưu điểm của người yêu. Nhưng một khi đã kết hôn, bạn không thể mong rằng ảo tưởng đó sẽ tiếp tục tồn tại. Người vợ hoặc chồng của bạn chắc chắn là có một số ưu điểm nhất định nào đó mà bạn đã chọn lựa, nhưng cũng chắc chắn là còn có rất nhiều người khác giỏi giang hơn, tuyệt vời hơn nữa... Chỉ có điều họ không phải là người bạn đã chọn! Và bạn không thể thất vọng khi nhận ra điều đó. Tương tự, mỗi con người đều có những khuyết điểm, ý trung nhân của bạn cũng không phải là ngoại lệ, vì thế anh ấy hoặc cô ấy cũng phải có những khuyết điểm, những tật xấu, ngay cả những khuyết điểm hay tật xấu mà trước đây bạn chưa từng nhận thấy. Bạn phải biết chấp nhận những điều đó thay vì là thở than, thất vọng. Vả lại, suy cho cùng thì bản thân bạn cũng không thể là người hoàn hảo, và cũng có không ít những khuyết điểm hay tật xấu mà trước đây anh ấy hoặc cô ấy chưa từng nhận biết. Chẳng thế mà ông bà xưa vẫn thường nói “Nồi nào vung nấy” đó sao?

Râu tôm là thứ mà các bà nội trợ vặt bỏ đi vì chẳng có mùi vị gì. Ruột bầu nói ở đây hẳn là thứ bầu già, hạt đã hơi cứng, nên khi nấu phải cắt bỏ ruột đi để tô canh không bị chua. Vì thế, râu tôm mà nấu với ruột bầu thì chắc chắn là đôi vợ chồng này đã chẳng có gì để ăn, phải nhặt lấy những thứ người ta bỏ đi để mang về dùng qua bữa. Nghèo khó đến thế nhưng họ vẫn giữ được sự hòa thuận với nhau, nên cho dù phải ăn bát canh nấu bằng những thứ bỏ đi mà vẫn cùng nhau vui vẻ “gật đầu khen ngon”.

Hạnh phúc không đến từ bát canh “râu tôm, ruột bầu”, mà đến từ sự hòa thuận của đôi vợ chồng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực nhất. Nếu như họ đã có thể giữ được sự hòa thuận ngay cả trong những hoàn cảnh ấy, thì liệu còn nghịch cảnh nào có thể chia lìa được họ?

Để thấy rõ hơn giá trị của sự hòa thuận giữa vợ chồng với nhau, chúng ta hãy thử nhìn qua một vài số liệu thống kê thực tế về tình hình chung sống của những đôi uyên ương bên trời Tây, nơi mà nền văn minh khoa học và những thành tựu vật chất đang dẫn đầu toàn thế giới.

Tạp chí New York Times số ra ngày 19 tháng 4 năm 2005 công bố kết quả một cuộc nghiên cứu được các nhà khoa học Hoa Kỳ tiến hành kéo dài qua nhiều thập kỷ. Theo kết quả phân tích trong cuộc nghiên cứu này, tỷ lệ ly hôn tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1980 chiếm đến 41% trong tổng số các cặp vợ chồng đã chính thức kết hôn! Tỷ lệ này sau đó có giảm dần, và đến năm 2002 thì dừng ở mức khoảng 31%, nghĩa là cứ 3 cặp kết hôn thì gần như là có một cặp sẽ ly hôn! Những người thực hiện cuộc nghiên cứu cũng lưu ý một kết quả phân tích cho thấy là nếu tính riêng những cặp vợ chồng đều đã tốt nghiệp đại học thì tỷ lệ ly hôn vào khoảng năm 2002 là 20%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung. Cuộc nghiên cứu này cũng cho biết là có 60% những vụ ly hôn đã xảy ra trong khoảng 10 năm đầu sau khi kết hôn, và tỷ lệ này lên đến hơn 80% nếu thời gian quan sát là 20 năm. Điều này cũng có nghĩa là trong tất cả các vụ ly hôn, chỉ có chưa đến 20% đủ may mắn để cùng nhau chung sống được hơn 20 năm!

Những cô dâu còn quá trẻ có khuynh hướng sẽ ly hôn nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số những cô gái kết hôn ngay khi vừa đủ tuổi, có đến 59% sẽ ly hôn trong vòng 15 năm sau đó. Với những người kết hôn ở độ tuổi chín chắn hơn, khoảng 25 trở lên, tỷ lệ ly hôn giảm thấp hơn rõ rệt.

Cũng may là tỷ lệ ly hôn ở nước ta nói riêng và ở châu Á nói chung chưa đến mức... khủng khiếp như thế! Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với số liệu phân tích các vụ ly hôn tại Hoa Kỳ khi cho thấy những người da trắng có khuynh hướng ly hôn nhiều hơn, chiếm 27%, người Mỹ gốc Phi là 22%, và những người gốc châu Á chỉ chiếm 8%.

Tại Anh quốc, Grant Thornton đã tiến hành một cuộc nghiên cứu phân tích các nguyên nhân dẫn đến ly hôn trong 2 năm 2003 và 2004 với kết quả như sau: ly hôn do vợ hoặc chồng có quan hệ ngoại tình chiếm 29% trong năm 2003, giảm còn 27% trong năm 2004; ly hôn do những căng thẳng trong gia đình chiếm 11% trong năm 2003 nhưng tăng đến 18% trong năm 2004; ly hôn do những xúc phạm về thể chất hoặc tinh thần chiếm 10% trong năm 2003 nhưng tăng đến 17% trong năm 2004; và ly hôn do nghiện ngập, cờ bạc chiếm từ 5% đến 6%, tương đương với số vụ ly hôn do một trong hai người quá say mê công việc.

Về nguyên nhân ly hôn do có quan hệ tình dục với người thứ ba, cuộc nghiên cứu này cho thấy số vụ ngoại tình của nam giới chiếm từ 55% đến 75%; còn phụ nữ chỉ chiếm từ 25% đến 45%. Tuy nhiên, những nguyên nhân gây căng thẳng trong gia đình lại đến từ phụ nữ là 78%, so với nam giới chỉ chiếm 22%.

Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng ảnh hưởng xấu của những vụ ly hôn đối với con cái chỉ là trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, với những quy mô nghiên cứu sâu rộng và lâu dài hơn, nhận xét này đến nay đã hoàn toàn thay đổi. Ảnh hưởng của những vụ ly hôn giữa cha mẹ có thể bộc lộ rất lâu sau đó, nhất là khi những đứa con của họ đến tuổi kết hôn. Các chuyên gia vẫn còn tranh cãi nhau khá nhiều về mức độ ảnh hưởng xấu của những vụ ly hôn đối với con cái khi chúng tự mình xây dựng một gia đình. Giáo sư Mavis Hetherington của trường Đại học Virginia ghi nhận một kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2000 cho thấy có 70% con cái của những gia đình ly hôn có khuynh hướng cho rằng ly hôn là giải pháp thỏa đáng cho những rắc rối trong hôn nhân, ngay cả khi đã có con cái. Đối với những cặp vợ chồng mà cha mẹ trước đây không ly hôn thì chỉ có 40% chấp nhận giải pháp này.

Không cần phải nói, chúng ta ai cũng có thể thấy rằng mỗi một cuộc ly hôn để lại những hậu quả xấu như thế nào, về kinh tế gia đình, về sự nuôi dưỡng và giáo dục con cái, nhưng trên hết là hạnh phúc thực sự của những người trong cuộc. Có thể nói là một cuộc hôn nhân không trọn vẹn sẽ để lại những vết thương âm ỉ trong lòng mỗi người cho đến tận cuối đời, không dễ gì có thể hàn gắn được.

Chúng ta không phủ nhận là vẫn có những trường hợp mà ly hôn là giải pháp duy nhất để chọn lựa, khi hai vợ chồng hoàn toàn không hòa hợp nhau và liên tục xảy ra những xung đột, mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp thì vấn đề rất hiếm khi phát triển nghiêm trọng đến thế, nếu mỗi người đều sớm nhận ra và có những cách ứng xử thích hợp để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Một người vợ mẫu mực khi được hỏi về bí quyết giữ vững hạnh phúc gia đình trong hơn 50 năm qua đã trả lời một cách dí dỏm nhưng vô cùng sâu sắc: “Có gì đâu. Đó là nhờ tôi và ông nhà tôi đều có học khiêu vũ, nên chúng tôi biết cách khiêu vũ cùng nhau. Khi một người bước tới thì người kia phải lùi, nhờ đó mà luôn có thể lui tới nhịp nhàng. Nếu cả hai cùng bước tới thì tất nhiên phải dẫm vào chân nhau, không thể cùng nhau khiêu vũ cho đến hết bản nhạc.”

Tục ngữ Việt Nam ghi lại kinh nghiệm sống này một cách cụ thể như sau:

Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi bớt lửa một đời không khê!

Để ăn được bát canh “râu tôm nấu với ruột bầu” một cách ngon lành, thật cũng không dễ dàng gì. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta nhận được trong cuộc sống gia đình hòa thuận chắc chắn là sẽ hết sức xứng đáng với công sức đã bỏ ra để đạt được điều đó!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2015(Xem: 7642)
Văn phòng Chính phủ Tây Tạng lưu vong, Dharamsala đưa tin – Hội nghị Tôn giáo lần thứ 12 của bốn truyền thống Phật giáo Tây Tạng đã diễn ra vào các ngày 18-20/06/2015 tại Dharamsala miền bắc của bang Himachal Pradesh, Tây Bắc của Ấn Độ.
21/06/2015(Xem: 9985)
Trong đạo Phật có câu nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm. Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng. Quan điểm này có thể nhìn thấy rõ nhất trong thế giới truyền thông ngày nay. Chỉ trong chớp mắt, trong một cái nhấp tay hay cái bấm tay trên máy điện toán hay điện thoại cầm tay thì một bản tin, một sự kiện, một hình ảnh có thể đi khắp thế giới và ảnh hưởng đến hàng tỉ người trong “ngôi làng toàn cầu.”[1]
20/06/2015(Xem: 15011)
Bài thơ đầu anh viết tặng em Là bài thơ anh kể về đôi dép Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết Những vật tầm thường cũng biến thành thơ
18/06/2015(Xem: 6793)
Hãy Lắng Tâm Cảm Nhận Này bạn, bạn đi đâu đấy, đứng lại đây với tôi một phút, chỉ một phút thôi!!! Bạn hãy cùng tôi quan sát những người đi đường kia xem. Bạn có thấy là họ đang hối hả lao về phía trước không? Đang ở trong nhà thì họ lao ra đường, đang ở đường thì họ vội vã phóng về nhà. Nhìn họ chẳng có chút bình an nào cả, khuôn mặt ai cũng căng như dây đàn. Họ vội vã đi, vội vã làm, vội vã nói, vội vã ăn, ngay cả đi chơi cũng vội vã. Họ đã đánh mất đi khả năng sống thư thái, an nhàn. Họ không làm chủ được cuộc đời của mình, họ bị cuộc đời rượt đuổi. Nếu họ không biết dừng lại thì họ sẽ phải hối hả như vậy suốt cuộc đời. Bạn cứ thử nghĩ mà xem, làm sao mà người ta có thể bình an hạnh phúc khi trong tâm lúc nào cũng đầy ắp những toan tính, lo âu và đôi chân thì cứ lao về phía trước (mà không biết lao về đâu)? Và bạn biết không, nếu có ai đó đứng bên kia đường nhìn về phía bạn thì thấy chính bạn cũng nằm trong cái đám đông hỗn l
18/06/2015(Xem: 6987)
Chúng tôi rời Việt Nam bay tới Băng Cốc Thái Lan và phải đi tiếp 300 km nữa mới về đến địa điểm nơi diễn ra khóa tu “Con đường hạnh phúc”. Đây là khóa tu dành riêng cho người Việt. Rời khỏi nhà buổi sáng, và đến 7 giờ tối mới đến nơi. Xong thủ tục check in, nhận phòng thì đã 22h đêm. Ai cũng mệt nhưng hạnh phúc. Bởi con đường hạnh phúc có thật đây rồi.
18/06/2015(Xem: 8517)
Vào ngày 14/06/2015, đáp lời thỉnh cầu của Ban tổ chức, đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần dân tộc Tây Tạng lưu vong đã chia sẻ một buổi Pháp thoại tại Perth Arena, Thành phố Perth, bang Westen Australia (Perth sở hữu một nền giáo dục quốc tế hoàn hảo). Buổi Pháp thoại có 12.000 thính chúng tham dự, trong đó có 700 sinh viên Trường Đại học Western Australia. Nữ diễn viên Suzie Mather, và Ông Rick Ardon, người dẫn chương trình trên Seven News, Thành phố Perth, bang Westen Australia đã giới thiệu Ngài đến với khán thính giả.
15/06/2015(Xem: 13326)
Một cậu bé tính tình rất nóng nảy và cộc cằn. Một hôm, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng mỗi khi cậu nổi nóng hay nặng lời với ai, hãy đóng một cái đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ về việc mình đã làm.
15/06/2015(Xem: 24215)
Yếu chỉ tu tập & hành đạo. Tác giả Thích Thái Hòa
07/06/2015(Xem: 8679)
Những con đường ẩm còn đọng nước mưa trắng xóa, bụi đường sạch bóng, không khí trở nên mát mẻ hơn những ngày gần đây, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ra sân bay, đặt chân cất bước lên đường chuyến công du hoằng pháp tại Australia. Quý Phật tử tiễn đưa Ngài trong niềm vui vô hạn và công chúng tại sân bay ai ai cũng đều chắp tay cúi đầu, cung kính Ngài
07/06/2015(Xem: 12129)
Tối qua con bé cháu nội 3 tuổi nhảy lên lòng, hai tay úp chặt quyển sách vào mặt nó rồi nói : Đố bà nội tìm thấy bé. Bà nội bày đặt nói : Ủa bé đi đâu mà bà nội tìm không thấy. Nó cười ngặt ngoẹo, làm bà nội phải ôm chặt nó cho nó khỏi té. Nó lại tiếp tục: Bà nội tìm đi, tìm coi bé trốn ở đâu. Rồi lại úp kín mặt vào cuốn sách. Bà nội nói không biết nó trốn ở đâu là nó lại cười. Cứ thế mà nó kéo cả 20 phút chưa chán. Thấy nó cười nhiều quá, bà nội phải chịu thua, nó nói bé trốn trong quyển sách. Nó lấy quyển sách ra rồi lại líu lo. Bé trốn trong quyển sách mà bà nội tìm không thấy, rồi nó cười như nắc nẻ. Tiếng cười trong vắt thì thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]