Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thầy Chùa

21/04/201320:50(Xem: 6684)
Thầy Chùa

thay-chua1


Gần đây, tôi có nhận được một điện thư của người bạn liên quan đến hai tiếng “thầy chùa.” Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ bức điện thư và một góc nhìn (có thể chủ quan) về câu chuyện “thầy chùa” với bạn đọc Văn Hóa Phật Giáo.

Vì bức điện thư khá dài, tôi xin phép tác giả được cắt bớt một số đoạn mà tôi nghĩ sẽ không làm sai lạc ý nghĩa của bức điện thư. Tôi cũng xin giữ nguyên “văn phong điện thư” của bức thư, chỉ thay tên người bằng XYZ.


“Không cần phải nói là không ai trong chúng ta đã nhìn thấy Đức Phật. Chúng ta chỉ thấy tượng Phật thôi. Mà tượng Phật thì có lẽ cũng… tám vạn bốn ngàn hình dạng. Nhưng dường như tôi đã thấy… một ông bác của tôi. Đó là một ông thầy chùa, như cách nói của XYZ. Bác tôi có gia đình, nghĩa là có vợ con. Người con (trai) duy nhất của bác lớn hơn tôi năm hay bảy tuổi.

Bác đi tu từ bao giờ tôi không biết. Khi tôi có hiểu biết thì đã thấy bác là một ông thầy chùa. Khi tôi hiểu biết thêm một chút nữa thì cả gia đình bác đã có một ngôi chùa riêng. Trước đó bác tụng kinh gõ mõ trong ngôi nhà thờ của dòng họ mà bác là người vai trưởng được cai quản. Tôi phải nói là bác tôi vừa là một ông thầy chùa nhà quê, vừa… mù chữ. Có lẽ ông không biết một chữ a, b, c nào cả. Nhưng ông biết “chữ nho”. Bác tụng niệm ê a bằng “chữ nho”.

Tôi lớn lên, tôi đi học hành. Tôi đi đây đi đó. Tôi “biết” được nhiều thứ. Tôi biết nhiều chuyện năm châu bốn biển, nhưng bác tôi vẫn là một ông thầy chùa nhà quê, cùng với vợ và con tu hành một cách quê mùa và lặng lẽ, trong một ngôi chùa nhà quê.

Năm 1968, tôi giải ngũ (thương binh loại 2), về thăm nhà trước khi tiếp tục đi lang bạt. Tôi đến chùa thăm bác tôi.

Người ta gọi ông là Hòa thượng. Với tôi, ông cứ là bác Ba. Vì tôi đi lang bạt kỳ hồ lâu quá, không có cơ hội gần gũi với ông nhiều để quen với tình trạng tu hành của ông và chuyển đổi quan niệm về sự liên hệ, nên tôi vẫn giữ nguyên tình giòng họ gia đình.

Vả lại, trong con mắt tôi, một thanh niên “tân tiến” đã đi đây đi đó, đã nghe đã thấy nhiều chuyện trên đời; hơn nữa, hồi nhỏ, tôi có một thời kỳ làm đệ tử xuất gia của một vị thầy khác ở Sài Gòn, cho đến khi thầy viên tịch thì tôi… xuất tự. Tức là tôi đã đi tu ở thành phố đàng hoàng chớ không phải tu ở nhà quê. Tôi có học “chữ nho” đọc được hết kinh sách trong chùa. Và được học cả tiếng Tây nữa. Mà bác tôi vẫn chỉ là một ông thầy chùa nhà quê mù chữ. Càng là thầy chùa nhà quê, vì chắc chắn là bác tôi chưa bao giờ đi ra khỏi cái làng Long Hương thuộc quận Tuy Phong tỉnh Bình Thuận quê tôi, nơi mà sau khi làng tôi bị giặc Pháp tàn phá và tàn sát vào năm 1949, dân trong làng đã di cư sang đó sinh sống. Gia đình bác tôi cũng di cư sang đó lập một cái am nhỏ sau đó trở thành một ngôi chùa.

Lần đó, tôi đến chùa thăm bác. Tôi không gặp bác tôi. Nhưng tôi gặp… các ông Kiều Trần Như. Và tôi hiểu tại sao trước kia các ông ấy đã coi thường ông thái tử tu hành cà chớn, nay lại sụp đầu đảnh lễ Phật ngay khi Ngài vừa đi đến, và chịu thọ giáo làm những đệ tử đầu tiên của Ngài. Tôi cũng suýt quỳ sụp xuống như các anh em ông Kiều Trần Như đã làm trước Đức Phật: trước mặt tôi, không phải là một ông bác ruột quê mùa mù chữ, mà là… Đức Phật. Hình ảnh Đức Phật đã hiện thân trong ông bác tôi. Ngài mỉm cười nắm tay tôi, để tôi khỏi quỳ sụp xuống. Ngài hiền hòa và rạng rỡ. Dường như Ngài tỏa hào quang. Tôi không nghe một lời “pháp” nào cả. Tôi chỉ nhìn thấy Ngài tĩnh lặng như thế. Một sự tĩnh lặng bình yên, dịu dàng và mênh mông và vĩ đại. Tất cả sự cảm nhận của tôi vào lúc đó không cần lời, không thông qua một lời nói “pháp” nào cả.

Hơn bốn mươi năm rồi mà bây giờ hồi tưởng lại giây phút kỳ dịệu đó, tôi vẫn thấy mình xúc động rất sâu sắc… XYZ thân mến, chắc “cậu” vừa chớm nghĩ: Rồi ông ấy có tiếng tăm gì không? Và ông ấy đã làm được chuyện gì cho đạo Phật và cho cuộc sống? Nếu có một ông thầy chùa “đắc đạo” sao không nghe ai nói?

Tôi không nói bác tôi “đắc đạo”. Bác không thuyết giảng gì cả. Bác tôi chỉ nói chuyện thân mật với một đứa cháu. Cho đến lúc đó, không những tôi “hiểu biết” chuyện năm châu bốn bể, chuyện khoa học, đất trời, đời sống vân vân nhiều hơn bác, mà cả “chuyện đạo Phật” có lẽ tôi cũng “biết” nhiều hơn ông bác nhà quê của tôi. Vì trước đó khi ở chùa không những tôi đọc được kinh sách chữ Nho (như bác) mà còn được đọc nhiều kinh sách chữ Quốc ngữ của… ông Đoàn Trung Còn. Thế thì bác có gì để “giảng thêm” cho tôi!

Tôi run run khép nép ngồi bên cạnh bác, ngây ngất nhìn bác, ngây ngất nghe bác hỏi thăm về cuộc sống của mẹ con tôi. (Bố tôi mất hồi tôi còn nhỏ lắm – nên tôi mới… đi tu!).

Những lời thăm hỏi của bác không phải là “lời pháp” gì cao siêu để tôi vin vào đó mà nói rằng bác tôi “đắc đạo”. Dường như bác tôi không làm gì cả. Không có tiếng tăm gì cả. Rồi bác tôi qua đời hồi nào tôi không hay. (Vào lúc cả nước đang đói, tôi đang ở Quảng Nam, đưa gia đình lên núi làm rẫy). Mặt trời mọc lên lặng lẽ thế nào thì khi lặn xuống cũng lặng lẽ thế ấy.

Dường như trong một cuốn sách nào đó, Sư ông Nhất Hạnh có nói về khái niệm “đạo đức vô hành” của những nhà tu hành chứng đắc. Các ngài không nhất thiết phải “làm” gì cả. Càng không cần nổi tiếng ồn ào. Chỉ sự hiện diện vô hành của các ngài đã đủ quan trọng và lợi ích cho cuộc sống.

Có một lần, trong câu chuyện lặt vặt với nhau về sinh hoạt nhà chùa chung chung, nhà thơ Phạm Thiên Thư kể rằng ở một ngôi chùa (tôi không nhớ tên), có một người đàn ông lớn tuổi “làm công quả”. Ông giữ việc quét dọn trong chùa và chăm sóc khu vườn quanh chùa. Ông không phải là nhà sư, không có “liêu” riêng trong chùa. Ông làm một cái “cốc” nhỏ bằng các vật liệu nhẹ ở một góc vườn chùa. Buổi tối, ông cũng ê a tụng kinh ở đó. Tính tình ông rất hồ hởi và cởi mở, có thể nói là rất xuề xòa hệch hạc. Người ta mến nhưng không ai coi trọng. Đến chùa ai lại coi trọng một ông quét dọn hơn các vị tu hành công đức! Vì tính ông rất hệch hạc, chẳng mấy ai quan tâm đến những gì ông nói. Một hôm, ông bỗng đi chào từ biệt mọi người trong chùa. Ông vui vẻ hể hả như tính ông bình thường hàng ngày, nói cho mọi người biết ông sắp “đi”, nên ông đến chào từ biệt họ. Người ta cười.

Tối hôm đó người ta vẫn nghe ông ê a tụng kinh trong cái “cốc” ngoài góc vườn, nhưng trưa hôm sau, suốt buổi sáng không thấy ông ra quét dọn, người ta mới cho người đi tìm và sửng sốt phát hiện ông đã “đi” trong tư thế ngồi kiết già trong cái “cốc” sơ sài hếch hác của ông. Tôi không nhớ nhà thơ Phạm Thiên Thư nói sau các thủ tục “khám nghiệm tử thi”, người ta an táng hay hỏa thiêu ông. Nhưng người ta sửng sốt rằng ông “đắc đạo”(?)

XYZ thân mến, có lẽ có nhiều ông thầy chùa như thế. Sự chứng đắc có thể làm biến đổi diện mạo bề ngoài của một ông thầy chùa nhà quê mù chữ như ông bác tôi, khiến mọi cử chỉ an nhiên tự tại của ông trở nên như tỏa hào quang thư thái an lành trước mắt tôi, nhưng cũng có thể vẫn giữ cái vẻ xuề xòa hệch hạc như ông làm vườn “công quả”, hoặc vị sư Tế Điên huyền thoại trong tiểu thuyết Tàu. Các vị ấy có thể không “hiểu” Phật pháp bằng hoặc như cái hiểu của chúng ta. Tương truyền Lục tổ Huệ Năng của Tàu cũng mù chữ, (tức là “thua” cả ông bác nhà quê của tôi, vì bác tôi thông thạo “chữ nho”) nhưng chỉ nghe kinh Kim Cương mà ngộ. Phật pháp không phải để “hiểu”. Phật pháp là để chứng ngộ. Bát Nhã Tâm kinh chỉ có mấy trăm chữ, tuy cao siêu, nhưng có hàng vạn người từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay đã lý giải, soi rọi bằng đủ thứ “ánh sáng”. Tức là có hàng vạn người “hiểu” trong đó Phật nói gì. Tôi cũng “hiểu”, nhưng từ cái “hiểu” này đến sự chứng ngộ bản chất của “Sắc và Không” là một chuyện xa xăm như từ trái đất chúng ta đến một hành tinh nào đó có sự sống trong vũ trụ. Tuy vậy, có lẽ ông bác nhà quê của tôi đã “đến” được hành tinh đó, trong khi tôi có thể “hiểu” nhiều hơn, hiểu “rộng” hơn ông ấy, thì tôi không là gì cả. Mà hàng triệu người “hiểu nhiều hiểu rộng” hơn tôi cũng chẳng là gì cả. Thậm chí tôi chưa được quỳ xuống đảnh lễ ông bác thầy chùa nhà quê của tôi… Trong một cuốn sách (có lẽ cũng của thầy Nhất Hạnh mà tôi không nhớ tựa), tác giả tỏ ra, đại ý, hết sức kính trọng một ông sư quê mùa cả đời chỉ tụng đọc một cuốn kinh và chứng đắc, mà “sợ” quý vị tu hành thông thái cỡi hỏa tiễn bay qua rừng tam tạng.

Không loại trừ việc các thầy cố ý gạt bớt, nếu không phải là gạt hết, kiến thức, để giảm thiểu cái tình trạng tâm ý gọi là “tâm viên ý mã”, dập tắt sự biện biệt “nhị nguyên” cho trí dễ im và tâm dễ lặng. Làm như vậy, có thể các thầy bị “chúng ta” coi thường, thậm chí là miệt thị, vì cho là dốt nát hay sai lầm thiếu sót chỗ này chỗ khác. “Thầy chùa” là một từ miệt thị như thế. (TK)

Nếu hai tiếng “thầy chùa” dùng để chỉ một vị tu sĩ “quê mùa”, ít sách vở, không văn chương… thì thầy tôi cũng chính hiệu là một ông “thầy chùa.” Ông thầy chùa đó, ngày ngày, với bất cứ bộ áo quần nào có thể có được và một đôi giày bố lính, sáng vác cuốc đi, chiều vác cuốc về… Và cho đến bây giờ đã tròn trăm tuổi, không còn vác cuốc đã mấy mươi năm, “sự nghiệp một đời” của thầy cũng chỉ đếm được chừng đó, không bớt cũng không thêm.

Khi xem bộ phim Xuân, Hạ, Thu, Đông…, vị sư già trong phim, hình ảnh của một “thầy chùa” đúng nghĩa, đã làm tôi liên tưởng đến thầy:

Thầy, tâm nhẫn như mặt đất, đơn giản và khiêm cung như chiếc am nhỏ trên mặt hồ giữa thung lũng sâu. Sáng tối thầy mở khép cánh cửa không, không có vách ngăn. Có phải thầy đang nghiêm túc chơi một trò đùa? Đất trời của thầy trọn vẹn khít khao. Thầy không trèo lên tận đỉnh ngọn núi thật cao để nhìn trời đất rộng lớn. Chỗ dừng của thầy là đói ăn khát uống. Đến thời tiết thì bình thản ra đi. Đó là Xuân Hạ Thu Đông của thầy, cũng là lòng từ bi của thầy.

Trò, như con sóng nô đùa trên biển lớn không biết mình là nước. Mùa xuân theo dục vọng tạo nghiệp trong mùa xuân, mùa hạ theo dục vọng tạo nghiệp trong mùa hạ, rồi trả nợ trong mùa thu, tìm kiếm trong mùa đông… Hành xác để chuộc tội lỗi chăng? Leo lên tận đỉnh núi thật cao để tìm kiếm phương trời cao rộng chăng? Bốn mùa xuân hạ thu đông vẫn tiếp diễn, chiếc am nhỏ vẫn bình bồng trên mặt nước. Tìm thầy ở đâu? Tìm phương trời cao rộng ở đâu? Xá lợi của thầy hãy thả cho trôi theo giòng nước.

Thầy, hình ảnh của nước một vị. Trò, hình ảnh của sóng lăn tăn. Người đệ tử lạy thầy để đi vào tù, tôi cũng đã lạy thầy để tiếp tục cuộc bon chen. Nhà tù và cuộc bon chen có khác nhau chăng? Có điều tôi tin là lạy thầy để ra đi cũng có nghĩa

là hứa với thầy sẽ trở về. Sóng hứa với nước sẽ trở về với nước dù biết mình vẫn là nước” (Xuân Hạ Thu Đông).

Thầy Nguyễn Thế Đăng viết về vị thầy chùa nông dân đó như sau:

Những khi thầy đi một mình trên con đường từ rẫy về chùa, khuôn mặt thầy là nỗi hân hoan của trời đất, là vẻ xanh tươi của cây cỏ bốn mùa… Thầy nói: “Người thấy Tánh thì nhìn một chiếc lá rụng cũng thấy vui tràn bờ”. Có những lúc thầy ngồi một mình trong vườn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, vô niệm, vô tướng, vô trụ… như Bát Nhã, đích thực là Bát Nhã vậy” (Ai tri âm đó).

Đối với chúng tôi, ông thầy chùa đó chính là nước một vị, còn như chúng tôi, những đệ tử của Thầy, học đủ thứ trên trời dưới đất, viết đủ chuyện bốn biển năm châu, quì trước thầy thì vẫn như những con sóng bập bềnh trôi nổi… Có lần cúi xuống lạy thầy, khi nhìn lên tôi bắt gặp một nụ cười của thầy. Tôi bỗng biết đó là nụ cười từ ngàn xưa cho đến ngàn sau:

Sau khi lạy thầy ba lạy để từ giã, nhìn lên tôi bắt gặp cặp mắt và nụ cười của thầy. Tôi biết rằng đó vẫn là cặp mắt và nụ cười tự thuở nào và cũng sẽ là cặp mắt và nụ cười trong tương lai” (Đêm qua sân trước).

Một vị “thầy chùa” khác mà tôi muốn được chia sẻ với bạn đọc là Hòa thượng Chí Tín, trụ trì đời thứ ba chùa Long Sơn, Nha Trang. Một đêm giao thừa ở xứ người, tôi đã viết về Hòa thượng như sau:

“… Chùa Tỉnh Hội gần trường Bồ Đề có thầy trụ trì mà bao nhiêu năm hình ảnh vẫn không thay đổi. Đó là hình ảnh của một vị chân tăng tâm không hề có tăng có giảm, dù chùa Tỉnh Hội là nơi xảy ra nhiều sự đến đi tăng giảm…” (Việc đời qua trước mắt).

Vị thầy chùa đó trụ trì một ngôi chùa lớn mà tôi được biết cách đây trên 50 năm, quần lúc nào cũng xắn cao, trên tay như lúc nào cũng có cây rựa, quan sát chỗ này chỗ kia trong vườn chùa. Mỗi khi có một ít tiền là thầy lại đi giúp người nghèo, thăm bịnh nhân ở bịnh viện. Cách đây ba năm tôi về có ghé thăm thầy. Vẫn áo quần đơn sơ, tấm phản nằm đơn giản với chiếc chiếu không trải hết phản, cũng vồn vã gần gũi như thuở nào. Chỉ có một cái khác là thầy không còn cầm trên tay cây rựa như ngày xưa vì lớn tuổi. Nghe nói sau năm 1975, có lần có người lẻn vào chùa leo lên trần định lấy trộm bóng đèn điện, thầy hay được chạy đến bảo người ăn trộm hãy từ từ kẻo té, để thầy đi lấy cái thang cho.

Vâng, có nhiều ông “thầy chùa” như vậy đó. Và chính những ông thầy chùa này đã trực tiếp đóng góp một phần rất lớn trong việc làm cho đạo Phật thấm vào lòng người và lan ra xã hội. Và tôi nghĩ các vị thiền sư thuở xưa, nếu không vì một cơ duyên nào đó mà để lại dấu vết cho đời, thì cũng là những ông “thầy chùa,” những vị “bần tăng” đốn củi, hái rau, cày ruộng, cuốc đất. Người đời làm sao thấy được dấu vết của các ngài!

Mắt xanh ít người biết
Mây trắng hỏi đường qua!”

Thị Giới
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 127)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/04/2011(Xem: 7699)
KHÔNG ĐUỔI THEO THAM MUỐN là thực hành Pháp; theo đuổi tham muốn là không thực hành Pháp. Sự việc chỉ đơn giản như thế. Toàn bộ ý nghĩa thiết yếu của Mở rộng Cánh Cửa Thánh Pháp, những giáo huấn này xuất phát từ kim khẩu của các geshe Kadampa - những điều các ngài đã thực hành và chứng nghiệm – là cắt đứt tám pháp thế gian, thoát khỏi tham muốn bám luyến vào cuộc đời này. Dù bạn có thực hành Pháp hay không, tư tưởng xấu xa của tám pháp thế gian chính là nguồn mạch của mọi chướng ngại và vấn đề. Mọi điều khơng mong muốn xuất phát từ tư tưởng về tám pháp thế gian này.
25/04/2011(Xem: 13336)
Chân thật niệm Phật, lạy Phật sám hối, giữ giới sát, ăn chay, cứu chuộc mạng phóng sinh. Đó là bốn điểm quan trọng mà sư phụ thường dạy bảo và khuyến khích chúng ta.
25/04/2011(Xem: 10328)
Tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì có và xảy ra trong hiện tại, tùy theo duyên mà sống, bình thường trong mọi lúc, là sao cũng được, không phân biệt, chấp trước. Ví như Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi chưa đủ duyên, phải ẩn nhẫn trong rừng, cùng sống với đám thợ săn, đem rau lụt chung với nồi nước thịt, nhưng vẫn giữ được khí tiết người tu. Hay câu chuyện về hai huynh đệ cùng đi ngang qua một giòng sông, gặp một cô gái muốn qua sông khi trời đã xế chiều, mà không có đò, vị sư huynh thấy tội nghiệp, bèn đưa lưng cõng giúp cô gái qua sông rồi bỏ xuống ngay, còn vị sư đệ thì do sợ phạm giới, nên không dám giúp, nhưng khi đi được một quảng đường dài, vị sư đệ mới trách phiền sư huynh là tại sao phạm giới, khi cõng cô gái trên lưng, vị sư huynh mới trả lời, ta cõng nhưng đã bỏ cô gái lại bên bờ sông từ lâu rồi, sao đệ còn mang cô ấy theo đến đây làm chi vậy ? tùy duyên là vậy đấy, khi gặp việc cần giúp thì sẵn sàng giúp, xong rồi sẵn sàng buông xuống, không chấp chứa nữa, chứ không phân biệ
23/04/2011(Xem: 6980)
Một câu hỏi mà mỗi người hay tự đặt ra với chính mình: Ta là ai? Ta là gì? Kiếp sống này mai kia chết rồi sẽ đi về đâu? Có cái gì không sinh không diệt trong hình hài này? Trong quá trình tu tâm, nhiều Phật tử thắc mắc: Tâm Phật là gì? Niết Bàn ở đâu? Chân Tâm là vui, buồn, oán, thương, hay là những dòng suy nghĩ luôn tuôn chảy trong ý thức của ta? Khi ta không vui không buồn, vắng bặt suy nghĩ, khi ta ngủ hay hôn mê, cái tâm ấy còn hay mất? Làm sao để giữ cho tâm bình an trong cuộc đời đầy xao động?
22/04/2011(Xem: 18023)
Đạo hữu Lillian Too, nhà phong thủy nổi tiếng thế giới, đã viết hơn tám mươi cuốn sách về đề tài này, và bà cũng đã cho xuất bản tạp chí Feng Shui World (Phong Thủy Thế Giới) phát hành hai tháng một kỳ. Mới đây bà đã mở rộng công việc xuất bản của mình với số đầu tiên là Mahayana (Đại Thừa Phật Giáo), tạp chí trình bày truyền thống Đại Thừa Phật Giáo Tây Tạng như phương châm " vì lợi lạc cho quần sanh". Mahayana đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người tại quê hương của bà ở Singapore vào cuối năm ngoái. Bài viết sau đây là một phần nhỏ mà Tạp chí Mandala đã trích đăngtừ tập sách của bà với tựa đề 108 Phương cách tạo nghiệp tốt.
22/04/2011(Xem: 8295)
1. Niệm Phật trọng ân 2. Niệm phụ mẫu ân 3. Niệm sư trưởng ân 4. Niệm thí chủ ân 5. Niệm chúng sanh ân 6. Niệm sanh tử khổ 7. Tôn trọng kỷ linh 8. Sám hối nghiệp chướng 9. Cầu sanh Tịnh độ 10. Linh chánh pháp cửu trụ
18/04/2011(Xem: 54479)
Câu Phật hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật" quả thật rất mầu nhiệm, công năng rất lớn, được rất nhiều lợi ích, nếu mà nói về đề tài xoay quanh câu đại hồng danh này thì bản thân tôi không bao giờ thấy chán và tôi chỉ luôn luôn nói và viết như nhiều bài bình luận tôi đã viết, có gì không phải xin BQT và các bạn đồng tu, các Phật tử xa gần bỏ quá cho:
16/04/2011(Xem: 8906)
Căn phòng đầu tiên, phía tay trái, khi vừa hết những bậc cấp dẫn lên tầng trên của một dãy phòng ốc trong chùa Già Lam, đấy là am của thượng tọa Tuệ Sỹ, được đặt tên là Thị Ngạn Am. Là Bờ. Hồi đầu thị ngạn, quay đầu nhìn vào là bờ. Nhìn thẳng vào tâm mình. Trực chỉ nhân tâm / Kiến tánh thành Phật.
15/04/2011(Xem: 8567)
Chương trình khóa tu 14/04 đến 17/04/2011 tại Thiền Viện Chánh Pháp
14/04/2011(Xem: 8025)
Bưởi có tính thanh nhiệt và có chứa nhiều thành phần rất có lợi cho sức khoẻ con người. Bưởi chứa lượng vitamin C và vitamin A dồi dào...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]