Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Tạo Ra Tài Sản

27/11/201017:34(Xem: 5192)
Chương 3: Tạo Ra Tài Sản

 

 

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010

Chương 3

Tạo Ra Tài sản

Ta khám phá ra hai điều quan trọng: không tự mãn với những gì ta đã đạt được và không buông bỏ nỗ lực để đạt được điều tốt đẹp nhất. Chánh tinh tấn là bước khởi đầu để tiến đến thành công. Chánh tinh tấn mang lại lợi ích và hạnh phúc cho người cư sĩ.[1]Tăng Chi Bộ Kinh

Đức Phật cố gắng hướng dẫn các đệ tử tại gia của Ngài đến sự thành công vật chất, vì đối với người cư sĩ đạt được sự sung túc là đạt được thành công trong cuộc sống. Dựa trên phương diện này, Đức Phật đã bàn rộng đến một số đề tài được coi như cần thiết cho việc khởi đầu và phát triển của bất cứ nỗ lực cầu tiến nào. Sự hướng dẫn của Đức Phật để người cư sĩ có thể đạt được sự thành công vật chất là một quá trình hoàn chỉnh và hoàn toàn hữu hiệu. Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày về điều này, nhấn mạnh vào lời hướng dẫn của Đức Phật để khởi động sự nỗ lực đến thành công.

Sự Chuẩn Bị Nội Tâm

Theo sự quán sát của Đức Phật, sự chuẩn bị nội tâm là một trong những điều kiện quan trọng nhất đối với bất cứ sự thành công nào. Do đó Ngài khuyên người cư sĩ cũng phải có một sự chuẩn bị như thế trên cuộc hành trình tiến tới sự thành đạt –ngụ ý rằng trên tất cả, sự chuẩn bị về tâm lý là rất cần để đạt được thành công vật chất.

Đầu tiên, Đức Phật khuyên ta nên tháo gở bất cứ chướng ngại tâm lý nào có thể gây cản trở cho sự tiến bộ của ta. Kế tiếp, Đức Phật dạy cho ta thấy rõ rằng thái độ đúng đắn sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho sự nỗ lực của ta như thế nào. Hai bước này là những đòi hỏi cơ bản cho sự chuẩn bị nội tâm.

  1. Tháo Gở Các Chướng Ngại Trong Tâm.

Những giới hạn mà chúng ta tự đặt ra cho mình, theo Đức Phật, là những rào cản lớn nhất đối với sự tiến bộ về tâm linh hay trong đời sống thế tục. Những hạn chế này đánh dấu sự thoái hóa của chính khả năng, sức lực, và tiềm năng của ta. Nguồn gốc làm sản sinh ra tâm lý cho rằng mình thấp kém này, theo Đức Phật, chính là xã hội.

Các lý thuyết xã hội công khai coi thường các khả năng của con người có thể làm ảnh hưởng đến tâm và dần dần chế ngự nó. Đức Phật khuyên hàng đệ tử tại gia không nên chấp vào những quan niệm như thế mà phải dựa vào chính khả năng của mình để vượt qua các chướng ngại. Để có thể hiểu rõ hơn thông điệp này, chúng ta chỉ cần xem xét lại lần nữa những quan điểm xã hội vào thời Đức Phật còn tại thế. Những quan điểm hạ thấp khả năng con người đã cản trở sự thăng tiến vật chất trong xã hội.

Thí dụ người sinh ra trong giai cấp Shudra, theo thông lệ xã hội thời đó, không được nỗ lực kinh doanh. Người ta tin rằng nghề nghiệp đã được định sẵn cho những người thuộc giai cấp Shudra là phục vụ cho những người ở giai cấp cao hơn. Tương tự, chỉ những người thuộc giai cấp Bà-la-môn mới được ở cương vị lãnh đạo tinh thần. Ngay chính những người thuộc giai cấp cai trị cũng không được làm điều đó, vì Brahma, đấng sáng tạo đã dành riêng công việc đó cho giai cấp Bà-la-môn.

Đức Phật đã phản đối quyết liệt những quan điểm này của các vị đồng thời với Ngài, những người rao truyền rằng hạnh phúc và khổ đau của con người đã được định sẵn. Đức Phật lý luận rằng sự chủ tâm và chánh tinh tấn mới chính là nền tảng căn bản cho sự thành công về vật chất.

Nói tóm lại, Đức Phật đã phân tích, triển khai và bài bác một cách hợp lý ba quan điểm sau: ý chỉ của Brahma, lý thuyết về nghiệp của Veda, và định luật tiền định phổ biến:[2]

Ý chỉ của Brahma. Những người cho rằng sự thành công hay thất bại của con người tùy thuộc vào ý chỉ của Brahma lập luận rằng những địa vị xã hội cao quý và một số nghề nghiệp được quyết định bởi Brahma dựa trên cơ chế giai cấp. Do đó, họ khẳng định rằng xã hội cần tránh thay đổi bất cứ luật lệ xã hội nào.

Lý thuyết về nghiệp của Veda. Những người ủng hộ lý thuyết về Nghiệp thì quả quyết rằng hạnh phúc hay khổ đau của con người hoàn toàn được định đoạt bởi những hành động của họ trong quá khứ. Lý thuyết này cũng phủ nhận các nỗ lực của con người.

Định luật tiền định. Lý thuyết thứ ba khẳng định rằng không gì có thể thay đổi được các định luật tiền định. Nếu phải xảy ra, chúng sẽ xảy ra, dầu ta có nỗ lực đến thế nào để thay đổi điều đó. Lý thuyết này dựa trên quan điểm cứng nhắc rằng mỗi cá nhân –thần thánh hay kẻ hạ tiện- đều được tái sinh một số lần trước khi hoàn toàn bị tiêu diệt.

Theo Đức Phật, tất cả ba quan điểm trên đều là những lý thuyết cực đoan, phủ nhận ý chí và sự nỗ lực của con người để thành công.[3]Lập luận của Đức Phật rất mạnh mẽ và hợp lý. Ngài cho rằng các lý thuyết gia ủng hộ những quan điểm như thế khó có những tiến bộ tâm linh nơi chính bản thân họ –vì suy cho cùng, làm sao mà thiền định và các phương pháp tu thích hợp có thể thanh tịnh hóa được họ, nếu sự nỗ lực, tinh tấn không có giá trị gì trong pháp tu này? Do đó Ngài đã nói với họ, “Các ông đã phủ nhận nhu cầu và nỗ lực để thay đổi của con người”.[4]

Đức Phật không chấp nhận những quan điểm cực đoan này vì một mục đích rõ ràng: tháo gở những hàng rào nội tâm có thể làm cản trở sự tiến bộ về tinh thần và sự thành công về vật chất đối với các đệ tử của Ngài. Thông điệp của Ngài gửi đến với hàng đệ tử tại gia là hãy phá vỡ các hầm hố bên trong, những thứ đã chôn chặt khả năng của họ -và khi làm như thế là họ đã chuẩn bị cho bản thân một tương lai đầy hứa hẹn.

  1. 2. Tin Vào Chính Khả Năng Của Mình.

Sau khi đã loại trừ những chướng ngại bên trong, Đức Phật hướng dẫn các đệ tử tại gia của Ngài tiến tới sự tự tin. Đây là bước kế tiếp trong việc thiết lập nền tảng cho sự thành công trong tương lai. Trong một thời đại mà ở đó sức mạnh của cá nhân bị vùi dập phũ phàng, Đức Phật thấy rằng không có yếu tố nào khác hơn là dựa vào chính bản thân để có thể chuẩn bị cho sự thành công của mỗi cá nhân.

Chính cuộc đời của Đức Phật là một thí dụ minh chứng cho những điều Ngài dạy chúng ta. Vào thời đó, niềm tin chắc chắn và phổ biến là chỉ có những người thuộc giai cấp Bà-la-môn mới có thể trở thành những vị lãnh đạo tâm linh. Nhưng Đức Phật, là người thuộc về giai cấp cai trị, đã chứng minh được sự sai lầm của quan điểm đó bằng việc trở thành một trong những vị thầy tâm linh thành công nhất, từng có mặt trên trái đất này. Và Ngài đạt được sự thành công này với niềm tin không thể lay chuyển vào bản thân. Ngay cả trước khi đạt được Giác ngộ, Ngài đã bộc bạch về quyết tâm của mình:

Hãy để máu thịt của tôi khô cạn, hãy để tôi chỉ còn da, mạch máu và xương cốt, dầu vậy tôi cũng sẽ không buông bỏ nỗ lực cho đến khi tôi đạt được đạo quả cao nhất có thể đạt được bằng khả năng, sự tinh tấn, và hành động của con người.[5]

Thái độ này làm tăng thêm sức mạnh trong tâm Đức Phật trong trận chiến cuối cùng với lòng tham ái (lobha), sân (dosa) và si (moha). Với sự phát triển của trí tuệ siêu việt và tâm từ bi vô lượng, Ngài đạt được Giác Ngộ, mức độ cao nhất của nội tâm thanh tịnh. Đã ngồi dưới cây bồ đề một đêm với ý chí mãnh liệt, tiếp tục hành thiền, Ngài đã đứng dậy trong sự chiến thắng và hài lòng của buổi bình minh.

Ở đây Ngài cũng nhấn mạnh đến một sự chuẩn bị ban đầu như thế –tăng thêm sức mạnh cho tâm bằng ý chí mãnh liệt- khi nói với các đệ tử xuất gia của người về những sự thành công tâm linh và khuyến khích các đệ tử tại gia tiến tới sự thành công vật chất. Đã thanh lọc tâm khỏi sự sợ hãi và nghi ngờ, chúng ta có thể đi vào công việc thực sự với lòng tự tin mãnh liệt. “Bạn có thể thành công nếu bạn theo đuổi mục đích của mình với lòng tự tin”.

Chánh Tinh Tấn

Hai giai đoạn của sự chuẩn bị nội tâm – tháo gở các chướng ngại nội tâm và làm tăng trưởng lòng tự tin- đã làm nền cho sự thành công trong cuộc sống đời thường. Giờ, với chánh tinh tấn, chúng ta đã có một sự bắt đầu hoàn hảo cho bất cứ nỗ lực thành công nào.

Đức Phật xác định hai đặc tính của tinh tấn. Trước hết, chỉ riêng việc có nỗ lực cũng đã khiến cho sự chuẩn bị nội tâm có ý nghĩa; sự chuẩn bị nội tâm mà không có nỗ lực thì không đủ để thành công. Đức Phật chẳng bao giờ tán thán những quan điểm như: “Chỉ cần hình dung, quán tưởng về một điều gì đó và chờ đợi; bạn sẽ đạt được nó”, mà theo Ngài, chánh tinh tấn phải đi liền sau chánh tư duy.

Tiếp đến, tinh tấn không chỉ có nghĩa là làm nhiều. Triết lý của Đức Phật không đơn giản nói rằng: “Hãy cố làm việc và bạn sẽ đạt được thành công”. Thay vào đó Đức Phật nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc hành động một cách khôn ngoan và đạt được thành công một cách có phương pháp. Chính quyết định khôn ngoan và hành động khéo léo -chớ không phải chỉ siêng năng làm việc- mới khiến cho những nỗ lực của người tại gia có ý nghĩa đích thực.

Đối với những ai có đôi chút lòng sốt sắng, câu nói sau đây sẽ làm rõ hơn lời khuyên tách bạch của Đức Phật: “Bạn có thể làm được điều đó, nếu bạn có chánh tinh tấn”.

Bốn Bước Đến Thành Công

Để giúp cho hàng đệ tử tại gia đạt được những kết quả tốt đẹp nhất, Đức Phật đã giải thích chánh tinh tấn trong bốn bước sau:

Chánh tinh tấn [để thành công trong cuộc sống thế tục] là gì? Giả dụ như có người sinh sống bằng buôn bán, nuôi gia súc, làm cung, làm công chức hay bất cứ nghề nghiệp hay công nghiệp nào khác. Người đó phát triển sự hiểu biết, và khả năng trong nghề nghiệp của mình, có khả năng tổ chức, thực hiện những công việc cần thiết ở đúng thời điểm và trình bày được các kế hoạch tìm tòi các phương tiện phát triển tân tiến. Đó là cái mà ta gọi là chánh tinh tấn.[6]

Lời dạy này của Đức Phật khá xúc tích -có thể vì các vị tỳ kheo đã tóm tắt một câu nói dài cho dễ nhớ- nhưng nó đã định nghĩa chánh tinh tấn thật đầy đủ dầu nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào. Rõ ràng là sự quyết định khôn ngoan và hành động khéo léo, kết hợp lại sẽ đưa ta đến thành công. Bốn bước này rất quan trọng, chúng đáng để ta thảo luận kỹ càng, chi tiết hơn.

Bước 1: Phát triển sự hiểu biết và khả năng trong nghề nghiệp hay kinh doanh mà ta chọn lựa.

Có được sự hiểu biết và khả năng trong ngành nghề hay kinh doanh mà ta lựa chọn là một yếu tố quan trọng trong chánh tinh tấn. Cụm từ Pali được sử dụng để chỉ điều này là dakkho alam katum, có nghĩa là “sự phát triển các khả năng, tài nghệ cần thiết cho công việc”. Dakkho bao gồm cả sự hiểu biết lẫn khả năng. Các đặc tính này giúp ta vững chải trong mọi lãnh vực nghề nghiệp hay kinh doanh của mình. Nhờ đó, người cư sĩ biết làm sao để hoàn thiện bất cứ công việc gì họ đảm nhiệm. Thí dụ, người buôn bán, sẽ thấu đáo thị trường bản sĩ và những lợi nhuận khi bán lại, do đó trở thành khéo léo trong việc mua vá bán.[7]Nói chung, việc có được khả năng và một sự hiểu biết đáng kể trong lãnh vực mà ta quan tâm là điều thiết yếu để thành đạt một cách chân chính.

Quá trình phát triển này cần phải được cha mẹ khơi gợi khi dạy dỗ con cái lúc ấu thơ. Trong kinh Sigalovada, Đức Phật nhắc nhở cha mẹ cần phải có trách nhiệm ban đầu trong việc hướng dẫn con cái đến một nghề nghiệp thích hợp.[8]Nhờ đó, khi bước vào tuổi trưởng thành, chúng sẽ biết có bổn phận phải trau dồi thêm sự hiểu biết và khả năng của mình.

Trong thời đại này, việc giáo dục, đào tạo các ngành nghề, và các nghiên cứu, học thuyết về kinh doanh, thương mại, đều là những điều kiện cần thiết trong việc trau dồi kiến thức và phát triển khả năng nghề nghiệp. Tất cả chúng ta đều biết rất rõ rằng để thành công trong thế giới đầy cạnh tranh này tùy thuộc rất nhiều vào khả năng, và trình độ chuyên môn của chúng ta. Những ai muốn nắm giữ các vị trí quan trọng trong guồng nhân lực tân tiến phải có tri thức và khả năng vượt bực, nhờ đó họ thăng tiến mau lẹ và ổn định trong việc kinh doanh. Điều này hỗ trợ quan điểm của Đức Phật cho rằng việc giáo dục và phát triển khả năng là thiết yếu đối với những ai muốn đạt được thành công.

Ngành Tâm lý học ngày nay đánh giá mức độ tiến bộ này như là “giai đoạn tự khẳng định bản thân” trong quá trình phát triển khả năng. Trong bất cứ xã hội nào, đa số chỉ có được sự hiểu biết và khả năng cơ bản trong ngành nghề của họ. Tuy nhiên có một số ít người sẽ vượt lên trên để phát triển những hiểu biết và khả năng đặc biệt. Đức Phật muốn các đệ tử tại gia của Ngài khẳng định được bản thân trong nghề nghiệp của họ. Vì thế Ngài kết luận rằng sự hiểu biết và khả năng vượt trội không thể thiếu trong giai đoạn bắt đầu tiến tới sự thành công vật chất.

Bước 2: Khéo Tổ Chức Công Việc Kinh Doanh.

Khả năng tổ chức là một đòi hỏi quan trọng khác đối với những ai muốn thăng tiến trong bất cứ lãnh vực nào. Đức Phật luôn nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc tổ chức công việc kinh doanh của một người. Trong kinh Mangala, Đức Phật dạy rằng “Biết tổ chức công việc, biết kinh doanh là một ân sủng đối với người thế tục”[9]. Đức Phật dùng cụm từ Pali dakkho alam sanvi-dhatum, “trở nên thực sự khéo léo trong việc tổ chức”, để nói về khả năng tổ chức.

Dĩ nhiên, khả năng tổ chức là một đề tài lớn. Trong giáo lý của Đức Phật, khả năng này bao gồm cả tính tự tổ chức nơi bản thân và sự tổ chức các công việc liên quan –và khả năng này cần thiết cho lúc khởi đầu công việc cũng như duy trì nó xuyên suốt các công đoạn để có kết quả tốt đẹp. Ở đây chúng ta sẽ bàn kỹ đến những khả năng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn khởi đầu của một dự án trọng điểm, biết rằng các khả năng này cũng có thể được áp dụng ở những giai đoạn khác của công việc và sự kinh doanh.

Chính cuộc đời của Đức Phật là một chứng cứ hùng hồn cho điều mà Ngài muốn nói về khả năng tổ chức. Sau khi đạt được mức độ thanh tịnh nội tâm cao độ nhất, Ngài đã phát động một trong những dự án nhân đạo thành công nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, bao gồm một chương trình lớn, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và những biến đổi của xã hội. Để đạt được mục đích này, một trong những bước đầu tiên Đức Phật tiến hành là việc tổ chức.

Khởi đầu Đức Phật tự tổ chức, lo liệu cho bản thân. Công việc thường nhật của Ngài thể hiện rõ điều này: chúng được chia thành năm thời khóa[10]: đầu tiên là công phu sáng sớm là thời khóa mà Đức Phật dùng để tự hành thiền. Sau đó Ngài dành thời gian trong buổi sáng để thăm viếng những ai cần sự gíup đỡ của Ngài. Vào thời khóa buổi chiều, Ngài dạy dỗ các đệ tử xuất gia và bất cứ đệ tử cư sĩ nào đến thăm viếng Ngài. Hai thời khóa ban đêm được dùng để hướng dẫn các đệ tử xuất gia hành thiền và dành để thảo luận những đề tài Phật Pháp thâm sâu. Bằng phương cách có hệ thống này, Đức Phật đã tổ chức, xếp đặt một cuộc sống đầy năng động.

Đức Phật cũng biểu lộ những khả năng siêu việt trong việc quản lý, tổ chức cộng đồng (tăng đoàn) mới thành lập của Ngài. Ngài là một nhà cải cách xã hội đầu tiên có thể tạo ra sự ổn định có hệ thống như thế đối với sự biến chuyển xã hội này. Đầu tiên, Đức Phật chỉ định ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên, hai vị đệ tử xuất gia lỗi lạc nhất, làm những người lãnh đạo chánh. Sau đó Ngài ban danh hiệu cho tám mươi vị tỳ kheo và chỉ định họ vào các vị trí lãnh đạo dựa trên sự hiểu biết và khả năng trong lãnh vực mà họ thích hợp. Bằng sự lãnh đạo của mình, Đức Phật đã thể hiện cho ta thấy một sự nỗ lực có hệ thống sẽ mang đến thành công mỹ mãn như thế nào.

Khi Đức Phật giáo huấn hàng đệ tử tại gia, Ngài đặc biệt chú tâm đến việc tổ chức, quản lý nguồn nhân lực. Ngài nhấn mạnh rằng những người có khả năng cần được giao nhiệm vụ của người lãnh đạo. Đức Phật cảnh báo: “Trao quyền lãnh đạo cho một người (nữ hay nam) chỉ biết làm theo thói quen và lãng phí tài sản sẽ đưa đến sự sụp đổ”.[11]Như đã nói trong chương trước, người lãnh đạo cần giao cho công nhân những công việc và bổn phận thích hợp với khả năng và trình độ của họ. Thêm nữa, giới chủ nhân cần phải dành cho công nhân của mình những quyền lợi, như được nghỉ phép, và lương bổng đầy đủ.

Cách làm này cũng đóng góp vào sự thành công của công việc kinh doanh theo cách khác. Khi được đối xử tốt như thế, người làm công phát sinh lòng yêu mến đối với chủ nhân. Do đó họ làm hết khả năng. “Tận tụy với công việc, tránh làm những điều xấu như là ăn cắp, và biết ơn chủ nhân”, là một số kết quả tích cực có thể có được từ những người làm công hài lòng với công việc của mình.[12]Những người làm công này chắc chắn sẽ đóng góp vào sự thành công của bất cứ ngành nghề kinh doanh nào.

Đức Phật cũng nói về việc tổ chức của những người buôn bán nhỏ như việc sản xuất quần áo làm bằng vải sợi, bằng len ở nhà, một ngành kinh doanh rất phổ biến thời đó. Ngài coi công việc kinh doanh nhỏ này như là công việc trong gia đình, ở đó cả vợ và chồng cần phải chia sẻ trách nhiệm. Một điều thú vị là Đức Phật dạy rằng người vợ cần phải giữ vai trò tổ chức, quản lý các công việc kinh doanh gia đình như thế.[13]Điều này cho ta thấy Đức Phật rất coi trọng khả năng và sức mạnh trí tuệ của người phụ nữ.

Tóm lại, Đức Phật khuyên hàng đệ tử tại gia cầu tiến của Ngài cần hành động có hệ thống, có tổ chức để đạt được mục đích của họ; và Ngài đã dành cho họ những lời dạy vô giá về cách làm thế nào để sắp xếp, tổ chức công việc riêng của họ và công việc kinh doanh. Những lời hướng dẫn này được chứng mình trong cuộc đời của Đức Phật và trong giáo pháp của Ngài; và sự tổ chức, sắp xếp công việc riêng và các hoạt động của Ngài một cách gián tiếp đã khiến Ngài trở thành một biểu tượng để ta noi theo.

Bước 3: Hoàn Thành Việc Cần Làm Đúng Lúc

Hành động đúng thời, đúng lúc, theo Đức Phật, là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công trong cuộc sống thế tục. Dĩ nhiên là yếu tố này liên quan đến sự tổ chức, sắp xếp. Tuy nhiên, hành động đúng lúc, đúng thời được nói riêng ở đây, vì sự quan trọng tột cùng của nó trong bất cứ nỗ lực nào. Trong lần thuyết giáo với vua Kosala, Đức Phật đã nhắc nhở rằng việc biết đúng thời điểm (timing) là yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công vật chất:

Yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của con người là hành động đúng thời, đúng lúc. Dấu chân voi có thể che lấp dấu chân của bất cứ con vật biết đi nào khác. Tương tự, khi nói về mức độ quan trọng, hành động đúng thời, đúng lúc nổi bật lên trên tất cả mọi hành động khác.[14]

Đức Phật cảnh báo rằng nếu không hành động đúng lúc, ta cũng sẽ “không tạo được tài sản mới, và những gì ta đã tích lũy được chẳng bao lâu sẽ vơi dần hết đi”.[15]

Để trình bày yếu tố vô cùng quan trọng này đối với sự thành công, Đức Phật đã sử dụng những thuật ngữ như là analasaappamada. Tuy nhiên, các từ ngữ dịch thuật hiện tại không thể chuyên chở hết những ý nghĩa rộng rãi của các từ ngữ Pali nguyên thủy này. Analasathường được dịch là “không lười biếng”, trong khi appamadalà “chú tâm”, hay “siêng năng”. Các từ ngữ dịch thuật này có thể được chấp nhận một cách tương đối, nhằm đơn giản nói rằng sự cố gắng làm việc, cũng là một phương cách để thành công. Tuy nhiên, Đức Phật sử dụng chúng với hàm ý sâu xa hơn: Chúng nhấn mạnh đến sự quan trọng của hành động đúng thời, đúng lúc. “Hành động” ở đây có thể là một công việc nặng nhọc, cả về thể chất và tinh thấn, hoặc (hành động) có thể chỉ là một quyết định hay một giai đoạn mà ta cần phải có đôi phút đắn đo.

Dựa trên thực tế, Đức Phật đưa ra những chứng cứ cho ta thấy có những người lười biếng trốn tránh và trì hoãn công việc, rồi lại đổ thừa cho thời tiết, kêu đói, kêu no, hay nói rằng quá sớm, quá trễ để không làm việc.[16]Những thí dụ như thế cho ta thấy rằng phản nghĩa của analasalà sự trì trệ, lơ đãng, lè phè, bỏ bê công việc, một thói quen nguy hiểm mà chắc chắn rằng nó sẽ làm thui chột nỗ lực để thành công của con người. Do đó, analasaám chỉ việc sử dụng năng lượng vật lý đúng thời, đúng lúc.

Trong cuộc đối thoại với vua Kosala, Đức Phật dùng thuật ngữ appamadađể ngụ ý “hành động đúng thời”.[17]Ngài nói: “Nếu trong cuộc sống, ta luôn hành động đúng mà không trì trệ, là ta biết tự bảo vệ, tự cứu bản thân, cũng như cứu các gia cầm, và tài sản của ta”.[18]

Thêm nữa, Đức Phật cũng nói rằng những hành động đúng thời, đúng lúc của vua Kosala sẽ khích lệ các cộng sự và người hầu của nhà vua làm tròn bổn phận của họ đúng thời, đúng lúc.

Nói chung, theo Đức Phật, những hành động được cân nhắc đúng thời, đúng lúc, sẽ khiến cho các nỗ lực để thành công của người cư sĩ được đầy ý nghĩa. Không biết quyết định hay hành động đúng thời, đúng lúc khi cố gắng tạo ra tài sản, thì người đó cũng giống như là “một con diệc (heron) lã sức cạnh một hồ nước cạn khô”.[19]

Bước 4: Khám Phá Các Phương Tiện Phát Triển Có Chiến Lược.

Theo Đức Phật, người cư sĩ còn cần thêm một bước nữa để đến được thành công vật chất, đó là sự tìm kiếm, khám phá ra các phương tiện phát triển có chiến lược. Đây có thể là một trong những phương cách mới mẻ và hữu hiệu nhất để đi đến thành công của một cá nhân. Nói tóm lại, muốn thành công ta cần có tư duy tiến bộ trong nghề nghiệp, trong những ngành kinh doanh và áp dụng các phương pháp mới này cho sự tiến bộ của tất cả mọi thứ nói chung.

Cụm từ Pali là upaya vimamsa. Upayacó nghĩa là “một phương cách có chiến lược”, hay cụ thể hơn, “sự suy nghĩ đột phá” để đối nghịch lại với những phương cách thông thường được chấp nhận khi thử nghiệm một điều gì đó. Vimamsacó một số ý nghĩa, như là, “quán sát” và “thử nghiệm”. Ghép chung hai từ ngữ này để ám chỉ đến một phương cách để thành công trong cuộc sống thế tục, upaya vimamsa có nghĩa là “sự khám phá có chiến lược về các phương tiện tiến bộ mới trong ngành nghề và lãnh vực kinh doanh” -một phương cách đáng được gọi là sự “phát minh” (innovation).

Đức Phật cũng biết về những phát triển mới trong xã hội của Ngài, đặc biệt là trong lãnh vực thương mại, trao đổi. Như đã nói trong chương I, thế kỷ thứ VI trước công nguyên, là thời đại khởi đầu của ngành kinh doanh ở Ấn Độ, cùng với những phát minh mới. Hàng trăm xe mã từ các tiểu bang Magadha và Kosala lấy hàng hóa đến Gandhara để được vận chuyển đến các hòn đảo Hy Lạp. Hàng hóa cũng được mang đến hải cảng Barygaza, ở bờ biến phía tây Ấn Độ, để được chuyển tới thế giới phương Tây xuyên qua biển Đỏ. Các chiến lược mới được áp dụng trong tất cả các cuộc hành trình này, để bảo vệ, vận chuyển, bán buôn, và trao đổi hàng hóa.

Thí dụ, vị đại thí chủ của Đức Phật, ngài Anathapindika, một đại thương gia ở Savatthi, đã thành lập một hội thương nghiệp để thu mua và xuất hàng hóa đến phương Tây. Upali, một vị thí chủ khác của Đức Phật, đã bắt đầu hệ thống ngân hàng đầu tiên. Sự ý thức của Đức Phật về những phát triển mới này trong ngành thương mại, trao đổi có thể đã khiến Đức Phật khuyến khích hàng đệ tử tại gia áp dụng các phương pháp mới cho sự thành công vật chất của họ.

Dầu với lý do gì, khi Đức Phật nói về upaya vimamsa, là Ngài đã ban cho các đệ tử tại gia của Ngài một lời khuyên vô giá: “Hãy phát minh các tư duy và chiến lược mới để lèo lái cuộc hành trình của bạn đến thành công”. Bản thân Đức Phật cũng thực hành lý thuyết này khi Ngài tạo dựng, thiết lập một cộng đồng mới (tăng đoàn) trong một xã hội truyền thống cứng ngắt. Và, dĩ nhiên là Ngài đã đạt được những thành công khó ngờ bằng chính những nỗ lực của Ngài.

TÓM TẮT

Đức Phật đã dành những lời khuyên hữu ích để hướng dẫn hàng đệ tử tại gia về những nỗ lực khởi đầu để thành công. Trước hết, Đức Phật hướng dẫn việc rèn luyện tâm trí, để tâm họ được mạnh mẽ hơn. Kế đến, Đức Phật hướng dẫn sự nỗ lực của họ. Ngài đưa ra những lời khuyên hữu ích, thực dụng khiến chúng thực sự có ý nghĩa đối với người cư sĩ tại gia.

Đức Phật không khuyến khích cộng đồng cư sĩ của Ngài chờ đợi một vận may bất ngờ, một biến cố đột ngột giống như trúng số trong thời đại này, mà Ngài cũng không chấp nhận việc tạo ra của cải một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng bất cứ phương tiện nào. Thay vào đó, Ngài giúp các đệ tử của mình hành động có phương pháp, có hệ thống và tự khẳng định bản thân trong cuộc sống “giống như những con kiến xây tạo nên đồi kiến”[20]Tóm lại, theo Đức Phật, các kiến thức mới mẻ, sự phát triển kỹ năng, sự tổ chức, việc hành động đúng thời, đúng lúc và những phương pháp mới, sẽ tạo thành nỗ lực chân chánh để thành công của người cư sĩ.



[1]Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh II : Sotapatti Samyutta: Kinh Upannasa và Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja. Câu trích này từ hai nguồn như đã dẫn ở trên. Phần đầu của câu trích là từ Kinh Upannasa. Nói về sự chứng ngộ của mình, Đức Phật đã nói câu này để nhấn mạnh nguồn động lực để chứng ngộ. Thuật ngữ Pali nguyên thủy asantutthita kusalesu dhammesuđã được dịch là ‘không tự mãn với những gì ta đã đạt được”. Cụm từ Kusalesu dhammesu khó dịch thẳng được. Trong đoạn này, cụm từ hàm ý sự chứng ngộ trong sự phát triển nội tâm của Đức Phật, không kể sự chứng ngộ cuối cùng của Giác Ngộ.

[2]Tăng Chi Bộ III:Phẩm Maha: Kinh Titthayatana

[3]Như Trên

[4]Như Trên

[5]Tăng Chi Bộ Kinh II: Vassupanayika : Kinh Uposatha

[6]Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja

[7]Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya III: Phẩm Rathakara: Kinh Dutiya Papanika

[8]Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya III): 31, 461-469

[9]Kinh Nipata: Phẩm Culla: Kinh Mangala

[10]Sumangala Vilasimi: Brahmajala Sutta Vannana

[11]Kinh Nipata: Phẩm Uraga: Kinh Parabhava

[12]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469

[13]Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Uposatha: Kinh Anuruddha Manapakayika

[14]Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: Kinh Appamada; 179-180

[15]Trường Bộ Kinh III:31: Kinh Sigalovada; 461-469

[16]Như trên

[17]Tương Ưng Bộ Kinh I:Kosala Smyutta: Kinh Kalyanamitta; 180-182

[18]Như trên

[19]Kinh Pháp Cú: Kệ 155

[20]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2021(Xem: 6541)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
18/08/2021(Xem: 9693)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
17/08/2021(Xem: 7435)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 5033)
Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này.
16/08/2021(Xem: 7148)
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
15/08/2021(Xem: 4907)
Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.
15/08/2021(Xem: 7345)
Là người hay là thú, sinh ra đời nếu bộ não bình thường thì tất cả đều có cái biết. Biết đói, biết no, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết thiếu, biết đủ v.v… Tâm trí loài vật, có nhiều loài khá khôn ngoan, nhưng khôn ngoan cách nào cũng không bằng con người. Khi còn nhỏ cái biết của con người rất hạn hẹp. Khi lớn lên cái biết dần mở rộng, nhờ học hỏi từ môi trường gia đình, học đường, xã hội. Tùy theo căn cơ mà có người thông minh học một biết mười, có người kém thông minh chậm hiểu. Nhưng dù cái biết của người thông minh hay cái biết của người kém thông minh thì đó cũng là cái biết cần thiết cho đời sống.
13/08/2021(Xem: 6368)
Công ơn cha mẹ tựa biển trời Làm sao báo hiếu hỡi người ơi? Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ trọn đời.
13/08/2021(Xem: 8968)
Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ - A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây: MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
09/08/2021(Xem: 8128)
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]