Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật chưa từng nhập diệt

28/04/201114:51(Xem: 5695)
Đức Phật chưa từng nhập diệt

ĐỨC PHẬT CHƯA TỪNG NHẬP DIỆT

Tôn Nữ Diệu Liên

Thăm xứ Ấn Sau khi hoàn tất một số công việc từ thiện ở Biển Hồ, tôi giã từ Cam Pu Chia để chuẩn bị vào Ấn Độ. Vừa rời phi trường chuyển tiếp Thái Lan được một ngày thì phi trường bị đoàn biểu tình làm tê liệt. May quá, nếu không có lẽ tôi sẽ phải ở lại đây một thời gian thật lâu.

Lần đầu tiên đến chiêm bái xứ Phật, không một người quen, tôi may mắn được thầy Tánh Tuệ và sư cô Liên Thật ra đón tận phi trường. Vùng nầy thuộc tỉnh Gaya, nơi có những thánh tích Phật giáo như Bồ Đề Đạo Tràng, Khổ Hạnh Lâm, sông Ni Liên Thuyền… Mục đích của chuyến đi nầy là xem lại những công việc từ thiện của “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” đã làm trong những năm qua, tìm hiểu để làm thêm những công việc mới, mong giúp một chút cho Đạo và chia xẻ khó khăn với những người dân giai cấp cùng đinh.


Tượng Đức Phật Niết Bàn ở Ấn Độ

Có lẽ vì là vùng đất Thánh, nên mọi kế hoạch từ thiện của tôi tại đây đã biến thành các Phật sự mầu nhiệm. Việc đầu tiên là tôi quyết định không ở khách sạn, xin về lưu trú tại một ngôi chùa Việt Nam có thời khóa tu học: tụng kinh lúc 4 giờ sáng, 5 giờ nghe thuyết pháp và 6 giờ ăn điểm tâm. Chùa đang xây dựng nên chưa có phòng cho Phật tử vãng lai. Chùa được dựng tạm lên bằng những tấm tolle, vách hở nên gió và bụi bay vào, nằm bên cạnh đồng ruộng nên có nhiều chuột. Những con mèo hoang trong làng vào chùa rượt chuột chạy rầm rầm cả đêm. Mặc dù là tuổi chuột nhưng tôi rất sợ Chuột. Ngày đầu khi về phòng, tôi co chân ngồi trên giường và bỏ mùng xuống để các “cô”, “chú” ham rượt nhau không tông vào tôi. Những lúc như vậy thì tôi trì chú Đại Bi, khi tâm dịu xuống thì tôi ngồi yên theo dõi hơi thở. Tôi quán tưởng hình ảnh ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện vào rừng lang thang một mình, sống hòa đồng với thú dữ, chịu cảnh màn trời chiếu đất, rừng sâu nước độc. Hình ảnh con đường tìm đạo 2.500 năm về trước của đức Phật với nhiều chông gai và thử thách giúp tôi vượt qua được khổ thọ khi phải sống chung với mấy chú Chuột trong chùa. Và hình như các Chú các Cô cũng cảm được cái “oán tắng hội khổ” nên chỉ ba ngày sau, các chú mèo và chuột, rút hết ra khỏi phòng, qua tạm cư ở những căn nhà kho không có người xử dụng.

Tôi còn nhớ vào năm 1997, cũng nhờ quán tưởng cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông mà tôi đã leo lên được đỉnh núi Yên Tử. Lúc đó đường lên núi chưa có dây cáp, chồng tôi và tôi được Ni sư Như Minh cho đi tham quan núi Yên Tử. Khi leo lên giữa núi, nhìn thấy bên trái vách núi cao chọc trời, bên phải thì vực sâu thăm thẳm. Tôi tự trách mình sao lại tìm đến những nơi nguy hiểm, lỡ trượt chân mất mạng thì thật là khờ khạo biết bao. Để trấn an tâm sợ hãi và những suy nghĩ dại dột, tôi mang hình ảnh vua Trần Nhân Tông ngày xưa một mình lên núi ra để giúp tôi có thêm năng lực tiếp tục lên đường. Khi tôi bước trên rễ lớn của những cây thông bắt ngang làm thành bậc đi lên, tôi nghe kể lại rằng, những hàng Thông nầy là do Vua Trần Nhân Tông trồng trong thời gian ở đây, tôi bắt đầu bước những bước chân vững chãi hơn, ý thức rõ con đường với những kỷ niệm của người xưa để lại. Những bước chân của tôi hôm nay có lẽ đã dẫm lên những bước chân của Ngài hơn 700 năm về trước. Bao nỗi sợ hãi trong lòng tan biến, tôi không còn bị ảnh hưởng của địa thế núi rừng hiểm trở, mà chỉ còn lại ý thức của mỗi bước chân đi và hình ảnh tuyệt vời của một lão tăng, đầy dũng khí.

Trở lại câu chuyện Xứ Phật, sau khi được thoải mái vì không phải sống chung với các chú Chuột, tôi đối đầu với thức ăn khó nuốt. Thức ăn khô trong chùa được quý Phật tử Việt Nam cúng dường mang theo trong các chuyến hành hương. Nhiều lần họ đem được vào Ấn Độ rồi nhờ người chuyển về chùa, vì vậy có những thức ăn khô 2 năm sau mới đến được chùa. Những gói mì ăn liền bị bể vụn do di chuyển qua nhiều nơi, những lần vo gạo và nếp tôi thấy nhiều hạt nổi lên vì mọt ăn rỗng ruột. Ngôi chùa nầy thuộc hệ phái Khất sĩ, nên mỗi ngày chỉ ăn hai bữa: sáng và trưa, trước giờ ngọ. Khi món ăn được lập đi lập lại mỗi ngày làm tôi bắt đầu khó nuốt, nhưng nghĩ đến sức khỏe và thời tiết khắc nghiệt mùa Đông xứ Ấn, tôi phải nghĩ ra cách đưa thức ăn vào cơ thể. Bài pháp ăn trong chánh niệm của Sư ông Làng Mai đến ngay với tôi để cứu vãn tình huống. Tôi nhớ lại, trong khóa tu mùa Đông năm 1993, trong giờ ăn sáng Sư ông dạy mọi người nhai mẩu bánh mì ít nhất là 50 lần và chỉ nhai bánh mì thôi, vào giờ trưa Sư ông lại nhắc nhở rằng mỗi miếng thức ăn đưa vào miệng chúng ta nhai ít nhất là 80 lần, chúng ta đếm từng lần nhai với ý thức rõ ràng, nương theo hơi thở nương theo số đếm, và chỉ nhai thức ăn mà thôi, không nhai bất cứ cái gì khác. Khi cắn phải miếng đậu que thì ta biết ta đang cắn miếng đậu que, không cắn những nỗi buồn, cơn giận, những dự án... Nhớ lại những lời sư ông dạy tôi đã nhai từng lát bột mì hấp và ý thức là mình đang nhai lát bánh mì hấp cho đến lúc bánh mì dẻo ra thành nước hòa lẫn với nước bọt mới nuốt xuống, không nhai miếng bánh mì dở hay ngon. Sau lần thành công nhai được thức ăn trên 80 lần và nếm được hương vị ngọt lịm của miếng bánh mì hấp mà đáng ra rất nhạt nhẽo; tôi đã tin cách ăn trong chánh niệm, giờ ăn lúc đó không còn khó chịu nữa mà là giây phút thú vị của sự thực tập thiền quán.

Hàng ngày, sau giờ ăn sáng tôi cùng thầy Tánh Tuệ và sư cô Liên Thật vào các làng nghèo để kiểm tra lại các công tác từ thiện đã làm, và tiếp tục làm thêm những công việc mới, tôi học hỏi được nhiều từ chư Tăng Ni về kinh nghiệm từ thiện trên đất Ấn. Tôi trở về trước 11 giờ trưa để kịp dùng cơm, rồi đến giờ nghĩ và xế chiều tôi và chị Diệu Thuận đi bộ ra Bồ Đề Đạo Tràng hay các chùa Việt Nam lân cận để tụng kinh chiều, ngôi chùa tôi tạm trú đi bộ đến Bồ Đề Đạo Tràng mất khoảng 20 phút.

Đức Phật Chưa Từng Nhập Diệt

Những sợi nắng thưa dần nhường chỗ cho bóng chiều buông xuống, tôi đi vào bên trong Bồ Đề Đạo Tràng (BĐĐT) hoà nhập với tăng đoàn tu sĩ và cư sĩ từ nhiều quốc gia quy tụ về đây. Đúng là thế giới Cực Lạc. Tôi bước những bước chân chậm rãi trong chánh niệm, tìm được sự an lạc trong mỗi bước chân đi, nhịp thở điều hoà làm nở hoa dưới gót chân tôi bước, lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả. Thoáng nhẹ trong không gian thênh thang tôi như thấy linh ảnh Đức Phật đang đứng ở dưới gốc cây Bồ Đề cuối bức tường, Ngài với nụ cười nhẹ và đôi mắt từ bi nhìn tôi khích lệ. Đó không phải là mơ, không phải là sự tưởng tượng, mà là một cái cảm thọ của sự tiếp xúc chân thật phát khởi từ tâm thể trong sáng. Không phải một lần mà xảy ra vài lần trong thời gian tôi tu tập tại BĐĐT. Chỉ có những lúc tôi có sự an lạc trọn vẹn và tỉnh thức tròn đầy thì tôi mới tiếp xúc được cảm nhận mầu nhiệm đó. Tôi tin chắc rằng “Đức Phật Chưa Từng Nhập Diệt”, Pháp Thân ngài tỏa sáng khắp mọi nơi, trong bước chân tĩnh lặng tôi thấy rõ tâm thể của một người tỉnh thức; tôi đã nói câu này nhiều lần với chồng tôi trong thời gian tôi sống tại đây. Đức Thế Tôn muốn những đứa con Ngài tự thắp đuốc lên mà đi nên Ngài đã thị hiện Niết Bàn, ngài mãi mãi ở khắp nơi, ngài chưa từng rời xa cội Bồ Đề, chưa từng rời xa Khổ Hạnh Lâm, chưa từng rời xa dòng sông Ni Liên Thuyền. Chỉ cần chúng ta có sự tỉnh thức trọn vẹn thì chúng ta có thể tiếp xúc được với Ngài ngay trong từng bước chân.

Bồ Đề Đạo Tràng

BĐĐT mở cửa từ 4 sáng đến 9 giờ tối, lúc nào cũng tấp nập khách hành hương và tín đồ Phật giáo. Có rất nhiều tu sĩ Tây Tạng về đây tu học, những chiếc áo màu hỏa hoàng của quý sư chiếm đến 80% bên ngoài và trong BĐĐT. Các thánh tích Phật giáo tại vùng Gaya thường có những ngôi chùa Tây Tạng xây bên cạnh, những vị tu sĩ Tây Tạng sống trong các chùa nầy vừa chuyên hành trì, vừa lo chăm sóc thánh tích. Phật giáo Ấn Độ nếu không có hình bóng và sự đóng góp của Phật giáo Tây Tạng thì e rằng sẽ rất nghèo nàn và buồn tẻ. Trong cái khổ nạn mà Phật Giáo Tây Tạng phải gánh chịu trong 50 năm qua, lại sinh ra được cái huy hoàng của nó, đó là sự chấn hưng và phát triển Phật Giáo trên đất nước Ấn vốn đã tàn rụi từ lâu.

Vào những tháng mùa Đông, khí trời chuyển lạnh đẩy lui sức nóng khắc nghiệt, hàng đoàn tu sĩ tụ về BĐĐT để hạ thủ công phu. Hàng ngày có hàng ngàn khách hành hương có mặt bên trong BĐĐT. Trong số đó có khoảng 300 đến 400 người được gọi là tu học thường trú, tu sĩ Tây Tạng chiếm đến 90%, thời khóa mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Mỗi người chọn cho mình một pháp môn tu: trì chú, trì kinh, lễ lạy, thanh tịnh thân và tâm (purify body and mind), thiền định…. Ví như trăm dòng sông cùng đổ về biển cả, hàng trăm người an tĩnh hết lòng thực hành pháp môn của mình, năng lượng tu học hòa điệu trong không gian, không còn một sự ngăn ngại nào ngoài sự thanh tịnh tỏa rộng, thấm vào từng tế bào của cỏ cây, đất đá và hành giả.

Để tỏ lòng hỗ trợ sự tu trì của quý thầy, cô và đại chúng, thầy Thích Tánh Tuệ, sư cô Liên Thật và “MTNCD” đã cúng dường tịnh tài đến 375 vị tu sĩ thường trú. Trước giờ cúng dường, chúng tôi đứng trước linh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cầu nguyện, niệm chú Đại Bi, tụng kinh Phổ Môn. Vì có một quá trình vào ra BĐĐT mỗi ngày nên thầy Tánh Tuệ biết vị tu sĩ nào là tu sĩ thường trú để cúng dường. Tôi lễ lạy một cách thành kính từng vị trước khi dâng phong bì cúng dường. Thầy Tánh Tuệ đi theo hướng dẫn để tôi không bị sót vị nào. Hai chân tôi có lúc không còn có thể đứng lên lạy xuống, tôi quay về theo dõi hơi thở, đưa hơi thở vào ra trong mỗi hành động, khi hơi thở và hành động được hoà hợp với nhau thì tôi chỉ còn một việc là nhiếp hết tâm ý cúng dường, và nhờ vậy mà tôi đã tìm được sự bình an và tập trung cho đến lúc cúng dường vị tu sĩ cuối cùng. Dù chỉ lễ lạy trong 4 tiếng đồng hồ, vậy mà hai ngày liền cơ bắp đau nhức, từ đó tôi mới tâm phục khẩu phục công năng hành trì pháp môn “thanh tịnh thân tâm” của quý thầy Tây Tạng. Mỗi ngày quý sư đã lễ lạy khoảng 2500 lần từ 1 đến 3 tháng. Có một điều kỳ lạ là chẳng ăn uống bồi bổ mà quý sư nhìn rất khoẻ mạnh và tươi vui.

Nuôi Lớn Sự Thanh Tịnh

Hàng ngàn người vào ra BĐĐT ban ngày, còn có những đạo tràng từ các nước Á Châu, phần lớn Thái Lan, về đây đăng ký với văn phòng BĐĐT để ở lại tu từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau, gọi là trưởng tịnh (nuôi lớn sự thanh tịnh). Cá nhân cũng có thể đăng ký với văn phòng, đóng lệ phí 100 rupees để tu trưởng tịnh. Không khí thanh tịnh về đêm tại BĐĐT hoàn toàn khác với ban ngày, những người còn lại sau 9 giờ đêm là những người thật sự muốn tìm đến một sự im lặng tuyệt đối. Mỗi hành giả hành trì pháp môn riêng của mình, chọn một nơi thích hợp và nhất tâm hành trì.

Trước khi lên đường đi Ấn Độ, tôi đã sắp xếp một chương trình dày đặc để mong được thực hiện và học hỏi. Vả lại, trên 15 năm qua chúng ta đã có một quá trình ủng hộ chư tăng tu học ở các tu viện Tây Tạng, nên tôi muốn biết thực trạng của vấn đề để mong điều chỉnh cho thích hợp. Nhưng rồi, như tôi đã nói, tôi đã thật sự tiếp xúc với năng lượng an lạc của tự thân. Những ngày ở đây trở thành những giây phút yên tĩnh lạ thường, từ những bước chân thiền hành qua những khu đất nghèo văng vẳng tiếng kinh chiều của các chùa Tây Tạng cho đến những đêm thanh tịnh tọa thiền, tất cả dâng lên một khúc nhạc trầm lắng và đầy yêu thương, làm cho người qua đây không còn nhất thiết phải làm chi khác nửa. Tôi quyết định dành thời gian để trở về với chính mình, tôi khao khát được tu, và được làm việc từ thiện trong tinh thần chánh niệm.

Vị sư phụ ngôi chùa Việt Nam, nơi tôi xin tá túc, có Phật sự đi xa, nên từ đó mỗi ngày tôi vào BĐĐT lúc 6 giờ chiều, ngồi nhìn mọi người qua lại, hay cùng các bạn đạo chia xẻ những mẩu chuyện, rồi xế tối tôi vào điện chính lễ lạy đức Bổn Sư, tụng kinh Phổ Môn và niệm chú Đại Bi. Chị Diệu Thuận kể lại rằng khi tôi nhiếp tâm tụng kinh thành tiếng rặt giọng Huế thì các sư Tây Tạng chung quanh ngưng tụng, họ nhìn tôi rồi nhìn nhau mỉm cười. Sau 9 giờ tối tôi dựng lều ngồi thiền, và bắt đầu tĩnh tọa, đến gần nữa đêm, rồi đi thiền hành đến lúc bước chân tôi đưa tôi về lều nghỉ ngơi. Thời gian vô tận và không gian thênh thang luôn có mặt nơi đây, không có việc gì cần làm, không có mục đích cần đạt, không cần rong ruổi với thời gian. Tôi đã mở tung ra được nhiều sợi dây ràng buộc trong thời gian ngắn ngủi này mà hương hoa của sự vắng lặng đó vẫn còn ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày của tôi cho đến hôm nay.

Cái lều của tôi được dựng chơ vơ ngoài trời ngay bên lề đường, khí trời về đêm xứ Ấn lạnh lắm, sương rơi thấm ướt tấm khăn tôi trải che gió trên đỉnh lều, khí lạnh từ lớp đá hoa cương dưới nền tỏa ra được làm ấm lại bằng một tấm chăn mỏng. Lều được thiết kế tránh muỗi, dành cho ngồi thiền chứ không phải để nằm, nhưng cũng may là tôi nhỏ xíu, nằm co lại như mình đang nằm trong bào thai mẹ trước khi ra đời, tôi hạnh phúc mỉm cười từ từ đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng những con chó hoang rượt và cắn nhau trong đêm tối. Tờ mờ sáng lúc chưa nhìn rõ được mặt nhau, những bước chân đi mạnh mẽ, những tiếng niệm chú xì xào từ các sư Tây Tạng vào BĐĐT lúc 4 giờ sáng mở đầu cho một ngày mới tu tập, đánh thức tôi dậy. Tôi lấy chăn đắp lên người, ngồi yên trong lều, theo dõi hơi thở và “thiền quan sát” sinh hoạt buổi sáng tại BĐĐT.

Thức dậy mỉm miệng cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời

Năm giờ sáng, sương còn rơi và khí trời se se lạnh, vậy mà tiếng chân người mỗi lúc một rộn ràng hơn, số người thưa thớt ban đầu dần dần trở thành từng đoàn nối chân nhau tìm đến địa điểm hành trì mỗi ngày của mình. Mặt trời từ từ hé dạng, vén nhẹ màn sương khuya, đem hơi ấm ôm ấp lên muôn vật, tôi bước ra khỏi lều và xếp gọn hành trang chuẩn bị đi ăn điểm tâm. Tại khuôn viên trước BĐĐT, dù người sang hay kẻ hèn thì cũng chỉ có hai món để điểm tâm đó là trà sữa và bánh bột mì hay bột chapatti (lúa mì). Mỗi ly trà sữa là 5 ruppes, một cái bánh bột chỉ 10 rupees (0.25 usd), đây cũng là một sinh hoạt đáng nhớ, cái thế giới mà ai cũng như ai, ngồi trên thành lề đường, sưởi ấm hai tay bằng ly trà sữa nóng và lót dạ một miếng bánh mì để chuẩn bị cho một ngày sinh hoạt mới.

Cúng Dường Ba La Mật

Một buổi sáng vào mùa lễ hội Tripitaka, BĐĐT đông nghẹt người về tham dự. Đang đi thiền hành sau thời khóa trưởng tịnh, tôi dừng lại khi nghe tiếng xôn xao khác thường từ phía cổng chính của BĐĐT. Tôi thấy nhiều Phật tử nói tiếng Hoa, có lẽ là người Đài Loan, thuê những em bé người Ấn đem bánh mì và trà sữa vào cúng dường cho bất cứ người nào đang có mặt trong BĐĐT. Họ làm việc nhanh nhẹn để kịp đem đến tặng từng người như sợ người ta đi mất khỏi tầm nhìn của họ, người nhận muốn bao nhiêu thì họ tặng bấy nhiêu, không phân biệt tu sĩ hay khách hành hương, không tính toán, không kỳ thị, không phân tích, họ trao tận tay những miếng bánh mì tươi mềm và ly trà sữa nóng hổi vừa mới rót ra. Họ đến trước mặt tôi để “cúng dường”, tôi lặng yên tiếp nhận, hơi ấm từ ly trà nóng chuyền qua lòng bàn tay theo dòng nước mắt lăn dài trên đôi má, tôi nói thầm “hạnh phúc thay… hạnh phúc thay” khi thấy con người biết sống với nhau trong biển tình thương bao la.

Chó Hoang

Buổi sáng tôi chia xẻ phần điểm tâm cho vài chục con chó. Đây là những con chó hoang, không có nhà để về, không có chủ cho ăn, bãi rác là nơi các “em” tìm thức ăn và ngủ từng bầy với nhau. Rất nhiều chó hoang. Tôi và chị Diệu Thuận mua hàng chục miếng bánh mì, xé nhỏ ra và thảy cho từng em một.

Một hôm khi đi qua làng, tôi thấy một con chó con từ đằng xa, cái đuôi ve vẫy, cái mồm sủa oang oang, “em” thuộc giống Pomerine nên rất đẹp và được nuôi đàng hoàng. Tôi đến gần, ngồi xuống chơi với “em” thì con chó bỗng nhiên ngưng sủa, ngửi quanh người tôi, rồi nhảy chồm lên liếm vào tay vào mặt tôi. Tôi thương quá, ôm “em” vào lòng, và hôn lên đầu lên má “em”, chị Diệu Thuận bảo tôi: “thôi đi mau kẻo tối”. Những hôm đầu tôi nhờ chị Diệu Thuận giúp tôi cho chó ăn bánh mì chị không nhiệt tình cho lắm.

Thế rồi mỗi ngày hai chị em cùng đi tu học với nhau, và thường có những chú chó hoang theo gót chân tôi. Một hôm tôi phát hiện có một con chó màu đen, tôi đặt tên là “Mực” đã theo tôi từ lâu lắm, tận ngoài BĐĐT. Cứ mỗi góc đường Mực lại đứng chờ, tôi rẽ về hướng nào là nó quẹo về hướng đó. Thương quá! tôi nói với chị Diệu Thuận: “Lát nữa về chùa em đứng ngoài giữ nó chị vào tìm thức ăn cho nó giúp em nghe”. Chị Diệu Thuận cản: “thôi, đừng lấy thức ăn cho chó, trong chùa không thích đâu”. Ngay sau câu nói của chị Diệu Thuận, tôi thấy Mực đến trước cổng chùa rồi quây lưng đi ra lại đầu xóm. Tôi không nói gì hết, chạy nhanh vào bếp lấy mấy miếng bánh mì cũ chạy ra thì Mực đã đi mất, tôi cầm miếng bánh mì đi tới đi lui quanh xóm, tôi gọi thầm trong tâm: “Mực ơi! con đi đâu rồi? ra đây với cô đi con” nhưng mãi mãi em không trở lại. Tôi về kể lại cho chị Diệu Thuận nghe và tỏ lòng xót xa. Từ hôm đó chị Diệu Thuận không còn ngăn cản tôi “thương chó”, chị đã phụ tôi xé bánh mì và ném ra cho từng con một. Tôi rất vui vì có lần các “em” đến đông quá, chị bảo tôi mua thêm ít miếng nữa vì còn một số “em” ăn chưa no.

Hôm nay ghi lại đây một vài kỷ niệm của những ngày hạnh phúc bên Bồ Đề Đạo Tràng như một sự chia xẻ nồng ấm với mọi người. Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553, xin dâng một đóa tâm hương với tất cả lòng thành kính lên đức Thế Tôn. Nguyện cầu cho chúng ta có đủ hùng lực để cùng nhau vững tiến trên con đường giác ngộ. Kính chúc các bật tôn túc, cùng chư tăng ni vô lượng an lành.

Tôn Nữ Diệu Liên Mùa Phật đản – PL. 2553


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/04/2012(Xem: 11310)
Đầu tiên cần nhớ lại định nghĩa về nghiệp xấu – bất cứ hành động nào mà kết quả là khổ đau, thông thường là một hành động thúc đẩy bởi sự ngu dốt, gắn bó hay thù ghét.
18/04/2012(Xem: 10081)
Ban cho với lòng vị tha có ý nghĩa rèn luyện từ chiều sâu của trái tim trong một thái độ rộng lượng chẳng hạn mà chúng ta không tìm cầu bất cứ một phần thưởng hay kết quả nào cho chính mình. Hãy nghĩ về hành vi từ thiện và tất cả những lợi ích của nó như chỉ hướng đến lợi ích của người khác. Mặc dù từ thiện có thể được tiến hành bởi những ai tìm kiếm lợi ích cho chính họ, chẳng hạn như ai đấy hiến tặng từ thiện nhằm để trở nên nổi tiếng, bố thí vị tha hoàn toàn không liên hệ đến lòng vị kỷ.
18/04/2012(Xem: 10444)
Chức năng đặc trưng của đại bi là gì? Như Liên Hoa Giới[1]nói trong Những Giai Tầng Thiền Quán: Khi chúng ta cảm thấy bi mẫn tự động phát sinh nguyện ước tiêu trừ hoàn toàn khổ đau của tất cảchúng sinh - giống như nguyện ước của một bà mẹ làm vơi bớt nổi khổ đau vì bệnhtật của đứa con yêu mến ngọt ngào của bà - thế thì lòng bi mẫn của chúng ta làhoàn toàn và do thế được gọi là đại bi[2].
17/04/2012(Xem: 10261)
Kính lễ đạo sư! Với lòng sùng mộ đến bậc đạo sư, Tam Bảo vô thượng, Và đức Bổn tôn được chọn, con xin quy y [các ngài]. Để tất thảy chúng sinh, nhiều như hư không vô tận...
16/04/2012(Xem: 7153)
Việc thực hành Pháp là một vấn đề nghiêm túc và quan trọng, mọi người cần phải nhận ra điều này. Đây là cơ hội quý giá sắp đến, điều mà chưa bao giờ từng đến trước đây.
16/04/2012(Xem: 8676)
ột vài người có thể nghĩ rằng, Rime (Rimed, phát âm là Remay) là một truyền thống riêng biệt của Phật giáo Tây Tạng, hay đây là một truyền thống mới, tách biệt khỏi tám dòng truyền thừa thực hành hay năm truyền thống chính. Nhưng sự thật thì không phải thế.
16/04/2012(Xem: 9223)
Chìa khóa để khơi dậy sự gia trì là lòng sùng mộ với động lực là sự ăn năn, của những cách thức cũ và từ bỏ luân hồi. Lòng sùng mộ này không chỉ là sự lặp lại đơn thuần...
14/04/2012(Xem: 8557)
Phật giáo dùng một thí dụ dễ hình dung và đầy thi vị để tượng trưng cho sự tu tập : « vượt sang bờ bên kia của đại dương khổ đau». « Vượt sang bờ bên kia» là nghĩa từ chương của chữ Ba-la-mật,tiếng Phạn là Paramita, kinh sách gốc Hán gọi là « đáo bỉ ngạn» (đến được bờ bên kia). Nhưng thật ra ý nghĩa của chữ Ba-la-mật thường được hiểu theo nghĩa bóng là « Hoàn hảo», « Hoàn thiện», « Siêu nhiên», « Đạo hạnh siêu phàm», « Đạt đuợc trí tuệ siêu việt»…
14/04/2012(Xem: 8189)
Cólẽ người đọc cũng hơi ngạc nhiên với một chủ đề xưanhư trái đất. Không biết đã có bao nhiêu băng đĩa CD, sáchvở, bài viết, bài giảng về chủ đề Chánh ngữ. Tuy nhiêndù đã thuộc lòng hay đã nghe giảng đến nhàm tai, có baogiờ ta tự hỏi đã áp dụng chánh ngữ được bao nhiêu lầntrong cuộc sống của mình và có khi nào ta tìm hiểu xem vaitrò của chánh ngữ nằm ở đâu không trong cái xã hội tântiến ngày nay ?
13/04/2012(Xem: 14803)
Hiện tại chúng ta niệm Phật là niệm tự tâm. Vì tự nơi mỗi chúng sanh ai cũng có Phật nhân, mà, khi đã có Phật nhân thì liền có Phật quả - là thành Phật...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]