Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Chuông Chùa

02/05/201209:24(Xem: 11009)
Tiếng Chuông Chùa


Dai Hong Chung

TIẾNG  CHUÔNG  CHÙA
Quang Kính Võ Đình Ngoạn


Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ.  Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. 
 
Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước TL – 256 Trước tr TL).  Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?  
 
Người Ấn Độ từ thời xa xưa đã biết dùng trống để cảnh báo sự việc xảy ra, báo thời gian. Lúc Phật còn tại thế, ngài đã dùng trống tập họp tăng chúng đến nghe pháp. Trường hợp của mõ cũng không khá gì hơn, các sử liệu ghi chép không rõ, thường thường chỉ dựa vào các truyền thuyết, có hai loại mõ. Loại mõ khắc hình cá dài nay chỉ còn thấy dùng trong các chùa cổ ở Trung Hoa, được treo ở nhà kho hoặc nhà ăn để báo giờ thọ trai cho các tăng, ni. Loại mõ khắc hình cá cuộn tròn được dùng trong các chùa Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. 
 
Trong sách Tam Tài Đồ Hội của Vương Tích đời nhà Minh có đoạn” Mõ là loại mà dùng cây khắc thành hình con cá, rỗng bên trong, gõ nó phát ra tiếng, các hàng Phật tử khi tán tụng đều dùng đến nó;” điều nầy chứng tỏ mõ khắc hình cá cuộn tròn được đưa vào các chùa chiền nếu chậm nhất cũng phải vào đời nhà Minh ( 1368 -1644 ).

Với kiến thức nông cạn tôi không có tham vọng khảo cứu về chuông, trống, mõ. Vả lại, chủ đích bài viết nầy chỉ muốn trình bày khái quát công dụng chuông, trống, mõ trong chùa, trong sinh hoạt dân gian, trong chuyện cổ tích, trong văn chương, thi, phú...

Tiếng chuông, tiếng trống và mõ trong các chùa chiền không giống như tiếng chiêng, tiếng trống thúc quân ra trận, cũng không giống như tiếng trống trong câu chuyện Chinh Phụ Ngâm, Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt…, đã khiến người chinh phụ thốt nên lời oán trách trời xanh. Nó cũng không giống như tiếng trống lệnh vua tòng quân, trống vang rền  quan với quân lên đường…. trong bài hát Hòn Vọng Phu khiến nàng Tô Thị qua bao năm tháng ôm con trông đợi ngày về của chồng đã biến thành tượng đá. Nó cũng không giống như tiếng trống dùng trong pháp trường xử chém Cao Bá Quát, Ba hồi trống giục mồ cha chết. Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.

Tiếng chuông, tiếng trống chiến trường khi gióng lên làm cho tâm tư con người bồi hồi lo sợ, nó như tiếng gào thét của tử thần từ cõi âm vọng về hay tiếng thúc dục khiến con người như say hơi thuốc phiện. Họ lăn xả vào tàn sát lẫn nhau. 
 
Ngược lại tiếng trống, tiếng chuông, mõ trong các tự viện, chùa chiền làm cho tâm tư con người được thư thái, nhẹ nhỏm không lo âu sợ sệt; bởi vì khi tiếng chuông đánh lên có năng lực làm thức tỉnh, đánh động tâm linh, do đó chuông trống lớn còn được gọi là chuông trống bát-nhã. Tương truyền Hoà thượng Chí Công khởi xướng việc đúc đại hồng chung để dùng trong các tự viện và vua Lương Võ Đế đã dùng trong nghi lễ cầu nguyện cho các thần thức bị đọa trong chốn địa ngục, do đó chuông lớn còn được gọi là chuông U minh.

Chuông, trống, mõ dùng trong nghi lễ Phật giáo là những pháp khí, nhạc khí, những vật dụng trợ duyên rất đắc lực cho các các hành giả trên con đường tu học, cho các bậc tu sỉ trong công việc hoằng dương giáo pháp Phật-đà. 
 
Trong nghi thức tụng niệm của Phật giáo, nếu chúng ta để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy các người đang hành lễ như đang biểu diễn một màn nhạc, vị chủ lễ thường là các thầy hoặc các cô, đôi khi là cư sĩ khi buổi lễ do các nhóm đạo tràng thực hiện, các huynh trưởng đối với Gia Đình Phật Tử, những vị nầy giống như các nhạc trưởng, có nhiệm vụ điều khiển dàn nhạc, toàn thể đại chúng phía dưới nhất nhất theo lệnh của vị chủ lễ và người thủ chuông………. Nếu đại chúng đều làm đúng theo nghi thức qui định, theo tôi nghĩ chúng ta cảm nhận những Phật tử đó đang biểu diễn màn  hoà tấu mà nó còn giống như một điệu vũ tập thể.

Nói đến nền văn minh, văn hóa Việt Nam, theo thiển ý chắc không ít độc giả cũng đồng quan điểm với tôi là nó mang đậm dấu ấn Phật giáo. Lịch sử  nước ta trải qua 4000 năm văn hiến, trong đó nền văn hóa Phật giáo đã hình thành và phát triển khoảng 2000 năm. Với thời gian dài như thế, giáo lý của Đức Phật đã ăn sâu, bám rễ và luân lưu trong dòng máu của từng người dân Việt, tạo nên một nền tảng luân lý đạo đức chi phối mọi sinh hoạt xã hội. Trong lãnh vực văn chương, chuyện cổ tích dân gian cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng sâu đậm cho đến nỗi có những thi sĩ không phải là Phật tử cũng thốt lên những ngôn từ rất Phật giáo.

Thi sĩ Hàn Mạc Tử, một tín đồ Ki-Tô giáo đã thốt lên câu:

Thơ tôi hương huyền diệu
Mọc lên đạo từ bi

Theo tôi nghĩ Đạo Từ Bi đó là ngôn từ Phật giáo vì đối với Ki tô giáo thường dùng ngôn từ Bác ái ). Ngay trong bài “Ave Maria” ca tụng bà Maria ông cũng có những ngôn từ rất đạo Phật:                           

Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới

Đối với  thi sĩ  Huy Cận trong bài  thơ Trình Bày cũng không thoát khỏi ngôn từ đạo Bụt:

Mặt trời đẹp, sắc đời đua nở thắm
Tôi đã đành mang nặng nghiệp yêu đương

Hoặc: Hỡi Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang

Một số thi nhân không ở trong Phật giáo mà có những vần thơ như thế đủ chứng tỏ văn hóa Phật giáo đã là nền tảng vững chắc tạo dựng nên nền văn hóa dân tộc. Ai là người dân Việt không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng. Trong nền văn hóa đó, tiếng chuông chùa đã gợi nhiều nguồn cảm hứng cho các văn, thi, nhạc sĩ. Tiếng chuông trong câu chuyện Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng gợi cho chúng ta cảm giác thiền vị. Tâm thiền đã hòa đồng với cảnh đẹp của thiên nhiên, ngay cả cỏ cây cũng cảm nhận được lời dạy của đức Như Lai, tâm và cảnh như trở thành một bản thể.

Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp cảnh thiên nhiên, lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt như cảm tiếng gọi của Mâu-Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch

Tiếng Chuông Giao Thừa đó là một truyện ngắn trong tập truyện Tình Người của thầy Nhất Hạnh được sáng tác khi thầy còn là một chú điệu có đề cập đến tiếng chuông chùa trong đêm trừ tịch. Đoạn văn ấy gợi lên hình ảnh mọi người hân hoan chờ đợi giây phút thiêng liêng tống cựu nghênh tân,  rước ông bà tổ tiên về chung vui ba ngày tết với mình, nhà nhà đều lên đèn, cửa mở rộng, ánh sáng chiếu qua các khung cửa xua đi vẻ âm u, đen tối của đêm  ba mươi. Chuông vẫn khoan thai ngân vang  từng tiếng khiến mọi vật đều trở nên ấm cúng lạ thường.

Boong, boong... Bốn phía thấp thoáng những ngọn đèn của xóm làng trở dậy cúng giao thừa. Có lẽ cửa nhà nào cũng mở rộng. Núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch. Đại hồng chung vẫn khoan thai điểm từng tiếng rành rọt. Âm thanh ngân dài, ấm áp và thuần hậu...( Lá Bối Sàigòn 1964 tái bản lần thứ tư,  San Jose 1989 )

Một thi sĩ khác nghe tiếng chuông chùa đã liên tưởng đến những tiếng chuông khi xưa, có lẽ lúc còn bé hằng năm tung tăng nắm tay mẹ lên chùa lễ Phật. Thời gian xưa củ lại hiện về trong ký ức, thi nhân cảm thấy mình bé nhỏ như năm tháng ngày nào.

Hằng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngỡ năm  tháng ngày xưa trở về

Đối với thi sĩ Trúc Điệp nghe tiếng chuông chùa như lời cảnh tỉnh chúng sinh đừng nên đam mê dục vọng, hãy xa lìa tham, sân, si  để thân tâm được thanh tịnh:

Chuông cảnh tỉnh vang lên lời kể lể
Như khuyên lơn an ủi vạn linh hồn
Khắp trần gian mà vọng lại cô thôn
Cho tất cả một cái gì linh động

Trong bài thơ Chùa Hương, thi nhân Chu Mạnh Trinh cảm nhận như  đang ở cảnh niết-bàn hạ giới, nào là muôn chim đang dâng hoa, cúng trái, nào từng đàn cá đang lắng nghe câu kinh tiếng kệ, tiếng chuông vang lên làm tỉnh mộng khách hồng trần khiến hành giả trở về với cái tâm thanh tịnh:

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giựt mình trong giấc mộng

Tổ tiên chúng ta có câu : Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, câu này nói lên tầm quan trọng của việc chọn bạn mà chơi,  chọn nơi mà ở. Khi xưa mẹ thầy Mạnh tử phải dời chỗ ở 3 lần là vậy,  tục ngữ ta cũng có câu gần chùa gọi Bụt bằng cha hoặc gần chùa gọi Bụt bằng anh do đó những người dân sống chung quanh chùa nghe những hồi chuông công phu sớm tối, nghe những câu kinh tiếng kệ không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của mình cũng gắng lo tu học hạnh lành, đi chùa lễ Phật vào những tối rằm, mùng một hoặc mười bốn, ba mươi. Những dòng thơ của hòa thượng Mãn Giác gợi lên hình ảnh đó

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình

Tối đến dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân lành mọi mái tranh

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gọi lên chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào

Mùa thu, mùa của lá vàng, mặt nước hồ thu trong veo không gợn sóng, thỉnh thoảng có làn gió thu hiu hiu thổi. Thắng hội Vu-Lan cũng nằm trong mùa nầy. Nhìn những chiếc lá lìa cành, bóng chiều dần dần buông phủ, đàn chim vẩn vơ bay về tổ ấm. Tiếng chuôngchùa đâu đây ngân nga khiến nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng nhớ về mẹ hiền, nhớ đến gương hiếu hạnh của Bồ-tát Mục-Kiền-Liên, khiến dòng nhạc của ông tuông chảy: Đìu hiu gió, bóngchiều rơi theo lá thu. Có đàn chim bay vẩn vơ chuông chùa xa đưa huyền mơ. Mục-Kiền-Liên đứng nhìn cảnh đêm dần lan. Nhớ mẹ xót xa tâm hồn bóng mẹ biết bây giờ đâu... Rồi cũng từ đó người nhạc sĩ nầy nguyện cố noi theo gương Bồ-tát: Mục-Kiền-Liên chúng con cố nguyện noi từng bước vàng.

Đối với  giờ giấc sinh hoạt trong xã hội Việt Nam khi xưa, tiếng chuông chùa ảnh hưởngcũng không nhỏ. Từ ngày có tiếng chuông tinh tấn công phu sớm tối của các thiền sư, những chú gà trống không còn có lý do để tranh công với 5 loại gia cầm khác, giờ đây có lẽ tiếng gáy của các chú vào mỗi buổi sáng chỉ  còn công dụng để ve vản, tỏ tình với các cô gà mái tơ. Người dân nay nghe tiếng chuông để thức giấc chuẩn bị cho công việc đồng áng hoặc chợ búa hay thu xếp mọi việc để trở về nhà: 

Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Trên chùa đã dộng tiếng chuông
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu

 Hoặc: 
Chiều chiều bìm bịp giao canh
Trống chùa đã đánh sao anh chưa về

Khi người dân dùng tiếng chuông chùa để định giờ giấc cho công việc làm ăn của mình, thì từ đó cũng phát sinh ra những câu chuyện cổ tích mang nội dung như những bài thuyết giảng của đức Như Lai.

Ngày xưa có một anh chàng chuyên về nghề giết lợn đem thịt ra chợ bán. Anh ta sống gần một ngôi chùa, mỗi sáng khi nghe tiếng chuông đổø anh giết lợn để kịp phiên chợ. Một hôm vị trụ trì ngôi chùa nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn đàn con đến xin cứu mạng. Vị thiền sư liền hỏi bằng cách gì thầy có thể cứu mạng. Người thiếu phụ nói ngày mai khi dậy tụng kinh xin thầy đừng đánh chuông thì mẹ con nàng sẽ được cứu, vị trụ trì nhận lời. Sáng hôm sau, sư cụ lẳng lặng dậy tụng kinh mà không thỉnh chuông công phu như thường lệ. Không nghe tiếng chuông báo thức nên chàng đồ tể ngủ thẳng giấc, đến khi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao, nếu giết lợn không còn kịp thời gian của phiên chợ nữa. 
 
Anh chàng bực mình lên chùa hỏi sư cụ sao không đánh chuông khiến anh phải lỡ dở công việc. Vị thầy kể lại giấc mơ. Anh ta liền về nhà, chạy ra chuồng lợn xem thì thấy con lợn nái mình định mổ thịt đã sinh một đàn con. Anh tự nghĩ loài súc vật cũng có linh hồn, cũng tham sống sợ chết, cũng vì con sẵn sàng hy sinh cho con thế mà lâu nay vì sinh kế anh đã giết bao nhiêu sinh mạng. Anh liền bỏ đao đồ tể, quyết chí tu hành sau nầy trở thành vị A-la-hán. 
 
Chỗ con dao anh cắm xuống hôm sau mọc lên một loại cây, thân cây có đốt ngắn giống thân cau rừng nhưng lá giống những lưỡi dao có màu đỏ như máu, người dân nơi đây gọi tên là cây huyết dụ. Ngày xưa con dao đồ tể đã giết bao nhiêu sinh mạng, ngày nay với lá cây huyết dụ đã cứu biết bao phụ nữ bị bịnh sản hậu, ôi câu chuyện thật thâm thúy, đượm mùi đạo hạnh lắm thay.

Một câu chuyện khác liên quan đến tiếng chuông tôi được nghe mẹ kể trong thuở bé thơ. Đó là câu chuyện Con trâu vàng hồ Tây.  Vào đời nhà Lý, có vị thiền sư với một túi nhỏ trên vai đi chu du khắp nơi quyên góp đồng đen để về đúc chuông. Vị thiền sư  qua Tàu vào cung gặp vua Tống xin nhà vua rộng lòng bố thí cho mình một số đồng đen để đúc qủa đại hồng chung. Vua Tống hỏi cần bao nhiêu theo thủ kho mà lấy, vị thiền sư chỉ chiếc túi đeo trên vai nói cho đầy túi nầy là đủ. Không ngờ cả kho đồng của vua Tống cho vào túi cũng chưa đầy. 
 
Khi về nước vị thiền sư liền tiến hành việc đúc chuông. Đại hồng chung đúc xong, lễ an vị và khai chuông được tổ chức rất trang nghiêm, trọng thể. Khi tiếng chuông được gióng lên thì âm thanh ngân nga, vang rền qua mãi bên Tàu khiến con trâu vàng trong kho vua tưởng tiếng mẹ gọi liền tung cửa chạy thẳng qua nước Nam. Đến hồ Tây thấy bóng mình dưới nước trâu vàng tưởng mẹ nên nhảy ùm xuống. 
 
Tương truyền rằng nếu ai một vợ, một chồng mà sinh được 12 người con trai thì sẽ kéo được con trâu vàng. Tôi tự nghĩ tại sao lại là con trâu vàng mà không phải con vật khác, tại sao phải 12 người con trai. Theo thiển ý của tôi con trâu vàng phải chăng ẩn chứa bài pháp chăn trâu và mất trâu, 12 người con trai ám chỉ cho giáo pháp 12 nhân duyên. Nếu ai hiểu thông suốt bài pháp 12 nhân duyên sẽ phá được màn vô minh che phủ, Phật tánh sẽ được phơi bày. Kéo được trâu là mình đã tìm được bản lai diện mục của mình. 
 
Tôi cũng tự hỏi không biết vị thiền sư nầy có phải thiền sư Nguyễn Minh Không trong sách Chùa Xưa Tích Củ mà tác giả Nguyễn Bá Lăng đề cập đến chăng. Nếu vị sư nầy đúng là thiền sư Nguyễn Minh Không thì qủa đại hồng chung này rất có thể là chuông Phả Lại, nó là một trong bốn  vật báu của nước ta, ba thứ còn lại là tháp Báo Thiên  của chùa Báo Thiên với đỉnh tháp toàn bằng đồng, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm với những nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của nền văn hoá Phật giáo thời đại Lý – Trần và cuối cùng là vạc Phổ Minh.  
 
Phải chăng đó cũng do công trình kiến tạo của vị sư nầy. Rất tiếc ngày nay những vật thể nầy không còn nữa. Nếu có còn chăng đó là sự nuối tiếc trong lòng người dân. Điều đáng đau buồn thay khi những  sản phẩm văn hoá đó đã bị một số người con hư hỏng hổ trợ, tiếp tay trong việc huỷ diệt. Nếu có còn chăng đó là sự ghi chép lại những dữ kiện trong trang sử nước nhà và sự phê phán của hậu thế. Nhằm mục đích khuyên răn con cháu tổ tiên ta có câu:

Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Hoặc :
Cọp chết để da, người ta chết để tiếng

Cũng từ  câu ca da tục ngữ trên cho chúng ta thấy có những dòng sông, những tác phẩmnghệ thuật, những nhân vật kèm theo các công trình, các sách lược hay các di tích văn hóa đã và đang là những điểm son trong lịch sử dân tộc, như sông Bạch Đằng với chiến công phá quân Nam Hán của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên Mông. 
 
Sông Nhật Tảo với chiến công đốt tàu chiến Pháp của cụ Nguyễn Trung Trực...Nhưng cũng có những dòng sông tạo nên ô nhục cho dân tộc như dòng sông Gianh, sông Bến Hải. Những công trình kiến tạo nghệ thuật cũng thế. Ngày nay khi chúng ta viếng thăm Vạn Lý Trường Thành, nhìn thấy một kỳ quan của thế giới do con người tạo dựng  lên. 
 
Nhưng nó cũng  một vật thể minh chứng cho hành động huỷ diệt một di sản văn hoá nhân loại bởi một chế độ bạo tàn đốt sách chôn học trò, coi mạng dân như cỏ rác. Đó chính là chứng tích nhục nhã cho những ai đã tạo dựng nên nó, giờ đây chúng ta không còn nghe tiếng chuông chùa Báo Ân, chùa Báo thiên, tiếng khánh Linh Hựu... Thiển ý của tôi có những hồi chuông, những tiếng chuông vẫn vượt không gian, thời gian tồn tại mãi, giáo lý của Đức Từ Phụ ngày nay đã được các trưởng tử Như Lai rao truyền khắp năm châu bốn biển, mang thông điệp tình thương đến cho nhân loại, đó chính là những tiếng chuông, những hồi chuông vẫn ngân vang và ngân vang mãi  mãi để thức tỉnh tình người.






       
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2021(Xem: 6554)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
18/08/2021(Xem: 9719)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
17/08/2021(Xem: 7475)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 5038)
Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này.
16/08/2021(Xem: 7160)
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
15/08/2021(Xem: 4923)
Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.
15/08/2021(Xem: 7352)
Là người hay là thú, sinh ra đời nếu bộ não bình thường thì tất cả đều có cái biết. Biết đói, biết no, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết thiếu, biết đủ v.v… Tâm trí loài vật, có nhiều loài khá khôn ngoan, nhưng khôn ngoan cách nào cũng không bằng con người. Khi còn nhỏ cái biết của con người rất hạn hẹp. Khi lớn lên cái biết dần mở rộng, nhờ học hỏi từ môi trường gia đình, học đường, xã hội. Tùy theo căn cơ mà có người thông minh học một biết mười, có người kém thông minh chậm hiểu. Nhưng dù cái biết của người thông minh hay cái biết của người kém thông minh thì đó cũng là cái biết cần thiết cho đời sống.
13/08/2021(Xem: 6374)
Công ơn cha mẹ tựa biển trời Làm sao báo hiếu hỡi người ơi? Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ trọn đời.
13/08/2021(Xem: 8984)
Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ - A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây: MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
09/08/2021(Xem: 8147)
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]