TỪ NỤ ĐẾN HOA
(FROM NOVICE TO MASTER)
Thiền sư: Soko Morinaga - Biên dịch: Thuần Bạch Ngọc Bảo
Nhà Xuất Bản: Thanh Niên 2007
Cái chết có bí hiểm không?
Tuy tôn giáo là về những điều không liên hệ gì đến sự chết, nhưng ở đây, để rộng đường thảo luận, chúng ta hãy lui mười bước và coi như là không phải vậy, thật ra là sự chết có một ảnh hưởng chủ yếu trên tôn giáo. Có cách nào để chúng ta nghĩ đến sự sống mà không nghĩ đến sự chết không? Xã hội của chúng ta có khuynh hướng rất thiên về tuổi trẻ, và khi chúng ta già đi, chúng ta thường hay nhìn cuộc đời như đang trên đà xuống dốc từ một ngọn đồi cao, như một sự phế thải cô đơn của một đời người.
Nhưng vấn đề không chỉ là như vậy. Có thể nào chúng ta thực sự sống trọn vẹn được mà không biết nhìn kỹ vào sự chết không? Tôi không tin điều đó có thể được. Nếu không nhìn thẳng vào sự chết, như là mặt trái của sự sống, chúng ta không thể nào sống trọn vẹn và đầy đủ được. Tôi hoàn toàn tin chắc như vậy.
Nhìn sự chết như là cách biệt và xa vời với sự sống, chúng ta không hay ưa thích cái chết. Khi nghĩ rằng họ sẽ mất hết tất cả những gì họ đã tích lũy được, những người đã nỗ lực thật nhiều trong cuộc đời sẽ đặc biệt thù ghét cái chết và họ còn không muốn nhắc đến vấn đề đó nữa. Ngoài ra, nếu có ai nghĩ về sự chết thì cũng đều có một ý nghĩ như nhau là cái chết là một điều ï không thể hiểu được. Lý luận của họ là không thể biết đến cái chết được vì người ta không thể kinh nghiệm nó trong khi còn sống, và không có ai chết rồi mà lại trở về để có thể kể cho chúng ta nghe được. Tuy rằng có những người đã trở về sau khi trải qua cái chết giả, nhưng không một ai chết thật đã trở về sau đó vài năm để mà kể cho chúng ta nghe về thế giới bên kia. Một vài người nói rằng, nghĩ về sự chết là chỉ có phí thời giờ.
Chấp trước trong thái độ đó, chúng ta sẵn sàng đơn giản hóa ý nghĩa của câu nói Khổng Tử là: “Chúng ta chưa biết gì về sự sống, làm sao chúng ta biết về sự chết được?” Chúng ta cho rằng có thể tập trung sống một cuộc sống trọn vẹn mà không cần phải nhìn kỹ đến cái chết. Do đó chúng ta thường hạ thấp tầm quan trọng của sự chết để mà không cần nghĩ đến nó.
Nhưng thực sự chết có phải là điều gì chúng ta không thể biết đến không?
Có một điều chúng ta chắc chắn sẽ gập phải trong đời sống hàng ngày của chúng ta, đó chính là sự chết. Người ta chết khắp nơi nơi. Hơn thế nữa, còn có những cái chết của các gia súc như chó, mèo, chim chóc nuôi trong nhà. Còn cây cối bạn mua ở vườn cây đem về trong chậu nữa, chúng cũng khô héo và chết đó thôi? Còn những đóa hoa tươi nghệ thuật được mua ở tiệm về, chúng cũng tàn tạ dần trong những kiểu trưng bầy của chúng đó thôi? Rồi cái tách đặc biệt mà bạn dùng đến hàng ngày và giữ gìn cẩn thận đó, một ngày nào nó vuột khỏi tay bạn và rơi xuống đất vỡ tan tành. Cái “chết” luôn luôn ở đó, với ý nghĩa của sự biệt ly.
Nếu sự chết chiếm một phần đáng kể như vậy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, làm sao chúng ta không biết đến nó được? Tại sao chúng ta cứ nhất quyết cho rằng không thể nào biết đến sự chết được khi cái chết vẫn hiện hữu thường nhật nơi cuộc đời chúng ta? Làm sao chúng ta có thể bác bỏ vấn đề này một cách lơ là như vậy được?
Cái nguyên nhân gốc của sự bác bỏ sự chết của chúng ta là, theo từ ngữ Phật pháp, cái quan điểm đối đãi của năng và sở -- của cái ta và cái ngoài ta -- ”Ðó là người ta, còn đây là tôi.” Chúng ta thường hay lãnh đạm với những gì thấy có vẻ như không trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của mình trong hiện tại … “Ðiều ấy thì liên quan gì đến tôi?”
Tuy rằng sự chết tràn lan ở chung quanh chúng ta, chúng ta thường xem đó như là cái chết của một cái gì hay một người nào khác chúng ta. Nhưng làm sao để biện minh cho điều đó được?