Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thi kệ thực tập chánh niệm hằng ngày

02/03/201206:56(Xem: 15332)
Thi kệ thực tập chánh niệm hằng ngày

Thi kệ là những bài thơ ngắn mà bạn có thể đọc thuộc lòng trong những sinh hoạt hàng ngày của mình để giúp trở về giây phút hiện tại và an trú trong chánh niệm. Đây là sự hòa quyện giữa thiền tập và thi ca, thi kệ cũng là một phần thiết yếu và đã có lâu đời trong truyền thống thiền tập đạo Bụt. Sử dụng một thi kệ không yêu cầu bất kỳ kiến ​​thức đặc biệt hay một sự thực hành tôn giáo nào. Bắt đầu bạn có thể ghi nhớ một câu mà mình tìm thấy và ưa thích để thực tập. Hay bạn viết những bài thi kệ này xuống một nơi có thể nhìn thấy thường xuyên.

Thi kệ được áp dụng khi chúng ta thức dậy, rửa mặt, trong bữa ăn, rửa bát, uống trà… Bạn có thể thực tập thi kệ trong suốt ngày để giúp bạn thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Trong một khóa tu mùa hè, để giúp các trẻ em và cả người lớn đến Làng Mai thực tập chánh niệm, tôi đã bắt đầu soạn thảo những thi kệ cho những sinh hoạt thiết yếu của đời sống hiện đại ngày nay.

Chúng ta thường trở nên quá bận rộn mà quên đi những gì chúng ta đang làm, chúng ta là ai, thậm chí quên thở! Chúng ta quên nhìn những người mà chúng ta yêu thương và quên lãng sự có mặt trân quý của họ cho đến khi có thể là quá muộn và hối tiếc. Ngay cả khi chúng ta có một ít thời gian rảnh rổi, chúng ta cũng không biết làm thế nào để có được sựu liên hệ và tiếp xúc một cách sâu sắc với những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Ta xem truyền hình, nhận điện thoại, dung internet... vì sợ phải đối diện với sự trống trải của chính mình.

Thiền tập là ý thức về những gì đang xảy ra cho thân thể, cảm xúc, tâm trí và thế giới. Khi bạn có mặt trong hiện tại, bạn sẽ thấy vẻ đẹp và kỳ diệu của những gì ngay trước mắt mình, đôi mắt của trẻ thơ, ánh mặt trời buổi ban mai, nét mặt của người thương... Bạn có thể rất hạnh phúc chỉ bằng cách ý thức về những gì đang ở trước mặt mình. Thực tập thi kệ là một trong những cách để giúp bạn sống tỉnh thức và thưởng thức được một cách sâu sắc nhất những gì trong giây phút hiện tại, đó chính là nhu yếu thâm sâu nhất của con người.

Khi bạn đã thuộc một bài thi kệ, nó sẽ đến với bạn hoàn toàn tự nhiên, như khi nâng chén trà lên, nếu bạn có chánh niệm thì tự khắc bài kệ sau đây sẽ đến với bạn:

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây

Bạn không cần học thuộc lòng một lần tất cả các bài kệ. Bạn có thể bắt đầu với vài bài mà bạn ưa thích, rồi từ từ học thêm một bài, rồi một bài khác.

Những bài thi kệ này có công năng nuôi dưỡng sự tỉnh thức, nuôi dưỡng chánh niệm. Xử dụng chúng trong một thời gian bạn sẽ thấy có sự biến đổi trong cuộc đời của bạn. Bạn sẽ có chánh niệm, điềm tỉnh, bình an và niềm vui trong mỗi tư thế và động tác hằng ngày.

Bạn hãy sáng tác thêm những thi kệ cho riêng mình để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Những bài thi kệ sẽ là những người bạn đồng hành vững chãi và thú vị.

THỨC DẬY
Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời

QUƠ DÉP
Đặt chân trên mặt đất
Là thể hiện thần thông
Từng bước chân tỉnh thức
Làm hiển lộ pháp thân

XUỐNG GIƯỜNG
Sáng, trưa, chiều và tối
Mọi loài hãy giữ gìn
Nếu dưới chân lỡ đạp
Xin nguyện chóng siêu sinh
Nam mô Bồ Tát Siêu Lạc Địa

BẬT ĐÈN
Thất niệm là bóng đêm
Chánh niệm là ánh sáng
Đưa tỉnh thức trở về
Cho thế gian tỏ rạng
XẾP MỀN
Xếp mền cho niềm vui
Sống ngăn nắp cuộc đời
Thân và tâm thúc liễm
Phiền não phải rụng rơi

MỞ CỬA SỔ
Mở cửa nhìn pháp thân
Đời mầu nhiệm không cùng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Dòng nước tâm trong ngần

VẶN NƯỚC
Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy
ĐÁNH RĂNG
Đánh răng và súc miệng
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn tâm

SÚC MIỆNG
Súc miệng lòng cũng sạch
Vũ trụ ngát hoa hương
Ba nghiệp thường thanh tịnh
Cùng Bụt chơi Tây phương

RỬA MẶT
Rửa mặt là rửa tâm
Sạch hết mọi cấu trần
Để cho nguồn an lạc
Đi vào cả châu thân
VÀO NHÀ CẦU
Không nhơ cũng không sạch
Không bớt cũng không thêm
Trí tuệ Ba La Mật
Không có pháp nào trên

ĐI TIỂU
Đi tiểu trong bản môn
Đổi trao nào kỳ diệu
Ta và ngươi không hai
Không dư mà không thiếu

RỬA TAY
Múc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này
TẮM
Không sinh cũng không diệt
Không trước cũng không sau
Trao truyền và tiếp thọ
Pháp giới tính nhiệm mầu

CẠO TÓC
Cạo sạch mái tóc
Nguyện cho mọi người
Dứt hết phiền não
Độ thoát cho đời

RỬA CHÂN
Sự an lạc
của ngón chân
Niềm an lạc
của thân tâm
SOI GƯƠNG
Chánh niệm là đài gương
Gương soi hình tứ đại
Đẹp nhất là tình thương
Và cái nhìn rộng rãi

MẶC ÁO
Mặc áo trong tích môn
Trang nghiêm y chánh báo
Tịnh độ trong tầm tay
Nước non cùng sáng tạo

MẶC ÁO NHẬT BÌNH
Mang áo của người tu
Tâm tư thường khỏe nhẹ
Nguyện sống đời thảnh thơi
Đem vui cho trần thế

KHOÁC ÁO CA SA
(nâng ngang trán)
Đẹp thay áo giải thoát
Áo ruộng phước nhiệm mầu
Con cúi đầu tiếp nhận
Đời đời nguyện mang theo

LÊN XUỐNG CẦU THANG
Lên hay xuống cầu thang
Bước chân thường nhẹ nhàng
Nếu nghe tiếng lộp cộp
Là biết lòng chưa an
KỆ CHUÔNG (1)
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn
KỆ CHUÔNG (2)
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Xa xôi tăm tối cũng đều nghe
Những ai lạc bước mau dừng lại
Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về

KỆ CHUÔNG (3)
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về

NGHE CHUÔNG (1)
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

NGHE CHUÔNG (2)
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi

NGHE CHUÔNG (3)
Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương


XẾP GIÀY DÉP
Đặt dép giày ngay ngắn
Xin nguyện cho mọi người
Đôi chân thường chánh niệm
Vào ra luôn thảnh thơi

VÀO THIỀN ĐƯỜNG
Vào thiền đường
Thấy chân tâm
Một ngồi xuống
Dứt trầm luân
ĐỐT NẾN
Thắp lên một ngọn đèn
Cúng dường vô lượng Bụt
Một tâm niệm an lành
Làm rạng ngời mặt đất

ĐỐT LÒ
Đốt lò trong bản môn
Gửi mây về mùa Hạ
Cất mặt trời để dành
Cho những ngày Đông giá

QUÁN TƯỞNG TRƯỚC KHI LỄ BỤT
Trong thể tính chân như
Không chủ thể đối tượng
Đệ tử kính lạy Bụt
Trong tương cảm nhiệm mầu
Biểu hiện khắp mười phương
Như Đế châu ảnh chiếu
Nơi nào cũng có Bụt
Và có con kính lạy

NGỒI THIỀN SÁNG
Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức
Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi

NGỒI XUỐNG
Ngồi đây ngồi cội Bồ Đề
Vững thân chánh niệm không hề lãng xao

NGỒI THIỀN TỐI
Vững thân ngồi dưới cội bồ đề
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm
Rõ soi diện mục thoát bờ mê

ĐIỀU THÂN
Trong tư thế kiết già
Đóa hoa nhân phẩm nở
Ưu Đàm Hoa muôn thuở
Vẫn tỏa ngát hương thơm

ĐIỀU CHỈNH HƠI THỞ
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời
THỞ (1)
Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần
Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang

THỞ (2)
Thở vào biết thở vào
Thở ra biết thở ra
Hơi thở vào đã sâu
Hơi thở ra đã chậm
Thở vào tôi thấy khỏe
Thở ra tôi thấy nhẹ
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời

THỞ (3)
Đã về
Đã tới
Bây giờ
Ở đây
Vững chãi
Thảnh thơi
Quay về
Nương tựa
Nay tôi đã về
Nay tôi đã tới
An trú bây giờ
An trú ở đây
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng
Cửa vô sinh mở rồi
Trạm nhiên và bất động

NGỒI THIỀN (1)
Ngồi thiền trong tích môn
Nơi nào không thành đạo?
Sinh tử trải bao lần
Phút giây nào độc đáo

NGỒI THIỀN (2)
Ngồi thiền trong bản môn
Giây nào cũng thành đạo
Cội nào cũng bồ đề
Tòa nào cũng Đa bảo
TÊ CHÂN ĐỔI CÁCH NGỒI
Khổ thọ và lạc thọ
Như mây trời theo gió
Hơi thở là giây neo
Thuyền về nơi bến cũ

THIỀN HÀNH
Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen

CHẮP TAY CHÀO
Sen búp xin tặng người
Một vị Bụt tương lai
NÂNG BÌNH BÁT (1)
Bình bát của Như Lai
Nay được nâng trên tay
Nguyện hết lòng thực tập
Pháp tam luân không tịch

NÂNG BÌNH BÁT (2)
Bình bát của Như Lai
Dùng làm ứng lượng khí
Xin giữ để nuôi thân
Và nuôi lớn chánh trí

NÂNG BÁT KHÔNG
Tay nâng chiếc bát không
Tôi biết rằng trưa nay
Tôi có đủ may mắn
Để có bát cơm đầy
NÂNG BÁT ĐẦY
Tay nâng bát cơm đầy
Tôi thấy rõ vạn vật
Đang dang tay góp mặt
Để cùng nuôi dưỡng tôi
CHÚ NGUYỆN
Pháp Bụt thật phi thường
Bảy hạt đầy mười phương
Cúng dường khắp pháp giới
Từ bi không biên cương
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)

XUẤT SANH
Đại bàng Garuda
Quỷ thần nơi khoáng dã
Mẹ con quỷ La Sát
Cam lồ đều no đủ
Án mục đế tóa ha (3 lần)

TRƯỚC KHI ĂN
Vạn vật tranh sống
Trên quả đất này
Nguyện cho tất cả
Có bát cơm đầy
BỐN ĐŨA ĐẦU
Đũa thứ nhất, học hiến tặng niềm vui
Đũa thứ hai, học làm vơi nỗi khổ
Đũa thứ ba, học giữ lòng hoan hỷ
Đũa thứ tư, học thực tập thả buông
ĂN CƠM (1)
Ăn cơm nơi tích môn
Nuôi sống cả tổ tiên
Mở đường cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên

ĂN CƠM (2)
Ăn cơm nơi tích môn
Nhai đều như nhịp thở
Nhiệm mầu ta nuôi nhau
Từ bi nguyền cứu độ

NHÌN BÁT CƠM ĐÃ SẠCH THỨC ĂN
Bát cơm đã vơi
Bụng đã no rồi
Bốn ơn xin nhớ
Nguyện sẽ đền bồi

NÂNG CHÉN TRÀ LÊN
Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Nơi này và ở đây

KỆ VÔ THƯỜNG
Ngày nay đã qua
Đời sống ngắn lại
Hãy nhìn cho kỹ
Ta đã làm gì?
Đại chúng hãy cùng tinh tấn
Thiền tập hết lòng
Sống cho sâu sắc và thảnh thơi
Đừng để tháng ngày trôi đi oan uổng

RỬA BÁT (1)
Rửa bát trong tích môn
Ta rửa bát ngàn đời
Bát dơ rồi bát sạch
Đều trên đường rong chơi

RỬA BÁT (2)
Rửa bát trong tích môn
Ta nhìn ta mỉm cười
Ta làm chi đó vậy
Kìa nụ hồng đang tươi
RỬA BÁT (3)
Rửa bát nơi tích môn
Chồng lên ba vạn cái
Nhìn qua cửa bản môn
Bát rửa hoài không ngại
QUÉT TƯỚC
Siêng năng quét đất Bụt
Cây tuệ nẩy mầm xanh
QUÉT LÁ (1)
Quét lá nơi bản môn
Lá nào cũng thị hiện
Chơi đi trốn đi tìm
Chẳng đi mà chẳng đến

QUÉT LÁ (2)
Quét lá nơi bản môn
Ta cùng Người thị hiện
Đi về phía mặt trời
Hẹn nhau cùng lên tiếng

TƯỚI CÂY TRONG CHẬU
Đừng thấy mình riêng lẻ cây ơi
Nước này tuôn chảy từ mạch đất trời
Nước này là đại địa
Ta có nhau tự muôn đời
DỌN THIỀN ĐƯỜNG
Nơi thiền đường im mát
Quét dọn không thấy mệt

CẮT HOA
Xin cắt một cành hoa
Tặng phẩm của đất trời
Hoa là vị Bồ Tát
Làm đẹp cho cuộc đời

CẮM HOA
Trang nghiêm Tịnh Độ
Nơi cõi ta bà
Đất tâm thanh tịnh
Hiển lộ ngàn hoa
THAY NƯỚC BÌNH HOA
Nước giữ hoa tươi
Hoa nở cho người
Hoa thở tôi thở
Hoa cười tôi cườ

TẮM BỤT
Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ quang minh công đức lớn
Chúng sanh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân

CHÙI CẦU TIÊU
Đẹp thay sự quét dọn
Tịnh nghiệp ngày thêm lớn
ĐỔ RÁC (1)
Một thùng rác bẩn
Một bông hồng thơm
Muôn vật chuyển hóa
Thường trong vô thường

ĐỔ RÁC (2)
Đổ rác chốn bản môn
Nhìn cái nhìn bất nhị
Gửi gắm về tương lai
Bông hoa đầu thế kỷ

LÀM VƯỜN
Đất đưa ta ra đời
Rồi đất ôm ấp ta
Sinh diệt trong hơi thở
Sinh diệt như hằng sa
TRỒNG CÂY
Tôi gửi tôi cho đất
Đất gửi đất cho tôi
Tôi gửi tôi nơi Bụt
Bụt gửi Bụt nơi tôi

NHỔ CỎ (1)
Nhổ cỏ nơi tích môn
Nhớ đến Lý Huệ Tông
Ta nhổ cỏ dùm vua
Hiến tặng đời sự sống

NHỔ CỎ (2)
Nhổ cỏ nơi tích môn
Nhớ đến Trần Thái Tông
Nhổ cỏ dùm Chiêu Hoàng
Cho sông dài biển rộng

NHỔ CỎ (3)
Nhổ cỏ nơi tích môn
Nhớ nhìn bản môn cười
Bản môn không che mặt
Tích môn liền thảnh thơi

NHỔ CỎ (4)
Nhổ cỏ nơi bản môn
Ta nhớ chú điệu xưa
Bụt che chở ngàn đời
Cho muôn ngàn cậu bé

TƯỚI CÂY (1)
Nước mát và mặt trời
Cùng làm nên màu xanh
Cam lộ của Bồ Tát
Rưới xuống nơi sa mạc
Thành biển xanh
Mông mênh

TƯỚI CÂY (2)
Tưới cây trong bản môn
Tham dự vào sự sống
Mây tuyết cùng một dòng
Núi cao về biển rộng
TƯỚI CÂY (3)
Tưới cây trong tích môn
Tham dự vào sự sống
Mây tuyết cùng một dòng
Núi cao về biển rộng
LẶT RAU
Mặt trời xanh rờn một rổ rau tươi
Vạn pháp nương nhau làm nên cuộc đời

MỞ MÁY VI TÍNH
Thắp lên máy vi tính
Ý tiếp xúc với Tàng
Tập khí nguyện chuyển hóa
Nuôi lớn Hiểu và Thương

NHẤC ĐIỆN THOẠI
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu
GẮN DÂY AN TOÀN
Hai phần ba tai nạn
Xảy ra tại gần nhà
Biết vậy tôi cẩn trọng
Dù không đi đâu xa

CHÍT KHĂN
Mái tóc đẹp ngày nào
Nay thành chiếc khăn nâu
Giúp tôi luôn ý thức
Tự do là người tu

ĐI XE ĐẠP
Ngồi thẳng trên xe đạp
Vững chãi giữ thăng bằng
Phúc xin tu cùng Tuệ
Hành và Giải song song
TRƯỚC KHI RỒ MÁY XE
Trước khi cho máy nổ
Tôi biết tôi đi đâu
Xe với tôi là một
Xe mau tôi cũng mau
GIẬN (1)
Cái giận làm tôi xấu
Biết vậy tôi mỉm cười
Quay về thủ hộ ý
Từ quán không buông lơi

GIẬN (2)
Giận nhau trong tích môn
Thở nhìn bản môn cười
Trò ghét thương đắp đổi
Sông nước cứ đầy vơi

GIẬN (3)
Giận nhau trong tích môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Người đâu và ta đâu?
NHÌN BÀN TAY
Bàn tay là của ai
Chưa từng một lần chết
Ai ngày qua đã sinh
Ai ngày mai sẽ diệt

KHÂU ÁO
Khâu áo chốn tích môn
Cho đời lành lặn lại
Mũi kim sợi chỉ này
Là công phu gặt hái

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/10/2010(Xem: 8671)
Chủ nhật vừa qua tôi hết sức vui mừng vì đã thuyết bài Pháp đầu tiên tại Singapore. Ðương nhiên khi nhìn thấy số thính chúng nhiệt tình mộ đạo như vậy và khi trông thấy giảng đường chật kín, có số người còn đứng tràn ra ngoài, tôi vô cùng phấn khởi, sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân nào đưa đến một số thính chúng tham dự đông đảo nồng nhiệt như vậy.
27/10/2010(Xem: 7821)
Cuộc đời là những mâu thuẫn, ở đây tôi không nói những gì cao siêu mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử. Chúng ta sống như thế nào để cuộc đời được an lành tự tại, không bị đau khổ làm ray rứt.
27/10/2010(Xem: 10383)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
27/10/2010(Xem: 10073)
Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
27/10/2010(Xem: 11913)
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
27/10/2010(Xem: 7648)
Vì Sao Cần Phải Niệm Phật? Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung. Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Độ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!
25/10/2010(Xem: 7197)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
23/10/2010(Xem: 9294)
Từ hơn bốn mươi năm nay, chưa bao giờ Việt Nam đứng ra tổ chức một lễ Phật Đản lớn về tất cả mọi mặt: tôn giáo, văn hóa, xã hội, và về cả chính trị như lần này. Nói lớn về cả chính trị là bởi trong ba ngày vừa qua, thủ đô Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới.
23/10/2010(Xem: 10479)
Trong kinh Pháp Hoa có dạy: "Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mới xuất hiện ra đời, để mở bày, chỉ dạy chúng sanh giác ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật". Giáo pháp của Phật như biển rộng rừng sâu, tuy nhiên cũng có thể tóm thâu trong bốn câu kệ: “Chư ác mạc tác Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý Thị chư Phật giáo”.
23/10/2010(Xem: 9285)
"Mưa dầm thấm sâu, sẽ giúp con cháu trong gia đình đến với đạo Phật, thực hành theo lời dạy của đức Phật một cách tự nhiên và bền vững. Điều quan trọng là tự thân của mỗi người cư sĩ Phật tử nên tự nổ lực tinh tiến tu học, cẩn thận ba nghiệp thân miệng ý, làm sao để trở thành một tấm gương sáng cho con cháu noi theo"
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]