Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lòng Tin

12/10/201205:52(Xem: 10053)
Lòng Tin
LÒNG TIN
Toàn Không

Lòng tin là không nghi ngờ, không thắc mắc, không do dự, trung thành, tín cẩn. Khi nói chuyện với một người, có khi chúng ta tin liền điều người ấy nói, vì người ấy nói điều hợp lý, hoặc người ấy chẳng bao giờ nói dối nói sai. Có hai trường hợp: Một là ta đang nói chuyện với một người đáng tin cậy, tức là người này không nói sai những gì đã thật sự xảy ra, hai là người mà ta đang nói chuyện không đáng tín cẩn, nên lời nói có thể đúng hoặc sai với sự thật.

1) - PHÂN LOẠI LÒNG TIN:

Có mấy loại lòng tin? Có hai loại: Lòng tin mù quáng và lòng tin đúng đắn.

1- Lòng tin mù quáng:

Là tin không cần suy nghĩ thật giả, chân ngụy, không cần biết điều mình tin có chỗ sai, hay vô lý. Người tin mù quáng thì ai nói gì cũng tin nên dễ bị gạt về nhiều phương diện trong cuộc sống, có khi những điều tin ấy vô lý đã được truyền từ nhiều đời rồi vẫn tiếp tục truyền lại nhiều thế hệ sau, như quan niệm cho rằng mặt đất phẳng, mặt đất vuông chẳng hạn. Sự tin tưởng sai lầm lui dần khi khoa học tiến lên, bấy giờ ta mới thấy rằng sự tin tưởng phải cần chứng minh, so sánh, chiêm nghiệm.

2- Lòng tin đúng đắn:

Là lòng tin đã được tư duy, kiểm chứng, áp dụng, lòng tin dựa trên chính kiến, suy xét tường tận trên mọi phương diện, mọi khía cạnh; được tư duy kiểm chứng bởi chính mình, không bởi người khác nói lại, không bởi sách vở, không bởi tục lệ. Cũng không bởi cha ông đã theo đã làm như thế. Khi thấy đúng hoàn toàn rồi mới tin, đó mới là lòng tin đúng đắn, lòng tin đúng sự thật; khi đã biết thật chắc chắn rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, dù ai có nói ngược nói xuôi cũng không bị lay chuyển.

2) - CHUYỆN VỀ LÒNG TIN:

1- Câu chuyện thứ nhất:

Thời đức Phật còn tại thế, đa số các đệ tử của đức Phật đều tin Ngài một cách tuyệt đối, tuy nhiên, đọc trong Kinh sách, chúng ta vẫn tìm thấy có trường hợp một đệ tử của đức Phật không có lòng tin vững chắc, câu chuyện trích phỏng theo bộ Tăng Nhất A Hàm, quyển một, trang 126 như sau:

Bấy giờ trước đại chúng đông đảo Tỳ Kheo (Tăng) tại thàmh La Duyệt vườn Ca Lan Đà, đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

“Các Thầy có thấy pháp (suy nghĩ, nói năng, việc làm) của Đề Bà Đạt Đa (Em con người Chú của đức Phật) là thanh tịnh chăng?, ngược lại Đề Bà Đạt Đa tạo ác sâu nặng, sẽ chịu tội nhiều kiếp không thể chữa trị. Ta chẳng thấy Đề Bà Đạt Đa có một tí điều lành có thể kể ra được. Ví như có người rơi xuống cầu tiêu sâu, thân hình chìm lỉm, không còn một chỗ nào sạch, người khác muốn vớt cứu lên, đứng ngó xem thấy người đó chẳng còn có một chỗ nào sạch để có thể nắm kéo lên, liền bỏ đi, này các Tỳ Kheo, tại sao như thế? Vì Đề Bà Đạt Đa một mực ngu si, tham đắm lợi dưỡng (Đồ ăn, vật dụng v.v… của Thái tử A Xà Thế), tạo tội ngũ nghịch (tội ngũ nghịch gồm: giết cha mẹ, muốn hại Phật, phá rối Tăng đoàn, giết Tăng Ni, có tà kiến như không tin nhân qủa …). Khi chết sẽ đọa Địa ngục chịu tội nhiều kiếp (mỗi kiếp khoảng hơn 16 triệu năm), này các Tỳ Kheo, đã sinh tâm ưa lợi dưỡng hãy lìa bỏ, nếu chưa sinh tâm dính mắc lợi dưỡng đừng cho sinh khởi”.

Khi nghe đức Phật nói như thế, một Tỳ Kheo đi đến gặp Tôn giả A Nan là Thị giả của đức Phật, sau khi chào hỏi rồi nói:

“Thưa Tôn giả, hôm nay trước đại chúng, Thế Tôn nói đã xem hết nguồn gốc của Tỳ Kheo Đề Bà Đạt Đa, rồi sau đó thọ ký cho ông ta phải chịu tội nhiều kiếp vì không thể chữa trị được, lại có thể thọ ký việc này được ư?”

Tôn giả A Nan trả lời: “Những lời nói của Thế Tôn không thể hư dối được”.

Sau khi Tỳ kheo ấy rời khỏi, Tôn giả A Nan đến chỗ đức Phật, vái lạy rồi thưa:

“Có một Tỳ Kheo đến chỗ con nói rằng: “Hôm nay trước đại chúng Thế Tôn nói đã xem hết nguồn gốc tạo tội của Tỳ Kheo Đề Bà Đạt Đa, rồi sau đó thọ ký cho ông ta phải chịu tội nhiều kiếp vì không thể chữa trị đưọc, lại có thể thọ ký việc này được ư?”

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan: “Thầy đi bảo Tỳ Kheo ấy là Ta gọi”, Tỳ Kheo đó tu học chưa được bao lâu, lời Như Lai trọn không hư vọng, tại sao lại nghi ngờ?

Chẳng bao lâu, Tỳ kheo ấy đến trước đức Phật vái lạy xong đức Phật bảo:

“Này Tỳ Kheo, Thầy không tin lời Như Lai nói sao, Như Lai tuyệt đối không hư dối, nay Thầy lại muốn tìm hư vọng của Như Lai sao?”

Tỳ Kheo ấy thưa: “Tỳ Kheo Đề Bà Đạt Đa có đại thần lực, có đại oai đức, làm sao Thế Tôn thọ ký cho ông ta chịu tội nặng nhiều kiếp được?”

Đức Phật bảo: “Hãy giữ miệng của Thầy chớ để mãi mãi chịu khổ vô lượng”, rồi đức Phật nói kệ trách cứ:

Dạo Thiền thế tục không,

Rút cục không giải thoát,

Chẳng đến chỗ diệt tận,

Trở lại đọa Địa ngục.

Đức Phật nói tiếp:

“Giả thử Ta thấy Đề Bà Đạt Đa có một chút pháp lành, Ta đã không thọ ký phải chịu tội nhiều kiếp, thế nên, này Tỳ Kheo si mê, sở dĩ như thế vì Đề Bà Đạt Đa ngu si tham đắm lợi dưỡng lại còn tạo điều nghịch ác, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này”.

Khi ấy, Tỳ Kheo ấy vái lạy đức Phật rồi thưa: “Con tự hối lỗi, cúi mong Thế Tôn rủ lòng tha thứ, vì con u mê, ngu si, tạo hạnh chẳng lành. Thế Tôn không nói thêm bớt mà con khởi nghi ngờ, cúi mong Thế Tôn nhận cho con sám hối, con sẽ không tái phạm nữa”

Đức Phật bảo: “Lành thay, Thầy biết hối lỗi về ý niệm sai của mình, Ta tha cho Thầy, chớ nên nghi ngờ đối với Như Lai. Nay Ta nhận cho Thầy hối lỗi, sau chớ phạm lại nữa, rồi đức Phật nói kệ chứng cho sự sám hối:

Dù có làm tội nặng,

Hối lỗi rồi không phạm,

Người ấy giữ cấm giới,

Nhổ căn nguyên tội này”.

LỜI BÀN:

Trên đây, chúng ta thấy vị Tỳ Kheo kia vì không có lòng tin vững chắc đối với bậc đại Giác, đại Sư của mình, nên đã tỏ ra nghi ngờ. Sau khi được đức Phật giảng giải xác quyết đã làm tan mây si mê, nên vị Tỳ Kheo ấy đã hối lỗi và cầu xin đức Phật nhận cho được sám hối, và đức Phật đã chấp thuận. Chúng ta được biết có trường hợp tương tự, Tỳ Kheo tên Cù Ba Ly, vì vào phe với Đề Bà Đạt Đa mà đến tố cáo hai Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên làm việc ác. Đức Phật giải thích rằng hai Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên không làm việc ác, nhưng Tỳ Kheo Cù Ba Ly không tin lời Ngài, do đó Đức Phật thọ ký Cù Ba Ly sẽ chịu qủa báo về lời nói ác, và sau một thời gian Tỳ Kheo này bị bệnh mụn nhọt đau đớn qua đời và bị đọa Địa ngục.

Về vấn đề tin lời Đức Phật nói, có lần Tôn giả Mục Kiền Liên trông thấy một người cao to như cái nhà lầu, khi đến thưa với Đức Phật, Ngài xác nhận là đúng, Ngài đã không nói vì sợ mọi người không tin, rồi Đức Phật nói: “Những kẻ không tin lời Như-Lai nói là những kẻ ngu si, mãi mãi thọ khổ”; tại sao không tin lời Phật sẽ khổ?Vì những điều Đức Phật nói ra đều là sự thật giúp chúng ta đi đến chân hạnh phúc, thí dụ: Phật tử tại gia muốn kiếp sau được tái sinh làm người giàu sang sung sướng khỏe mạnh sống thọ phải thực hành Năm Giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu. Nếu những ai tin lời Phật mà thực hành đầy đủ thì kiếp sau sẽ có kết quả, còn những ai không tin lời Ngài nói tức không thực hành mà còn phạm một vài điều trên, thì chắc chắn người ấy kiếp sau sẽ vào cảnh khổ vậy.

2- Câu chuyện thứ hai:

Một trường hợp khác về lòng tin những lời bàn tán, tin đồn, lúc ấy người nghe nếu không có lòng tin vững chắc, sẽ gây sự nghi ngờ vô cùng tai hại; còn nếu đã có sự tin tưởng tuyệt đối rồi, dù có đồn đại thế nào, có người nói ra nói vào thế nào đi nữa cũng không làm thay đổi được lòng tin của mình. Một câu chuyện liên quan tới lòng tin vững chắc mà chúng ta nên biết cũng trong quyển một bộ Tăng Nhất A Hàm, trang 154 như sau:

Thời bấy giờ tại nước Xá Vệ, có một Trưởng giả kia có một đứa con, ông rất thương yêu, nhưng đứa con lại bị chết bất ngờ, ông rất sầu khổ đâm ra phát cuồng điên đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng hỏi: “Có thấy con tôi không?”

Một hôm ông đi lang thang lần tới đạo tràng Kỳ Hoàn, có đức Phật đang ngự tại đó, gặp Phật, ông ta cũng hỏi: “Sa Môn! Có thấy con tôi không?”. Đức Phật bảo: “Vì sao ông không vui? Mặt mũi bơ phờ tâm trí rối loạn như thế? Trưởng giả trả lời: “Tôi như vầy vì con tôi chết, nó bỏ tôi, tôi nhớ nó, tôi buồn khổ, nay tôi hỏi Sa Môn có thấy con tôi không?”.

Đức Phật trả lời: “Đúng vậy, sinh già bệnh chết là thường ở đời, ái ân biệt ly khổ, đứa con vì vô thường mà bỏ ông, há không nhớ nghĩ được sao?”, ông ta nghe đức Phật nói thế, không bằng lòng bèn bỏ đi.

Đi đường gặp người ông liền nói: “Sa Môn Cù Đàm nói rằng: “Ái ân biệt ly liền có khoái lạc”, như vậy có đúng không?” Người kia đáp: “Ái ân biệt ly mà vui cái gì?”

Rồi Trưởng giả ấy đi dần đến thành Xá Vệ, gần chỗ đánh bạc, lại nghĩ rằng: “Các người đánh bạc đều thông minh, không việc gì chẳng biết, ta nên đến hỏi họ”, ông bèn đến vào chỗ ấy, trong khi mọi người đang tụ họp đông đảo đánh bạc, ông bèn cất tiếng to hỏi: “Sa Môn Cù Đàm bảo tôi rằng: “Ân ái biệt ly khổ, oán ghét gặp gỡ khổ, đây là khoái lạc, các ông nghĩ sao?” Mọi người đều nói: “Ân ái biệt ly, oán ghét gặp gỡ, có gì mà vui, có gì mà khoái lạc? Không đúng, Ông ta lại nghĩ: “Sao lià ân ái lại có vui ư?, không đúng, không đúng”.

Rồi ông đi vào thành Xá Vệ, đứng ở chỗ cửa thành hoàng cung la to lên rằng: “Sa Môn Cù Đàm bảo rằng: “Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp là khoái lạc”. Bấy giờ, trong thành từ người này truyền qua người khác cho tới trong cung; ngay lúc đó, đại vương Ba Tư Nặc và phu nhân Mạt Lợi đang ở trên lầu các, được tùy tùng bẩm lại sự việc như thế, Vua bảo Phu Nhân: “Sa Môn Cù Đàm thật có nói: “Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp đều là khoái lac chăng?”, Phu Nhân nghĩ sao?”. Phu Nhân trả lời: “Thiếp không nghe Thế Tôn dạy lời này, nhưng nếu Ngài có dạy như thế cũng chẳng phải là lời hư dối”. Vua bảo: “Ví như thầy dạy đệ tử” làm điều này, bỏ điều kia”, đệ tử đáp: “Xin vâng, đại Sư”. Nay Bà cũng như thế, Sa Môn Cù đàm nói lời như thế mà Bà vẫn đồng ý nói rằng “không có hư dối”, vậy Bà hãy đi mau, đừng ở trước mặt ta nữa”.

Sau khi ấy, bà la môn Trúc Bác đến Kỳ Hoàn chỗ đức Phật ngự, sau khi vái lạy ông bạch lên đức Phật những điều Phu Nhân Mạt Lợi đã dặn bảo rằng: “Thưa đức Thế Tôn, phu nhân Mạt Lợi cúi lạy đức Thế Tôn và kính chúc Thế Tôn luôn mạnh khỏe, giáo hóa người mê muội không mệt mỏi. Phu Nhân trình lên Thế Tôn một việc mà người trong cung thành bàn luận điều Thế Tôn đã nói rằng: ‘Ân ái biệt ly, oán ghét hội họp đều là khoái lạc”. Chẳng hay Thế Tôn có dạy như thế không? Xin Thế Tôn chỉ dạy để con về thưa lại với Phu Nhân”.

Đức Phật bảo bà la môn Trác Bát: “Trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả bị chết mất một đứa con mà ông ta rất thương yêu, vì thế, ông ta đâm ra điên cuồng loạn trí, đi lang thang khắp nơi gặp ai cũng hỏi: “Có thấy con tôi không?”. Vậy thì ông nên biết: “Ân ái biệt ly khổ, oán ghét hội tụ khổ, đều không có hoan lạc cả”.

Ngày xưa trong thành có người mất mẹ già, có người mất cha già, có người mất anh chị em, hết thảy đều vô thường, họ thấy sự vô thường này sinh ra cuồng loạn chẳng biết phương hướng; cũng trong thành Xá Vệ, ngày xưa một Trưởng giả gả chồng cho con gái, hai vợ chồng con gái rất thương yêu hòa thuận, rủi người chồng làm ăn sa sút nghèo khó, ông bà Trưởng giả bàn luận định bắt con gái gả cho người khác, người chồng biết được việc ấy, nên nói với vợ “cả hai cùng chết”, rồi dùng dao bén đâm vợ và tự đâm vào bụng mình mà chết. Này Bà La Môn, xét vậy mà biết ân ái biệt ly, oán ghét hội tụ khổ, đây đều là buồn khổ chẳng thể nói hết được.

Bà la môn Trúc Bác thưa: “Đúng vậy Thế Tôn! Có các thứ khổ não này thật chẳng vui, Sa Môn Cù Đàm nói thật đúng như thế, con xin cảm tạ Thế Tôn, và xin kiếu từ”.

Bà la môn liền đứng dậy vái chào, đi quanh Phật ba vòng, rồi đi đến chỗ Phu Nhân Mạt Lợi, tâu trình đầy đủ những lời đức Phật đã nói.

Phu Nhân liền đến chỗ vua Ba Tư Nặc thưa:

“Thiếp có chỗ muốn hỏi, mong Đại vương nghe rồi xin trả lời từng việc một, xin hỏi: “Đại vương có thương yêu vương tử Lưu Ly, vương tử Y La chăng?”

Vua đáp: “Ta rất thương yêu các Vương Tử”.

Phu Nhân hỏi: “Nếu các Vương tử bị chết đi, Đại vương có sầu khổ không?”

Vua trả lời: “Đúng vậy, ta sẽ rất buồn khổ”.

Phu Nhân nói: “Như vậy ân ái biệt ly đều gây buồn khổ”.

Phu Nhân lại hỏi: “Đại vương có nhớ phu nhân Tát La Đà dòng Sát Lợi không?”

Vua đáp: “Rất nhớ”.

Phu Nhân lại hỏi: “Giả thử phu nhân Tát La Đà có sự biến đổi Đại vương có lo không?”

Vua Trả lời: “Ta rất sầu lo”.

Phu Nhân nói: “Hãy lấy thí dụ này mà biết ân ái biệt ly khổ, oán ghét hội họp khổ, đều là buồn lo chẳng thể vui được”.

Rồi Phu Nhân lại hỏi tiếp: “Đại vương có yêu quý nhân dân Ca Thi Câu Tát La không, giả thử trong nhân dân có biến đổi Đại vương có lo buồn không?”

Vua nói: “Ta rất yêu thương tất cả nhân dân, nếu có biến đổi thì mạng ta cùng chẳng còn, vì sao? Ta nhờ nhân dân mới được tồn tại, huống là chẳng lo buồn ư?

Phu Nhân nói: “Lấy thí dụ mà biết ân ái biệt ly đều là lo buồn sầu khổ, không vui vẻ”.

Bấy giờ vua Ba Tư Nặc qùy gối phải chắp tay hướng về phía đạo tràng Kỳ Hoàn mà nói: “Thật kỳ lạ! Thật kỳ lạ! Thế Tôn nói pháp này, không phải pháp trước đây người ta nói tin nhảm, nên đã có sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra!”.

Bấy giờ đức Phật nghe (bằng Thiên nhĩ) phu nhân Mạt Lợi cùng vua Ba Tư Nặc bàn luận, liền bảo các Tỳ Kheo: “Phu nhân Mạt lợi rất thông minh, nếu Ta bàn luận cũng lấy nghĩa như thế nói cho Vua, giống như Phu Nhân đã nói không khác”.

LỜI BÀN:

Xuyên qua câu chuyện, chúng ta thấy cùng là một sự việc nghe lời người đồn đãi, vua Ba Tư Nặc có ngay kết luận rằng lời Phật nói như thế là không phải, không thể chấp nhận được. Còn phu nhân Mạt Lợi lại khác, bà cho rằng nếu quả thật đức Phật có nói như thế thì phải có lý do để nói, nên bà đã nói: “Thiếp không nghe Thế Tôn dạy lời ấy, nhưng nếu Ngài có dạy như thế cũng chẳng phải lời hư dối”, Phu nhân đã đặt lòng tin tuyệt đối vào đức Phật, vì sao? Vì từ bấy lâu bà đã từng nghe rất nhiều lần đức Phật thuyết pháp, bà đã học hỏi được rất nhiều ở nơi Ngài, và không hề thấy một lời nói nào sai trái cả, nên bà đã có tín tâm kiên cố đối với đức Phật, tức là lòng tin của bà đã có bằng chứng rõ ràng rồi, chứ không phải là lòng tin mù quáng không thể chứng minh. Khi bị Vua chê bai, bà không phản ứng mà liền cử người đi gặp đức Phật để hỏi cho rõ sự việc thực hư, khi đã biết chắc chắn sự việc rồi bà liền gặp Vua, bà nói về nghĩa yêu thương chia ly khổ, oán ghét hội họp khổ không vui, để giải thích cho Vua một cách khéo léo làm cho Vua tỉnh ngộ, đó là việc làm của người trí tuệ vậy.

Toàn Không

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/09/2010(Xem: 7898)
Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc có vua Lương Võ Đế rất tin tưởng Phật pháp, song bà Hoàng hậu tên Hy Thị được vua yêu quý nhất thì tánh lại độc ác...
26/09/2010(Xem: 9251)
Từ trong lòng Tánh Không luận đi ra, người ta thử thay đổi các bình diện biểu lộ của nó, rồi qua những gì sẽ đạt được, trong lãnh vực suy lý cũng như trong lãnh vực sinh hoạt thực tế...
26/09/2010(Xem: 8029)
Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau này được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN...
25/09/2010(Xem: 8871)
Tượng Phật là để thờ, tất nhiên: như sự bày tỏ niềm tri ân, tôn kính của người Phật tử. Nhưng không chỉ thế, tượng Phật còn để chiêm ngưỡng: như một lối trang trí...
25/09/2010(Xem: 9721)
Mọi sự mọi vật theo luật vô thường, chuyển biến liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, nhất là chúng thay đổi mau chóng. Con người do không rõ được lẽ vô thường sinh diệt đó...
25/09/2010(Xem: 8436)
Pháp môn Lạy Phật không phải chỉ có các Phật tử thuộc truyền thống Tịnh Độ thực hành, nhưng phương pháp này cũng được các truyền thống khác tu tập.
25/09/2010(Xem: 8390)
Đây là một danh từ rất phổ thông trong chốn thiền môn. Pháp khí là những đồ dùng trong chùa nhưng đúng với Phật Pháp như chuông mõ, khánh, tang đẩu, linh, chung cổ...
25/09/2010(Xem: 18081)
Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh. Thứ hai, ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
24/09/2010(Xem: 11956)
Tronghệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động. Cũngnhư có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâudày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đãchỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau...
24/09/2010(Xem: 9688)
Nghèo khó và thịnh vượng là hai điều kiện khác nhau trong số những sự thực của cuộc sống. Bạn, tôi và những người còn lại trong thế giới này rơi vào một trong hai điều kiện ấy. Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay phương diện tâm linh. Rõ ràng hai cụm từ này, “nghèo khó” và “thịnh vượng”, có những ngữ nghĩa khác nhau. Trước khi bàn đến những quan điểm của Phật giáo về sự nghèo khó và thịnh vượng, chúng ta cần biết chính xác về ý nghĩa của hai thuật ngữ này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]