Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

QUÁN CHIẾU VỀ SỐNG CHẾT - Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

06/08/201219:51(Xem: 6994)
QUÁN CHIẾU VỀ SỐNG CHẾT - Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

QUÁN CHIẾU VỀ SỐNG CHẾT
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

quanchieuvesongchetLà nhà Phật học mình phải nói với nhà khoa học: Nếu đã chấp nhận không sinh không diệt rồi thì phải tiến tới một bước nữa là chấp nhận không có cũng không không, phải thoát ra ý niệm being và non-being.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Chúng ta có bài tập:

Thở vào tôi biết tôi đang còn sống
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi

Bài thực tập này giúp chúng ta có mặt thật sự và tiếp xúc được với sự sống. Theo nguyên tắc, khi thở vào, đem thân trở về với thân, tiếp xúc được với sự thật là ta đang còn sống và sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta thì sự thực tập chế tác được niềm vui, niềm vui được biết là ta đang còn sống. Ta có tuệ giác là mình phải sống như thế nào cho xứng đáng, để không làm uổng phí sự sống mà mình đã được ban tặng. Thở vào tôi biết là tôi đang còn sống, ta có niềm vui do ý thức tạo ra.

Nhưng niềm vui nhờ ý thức được rằng mình đang còn sống có hàm chứa sự lo lắng mà mình không muốn đối diện. Mình lo lắng một ngày nào đó mình sẽ phải chết tại vì có sống thì phải có chết. Niềm vui đó có thể không trọn vẹn, mình trận quí sự sống, mình trân quí giây phút hiện tại nhưng phía sau vẫn còn một sự lo lắng nào đó: Ngày mai mình sẽ nằm xuống và thân xác của mình sẽ cứng đơ. Mình không còn thở, không còn cảm xúc, không còn cảm giác nữa, mình không còn suy tư và không còn có mặt trong cuộc đời.

Tuy niềm vui chế tác bởi ý niệm “mình đang còn sống”có mặt thật sự, nhưng phía sau còn lãng vãng một nỗi sợ, một nỗi buồn. Niềm vui đó không được trọn vẹn tại vì mình biết rất rõ đã có sự sống thì thế nào cũng có cái chết, không chết ngay bây giờ nhưng sẽ chết một ngày nào đó. Vì vậy trong đạo Bụt chúng ta có những phép thực tập quán chiếu về cái chết. Đức Thế Tôn nói quán chiếu về cái chết đem lại rất nhiều lợi lạc. Chúng ta sợ cái chết, chúng ta không cảm thấy thoải mái khi nghĩ tới cái chết và ta có khuynh hướng đẩy ý niệm chết ra. Ta không dám đối diện với cái chết, nhưng trong tiềm thức ta biết thế nào ta cũng phải đối diện với nó. Chúng ta có nhiều bài tập quán chiếu về cái chết mà bài tập thông thường nhất là:

Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết.

Trong chiều sâu tâm thức của chúng ta có hạt giống sợ chết. Nhưng thay vì trốn chạy hay khỏa lấp nó thì ta đưa nó lên và nhìn thẳng vào nó. Ta đối diện với nỗi sợ của mình, nỗi sợ khi chết phải đi vào hư vô, phải từ lĩnh vực của hữu thể đi vào lĩnh vực của vô thể. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của sự sợ hãi đó nên bài tập dạy chúng ta: thay vì chạy trốn nó thì ta nâng nó lên cao và nhìn thẳng vào mặt nó. Trụ Vũ có viết một bài thơ:

Tôi đi giữa sa mạc hiu quạnh
Một con gấu bỗng đến vồ tôi
Nhưng tôi nhìn thẳng vào mặt nó
Để mặc cho nó xé nát cho rồi

Nhưng bài thơ của Trụ Vũ có vẻ bi thảm. Đáng lý ra mình phải xé nát con gấu thay vì để con gấu xé nát mình. Cái chết chỉ là một ý niệm, con gấu đó là một con gấu giấy mà không phải là con gấu thật.

Bài thực tập này Bụt đưa ra cho các thầy gồm có năm phần:

1.Thế nào tôi cũng phải già, tôi không thể nào tránh thoát cái già.

Ta đem cái sợ già lên nhìn và mỉm cười với nó. Người tu phải có can đảm đối trị cái sợ của mình, nếu không nó sẽ âm thầm tàn phá mình, tại vì tiềm thức mình hoạt động ngày đêm và nó chi phối cách suy tư, cách nói năng, cách hành động của mình mỗi ngày.

Phương pháp của đạo Bụt là không trốn chạy mà phải đem cái sợ lên mà nhìn cho kỹ, trước hết là nhìn cái già của mình: mình thế nào cũng phải già, mình còng lưng xuống chống gậy và đi những bước run rẩy.

2.Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào thoát khỏi bệnh.

Trước khi chết thế nào mình cũng phải bệnh, không bệnh này thì bệnh khác. Mình rất sợ giờ phút mình nằm trên giường bệnh, bác sĩ chăm sóc cho mình bớt đau nhức. Khi mình trực tiếp nhìn vào mặt của cái bệnh thì nó sẽ không ở bên dưới thầm thầm chi phối mình nữa.

3.Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thế bào tránh khỏi cái chết.

4.Những gì tôi trân quí hôm nay như địa vị, bằng cấp, danh vọng, tài sản, những người thương thì đến giờ phút đó tôi đều phải buông bỏ, tôi không đem theo được gì hết.

Mình phải thấy được sự thật đó. Có những người chết rất khó tại vì họ không buông bỏ được. Chúng ta học quán chiếu để buông bỏ ngay từ bây giờ.

5.Cái mà tôi đem theo là tất cả hành động của tôi. Những gì, tôi nghĩ, những gì tôi nói, những gì tôi làm sẽ không mất đi, tôi sẽ đem chúng theo và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng nó.

Những tư duy của tôi, những lời nói, những hành động của tôi (hoặc lành hoặc dữ) đều mang chữ ký của tôi. Tôi không thể nào chối là tôi đã không nghĩ, không nói, không làm như vậy. Đó là những nghiệp mà tôi đã tạo ra trong đời này và nó sẽ đi theo tôi.

Đức Thế Tôn đã dạy các thầy, các sư cô quán chiếu như vậy với mục đích là cho chúng ta cơ hội đưa cái sợ lên, nhìn thẳng vào mặt nó để làm cho nó yếu bớt đi, không cho nó âm thầm chi phối những tư tưởng, những ngôn ngữ hay những hành động của mình trong đời sống hằng ngày. Chúng ta nên có một bài tập nữa để bổ túc cho bài tập”Thở vào tôi biết đang còn sống, thở ra tôi ăn mừng sự sống”.

Thở vào, tôi biết ngày nào đó tôi sẽ chết và tôi sẽ không đem theo được gì ngoài hành động (karma) của tôi mà thôi.

Bài tập thứ hai này không dễ chịu bằng bài tập thứ nhất nhưng nếu mình biết thực tập thì bài tập thứ nhất sẽ đem lại cho mình hạnh phúc nhiều hơn. Đức Thế Tôn có nói: nếu chúng ta quán chiếu được về cái chết thì công đức sẽ vô lượng. Theo tiêu chuẩn ngoài đời, một người đang còn trẻ mà quán chiếu về cái chết thì không lành mạnh (morbide). Nhưng sự thật thì ngược lại, nếu quán chiếu và thấy được bản chất của cái chết thì ta sẽ trân quí sự sống và ta sẽ sống sâu sắc và hạnh phúc hơn nhiều.

Đức Khổng Tử nói: Mình chưa biết xử lý sự sống thì làm sao mà xử lý được cái chết? (Vị năng sự sinh, yên năng sự tử?). Nhưng nếu mình quán chiếu và có được một cái thấy chính xác về cái chết thì lúc đó mình sống mới thật là sống, tại vì cái sống và cái chết nương vào nhau mà có.

Quán chiếu về không sinh không diệt

Đứng về phương diện tích môn thì có sống và chết, có sinh và diệt; nhưng đứng về phương diện bản môn thì không có sinh, không có diệt. Quán chiếu về chết và sống rồi, mình có thể đi tới bước thứ hai là quán chiếu về không sinh không diệt.

Khoa học hiện đại đang vật lộn với quan niệm sống-chết, có-không và khoa học đã khám phá ra nhiều điều tương đương với tuệ giác của đạo Bụt. Lavoisier đã nói: Không có gì sinh cũng không có gì diệt (Rien ne se crée, rien ne se perd).Khoa học đã nêu ra luật bảo tồn năng lượng và luật bảo tồn vật chất (la loi de la conservation, de l’énergie, la loi de la conservation de la matière). Các nhà khoa học nhìn vào vật chất, nhìn vào năng lượng và thấy rằng: bản chất của vật chất cũng như của năng lượng là không sinh và không diệt. Chúng ta không thể nào làm ra vật chất mới, làm cho vật chất từ có mà trở thành không. Chúng ta cũng không thể nào tạo ra năng lượng mới hay làm cho năng lượng từ có mà trở thành không. Đó lá cái thấy của những nhà khoa học. Lavoisier nói: Không có gì sinh, không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến (Rien ne se crée, rien ne se perd, tout se transforme).Tất cả đều biến đổi, mà biến đổi khác với sinh diệt. Sinh là từ không mà trở thành có, diệt là từ có mà trở thành không, còn chuyển biến là thay đổi mà thôi. Vì vậy cái thấy của Lavoisier rất sâu sắc, ông đã khám phá ra sự thật là các pháp không sinh cũng không diệt, các pháp là vô thường chuyển biến. Nhưng không biết Lavoisier có áp dụng được cái thấy đó vào trong đời sống của ông hay không? Năm 51 hay 52 tuổi thì ông bị lên máy chém. Vợ của Lavoisier rất dễ thương, ông đã cưới cô lúc cô chưa được 14 tuổi. Cô rất xinh đẹp và yêu chồng, cô nguyện học tiếng Anh để dịch những tác phẩm khoa học của các nước cho chồng tham khảo và cô cũng trở thành một nhà khoa học. Nhưng sau cuộc cách mạng Pháp thì Lavoisier và ông bố vợ đều bị lên máy chém. Tôi đặt câu hỏi là khi lên máy chém Lavoisier có áp dụng được cái thấy bất sinh bất diệt hay không? Chính Lavoisier đã nói rằng không có gì sinh cũng không có gì diệt và nếu quả thật Lavoisier có cái thấy đó như một tuệ giác sống mà không phải là lý thuyết thì khi lên máy chém ông có thể mỉm cười được. Cái thấy của Lavoisier và cả Lavoisier vẫn còn tiếp tục cho tới bây giờ, Lavoisier đang có mặt trong thiền đường này ngày hôm nay, Lavoisier không chết được. Cũng như đám mây trên trời, đám mây không chết khi trở thành mưa, nó chỉ tiếp tục dưới hình thức của cơn mưa. Những khám phá của khoa học không những chỉ được áp dụng vào lĩnh vực kỹ thuật mà còn phải được áp dụng vào đời sống tâm linh và đời sống tình cảm của con người. Vì vậy nhà khoa học phải nắm tay với nhà Phật học tại vì hai bên khám phá ra những điều tương đương với nhau rất hay.

Không có cũng không không

Nếu đã không có sinh, không có diệt thì cũng không có có, không có không tại vì sinh là từ không mà trở thành có và diệt là từ có mà trở thành không. Đã đạt tới không sinh không diệt, nhưng khoa học không chấp nhận được là đã không sinh không diệt thì cũng không có không không. Nhiều nhà khoa học vẫn còn kẹt vài ý niệm có và không. Theo nguyên tắc thì nếu đã chấp nhận sự thật là không sinh cũng không diệt thì cũng phải chấp nhận luôn sự thật là không có cũng không không. Chúng ta không thể nói rằng vũ trụ bây giờ đang có và mai mốt nó sẽ trở thành không, hay là vũ trụ bây giờ đang có nhưng trước khi có nó đã là không. Nếu chấp nhận sự thật đó khoa học sẽ không đi tìm giây phút đầu tiên, giây phút mà vũ trụ từ không trở thành có gọi là Big Bang, và một khi đã có Bia Bang thì khoa học phải tưởng tượng ra ngày nào đó vũ trụ sẽ bị tiêu diệt gọi là Big Crunch.

Là nhà Phật học mình phải nói với nhà khoa học: Nếu đã chấp nhận không sinh không diệt rồi thì phải tiến tới một bước nữa là chấp nhận không có cũng không không, phải thoát ra ý niệm being và non-being. Đối với nhà thần học cũng vậy, nếu đã làm việc với nhà Phật học và nhà khoa học thì nhà thần học cũng phải chấp nhận điều đó. Định nghĩa Thượng đế là nền tảng của hữu thể (the ground of being) là còn kẹt vào ý niệm có và không. Nếu Thượng đế là nền tảng của cái có thì ai là nền tảng của cái không? Thượng đế phải thoát ra ý niệm có và không, cho nên đặt vấn đề Thượng đế có hay không có là vô nghĩa. Chúng ta không thể gán cho Thượng đế ý niệm có và không hay sinh và diệt, tại vì ta không thể gán niệm có và không hay sinh và diệt cho một đám mây hay một năng lượng thì làm sao mà ta có thể gán nó cho Thượng đế? Ta đừng cho rằng Thượng đế đứng về phe hữu thể và Satan đứng về phe vô thể, tại vì nếu như vậy thì Thượng không phải là tất cả, Thượng đế có kẻ thù là Satan cũng như hữu thể là kẻ thù của vô thể. Hữu và vô là hai ý niệm cũng như hai ý niệm sinh và diệt.

Sống và chết tương tức

Chúng ta thử vạch một đường tượng trưng cho thời gian từ quá khứ đi tới hiện tại, và tương lai.

Mình ngồi ở điểm hiện tại và nói:

Thở vào tôi biết là tôi đang còn sống

Điều đó có nghĩa là tôi bắt đầu sống ở điểm sinh ra và sẽ tiếp tục sống cho đến điểm chết đi. Khi nói như vậy thì phía sau mình có một niềm đau, một sự lo lắng cho nên niềm vui không được trọn vẹn. Vì vậy ngồi ở giây phút hiện tại chúng ta làm thêm một bài tập:

Thở vào tôi biết tới lúc nào đó tôi cũng phải chết

Tôi từ vô thể mà đi vào hữu thể, rồi tới điểm chết tức là tôi sẽ từ hữu thể mà đi vào vô thể, đó là cái thấy của chúng ta. Cái thấy đó đưa tới sự lo lắng, nó nằm như một khối trong tiềm thức và chi phối đời sống của mình. Mình đẩy, mình chạy trốn, mình khỏa lấp cái sợ đó, nhưng nó vẫn còn đó, tại vì sự thật là hễ có sinh thì có tử, không có tử thì không có sinh. Mình cứ tưởng có một cái sinh ra trước, rồi lâu lắm thì cái kia mới sinh ra. Điều này không đúng tại vì sinh và tử có mặt cùng một lần, chúng đi sát với nhau như một cặp bài trùng và có mặt ngay bây giờ chứ không đợi đến một trăm năm sau. Cũng như bên trái và bên trái, không phải là bên trái có trước và saư đó bên trái mới sinh ra, hễ có trái thì có phải ngay lúc đó. Phải làm nền tảng cho trái xuất hiện và trái làm nền tảng cho phải xuất hiện, phải và trái sinh ra cùng một thời, không có cái này thì không có cái kia. Phải và trái tương tức (inter-being), đó gọi là câu hữu (co-being), tiếng Phạn là sahabhu, bhu là có mặt (hữu), saha là cùng nhau. Cái có không thể có mặt một mình, cái có phải cùng có mặt với cái không. Cái sinh không thể có mặt một mình, cái sinh phải cùng có mặt với cái tử.

Tất cả những gì chúng ta thấy và tiếp xúc hằng ngày cũng đều như vậy. Trong và ngoài cùng xuất hiện một lần, cha và con cùng xuất hiện một lần. Trước khi con anh sinh ra thì anh không được gọi là cha, anh chỉ được gọi là cha khi con của anh sinh ra mà thôi. Có con thì mới có cha, có cha thì mới có con, con và cha tương tức. Cha dựa trên con mà con và con cũng dựa trên cha mà có. Phật là người giác ngộ và chúng sanh là người mê lầm, nhưng có chúng sanh mới có Phật và có Phật mới có chúng sanh. Phật và chúng sanh đi đôi với nhau, chúng ta đừng nên chọn một cái và vứt cái kia đi. Hạnh phúc và khổ đau cũng như vậy, đó là hai mặt của một thực tại. Hạnh phúc dựa trên khổ đau mà có và khổ đau dựa trên hạnh phúc mà có, vì vậy chạy trốn khổ đau và đi tìm hạnh phúc là một chuyện rất buồn cười. Giải thoát có nghĩa ngược lại với triền phược, nhưng nếu không có triền phược thì làm gì có giải thoát và không có giải thoát thì làm gì có triền phược? Giải thoát và triền phược tương tức, câu hữu.

Theo nguyên tắc, mình sinh ra lúc 0 hay 1 tuổi và chết đi lúc 100 tuổi, nhưng mình có thể chết đi bất cứ lúc nào. Giữa sinh và tử không có khoảng cách mà chúng dính vào nhau như mặt trái và mặt phải của một tờ giấy. Chúng ta thấy rất rõ nếu không có mặt trái thì không có mặt phải và ngược lại. Trái và phải, trên và dưới sinh ra cùng một lần. Đó gọi là tương tức.

Chúng ta đừng nên nghĩ rằng sự sống có mặt bây giờ và cái chết sẽ đến trong tương lai. Khi đi từ Boston tới New York chúng ta nghĩ có Boston và có New York, ta phải lái xe mấy giờ đồng hồ mới từ Boston tới New York. Nhưng trong mỗi bước chân của mình, bước chân nào cũng có Boston và New York. Mình đang hướng về New York và quay lưng về Boston, nhưng Boston và New York có ngay ở đây mà không phải chỉ có ở hai đầu mà thôi.

Cái chết và cái sống cũng vậy, nó không bị ngăn cách bởi một khoảng thời gian và không gian, nó có mặt ngay trong hiện tại, nó gần với nhau hơn là bề mặt và bề trái của tờ giấy. Không có cái chết thì không thể nào có sự sống, không có diệt thì không thể nào có sinh.

Các nhà khoa học cũng tìm ra được điều đó. Họ thấy rõ ràng trong cơ thể của mình lúc nào cũng đều có cái chết đang xẩy ra. Trong lĩnh vực sinh học cũng như trong lĩnh vực lượng tử, cái gọi là vô thường (transformation) đạt tới trình độ cao nhất. Nhìn vào trong cơ thể của mình chúng ta thấy trong mỗi giây phút có hàng triệu tế bào chết đi và có hàng triệu tế bào sinh ra, và cái sống cùng cái chết dựa vào nhau mà có. Nếu những tế bào kia không chết đi thì những tế bào này không sinh ra, sinh dựa vào tử và tử dựa vào sinh. Nếu nhìn bằng kính hiển vi thì ta sẽ thấy bề dày của tờ giấy còn lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa sinh và diệt trong một giây phút, tại vì khoa học hiện nay đã chứng thực được rằng cái chết và cái sống cùng phát hiện trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Hàng triệu tế bào đang chết mà mình không đau buồn và hàng triệu tế bào đang sinh ra mà mình cũng không vui mừng. Thông thường nếu có một người chết thì mình làm đám ma, nhưng trong giây phút hiện tại có hàng triệu tế bào chết mà mình không có thì giờ để làm đám ma cho từng tế bào, và có hàng triệu tế bào mới sinh ra mà mình không có thì giờ để ăn mừng ngày ra đời của chúng. Sự sống chết đang nương vào nhau và xẩy ra ngay bây giờ thì tại sao mình lại phải sợ chết? Mình sợ tại vì mình có cái thấy lệch lạc, mình lấy lưỡi dao ý niệm để tách sự thật ra làm hai phần, một bên là sự sống và một bên là cái chết; bên này là hình hài nhảy múa, cười đùa, ăn uống và bên này là thân thể cứng đơ không có suy tư. Mình cho là mình đang ở bên sự sống, nhưng thật ra là cái sống đang ở bên cái chết và cái chết đang ở bên cái sống. Sống và chết tương tức với nhau.

Niết bàn: Tuệ giác vượt thoát ý niệm sống và chết, có và không

Quán chiếu bài tập đến câu thứ năm chúng ta thấy: Những gì mà tôi đem theo khi xác thân này tan hoại chỉ là những hành động của tôi. Tất cả những gì tôi chế tác bằng năm uẩn của tôi tức tư tưởng, lời nói và hành động đều mang chữ ký của tôi và khi tôi chết thì chúng nó sẽ đi theo tôi.

Đứng về phương diện khoa học thì không có gì mất đi, không có cái chết. Đám mây trên không thể chết, nó không thể nào từ hữu thể mà trở thành vô thể. Khi trở thành mưa thì tất cả đám mây đều nằm trong mưa, nó không mất đi một nguyên tử nào. Khi thí nghiệm một phản ứng hoá học, chúng ta chế chất này vào trong chất kia thì phản ứng hóa học có thể cho chúng ta có cảm tưởng là có một chất gì đó mất đi và một chất gì đó hiện ra. Nhưng nhìn cho kỹ thì các nhà khoa học thấy rằng tất cả những nguyên tử đi vào phản ứng vẫn còn nguyên khi đi ra khỏi phản ứng hóa học, không có gì cũ bị mất đi và không có gì mới được tạo nên.

Trong Thất Ngồi Yên của tôi có óng kính vạn hoa (kaleidoscope) rất đẹp. Nhìn vào, mình thấy một hệ thống hình ảnh và màu sắc tuyệt vời. Chỉ cần xoay một cái là mình có hình ảnh mới đẹp tương đương, có khi còn đẹp hơn hình ảnh cũ. Không có hình ảnh nào giống hình ảnh nào, nhưng hình ảnh nào cũng đều tuyệt vời. Những hình ảnh thay đổi, nhưng không có gì mất đi, không có gì sinh ra và mình không có thương tiếc tại vì hình ảnh này tiếp nối hình ảnh kia rất đẹp. Không có gì thêm vô, không có gì mất đi, tất cả đều chuyển biến. Đám mây trên trời đẹp thật, nhưng khi trở thành mưa thì nó cũng đẹp. Tất cả những gì có trong đám mây bây giờ đều có mặt trong cơn mưa. Đó gọi là bảo tồn(conservation). Nếu nghĩ chết là không còn gì nữa thì rất sai lầm. Nhìn cho kỹ thì không có cái sinh, không có cái tử. Chúng ta phải sử dụng tuệ giác đó, và ngay chính trong khoa học cũng phải áp dụng tuệ giác đó. Thấy được không sinh không tử mình sẽ giải quyết được vấn đề sợ hãi, tại vì sự sợ hãi là gánh nặng nhất của con người.

Bông hoa hay con chim kia đang sống, nhưng chúng không có nỗi sợ hãi đó. Con người phải trả cái giá văn minh của mình bằng nỗi lo sợ phập phồng về cái chết và về cái vô thể. Vì thế sự quán chiếu giúp con người vượt thoát ý niệm có và không, sống và chết. Khi khi vượt khỏi ý niệm có và không, sống và chết rồi thì nỗi lo sợ của mình sẽ không còn và mình có được niềm vui thật sự. Mục đích cao nhất của người tu là đạt tới Niết bàn. Niết bàn là tuệ giác, là cái thấy vượt thoát ý niệm có và không, sống và chết. Nhưng Niết bàn không phải là cái gì xa lắc xa lơ, Niết bàn nằm trong những cái mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày như đám mây kia. Đám mây thuộc về thế giới hiện tượng; quán sát nó mình thấy nó có khi có có khi không, có khi sinh có khi diệt. Nhưng nhìn kỹ bản chất của đám mây, mình thấy tự tính của nó là không sinh không diệt, không có không không. Khoa học cũng có thể làm được điều đó. Đám mây không cần phải đi tìm cái không sinh không diệt, không có không không tại vì nó đang ở trong đó rồi. Có, không, sinh, diệt chỉ là ý niệm của mình. Không những đám mây mà tất cả vạn vật đều như vậy.

Chúng ta hãy tưởng tượng có một đám mây mà 50% biến thành mưa và 50% vẫn còn bay lơ lững trên trời. Một nửa đám mây nhìn xuống và nhìn thấy một nửa của nó đã trở thành dòng nước. Nó nhận ra được d ò ng nước đó là sự tiếp nối của mình, nó thấy nó bay ở trên cũng vui mà nó trôi chảy ở dưới cũng vui. Nó chào phân nửa của nó ở dưới: Hello, you are half of me down there, I go join you very soon. Đám mây không có sợ hãi, nó biết bản chất của nó là không có không không, không sinh không diệt. Chỉ có sự biến chuyển mà không có sự sinh diệt. Đám mây không có sự lo lắng của con người.

Niết bàn không phải là cái mình đi tìm. Mình đang ở trong Niết bàn tức trong thể tính không sinh không diệt, không có không không của mình. Cũng như đợt sóng kia đang sợ hãi vì sự lên xuống, có không; nhưng khi đợt sóng biết mình là nước rồi thì nó không còn sợ hãi nữa, đi lên nó cũng vui mà đi xuống nó cũng vui. Nó không cần phải đi tìm nước, nó đã là nước rồi. Niết bàn cũng vậy, Niết bàn không phải là trạng thái tâm lý hay nơi chốn mà mình phải đi tìm. Niết bàn là bản chất của mình, mình đang ở trong Niết bàn. Chúng ta nói “nhập Niết bàn”, như vậy có nghĩa là mình ở ngoài và mình đi vô Niết bàn. Điều này không đúng, nói như vậy giống như mình là một cái khác, Niết bàn là một cái khác và mình đi vô Niết bàn. Mình đang ở trong Niết bàn thì cần gì phải nhập Niết bàn. Niết bàn nằm ở đâu? Niết bàn nằm ngay ở chỗ sinh tử. Đi tìm nước ở đâu? Tìm ngay ở sóng. Trong sóng có nước, trong sinh tử có Niết bàn. Nhìn bề ngoài, đám mây có sinh, có tử; nhưng trong bề sâu đám mây không có sinh, không có tử.

Đây là bài pháp thoại ngày 19 tháng 01 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/01/2012(Xem: 9617)
Những ai muốn đi gặp mùa xuân thì phải đứng dậy, giã từ u tối của đêm đông, thắp sáng tâm mình bằng ánh lửa tỉnh thức được đốt cháy trong nguồn năng lượng tình thương.
22/01/2012(Xem: 7089)
Chư Phật, Bồ-tát biết rõ cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội. Điều thiết yếu là chúng ta phải khắc tỉnh...
21/01/2012(Xem: 17756)
Tập sách này, đa phần ghi lại những mẫu chuyện Phật đã dạy qua các kinh, phụthêm phần lý giải để chúng ta có thể rút ra được những bài học cho bản thân. Những gì ghi trong đây có thể sẽ làm ta khó chịu và bất an vì nó không giốngvới những gì ta đang suy nghĩ và hành động. Nó khiến ta hay có thái độ tránh né.Dù thế, qui luật Duyên khởi vẫn đang vận hành chi phối tất cả. Ta gieo một cáinhân, đủ duyên ta có một cái quả. Cuộc đời cứ thế mà trôi. Ta, thì gieo và gặt.Luật nhân quả, cứ thế mà xoay vần. Không chờ đợi, không cảm thương... Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, đó là phước báu lớn nhất mà mình nhận được trong cuộc đời này. Bởi nhờ đó, mình đi không lầm lẫn.
21/01/2012(Xem: 8206)
Vào một ngày đầu năm, tiết trời ấm áp, vạn vật như đồng loạt hân hoan chào đón ánh xuân. Quốc vương đưa hoàng gia và các quan văn võ cận thần đến một tu viên nổi danh trong thành...
19/01/2012(Xem: 6515)
Chu Mạnh Trinh là khách hành hương tới Hương Sơn để hưởng thú "bầu Trời, cảnh Bụt" nhưng thật ra là đang viếng cảnh biển xanh biến thành nương dâu đang hiện tướng trong tâm thức cuả chính mình. Chim ríu rít cúng dường hoa trái, cá lặng lờ vùng vẫy nghe kinh; là khi Tâm kinh biến thành Chân kinh
18/01/2012(Xem: 10415)
Nếu chúng ta là người Phật tử thì ngày 23 tháng chạp không nên theo tập tục văn hóa mê tín dị đoan mua cá chép vàng về để giết hại cúng Ông Táo, việc làm ấy sai trái đạo lý...
18/01/2012(Xem: 8351)
Ai bảo thiền sưkhông biết trồng hoa chứ! Các Ngài còn trồng hoa trên đá nữa kìa. Mắt thấy sắctai nghe tiếng mà không dính là trồng hoa trên đá. Do không dính nên không cầnphải gỡ. An nhàn tự tại. Đóa hoa tâm mặc sức mà sắc sắc không không giữa muônhồng ngàn tía, biến hóa khôn lường, không đóa hoa nào dám sánh cùng. Thiền sưkhông để cho danh lợi làm hoen mờ đôi mắt, thấy là phủi liền. Cho nên các Ngàicó đôi mắt sáng, không bị nhậm nên không cần phải đeo kính viễn kính râm. Sựvật vì thế không bị đổi màu, nhãn quan vì thế không bị chinh nghiêng... Chư Phật ra đời chỉ cho chúng sanh con đường thoát khổ, khả năng thoát khổ nằm trong tầm tay của chúng ta. Bởi ta tự buộc nên ta phải tự mở.
18/01/2012(Xem: 7728)
Đại lực Độc long dùng mắt quan sát, thấy một người yếu đuối bị chết, một người mạnh khoẻ rồi cũng bị chết. Thấy vậy, Độc long bèn thọ giới một ngày xuất gia...
18/01/2012(Xem: 12901)
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linhthiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng,ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Kinh điển Phật giáo có nhiều huyềnthoại về Đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắmcho thái tử khi mới đản sinh, Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long,Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật…
18/01/2012(Xem: 9037)
Tưởng không có gì reo ca trong tâm mình. Một ngày đi ngang cổng một tu viện, thấy một thầy tu áo đà vừa bước vào cửa, tay nải khoác vai nhẹ nhàng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com