Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 13: Phát triển Nhân Cách Tốt Đẹp

27/11/201017:48(Xem: 5784)
Chương 13: Phát triển Nhân Cách Tốt Đẹp

 

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010

Chương 13

Phát Triển Nhân Cách Tốt Đẹp

Các hành vi [thân, khẩu, ý] xác định

nhân cách của một người.

Trí tuệ soi sáng nhân cách của người ấy.[1]

Tăng Chi Bộ Kinh

Sự phát triển nhân cách không chỉ là một chủ đề bao quát mà còn là chủ đề trọng tâm trong giáo lý của Đức Phật. Mục đích tối hậu trong cuộc đời của chúng ta là phát triển nhân cách đến tột cùng. Để giúp cho các đệ tử của Ngài có thể đạt được mục đích này, Đức Phật đã liệt kê những đặc tính khác nhau giữa một nhân cách đã được phát triển tốt đẹp, và những nhân cách chưa được phát triển đầy đủ. Ngài quán xét tại sao có một số người cải tiến chậm chạp, trong khi số khác cải thiện nhanh chóng, tốt đẹp. Từ đó, Đức Phật chỉ bày những phương cách để giúp các đệ tử của Ngài xây dựng được nhân cách hoàn hảo. Do đó, trong chương này chúng ta thảo luận một cách cặn kẻ về các phương cách mà Đức Phật đề ra để giúp chúng ta phát triển nhân cách tốt đẹp.

Tuy nhiên, để dễ dàng hiểu rõ lời dạy của Đức Phật, trước tiên, chúng ta hãy xét đến tiêu chuẩn đánh giá nhân cách được sử dụng trong thời đó. Đức Phật nhận thấy rằng xã hội thời đó sử dụng một số mực thước vô lý để đánh giá nhân cách cao hay thấp. Khi Sonadanda đến đảnh lễ Đức Phật, ông tóm tắt các tiêu chuẩn đánh giá vô lý này để giải thích sự đánh giá của ông đối với người khác. Ông bạch cùng Đức Phật rằng, những điều kiện quan trọng nhất để có được một nhân cách vững chãi đó là sanh vào gia đình quyền quý, có hiểu biết về kinh thánh, sắc diện đẹp đẽ và vẻ bề ngoài oai nghiêm.[2]

Tuy nhiên, những quan điểm phổ biến này rõ ràng đã đi ra ngoài các tiêu chuẩn đánh giá hợp lý về một nhân cách hoàn hảo. Đức Phật không những chỉ bác bỏ các rào cản nhân cách kể trên, mà Ngài còn đề ra những giá trị bền vững có thể giúp con người trở nên dễ gần gủi và thực sự đáng mến mộ.

Nhân Cách Cao Quý Phải Trau Dồi Mới Có, Không Phải Do Thừa Kế

Điều Đức Phật nhấn mạnh về nhân cách là nhân cách được huân tập, không phải do thừa kế:

Không phải do dòng tộc khiến con người đáng kính trọng; chỉ do hành động mới khiến người đó đáng kính trọng.[3]

Từ dòng tộc ám chỉ bất cứ thứ gì mà ta có thể được thừa hưởng: gia thế, tài sản, sắc diện, chủng tộc, giai cấp, vân vân. Các yếu tố này chỉ tạo ra những tiêu chuẩn thiếu cụ thể về việc đánh giá nhân cách con người.

Trái lại, hành động mang đến cho ta những giá trị bền vững để tạo nên một nhân cách hoàn hảo vượt trội. Đức Phật đã giải thích nghĩa rộng của hành động như sau: “Một hành động được định nghĩa là việc làm có chủ định qua thân, khẩu và ý”.[4] Qua kinh Tập (Pitaka Sutta),ta thấy rõ ràng là hành động bao gồm những khuôn mẫu hành động ngoại tại cũng như nội tại của chúng ta; và để phát triển một nhân cách đáng ngưỡng mộ, chúng ta cần phải luôn tu sửa hành động, lời nói và ý nghĩ của mình.

Đức Phật xác nhận rằng chúng sanh có khả năng uốn nắn, tu sửa hành vi, nên Ngài cũng trao cho chúng ta trách nhiệm tự phát triển nhân cách. Dĩ nhiên, có một số hành vi có thể là bẩm sinh hoặc “do nghiệp quả”. Tuy nhiên, con người có khả năng thay đổi các hành vi bẩm sinh, đó là điều luôn được nhấn mạnh đến trong Phật giáo. Nhưng thật là không tưởng nếu nghĩ rằng ta có thể thay đổi hoàn toàn để trở thành một con người khác. Tuy nhiên, với sự quán sát và chánh niệm, chúng ta có thể cải thiện đáng kể hành vi của mình và đạt được một nhân cách dễ mến.

Phân tích kỹ tiến trình phát triển nhân cách do Đức Phật đề ra, ta nhận thấy nó bao gồm ba bước sau đây:

Bước 1: Quán chiếu và nhận diện hành vi của bản thân.

Bước 2: Đánh giá tư cách, hành vi của bản thân.

Bước 3: Sử dụng việc tự đánh giá để sửa đổi và cải thiện tính cách.

Bước 1: Quán chiếu và nhận diện hành vi của bản thân

Bước đầu tiên để tiến đến sự phát triển một nhân cách dễ mến là quán chiếu và nhận diện tư cách, hành vi của bản thân. Chúng ta cần quán sát kỹ ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, và nhận diện chúng rõ ràng. Đức Phật dạy rằng, “Trước khi hành động cần phải quán xét kỹ ý, khẩu và thân của mình. Sự tự quán chiếu cũng giống như khi ta nhìn vào một tấm gương sáng hoặc một tô nước trong. Nếu thấy bụi hoặc vết nhơ trên mặt, ta sẽ cố gắng phủi sạch”.[5] Vì vậy, sự tự quán chiếu là một nỗ lực chân chánh để quán sát “hành động” của bản thân với hy vọng sửa đổi được chúng.

Đối với một số người, đây là công việc khó làm nhất. Chúng ta có thể rất giỏi thấy lỗi người, nhưng lại cảm thấy vô cùng khó khăn tìm ra lỗi mình. Như Đức Phật đã nói:

Ta dễ thấy lỗi người, nhưng khó thấy lỗi mình. Lỗi người thì nhiều như trấu trong bồ. Còn lỗi mình khó thấy như gã thợ săn trốn trong buội rậm.[6]

Đức Phật đã nói lên việc ta không quán xét khuyết điểm của mình và quán chiếu hành vi của bản thân. Việc làm này ngăn trở tiến trình gia tăng các phẩm chất tốt đẹp cho nhân cách của ta và đây là lý do chủ yếu khiến việc phát triển nhân cách của ta bị đình trệ.

Không có khả năng nhìn ra lỗi lầm hoặc khuyết điểm của mình là đặc tính nổi bật của bala, một thuật ngữ để chỉ “người chưa trưởng thành”.[7] Thất bại ngay bước đầu, một người như thế sẽ ít có khả năng để cải thiện nhân cách của họ.

Đức Phật nhận thấy thái độ phản kháng gay gắt, hay chối phăng đi là những hình thức phổ biến của sự trốn tránh, khiến con người không nhận ra hành vi sai lầm của họ. Phẩm Bala trong Tăng Chi Bộ Kinh nhấn mạnh đến điều này. Khi phạm lỗi, người ta “biểu lộ sự bực bội, giận dữ và chối bỏ” thay vì thừa nhận lỗi mình.[8] Những người như thế chắc chắn không thể quán chiếu hành động của mình một cách chân thật.

Các hình thái tự bảo vệ này không có hay chỉ có chút ít nơi người có tâm hướng đến việc thực sự quán chiếu bản thân. Những người này không che giấu sự khiếm khuyết trong nhân cách của họ “như người thợ săn tự hóa trang bằng cành lá”. Với lòng chân thành và can đảm, họ có thể khám phá ra nhiều điều trong cá tính của họ.

KinhAnumananói rằng sự tự quán sát bản thân một cách kỹ lưỡng và chân thật là chìa khóa của vấn đề nhận diện các cá tính mà bình thường người ta có thể không nhận ra. Đức Phật dạy rằng, “Ta cần tự quán sát bản thân theo cách này: Tôi có chê bai người khác nhưng lại đề cao bản thân [trong giao tiếp] không?”[9] Bản kinh này cũng nêu ra hơn mười lăm đặc điểm, tốt và xấu, để ta có thể tự quán sát theo cách đó. Một số các đặc điểm này là: dục vọng thấp hèn, sự nảy sinh lòng ganh tỵ và phản ứng giận dữ trước những lời góp ý. Sự quán chiếu này sẽ giúp ta “khám phá ra các điểm chưa hoàn thiện để loại trừ”, và các ưu điểm cần được phát huy.[10] Vì vậy, việc tự quán chiếu một cách chân thật giúp ta tự biết mình, là bước quan trọng kế tiếp trong việc cải tiến bản thân.

Trong Phật giáo, việc tự quán chiếu đưa đến tự biết mình là một giai đoạn quan trọng trong việc tự cải tiến. Thật sự quán sát lời nói, hành động, và suy nghĩ của bản thân giúp ta nhận rõ tư cách của mình. Với khả năng quán sát chính những hành vi nội tại và ngoại tại của mình, chúng ta có thể nhận xét đúng các hành động và suy nghĩ của mình. Kinh Satipatthana giải thích rằng một quán sát viên chân thật “nhìn ý nghĩ dâm đãng là ý nghĩ dâm đãng…và những ý nghĩ sân hận là ý nghĩ sân hận”.[11] Sự nhận diện một cách vô tư, công bằng về ý, khẩu và thân của ta là tiêu chí căn bản của sự tự quán chiếu.

Bước 2: Đánh Giá Tư Cách, Hành Vi Của Bản Thân

Đức Phật dạy rằng sau khi tự quán chiếu, ta phải đánh giá hành vi, tư cách của bản thân. Nếu như sự tự quán chiếu giúp ta dễ dàng nhận ra các đặc tính cá biệt, thì sự tự đánh giá giúp ta tiến xa hơn: nó giúp ta đo lường giá trị của các đặc tính này. Bước này rất quan trọng vì chúng ta cũng cần đo lường những gì ta đã quán sát bên trong ta. Một sự đo lường như thế sẽ giúp ta xác định được một hành vi nào đó mà ta đã biểu lộ là lịch sự hay bất lịch sự đối với người khác.

Giai đoạn này cũng có thể khiến ta sai lệch. Chúng ta có thể nhanh chóng phán đoán cách cư xử không đẹp của người khác là sai và đáng bài bác, nhưng với chính những hành vi sai trái của mình thì ta lại coi là tốt đẹp và thích đáng. Thí dụ, khi người khác tranh nói trong một cuộc đối thoại, thì ta cho rằng họ chỉ biết lắng nghe tiếng nói của bản thân, nhưng khi ta nói quá nhiều, thì dĩ nhiên là ta nghĩ rằng vì ta cần cung cấp thông tin quan trọng. Khi người khác bày tỏ sự giận dữ, họ biểu lộ những cử chỉ bất lịch sự, nhưng khi ta nổi sân thì đó là hành vi thích đáng nhất trong hoàn cảnh đó. Những sự đánh giá thiên vị bản thân cho ta thấy rằng việc tự đánh giá đúng có thể rất phức tạp và cần sự quán sát cẩn thận.

Kinh luận đã đề ra các phương cách sau đây để giúp ta có thể tự đánh giá một cách hiệu quả.

Quán sát phản ứng của chúng ta đối với hành vi của người

Theo Đức Phật, ý thức được phản ứng của chúng ta đối với hành vi của người khác, là phương cách đáng tin cậy để đánh giá ngược lại phản ứng của kẻ khác đối với hành vi của chúng ta. Theo cách này, trước tiên chúng ta cần quán sát các khuôn mẫu hành động của nhiều cá nhân. Nên nhớ là sự quán sát này không có nghĩa là chúng ta cần xen vào việc của người. Đúng hơn, nó có nghĩa là chúng ta đang đánh giá hành vi của mình qua hành động của người. Chúng ta có thể chọn lựa một số người, rồi âm thầm quan sát, đánh giá những cách ứng xử tốt đẹp của họ. Thí dụ, Đức Phật nói:

Đối với ta, người tự khen mình và chê bai người (thì) bất lịch sự, không dễ thương. Cũng thế, nếu ta tự khen thưởng mình và chê bai người, (thì) ta cũng bất lịch sự, không dễ thương.[12]

Chúng ta có thể phán đoán sai lầm nếu tự đánh giá tư cách của mình một cách độc lập. Sự đánh giá bằng cách so sánh, giống như trong thí dụ của Đức Phật, cho chúng ta một cơ hội tốt hơn để xác định phản ứng của xã hội đối với các cách hành xử của chúng ta.

Đức Phật đã nêu ra nhiều đặc tính, tốt và xấu, của con người, để ta quan sát và đánh giá theo cách này. Theo thí dụ trên, trước tiên chúng ta có thể khám phá sự hiện diện của các đặc tính, thái độ này nơi nhiều người, rồi quán sát phản ứng xảy bên trong ta đối với thái độ đó. Nếu ta cho rằng các hành vi này khó chấp nhận, thì khi chúng ta hành xử với thái độ tương tự, xã hội cũng nhìn ta với ánh mắt thiếu thiện cảm như vậy. Ngược lại, nếu chúng ta ngưỡng mộ hành động nào đó của người, thì khi ta có hành động tương tự, ta cũng sẽ nhận được sự khích lệ tương tự từ xã hội.

Nhận diện các trạng thái tâm tạo ra hành vi dễ thương hay dễ ghét

Sự nhận diện các trạng thái tinh thần khiến ta ứng xử khéo léo hay vụng về, là một phương cách khác để đánh giá hành động của ta. Theo cách này, chúng ta cần quán xét nguyên nhân hành động của mình và khám phá ra động lực ở phía sau hành động.

Đức Phật xác định rằng tất cả các hành vi của con người đều bắt rễ từ sáu trạng thái tâmphổ biến: tham muốn thỏa mãn dục vọng (tham), muốn phá hoại (sân), ảo tưởng (si), từ bi, xả và chánh kiến. Ba trạng thái tâm đầu tiên có thể tạo ra các hành vi bất thiện, và ba trạng thái tâm sau tạo ra các hành vi thiện. Khả năng nhận diện các trạng thái tâm này trong một hành động giúp chúng ta phân biệt được điều tốt, xấu.

Câu hỏi như, “Tại sao tôi lại muốn làm điều này hoặc nói điều kia?” sẽ giúp ta tìm ra động cơ thúc đẩy hành động. Thí dụ, khi cảm thấy muốn nói về bản thân, chúng ta có thể ngừng lại một chút để tự hỏi động cơ nào thúc đẩy ta muốn làm thế. Nếu quan sát một cách chân thật, ta có thể thấy động cơ thật sự là ước muốn tạo uy lực với người nghe. Trong trường hợp này, chúng ta bị thúc đẩy bởi lòng tham, một động cơ bất thiện được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Dĩ nhiên, nói về bản thân không phải lúc nào cũng là sự cố gắng để đạt quyền lực. Tuy nhiên, lời nói, cũng như hành vi, thường xuất phát từ ước muốn được nhiều quyền lực hơn trong ta. Có chánh niệm về động cơ đứng phía sau một hành động rõ ràng sẽ giúp ta đánh giá được những hành vi sắp tới.

Quán xét sự phù hợp của các hành vi

Sự đánh giá xem một hành vi có thích hợp đối với một người nào đó và trong trường hợp nào đó, là một phương cách hữu hiệu khác để đánh giá hành động của chúng ta. Đức Phật đã bảo rằng, dầu Ngài biết điều gì đó là thật, Ngài cũng không nói ở thời điểm không thích hợp.[13] Hơn nữa, Đức Phật phân biệt rõ ràng giữa hành động bản năng và hành động có lý trí. Sự thúc đẩy từ bên trong để làm một điều gì đó là một sức mạnh bản năng của hành động. Khả năng đánh giá các hậu quả của một hành động hàm chứa việc sử dụng lý trí. Người muốn phát triển cách ứng xử tốt đẹp cần sử dụng năng lực của lý trí để đánh giá hành vi của mình thay vì chiều theo bản năng. Những lời dạy sau đây của Đức Phật sẽ làm rõ hơn điểm này:

Khi muốn nói điều gì đó, ta cần quán chiếu như sau. Hành động này có bất hảo không? Nó có đưa đến khổ não không? Kết quả của nó có mang lại khổ não.... cho tôi và người xung quanh? Hành động này có biểu lộ khả năng nội tại của tôi hoặc mang đến hạnh phúc ... cho tôi và người chung quanh?[14]

Trong việc giao tiếp hằng ngày, chúng ta có thể có nhiều hành vi “bản năng” như: nói về sự thành đạt của ta, giúp người khác sửa đổi hành vi không tốt của họ, hoặc bảo một người hay than phiền “Hãy im đi!” Tuy nhiên, làm thế chúng ta có trông đợi ảnh hưởng tích cực gì từ đó không? Những hậu quả không tốt đẹp luôn ẩn núp đằng sau hầu hết các hành động “bản năng” này. Chắc chắn là người nghe sẽ đáng giá thấp nhân cách của ta vì đối với họ hành động của chúng ta thật đáng ghét. Sự đánh giá hành vi qua ảnh hưởng của nó sẽ giúp ta tránh được phản ứng tiêu cực từ người nghe.

Ta có thể tranh luận rằng sự thật là sự thật, và ta cần nói ra sự thật bất chấp hoàn cảnh hay trạng thái của người nghe. Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng nói sự thật không đúng người hoặc không đúng lúc có thể tạo ra phản ứng không tốt. Cho nên, chúng ta cần quán xét sự phù hợp của lời nói trước khi nói. Chúng ta cần áp dụng một phương cách đánh giá tương tự cho tất cả mọi hành vi.

Bước 3: Sử dụng việc tự đánh giá để sửa đổi và cải thiện nhân cách

Cho tới lúc này, chúng ta đã thảo luận về việc tự quán chiếu và tự đánh giá, hai bước này trình tự và liên kết để tiến đến việc phát triển nhân cách. Giai đoạn cuối cùng của quá trình cải thiện là việc tự sửa đổi.

Việc tự đánh giá cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta cần sửa đổi và cải thiện điều gì. Giờ chúng ta cần đạt được các phẩm chất giúp ta dễ thương hơn đối với người chung quanh và duy trì những phẩm chất tốt đẹp mà ta đã có. Vị đại đệ tử của Đức Phật, ngài Xá-lợi-phất đã giải thích những lời Phật dạy như sau:

Việc tự cải thiện rất giống với hành vi của một thiếu niên hoặc thiếu nữkhi soi mình trước một tấm gương trong sáng hoặc trong một tô nước trong. Nếu thấy bụi hoặc vết nhơ trên mặt, người ấy sẽ cố gắng chùi sạch vết nhơ ấy. Nếu người ấy không thấy bụi hoặc vết nhơ, người ấy sung sướng nghĩ rằng, “Tốt thật, mặt mình sạch quá”.

Tương tự, nếu trong lúc tự quán sát, ta thấy các đặc tính bất hảo, ta sẽ cố gắng dẹp bỏ chúng. Nếu không thấy chúng nữa, ta phải hoan hỷ, và quyết tâm duy trì các trạng thái tiến bộ này.[15]

Nỗ lực tự thân giữ một vai trò quan trọng trong việc giúp ta phát triển và duy trì những phẩm chất tịnh hảo. Giống như người trẻ tuổi quan tâm đến vẻ bề ngoài của họ, chúng ta cũng cần cẩn trọng về hành vi, tính cách của mình. Nếu có hãnh diện với những hành vi tốt đẹp của mình, chúng ta vẫn phải nỗ lực để làm chúng được tốt hơn. Nếu thất vọng với những hành vi bất tịnh hảo, chúng ta phải quyết tâm nỗ lực uốn nắn chúng. Không có sự cố gắng tự thân, thì cơ hội để đạt được một nhân cách tốt đẹp sẽ rất xa vời.

Trong một xã hội mà con người chỉ tìm kiếm sự thành công dễ dàng và kết quả tức thì, thì khái niệm “nỗ lực” không hấp dẫn chút nào. Nhưng đối với Đức Phật, không có sự thành tựu chớp nhoáng nào trong việc phát triển nhân cách. Cũng như với mọi sự thành công khác, sự phát triển một nhân cách tốt đẹp cần rất nhiều nỗ lực cá nhân. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải dẹp hết mọi công việc khác để chỉ chú tâm vào sự phát triển nhân cách. Một vài thói quen đơn giản nhưng hữu hiệu có thể mang lại những kết quả tuyệt vời.

Tập noi gương và loại trừ

Đức Phật luôn tán thán việc noi gương và việc loại trừ như những phương cách rất hữu hiệu cho việc phát triển một nhân cách tuyệt hảo. Noi gương có nghĩa là làm theo gương của người khác và nỗ lực để có được nhân cách tốt đẹp như họ. Tẩy chay hay loại bỏ có nghĩa là tự kiềm chế không làm theo các gương xấu, và thật sự cố gắng để loại trừ những hành vi như thế. Đã học được cách quán sát hành vi của người khác, giờ chúng ta có thể tập đánh giá đúng để giúp ta quyết định xem điều gì cần noi theo hay loại bỏ. Thí dụ:

“Đối với tôi, người cứng đầu, kiêu mạn rất khó chịu và đáng ghét. Nếu tôi cứng đầu và kiêu mạn, người khác cũng thấy tôi rất khó chịu và đáng ghét”. Khi đã có được sự hiểu biết này, chúng ta cần phải có quyết tâm thệ nguyện, “Tôi sẽ không cứng đầu và kiêu mạn”.[16]

Quán sát cách ứng xử của nhiều người trong xã hội, chúng ta luôn thấy được những đặc tính gì cần noi theo, và những gì cần loại bỏ. Làm người quán sát, chúng ta có thể đánh giá hành động của họ, để sửa đổi, cải thiện hành vi của chính mình, nhờ đó chúng ta dễ dàng được người khác chấp nhận hơn.

Chúng ta có thể cho rằng mình rất tự lập, có khả năng tự học hỏi, nên không cần noi gương người khác. Đức Phật luôn tán thán việc tự dựa vào bản thân là đặc tính đáng khen. Tuy nhiên, trên thực tế, không ai có thể cải thiện nhân cách của mình mà không cần quan sát người khác. Thật ra, đây là tiến trình của cả cuộc đời mà tất cả chúng ta đều tuân theo một cách vô thức. Đức Phật dạy chúng ta chọn lựa việc noi theo hay loại bỏ, sau khi đã quan sát và đánh giá kỹ lưỡng.

Tập tự kiềm chế

Giống như việc noi gương và loại trừ, việc tự kiềm chế (sila), theo Đức Phật, sẽ giúp ta sửa đổi bản thân tốt hơn.

Tự kiềm chế chỉ có nghĩa là chặn lại khuynh hướng muốn biểu lộ những hành vi đáng ghét, không thích hợp. Khi các trạng thái tâm bất hảo khởi lên, sự tự kiềm chế ngăn cản chúng ta biểu lộ những hành vi mang lại hậu quả xấu. Nó cũng giúp ta dừng lại trước những hành vi bản năng không phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng xem sự tự kiềm chế là “sự đè nén”, hay sự che giấu hành động một cách bó buộc, khổ sở. So với những hành động tự nguyện như quán chiếu và đánh giá bản thân, thì sự tự kiềm chế phát sinh từ sự hiểu biết đúng về hành vi bản thân, chứ không phải là những hành động đè nén mạnh mẽ.

Thí dụ, khi chúng ta tự kiềm chế để không phản ứng một cách giận dữ, là do sự quán chiếu và đánh giá bản thân đã tạo cho chúng ta tri kiến về tâm sân hận. Dầu việc biểu lộ sự giận dữ có thể là một phản ứng bản năng, nhưng chánh niệm về trạng thái tâm bất thiện cho chúng ta biết điều đó chẳng tốt đẹp gì. Chánh kiến đã giúp chúng ta kiềm chế thái độ đáng ghét này mà không cần gò ép hay khổ não.

Trong một chừng mực nào đó, việc tự kiềm chế có nghĩa là ta đã ở tay trên (thế thượng phong) đối với hành động “bản năng”. Chúng ta có thể suy nghĩ một cách tự nhiên, nhưng chúng ta cần cư xử có lý trí để phát triển một nhân cách tốt đẹp. Chính việc tự kiềm chế sẽ lót đường đưa ta đến mục tiêu cuối cùng đó.

Các phương cách này được sử dụng để chuyển đổi những hành vi ở bên ngoài, bằng cách giúp ta vung trồng các hành vi dễ thương và loại bỏ các hành vi đáng ghét.

Phấn đấu phát triển nội tâm

Đức Phật cũng nhấn mạnh đến sự phát triển nội tâm như một phương cách duy nhất để đạt được các phẩm chất dễ thương. Ngài dạy, “Khi tâm được bảo vệ, có nghĩa là tất cả mọi hành vi của ta đều được bảo vệ”.[17] Người phát triển toàn diện là người cải thiện không chỉ hành vi bên ngoài mà còn cải thiện ý nghĩ, tình cảm và tư cách (ý, tình và thân).[18] Ở đây, “bảo vệ” có nghĩa là che chắn chống lại các chướng ngại làm ảnh hưởng đến sự bình an nội tại.

Sự cải thiện phong cách bên ngoài là một bước quan trọng nhưng chưa đủ để phát triển một nhân cách toàn hảo. Dĩ nhiên bằng lời nói và hành động dễ thương, chúng ta sẽ dễ dàng được xã hội chấp nhận; nhưng cải thiện được nhân cách và ý nghĩ mới xác định sự chấp nhận của xã hội rõ ràng hơn. Đức Phật đã bảo, “Hành động và lời nói bắt nguồn từ một tâm đã phát triển sẽ mang lại hạnh phúc”.[19] Để phát triển nhân cách đến mức độ hoàn chỉnh nhất, chúng ta cần phải rèn luyện phát triển nội tâm.

Mặt khác, sự phát triển tư cách bên ngoài góp phần vào sự phát triển bên trong. Khi đạt được phong cách bên ngoài mới mẻ, chúng ta có khuynh hướng nội tại hóa chúng. Thí dụ, khi sử dụng ái ngữ, chúng ta bắt đầu có cảm giác phải tiếp tục sử dụng chúng. Đức Phật đã làm nổi bật điểm này bằng cách trích dẫn sự liên hệ giữa sila(sự phát triển nhân cách) và panna (trí tuệ). Chúng ta sẽ không thể phát triển trí tuệ nếu không phát triển hành vi và lời nói của mình. Như vậy, sự phát triển thái độ bên ngoài giúp cho việc phát triển nội tâm được dễ dàng.

Đối với việc phát triển nội tâm, Đức Phật đề ra các kỹ thuật hữu dụng, hoặc bhavanađể sửa soạn bên trong ta cho tương ưng với thái độ chuyển hóa bên ngoài. Thí dụ, nếu ta nói với ai đó, “Tôi rất buồn khi biết rằng bạn đang gặp khó khăn”, cho thấy thái độ bên ngoài của ta đã được cải thiện. Nhưng nếu chúng ta thật sự cảm nhận được lòng bi mẫn dành cho người bạn này, thì đó mới là sự phát triển nội tại.

Cách hữu hiệu nhất để cải thiện nội tâm là nâng cao tình thương yêu và trí tuệ trong ta. Hành động đúng mà không có ý nghĩ đúng có thể chỉ giúp tạo nên một nhân cách dễ thương; nhưng hành động đúng cùng vớiý nghĩ đúng thì thiết yếu để phát triển một nhân cách hoàn hảo hơn.

Các phương cách quan trọng cho việc phát triển nội tại, hoặc bhavana, sẽ được bàn đến trong chương tới về chủ đề hạnh phúc. Tuy nhiên, các chủ đề này tương quan mật thiết với nhau nên rất khó tách rời chúng ra. Vì suy cho cùng, sự phát triển tâm linh cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển nhân cách là điều rất quan trọng đối với hạnh phúc và an lạc của chúng ta.

TÓM TẮT

Giáo lý của Đức Phật giúp chúng ta phát triển các đặc tính dễ thương khiến ta được chấp nhận và ngưỡng mộ. Phương cách đầy quy củ của Đức Phật trong việc phát triển nhân cách bao gồm ba bước : tự quán chiếu, tự đánh giá, và tự sửa đổi.

Sự phát triển nhân cách hàm chứa cả việc cải thiện những hành vi bên ngoài (lời nói, hành động) và sự phát triển nội tâm (ý nghĩ, tình cảm). Chúng ta có thể sửa đổi lời nói và hành động qua việc noi theo, loại trừ, và tự kiềm chế. Sự phát triển nội tâm có thể được thực hiện qua phương thức bhavana, hay thiền định.



[1] Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Bala: Kinh Lakkhana

[2] Trường Bộ Kinh I: 4: Kinh Sonadanda; 125-132

[3] Kinh Tập: Phẩm Uraga: Kinh Vasala

[4] Tăng Chi Bộ Kinh VI: Phẩm Maha: Kinh Nibbedhika

[5] Trung Bộ Kinh II: 61: Kinh Ambalatthikarahulovada: 523-526

[6] Kinh Pháp Cú: Kệ 252

[7] Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Bala: Kinh Accaya

[8] Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Puggala: Kinh Jigucchitabba

[9] Trung Bộ Kinh I: 15: Kinh Anumana; 190-193

[10] Như trên

[11] Trường Bộ Kinh I: 10: Kinh Satipatthana; 145-155

[12] Trung Bộ Kinh I: 15: Kinh Anumana; 190-193

[13] Trung Bộ Kinh II: 58: Kinh Abhayarajakumara; 498-501

[14] Trung Bộ Kinh II: 61: Kinh Ambalatthikarahulovada; 523-526

[15] Tăng Chi Bộ Kinh VI: Phẩm Sacitta: Kinh Sariputta

[16] Trung Bộ Kinh I: 15: Kinh Anumana; 190-193

[17] Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Sambodhi: Kinh Arakkhita

[18] Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Bala: Kinh Cinta

[19] Kinh Pháp Cú: Kệ 3-4

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/05/2012(Xem: 8709)
Hằng năm, cứ vào dịp đến những ngày tháng tư âm lịch, lòng tôi lại dâng lên một niềm hân hoan khôn tả; niềm vui ấy chính là khoảnh khắc đón chờ đến ngày Phật đản...
02/05/2012(Xem: 10987)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ.
28/04/2012(Xem: 6248)
Lịch sử Phật giáo nói rằng: Vừa sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống rồi nói bài kệ:
28/04/2012(Xem: 8454)
Tôi chỉ muốn nói với cháu rằng, các cháu thật sự là thế hệ mới của thế kỷ 21 này. 11tuổi? Nên tôi nghĩ cháu sinh ra vào lúc bắt đầu của thế kỷ này. Thế hệ của tôi thuộc vào thế kỷ trước. Thế kỷ ấy đã qua rồi. Nên chúng ta đã nói lời chào giả biệt, bye bye. Thế nào đi nữa, tôi nghĩ thế hệ của tôi thuộc thế kỷ đã qua, đã cống hiến nhiều cho thế giới, nhưng cũng gây ra nhiều rắc rối cho nhân loại. Tôi muốn nói với quý vị một điều. Thế kỷ trước đã có nhiều thành tựu kỳ diệu, nhưng cũng là thế kỷ của những cuộc tắm máu. Do vậy, thế kỷ 21, một cách căn bản, logic, đừng có những cuộc tắm máu nữa.
27/04/2012(Xem: 8181)
Trong một quyển sách nhỏ mang tựa đề "Phật Giáo nhập môn" (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bảnGrancher, 2008), tác giả Fabrice Midal đã dành một chương để trình bày về vấn đềĐạo Đức và các Giới Luật trong Phật Giáo. "Tam giới" hay "ngũ giới"là những gì khá sơ đẳng và "quen thuộc" ít nhất là đối với những ngườitu tập đang bước trên Con Đường, thế nhưng dưới ngòi bút của Fabrice Midalchúng ta cũng sẽ khám phá ra một vài góc nhìn thật mới lạ.
26/04/2012(Xem: 11793)
"Chuyện Tình Của Liên Hoa Hòa Thượng" được phóng tác từ một câu chuyện lịch sử trong quyển "Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong"... Thích Như Điển
25/04/2012(Xem: 9179)
Hình ảnh Bồ Tát sơ sinh đứng trên quả địa cầu thật có nhiều ý nghĩa: Bồ Tát vào đời với nguyện lực khai sáng cho đời và hoàn thiện Ba La Mật...
22/04/2012(Xem: 8329)
Bởi con đã có được thân người quý giá này, với những tự do và thuận duyên Xin hãy cho con thành tựu các giáo lý quan trọng nhất!
22/04/2012(Xem: 9534)
Nguyện cầu tất cả các nguy hại và bao động ở mảnh đất tuyết này Nhanh chóng được an dịu và xua tan hoàn toàn Nguyện cầu Bồ đề tâm cao quý tối thượng...
19/04/2012(Xem: 7776)
Xuyên qua không gian và thời gian Chúa tể quyền lực của khẩu và hiện thân của trí tuệ, Đức Văn Thù tôn quý Xin hãy ngự mãi trên bông sen trong tâm con...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]