Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nỗi “Khổ” Trong Nhà Phật: Có Hay Không?

28/05/201120:05(Xem: 6273)
Nỗi “Khổ” Trong Nhà Phật: Có Hay Không?

NỖI “KHỔ” TRONG NHÀ PHẬT: CÓ HAY KHÔNG?
Lê Sỹ Minh Tùng
[Nghe Audio]

starvingsomalia-250x168world-hungerTừ khi ra thăm bốn cửa thành, Thái tử Tất Đạt Đa đã cảm nhận những nỗi thiết tha thống khổ của nhân loại khiến Ngài quyết tâm đi tìm một chân lý để cứu giúp chúng sinh còn đang lặng hụp trong biển đời sinh tử trầm luân. Ngài phát nguyện xuất gia và đã hy sinh 11 năm của cuộc đời son trẻ để tìm ra ánh sáng nhiệm mầu. Mang một ý chí sắc đá, một tấm lòng dũng mãnh và trải qua không biết bao nhiêu thử thách, nhưng cuối cùng trong giờ phút lịch sử của đêm mùng 8 tháng chạp đó Ngài hoát nhiên đại ngộ, chứng được tam minh.

Đức Phật mô tả sự thành đạo của Ngài như sau: Trước hết Ngài đắc Tứ thiền và sau đó trong canh ba của đêm ấy Ngài chứng Tam minh: Túc mạng minh giúp Ngài nhớ lại được các đời sống trong quá khứ. Thiên nhãn minh cho Ngài thấy rõ được sự sống chết của chúng sinh tùy theo nghiệp của họ. Sau cùng Lậu tận minh soi sáng cho Ngài thấu biết được sự đoạn diệt các lậu hoặc. Chính Lậu tận minh này đã giúp Ngài thấu hiểu tường tận rốt ráo nguồn gốc tất cả những nỗi khổ đau và phương pháp diệt trừ nó để có cuộc sống an lạc thanh tịnh Niết bàn.

Sau khi thành đạo, Ngài đến vườn nai ở xứ Ba-la-nại để thuyết giảng chân lý Tứ Diệu Đế cho nhóm ông Kiều Trần Như để chuyển bánh xe pháp. Kinh Chuyển Pháp Luân được xem như là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật sau khi Ngài đắc đạo dưới cội Bồ đề. Chân lý Tứ Diệu Đế chọc thủng màng vô minh, khai tâm mở tánh và năm vị đệ tử đầu tiên này đều trở thành A la hán. Từ đó Tứ Diệu Đế được xem là chân lý, là sự thật chắc chắn toàn hảo nhất để chuyển cuộc sống chúng sinh từ phàm đến thánh, giải thoát sinh tử trầm luân.

Vậy thế nào là Tứ Diệu Đế?

Tứ Diệu Đế còn được gọi là Tứ Đế hay Tứ Thánh Đế gồm bốn chân lý mà chính Đức Phật là bậc toàn giác, hoàn toàn trong sạch đã tìm ra để đưa chúng sinh đến nơi hoàn toàn trong sạch của các bậc Thánh nhân. Chân lý mà Đức Phật đã nghiệm chứng dưới cội Bồ-đề là những chân lý thiên nhiên, có sẵn từ muôn đời chớ không phải do Ngài tự tạo ra. Nói cách khác dầu cho có Đức Phật hay không, những chân lý này vẫn hiện hữu cho những người giải thoát giác ngộ. Đức Phật là người đã chứng nghiệm chân lý đó và đem nó truyền dạy lại cho thế nhân, vốn bị màn vô minh che phủ nên sống trong bất giác, khổ đau.

1)Khổ đế: Nói lên tất cả những nỗi khổ của chúng sinh phải gánh chịu trong cuộc sống. Trước hết, khi còn là thai nhi trong bào thai của người mẹ thì tình thức đã được phát sinh trong ta và cũng bởi cái tình thức này mà thai nhi có thể thu nhận những cử động cảm xúc. Trong 9 tháng 10 ngày, thai nhi bị giam hãm trong cảnh tối tăm, chật hẹp, thì làm sao gọi là sung sướng cho được. Đó là chưa kể người mẹ ăn thức nóng vào thai nhi cảm thấy như bị ai nung đốt. Còn khi người mẹ ăn thức lạnh vào thì thai nhi cảm thấy như đang ở trong băng giá. Mẹ ăn no con bị ép khó bề cựa quậy. Còn mẹ đói khát, thì con long bong lều bều như bay bổng trong không. Đến kỳ sanh sản, thai nhi phải lòn qua ép lại, đau đớn khôn cùng, cho nên khi vừa thoát ra ngoài, thì vội cất tiếng khóc ngay. Bởi mới sinh ra mà đã nếm mùi đau khổ, nên Nguyễn Gia Thiều mới thốt lên rằng:

“Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu”.

Đến khi khôn lớn không ai chạy thoát khỏi luật vô thường sinh lão bệnh tử. Lúc còn trẻ tráng kiện bao nhiêu, bây giờ lúc về chiều tinh thần suy kém, thân thể hao mòn, nên con người phải khổ cả về thân xác lẫn tinh thần. Vì vậy:

“Già nua là cảnh điêu tàn
Cây già cây cổi, người già người si”.

Đến lúc già yếu thì mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn chẳng biết ngon, ngủ không thẳng giấc, trí nhớ lu mờ, cộng thêm da nhăn, răng rụng. Cho nên:

“Bao vẻ hào hoa đâu còn nữa
Một thân khô kiệt nghĩ buồn tênh”

Càng già thân thể càng suy yếu, trí tuệ lu mờ nên mới sanh ra lú lẫn, nhớ trước quên sau, tinh thần không minh mẫn mà sanh ra chưởi bới lung tung. Thật là quá đau khổ.

Nhưng hễ có thân là có bịnh. Mà đã là bệnh cho dù là bệnh nhẹ như đau răng, đau bụng, nhức đầu… còn bệnh nặng như đau gan, đau thận, ung thư thì bệnh nào cũng là đau khổ. Thảm hại hơn nữa, còn có nhiều căn bệnh ngặt nghèo làm cho bệnh nhân sống dở, chết dở. Sống thì đau đớn từng cơn, còn muốn chết thì cũng không thành ước nguyện. Nhớ ngày xưa ở quê nhà, có người sau một trận đau, phải bán nhà trả nợ, đó là chưa kể hễ một khi trong nhà có người đau thì cả gia đình lo sợ, buồn rầu.

Phàm là con người thì ai ai cũng tham sống sợ chết. Những người giàu sang, sung sướng, thì họ sợ chết không nói làm chi còn những kẻ sống khổ cực, khốn cùng, đầu tắt mặt tối, mà đâu có ai muốn chết bao giờ. Oái oăm thay, những kẻ vướng lấy những bịnh nan y, hiểm nghèo, mà họ luôn luôn bám víu lấy sự sống.

Nhưng ”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?” cho nên muốn hay không thì chưa có một người nào trên thế gian này đã thoát khỏi bàn tay lông lá của tử thần. Người sắp chết tấm thân bấn loạn, nỗi lo cho gia đình con cái thiếu người chăm sóc, nỗi lo cho thân mình đi vào một thế giới cô đơn, vắng lạnh, tương lai mịt mờ, đen tối. Tâm sợ hãi, còn thân thì đau đớn từng cơn. Trước khi chết, mắt trợn ngược, gân giựt, bẻ tay, bẻ chân, trông thật đau khổ vô cùng đến khi nhắm mắt xuôi tay thân thể cứng đơ, lạnh ngắt. Thế thì đến chết vẫn chưa hết khổ.

Còn nhớ sau cuộc đổi đời năm 1975, hàng trăm ngàn người đã bỏ nước ra đi, để lại biết bao vợ, con, thân bằng quyến thuộc bên kia bờ đại dương. Chiến tranh đã tạo ra cảnh kẻ bên nầy trông đợi, người bên kia nhớ chờ. Thật là đau lòng xót dạ khiến có người phải thốt rằng:”Thà tử biệt chớ ai nỡ sanh ly”.

Nhưng có chắc là tử biệt đỡ hơn sanh ly hay không?

Thủa còn ở quê nhà, chiến tranh đã vô tình cướp đi đời sống của những người trai trẻ và để lại rất nhiều cảnh tang tóc thương tâm như những góa phụ bồng con thơ ra mộ thăm chồng. Nếu người nằm xuống mà có ngày trở lại, thì dù có đợi 5 hay 10 năm thì vẫn còn hạnh phúc hơn là ngàn năm vĩnh biệt. Vậy sanh ly hay tử biệt cũng đều chung số phận khổ đau như nhau.

Trong cuộc sống ai cũng mơ ước cho mình được thành đạt, hiển vinh, dư ăn dư để. Nếu muốn gì được nấy thì thế gian làm gì có khổ đau, cho nên Ôn Gia Hầu nói thêm:

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”.

Kẻ thất bại về công danh, phú quý thì nhiều còn người ngậm cay nuốt đắng vì tình yêu cũng không ít cho đến Hàn Mặc Tử còn phải than thở rằng:

“Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ”.

Thói thường, con người đau khổ vì phải xa cách người mình yêu thương, nhưng oái oăm thay nếu sống chúng với người mình chẳng ưa chẳng thích thì cuộc sống chẳng sung sướng hạnh phúc gì mà còn đeo mang bao hệ lụy ưu phiền. Thật là:

“Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt
Ở chung với người nghịch như nếm mật nằm gai”.

Cuộc đời mang lại cho ta biết bao ưu phiền khổ ách, nhưng tệ hại hơn là con người không làm chủ được thân tâm của mình làm cuộc đời đã khổ càng thêm khổ đau.

Nỗi khổ không dừng lại ở đây mà trong cuộc sống hàng ngày nỗi khổ này chồng lên nỗi khổ nọ. Nổi buồn phiền này chưa giải quyết xong thì nỗi khổ khác lại hiện lên. Đó là chưa kể nhìn thời gian trôi qua, càng ngày mình càng già yếu, xấu hơn thì càng buồn, càng khổ. Nhìn thế giới xoay vần biến hoại, nay động đất chỗ này, mai bảo táp chỗ kia khiến tâm càng lo sợ, buồn phiền.

Sau cùng khi con người tiếp xúc với trần thế thì phải hứng chịu biết bao cảnh bất toại ý. Càng chạy theo lục dục thất tình thì càng khổ, tâm càng bất tịnh.

Tóm lại, nỗi khổ thì nhiều vô hạn nói sao cho hết, nhưng trên đây Đức Phật chỉ tóm gọn thành tam khổ, bát khổ mà chúng sinh thường phải thọ nhận trên cõi đời này.

2)Tập đế: Toàn bộ giáo pháp Đức Phật dựa trên luật nhân quả vì thế trong phần tập đế, Đức Phật đưa ra những nguyên nhân chính là nguồn gốc phát sinh ra những nỗi khổ ở trên. Tập đế là nhân và khổ đế là quả của chiều sinh tử. Tập đế gồm có tư hoặc, kiến hoặc và vô minh hoặc. Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dạy rằng:

“Ai sống trong đời này
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng
Như cỏ Bi gặp mưa”.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật lại dạy rằng:

“Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước là sen”.

Đức Phật dạy rằng căn nguyên của mọi khổ đau chẳng qua chỉ là sự ràng buộc của ba loại dục vọng: dục ái, hữu ái và hủy ái.

3)Diệt đế: là sự diệt khổ, là sự tẩy sạch và sự diệt trừ dục vọng. Giáo lý Đức Phật đưa ra nhằm phát huy trí tuệ để giải trừ mọi vọng tưởng và đưa hành giả thẳng đến cứu cánh tột đỉnh là giải thoát thanh tịnh Niết bàn, trở thành bậc A la hán.

Trong Trung Bộ Kinh bài 26, Đức Phật dạy rằng: “Từ bản thân ta phải chịu, sinh, già, bệnh, chết, ta đã đạt được trạng thái không sanh, không già, không bệnh, không chết, an ổn tuyệt đối, vượt khỏi hệ lụy, đó là Niết bàn”.

4)Đạo đế: là con đường dẫn đến sự diệt khổ. Để tận diệt một năng lực hùng mạnh (ái dục) hành giả cần phải vận dụng và phát triển Bát chánh đạo để đánh đổ một năng lực bất thiện dai dẳng ẩn núp trong tâm của chúng ta. Đạo đế là nhân và diệt đế là quả của chiều giải thoát. Đạo đế có tất cả 37 phẩm trợ đạo mà trong đó Bát Chánh Đạo được xem là quan trọng nhất.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có hỏi rằng:”Có giáo lý Tứ Đế hay không có giáo lý Tứ Đế?”. Nói rộng ra là thật sự có những nỗi khổ như thế trong cuộc đời này chăng?

Dựa vào văn bản kinh điển cổ xưa nhất của Phật giáo là bộ kinh Nikayas bằng tiếng Pali (Nam Phạn) và bộ kinh A Hàm (bằng chữ Hán) thì chân lý Tứ Diệu Đế là có thật. Chẳng những có thật mà nó còn là một chân lý, một sự thật vĩnh hằng cho tất cả mọi người (tiểu thừa và đại thừa) đang đi trên con đường giải thoát giác ngộ phải huân tu triệt để.

Nó là một nền móng vững chắc nhất mà bất cứ ai nếu muốn xây căn nhà giác ngộ không thể thiếu được. Dựa theo tư tưởng Nam tông thì Đức Phật chính là bậc A la hán đầu tiên của tất cả các vị A la hán. Ngài là vị đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã chứng quả giải thoát. Ngài đã đoạn trừ tham ái, là nguồn gốc của khổ, đã chứng đắc Niết bàn, là sự đoạn tận mọi khổ đau và Ngài đã hoàn thành viên mãn việc hành trì Bát Chánh Đạo, là con đường đưa đến chấm dứt mọi khổ đau.

Nói thế thì cái khổ là thật có dựa theo tinh thần Phật giáo nguyên thủy. Vậy tư tưởng đại thừa nhìn cái khổ hay nói rộng ra giải thích chân lý Tứ Diệu Đế như thế nào? Phải chăng cuộc đời chẳng có gì vui?

Tư tưởng đại thừa cho rằng chân lý Tứ Đế ở trên là hệ tư tưởng sinh diệt Tứ Đế. Vì sao? Bởi vì Đức Phật dạy chân lý Tứ Đế này dựa trên cơ sở hiện tượng vạn pháp có sinh có diệt để giúp chúng sinh học đạo, hành đạo và chứng đạo. Đó là bốn thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán mà các vị đại đệ tử Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na đều tu theo pháp sinh diệt Tứ Đế mà trở thành bậc A la hán. Nhưng sau hai mươi năm thuyết pháp độ sinh và lúc bấy giờ kiến thức của chúng đệ tử đã cao hơn thì Đức Phật mới bắt đầu nói kinh Bát Nhã và Ngài đã dùng tới hai mươi hai năm để diễn cái chân không thật tướng đó mà Bát Nhã tâm kinh chính là tinh yếu của bộ kinh dày trên 600 quyển này.

Dựa theo tinh thần Bát Nhã (trí tuệ) bây giờ Đức Phật mới giới thiệu một hệ tư tưởng khác gọi là vô sinh Tứ Đế. Sinh diệt Tứ Đế dựa trên nguyên tắc hiện tượng sinh diệt của vạn pháp trong thế giới hữu vi có sinh có diệt tức là thế giới tục đế. Tuy sinh diệt Tứ Đế là chân lý, là sự thật của cuộc đời, nhưng chỉ đúng trong thế giới tục đế chớ không thể áp dụng trong thế giới bản thể, chân đế được. Vì thế sinh diệt Tứ Đế chỉ là chân lý tương đối trong cái thế giới có sinh có diệt này. Còn vô sinh Tứ Đế là Tứ Đế không có thật sanh và dĩ nhiên không có thật diệt, và đây mới là chân lý tuyệt đối trong thế giới bản thể vô vi thanh tịnh bất sinh bất diệt.

Con người vì lầm lẫn cho rằng mình là thật nên chấp trong ta có “Cái Ta” làm phát sinh “Chấp Ngã” và thế gian vũ trụ là thật, là bền chắc nên phát sinh “Chấp Pháp”. Vì chấp mình là thật, thế gian là thật nên mới có khổ, có ta có người, có chủ thể có đối tượng tức là có “Hai” nên mới vun bồi, vơ vét cho cái Ta mà nếm mùi đau khổ. Tâm kinh dạy rằng khi Bồ-tát hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách nghĩa là nếu chúng sinh tu tập trí tuệ đến chỗ sâu thẳm, tâm hằng tự tại thì thấy biết rõ ràng rằng sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn đều là không. Nếu biết rằng ngũ uẩn là không thì trong ta làm gì có “Cái Ta”.

Bây giờ nếu biết sử dụng trí tuệ một cách rốt ráo thì nhận biết rằng ngũ uẩn là không nghĩa là “Ta” cũng không mà “Người“ cũng không. Tâm không chấp, trong ngoài tự tại thì tìm đâu ra “Cái Khổ”. Một khi đã vượt ra khỏi khổ ách thì cái khổ đâu còn, khổ đế biến mất. Cái khổ không có thì cái nguyên nhân (tập đế) tìm đâu ra. Không khổ thì cần gì phải cầu chứng đắc thanh tịnh an lạc Niết bàn.

Do đó Diệt đế và Đạo đế cũng là không. Có người nói rằng thế gian, vũ trụ sờ sờ ở đó mà nói là không thì làm sao chấp nhận được? Thật ra tất cả mọi vật thể trong thế gian này dù to lớn như mặt trời, mặt trăng hay nhỏ như hạt cát như vi trần đều do duyên khởi tác tạo mà thành chớ không vật nào tự nó sinh khởi hay tồn tại được cho nên vật thể là vô ngã, không có tự thể nên tuy là có, là thấy sờ sờ ở đó nhưng một ngày nào đó nó sẽ bị biến hóa, tiêu hoại nên gọi là không.

Ở phần trên chúng ta đề cập về sắc tức là không và không tức là sắc. Sắc là phần vật chất, nhưng căn nguyên gốc rễ của tất cả những nỗi khổ còn nằm trong thọ, tưởng, hành, thức tức là phần tâm thức. Người đệ tử Phật phải tư duy, quán chiếu để nhận biết thấu suốt rằng thọ tức là không, không tức là thọ. Tưởng tức là không và không tức là tưởng, hành tức là không và không tức là hành và sau cùng thức tức là không và không tức là thức.

Thức là động cơ tác động qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để con người có thể thấy, nghe, ngửi, xúc, biết qua hiện tượng sinh diệt bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mỗi thành phần là không thì chắc chắn ngũ uẩn phải là không hay nói rộng rãi hơn là vạn pháp là không cho nên thế gian vũ trụ dưới nhãn thức của người có trí tuệ thì tất cả tuy có đó mà trong tâm họ vẫn là không nên họ không dính mắc, không tham đắm cho nên “cái khổ” không bao giờ có.

Nếu nói rằng ngũ uẩn giai không, không thật có. Nhưng bây giờ con người, thế gian vũ trụ sờ sờ ở đó thì cái có nầy là gì? Cái có mà con người nhận biết được qua ngũ quan chẳng qua là cái có của duyên sanh nghĩa là các chủng tử nương gá tác động hòa hợp mà thành. Đối với phàm nhân thì cái có này là thật có, nhưng người có trí tuệ (Bát nhã) thì cái có nầy không thật có, chỉ là cái có giả tạm, duyên kết thì tạm có duyên tan thì hoại diệt vậy thôi. Thí dụ tấm thân tứ đại của con người là do sự sự kết hợp của trùng trùng duyên khởi mà thành. Khi các nhân duyên hòa hợp thì chúng ta sống bình yên, không đau bệnh. Ngược lại, nếu nhân duyên bất hòa thì nay đau, mai yếu.

Tôn chỉ của đạo Phật là giúp chúng sinh chuyển mê thành ngộ và lìa khổ đắc lạc, nhưng cái khổ ở đây vốn không có mà chỉ là do tự mình tạo ra. Thế thì nguyên nhân nào con người tự mình tạo ra cái khổ? Con người có khổ cũng bởi vì có chấp ngã và chấp ngã sở hữu nghĩa là cái này là “Ta”, cái kia là “Của Ta” và tệ hại hơn nữa là còn chấp trong ta còn cái tự ngã bền chắc muôn đời sống giữ chết đem theo. Do đó nếu muốn hết khổ thì hành giả phải hành thâm bát nhã để trở về với trí tuệ sáng suốt có sẵn trong ta mà nhận biết rằng ngũ uẩn là không nghĩa là không có cái ta và cái tự ngã trong ta. Chưa đủ họ còn chấp thế gian là thật, cuộc đời là thật, danh vọng tiền tài cũng thật.

Vì con người sống trong vô minh bất giác nên trong thì chấp ngã, ngoài thì chấp tướng (pháp) nên cả cuộc đời làm nô lệ cho cái thế giới vật chất giả tạm này và dĩ nhiên cái khổ họ phải đeo mãi trên vai. Bây giờ biết thức tỉnh, quán vạn pháp là không nên người đệ tử Phật có thể coi thường cả sinh, lão, bệnh, tử của mình, coi thường cả thành, trụ, hoại, không của vũ trụ và coi thường cả sinh, trụ, dị, diệt của cuộc đời nên sống chết là chuyện bình thường, tử sanh là trò dâu bể, tâm hằng thanh tịnh nên lúc nào cũng an vui tự tại tức là hết khổ. Chính kinh Lăng Nghiêm đã khẳng định rằng còn phiền não khách trần là còn điên đão khổ đau và phủi hết phiền não khách trần là tức khắc có an lạc Niết bàn nghĩa là con người biết làm chủ tâm mình thì thế giới này là cực lạc.

Vì thế mà kinh Duy Ma Cật có câu: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” nghĩa là tâm an thì thế giới an và tâm bình thì có thế giới bình là vậy. Thí dụ cựu Thống đốc tiểu bang California Arnold Schwarzenegger cũng vì một phút chạy theo tham đắm dục tình, không làm chủ tâm tánh khiến gia đình tan nát, tên tuổi bị chôn vùi. Một thí dụ khác nữa là ông Dominique Strauss-Kahn là chủ tịch quỷ tiền tệ thế giới và là một ứng cử viên sáng chói dành ghế tổng thống Pháp, nhưng vì một giây phút không tự chủ tâm mình nên bị cáo buộc toan hãm hiếp cô bồi phòng tại một khách sạn ở Nữu Ước khiến thân bại danh liệt.

Anh chàng đánh Golf vô địch Tiger Woods cũng vì không thể kiềm chế dục vọng, sống thiếu đạo đức nên hạnh phúc gia đình biến mất. Do đó cho dù là Thành Cát Tư Hản, Nã Phá Luân hay lực sĩ Arnold mà không làm chủ được bản tâm thì có ích lợi gì, rốt cuộc vẫn sống trong điên đảo khổ đau. Ngược lại, Đức Phật là người đã chiến thắng thế gian, làm chủ tâm mình nên tâm hằng thanh tịnh Niết bàn thì đây mới là cái chiến thắng vĩ đại nhất của bậc đại hùng, đại giác vậy.

Tóm lại, sinh diệt Tứ Đế là chân lý, là sự thật của thế giới hiện tượng hữu vi sinh diệt vì người tu theo lối này còn chấp mình là thật, thế gian là thật nên họ sợ cuộc đời, sợ tham đắm, sợ chấp thủ, sợ si mê nên cố tu để chứng đắc Niết bàn. Ngược lại, vô sinh Tứ Đế là chân lý tuyệt đối của thế giới bản thể, thế giới chân không diệu tánh, bất sinh bất diệt nên tâm của người tu không còn chấp. Tâm không còn chấp ngã, chấp pháp, chấp có, chấp không vì ta và thế gian là không thật nên tuy có mà vẫn như không nên lòng thênh thang tự tại tức là hết khổ.

Bây giờ hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa tôn giả Xá Lợi Phất và trưởng giả Duy Ma Cật về “vấn đề thiền” để thấy rõ hai quan niệm về “chấp có ngồi thiền” và “thiền trong cuộc đời”:

Tôn giả Xá lợi Phất thưa với Đức Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Vì trước đây có một hôm con đang ở trong rừng ngồi thiền dưới một cội cây. Tình cờ ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng:

Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Ngài bất tất phải ngồi như thế mới là ngồi thiền! Vả chăng ngồi yên ở trong tam giới mà không hiện thân ý mới là ngồi thiền. Sinh hoạt trong oai nghi như hằng ngày mà không rời diệt tận định mới là ngồi thiền. Làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không xao lãng đạo pháp mới là ngồi thiền. Tâm không cột vào trong mà cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền. Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị thuyết, bao nhiêu chuyện mê tín, hoang đường mà tâm không lay động, không bị mê hoặc, cám dỗ, xiêu lòng, vững tâm trong 37 phần trợ đạo thế mới là ngồi thiền. Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết bàn thế mới là ngồi thiền.

Ngồi được như thế thì đó là thứ thiền được Phật ngợi khen và ấn khả, thưa Ngài Xá Lợi Phất.

Tu mà không thiền cũng như ăn cơm mà không có muối. Dù có được ăn, nhưng càng ngày thân thể càng èo uột, dễ chết. Vì thế sau ngày Đức Phật nhập diệt thì các đệ tử vẫn tiếp tục duy trì truyền thống ngồi thiền để hóa giải vọng tưởng và chứng ngộ Niết bàn. Cho nên ngày nay truyền thống tu thiền Tứ Niệm Xứ (thiền Minh Sát) vẫn còn tiếp tục khắp mọi nơi trên trên thế giới cho phái Nam tông. Do đó khi ông Duy Ma Cật nói :”Bất tất phải ngồi thiền như thế mới là ngồi thiền” có mâu thuẩn giáo lý của Phật không? Tuy ngài Xá Lợi Phất là bậc thông minh xuất chúng, đệ nhất trí tuệ, nhưng vẫn thuộc hàng Thanh Văn.

Đó là các ngài chỉ mới phá được chấp ngã tức là phá được “Cái Ta” và những Tham-Sân-Si để tạo tác cho cái Ta mà chưa phá được chấp pháp tức là còn thấy thế gian là thật, là nguyên nhân của mọi khổ đau, có pháp để tu, có quả vị để chứng và chấp phải ngồi thiền thì tâm mới an, mới chứng quả A La hán. Lối nhìn của ông Xá Lợi Phất là đứng về Sự Tướng Tương Đối của thế gian còn tư tưởng của ông Duy Ma Cật là đứng về Chân Lý Thể Tánh Tuyệt Đối mà hành. Vì thế không có sự mâu thuẩn giữa tôn giả Xá Lợi Phất và trưởng giả Duy Ma Cật và dĩ nhiên cũng không có sự mâu thuẩn giữa hai lối tu thiền mà chỉ có sự khác nhau về tư tưởng và thực hành giữa Sự và Lý hay Tướng và Tánh mà thôi.

Ông Xá Lợi Phất thì chấp vào Tướng nên cứ phải ngồi yên lặng không nói năng mới là thiền còn ông Duy Ma Cật thì nhìn vào Bản Thể Chân Như bên trong nên đối với ông thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền, lúc nào cũng thiền, ở nhà cũng thiền, ở chợ cũng thiền ngay cả trong lúc ăn cơm, mặc áo, nói chuyện cũng thiền. Khi con người làm chủ được tâm của mình, giữ tâm an nhiên tự tại, không chạy theo vọng kiến tình thức mà lúc nào cũng sống trong tỉnh thức - Chánh Niệm, xa lìa sự quyến rủ của lục trần để kiềm chế Tham-Sân-Si làm cho Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh thì mới là tu thiền.

Như vậy đi, đứng, nằm đều là tu thiền chứ không nhất thiết chỉ có ngồi. Ngày xưa chính Lục Tổ Huệ Năng nói rằng nếu có nhập thiền và xuất thiền thì tâm chưa phải là đại định. Đối với tư tưởng Duy Ma Cật thì tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày đều là thiền. Tu thiền là tu trong mọi sinh hoạt của cuộc sống cho nên khi gặp thuận cảnh thì lòng không tham đắm, si mê và lúc đối diện với nghịch cảnh thì tâm không dao động, sợ hãi, đau khổ hay chán chường.

Vì thế không nhất định chỉ có buổi sáng hay ban đêm mới thiền mà trong 24 tiếng đồng hồ mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà không cho vô minh vọng chấp dấy khởi làm Tham-Sân-Si không có cơ hội phát tác khiến tâm được thanh tịnh thì mới là thiền. Đây chính là ứng dụng rốt ráo, triệt để Tứ thiền (tiểu thừa) vào trong cuộc đời để sống đúng với tư tưởng “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đại thừa) nghĩa là tâm không chấp, không dính mắc thì cuộc đời sẽ thanh thoát, khinh an và tự tại mà không cần phải tọa thiền gì hết.

Tư tưởng đại thừa là “phá chấp”, là quét sạch những tri kiến chấp thật của con người. Cái nguyên nhân chính đưa đến sự khổ đau của nhân loại là cố chấp. Người tu theo tiểu thừa thì chấp ngã, chấp pháp, chấp có tu chứng, chấp có Niết bàn nên Tâm kinh dùng chữ “VÔ” để quét sạch “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Còn người thực hành đại thừa thì chấp tu để phát sinh trí tuệ nên Tâm kinh một lần nữa dùng chữ “VÔ” để quét sạch “Vô Trí Diệc Vô Đắc” nghĩa là trí tuệ là cái có sẵn chớ không phải nhờ tu mới có.

Nói chung, tâm chúng sinh chất đầy chấp ngã, chấp pháp, chấp đúng, chấp sai, chấp thiện, chấp ác, chấp có, chấp không, chấp mình, chấp người, chấp thân, chấp sơ, chấp tốt, chấp xấu và hàng triệu cái chấp không tên khác. Hễ có chấp là tâm còn phân biệt nghĩa là có “Hai” tức là còn khổ. Bây giờ nếu muốn hết khổ chúng sinh chỉ cần thực hành đúng nguyên lý Bất nhị vào trong cuộc sống hằng ngày tức là đừng nhìn cuộc đời bằng hai mặt đối đãi như tốt xấu, thiện ác, thân sơ…vì đó là cái nhìn thiển cận, chủ quan của nhục nhãn dựa theo hình tướng biến đổi sinh diệt bên ngoài nên chưa được hoàn hảo, dễ bị sai lầm.

Muốn có cái nhìn chính xác, hoàn mỹ chúng sinh phải dùng mắt trí tuệ để nhìn thấu suốt vào thật tướng của vạn pháp thì thấy ai ai cũng đều có chơn tâm, Phật tánh như nhau, rất bình đẳng, không sai khác. Con người có khổ cũng vì sống trong vô minh bất giác, chạy theo chủ quan thiển kiến. Cái gì của ta, thuộc về ta, thuộc về phe ta, cùng tư tưởng với ta thì phải đúng, là chân lý bất di bất dịch. Cái đúng này khác với cái đúng khách quan, đúng với sự thật, đúng với chân lý.

Khi sống với tâm bình đẳng khách quan thì từ đây con người sẽ không còn thiên vị thương bên này bỏ bên kia, không chạy theo sang giàu bỏ người nghèo khó và không mù quáng chạy theo tham dục mà quên đi sự thanh nhàn an vui tự tại trong tâm hồn. Thật vậy, khi sống với chơn tánh của mình, con người sẽ không xét người qua chiếc áo mà thương yêu chúng sinh với lòng từ bi vô ngã. Không dùng xảo ngôn để đánh bóng cuộc đời mà dùng lời chân thật để đối xử với nhau. Không tranh giành chiếm đoạt, lợi mình hại người vì cho dù có thu góp cả thế giới về tay mình thì khi ra đi cũng phải bỏ lại hết cho thế gian.

Ngay cả tu hành thì tư tưởng đại thừa cũng phá. Tại sao? Thật ra tu hành chỉ là giả danh, là cách nói chớ chẳng có cái gì là tu hành cả ví như người cố rửa sạch chân đất bùn nhơ, nhưng khi sinh ra có chân người nào dính đất, đạp bùn nhơ đâu? Đó là tu vô tu tu, hành vô hành hạnh và chứng vô chứng chứng vậy.

Thí dụ ngay cả lục độ ba-la-mật của đại thừa:

1)Xả cho được tên giặc Mắt để tâm đừng tham đắm, dính mắc nơi cảnh Sắc thì gọi là Bố thí.

2)Kiềm chế tên giặc Tai không cho chạy theo thanh trần nghĩa là nghe thì nghe tất cả mà không lưu luyến đắm say cái gì hết, không nhân ngã bỉ thử, không phải quấy thị phi thì đây là Trì giới.

3)Làm chủ tên giặc Mũi đừng cho nó chạy theo hương trần, không si mê theo hương vị tạm bợ, phù dung thì gọi là Nhẫn nhục.

4)Ngăn tên giặc Lưỡi không cho nó tham đắm theo mùi vị và kiểm soát lời nói cho hợp với đạo lý, đúng với chân lý thì đây mới là Tinh tấn.

5)Hàng phục tên giặc Thân không cho nó luyến ái với cảm xúc khiến thân tâm được khinh an tự tại thì gọi là Thiền định.

6)Sau cùng quan trọng nhất là làm chủ Ý, đừng buông thả để cho tư tưởng tha hồ duyên theo lục dục thất tình, nên quán từng hơi thở, giữ vững chánh niệm thì gọi là Trí tuệ.

Biết thực hành đúng đắn thì gọi là tu lục độ vạn hạnh tức là hết khổ, có giải thoát. Thật ra cái khổ ban đầu làm gì có cũng như mình mời khách vào nhà rồi lời qua tiếng lại sinh ra cải vã, bực mình nên mời khách ra về thì vui vẻ trở lại, nhưng nghĩ lại trước khi có khách thì nhà mình êm ái thanh bình, có phiền não chi đâu! Vì vậy sống với chơn tánh thì bất giác vô minh biến mất, thanh tịnh Niết bàn hiện ra mà khỏi phải cầu với chứng gì hết.

Người tu theo tiểu thừa thì cầu Niết bàn và mong chứng quả A la hán, nhưng đối với tư tưởng đại thừa thì Bồ Đề, Niết bàn là tự tánh vốn có của tất cả mọi người. Khi đào giếng có nước trong thì mặt trăng hiện mà không cần phải trông chờ mong đợi gì hết cũng như khi phiền não hết thì Phật tánh hiễn bày. Niệm Phật là niệm tâm và tham thiền là tham tánh cốt là để quay về sống với thể tánh thanh tịnh thường hằng sáng suốt trong ta. Vì thế mà trong Ngộ Tánh Luận nói rằng:

“Hang ổ của ngũ uẩn là tên gọi của thiền viện
Chiếu sáng bên trong mà mở thông suốt tức là cửa đại thừa
Chẳng nhớ tưởng một pháp nào mới gọi là thiền định
Ví hiểu rõ lời ấy thì đi, đứng, nằm, ngồi thảy đều là thiền định cả”.

Hàng tiểu thừa thì cầu với chứng, nhưng tất cả quả vị chứng đắc thật ra không ai ban cho và ngay cả Bồ Đề, Niết bàn cũng không do Phật thưởng bởi vì phiền não tan, vô minh biến thì có được an nhiên tự tại cũng như mây đen tan thì trời xanh hiện. Vì thế mà Tâm Kinh có câu: “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Con người quên rằng trong họ có hòn ngọc Ma Ni (Phật tánh, chơn tâm) rất quý báu mà không biết cho nên cả cuộc đời cứ sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo túng (vô minh, bất giác).

Thật vậy trong mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, chơn tâm, Pháp thân thanh tịnh nhưng vì bị vô minh che lấp nên không thấy mà cứ chạy đi tìm cầu Phật ở bên ngoài. Nếu thức tỉnh phá được cái màn vô minh thì Phật tánh hiện bày, chơn tâm biểu lộ cũng như thò tay vô túi lấy viên ngọc ra thì làm gì còn nghèo khổ. Tam khổ, bát khổ chỉ là giáo lý phương tiện, là cách nói chớ chẳng có gì là khổ cả một khi tâm chúng sinh không còn chấp trước mê lầm. Không vui là tại mình, khổ là do mình chớ đâu phải tại đời hay do ở Phật trời.

Hàng ngày con người “thật thấy” rất nhiều, nhưng mình có “thấy thật” chăng? Thật thấy là cái thấy của sự biến đổi sinh diệt của nhân sinh vũ trụ, cái thấy biết bề ngoài, thấy sự tướng nên thế gian thay đổi thì tâm ta cũng đổi thay theo. Còn thấy thật là cái thấy thật tướng của vạn pháp bất sinh bất diệt, thấy biết đúng chân lý, thấy không có sự phân biệt đối đãi.

Nếu chúng sinh dùng tuệ nhãn mà nhìn đời thì dưới tuệ nhãn sáng suốt này con người sẽ không còn quan tâm để ý đến “sự tướng” sinh diệt, không còn quan trọng nhà to, xe tốt, áo lụa, quần là, tiền tài, danh vọng ngay cả chùa to Phật lớn cũng không màn, tất cả chỉ là phương tiện. Mà tinh yếu là quay về sống với “bản thể” thanh tịnh, cái ánh sáng trí tuệ hằng sáng ở trong ta. Khi đã sống được với thể tánh thanh tịnh của mình thì con người sẽ không còn chạy theo ảo ảnh phù du của nhân thế. Đó là tại sao Đức Phật và những người giác ngộ thì cung vàng điện ngọc họ cũng chẳng cần và tiền tài danh vọng họ xem như bọt biển phù du.

Sau cùng sinh diệt Tứ Đế cho rằng cuộc đời chẳng qua chỉ là một chuổi dài đau khổ, khổ về tâm và cả về thân. Ngược lại vô sinh Tứ Đế là thế giới bản thể chân như chính là Pháp thân thường trụ trong tất cả mọi chúng sinh. Pháp thân không sinh diệt nên gọi là Thường. Pháp thân luôn an nhiên tự tại nên gọi là Lạc. Pháp thân là chủ sinh ra muôn pháp nên gọi là Ngã và Pháp thân không hề bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh. Đây chính là thế giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh tức là sống trong Vô Thượng Niết bàn vậy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Lê Sỹ Minh Tùng

Bài đọc thêm:

TỨ DIỆU ĐẾ (BỐN SỰ THẬT NHIỆM MẦU - TỨ THÁNH ĐẾ - BỐN CHÂN LÝ CAO CẢ)Nhiều tác giả

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/10/2015(Xem: 6117)
Đức Phật dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo” tất cả đều do tâm tạo, “...Duy ngã độc tôn” “cái ta” là tối cao và quan trọng nhất, quyết định tất cả, thành Thánh thành Phật, hay thành ma thành quỷ, lên thiên đàng vào địa ngục cũng do “cái ta”. Đối với “chân tâm” không có “cái ta” là “nhất minh tinh, lục sanh hòa hợp” tức lục căn: thấy, nghe, biết...rõ ràng, mà không phân biệt, dính mắc với lục trần, đó là “tâm” của người chân tu, giải thoát. Nhưng đối với “vọng tâm” “tâm lỗi lầm” của thế gian thì trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật dạy có 4 hạng người:
14/10/2015(Xem: 6799)
Thế giới loài vật cũng có sự sống sinh hoạt song hành với loài người nên cũng bị vô minh chi phối. Chúng chỉ sống theo quán tính, thói quen, không có sự nhận định, suy xét, tìm tòi, quán chiếu soi sáng như loài người bởi nghiệp si mê chiêu cảm.
12/10/2015(Xem: 11434)
Thầy đi một sáng mùa thu Trong cơn lốc thổi Vô thường tử sinh
11/10/2015(Xem: 7567)
Khi chúng ta không còn kềm chế nỗi tính ghen tức của mình, nó sẽ sai khiến chúng ta làm những cú trả thù độc địa. Hành động kích thích bởi lòng ghen tức có thể tàn phá kinh hồn những mối tình cảm, tư cách, và sự sáng suốt của mình.
11/10/2015(Xem: 6967)
Một vị lãnh đạo đất nước muốn giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, có được cơm no áo ấm và sống an vui, hạnh phúc trên tinh thần vô ngã, vị tha phải là người có nhân cách đạo đức, phẩm chất cao thượng và nhiều tình thương nhất. Tình thương là nền tảng lâu dài, là sự duy trì nòi giống của con người.
10/10/2015(Xem: 9123)
Đây là hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và chư Tôn Đức Tăng Ni lãnh Đạo Phật Giáo trên Thế giới tham dự đại hội về việc thọ giới Tỳ kheo ni, theo tin thần Tứ Phần Luật cho những vị ni cô tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng tại Đại học Hamburg Đức Quốc ngày 20/7/2007. Trong đại hội này có HT Phương Trượng Thích Như Điển, HT Thích Quảng Ba (đến từ Úc), Giáo sư tiến sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, và SC Thích Nữ Hạnh Trì đồng phó hội.
09/10/2015(Xem: 9879)
Khi đến chùa bạn hãy nhớ những điều dưới đây không được nghĩ tới và cũng không được cầu khẩn mong muốn thành hiện thực nhé, những điều này là không nên.
09/10/2015(Xem: 8939)
Suy cho cùng, chính bạn chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng số ngày còn lại của mình trong cuộc đời này ra sao. Thù hận hay yêu thương, hạnh phúc hay thảm hại đều chỉ là những sự lựa chọn.
09/10/2015(Xem: 7262)
Chúng ta hãy kiểm lại ba điều. Một là mạng sống trong hơi thở. Hai là thân này hư dối tạm bợ, không có gì quan trọng. Ba là tâm là ông chủ nhân của bao điều họa phúc. Ta thường nhớ và thấy như vậy thì sẽ dễ dàng tập trung vào việc tu học để chuyển hoá, gạn lọc tâm buồn thương, giận ghét thành tâm thanh tịnh, sáng suốt. Làm chủ được thân tâm rồi thì các thứ hình thức vật chất trong cuộc sống không thể hấp dẫn và lôi kéo ta được nữa.
09/10/2015(Xem: 9111)
Con Bobby bị bệnh hiểm nghèo, phải mổ mắt, và bị mù cả hai mắt. Nhưng nó có bạn. Đứa bạn bùi ngùi sẻ chia. Luôn luôn ở bên cạnh săn sóc, tuy nét mặt không tránh khỏi nỗi buồn rầu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]