Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự đản sinh của Đức Phật, hoa Anh Đào và Zen

22/06/201308:29(Xem: 6976)
Sự đản sinh của Đức Phật, hoa Anh Đào và Zen
hoa anh dao

SỰ ĐẢN SINH CỦA ĐỨC PHẬT, 
HOA ANH ĐÀO VÀ ZEN 
Thị Giới

Mùa Phật đản năm nay diễn ra trong thời gian mà ký ức con người chưa xóa mờ được hình ảnh cuộc thiên tai kinh hoàng xảy ra cho nước Nhật. Kèm với thiên tai đó là sự ô nhiễm phóng xạ ảnh hưởng đến nhiều nước mà nguyên nhân do bàn tay của con người.

Qua cuộc thiên tai và nhân tai này, thế giới đã chứng kiến sức sống phi thường của người dân Nhật, cũng như nhìn thấy sự mong manh của một nền văn minh. Đó cũng là dịp để chúng ta chiêm nghiệm tính chất phù du, vô thường của đời sống.

Đời sống ngắn ngủi và mong manh. Thế giới biến dịch vô thường. Được mất, tụ tán là tính chất của thế gian. Cả thế gian như lúc nào cũng lăng xăng tìm chỗ trốn tránh khổ đau, trong vật chất hay trong tinh thần, trong bước chân mò mẫm đi tìm thực tại hay trong trí tưởng tượng mơ hồ để xoa dịu sợ hãi, khổ đau…

Trong khung cảnh đó, hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật xuất hiện ở thế gian để xác quyết cho loài người rằng đời là khổ và có con đường chân thật để thoát khổ. Và con đường thoát khổ không phải tìm đâu xa, mà ngay tại nơi đây và bây giờ, trong trái tim của mỗi người.

Đức Phật là người đầu tiên khuyên con người hãy nhìn thẳng vào tính chất của đời sống. Đó là con đường trung đạo, con đường không chạy theo cũng không trốn tránh đời sống, con đường đồng hành với đời sống mà không để bị đời sống nhận chìm. 

 

Với đạo Phật, đời sống có chất liệu để cho hoa sen vươn lên bầu trời, có sức đẩy để cho chiếc bè tự do nổi được và vươn ra đại dương. Kinh Pháp Hoa nói rằng tháp Đa Bảo bảy báu nổi lên ngay từ mặt đất này, vô số hằng sa Bồ tát xuất thân ngay từ cõi ta bà này.

Do đó, Khổ, một trong bốn chân lý đầu tiên được Đức Phật nhìn thấy và nói ra, cũng là chất liệu để con người vươn lên. Càng đối diện, càng thấm nhập vào tính chất vô thường, vô ngã của mọi hiện tượng, càng thâm hiểu được ý nghĩa đích thực của đời sống, cũng là lúc con người tiến sâu vào tính vắng lặng của Niết bàn, vào sự ấm áp trong mối tương liên của vạn pháp. 

 

Bà Pema Chodron viết:

"Lòng ấm áp tự nhiên khởi lên khi chúng ta trải qua kinh nghiệm khổ với tất cả những tính chất đẹp đẽ của con tim: tình thương, tâm bi mẫn, lòng biết ơn, sự đồng cảm dưới mọi hình thức. Nó cũng chứa nỗi cô đơn, đau khổ và sợ hãi. Trước khi những tính chất tốt đẹp không bền vững này được làm cho bền vững, trước khi có những thứ khác xen vào, những cảm nhận đến tự nhiên này được thai nghén với lòng lân mẫn, đón nhận và quan tâm. Những cảm nhận mà chúng ta đã cố ý lẩn tránh này có thể làm cho lòng chúng ta mềm lại và chuyển hóa chúng ta. 

 

Sự mở lòng ra cho sự ấm áp tự nhiên đôi khi dễ chịu, đôi khi gây khó chịu. Tu tập là không lẩn tránh những cảm nhận không ưa thích khi chúng khởi lên. Qua thời gian, chúng ta có thể ôm ấp chúng như những cảm nhận êm ả của tâm từ và lòng biết ơn chân thật". (Sự Ấm Áp Tự Nhiên).

Đối diện với khổ, với tính chất phù du vô thường của thế gian, cũng là đối diện với chính mình, nhìn thấy chính mính. Nhìn thấy chỉ thật sự là nhìn thấy khi trong và ngoài hợp nhất, khi không có sự xen vào của tâm phân biệt. Đó là trung đạo, là con đường giữa, con đường không nghiêng lệch. Chánh tri kiến là trở về với tâm mình, dừng lại mọi niệm tưởng để thấy được Pháp thân. Chánh tư duy là trở về với tâm mình, dừng lại mọi phân biệt, để tư duy không bị nghiêng lệch. Chánh ngữ là trở về tâm mình, dừng lại mọi hý luận và biết rằng mọi ngôn ngữ đều hàm hồ, khiếm khuyết…

Mọi sự ngăn ngại đều xuất phát từ tâm, mọi chia cắt, phân biệt, mọi gập ghềnh của đời sống đều xuất phát từ tâm. Tâm dẫn đầu các pháp.

Dưới con mắt của đạo Phật, sự khổ mà con người cảm nhận khi đối diện với tính chất phù du, vô thường của đời sống, với tiến trình sinh lão bịnh tử, thành trụ hoại không của vạn vật đều phát khởi từ tâm. Những tính chất kia của đời sống vốn không có nội hàm khổ hay vui. Chúng chỉ biến thành khổ hay vui khi được chiếu rọi qua tấm kính của tâm, bám víu hay buông bỏ, chạy theo hay dừng lại. Và nhìn một cách tổng thể, đời sống của con người và của mọi sự vật giống như một lần nhô lên và chìm xuống của một làn sóng. Làm gì có khổ hay vui trong những làn sóng đó.

Với đạo Phật, để thấy được tính chất như thật của đời sống, để giải thoát khổ đau do chính mình tạo ra, con người phải can đảm đối diện với đời sống.

Thường xuyên đối diện với sự đe dọa của thiên tai, sóng gió và núi lửa, người Nhật đã sớm có ý niệm coi đời sống mong manh như những cánh hoa anh đào.

Có người nói rằng trong mỗi tâm hồn của người Nhật đều có những cánh hoa anh đào. Vâng. Trong mỗi con người Nhật đều có bóng dáng hoa anh đào và Zen. Hoa anh đào và Zen bàng bạc trong truyện, trong phim, trong võ đạo, kiếm đạo, hoa đạo, trà đạo, thi đạo… Hoa anh đào và Zen là cái nền mỹ quan của người Nhật, cũng là sức mạnh để người Nhật đối diện và vượt qua tính chất vô thường, phù du, như có như không của thân phận làm người.

Hoa Anh Dao 8
Với người Nhật, hoa anh đào được hình dung như những đám mây. Khi hoa nở thì cả không gian như phủ bằng những tầng mây hồng ngun ngút. Mây thì tụ tán phù du, đến đi vô định. Trong một bài hát có tên "Hoa anh đào hoa anh đào (sakura sakura)" chúng ta đọc được những câu như sau:

Hoa anh đào, hoa anh đào,
Trải dài ngút mắt
Trên núi đồi.
Là sương mù hay là mây?
Thơm ngát trong ánh mặt trời buổi sáng.
Hoa anh đào, hoa anh đào,
Hoa anh đào đang nở rộ.
Hoa anh đào, hoa anh đào,
Xuyên suốt bầu trời mùa Xuân,
Trải dài ngút mắt.
Là sương mù hay là mây?


Là sương mù hay là mây? - Chẳng phải sương mù cũng chẳng phải mây. Là hoa anh đào, là hình ảnh của phù du chóng vánh, tụ tán vô thường. Như mây, như sương, như điện, như chớp.

Tính chất phù du, chóng tàn của mọi hiện tượng trong đời sống đó được thể hiện trong ý niệm mono no aware của người Nhật. Mono no aware là sự cảm thương trước tính chất vô thường của mọi sự vật, mọi hiện tượng. Cảm thương với tính chất vô thường của cuộc sống cũng là đối diện với tính chất cô đơn của mỗi con người, đối diện với vực sâu thăm thẳm trong tâm của mỗi con người, đồng thời cảm nhận sự kết nối vô cùng với mọi người, mọi sự trong vũ trụ. 

 

Và cái đẹp của vô thường là tính chất cảm thương, kết nối này. Hoa anh đào nở ngút ngàn, rồi rơi rụng ngút ngàn. Đứng trước trời đất đó, tâm làm sao không cảm khái với cái vô cùng của không gian và thời gian, với sự biến thiên của đất trời, lịch sử.

Khi hoa anh đào nở rộ cũng là lúc xác hoa bắt đầu trải hồng mặt đất. Người ta thưởng thức cái đẹp của hoa anh đào bao nhiêu, thì người ta cũng trân trọng với những bước chân dẫm trên những xác hoa. Nở đẹp và tàn cũng đẹp. Chết và sống như nhau. Và thật sự người Nhật đã coi cái chết như lông hồng, như hoa rơi, cũng như đã coi cuộc sống là nơi để vẽ nên một bức tranh đẹp cho cuộc đời, dù đó là cái đẹp u hoài.

Nước Nhật là một trong những nước có nền khoa học kỹ thuất tiên tiến bậc nhất thế giới, có một nền nghệ thuật cũng thuộc loại dẫn đầu thế giới, nhưng dường như tâm hồn của người Nhật là những tâm hồn u hoài. Đọc những tác phẩm của người Nhật, xem những cuốn phim về nước Nhật, chúng ta cảm nhận điều đó. U hoài không phải là buồn khổ mà có thể là một cảm giác như ngài Tsoknyi Rinpoche viết:

"Khi mặt trời lặn ở phương Tây, nếu chúng ta bước ra bên ngoài và ngồi xuống, hướng về phía mặt trời đang lặn, một cảm giác từ bi sẽ khởi lên một cách dễ dàng, tự phát. Đó là thứ tự do với một chút vui, một chút nhạy cảm, một chút buồn. Tất cả đều tự đến. Nếu chúng ta không hoàn toàn mở rộng và tâm không được giải phóng khỏi những điên đảo, nỗi buồn nhẹ nhàng này sẽ không được cảm nhận một cách chân thật, ngay cả không được nhận biết (Nước Từ Bi)".

Và tính chất mono no aware không thể thành tựu nếu không có Zen.

Zen phát xuất từ Thiền Đông Độ, tức Thiền của ngài Bồ Đề Đạt Ma được ngài Huệ Năng phổ vào một sức sống thần kỳ tươi mát, truyền vào và phát triển ở Nhật. Và nguồn cảm hứng của Zen là satori.

Satori là sự bừng tỉnh về tính chất không sinh không diệt, không tăng không giảm của mọi hiện tượng vô thường, và vì vậy satori là tâm vô niệm trước vô thường. Vô niệm là không khởi tâm, không bám giữ, không trôi theo, cũng không quên lãng.

Zen đã thấm nhập vào đời sống của người Nhật trong hầu hết các ngành nghệ thuật hay đạo. Với sự thức tỉnh, với sự mở ra cho sự kết nối, cảm thông, thương cảm trước những hiện tượng vô thường, những cung bậc tâm hồn trong suốt và nhạy cảm được phổ vào làm nền cho đời sống, nâng những cái tầm thường của đời sống thành nghệ thuật, thành cái đẹp. Cái đẹp của người Nhật là cái đẹp của sự cảm nhận về tính chất vô thường. Đó là chấp nhận vô thường, là wabi-sabi, chấp nhận tính chất phù du của vạn vật.

Với Zen, nhận chân được sự tịch tĩnh của vô thường là bước đầu của ngộ, tức satori. Cái đẹp của người Nhật là cái đẹp chưa hoàn tất, đang đổi thay và không toàn hảo. Đó là cái đang còn lưu chảy trong dòng vô thường bất tận. Sống và chết, hợp và tan, nở và tàn đều đẹp. Sống và chết đều thơ mộng như nhau. Đến một mình rồi ra đi một mình, như những kiếm sĩ giang hồ, như thi sĩ Haiku Basho. Cô đơn và đối diện với cô đơn. 

 

Đó là một sự cô đơn mầu nhiệm, nói như bà Pema Chodron:

"Khi có thể dừng lại ở điểm giữa, trung đạo, chúng ta bắt đầu có một sự kết nối không sợ hãi với cô đơn, một sự cô đơn dịu dàng và mầu nhiệm chuyển hóa hoàn toàn mọi sợ hãi của chúng ta.

Sự cô đơn đó cho phép chúng ta nhìn vào tâm chúng ta một cách trung thực, không vướng ngại. Chúng ta sẽ dần dần dừng lại ý tưởng về mẫu người mà chúng ta nghĩ chúng ta phải là. Chúng ta xả bỏ mọi ý niệm và chỉ nhìn thẳng vào chúng ta với lòng từ bi và con mắt khôi hài. Từ đó, cô đơn sẽ không còn là một sự đe dọa, đau buồn hay trừng phạt.

Sự cô đơn mầu nhiệm không đem đến cho chúng ta bất cứ một sự giải quyết nào, cũng không cho chúng ta một điểm tựa nào. Nó thách thức chúng ta bước vào một thế giới không có điểm quy chiếu. Đó gọi là con đường giữa, trung đạo, con đường thiêng liêng của người chiến sĩ. (Sự Cô Đơn Mầu Nhiệm Pema Chodron)"

Nhiều người cho rằng vì đời sống của người Nhật bị nhiều sức ép nên mức độ tự tử của họ nhiều nhất thế giới, có nghĩa là sự thỏa mãn đối với đời sống của người Nhật thấp hơn sự thỏa mãn về đời sống của người dân các nước khác trên thế giới. Điều nầy có thể đúng. Nhưng như thế không có nghĩa là người Nhật hưởng niềm vui và coi giá trị của đời sống thấp hơn những người dân xứ khác.

Hơn nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Nhật đạt đến mức độ cao trong việc tiếp cận, triển khai và thưởng ngoạn cái đẹp của đời sống. Hầu như trong mọi phương diện của đời sống, người Nhật đều nhìn thấy cái đẹp, ngay cả sự chết. Họ biết dừng lại trong vô thường để chiêm ngưỡng đời sống cũng như sự chết.

Có thể nói Basho là một điển hình của tâm hồn Nhật. Ông là tổ của thơ Haiku, một nhà thơ mà cuộc đời gắn liền với những cuộc hành trình. Chứng kiến bao cuộc chia ly, trải nghiệm bao cuộc đổi dời của thế sự và vạn vật, không biết từ lúc nào ông đã nhìn thấy được tính chất chân thật của vô thường, để từ đó, mỗi phút giây của ông là mỗi phút giây mới mẻ, để có lần, nhìn một thác nước từ trên cao, ông reo lên:

chỉ một lần
nơi thác nước
mùa hè vừa đến

Và khi đã một lần nhìn thấy phút giây đó rồi thì mỗi sát na là một đời sống mới, và lúc ra đi cũng nhẹ nhàng như cánh hoa đào rơi trong nắng Xuân. Ông nhuốm bịnh trên đường và từ giã cõi đời này để tiếp tục cuộc hành trình vui chơi nhìn ngắm vô thường ở một thế giới nào đó sau một giấc mơ đẹp:

nhuốm bịnh trên đường lữ khách 
tôi mơ cánh đồng khô
đang chạy nhảy.

Thị Giới 

(Nguyệt San Phật Học)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/07/2021(Xem: 5316)
Buổi trưa hè miền Trung, cái nắng nóng làm như ông Trời gôm hết lửa đổ xuống trần gian thiêu rụi vạn vật, không ai chịu nổi. Tất cả đều rúc hết vào nhà, đóng cửa trốn ông Trời, tranh thủ thời gian đó nghỉ ngơi. Hầu hết tìm giấc ngủ trưa để quên đi thời tiết khắc nghiệt. Chỉ riêng bốn đứa...tứ tặc gồm Nam, Thanh Du, Hiền và Bích Nga lang thang trên đường phố. Chúng la cà từ Ngã Tư Chính trung tâm phố đi lần về trường trung học Hùng Vương chỉ cách đó không xa, khoảng 15 phút đi bộ, nơi bốn đứa cùng học chung lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) dù Thanh Du và Hiền 12 tuổi đều hơn Nam và Bích Nga một tuổi.
25/07/2021(Xem: 5205)
Mấy ngày nay trên Facebook có chia sẻ lại câu chuyện (nghe nói là xảy ra năm 2014) về cô bé đã “ăn cắp” 2 cuốn sách tại một nhà sách ở Gia Lai. Thay vì cảm thông cho cô bé ham đọc sách, người ta đã bắt cô bé lại, trói 2 tay vào thành lan can, đeo tấm bảng ghi chữ “Tôi là người ăn trộm” trước ngực, rồi chụp hình và bêu rếu lên mạng xã hội. Hành động bất nhân, không chút tình người của những người quản lý ở đây khiến ta nhớ lại câu chuyện đã xảy ra cách đây rất lâu: một cậu bé khoảng 14-15 tuổi cũng ăn cắp sách trong tiệm sách Khai Trí của bác Nguyễn Hùng Trương, mà người đời hay gọi là ông Khai Trí. Khi thấy lùm xùm, do nhân viên nhà sách định làm dữ với cậu bé, một vị khách ôn tồn hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, tỏ vẻ khâm phục cậu bé vì học giỏi mà không tiền mua sách nên phải ăn cắp, ông đã ngỏ lời xin tha và trả tiền sách cho cậu.
23/07/2021(Xem: 17067)
Giữa tương quan sinh diệt và biển đổi của muôn trùng đối lưu sự sống, những giá trị tinh anh của chân lý bất diệt từ sự tỉnh thức tuyệt đối vẫn cứ thế, trơ gan cùng tuế nguyệt và vững chãi trước bao nổi trôi của thế sự. Bản thể tồn tại của chân lý tuyệt đối vẫn thế, sừng sững bất động dẫu cho người đời có tiếp nhận một cách nồng nhiệt, trung thành hay bị rũ bỏ, vùi dập một cách ngu muội và thô thiển bởi các luận điểm sai lệch chối bỏ sự tồn tại của tâm thức con người. Sự vĩnh cửu ấy phát xuất từ trí tuệ vô lậu và tồn tại chính bởi mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc chân thật cho nhân loại, giúp con người vượt thoát xiềng xích trói buộc của khổ đau. Tuỳ từng giai đoạn của nhân loại, có những giai đoạn, những tinh hoa ấy được tiếp cận một cách mộc mạc, dung dị và thuần khiết nhất; có thời kỳ những nét đẹp ấy được nâng lên ở những khía cạnh khác nhau; nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm giải quyết những khó khăn hiện hữu trong đời sống con người và xã hội.
22/07/2021(Xem: 4311)
Thế giới lại rối ren vì Delta biến thể Phong tỏa giản cách áp dụng khắp nơi Tâm trạng người dân mỗi lúc lại chơi vơi Đành chấp nhận ... tìm phương pháp nào cùng chung sống ! Đọc sưu tầm, chúng có thể chết nơi tần số cao rung động Thế mà chúng ta vô tình làm tần số thấp đi Nào hãy xem gồm những yếu tố gì ... Chao ôi ! Chính những lúc bất an căng thẳng,
21/07/2021(Xem: 7069)
Vì hiện nay tình hình phong tỏa tại Sài Gòn thật chặt chẽ, rất khó khăn cho chúng con, chúng tôi xin được Phép vào những khu vực cách ly để phát quà, vì vậy chúng con, chúng tôi đã linh động quyết đinh giúp cho những hộ nghèo ở ngoại ô Sài Gòn, những bà con lao động tay chân, buôn thúng bán bưng.. Một khi SG LockDown dài hạn, tình hình kinh tế sẽ ảnh hưởng dây chuyền, vì vậy chúng tôi thiết nghĩ không riêng gì SG mà những vùng lân cận đều bị ành hưởng hết, vì vậy mong các vì hảo tâm hoan hỉ cho quyết đinh này của Hội Từ thiện chúng tôi.. Hôm qua, chúng tôi vừa thực hiện một đợt phát quà hỗ trợ cho 200 hộ nghèo. Kính mời quí vị đọc nguyên văn lời Tường trình của Ni Sư Huệ Lạc:
19/07/2021(Xem: 5480)
TÔI SẼ TRÌNH BÀY một tóm tắt nền tảng giáo lý của Đức Phật về Bốn Chân Lý Cao Quý – khổ đế (sự thật về khổ đau), tập đế (sự thật về nguồn gốc), diệt đế (sự thật về chấm dứt), và đạo đế (sự thật về con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.) Đức Phật đã dạy về những sự thật này ngay khi ngài đạt đến Giác Ngộ như một phần của những gì được biết như Chuyển Pháp Luân Lần Thứ Nhất. Nếu không có một sự thông hiểu về Bốn Chân Lý Cao Quý thì chúng ta không thể tiến hành sự học hỏi và thấu hiểu một cách đầy đủ về bản chất của thực tại phù hợp với Đạo Phật. Nhưng trước nhất, tôi muốn nói rõ rằng tất cả những tôn giáo quan trọng có cùng năng lực, cùng thông điệp và mục tiêu, qua đó tôi biểu lộ lòng mong muốn chân thành để mang đến những điều kiện tốt đẹp hơn cho thế giới, một thế giới hạnh phúc hơn với những con người từ bi hơn. Đây là những gì mà tất cả các tôn giáo quan trọng cùng chia sẻ.
18/07/2021(Xem: 4787)
Nơi gia đình chúng tôi sinh sống, có một nhóm người gốc BÌNH TRỊ THIÊN. Đặc tính cố hữu của bất cứ dòng tộc, quê quán nào khi người Việt đi đến đâu là luôn mang theo phong tục tập quán vùng miền cổ truyền nơi họ đã sinh ra. Đến nơi ở mới, họ cố gắng duy trì tập quán đó, vì họ thấy rất rõ phong tục tập quán chính là diền mối lễ nghĩa duy trì lễ giáo gia đình, duy trì nền nếp thiết lập hạnh phúc cho con cháu.
18/07/2021(Xem: 4966)
Tâm là một trong hai yếu tố thành lập nên con người. Tâm không phải là vật chất. Tâm trừu tượng, nên chúng ta không thể trông thấy hay sờ mó tâm được. Tuy tâm không có hình dáng như thân vật chất, nhưng không có nó thì con người không thể sống được. Tâm là những cảm xúc vui vẻ hạnh phúc, là những ưu tư phiền muộn, khổ đau, là những nhớ nhung suy nghĩ, là sự hiểu biết, là trí tuệ của con người. Những thứ này gom lại thành nguồn năng lượng sống tạo nên nhân cách của con người tốt hay xấu. Tùy theo năng lượng thiện hay bất thiện, từ đó tâm sẽ đưa ta đến cảnh giới tương ưng. Đó là cảnh giới an vui hay đau khổ, Niết-bàn hay địa ngục, Phật hay ma, tất cả đều do tâm tạo.
16/07/2021(Xem: 4854)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học, một trong những tạp chí nghiên cứu học thuật về Phật giáo tại Hoa Kỳ, đã có buổi lễ ra mắt các thành viên trong Ban Biên tập và nhận Quyết định Bản quyền Nghiên cứu Học thuật từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, Thầy Thích Giác Chinh, người đảm nhận vai trò Sáng lập kiêm Tổng biên tập, đã nhận được Thư chấp thuận cấp mã số ISSN từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ:
14/07/2021(Xem: 4393)
Có một câu hỏi ngàn năm trước người ta đã đặt mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng đó là “Tại sao tôi xấu, tôi nghèo, tại sao cuộc đời của tôi như thế này?” Các đạo thờ thần nói rằng đó là ý chỉ của Thượng Đế. Còn Đông Phương trước khi có Đạo Phật du nhập nói rằng đó là định mệnh do Trời-Đất an bài. Đã là ý chỉ của Thượng Đế hay định mệnh thì không thể cải sửa được như cụ Nguyễn Du đã nói: Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]