Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Áp dụng Phật Pháp vào đời sống

17/06/201220:43(Xem: 7885)
Áp dụng Phật Pháp vào đời sống


lotus-2 (1)

ÁP DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

HT. Thích Nhật Quang

Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử.

Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một cách chín chắn vào đời sống của mình?”.

Phật tử cũng nhận biết rõ nếu như chỉ hiểu Phật pháp, dù hiểu nhiều, hiểu sâu sắc, nhưng thiếu phần áp dụng chúng ta cũng không thể gọi là người thâm nhận hoặc hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp.

Quả thật như thế, dù chúng ta có để tâm nghiên cứu học hỏi các phương pháp tu hành thật nhiều, nhưng không có phần hành trì, không hạ thủ công phu, thì cái hiểu của chúng ta cũng chỉ là hiểu, là kiến giải thôi. Vì vậy quí Phật tử nên quan tâm đến phần thực hành nhiều hơn. Công phu là công phu của chính mình, chứ không phải của ai hết. Chúng ta cũng không thể đợi chờ, ỷ lại vào một vị thầy nào. Ngay bây giờ, điều thiết yếu nhất là mỗi vị phải áp dụng tu hành. Người xưa dạy:Phật pháp không nhiều, người bền lâu khó có. Học đạo như tâm ban đầu thì thành đạo hẳn có thừa. Trước sau không hề đổi, mới thật là người học Phật.

Qua lời dạy trên chúng ta thấy rõ, hiểu sâu hay nghiên cứu nhiều, mà không quan tâm đến phần hành, phần tu thì không mong có ngày thành tựu. Phật pháp không nhiều, quí ở giữ tâm ban đầu, thực hành chuyên nhất, mới thật là người để tâm tới việc học Phật. Chúng ta nắm được chìa khóa, biết cách mở cửa, chúng ta có thể mở được cửa vào nhà. Người đủ điều kiện mở cửa vào nhà mà cứ đi loanh quanh bên ngoài, chưa chịu mở cửa vào nhà, thì vẫn chịu kiếp lang thang.

Chư Phật, Bồ-tát, các bậc Thánh hiền, những vị thiện hữu tri thức của chúng ta đều đã qua các giai đoạn thể nghiệm thật là sâu sắc, đến nơi đến chốn, do vậy các ngài được an lạc. Những gì các ngài dạy lại chúng ta đều từ sự thể nghiệm ấy. Người tu Phật không phải là triết gia, không phải thi sĩ, không phải học giả, mà là một người hành giả. Chúng ta chỉ có thể căn cứ từ nơi mình mà luận bàn, hơn là cứ tìm tòi chạy kiếm bên ngoài. Chúng ta nói tu học, nói áp dụng Phật pháp mà không trị được phiền não, không hết điên đảo lăng xăng, những mê mờ còn đọng lại trong lòng quá nhiều thì chưa thể gọi là tu Phật. Bởi vậy gặp chướng duyên tập khí tham, sân, phiền não, ganh tỵ, đố kỵ… dấy khởi lẫy lừng. Cho nên người con Phật phải quan tâm đến việc tu học của mình.

Người xưa dạy Phật pháp không có nhiều, tức là pháp Phật nói ra chung quy cũng chỉ có những điểm then chốt, chỉ mê khai ngộ giúp chúng sanh ta nhổ sạch gốc vô minh, phiền não. Những ai nhận được, hành trì đúng đắn, thể nghiệm hay sống được với thật pháp, nhất định có an lạc. Không nhất thiết chúng ta phải hành trì hết cả loạt những kinh điển đã được học, chỉ cần hành một phần nào trong đó thôi, cũng đã có an lạc rồi. Có khi ta học nhiều, nhớ thuộc, hiểu biết, trình bày càng nhiều càng làm loạn tâm thêm. Bởi vì như thế là tăng trưởng kiến giải, mà tăng trưởng kiến giải thì không thể an định được.

Chúng ta chỉ cần hiểu những điều chính yếu và khế hợp với căn cơ của mình thì có thể ứng dụng tu được rồi. Nắm được phương thức đó, nhất định chúng ta sẽ giác ngộ, giải thoát. Người xưa dạy Phật pháp không nhiều rất hay, bởi vì nếu Phật pháp nhiều, chúng ta sẽ không hành trì hết. Ta hành trì pháp thích hợp với mình, còn những phần khác hiểu qua thôi. Ví dụ kiểm nghiệm lại bản thân mình hay nóng nảy, nhớ lời Phật dạy quán từ bi trị bệnh nóng nảy thì nhắm thẳng phương pháp đó mà hành, nhất định hành cho đến nơi đến chốn. Có thế ta mới trị được bệnh nóng nảy của mình.

Học Phật pháp là để trị bệnh. Bệnh của chúng sanh là bệnh từ nhiều đời, nên thời gian điều trị không thể mau được. Do chúng ta mê lầm nên bị cuốn theo dòng thác sanh tử. Những tật xấu, những tập khí, những tham sân phiền não đã ăn sâu gốc rễ, nếu không bền lòng tận lực thì khó mong hết nổi. Biết như thế, bây giờ chúng ta nhắm ngay bệnh của mình mà trị. Chúng tôi rất tâm đắc với lời dạy Phật pháp không có nhiều. Chỉ cần nắm phần chính, phần thực sự khế hợp với mình và quyết tâm hành trì.

Phật pháp mình hiểu là để áp dụng cho mình, trị bệnh của mình. Những huynh đệ đồng tu đồng học là những người cùng một lý tưởng, một khuynh hướng, một nhân duyên với mình. Đối với những vị này chúng ta nên hỗ trợ động viên để cùng tu cùng học. Thật ra nói cùng tu cùng học chứ thực tình việc tu học là cho chính mình, chứ không cho ai hết.

Người lâu bền khó có,là người có kiên tâm, có ý chí hành trì Phật pháp đến nơi đến chốn thật hiếm. Không phải không có, nhưng rất hiếm. Bản thân chúng ta cũng vậy, buổi sáng vui buổi chiều buồn, sáng phấn khởi, giữa trưa lại muốn bỏ cuộc, đại khái như thế. Nghĩa là chúng ta có bệnh bất nhất. Bởi bất nhất nên phần hành có nhưng quyết tâm bền chí, dũng mãnh tu tập cho đến nơi đến chốn thì rất ít người được. Người xưa phát tâm tu tập chừng nào bằng Phật mới vừa lòng, về phần này chúng ta thua người xưa nhiều.

Nghiên cứu lại lịch sử tu hành của các tổ Trúc Lâm, chúng ta thấy Sơ Tổ Trúc Lâm, là một ông vua anh hùng của dân tộc. Khi Ngài đi tu đã hành hạnh đầu đà, đạt đạo dưới rừng trúc nên gọi là Tổ Trúc Lâm. Chúng ta cứ ngỡ một người quyền uy như thế, hưởng thụ như thế, chắc không tu nổi, mà nếu có tu cũng dễ rơi vào tình trạng bất nhất của mình. Nhưng không! Ông vua Việt Nam đi tu, lên rừng trúc tu hạnh đầu đà năm sáu năm trường, ngộ đạo rồi mới ra hoằng pháp lợi sinh. Cho nên bây giờ mới có hai bài Ngài viết để lại cho chúng ta là “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo”.

Người xưa đã làm được thì ngày nay chúng ta cũng làm được. Tổ thời Trần của tu như vậy, chúng ta cũng tu được như vậy. Các Ngài tu đắc lực, giác ngộ sáng được việc của mình, hôm nay chúng ta tu cũng giác ngộ, sáng được việc của mình. Bởi vì tinh thần giác ngộ, siêu thoát đó không dành riêng cho ai. Nó là thành quả dành cho các hành giả có tâm quyết liệt, khẳng định trong công phu tu tập. Vì vậy người tu phải có ý chí, kiên tâm bền bĩ, nhất định tu thành công.

Tâm ban đầu của chúng ta nếu được gìn giữ bảo quản liên tục, thì không có khó khăn nào, trở ngại nào ngăn cản bước chân ta nổi. Tâm ban đầu là tâm giác ngộ, tâm cầu thành Phật. Người tu nếu phát khởi tâm đó rồi, nuôi dưỡng liên tục trong suốt quá trình tu hành, nhất định tu sẽ thành công. Quý Phật tử nên nhớ phải phấn chí phát nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng mình, không thay đổi, không vì một sự duyên gì làm trở ngại việc tu hành cả. Nếu tất cả những người con Phật phát tâm tu hành, phát tâm học đạo giữ được tâm ban đầu của mình thì số người thành Phật rất nhiều.

Chúng ta có thấy được chỗ thâm yếu, vi diệu của Phật pháp thì mới phát tâm tin kính hướng về. Tu hành là tự nguyện, chứ không phải ai bắt buộc hết. Chúng ta phát tâm tìm hiểu, đến với đạo và học đạo. Chắc chắn quí vị thấy được giá trị đặc biệt của đạo mới đến với đạo. Ở ngoài đời, nếu nói về danh vị, nhiều Phật tử đã có danh vị, nhưng rõ ràng nó không thật sự đem đến an lạc, nên quí vị mới hướng về đạo. Khi vào đạo, biết được giá trị của đạo, chúng ta mới quyết tâm hành trì. Dù công phu có những trở ngại, nhưng cảm nhạân giá trị của đạo, chúng ta quyết tâm từng bước đi lên, như thế nhất định sẽ sáng đạo.

Sáng đạo là gì? Chúng ta có thể sáng đạo được không? Được. Trước nhất nói đến tinh thần áp dụng đạo vào trong sống. Có người bảo: Đạo lý thì nói giải thoát mà đời sống là va chạm, phiền não, lăng xăng… Hai con đường ngược nhau, làm sao áp dụng để đạt đạo? Thưa quý vị, nghe qua thì như thế, nhưng thực sự đạo lý là để áp dụng vào đời sống. Đời sống có phiền não lăng xăng mới có chỗ cho chúng ta áp dụng đạo lý chứ. Chính cái mâu thuẫn ấy mới giúp chúng ta thành tựu được đạo lý trong cuộc đời. Người tu phải khéo, khéo áp dụng thì lợi lạc của đạo lý nằm trong tầm tay. Chúng ta có thể nắm được, đến được, sống được đạo lý đó. Và vì thế, chúng ta có thể an lạc, giải thoát.

Trước chúng ta có những bậc huynh trưởng, các ngài đã thành tựu. Ngày nay trên bước đường chúng ta đi, có bản đồ, có sự chỉ dẫn rõ ràng của những người đi trước, nhất định chúng ta cũng sẽ thành tựu nếu chịu cất bước. Song, nếu thiếu tâm bền lâu, không có ý chí thì khó mong thành tựu. Người tuy hiểu đạo nhưng không có tâm bền lâu, không có ý chí, sự hành trì một nắng mười mưa, bước tới một bước bước lùi ba bước, thì đi tới đâu. Thành ra ở đây đòi hỏi chúng ta phải có ý chí. Có ý chí làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Người gặp khó khăn bỏ cuộc, gặp trở duyên nản lòng sẽ không đi tới đâu.

Khi thấy được chỗ thâm diệu đặc biệt của giáo pháp, chúng ta học và yên tâm hành trì, nuôi dưỡng phát huy ý chí. Phải kiên cường, phải bền lâu, phải vững mạnh. Năm này chúng ta chưa làm được thì cuối năm hoặc đầu năm tới phải làm được. Ta không bỏ cuộc, không nản lòng, mà kiên tâm dứt khoát sẽ thực hiện được. Người có công phu hành trì rồi thì lòng sẽ rực sáng. Chúng ta khắc phục được một phiền não, trị được một cái dở của mình là bước được một bước trong công phu, trong lòng ta có niềm vui, có sự phấn khởi. Niềm vui đó sẽ là đà tiến, là cơ hội để chúng ta bước tới. Niềm vui đó lần lần sẽ tròn đầy, sáng rực trong lòng chúng ta.

Người tu theo đạo Phật nếu không vững niềm tin, không có niềm vui, sẽ không tu đến nơi đến chốn. Những niềm vui ấy không phải tìm bên ngoài, mà lưu xuất từ công phu hành trì của chúng ta. Ví dụ trước khi bắt đầu công phu, mình có bệnh nghe ai nói trái tai là hờn trong lòng. Hờn rồi tự nhiên bủn rủn, không muốn tu hành nữa, công phu cũng công phu mà dã dượi, không có nhuệ khí, không tăng tiến được. Những loại phiền não nho nhỏ như thế len lỏi trong lòng, chúng ta không có cách đẩy lui, nó sẽ phát triển. Nó phát triển trong các sự duyên, trong đời sống, trong tiếp cận hằng ngày của chúng ta. Càng phát triển nó càng làm mình không muốn tu nữa, cuối cùng tâm Bồ-đề lui sụt và chúng ta mất hết công phu, bỏ tu luôn.

Tôi nói những tùy phiền não thôi, không phải những phiền não chính như tham, sân, si mà còn nguy hại như vậy. Nếu chúng ta không có cách trị nó, chúng sẽ phát triển. Một hôm nào đó cái buồn sẽ buồn hơn, cái hờn sẽ hờn hơn v.v... Từ đó chúng ta không còn năng lực tăng tiến trên đường đạo. Tâm cứ u mê, mờ mờ mịt mịt, buồn thì không buồn hẳn nhưng nghe phiền phiền trong lòng, dã dượi lười biếng lắm. Nếu chúng ta không quyết tâm, tùy phiền não khởi lên rất nhiều trong một ngày. Nó ở đâu mình cũng không biết nữa, nhưng cứ hiện ra một cách u u ám ám vậy. Loại này nếu không dứt khoát rất khó trị. Cho nên người không sáng suốt, không quyết tâm đối với Phật đạo khó thực hiện đến nơi đến chốn. Phải mãnh liệt lên, mình mới vui vẻ, tăng tiến được.

Trong sinh hoạt hằng ngày, nếu người tu thiếu sự kiểm soát, thiếu tích cực, chúng ta dễ lạc vào lối dở dở ương ương, không đi tới đâu hết. Thành ra người tu phải tích cực. Vì đây là tự nguyện, tự phát tâm, không ai bắt buộc, việc của mình thì mình phải làm, không đợi ai. Dù chúng ta có trông chờ, cuối cùng mình cũng làm thôi, chứ người ngoài không thể làm thay được. Như bây giờ chúng ta có Thầy, giả dụ Hòa thượng là người đạt đạo, dạy chúng ta tu nhưng mình không cố thực hành theo lời Ngài dạy, cứ để ngoại cảnh len vô phá vỡ sự thanh tịnh của tâm, thì dù Hòa thượng có thương xót, muốn độ bao nhiêu cũng không độ được. Thầy thành đạo mà đệ tử không tu cũng khó thành đạo. Vì đó là việc của mình, Thầy thương là chỉ dạy cặn kẽ phương pháp tu “con phải làm như thế, phải vượt qua như thế …” Nhưng chúng ta vượt qua, chứ không phải Thầy ban cho. Vì vậy quyết tâm hay kiên tâm là để trị bệnh ỷ lại, trông cậy, đợi chờ. Sự vật chung quanh chúng ta luôn đổi thay mau chóng, chúng ta liệu xem có thể đợi chờ được hay không? Hiểu như vậy, tất cả chúng ta phải gắng gổ, khắc phục hành trì. Mỗi người chúng ta là những hành giả phải về đến nhà, hưởng được lợi lạc trong Phật pháp.

Người học đạo phải là người biết rõ, vừa có ý chí vừa biết rõ. Biết rõ cái gì? Biết rõ tâm đạo của mình, biết rõ Phật đạo mình học, biết rõ chỗ đến của sự hành trì. Biết rõ để làm gì? Để chúng ta là chủ nhân ông quyết định cho sự tăng tiến của mình. Học đạo thì tiến cũng mình mà thoái cũng mình. Cho nên người tu Phật phải có tri thức, phải kiên tâm, biết một cách chắc thật mọi việc như thế. Ở đây chúng ta phải hiểu pháp tu, phải hiểu chúng ta. Hiểu được như thế, nhận rõ như thế mới hy vọng Kiến Tánh.

Nói đến từ “kiến tánh”, có khi quý vị nghĩ “chắc điều này chỉ để cho mấy ông tổ, còn mình không kiến tánh nổi”. Không phải thế. Chúng ta tu phải là người vững tin nơi mình có sẵn tánh giác. Đã có sẵn thì việc nhận lại đâu phải quá tầm tay của mình. Người kiến tánh là người thấy được cái thật của mình. Thế thôi. Chúng ta thấy được khả năng tu hành có thể thành Phật của mình. Hoặc trái lại, mình biết bệnh một cách rõ ràng để trị liệu cho mạnh khoẻ trở lại. Chữ Tánh là gì? Tánh là không thay đổi, là chắc thật. Mình thấy được lẽ thật của các pháp, lẽ thật của chính mình, gọi là kiến tánh. Người kiến tánh là người tu hành bảo đảm, chắc chắn không lui sụt nữa. Như vậy có gì đáng sợ lắm đâu, tại sao chúng ta không dám nhận khả năng có sẵn của mình?

Có thể nói, chúng ta tu thì phải kiến tánh. Ở trên tôi nói chúng ta phải hiểu biết, phải thấy rõ. Bây giờ đã hiểu biết, đã thấy rõ thì phải kiến tánh, phải thấy được lẽ thật. Phật dạy:Chúng ta có khả năng làm Phật. Chúng ta có khả năng giác ngộ. Tất cả chúng sanh, không riêng ai hết đều có khả năng đó. Mình nắm chắc như thế, từ đó mà khởi xướng công phu. Chúng ta đến với đạo bằng cái thấy, cái biết của mình, hành đạo cũng từ cái thấy, cái biết ấy tức là cái kiến tánh của mình. Như thế công phu tu tập cũng từ kiến tánh mà sáng đạo. Cái đó mình có thể làm được, thực hiện được, đạt được ngay trong đời này.

Tu thiền không đăït nặng vấn đề tu chứng. Sở dĩ không nói là vì sợ chúng ta lầm chấp, chưa được mà nghĩ đã được. Ở đây với người tu thiền nêu lên tinh thần kiến tánh để chúng ta mạnh mẽ, chuẩn bị công phu tu hành, làm sao sáng được việc của mình. Sáng được việc của mình gọi là người sáng đạo. Người sáng đạo là người thấy được chất Phật, thấy được khả năng làm Phật của mình. Nếu quí vị đi chùa học Phật mà phát nguyện “Con đời đời làm chúng sanh” thì thôi, tu chi cho mệt! Tu mà nguyên xi như thế thì có lợi lạc gì đâu?

Chúng ta biết chất Phật lâu nay mình có sẵn, nhưng chưa có cơ hội để nhận và sống được. Bây giờ mình có thầy có bạn, có Phật pháp chỉ đường, chúng ta phải gột rửa tất cả những gì bu bám xung quanh tánh Phật đó từ lâu nay, để hằng sống được với tánh giác. Đó là việc mình có thể thực hiện được. Trong công phu hằng ngày, có khi thầy chúng ta dạy một phương pháp rất bình thường, nhưng nếu khéo hành trì, chúng ta có thể sáng được việc của mình. Ví dụ hôm trước nhớ tới việc gì quí vị lao theo, tức là bị duyên dẫn đi. Bây giờ việc đó hiện ra, quý vị nhớ tới nhưng bỏ ngay, không lao theo. Đó là nhờ có học Phật, có hiểu Phật pháp, có hành trì, có ngồi thiền, mình biết những thứ đó là vọng tưởng không thật. Do vậy dù nó có hiện ba đầu sáu tay, mình cũng bái bái, không chạy theo nó, không để cho nó kéo mình đi. Vì thế mình dửng dưng bình thường đối với tất cả. Công phu ấy nếu được hành trì liên tục, quý vị sẽ được định tuệ, sẽ là người sáng được việc của mình. Từ đó Phật đạo hiện thành.

Người tu Phật, hành trì theo lời Phật dạy thâm niên, dù không nói sáng đạo hoặc sống đạo, mà tự nhiên bên trong có được Phật chất bình an, nó sẽ biểu hiện ra ngoài. Sự biểu hiện đó cho thấy người ấy rất an lạc, rất bình thản bởi các sự duyên chung quanh. Trong đời sống chúng ta dễ bị động bởi việc này việc kia, cho nên việc tu tập thiền định rất cần thiết. Người dễ bị động là người trong tâm chưa vững hoặc chưa sáng, nên cần phải hành trì Phật pháp nhiều hơn nữa. Nếu kiểm nghiệm thấy mình chưa chủ động được các việc, bên trong chưa sáng chưa vững, thì phải sắp xếp tu tập như thế nào cho vững sáng. Tu tập ở đây không có cách nào an toàn hơn làm sao thấy rõ, biết rõ, chủ động, đừng để mắc míu bởi bất cứ thứ gì. Bị kéo lôi bị mắc míu bởi một cái gì thì sẽ mất mình. Cố gắng làm sao làm chủ được, giữ được sự tỉnh sáng của mình là điều thiết yếu của một hành giả tu thiền.

Chúng ta mỗi người đều có một thói quen sâu dày riêng, nhà Phật gọi là nghiệp. Muốn trị được những thói quen ấy, phải dùng công phu. Muốn trị được thói quen, trước nhất chúng ta phải là người bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt mà trị được tập nghiệp của mình. Hòa thượng thường dạy phải tỉnh, phải giác. Làm sao lúc nào mình cũng tỉnh cũng giác, nghĩa là an nhiên, bình thường khi tiếp cận tất cả sự việc. Có tỉnh giác, có sáng suốt thì đối với thói quen mình có thể trị được, có thể làm chủ được, không bị nó dẫn đi.

Thói quen là nghiệp. Như người có thói quen hút thuốc, khi hành công phu, họ tự dặn mình phải bớt hút thuốc hoặc bỏ hẳn. Trong điều kiện thuận tiện, không tiếp duyên với thuốc, họ dễ bỏ. Nhưng khi gặp duyên, gặp bạn ghiền thuốc, tự nhiên thói quen cũ hiện ra. Cũng như là người thích nhạc, đi ngang quán nhạc tự nhiên muốn đứng lại nghe hát. Cho nên muốn trị được những tập khí cũ, chúng ta cố gắng làm chủ được mình. Trong công phu chúng ta phải cố gắng, phải phấn đấu mới làm chủ được. Người biết tu như vậy, công phu liên tục trong mọi hoàn cảnh sẽ sáng được việc của mình không khó.

Nếu có công phu, chúng ta sẽ nhận ra được chất Phật của mình, trí tuệ sẽ hiện tiền. Từ đó mọi tập khí không làm gì được chúng ta. Thật ra tập khí sâu dày lắm, tuy mình có công phu, nhưng trị được những hơi hướm đó đòi hỏi phải quyết tâm. Để cho tập khí có cơ hội dấy khởi hoặc phát triển thì công phu hành trì của chúng ta sẽ găïp trở ngại. Nhiều vị hành trì công phu nhiều năm mà thành quả không được bao nhiêu, bởi vì họ không làm chủ được những tập khí. Mỗi người có mỗi khuynh hướng nghiệp tập khác nhau, không ai giống ai cả. Ta tự biết mình có nghiệp tập gì thì nhắm thẳng cái đó mà tu.

Một khi gột rửa được tập khí rồi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, an lạc, giải thoát. Bấy giờ không nói thành đạo, sáng đạo nhưng chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Người xưa có những phương thức hành trì thực tiễn, các ngài đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Điển hình như những thiền sư thời Trần, các ngài dạy chúng ta phải nhìn lại mình, không chạy theo bên ngoài. “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.” Nhìn lại mình, soát xét lại mình, không bị những thứ bên ngoài kéo lôi, việc này ai cũng có thể làm được. Chỉ là mình không gan dạ, không làm liên tục nên không thành tựu. Nếu chúng ta gan dạ cố gắng hành trì liên tục như thế, nhất định sẽ đạt được thành quả xứng đáng.

Chúng tôi mong mỏi dù trong hoàn cảnh nào, các Phật tử cũng có thể nắm vững yếu lý Phật dạy và áp dụng được. Lâu nay chúng ta bỏ quên, nên việc tu mất nhiều thời gian, chưa nếm được lợi lạc. Bây giờ chúng ta thấy rõ phương pháp tu, nhất định sẽ đến được chỗ sáng suốt, sống được với giác tánh của mình, không bị những tập khí làm trở ngại. Đời sống thanh thản, giải thoát là đời sống của người con Phật. Thiền Phật giáo Việt Nam, qua kinh nghiệm của các vị tổ sư, các Ngài đã chỉ dạy lẽ thật đó.

Mong tất cả quí Phật tử lưu tâm và cố gắng áp dụng những gì Phật Tổ đã chỉ dạy. Chúng ta đủ duyên hiểu và hành đến nơi đến chốn thì sẽ hưởng được những giá trị an lạc thiết thực nhất trong Phật pháp.

_____________________________

HỎI:
- Kính bạch Thầy! Con là một thiền sinh, có thắc mắc thế này: Chúng ta có cái biết thường hằng, bất sinh bất biến, nhưng khi chúng ta bị một tai nạn làm bất tỉnh, chẳng hạn như chúng ta bị chụp thuốc mê để giải phẫu, thì chẳng hiểu cái biết thường hằng đó nó đi đâuễin Thầy hoan hỷ giải thích cho. Cám ơn Thầy.

ĐÁP:

Đây là câu hỏi trúng ngay cái ưu tư của tôi. Quý vị biết, sở dĩ sức khỏe tôi yếu là vừa rồi tôi cũng mới qua lần giải phẫu, bị chụp thuốc mê. Quãng thời gian chụp thuốc mê, tôi hoàn toàn không có cảm nhận gì hết, không biết gì hết. Khi nằm trong phòng giải phẫu, bác sĩ vừa vỗ tôi một cái, ông lấy cái gì chụp lên mũi tôi, lúc đó tôi quên bẵng đi cho tới hồi nghe có người cũng vỗ mình, biểu phải mở con mắt ra, rồi kêu uống nước, chừng đó tôi mới sực tỉnh. Thời gian từ khi chụp thuốc mê cho tới hồi kêu dậy, tối thiểu cũng phải hai tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn nữa. Tôi nhớ lại trong kinh Phật cũng nói Bồ-tát cách ấm còn phải lo. Cách ấm tức là khi mình bỏ thân này cho tới lúc nhận được thân sau, trong quãng đó chúng ta quên hết chuyện đời trước.

Ở đây nói riêng với người tu thiền thì thế này, chủ trương của người tu thiền là trí tuệ, tỉnh táo, sáng suốt. Cho nên chủng Phật phải được phát huy để trí tuệ luôn phát sáng. Ngay khi chúng ta còn mạnh khoẻ, nếu không cố gắng nhận cho được trí tuệ chân thật không sanh không diệt của mình thì khi các căn đóng lại, ta sẽ không còn cơ hội nhận kịp nữa. Do vậy, trong trường hợp bị chụp thuốc mê là các căn tạm thời đóng lại, nên tánh biết không có chỗ hiển lộ ra ngoài. Song không có nghĩa là nó không có. Chỉ vì chúng ta chưa nhận và sống được với nó nên thân căn khép lại, ta có cảm giác mình không biết gì nữa. Đối với người đạt đạo, nếu lìa rời thân tứ đại, tánh giác hòa cùng hư không trùm khắp. Chỗ này phải thân chứng, không thể dùng suy luận mà biết được. Nó không mất, chỉ không đủ duyên thì không hiển lộ ra thôi. Điều này có thể minh chứng được, vì khi thuốc mê hết, có người lay dậy chúng ta liền biết. Nếu tánh biết không sẵn có, làm sao mình biết được? Nó là cái chủ đạo, cái sẵn có của mình, luôn hiển lộ qua sáu căn. Nếu sáu căn tạm thời dừng hoạt động hay dừng hẳn thì tánh biết ấy sẽ trở về thể không lặng của nó, khi nào đủ duyên nó sẽ phát ra.

Chúng tôi chỉ có thể tạm giải thích như vậy, nhưng thật ra điều này chúng ta phải thân chứng mới biết một cách đích thực, không thể suy nghĩ mà hiểu được. Suy nghĩ tức không đúng.


Thích Nhật Quang
(Thiền viện Thường Chiếu)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/08/2014(Xem: 17111)
Vu Lan báo hiếu lại về, Khắp nơi phật tử nhất tề dâng hương. Người người già trẻ bốn phương, Lên cầu cho mẹ, mến thương hết lời. Cửa chùa mở rộng đón mời, Hỏi thăm hiền mẫu trên đời còn không, Mẹ còn, chùa lấy hoa hồng, Cài lên vạt áo, cho lòng thêm tươi. Người nào mẹ đã qua đời, Thì cài hoa trắng, gửi lời nhớ thương.
05/08/2014(Xem: 7021)
Bạn nghe tiêu đề và thấy vô lý quá đúng không. Tôi cũng thế, nếu tôi chỉ đọc tên bài viết này thì cũng giật mình vì cho rằng có vấn đề. Rồi thấy buồn cười. Hằng ngày chúng ta suy nghĩ, nói năng, làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngay cả khi ngủ chúng ta cũng không nghỉ. Hằng ngày, khi chúng ta làm việc mà nếu tâm vẫn trong sạch, không mọc rễ, thì khi đó ta đã đưa tâm về nhà. I have a rrived. I am home. Ta đã về. Ta đã tới. Nhưng nếu ta làm cái gì đó rồi tâm ta mọc rễ thì ta đã đưa tâm đi xa nhà. I am far from my home. Ta đã đi xa nhà mất rồi, thật rồi.
01/08/2014(Xem: 9209)
Bạn bè tôi thường hay đùa nhau nói: giày dép còn có số huống chi con người ta. Tôi biết, đó là bạn bè đùa vui thôi! Cuộc đời tôi thì có gắn bó nhiều với những câu chuyện về giày dép. Có bạn còn nói: cái mũ người ta đội trên đầu mới đáng nói hơn, nói chi lòng vòng mấy cái chuyện giày chuyện dép, chỉ là món đồ dùng người ta mượn để đạp dưới đất mà đi. Thì cũng có sao đâu! Cái mũ đội trên đầu thấy „cao thượng“ nhưng lúc lỡ quên mang theo thì mình có thể chui vào đâu đó tránh nắng hay dùng khăn chùm đầu cũng đỡ lạnh. Nhưng giày dép mà vắng mặt thì… bạn ơi, có hơi chật vật đấy! Sỏi đá, gai góc vào chân thì chỉ có khóc thôi. Phải vậy không? Ai từng gặp cảnh ấy mới biết. Bởi nghĩ thế nên mấy cái chuyện giày chuyện dép ấy nó cứ đeo đuổi theo tôi nhiều năm, đến hôm nay mới có dịp kể ra đây.
31/07/2014(Xem: 7347)
Máy bay cất cánh từ phi trường Kastrup, Copenhagen lúc 20 giờ 30 tối, trong đầu tôi vẫn còn nỗi lo là mình đến phi trường Geneva lúc 22 giờ 25 rồi có gặp được các học viên của Khóa Tu Học Phật Pháp, hay có ai đến đón chúng tôi không? Như Thầy Quảng Hiền đã trấn an không?
30/07/2014(Xem: 6832)
‘Bạch Thế Tôn, mới rồi, một gia chủ giàu có ở thành Savatthi này qua đời mà không có con thừa kế. Con vừa cho chuyển tài sản của ông ta vào kho của hoàng cung; những tám triệu đồng tiền bằng vàng chưa kể số tiền bằng bạc. Mặc dù là một gia chủ giàu có, thế nhưng bữa ăn hằng ngày của ông ta thì chỉ là cháo nấu bằng gạo nát với bánh làm bằng đậu khô; y phục vỏn vẹn chỉ có ba mảnh vải dệt bằng sợi gai; phương tiện di chuyển là chiếc xe bò gãy gọng nóc lợp bằng rơm’.
29/07/2014(Xem: 8805)
Thông thường làm từ thiện, ai cũng liên kết với lòng Từ bi. Thấy ai làm từ thiện đều nghĩ người đó có tâm từ. Thật ra, cùng một động thái nhưng nội hàm có nhiều sai biệt. Có người vì xu hướng mà làm từ thiện, có người vì ham danh mà làm từ thiện, có người chạy theo phong trào mà làm từ thiện...những trường hợp nầy thiết nghĩ không cần phải đề cập, cái cần đề cập là những người thực tâm vì thương xót đối tượng mà làm từ thiện. Trường hợp nầy hoàn toàn đồng ý đây là tâm tốt, nhưng tốt đối với người bình thường trong xã hội, riêng với một Phật tử dù xuất gia hay tại gia, việc hành thiện còn phải xây dựng trên nền tảng tâm Bồ đề.
29/07/2014(Xem: 8750)
Tất cả chúng ta đều có thể bị bệnh. Một khi chúng ta được sinh ra trong vòng luân hồi sinh tử với thân thể này thì có nghĩa là chúng ta đã chịu sự ảnh hưởng của những phiền não và nghiệp chướng, cho nên bị ốm đau là điều không thể nào tránh khỏi. Đó cũng chính là bản chất của cơ thể chúng ta - thân thể này sẽ già đi và sẽ bị bệnh. Ma-ha Tăng kỳ luật, quyển 28, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, tập 22, trang 455b)
24/07/2014(Xem: 10592)
Hôm nay chúng tôi xin nói đề tài Ba điều căn bản của người tu Phật. Vì chúng ta tu Phật phải biết thế nào là cội gốc, thế nào là ngọn ngành. Ba điều này tôi căn cứ theo kinh Pháp Hoa, nhắc lại cho quí vị nhớ và thực hành.
22/07/2014(Xem: 9699)
Hoà thượng Chánh Tâm trụ trì ở chùa Kim Liên. Một ngôi chùa cổ, xinh xắn, ấm cúng, nhiều cây cổ thụ bao quanh. Chùa toạ lạc dưới chân núi, cạnh một con suối nhỏ chảy róc rách. Ngài có hai đệ tử, thầy tỳ kheo Tâm An và chú sa di Tâm Bình. Thầy Tâm An xuất gia từ thuở ấu thơ, vì mồ côi mẹ sớm. Thầy lớn hơn chú Tâm Bình đến hai mươi tuổi. Thầy đảm trách hai chức vị, Thị giả và Tri khách, nghĩa là vừa chăm sóc Hoà thượng, vừa lo việc trong, việc ngoài ở chùa. Thầy bận rộn suốt ngày, nhưng lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Chưa bao giờ ai thấy Thầy sân si. Thầy luôn luôn giữ phép lục hoà, trên kính, dưới nhường, làm mọi việc trong chánh niệm tỉnh giác, cần mẫn tinh tiến trong việc tu học. Sau công phu tối, Thầy thường toạ thiền dưới gốc cây cổ thụ bên bờ hồ sau chùa. Từ khi còn thơ ấu, Thầy đã được sự dìu dắt dạy bảo ân cần của Thầy Bổn Sư.
21/07/2014(Xem: 10536)
Những món thực phẩm dưới đây rất quen thuộc và bổ dưỡng. Nhưng nếu ăn không đúng cách thì hậu quả mà chúng đem lại cũng khôn lường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]