Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật dạy vua Ưu-điền dùng chánh pháp trị nước - Thích Tâm Nhãn

08/11/201114:19(Xem: 7357)
Phật dạy vua Ưu-điền dùng chánh pháp trị nước - Thích Tâm Nhãn
Phật dạy vua Ưu-điền dùng chánh pháp trị nước
Thích Tâm Nhãn

27g1acDẪN NHẬP

Cách ngôn Trung Hoa có câu: ‘Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc thuyết tha phi’, khi ngồi một mình vắng vẻ, hãy thường xuyên suy nghĩ về lỗi lầm của chính mình. Trong lúc đàm luận nhàn rỗi, chớ nên kể lể chuyện xấu của người. Đây là châm ngôn tu thân của người đời. Dù chỉ là người dân thường, nếu ưu tư về lỗi lầm của mình thì có thể cách mạng được cả số phận; còn như một quân vương, nếu thấy được lỗi lầm của mình thì không những thay đổi cả mệnh đời, mà còn thay đổi cả vận mệnh quốc gia, đánh thức toàn trái tim dân tộc, và mãi mãi là tấm gương lịch sử cho những đế vương sau này học theo.

Vua Ưu-điền suy gẫm về lỗi lầm của mình được kể trong kinh Phật dạy vua Ưu-điền dùng chánh pháp trị nước (Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận kinh [佛爲優填王說王法正論經 – Nītiśastra-sūtra – Spoken by Buddha for the sake of King Udayana], tên khác Chính luận kinh, Vương pháp chính luận kinh), 1 quyển, do ngài Bất Không (705-774, Amoghavajra, Bất Không Kim Cang, người Tích Lan) dịch thời Đường, tạng Đại chánh 14, số 524, trang 797.

TOÁT YẾU NỘI DUNG KINH

Một hôm vua Ưu-điền ngồi trong tịnh thất nơi thanh vắng suy nghĩ: Làm thế nào để biết lỗi lầm thật sự, công đức chân thật của các đế vương? Nếu biết ta sẽ bỏ các lỗi lầm mà tu tạo các công đức. Có Sa-môn tịnh hạnh nào hiểu rõ để giảng cho ta. Sau đó vua lại nghĩ: Chỉ có Thế Tôn của ta là bậc đại sư trong ba cõi, đầy đủ nhất thiết trí, chắc chắn biết lỗi lầm, công đức chân thật của các vua. Ta phải đến gặp Thế Tôn thưa hỏi việc này.

Nghĩ xong nhà vua liền đến chỗ Phật thưa hỏi:

Bạch Thế Tôn! Thế nào là lỗi lầm của các vua? Thế nào là công đức chân thật của các vua?

Đức Phật dạy, một vị đế vương có mười điều lầm lỗi, mười thứ công đức, năm loại hành vi xấu làm đế vương bị suy tổn, và có năm điều khiến cho đế vương được thần dân yêu thích, quí kính.

Mười điều lầm lỗi là:

1. Dòng họ không cao quí.
2. Không có quyền lực.
3. Bản tánh hung ác.
4. Chính sách hà khắc, hung dữ.
5. Ít ban bố ân huệ.
6. Nghe theo lời tà vạy, nịnh hót.
7. Làm việc không thuận theo qui chế của tiên vương.
8. Không hướng đến thiện pháp.
9. Không xem xét việc phải trái hơn thua.
10. Chỉ ăn chơi buông lung.

Nếu quốc vương nào phạm 10 lỗi lầm này thì dù kho tàng to lớn, binh hùng tướng mạnh, cũng không bao lâu đất nước sẽ gặp tai họa loạn lạc. Đại vương nên biết, lỗi đầu thuộc dòng họ vua, còn 9 lỗi sau thuộc tự tánh của vua.

Mười công đức là:

1. Dòng họ cao quí.
2. Được quyền lực lớn.
3. Tánh tình không hung dữ.
4. Chính sách khoan hồng
5. Ân huệ nồng hậu.
6. Nghe theo lời nói chánh trực.
7. Làm việc, suy nghĩ thuận theo lời dạy của tiên vương.
8. Hướng đến thiện pháp.
9. Biết rõ việc phải trái hơn thua.
10. Không buông lung, phóng đãng.

Nếu quốc vương nào có đủ 10 công đức như vậy thì dù quốc gia không có kho tàng, hay thiếu binh hùng tướng mạnh, nhưng không bao lâu đất nước cũng tự nhiên giàu mạnh và được mọi người qui ngưỡng.

Còn thế nào là năm hành vi xấu làm vua suy tổn?

1. Không khéo quan sát, theo dõi quần thần.
2. Tuy khéo quan sát nhưng không có ân huệ, tuy có ân huệ nhưng không kịp thời.
3. Chỉ lo vui chơi, không nghĩ đến việc nước.
4. Chỉ lo vui chơi buông lung, không giữ gìn kho tàng.
5. Chỉ lo vui chơi không tu hành pháp thiện.

Nếu quốc vương nào phạm vào 5 điều trên thì mất phước báo trong hiện tại và cả đời sau….

Lại có năm điều khiến nhà vua được thần dân yêu thích, quí kính:

1. Ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng.
2. Anh dũng đầy đủ.
3. Khéo dùng phương tiện quyền xảo.
4. Lãnh thọ vật dụng đúng đắn.
5. Siêng tu thiện pháp.

Thế nào là ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng? Nghĩa là nhà vua bản tánh biết đủ, không tham. Nếu có kho tàng tùy theo khả năng cung cấp, bố thí cho người nghèo cô độc… dùng lời êm dịu khuyến hóa dân chúng…

Thế nào là anh dũng đầy đủ? Nghĩa là nhà vua có tinh thần không trụy lạc, võ lực mưu lược đầy đủ. Những người chưa hàng phục thì làm cho hàng phục, những người đã hàng phục thì bảo hộ họ.

Thế nào là khéo dùng phương tiện quyền xảo? Nghĩa là nhà vua khéo hiểu biết, phân biệt rõ ràng các việc. Dùng phương tiện nhiếp phục tất cả kẻ oán địch.

Thế nào là lãnh thọ vật dụng đúng đắn? Nghĩa là nhà vua biết tính toán kho tàng tăng giảm, không xa xỉ, keo kiệt, sử dụng ở mức bình thường, tùy thời cung cấp cho quần thần, thân tộc… khi bệnh nên ăn những món nên ăn, ăn theo lời thầy thuốc… Nếu có món ăn ngon nên chia cho mọi người.

Thế nào là siêng tu thiện pháp? Nghĩa là nhà vua đầy đủ tín, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh.

Về tín thanh tịnh, là rõ biết tin có đời sau và tin quả báo nhân thiên, nghiệp thiện, bất thiện đời sau.

Thọ trì tịnh giới, là mỗi năm ba tháng, mỗi tháng sáu ngày trai giới, xa lìa sát sanh, trộm cắp, v.v… đó là giới thanh tịnh.

Văn thanh tịnh, là hiểu biết nghiệp đời này và quả đời sau, tu tạo phước đức, tấn tu đạo nghiệp, ưa các pháp môn vi diệu…

Xả thanh tịnh, là tâm xa lìa xan tham, tự tay bố thí, tu phước viên mãn…

Tuệ thanh tịnh, là hiểu biết như thật có tội, không tội, thân cận các Sa-môn đa văn, giới hạnh, xa lìa điều ác, tà giáo. Và biết rõ quả báo viên mãn, sĩ dụng viên mãn, công đức viên mãn.

Nhà vua kế tục đế nghiệp, sanh vào thị tộc thông minh, trí tuệ, kho tàng, tài bảo dùng hoài không hết, đó gọi là quả báo viên mãn.

Nếu quốc vương khéo dùng phương tiện quyền xảo, thường thành tựu các việc, anh dũng trong đánh trận, thông đạt các môn kỹ nghệ, đó gọi là sĩ dụng viên mãn.

Nếu quốc vương thọ trì chánh pháp, cùng các nội cung, vương tử, đại thần thực hành bố thí, làm các việc thiện, trì trai, thọ giới… Đó gọi là công đức viên mãn.

Nếu ai thực hành đầy đủ như vậy gọi là đầy đủ tuệ thanh tịnh.

Sau khi giảng dạy rõ ràng, đức Phật bảo nhà vua: vào lúc sáng sớm mỗi ngày nên đọc, hoặc tụng giáo pháp tối thượng này, nương theo đó tu hành, thì gọi là Thánh vương, Pháp vương; ngoài ra còn được chư Phật, Bồ-tát, trời, rồng… thường theo hộ trì, và có thể làm cảm động đến thế gian, mưa thuận gió hòa, chiến tranh chấm dứt, được các nước đến triều cống, phước lộc vô biên, nước nhà an lạc, thọ mạng lâu dài. Tất cả đều được lợi ích, hiện đời được an lạc.

Vua Ưu-điền nghe Phật dạy xong quá đỗi vui mừng, nguyện thọ trì phụng hành theo.

LỜI KẾT

Kinh Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận còn có một bản dịch khác là “Vương pháp chính lý luận”, 1 quyển, do Bồ-tát Di-lặc soạn, ngài Huyền Trang dịch thời Đường, tạng Đại chánh 31, số 1615, trang 855. Bản “Vương pháp chính lý luận” của Bồ-tát Di-lặc hơi khác bản của ngài Bất Không, là đức Thế Tôn nói 9 lỗi lầm, 9 công đức, 5 điều suy tổn, 5 phương tiện, 5 pháp đáng mến và 5 pháp có năng lực dẫn đến pháp đáng mến của bậc đế vương. Đồng thời, đức Phật giảng nói 3 loại kẻ sĩ khác nhau, 3 loại Bổ-đặc-già-la (người), 3 viên mãn, 4 ngữ, 3 thứ ái dục, 3 thứ tham nhiễm… Nhưng cả hai bản dịch này đều là biệt dịch từ quyển 61, phần 4 “Nhiếp trạch phần có tầm, có tứ tam-ma-địa”, trong Du-già sư địa luận 100 quyển, Bồ-tát Di-lặc giảng, ngài Huyền Trang dịch thời Đường, tạng Đại chánh 30, số 1580, trang 279.

Theo sử liệu ghi, vua Ưu-điền (Udayana, dịch Nhật tử vương, Xuất ái vương) trị vì vương quốc Câu-thiểm-di (Kauśāmbī), vì hoàng hậu là người kính tín Phật pháp nên ông trở thành vị ngoại hộ đắc lực của Phật. Cho nên khi dẫn nhập vào kinh, chúng ta thấy vua Ưu-điền là một Phật tử thuần thành, lúc nhàn nhã việc triều chính thường tìm đến Thế Tôn hỏi đạo, hay nói cách khác đó là hành vi của một vị minh quân, không kiêu ngạo ta đang ngồi trên ngôi “Cửu ngũ” luôn vẹn toàn không chút lỗi lầm. Song, thực chất dưới mắt một số nhà nghiên cứu Phật học như Kimura Taiken (Mộc Thôn Thái Hiền, 1881-1930) cho rằng, các vị đế vương thời đức Phật, ngoài chuyện đến hỏi đạo còn liên quan đến vấn đề chính trị:

Ấn Độ thời đại đức Phật (thế kỷ thứ V trước Tây lịch) chia ra mười mấy nước, trong đó những nước lớn mạnh thường muốn thôn tính những nước nhỏ yếu, cho nên tình trạng giữa các nước rất rối ren. (…) Nếu nói về tình hình nội chính thì trong hơn mười tiểu quốc đó, có nước là Vương quốc, có nước là Cộng hòa, chính thể tuy khác nhau, nhưng người nắm quyền chính trị thì đại khái là những người thuộc giai cấp Sát-đế-lợi (Sĩ tộc), mà những người này vì muốn nắm lấy cơ hội biến động để quật khởi nên một mặt muốn được sự tin tưởng của giai cấp Bà-la-môn (giai cấp Tăng lữ, trí thức), mặt khác lại muốn mua chuộc lòng tin cậy của giai cấp Phệ-xá (giai cấp thực nghiệp) và giai cấp Thủ-đà (nông nô), đó là một việc không phải dễ dàng, nếu vô ý một chút có thể bị quần chúng oán thán, do đó uy quyền sẽ giảm. Vì công việc nội chính, ngoại giao phức tạp và khó khăn như thế nên các nhà làm chính trị thường mong đợi ở một nhà tôn giáo danh tiếng giúp ý kiến để vượt qua những khó khăn ấy. Đức Phật là một trong những vị đạo sư danh tiếng thời bấy giờ, cho nên người ta không lấy làm lạ khi thấy đức Phật cũng được hỏi ý kiến liên quan đến vấn đề chính trị. Và chính vì để giải đáp những vấn đề thực tế đó mà đức Phật đã phát biểu quan niệm chính trị của Ngài. (…) Do đó mà Phật giáo đã có Chính trị quan một cách ngoài ý định.

Như vậy rõ ràng là cả hai bản kinh “Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận” và “Vương pháp chính lý luận” đều không ngoài bản ý nêu trên. Lại thêm một học giả nhận định đồng tư tưởng: “Tuyệt đỉnh lý tưởng của xã hội Phật giáo là thế giới Tịnh độ, một thế giới bình đẳng, hòa bình an vui không phải lo âu vì cuộc sống, ‘tưởng y y chí, tưởng thực thực lai’ (nghĩ y phục có y phục đến, nghĩ thức ăn có thức ăn lại). Thế nhưng hiện tại cộng đồng xã hội Phật giáo chỉ thực hiện một phần. Cho nên đương nhiên dù mang một lý tưởng siêu xuất thế gian, Phật giáo cũng không thoát khỏi sự chi phối hoàn cảnh xã hội, đặc biệt là về chính trị và luật pháp. Tất nhiên dưới chế độ xã hộ đương thời, muốn đưa Phật giáo vào trong dân chúng không thể không thông qua những hoạt động chính trị của quốc gia”.

Kết lại, lịch sử đã đi qua, nhiều vương triều sụp đổ suy tàn, một vài triều đại phú cường thịnh trị, còn sau này và mãi mãi cho đến về sau, không biết có bao nhiêu vị đế vương hiểu được những gì đức Thích Tôn dạy cho vua Ưu-điền chính là “bức thông điệp” nhắn nhủ lại cho các bậc đế vương cai trị, cho các nhà lãnh đạo tiếp nối kế tục: Trong vương pháp phải có chánh pháp, trong chính trị phải có chính đạo.■

Chú Thích

1. Du-già Bồ-tát giới- Tuệ Sỹ, Nxb Phương Đông.
2. Luận Thành duy thức 8, T31n1585_p42b04, giải thích: “Sĩ dụng (士用), nghĩa là những người làm (sĩ) mượn các công cụ để tạo ra sự nghiệp”.
3. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tác giả Kimura Taiken – HT. Thích Quảng Độ dịch.
4. Giáo dục học Phật giáo– Nguyên Hồng, Nxb Tôn giáo.

(Nguồn: Tập San Pháp Luân 81)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/12/2010(Xem: 6397)
Nói đến chữ tu, có người lầm tưởng rằng phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ con để tìm nơi non cao thanh vắng, hoặc ở chùa, ở am mới gọi là tu. Không phải như thế đâu, tu có nghĩa là sửa đổi, trau dồi. Sửa là sửa hư, sửa sai, sửa lạc lầm, sửa xấu thành tốt, sửa dữ thành hiền, tà vạy thành ngay thẳng, tối tăm thành sáng suốt, si mê thành giác ngộ, phàm phu thành thánh hiền, chúng sanh thành Phật, sanh-tử thành Niết-Bàn.
03/12/2010(Xem: 5553)
Một đệ tử đang ở trong tù viết thư cho Rinpoche khẩn cầu ngài ban những thực hành cho quãng đời còn lại của anh. Rinpoche đã trả lời như sau. Bài do Michelle Bernard biên tập.
03/12/2010(Xem: 17983)
Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng.
30/11/2010(Xem: 11677)
Đức Phật dạy rằng nếu muốn tự giải thoát ra khỏi thế giới Ta bà thì phải tuân theo ba lời giáo huấn tối thượng như sau : đạo đức, chú tâm và trí tuệ. Khi nào biết noi theo ba lời giáo huấn ấy thì ta sẽ đạt được sự giải thoát cá nhân...
28/11/2010(Xem: 8103)
Lâu lắm chúng tôi không có cơ hội về giảng cũng như nhắc nhở sự tu hành cho toàn thể chư Tăng Ni ở khu Đại Tòng Lâm. Hôm nay được ban tổ chức trường hạ Đại Tòng Lâm mời về thăm và nói chuyện với tất cả Tăng Ni và Phật tử nơi đây, tôi liền hoan hỉ chấp nhận.
27/11/2010(Xem: 11568)
Trong khi Đức Phật tạo mọi nỗ lực để dẫn dắt hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến những tiến bộ tâm linh cao cả nhất, Ngài cũng nỗ lực để hướng dẫn hàng đệ tử cư sĩ tiến đến sự thành công...
25/11/2010(Xem: 26740)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
25/11/2010(Xem: 12914)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câuphát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nàocũng được. Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sáchtheo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vềPhật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo chọn lọc từ các bài diễn văn,phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
23/11/2010(Xem: 7076)
Chiếc y của người xuất gia Phật giáo biểu trưng cho sự thanh bần, giản đơn, và quan trong hơn cả là nó nối kết người mặc với vị thầy bổn sư của mình - Đức Phật...
22/11/2010(Xem: 15751)
Trong phần thứ nhất, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giảng về Bồ-đề tâm và cách tu tập của những người Bồ-tát. Trong phần thứ hai, Ngài giảng về Triết lý của Trung Đạo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]