Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tứ y cứ - bốn phép nương tựa

19/09/201009:01(Xem: 9773)
Tứ y cứ - bốn phép nương tựa


Duc_Phat_Thich_Ca (4)

Đức Thế Tôn đã cẩn trọng để lại cho chúng ta rất nhiều tiêu chuẩn thẩm định chánh pháp như Duyên khởi, Tứ y cứ, Nhị đế, Tam pháp ấn v.v… Trong đó, Tứ y cứ là một thước đo quan trọng nhưng ít được đem ra sử dụng một cách rộng rãi và triệt để, nếu không nói là bị lãng quên.

Chúng ta đều biết, đạo Phật đã có cách nay hơn 26 thế kỷ, nên việc truyền thừa qua nhiều thế hệ chắc chắn có những sai sót và lầm lẫn. Thật đáng lo ngại nếu chúng ta không có những cơ sở tin cậy để soi sáng, để tìm ra con đường tu tập chánh thống. May thay, đức Thế Tôn đã cẩn trọng để lại cho chúng ta rất nhiều tiêu chuẩn thẩm định chánh pháp như Duyên khởi, Tứ y cứ, Nhị đế, Tam pháp ấn v.v… Trong đó, Tứ y cứ là một thước đo quan trọng nhưng ít được đem ra sử dụng một cách rộng rãi và triệt để, nếu không nói là bị lãng quên.

1. Y PHÁP BẤT Y NHÂN

Trong truyền thống Phật giáo, đời sống thực tế (thân giáo) của bậc tu hành luôn là cách trao truyền mạnh mẽ và có công năng chuyển hóa người học hơn những bài thuyết giảng (khẩu giáo). Bởi giáo pháp của Phật phải tự mình đến để chứng tri, để thông đạt chứ không thể nắm bắt trên ngôn từ vốn không thể chuyên chở hết nghĩa lý. Nếu vì căn cơ mà phải sử dụng ngôn từ thì đó cũng chỉ là một sự cố gắng. Và tất nhiên, những ngôn từ đó phải tương ưng với sự thực hành (ngôn hành hợp nhất).

Ngày xưa, Đức Thế Tôn cũng từng ngồi im lặng suốt đêm, không nói một lời nào khi mấy thầy từ xa về viếng. Thị giả A Nan còn trẻ, sốt ruột đã nhiều lần xin đức Thế Tôn khuyên nhủ họ đôi điều. Đức Thế Tôn mỉm cười và bảo rằng thầy trò ngồi với nhau như vậy chưa đủ lắm sao, còn gì hay hơn để nói thêm nữa.

Các vị Tổ sư sau này cũng thường sử dụng phương pháp chỉ dạy vô ngôn đó. Thiền sư Triệu Châu nói tới nói lui mỗi câu “Uống trà đi!” hay “Cây bách trước sân!” để khai thị người học đạo. Thiền sư Lâm Tế mỗi lần lên pháp tòa chỉ nói một đôi câu vắn tắt hay một cụm từ cô đọng rồi lặng lẽ bỏ xuống. Nếu thiền sinh muốn nắm bắt tâm ý thầy tổ từ những bài giảng dạy bằng lời thì sẽ hụt hẫng. Thông điệp của thiền sư không nằm nơi lời nói.

Phép y cứ này có vẻ như khuyên ta chỉ nên nương tựa vào những giáo pháp được chia sẻ bằng ngôn từ chứ không nên quá chú ý hay đòi hỏi hơn về đời sống của người đang gìn giữ truyền trao giáo pháp. Mới nghe qua, hẳn chúng ta thấy hơi khó chịu. Nếu người gìn giữ giáo pháp giải thoát và trao truyền giáo pháp hạnh phúc mà bản thân họ vẫn còn vướng kẹt, vẫn còn khổ đau thì làm sao ta dám tin những điều họ nói, làm sao ta tu tập có hiệu quả được.

Nhiều người giải thích rằng, cũng có khi ta rơi vào tình trạng không thể chọn lựa, trong hoàn cảnh ta chỉ được gặp mỗi vị pháp sư khá am tường giáo pháp nhưng chưa đủ cơ duyên để trải nghiệm và chứng đắc thì ta cũng đừng nên bỏ lỡ cơ hội học hỏi. Người đó không đến được chân lý, nhưng họ trao cho ta bản đồ thì biết đâu ta có thể về đích? Như người cha nghiện rượu nhưng lúc nào ông cũng khuyên con hãy lánh xa thứ độc hại đó. Ta có thể hiểu rằng, người cha biết mình sai trái trong muộn màng vì sự nghiện ngập đã ăn sâu vào máu thịt, nhưng lương tâm đã bắt ông phải can đảm đứng ra can ngăn người khác đừng dại dột và yếu đuối như ông.

Nếu người con chịu mở lòng thì có thể sẽ cảm thấy điều cha khuyên nhủ là quý hóa. Nhưng chắc chắn trong tâm anh chỉ còn lại hình ảnh một người cha tội nghiệp hơn là một bậc uy nghiêm khả kính. Người đệ tử tu học giáo pháp để chuyển hóa thân tâm nếu chỉ có lòng thương mến thầy mà không có niềm tin mạnh mẽ thì không thể nào có được mối quan hệ thầy trò bền vững và thọ giáo lâu dài được. Niềm tin luôn dẫn đầu trong mọi sự đi tới.

Tôi không bao giờ tin rằng một người thầy chưa từng trải nghiệm tu hành lại có thể truyền trao giáo pháp cho người học một cách hiệu quả. Nếu cho rằng chỉ cần vị thầy ấy nhắc nhở lại những điều đức Thế Tôn đã từng giảng dạy thì cũng đã tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp trong tâm người học rồi. Tôi không nghĩ thế. Một sự tưới tẩm nào cũng cần có định lực thì nó mới có sức thẩm thấu. Vả lại, muốn chuyển hóa khổ đau thì phải tu tập quán chiếu rốt ráo. Như vậy, không lẽ khi đệ tử hỏi thầy quán chiếu như thế nào để có thể buông bỏ sự giận hờn, để thấy được tự tánh thì thầy lại bảo thầy không biết vì thầy chưa bao giờ quán chiếu?

Cho nên, tôi không đồng ý cách lý giải phép y cứ thứ nhất theo kiểu đó, có vẻ chống chế quá. Nếu ta tìm hiểu ba phép nương tựa sau, chắc chắn ta sẽ thấy được chiều sâu của phép nương tựa này hơn. Khi thấy được giá trị đúng đắn của phép nương tựa này, ta sẽ hiểu lý do vì sao bốn phép nương tựa được xếp chung với nhau như một hệ thống chặt chẽ có tác dụng định hướng cho một hành giả trên bước đường tu tập.

Theo tôi, trong phép nương tựa thứ nhất có ba lý do mà ta không cần phải để ý đến sự tu tập của người truyền giáo. Thứ nhất, khả năng tu chứng của vị thầy ở một trình độ khá cao, khiến ta không thể hiểu hết được hành tung của họ. Ta hay có thói quen lấy giới luật hay những phép tiệm tu ra làm khuôn vàng thước ngọc để thẩm định trình độ tu tập của một ai đó, cho dù đó là bậc giáo thọ của ta. Nhưng ta có thể lầm. Thực tế có những vị đủ bản lãnh vươn tới chân trời cao rộng một cách tự tại, không còn vướng kẹt vào những khuôn thước nữa. Con đường của Bồ tát mà hàng Thanh văn còn không hiểu nổi, huống gì những kẻ sơ cơ mới vào đạo!

Nhưng làm sao để biết họ tùy duyên mà vẫn bất biến? Điều này tùy thuộc vào sự thông minh của mỗi người học đạo. Theo tôi, có rất nhiều cách. Nhìn kỹ vào phiền não của họ là cách dễ biết nhất. Còn hành tung của một vị thầy thường luôn vượt xa những gì họ truyền dạy cho chúng ta. Nếu ta chưa thực sự hiểu gì về vị thầy thì cần phải có thêm thời gian để quan sát và trắc nghiệm. Là một đệ tử, ta chỉ nên lắng nghe và suy gẫm những bài tu tập căn bản hay sâu sắc mà thầy đã “đo ni đóng giày” cẩn thận sau khi thầy quan sát thấy rõ tâm tánh của ta. Ta đừng nên ngây ngô đem ra so sánh hay học đòi bắt chước mà sa hầm sập hố.

Lý do thứ hai là, có thể trong ta đã bị nhuốm đen bởi sự nghi ngờ hay kỳ thị. Người Tây phương ít bị kẹt vào trường hợp này. Chỉ cần biết vị thầy đó rất giỏi và đủ bản lãnh để dìu dắt họ đi tới nơi tới chốn là họ theo học. Họ không thắc mắc và xét đoán chi li như chúng ta. Ta có nên học tập cách “nhận diện đơn thuần” như người Tây phương cho tâm hồn thanh thản và tự do để đi vào đạo không? Có một lần tôi hỏi một vị thiền sinh trẻ: “Anh có ý kiến gì về cách hướng dẫn thiền tập của tôi không? Anh chàng nhìn tôi với cặp mắt sáng quắc và mạnh dạn thưa: “Nếu con thấy không hay thì con sẽ không ở đây. Một khi con đã ở lại đây thì con phải biết học những cái hay. Cái hay chưa học hết thì làm sao con biết cái nào dở. Về mặt tâm linh, con đang là người cầu học nên chỉ biết lắng nghe hơn là có ý kiến”.

Nhận diện đơn thuần là pháp hành căn bản nhất của thiền môn. Thấy sao để vậy chứ đừng máy móc dùng trí năng nhạy bén phân tích, chia chẻ để rồi trở thành nạn nhân của sự nghi ngờ và kỳ thị. Những hiểu biết của ta về vị thầy có thể từ nhận thức sai lầm qua cảm nhận trực tiếp hay qua dư luận. Trong ta có một hình ảnh rất sai về vị thầy mà ta cứ ngỡ là vị thầy không xứng đáng để ta tin cậy. Đôi khi ta biết thầy thực sự rất hay và giáo pháp của thầy cũng rất tuyệt vời, nhưng ta luôn bị dội lại và đánh mất cơ hội học hỏi bởi thế lực mạnh mẽ của bóng tối nghi ngờ và kỳ thị.

Dù ta có chấp chặt cho những suy nghĩ của mình là đúng, thì đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong con người rất lớn kia. Nếu không chấp nhận phần nào thì ta chỉ nên gạt bỏ phần đó ra thôi, chứ đừng đánh đồng với tất cả những phần còn lại. Nếu không, ta sẽ chịu thiệt thòi lớn, vì ai cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự đào thải của ta. Cũng như ta hay quen miệng nói rằng tôi không chấp nhận con người đó. Điều này không đúng. Vì không ai lại có thể hư hỏng hay xấu xa hoàn toàn. Ta chỉ có thể nói là tôi không chấp nhận quan điểm kia, cách hành xử nọ của người đó mà thôi. Ai cũng có thể trở thành thầy của ta, huống gì người kia chỉ có một điều mà theo ta đó là sai trái!

Vậy ta có nên bình tâm lắng yên ngồi xuống để nhìn lại cách thức học đạo của mình không? Hãy nhớ lại sơ tâm của mình đến với đạo để làm gì và cố gắng sống với cái tâm ban đầu tinh khôi ấy. Nếu lúc nào ta cũng tâm tâm niệm niệm đến mục đích chính của con đường mà ta đã cất công đi tìm là sự an lạc và giải thoát, thì ta sẽ không dễ dàng sa vào bẫy sập của chủ thuyết, của tác động môi trường hay của chính phiền não khổ đau luôn thúc đẩy trong ta. Hãy cố gắng lấy được vàng trước khi rời núi báu. Đừng vì những lý do vu vơ mà trở thành kẻ bại trận đi về tay không hay chịu nhiều thương tật!

Nếu sử dụng lăng kính bất nhị, ta sẽ thấy rõ không có sự cách biệt giữa pháp và người truyền pháp. Đó là ý nghĩa chính yếu của phép nương tựa này. Lúc Lục tổ Huệ Năng được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng là kẻ truyền nhân và bí mật tiễn đến tận bến đò, Huệ Năng đã nắm lấy tay Ngũ tổ nói: “Khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ”. Chữ độở đây vừa có nghĩa là đưa qua sông mà cũng có nghĩa là giúp con đủ điều kiện để khám phá tự tánh của chính mình. Thầy luôn là tác nhân quan trọng để khích lệ, soi sáng, khai thị và thúc đẩy cho công trình tu tập chuyển hóa của đệ tử. Nhưng cũng như trường hợp của Huệ Năng, thầy chỉ có thể đưa mình đi một đoạn đường. Phần còn lại mình phải tự đi trên đôi chân vững chắc và tự tin của mình, một khi đã thấy rõ con đường đi rồi.

“Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”. Tôi thật sự chấn động khi nhìn thấy câu này trên vách thiền đường của một trung tâm thiền tập. Một khi đã thấy rõ con đường mình đang đi hiện rõ những tính chất của sự giải thoát, ta sẽ không còn kẹt vào người lái đò năm xưa nữa, ta sẽ trở thành người lái đò của cuộc đời mình. Khi buông bỏ được mọi dính mắc bám víu vào những khuôn phép đặt để hay lối mòn riêng của thầy thì đệ tử mới có thể phát huy hết khả năng sáng tạo và bản lĩnh của mình vươn bước tới chân trời cao rộng. Như thiền sư Quảng Nghiêm thời Lý đã từng thúc đẩy các thiền sinh bằng quyết tâm rất mạnh mẽ.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

Tạm dịch:

Làm trai chí lớn tung trời thẳm

Chớ dẫm chân theo dấu Phật thành.[1]

Kể cả đức Như Lai là bậc Thầy vĩ đại nhất, ta cũng không nên rập khuôn theo để không tự đánh mất mình. Có tới hàng trăm phương cách giác ngộ. Đức Như Lai chỉ hiến tặng cho chúng ta kinh nghiệm của riêng Ngài. Còn chúng ta phải đối đầu với chính tâm của mình. Chúng ta cần phải có thái độ can đảm và sáng tạo không ngừng mới mong quán triệt và chứng đắc. Người tiếp nối đạo pháp phải có thái độ như thế thì đạo Phật mới mong có một tương lai tươi sáng. Cho nên, ta chỉ nên nương tựa thầy trong giai đoạn đầu chưa vững chãi thôi. Chứ một khi đã nắm được đường đi rồi thì ta phải tìm cách “làm chủ” cuộc đời mình, không thể “làm công” mãi được. Đó là thâm ý của phép y cứ trên.

2. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ

Điều cảnh báo trong phép nương tựa này quá rõ ràng. Ta không còn phải nghi ngờ gì nữa. Nhưng thực tế thì không phải dễ ứng dụng, dễ thực hành. Nếu thiếu sự tỉnh giác, thiếu cẩn thận dè dặt, thiếu niềm tin nơi hiểu biết của mình, thì chắc chắn ta cũng sẽ bị kẹt vào chữ nghĩa.

Ranh giới giữa ngữ và nghĩa cũng khó phân định rõ ràng. Người mới bước chân vào đạo thường hay dùng kinh điển như một thước đo tiêu chuẩn. Mở miệng ra là kinh này kinh nọ. Cứ như kinh điển là chân lý tuyệt đối vậy. Họ không biết rằng kinh điển chỉ được chép thành văn bản sau khi Phật nhập diệt gần 400 năm. Trước đó toàn do truyền miệng, bằng lối trùng tụng qua trí nhớ. Chính vì thế rất dễ có những sơ suất hay lầm lẫn, không chỉ ở cách nhớ mà cả cách hiểu và hành trì. Ngay chính khi Phật còn tại thế, có rất nhiều người vẫn không hiểu được lời Phật dạy, diễn giải một cách sai lệch. Nhiều khi Phật phải gọi tới hỏi: “Thầy nghe Ta nói thế nào mà lại nói như vậy?”.

Trong truyền thống Đại thừa có câu: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Nghĩa là, nếu chỉ căn cứ vào từng câu chữ trong kinh điển thì sẽ không thấy được nghĩa lý thâm áo. Thứ nhất, bản chất ngôn ngữ vốn không thể chuyển tải hết cảm xúc hay tư tưởng của một người bình thường, huống gì đó là những diễn đạt chân lý cao siêu mầu nhiệm. Thứ hai, kinh điển chỉ là phương tiện diễn đạt con đường và kết quả tu chứng của Phật. Nếu mình cứ mãi hì hục mày mò trong các văn kinh đó để kiếm chân lý thì sẽ thất bại. Chân lý phải đi bằng đôi chân. Tức là phải được thân chứng từ sự ứng dụng tu tập thành tựu chứ không phải bằng cái đầu, bằng sự hiểu biết suông của lý trí.

Có nhiều người vì quá tôn kính những lời Phật dạy nên họ đã thực tập phép lạy từng chữ một trong kinh văn. Điều đó cũng tốt nhưng có được gì nếu ta vẫn không thấy được đạo thực sự nằm ngay nơi chính chúng ta. Giáo pháp chỉ đóng vai trò khơi gợi thôi. Xung quanh ta có khá nhiều người nhiệt tâm học đạo mà thiếu sự nhận định sáng suốt như vậy. Chư Phật trong ba đời thấy ta tu học giáo pháp theo cách trao truyền rơi rớt kiểu đó chắc cũng ngậm ngùi! Vậy mà lúc nào ta cũng hiên ngang nói mình làm theo lời Phật dạy. Thật là oan uổng!

Tiếp theo câu “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan” là câu "Ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”. Mới nghe ta thấy hai câu này mâu thuẫn nhau. Kỳ thực không phải vậy. Cũng nằm trong giáo lý bất nhị, tuy đức Phật khuyên chúng ta phải cẩn thận để tìm thấy nghĩa kinh ẩn sau những câu nói cô đọng, nhưng chúng ta cũng cần phải tạm thời dùng kinh điển như một phương tiện cần thiết. Kinh Kim Cương dùng hình ảnh chiếc bè để chỉ cho giá trị của kinh điển. Khi nào qua tới bờ bên kia thì ta mới vứt chiếc bè đi. Như vậy trong lúc còn ở giữa sông, ta phải luôn trân trọng chiếc bè. Trân trọng chứ không phải bo bo ôm giữ rồi kẹt cứng mà không vùng vẫy được.

Tuy chỉ đóng vai trò khơi gợi và soi sáng, nhưng nếu không có giáo pháp thì ta cũng sẽ dễ dàng lạc vào chủ thuyết ma mị đầy kiêu hãnh và tự hào. Vì thế, ta cũng cần nương nơi ngôn ngữ một thời gian, sau đó phải nhờ thầy hay bạn giỏi giúp ta vượt thoát bằng cách nhìn sâu hơn để khám phá ra nghĩa lý uyên thâm của đức Phật. Và khi vượt thoát rồi ta vẫn dùng kinh điển để trao truyền. Đó là lý do mà mỗi lần mở kinh ra ta đều nhắc nhở nhau:

Lời Phật thật nhiệm mầu

Đâu phải dễ tìm cầu

Xin nguyện dùng chánh kiến

Thấy hết nghĩa thâm sâu.

3. Y KINH LIỄU NGHĨA BẤT Y KINH BẤT LIỄU NGHĨA

Các nhà khoa học cho biết, ánh sáng lấp lánh của các vì tinh tú có khi đã lặn tắt từ hàng triệu năm trước còn sót lại và đang đi tới tinh cầu của chúng ta. Nhưng trong suy nghĩ của trẻ thơ thì vì tinh tú ấy là một ngôi sao may mắn hay một thiên thần hộ mệnh luôn hiện hữu từng đêm để các em gửi gắm tâm sự và hướng tới một ước mơ.

Nếu ta nói với các em rằng vì tinh tú ấy đã không còn nữa thì có lẽ hơi nhẫn tâm, bởi ta cũng đã từng lớn lên trong cái khung trời dịu ngọt ấy. Bây giờ tuy đã vượt thoát nhưng ta vẫn mỉm cười cảm thông chia sẻ với các em. Rồi ngày mai các bé thơ đó lớn lên cũng sẽ biết được sự thật, nhưng ý niệm về ngôi sao may mắn hay thiên thần hộ mệnh sẽ mãi mãi là thiên đường của tuổi thơ, không bao giờ thay đổi.

Ở đây có hai sự thật. Một sự thật tương đối và một sự thật tuyệt đối. Cái hiểu biết thứ nhất được gọi là sự thật vì ở tuổi thơ ai cũng thấy như vậy và chấp nhận như vậy, tuy nó chỉ mang tính tạm thời vì sẽ còn thay đổi để đi tới cái thấy đúng đắn nhất. Nhưng trẻ thơ không cần biết khoa học đã nói như thế nào về các vì tinh tú. Chúng chỉ tin vào cảm nhận đơn thuần và trong sáng của mình vì như thế là đã đủ cho chúng bình yên và hạnh phúc.

Sự thật thứ hai mở ra cho ta một không gian thênh thang rộng lớn. Lúc ấy, cái nhìn của ta không còn bị nhuốm màu hồng của những cảm xúc hay ước mơ nữa. Nhưng ta sẽ không bao giờ chê trách trẻ thơ là ngu dốt hay cạn cợt, còn hiểu biết của ta mới thật sự hoàn hảo hay sâu sắc. Nếu so sánh như vậy là khập khiễng và kẹt vào căn bệnh truyền kiếp nhị nguyên. Ta phải thấy được hai sự thật đó đều có giá trị lợi ích và gắn bó mật thiết với nhau để tồn tại. Nếu bỏ đi bất kỳ một sự thật nào cũng đều nguy hại cả. Ta vừa giữ gìn sự thật thứ nhất mà cũng vừa hướng tới sự thật thứ hai.

Sự khám phá của đức Phật về thân phận con người và kiếp sống cũng vậy, cũng luôn mang theo hai sự thật. Kinh văn diễn đạt về thế giới hiện tượng mà ta có thể nhìn thấy bằng con mắt bình thường như sinh, lão, bệnh, tử v.v… thì được gọi là kinh bất liễu nghĩa, tức là sự thật tương đối. Còn kinh văn diễn đạt về thế giới bản thể mà phải sử dụng con mắt tuệ giác mới nhìn thấy được như vô sinh, bất diệt v.v… thì được gọi là kinh liễu nghĩa, tức là sự thật tuyệt đối.

Đức Phật đã từng thuyết giảng những giáo lý có tính chất khế hợp với cái nhìn thế gian (tục đế) cho những đối tượng vẫn còn vướng kẹt trong khung trời ảo mộng của trẻ thơ. Phép y cứ thứ ba này được đưa ra chỉ là một thái độ khuyến khích và thúc đẩy chứ không phải là một sự kỳ thị hay đào thải. Đức Phật thừa biết căn cơ con người vốn khác biệt, nên Ngài linh động chỉ bày ra những phương pháp giản dị và gần gũi để giúp người mới tu tập có những an lạc nho nhỏ, xoa dịu nỗi khổ niềm đau.

Nhưng Ngài cũng thường xuyên khơi gợi và nhắc nhở, nhất là đối với các hành giả cả đời dấn thân vì sự nghiệp giải thoát, phải tinh tấn rời bỏ những trạm dừng chân kia mà thẳng tiến tới khung trời chân thật - chân đế hay đệ nhất nghĩa đế. Đó là kinh nghiệm sắp đặt đầy thâm ý của bậc Đạo sư trải qua 45 năm hóa độ. Ta phải cẩn trọng trong phương cách tu tập và hoằng pháp mới có thể nhìn nhau bằng con mắt dung thông và quán triệt được.

4. Y TRÍ BẤT Y THỨC

Có lẽ chúng ta sẽ rất khó chịu khi muốn biết Phật tánh hay Niết bàn là gì mà các thiền sư cứ trả lời, thoạt nghe tưởng chừng như không đâu vào đâu - “Uống trà đi!”, “Cây bách trước sân!” v.v… Thật ra, các vị thiền sư rất từ bi. Họ không muốn chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự lầm lẫn trong đời sống tu tập. Họ thừa biết chúng ta đang đói khát sự giác ngộ nhưng lại đòi những thức ăn kiến thức. Những hiểu biết phân biệt nằm trong vòng đối đãi nhị nguyên như tốt - xấu, tịnh - uế, tự do - ràng buộc v.v… có thể đóng bít con đường tu tập của chúng ta giữa bốn bức tường đồ sộ. Sự giam hãm của thế giới ý thức sẽ làm chúng ta vô cảm với tự tánh của chính mình.

Sự thật là, khi uống trà bằng tất cả thân tâm, buông bỏ tất cả những gì ta đang muốn nắm bắt, thì ít ra ta cũng có cơ hội thưởng thức được một tách trà ngon. Chính đó là lối vào giác ngộ. Tách trà ngon là trải nghiệm của chính ta chứ không phải là kiến thức của thiền sư trao cho. Thiền sư không thể giúp ta thưởng thức được vị ngon của tách trà. Thiền sư chỉ có thể giúp ta dừng bớt lại cuộc chạy đua ý thức.

Và cây bách vẫn đứng trước sân, mỗi ngày đi ngang qua, ta có thấy? Nếu ta có mặt đồng thời với cây bách, tiếp xúc trọn vẹn với thực thể sống động đó mà không còn lao xao đi tìm những định nghĩa về Phật tánh thì thực sự ta đã nếm được mùi vị của nó. Phật tánh là bản tánh uyên nguyên của ta. Ta có nó trước khi ta tu tập và ngay cả trước khi ta ý thức về nó. Nhưng nếu ta muốn hiểu thì lại càng không hiểu. Còn khi ta đem hết con người của mình ra để hòa nhập với sự sống tự nhiên mà không thèm quan tâm đến hay tìm kiếm thì chân hiểu biết sẽ có mặt ngay nơi ấy.

Nhưng không sao, chúng ta cứ quan sát kỹ càng và học hỏi từ những vấp váp sai lầm đó, đừng có tự ti mặc cảm, vì chính đó là những viên đá lót đường đưa chúng ta tiến bước. Khi tâm nhận biết trở nên tự nhiên và sáng tỏ, chúng ta kinh nghiệm được những khoảnh khắc thuần khiết, buông xả sự nhận biết của ý thức phân biệt đi ngang qua trong đời sống thì trong những khoảnh khắc đó ta nhìn mọi vật với một cái nhìn hoàn toàn mới. Nói cách khác, tuệ giác bắt đầu hiển lộ.

Có được tuệ giác là có được sự hiểu biết sâu sắc về những gì trước kia ta chỉ hiểu một cách hời hợt trên bề mặt của ý thức. Một kinh nghiệm trực giác về chân lý như vậy cũng sẽ có tác động sâu sắc đến công phu tu tập và cả nhận thức về cuộc sống của chúng ta. Qua đó, chúng ta mới thấy rằng những kinh nghiệm dẫn tới tuệ giác được người khác diễn đạt lại và tuệ giác thực sự của chính chúng ta là hai điều khác biệt nhau về căn bản.

Tuy nhiên nó chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Chúng ta cần phải tiếp tục nuôi dưỡng sự nhận biết sáng tỏ và tự nhiên ấy mọi lúc mọi nơi bằng tất cả khả năng của mình thì tuệ giác sẽ dần dần hiển lộ. Điều này khiến cho niềm tin vào giáo pháp và ý chí quyết tâm tu tập càng thêm tăng trưởng. Chúng ta phải luôn mở rộng cánh cửa đón nhận những hiểu biết mới mẻ và sâu sắc, không tự hạn cuộc mình bằng thái độ thỏa mãn.

Để được như vậy chúng ta phải cần có kinh điển tinh túy hay những chỉ dẫn đúng đắn (văn tuệ) từ những bậc thầy giỏi để sẵn sàng bước vào công trình tu tập mà tiêu hóa những gì đã được hấp thụ (tư tuệ). Những suy nghiệm sâu sắc từ sự chỉ dẫn sẽ thúc đẩy chúng ta đi đến kinh nghiệm trực giác (tu tuệ).

Ta phải khéo léo và cẩn thận để có thể sử dụng được cả ba loại tuệ này một cách hài hòa và hữu hiệu trong công trình chuyển hóa tâm thức mà không bị sống sượng. Bởi, những kiến thức mà ta thu nhặt được vẫn còn hoạt động ngấm ngầm bên dưới bề mặt ý thức và sẽ tác động đến công trình nuôi dưỡng bản tâm tự nhiên và giác ngộ của ta. Và những đợt sóng ý thức phân biệt vẫn luôn là những thách thức, sẵn sàng đưa tâm ta trôi giạt vào đôi bờ phân biệt đối đãi nhị nguyên, bụi bờ của sự chia cắt bởi vô minh.

Vì vậy, nếu ta không dùng con mắt bất nhị thì không thể nào nhìn thấy được sự thật thâm ý trong bốn cặp y cứ và bất y cứ trên. Bất nhị là tuy thấy hai cái như khác biệt nhau, nhưng chúng có liên hệ mật thiết với nhau để tồn tại. Nói cho cùng, ta vẫn phải nương tựa vào bốn phép được cảnh báo đừng nên nương tựa ở trên, nếu trình độ tu tập của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém và chưa ổn định. Nhưng một khi đã có những bước đi rõ ràng trong quá trình chuyển hóa khổ đau và có nhiều năng lực hăm hở lao tới chân trời giải thoát thì hãy mạnh dạn buông bỏ bốn phép bất y cứ mà thẳng bước vào bốn phép y cứ. Có như thế ta mới xứng danh là đệ tử Phật, là người nối thạnh dòng Thánh tăng.

Minh Niệm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 7105)
Cuộc đời là những mâu thuẫn, ở đây tôi không nói những gì cao siêu mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử. Chúng ta sống như thế nào để cuộc đời được an lành tự tại, không bị đau khổ làm ray rứt.
27/10/2010(Xem: 9947)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
27/10/2010(Xem: 9654)
Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
27/10/2010(Xem: 11436)
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
27/10/2010(Xem: 6920)
Vì Sao Cần Phải Niệm Phật? Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung. Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Độ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!
25/10/2010(Xem: 6860)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
23/10/2010(Xem: 8870)
Từ hơn bốn mươi năm nay, chưa bao giờ Việt Nam đứng ra tổ chức một lễ Phật Đản lớn về tất cả mọi mặt: tôn giáo, văn hóa, xã hội, và về cả chính trị như lần này. Nói lớn về cả chính trị là bởi trong ba ngày vừa qua, thủ đô Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới.
23/10/2010(Xem: 10061)
Trong kinh Pháp Hoa có dạy: "Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mới xuất hiện ra đời, để mở bày, chỉ dạy chúng sanh giác ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật". Giáo pháp của Phật như biển rộng rừng sâu, tuy nhiên cũng có thể tóm thâu trong bốn câu kệ: “Chư ác mạc tác Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý Thị chư Phật giáo”.
23/10/2010(Xem: 8860)
"Mưa dầm thấm sâu, sẽ giúp con cháu trong gia đình đến với đạo Phật, thực hành theo lời dạy của đức Phật một cách tự nhiên và bền vững. Điều quan trọng là tự thân của mỗi người cư sĩ Phật tử nên tự nổ lực tinh tiến tu học, cẩn thận ba nghiệp thân miệng ý, làm sao để trở thành một tấm gương sáng cho con cháu noi theo"
22/10/2010(Xem: 7473)
Sự ảnh hưởng sâu rộng của Đức Phật và Tăng đoàn đã làm cho ngoại đạo lo sợ quần chúng sẽ theo Phật và xa rời họ. Do đó, một nhóm ngoại đạo đã suy nghĩ, toan tính âm mưu triệt hạ uy danh Đức Phật. Sau cùng, một nữ đệ tử cuồng tín của họ tên là Tôn Đà Lợi đã chấp nhận hy sinh bản thân cho mục đích đen tối đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]