Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

GIỌT SƯƠNG ĐẦU NGỌN CỎ - HT. Thích Nhất Hạnh

18/05/201220:05(Xem: 8844)
GIỌT SƯƠNG ĐẦU NGỌN CỎ - HT. Thích Nhất Hạnh

GIỌT SƯƠNG ĐẦU NGỌN CỎ
HT. Thích Nhất Hạnh

Hồi nãy, trước khi ra thiền đường, tôi có hỏi thị giả còn mấy phút. Thị giả nói còn mười phút. Mười phút là nhiều hay ít? Và mình sử dụng mười phút đó như thế nào?


Tôi mặc áo và đi vào phòng tắm. Tôi mở nước để rửa mặt cho mát. Tôi mở rất ít. Những giọt nước trong vòi chảy ra, gần như là từng giọt, rơi trên bàn tay phải của tôi. Nó rơi xuống như những giọt tuyết vì nước lạnh lắm. Nó gây cảm giác mát lạnh, làm cho mình tỉnh. Tôi đưa những giọt nước đó lên trên mặt. Mặt tôi cũng được hưởng cái lạnh của những giọt nước. Tôi làm như vậy ba lần, đưa tay phải hứng những giọt nước và đưa lên mặt. Trong thời gian đó, tôi có hạnh phúc nhiều lắm. Tôi thấy được đây là những giọt tuyết từ trên Hy Mã Lạp Sơn, từ trên núi Pyrénées đi xuống. Hiện giờ, nó đang chạm vào trán, vào mắt và vào má tôi. Tôi thấy rất rõ và tôi mỉm cười nhận diện sự có mặt của những giọt tuyết ấy.


Thời gian đó chỉ diễn ra trong khoảng mười hay mười lăm giây thôi, nhưng nó rất đáng sống và rất dễ chịu. Trong lúc tôi nâng những giọt tuyết đó đưa lên má, đưa lên mắt, tôi không nghĩ tới bài pháp thoại mà tôi sẽ nói. Tôi không nghĩ tới tôi cần phải làm gì trong thời gian tới, mà tôi an trú được trong giây phút hiện tại. Tôi không nghĩ đến chuyện quá khứ. Khi cầm chiếc khăn lông màu vàng nhỏ chậm lên mặt, lau khô những giọt nước đó, tôi nghĩ rằng, những giây phút như vậy hết sức là mầu nhiệm. Và tôi mỉm cười. Tôi mỉm cười một mình thôi, vì trong phòng tắm đâu có ai mà cười với, nụ cười này không phải là nụ cười có tính cách ngoại giao.


Mở cửa đi ra, tôi khoác áo ngoài vào, rồi từ từ bước lên trên sân cỏ. Trên sân cỏ cũng có những giọt sương. Có những giọt sương đậu trên đầu ngọn cỏ, những giọt sương này cũng không khác với những giọt nước mà tôi đã phả lên trên mặt. Những giọt tuyết trên Hy Mã Lạp Sơn, đi đâu mình cũng gặp nó thôi. Nhìn lên trời, mình thấy nó dưới dạng một đám mây, mai mốt nó sẽ tìm đường đi vào phòng tắm của mình, chắc chắn như vậy. Trong bài thơ «Thề Non nước» Thi sĩ Tản Đà có nói:

Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Sự đoàn tụ của mình với những giọt tuyết xảy ra trong từng giây phút. Bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà là một bài thơ lục bát khá hay, nói về mối tình giữa “núi và sông”. Mưa trên núi và làm cho núi xanh. Nhưng nước mưa, dưới dạng những dòng suối, đi xuống núi và đi về đồng bằng. Nó chào tạm biệt núi, khiến cho núi nhớ, núi thương, núi nói: “Nước ơi, bao giờ thì trở lại với núi?”

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non

Đó là một sự trách móc. Nước đi sao không trở về? Nước đi, đi mãi, không về cùng non. Điều đó không đúng! Sau lời than thở dài dòng của núi, thi sĩ đã “khai thị” cho núi. Núi đừng có nghĩ như vậy!

Non kia đã biết hay chưa
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Vậy thì sự hội ngộ của quí vị với những giọt tuyết trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn xảy ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày. Khi quí vị rửa mặt, khi quí vị bước những bước chân có chánh niệm trên thảm cỏ, khi quí vị ngẩng lên nhìn mây, lúc nào những giọt sương, những giọt tuyết của đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cũng vẫn ở bên quí vị và trong quí vị, tại vì cơ thể chúng ta có ít nhất là bảy mươi phần trăm được làm bằng tuyết, bằng nước.


Chúng ta luôn luôn có nhau. Những giờ phút đó là những giờ phút rất nhiệm mầu. Nếu tôi quên thì quí vị nhắc, nếu quí vị quên thì tôi nhắc. Đó là ý nghĩa của tăng thân. Chúng ta là sư anh, sư chị, sư em của nhau, và chúng ta thực tập chánh niệm để tịnh độ có thể có mặt trong giây phút hiện tại, để tịnh độ không còn là ước mơ thuộc về tương lai. Điều đó là điều chúng ta có thể làm được ngay ngày hôm nay. Chúng ta không cần phải đợi tới vài ba năm nữa.


Khi ta trồng một cây cam, ngay khi còn bé, cây cam đã bắt đầu hiến tặng. Nó hiến tặng cho ta những lá cam rất xanh. Cây cam không nghĩ rằng: “Ta phải lớn lên! Ta phải có hoa, có quả thì ta mới ích lợi cho đời!” Cây cam còn nhỏ, chưa đầy một thước, nhưng nó đã đẹp. Nhìn vào cây cam, ta đã thấy hoa và trái rồi. Một cây cam xanh tốt như vậy cho ta niềm tin. Cây cam không những hiến tặng hoa trái mà còn hiến tặng sự có mặt mầu nhiệm của nó. Một cây cam cũng giống như một giọt sương, một giọt tuyết, nó rất là mầu nhiệm. Gặp cây cam ta cũng phải cúi đầu chào, tại vì cây cam là một viên đại sứ do đất trời gởi tới: “xin chào cây cam xinh đẹp.” Ta có thì giờ để ngừng lại và chào cây cam không, hay là ta tiếp tục hấp tấp đi tìm một cái gì đó? Chúng ta đã đi tìm suốt đời rồi!
Có một thiền sinh lên hỏi thầy Triệu Châu: “Mục đích của tổ Bồ Đề Đạt Ma qua bên này là gì?” Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Hồi nãy, đi ngang qua sân trước vào đây, con có thấy cây tùng đứng đó không?” Cây tùng hay cây cam cũng vậy thôi. Nếu trên con đường tới phòng thầy, đi ngang qua cây cam mà quí vị không thấy, không chào cây cam, thì tới phòng thầy quí vị cũng không thấy thầy được. Thấy được cây cam là thấy thầy rồi. “Cây tùng trước sân” đã thành một công án lớn của Thiền Tông.


Xin quí vị đừng đánh mất cơ hội để đón nhận những giọt sương mai, đón nhận những giọt tuyết trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Đừng đánh mất cơ hội để được tiếp xúc với cây cam. Cây tùng của thiền sư Triệu Châu đâu phải nằm bên Tàu! Nó nằm ngay ở đây! Hằng ngày mình đi ngang qua, mình không dòm ngó tới, tại vì mình nghĩ có một cái gì quan trọng hơn để mình đi tìm. Đôi khi đó là một chút danh, một chút lợi; đôi khi đó là một sự công nhận của người kia đối với giá trị của mình..., chúng ta đi kiếm những cái như vậy.


Mình là người tu thì giờ phút nào của đời sống hằng ngày cũng là giờ phút của sự hiến tặng. Đừng nghĩ rằng ta phải giàu có, phải quyền thế, phải có ảnh hưởng lớn ta mới có thể hiến tặng được cho đời. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở trong chánh niệm, mỗi nụ cười đều là tặng phẩm rất quí giá mà ta có thể hiến tặng cho tăng thân, cho đời.


Một sư chú mới tu có hai tháng thôi nhưng đi những bước có chánh niệm. Sư chú hiến tặng hằng ngày bước chân đó cho tăng thân, làm đẹp lòng thầy, đẹp lòng các sư anh của mình. Sư chú là một cây cam, sư chú hiến tặng sự xanh tốt của những lá cam, hoa cam, trái cam. Sẽ buồn biết bao nhiêu nếu cây cam không hiến tặng được lá, được hoa, được trái! Người tu cũng vậy. Sẽ rất là buồn thảm nếu người tu không hiến tặng được những hoa trái của sự thực tập của mình trong đời sống hằng ngày. Mỗi câu nói, mỗi cái nhìn, mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều là những tặng phẩm quí giá mà người tu có thể hiến cho đời. Trước hết là cho thầy mình, cho các sư anh, sư chị, sư em của mình. Đời sống hằng ngày của chúng ta có thể được gọi là đời sống của sự hiến tặng. Ta đừng nói rằng ta không có gì để hiến tặng. Không! Ta có rất nhiều châu báu để hiến tặng. Một hơi thở có ý thức, một nụ cười thân hữu, một cái nhìn từ bi, một bước chân có chánh niệm, một cử chỉ an ủi, vỗ về, đó là những món quà hiến tặng của chúng ta. Nó được chế tác bằng nếp sống chánh niệm.


Trong khi hiến tặng, ta tiếp nhận được biết bao nhiêu tặng phẩm của đất trời. Một giọt sương đầu ngọn cỏ, một bông hoa nở bên vệ đường, một ngôi sao lấp lánh buổi sáng khi ta mở cửa ra, đó là tặng phẩm của đất trời mà ta có thể tiếp nhận trong mỗi giây phút. Vậy thì, mười phút là nhiều hay là ít? Ta có khả năng quản lý mười phút của ta hay không? Khả năng của chúng ta để quản lý mười phút như thế nào? Hay ta để mười phút tuột qua một cái như chớp nhoáng? Đó là những câu mà mỗi người phải tự hỏi.


Bất cứ một chuyện gì xảy ra cho chúng ta trong đời sống hằng ngày cũng có thể coi như là một tiếng chuông chánh niệm, ví dụ như là một tai nạn xe hơi. Tai nạn xe hơi của một người thân hay của một người không thân đều có thể là một tiếng chuông chánh niệm. Mình biết rằng tai nạn đó có thể xảy ra cho mình hay xảy ra cho bất cứ ai trong ngày hôm nay hoặc là trong ngày mai. Khi thấy được tai nạn đó thì mình có sự tỉnh thức. Mình nhắc nhở mình phải làm thế nào để sống có chánh niệm, để làm giảm thiểu trường hợp làm xảy ra tai nạn càng nhiều càng tốt. Nhiều khi tai nạn xảy ra không phải là do từ ngoài đến mà là do từ trong mình ra. Khi thiếu chánh niệm thì mình có những suy tư, nói năng và hành động thế nào đó để tai nạn có thể xảy ra.


Nhiều người nghĩ, nếu mình mua một chiếc xe hơi thật bền, tốt thì sẽ có an ninh hơn trong khi lái xe. Nhưng những người tu tập như chúng ta thì nghĩ rằng, năng lượng hay yếu tố bảo vệ chúng ta vững chãi nhất không phải là yếu tố vật chất, không phải là trương mục trong ngân hàng, không phải là quyền thế, không phải là quân đội, không phải là vũ khí tinh vi nhất, mà là chánh niệm. Có niệm thì có định. Có niệm và định thì chúng ta thấy được tình trạng và hoàn cảnh đích thực của mình. Chúng ta sẽ không làm những điều chiêu cảm tai nạn đến với mình.


Tai nạn ngày 11 tháng 9 ở New York là một tai nạn rất lớn. Nó làm rung động nước Mỹ và làm rung động cả thế giới. Những nhà chính trị nước Mỹ nghĩ đến chuyện phải bảo vệ nước Mỹ bằng phương tiện quân sự, bằng phương tiện an ninh. Gần đây, một vị Hồng Y ở Boston, trong lá thơ ông gửi cho tổng thống Mỹ đã nói: Nước Mỹ đã hành động như thế nào để các quốc gia trên thế giới thù ghét nước Mỹ. Nước Mỹ bị thù ghét bởi vì nước Mỹ đã yểm trợ cho những chính thể độc tài trên thế giới. Đó là một trong những nguyên do làm cho nước Mỹ trở thành mục tiêu của sự khủng bố. Đức Hồng Y nói: Có những nước như Canada, Thụy Điển, những nước khá lớn, mà tòa đại sứ của họ chưa bao giờ bị bỏ bom. Họ không trở thành mục tiêu của sự tấn công của quân khủng bố. Những nước đó không gieo nhân của sự thù ghét.


Tai nạn đến là do mình không có chánh niệm. Vì vậy, mình không biết mình đang làm gì, mình đang gieo hạt giống nào khiến cho sự thù hận, khiến cho tai nạn đến với mình. Trong đạo Bụt, chúng ta học được bài học rằng: yếu tố bảo vệ chúng ta vững chãi nhất là chánh niệm, là chánh định. Niệm và định đem tới tuệ. Tuệ cho chúng ta biết mình nên làm gì và không nên làm gì để đừng chiêu cảm tai nạn cho chúng ta. Lá thư của Đức Hồng Y đã được dịch và đăng trong tờ báo Pháp tên là Témoignage chrétien.


Trong truyền thống Việt Nam chúng ta hay nói, chính phúc đức của mình bảo vệ cho mình. Một chiếc xe đắt tiền cách mấy cũng không thể nào bảo vệ sinh mạng của mình. Nếu mình ăn ở có đức thì chẳng những mình bảo vệ cho mình mà còn bảo vệ được cho con cháu mình, xóm làng mình. Muốn chống lại tai nạn thì ta phải ăn ở cho có đức, phải có lòng từ bi, phải có sự thương xót. Điều đó đúng về phương diện cá nhân mà cũng đúng về phương diện tập thể. Một quốc gia mà hành xử từ bi với tất cả quốc gia khác thì quốc gia đó được bảo hộ bởi năng lượng từ bi, bởi cái đức của chính mình. Đó là ý hướng mà Đức Hồng Y ở Boston muốn tỏ bày cho tổng thống Bush.


Sự thực tập của chúng ta tại Làng Mai là mỗi ngày làm cho năng lượng của chánh niệm càng lớn, vì năng lượng của chánh niệm có khả năng bảo hộ ta. Hôm qua đi vào nhà bếp xóm Thượng, tôi thấy một số các thầy và các thiền sinh đang làm việc. Tôi có hỏi một thiền sinh cư sĩ:
- Bác đang làm gì đó?
Bác thiền sinh trả lời:
- Con đang nấu ăn.
Tôi nói:
- Bác trả lời như vậy thì tôi thất vọng quá. Bác phải trả lời là con đang thực tập hơi thở chánh niệm.
Cố nhiên, mình ở trong bếp là vì mình nấu ăn, chuyện đó đâu cần phải hỏi. Mình trả lời “con đang nấu ăn” thì cũng như mình cho là thầy mình không thông minh. Câu hỏi của thầy không phải là một câu hỏi! Câu hỏi của thầy là một tiếng chuông chánh niệm. Thầy biết chắc rằng mình đang nấu ăn, thầy chỉ hỏi để mình trở về với hơi thở chánh niệm. Trong khi nấu ăn mà mình theo dõi hơi thở thì trong suốt buổi nấu ăn đó mình đang tu tập năng lượng chánh niệm. Thầy trò giúp nhau là ở chỗ đó thôi. Câu hỏi của thầy là để nhắc nhở đệ tử thực tập chánh niệm.


Trong một chuyến đi Ấn Độ, phái đoàn Làng Mai sử dụng xe bus rất nhiều. Thỉnh thoảng trên xe có tiếng chuông chánh niệm để mọi người trở về với hơi thở. Có một lần đại chúng Làng Mai đi về, trời tối. Trên xe ca, tôi thấy mọi người đều ngủ, chỉ có ông tài xế và tôi là không ngủ. Ông tài xế mà ngủ thì nguy lắm, sự tỉnh táo của ông tài xế bảo vệ được sinh mạng của bao nhiêu người trên xe. Tôi nghĩ mình phải yểm trợ cho ông tài xế. Tôi không ngủ. Ngồi bên ông tài xế, tôi thở và thỉnh thoảng hỏi ông một vài câu để ông có người đối thoại và ông đừng buồn ngủ. Tôi hỏi những câu rất bình thường, như là: ông làm mấy giờ đồng hồ một ngày? Ông có mấy đứa con? Bà ở nhà làm gì trong khi ông đi lái xe? Cố nhiên là câu chuyện không thật sự cần thiết lắm. Tôi là một người không ưa nói xã giao. Thường thường, tôi không hỏi những câu như vậy. Nhưng vì sinh mạng của mọi người trên xe tùy thuộc vào sự tỉnh thức của một người. Tôi muốn yểm trợ người đó duy trì sự chánh niệm cho nên tôi đã hỏi những câu như vậy và tôi lắng lòng nghe những câu trả lời. Đó là sự thực tập của tôi.


Mỗi khi lái xe từ Loubès-Bernac (xóm Hạ) đi Dieulivol (xóm Mới) hay từ Dieulivol đi Thénac (xóm Thượng), quý vị phải lái tới nửa giờ đồng hồ. Nếu quí vị để tâm tư tán loạn thì nửa giờ đó bỏ đi rất uổng. Cố nhiên là quí vị tới để nghe pháp thoại, nhưng nửa giờ ngồi trên xe quí vị làm gì? Không lẽ quí vị chỉ nói chuyện, nói những chuyện không quan trọng và để tư duy đi theo những chuyện không quan trọng? Trên xe chín người hay năm mươi người, mà có một người thở thì xe đó có giá trị, xe đó có Bụt, có Pháp và có Tăng bảo hộ.


Cách đây độ mười ngày, tôi có dạy thị giả của tôi, tức sư chú Pháp Hiển, là: “Mỗi khi lái xe về xóm Mới hay lái xe trở về xóm Thượng, nếu con gặp một chiếc đi ngược chiều thì con nên nhìn chiếc xe đó như một tiếng chuông chánh niệm. Con trở về với hơi thở và con thở. Sau khi thở được mười lần rồi thì con nhắc những người trong xe cùng thở với con. Con đừng nhắc trước khi con thở xong, tại vì mình phải thực tập trước.”
Khi lái xe từ xóm Thượng về xóm Mới, trong nửa giờ mình có thể gặp ba hay năm chiếc xe đi ngược chiều. Những chiếc xe đó là tiếng chuông cho mình thở. Tất cả những người đi ngược chiều với mình tự nhiên thành ra pháp khí, thành tiếng chuông chánh niệm. Đó là tiếng chuông chánh niệm của thầy tặng, mình phải trở về với hơi thở và thở cho có chánh niệm.

Sư chú Pháp Hiển còn trẻ lắm, nhưng sư chú chấp hành lời dạy của thầy rất nghiêm chỉnh. Không những sư chú trở về với hơi thở chánh niệm mà sư chú còn chạy chậm lại. Hai tuần qua sư chú đã thực tập rất nghiêm chỉnh. Tôi thấy pháp môn đó rất hay. Tôi muốn các thầy, các sư cô, sư chú, các vị Phật tử, mỗi khi lái xe đi xóm Thượng, đi xóm Hạ hay xóm Mới, đều thực hành theo phương pháp đó. Nếu không có xe đi ngược chiều, mà mình nhớ là mình không đang thở thì mình bắt đầu thở. Mình thở ít nhất là mười hơi rồi nhắc sư em, sư chị, sư anh cùng thở với mình. Mình phải nhắc cho khéo, đừng làm người ta bực mình. Mình có thể nhắc bằng một câu hỏi: “Chị đang làm gì đó?” Đó là bắt chước thầy. Nếu sư chị nói: “Chị đang ngồi trên xe” thì không được. Sư chị phải nói: “Chị đang thở.” Khi tu học mình phải khôn khéo, phải biết lợi dụng thời cơ, lợi dụng những cái đang xảy ra trong giây phút hiện tại để làm trợ duyên mà trở về với chánh niệm.


Trong kinh A Di Đà có nói: Bất cứ cái gì bên cõi A Di Đà đều có mục đích thức mình dậy để mình trở về với chánh niệm. Gió thổi qua những hàng cây làm phát ra những âm thanh vi diệu. Nếu có chánh niệm thì mình nghe thấy trong tiếng gió những lời thuyết giảng Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần. Khi chim ca hát trên cành, nếu có chánh niệm, mình cũng nghe được lời thuyết pháp trong đó. Tiếng gió, tiếng chim, tiếng lá cây bên cõi Tịnh Độ đều có công năng của một tiếng chuông để thức tỉnh mình, để mình chế tác được năng lượng chánh niệm. Chánh niệm đưa tới chánh định, và niệm-định đưa tới tuệ, tuệ giác giúp mình chuyển hóa những u mê, những giận hờn, sầu khổ.


Tôi chúc quí vị thực tập cho giỏi từ bây giờ tới cuối năm, để sang năm mới ai cũng biết thực tập lái xe có chánh niệm và ngồi trên xe có chánh niệm. Chúng ta nương vào nhau để thực tập. Khi ấy thì giờ ngồi trên xe sẽ không phải là thì giờ uổng phí.


(Làng Mai)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2021(Xem: 3727)
Nữ diễn viên nhìn vào trong hồ nước và trông thấy một khuôn mặt tuyệt vời, hàm răng hoàn hảo và một thân hình xứng hợp. Cô hỏi: “Chao ơi, sao tôi lại không thành một tài tử?” Con nhái nói: “Tôi có thể làm cho cô thành minh tinh.” Cô diễn viên la lên: “Mi là ai vậy?”
12/06/2021(Xem: 4624)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật - Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ Ba (June 08) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Tikabigar và Kutitya Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 377 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 8 cây số. Thành phần quà tặng cho mỗi hộ gồm có: 10 ký Gạo và bột Chapati, 1 bộ áo Sari, 2 ký đường, dầu ăn, bánh ngọt cho trẻ em và 100Rupees tiên mặt (Mỗi phần quà trị giá: 15usd.75cents >< 377 hộ = . Bên cạnh đó là những phần phụ phí như mướn xe chở hàng, tiền công đóng gói và công thợ khuân vác, tiền quà cho những người sắp xếp trật tự tại nơi phát chẩn.)
12/06/2021(Xem: 5071)
Bài này được viết để hồi hướng các thiện hạnh có được để nguyện xin bình an và giải thoát cho tất cả đồng bào nơi quê nhà, vá cho chúng sanh khắp ba cõi sáu đường. Trong bài là một số ghi chú trong khi đọc Kinh luận, không nhất thiết theo một thứ tự nào. Các đề tài phần lớn ít được nhắc tới, nhưng đa dạng, có thể là quan tâm của nhiều người, từ thắc mắc rằng có khi nào Đức Phật đã dạy về ăn chay, cho tới câu hỏi có cần tu đầy đủ tứ thiền bát định hay không, và vân vân. Nơi đây sẽ tránh các lý luận phức tạp, chủ yếu ghi các lời dạy thực dụng từ Kinh luận để tu tập. Bản thân người viết không có thẩm quyền nào, do vậy phần lớn sẽ là trích dẫn Kinh luận.
10/06/2021(Xem: 14489)
NGỎ Từ khi vào chùa với tuổi để chỏm, Bổn sư thế độ đã trao cho tôi bản kinh "Phật thuyết A-di-đà" bằng chữ Hán, bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập và dạy phải học thuộc lòng, rồi theo đại chúng đi thực tập tụng kinh vào mỗi buổi chiều. Học và tụng thuộc lòng ngâm nga vào mỗi buổi chiều, mà chẳng hiểu gì, nhưng tôi lại rất thích. Thích không phải vì hiểu mà thích là vì được tụng kinh, lời kinh của Phật. Thích không phải vì hiểu, mà thích vì niềm tin xuất gia của mình được đặt trọn vẹn vào thời kinh mình đang tụng ấy. Và mỗi khi tụng, lại thấy gốc rễ tâm linh của mình lớn lên. Nó lớn lên mỗi khi mình tụng và nó lớn lên mỗi ngày, đến nỗi thấy cái gì ở trong chùa cũng đẹp, cũng thánh thiện và thấy ai đến chùa cũng đều phát xuất từ tâm hồn thánh thiện.
09/06/2021(Xem: 5381)
Mới đó mà Ông ra đi đã 5 năm rồi! Tháng 5 lại trở về. Nhớ đến Ông tôi lại muốn viết mà có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ. Ông ra đi đã để lại một niềm xúc động trong trái tim tôi, và không chỉ riêng tôi mà còn biết bao người, bao gia đình đã được Ông cứu vớt từ con tàu CAP ANAMUR khi những con thuyền người Việt lênh đênh trên đường vượt biên ngày nào. Ông chính là đại ân nhân của gia đình tôi, vì nếu không có Ông, con tôi đã nằm trong bụng cá từ lâu rồi. Chính vì vậy, gia đình tôi vẫn nhớ ơn Ông đời đời và cũng thật bàng hoàng đau đớn lúc hay tin Ông đã lìa cõi trần. Bây giờ ngồi nhớ lại nỗi đau ấy vẫn còn như đâu đây.
09/06/2021(Xem: 4887)
Kể từ khi con người mới bắt đầu xuất hiện trên quả địa cầu nầy. Trong trang nghiêm kiếp của quá khứ, hiền kiếp của hiện tại, hay tinh tú kiếp của tương lai thì sự tu học của chư Tăng Ni và Phật tử vẫn là những điều kiện cần thiết để xiển dương giáo lý Phật đà. Nhằm tiếp nối tinh hoa tuệ giác siêu việt của chư Phật, chư Bồ tát, chư vị Tổ sư đã kinh qua trong suốt nhiều đời, nhiều kiếp mới có được sự kế tục đến ngày hôm nay. Nếu dùng thời gian hiện tại của kiếp nầy, kể từ thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáng thế đến nay chỉ trên 2.500 năm, mà chúng ta đã có vô số văn kiện và dữ liệu để tham cứu học hỏi, tu niệm, và cần bàn đến. Gần gũi và trung thực nhất là hai bộ thánh điển Phật giáo của truyền thống Nam và Bắc truyền. Nếu căn cứ theo đó để nghiên cứu thì chúng ta sẽ có một đáp án tương đối chính xác để ghi nhận những giá trị về Văn hóa và Giáo dục xuyên qua nhiều tâm lực và nguyện lực của các bậc tiền nhân.
09/06/2021(Xem: 5715)
NHƯ LỜI GIỚI THIỆU CỦA ARTHUR Zajonc, cuộc gặp gỡ Tâm thức và Đời Sống lần thứ mười đã đưa chúng ta vào một hành trình dài, từ những thành phần đơn giản nhất của vật chất đến sự phức tạp của ý thức con người. Cuốn sách này theo dõi hành trình đó diễn ra trong suốt một tuần trong một căn phòng chật cứng tại tư dinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên ngưỡng cửa của dãy Himalaya. Làm thế nào để bắt đầu theo dõi quỹ đạo đầy tham vọng, dường như bao la này? Chúng ta sẽ bắt đầu với tuyên bố mờ đầu thuyết trình của Steven Chu, nhà vật lý đoạt giải Nobel: “Điều quan trọng nhất mà chúng ta biết là thế giới được tạo ra từ các nguyên tử. Đây là quan điểm mà hầu hết các nhà vật lý ngày nay, vào đầu thế kỷ XXI, đồng ý với quan điểm này ”.
09/06/2021(Xem: 5851)
Trong Phật bảo, pháp bảo và Tăng bảo, Chúng con quy y cho đến khi đạt đến giác ngộ. Qua công đức của thực hành sáu ba la mật, Nguyện cho chúng con thành tựu quả Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
07/06/2021(Xem: 13617)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (1984), sau khi đã viết xong quyển "Lễ Nhạc Phật Giáo“, tôi định dịch quyển luận "Đại Thừa Khởi Tín" từ Đại Tạng Kinh, cùng với quý Thầy khác, nhưng không thực hiện được ý định đó. Vì quý Thầy bận nhiều Phật sự phải đi xa. Do đó, tôi đình chỉ việc dịch trên. Sở dĩ như thế, vì tôi nghĩ, tài mình còn non, sức còn kém; đem ý thô sơ, tâm vụng dịch lời kinh Phật chỉ một mình làm sao tránh được những lỗi lầm, thiếu sót. Nếu có nhiều Thầy dịch cùng một lúc, văn ý trong sáng mà lại bổ khuyết cho nhau chỗ thừa, nơi thiếu thì hay hơn; thôi đành phải chờ dịp khác vậy.
07/06/2021(Xem: 14226)
LỜI NÓI ĐẦU Hôm nay là ngày 1 tháng 8 năm 2020, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, Phật lịch 2564, Phật Đản lần thứ 2644, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 68. Hôm nay cũng là ngày có nhiệt độ cao nhất, 32 độ C, trong mùa dịch Covid-19 đang lan truyền khắp nơi trên thế giới. Sau hơn 5 tháng ròng rã, tôi đã đọc qua 8 tập kinh Việt dịch trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, từ tập 195 đến tập 202, thuộc Bộ Sự Vị, được dịch từ 2 tập 53 và 54 của Đại Chánh Tạng.1 Nguyên văn chữ Hán 2 tập này gồm 2.260 trang.2 Bản dịch sang tiếng Việt của 2 tập này là 15.781 trang, chia thành 8 tập như đã nói trên. Như vậy, trung bình cứ mỗi trang chữ Hán dịch ra tiếng Việt khoảng 7 trang.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]