Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Công Văn dùng trong Nghi Lễ

05/06/201319:31(Xem: 19027)
Công Văn dùng trong Nghi Lễ



Công văn
dùng trong nghi lễ

Thích Bảo Lạc

Từ “Công văn” trước đây được dùng trong công việc hành chánh của nhà nước gồm những văn kiện của các Bộ, Ty, Sở đối với chính quyền thuộc địa, hay dưới các chế độ quân chủ chuyên chế. Cho tới ngày nay không ai rõ từ này đã ảnh hưởng vào trong sinh hoạt Phật giáo từ lúc nào. Theo bút giả, có lẽ nó đã tồn tại trong một thời gian và nay hầu như ít người biết tới. Nếu đem phân tích từng tiếng ta thấy rằng “Công” thuộc mọi người tức công chúng, công cộng, công ích, công lý, công tâm, công bằng; “Văn” là văn kiện, hồ sơ, tư liệu, văn bản, tờ trình, chiếu chỉ, sắc luật v.v…Đó là về mặt hành chánh; còn nơi thiền gia đây thuộc phần nghi lễ, gồm có các phân ban như: Ban Công văn lo về sớ giấy, liễn trướng, danh sách người cúng; Ban kinh sư trong các đại trai đàn chẩn tế gồm một vị Sám chủ hay Gia trì sư và 6 hoặc 8 vị kinh sư; Ban điển lễ lo việc xướng lễ các nghi tiết; Ban dẫn thỉnh sư tác bạch mời thỉnh và hướng dẫn đại tăng đăng lâm Phật điện hay đàn tràng chứng minh chú nguyện lễ.

Người phụ trách về công văn có chút biệt tài như có hoa tay viết chữ đẹp, rành chữ Hán, nếu có thêm văn hay nữa càng tốt.

Nói đến nghi lễ Phật giáo cũng có nhiều bộ môn qua các khoa nghi: lễ nhạc, tán thỉnh, lễ tang, lễ chẩn tế, đại trai đàn khoa nghi… Mỗi phần chuyên môn đều có tư liệu gọi là “Công văn” do một vị chuyên lo phụ trách. Lễ nhạc xưng dương tán thán công đức là một cách cúng dường chư Phật, Bồ Tát ý nghĩa nhất. Ca dao, tục ngữ ( văn chương bình dân), thi ca, văn chương, cũng góp phần không nhỏ trong các lãnh vực:

I - Thế giới cõi dương:

Nói cõi dương tức là đề cập tới thế giới người sống mà người ta thường gọi dương gian để phân biệt với cõi âm. Con người ngoài nhu cầu vật chất, đời sống tâm linh cũng vô cùng quan trọng không kém. Những nơi thờ tự như miếu mạo, lăng tẩm, chùa chiền… không thể thiếu được. Mái chùa là hồn thiêng của dân tộc, biểu tượng cao đẹp của người Việt trải qua nhiều đời như đã thấm sâu trong huyết quản mỗi người, nên ca dao, tục ngữ có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”

hoặc:

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm

Trăng thanh gió mát đêm rằm

chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi

Mai này tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa…

( thơ Nguyễn Bính)

Hay:

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

( Nhớ chùa – thi sĩ Huyền Không)

Và:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Nhưng ở đây trong phạm vi của đề tài, nói riêng, cõi dương phần nghi lễ, có ít nhất cũng 20 lồng sớ ( công văn) đủ các loại như: sớ tạo lập chùa - sớ lập thảo am ( tịnh thất, niệm Phật đường), sớ tạo tượng Phật - sớ tạo đại hồng chung - sớ cầu tiêu trừ tật bệnh - sớ cầu mưa - sớ bắt cầu - sớ làm đường - sớ đào giếng - sớ cầu an tân gia - sớ hoàn nguyện - sớ trừ sâu bọ phá hại mùa màng - sớ các thương thuyền đi buôn xa - sớ cầu sanh sản bình an - sớ cúng sao hạn - sớ khánh thành chùa - sớ quan nhận chức - sớ tạ ơn - sớ an vị Phật - sớ cầu quốc thái dân an - sớ cúng dường trai tăng - sớ cầu cha mẹ sống thọ v.v…

Vấn đề cúng kiến, người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung rất coi trọng, xem như việc thiêng liêng cần phải cẩn trọng giữ gìn. Cho nên, điều quan trọng là người cúng cầu phải thành tâm và thanh tịnh. Yếu tố tâm lý này thông đạt tới thế giới thần linh hay thế giới cõi âm mà người sống, nếu bất cẩn sẽ gặp sự bất trắc xảy ra, nếu không nói là những triệu chứng bất tường làm cho bị khốn đốn, bất an trong cuộc sống. Làm thế nào để giữ được sự thành tâm và thanh tịnh? Vấn đề hết sức tinh tế nên không thể giải thích được. Nó thuộc thế giới tâm linh - cảm ứng giao hòa – như người cầu không cảm thì bên thần thánh cũng không đáp ứng niệm mong cầu. Trong những trường hợp thiết trí lễ đàn cầu nguyện, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện, cốt sao đạt mục đích như trong phần hướng dẫn lập đàn tràng của một lễ cầu mưa làm thí dụ điển hình cho các đàn tràng khác, chỉ cần thêm bớt thích hợp để cho âm dương đều được lưỡng lợi.

Cần lưu ý: “lập đàn tràng nên chọn nơi sạch sẽ thanh tịnh, đủ rộng cho số người tham dự. Cấu trúc đàn tràng sao cho thích hợp, trang nhã đẹp mắt; trên bàn bày biện hoa quả, lễ phẩm và hương đèn xoay về hướng Đông, các bàn phía Tây, Nam, Bắc cũng tương tự. Như vậy, các bàn cúng vẽ hình long vương một thân 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu hay 9 đầu. Bốn góc đàn tràng, mỗi góc cắm 7 lá phan màu xanh, mỗi bàn có bình hoa, dĩa quả, đèn dầu. Chung quanh đàn lấy vải làm tường, bốn bên có bốn cửa, mỗi bên có hai lối đi cho long thần hộ vệ lấy đó làm ranh giới. Có thể lấy tro làm mực vẽ dưới đất làm ranh giới. Đầu rồng hướng ra phía cửa mà đuôi uốn lượn hợp với bụng nó. Ngoài cửa có che cũng lấy vải làm ranh. Chọn một vị cao tăng trì giới đức hạnh làm chủ đàn; chư tăng cũng lựa người giới hạnh thanh tịnh tụng kinh mới có hiệu quả tốt.

Nói về hình long vương ở bốn bên đàn tràng. Hình vẽ trên bình phong, tấm bình phong cao 2m60 rộng 1m60. Bình phong treo cao 1m20, ở giữa dùng lụa mỏng bồi chắc chắn. Theo kinh chỉ dẫn vẽ đầu rồng, tại hướng Đông rồng một thân 3 đầu, hướng Nam một thân 5 đầu, hướng Tây một thân 7 đầu, hướng Bắc một thân 9 đầu, và cùng với quyến thuộc chúng vây chung quanh, phía dưới là sóng biển, bên trên có mây bay. Quyến thuộc long vương rất đông không thể vẽ hết, số đầu rồng y theo kinh mà vẽ. Đàn tràng luôn phải cắt đặt người chăm sóc hương đèn, châm nước cúng và sạch sẽ tươi mát. Trong thời gian cử hành lễ cầu nguyện ( mưa), ngày đêm phải nghiêm tịnh, chí thành tụng kinh, niệm chú từ 7 ngày, 5 ngày hoặc 3 ngày; tự nhiên được cảm ứng tới chư thiên, và lòng thành được thành tựu như ý nguyện” (Đàn cầu mưa) ( Xem Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy, H.T Bảo Lạc dịch trang 80-81).

II - Thế giới cõi âm:

Cõi âm thuộc về thế giới của người chết, có người còn gọi là thế giới bên kia. Nhưng âm đề cập ở đây bao hàm nhiều lãnh vực như mặt trăng đối với mặt trời như nói âm dương, nóng lạnh, ngày đêm, nam nữ, trong ngoài, cứng mềm, động tĩnh, chỗ râm mát, mặt trái, dấu trừ, bí mật, mưu ngầm, nơi u minh, mồ mã (âm trạch) v.v… Cũng như thế giới của chúng ta, cõi âm vẫn có trật tự, nhưng vì ở cảnh giới khác ta không thể biết rõ, nhưng vẫn lo sợ bất an.

Xin dẫn lời mở đầu sách Du Già Diệm Khẩu Thí Thực cho rằng do Ngài A Nan gặp nạn cầu Phật cứu, Phật dạy pháp nghi làm duyên khởi: “ Lúc Đức Thế Tôn ở trú xứ Tăng già lam thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài nói thời pháp ngắn có đầy đủ chư Tỳ Kheo, Bồ Tát, Thiên nhơn… Bấy giờ tôn giả A Nan đang tịnh tọa ở một chỗ vắng lặng khác”. Hôm ấy nhằm lúc canh ba có một ngạ quỉ thân cao lớn, hình hài khô đét, miệng đỏ rực lửa cháy ra vào theo hơi thở, đầu tóc rối bồng bềnh… trông thật ghê khiếp! Quỉ ấy đứng sừng sững trước mặt tôn giả và lớn tiếng: “ Bạch Ngài A Nan, ba ngày nữa Ngài phải chết và đọa làm quỉ Diệm Khẩu như tôi!” A Nan kinh hãi! Quỉ Diệm Khẩu nói: Ngài muốn khỏi chết thì chỉ có một cách là Ngài phải cúng thí mỗi phần 77 hộc đồ ăn uống cho vô số loài quỉ miệng tóe lửa, các tiên vong, các nghiệp đạo minh quan, âm ty chư vong, số đông gấp trăm ngàn lần hằng hà sa số. Và thay mặt ngạ quỉ chúng tôi cúng dường Tam Bảo thì, không những Ngài mà tất cả những người tùy thuận như Ngài đều trường thọ, phước đức vô lượng. Tôn giả A Nan buồn bả về cầu Phật cứu độ. Do đó Đức Phật dạy kinh chú và pháp nghi chẩn tế thí thực cô hồn … mà trong Phật giáo áp dụng lâu nay. Giới hạn lễ cầu siêu có hai phần: giới xuất gia Tăng Ni và Phật tử cư sĩ tại gia có các loại sớ như sau: sớ nhập liệm, thọ tang, di kim quan, nhập bảo tháp, sớ hỏa táng ( an táng). Sớ cầu siêu tuần thất I, tuần thất II, tuần thất III đến tuần thất VII và tuần 100 ngày. Sớ thỉnh giác linh an tọa, sớ bái yết Tổ, sớ cúng tiến giác linh, sớ cúng Tổ, sớ cúng Vu Lan, sớ cầu siêu các chiến sĩ trận vong, sớ đại trai đàn chẩn chế bạt độ chư hương linh…

Nhân tiện, tác giả xin kể câu chuyện lúc còn nhỏ, hồi đó đâu vào khoảng 4,5 tuổi của những năm 1945-46, sau đệ nhị thế chiến. Việt Nam vốn nổi tiếng có nhiều ma do bị chết trong cuộc chiến nên hiện hồn về báo mộng hoặc hù dọa hay làm khó dễ người cõi dương. Nghe người nhà tôi kể lại là tại cây đa miễu đình Hạc Toán rất linh thiêng, người nào đi qua đó không cúi đầu mà còn tỏ ý khinh thường, đều bị hành xác, phá khuấy đủ cách. Dưới gốc đa người ta đem bình vôi, ông táo sứt mẻ tới bỏ ngổn ngang lại càng làm cho quang cảnh đáng sợ hơn. Mỗi lần ban đêm có dịp đi qua khu vực ấy, tôi luôn nín thở chạy vụt qua để mong thoát nạn. Nhưng mỗi lần chạy qua như vậy, cảm nghe như có ai chạy đuổi theo sau chân mình vậy. Mãi về sau lớn lên tôi mới biết: do thần thức biến nên cảm như có thần bám sát có tiếng thình thịch đuổi theo khiến ta sợ. Vào thập niên 90 tại Sydney có ngôi nhà ma vùng Villawood ai cũng biết, do tiếng đồn rùm nơi đó có nhiều ma ban đêm thường hiện ra bật đèn, kéo màn … làm cho nhiều người thuê nhà này phải dọn đi nơi khác. Có người còn kể rằng, cô gái mặc áo trắng thường lảng vảng trước nhà vào buổi tối, có đêm khoảng 1,2 giờ sáng có người bấm chuông cửa, nhưng người nhà đi ra thì không thấy ai cả.

Trước căn nhà này có xảy ra một tai nạn lưu thông khủng khiếp mấy năm trước đó. Một người đàn bà lái chiếc xe du lịch bên trong có chở hai đứa con gái tuổi độ 12 đến 15, chạy trên đường Horsley Drive tính quẹo phải về hướng Fairfield thì bị một chiếc xe truck (vận tải) tông nhào. Chiếc xe của bà ta đâm ngã bờ tường rào ngôi nhà này, cả ba mẹ con đều chết ngay tại hiện trường. Vì thế oan hồn của họ chưa siêu thoát được, nên tìm cách phá phách hoặc cầu cứu người cõi dương!

Trong trường hợp này gia chủ nên thiết lễ cầu siêu cho các hương linh, thỉnh mời chư tăng tới tụng kinh, niệm Phật chú nguyện, rước các vong hồn thờ cúng, chắc chắn nhà cửa và các thành viên trong nhà được vô sự bình an ( tôn giáo khác cũng làm như vậy). Vị Thầy đủ cao tay ấn tụng kinh chú nguyện hẳn làm cho ma sợ bỏ đi nơi khác, hay được nương nhờ mùi hương và phần cúng thí mà hương linh được thọ hưởng no đủ nên không còn đói lạnh để phá phách nữa.

Thế giới cõi âm nghe đâu tại Anh quốc cũng có nhiều trường hợp người sống vì quá sợ nên phải bỏ nhà mà đi tìm tới bà con, bạn bè xin tỵ nạn trong thời gian để ổn định tinh thần.

III – Tìm hiểu một lồng sớ:

Thử phân tích một lồng sớ chẩn tế cô hồn, ta nhận thấy có 4 phần như:

-Phần mở đầu tán dương đức Chuẩn Đề hiện thân Diện Nhiên đại sĩ trừ yêu quái cứu quần sanh, Bồ Tát Địa Tạng từ bi nhờ mật ngôn trừ dứt khổ địa ngục.

-Phần hai: Nơi chốn hành lễ: quốc gia, tỉnh, quận, xã, thôn; vân tập về chùa gì? Tại nước nào? Thành phố… tiểu bang… ; tên người đứng cúng …pháp danh …cùng với (những người hợp lực)…

-Phần ba ( nội dung) như:

Trời rộng dung, đất thấm nhuần mở mang diệu lý khôn cùng. Âm lặng lẽ, dương quang rạng; thiện ác do con người tự tạo, hoặc liên hệ nghiệp đời trước do oan khiên ràng buộc khó thoát lìa, hoặc do tự mình chuốc lấy đến đổi hồn vướng mắc trong khổ lụy hoặc bị đạn lạc tên bay, đao binh, tai nạn… nương nhờ Phật pháp cầu được siêu sanh, toàn dựa kinh văn mà mong giải thoát.

Ngưỡng mong:

Đại giác Thế Tôn lân mẫn tiếp độ, thống thiết nghĩ: Cũng vì 10 loại cô hồn, vô số nam nữ không ai cúng cấp, là chư vị âm linh cô hồn đều là những vong linh trong bà con quyến thuộc, cùng những người xa gần của bổn xứ, những hương linh không nơi nương tựa mồ hoang mã lạnh các vị.

Mời hết thảy các chiến sĩ trận vong chiến tranh, những thường dân tử nạn, những kẻ chết vì thiên tai, sóng thần, cháy rừng, động đất, núi lửa, hoặc nhân họa của tỵ nạn, khủng bố, truyền nhiễm, ung thư, dịch hạch… tất cả oan hồn uổng tử nam nữ chư linh hoặc chết trên không, dưới nước hoặc đất liền chư vị.

-Phần kết: Mong mỏi

Ngưỡng mong:

Ba thừa thượng thánh

Bốn phủ vương quan

Thập điện từ vương

Các Thánh minh dương

Tả hữu phụ tá

Cứu độ giải oan

Chủ soái giũ lòng tiếp độ

Đồng được vãng sanh

Lại nguyện:

Diệu lực dắt dẫn

từ bi cứu bạt

Trần lao mở thoát

Mây mù loãng tan

Trời tuệ soi sáng

Lưới nghiệp xé toang

Dứt sạch sông ái

Tròn sáng như bửu châu

Kiếm tuệ dứt oan khiên

Gậy vàng dẫn hồn thiêng

Tất cả được siêu thăng

Hiện quyến thuộc thân bằng

Bà con nội ngoại thảy

Thấm nhuần phước duyên.

Ngưỡng vọng, Phật ân chứng minh …dâng sớ.

Như Lai Niết Bàn 2554 năm Canh Dần tháng …ngày…

Đệ tử Sa Môn … chứng minh.

Tóm lại, việc cúng cầu nguyện người cúng phải thành tâm, tin tưởng và trai giới thanh tịnh. Thiếu một trong ba điều này như kiềng thiếu chân, đó là việc hiển nhiên mà ta cần phải biết. Trong thời gian gần đây lễ đại trai đàn chẩn tế cầu siêu độ được cộng đồng Phật giáo Việt Nam tổ chức tại nhiều nơi, nhất là mỗi khi chùa có đại lễ khánh thành hay tiết trung nguyên rằm tháng bảy hội Vu Lan.

IV – Cúng tế trai đàn:

Nghi cúng này có nhiều cách gọi như: Trai đàn bạt độ chư hương linh, chẩn tế cô hồn, cúng thủy lục trai đàn, đại trai đàn chẩn tế thủy lục bạt độ chư âm linh. Trai đàn là đàn tràng bằng chay tịnh, chẩn tế là cúng và cấp cho, thủy lục: đất và nước tức vừa cúng trên đất liền vừa cúng dưới nước, bạt độ: độ hết, âm linh: vong hồn cõi âm.

Như vậy, nghi thức cúng vô hình chung có hai phần: cúng thuần túy những hương hồn chết trên đất liền thì không gọi thủy lục được. Cúng có nghi vớt vong trên sông hồ hay dưới biển, đưa rước những vong hồn về thờ tại chùa. Đàn tràng kéo dài từ 1 đến 3 ngày gồm nhiều nghi tiết: khai kinh, thượng phan, cúng ngọ, tụng kinh, lễ nhạc, vớt vong, bố thí, phóng sanh v.v…gọi đầy đủ là lễ đại trai đàn chẩn tế thủy lục bạt độ chư âm linh. Thật ra tại các chùa mỗi ngày đều có lễ cúng thí thực cô hồn buổi chiều lúc 17 giờ, sau thời công phu tụng kinh Di Đà, sám hối Hồng Danh và Mông Sơn thí thực. Cúng thí thực có khác lễ trai đàn bạt độ hay đại lễ chẩn tế thập loại cô hồn. Tựu trung cầu siêu độ các oan hồn chết vất vưởng không nơi nương tựa, không thân nhân cúng kiến. Những hồn oan có thể là ma, cũng có thể thành quỉ phá phách xóm làng khiến cho dân chúng lo sợ bất an. Có các loại cô hồn như:

1)Hữu danh vô vị, hữu vị vô danh là những thai nhi sanh non ngày tháng, chỉ mới có 3,4 tháng hoặc 5,7 tháng đã sanh. Dĩ nhiên, trong trường hợp này bào thai đã chết trong bụng mẹ. Đã vậy, bào thai đã tượng hình, nếu khinh xuất ắt bị khốn đốn nhiều người trong gia đình. Dẫn câu chuyện chứng minh trường hợp này. Phật tử Đồng Thị Kim Lan, pháp danh Diệu Ngộ kể rằng vào khoảng năm 1970, mẹ cô mang thai mà nằm ngoài tử cung, nên bà bị hành hạ, vật vã với chứng đau bụng từng cơn, khiến gia đình phải tìm đủ mọi nơi, đủ bác sĩ, ai cũng nói là bà không có thai. Sau khi khám nghiệm bác sĩ cho biết, có cục máu bầm ở ngoài tử cung, cần phải chích thuốc trục ra ngay, nếu không sẽ bị nguy đến tánh mạng. Nhưng mẹ cô không chịu, cự các bác sĩ cho rằng họ nói bậy, bà quả quyết: “ Nó là con tôi, không phải là cục máu bầm”. Thế rồi, bà không chịu đi bác sĩ nữa mà ở nhà theo dõi bào thai phát triển. Nhưng ngày qua ngày bà càng đau thêm, máu càng ra nhiều hơn, bụng ngày càng lớn. Sự đau khổ đến tột cùng, làm cho thân thể bà ngày càng gầy ốm tiều tụy, mất ăn mất ngủ. Một hôm bà ngã quỵ bất tỉnh nên phải chở đi nhà thương cấp cứu. Tại đây, bác sĩ quyết định chích thuốc trục cục máu bầm ra, nếu không bà sẽ chết…

Qua lời dặn dò của bác sĩ, cha cô chở mẹ về nhà, độ 3 giờ đồng hồ sau bà ra máu nhiều và cục huyết bầm cũng theo ra. Ông cứ tưởng chỉ là máu bầm nên sai đứa con gái lớn ( Huệ) đem bỏ thùng rác. Không biết có cái gì xui khiến, bịch máu không bỏ vào thùng rác lại được bỏ lên nóc cầu tiêu sau nhà. Sau đó, ông đi lo công việc làm ăn, nhưng trong lòng cảm thấy ray rứt khó chịu như có điều gì bất ổn, đi được nữa đường, ông quay trở về, vì nhớ lại lời vợ nói: “ Nó không phải là cục máu bầm mà nó là con của tôi, mấy người đừng giết nó”. Vừa về tới cổng đã réo từ ngoài vào rằng: “ con Huệ, mày bỏ cái bịch đó ở đâu rồi?” Thái độ hốt hoảng của ông khiến cô con gái ú ớ không nhớ rõ là đã bỏ bịch máu ở đâu. Ông ra sau nhà tìm mãi vẫn không thấy. Lúc đó Huệ nhớ ra và chỉ cho ông tới nhặt cái bao bỏ trên mái tôn. Ông biết bên trong đó có đứa bé, đem vào lập bàn thờ chính ở giữa nhà. Với đèn nhang, bông trái rồi ông và con gái ( Huệ) đứng khóc. Sau đó ông xé bọc ra để xem mặt đứa bé…Đó là một bé gái đã chết bầm tím, đã có đầy đủ hình hài. Người mẹ vẫn nằm mê man không hay biết gì. Sau đó ông lấy ván đóng chiếc hòm nhỏ, sơn màu đỏ, rồi bỏ đứa bé vào. Chờ tới nửa đêm, ông và cả gia đình ðýa ðám ma qua chôn nõi miếng ðất bỏ hoang cách nhà không xa.

Từ đó gia đình không ai dám tới gần ngôi mộ đó nữa. Mộ bị bỏ hoang cỏ dại mọc đầy và không ai nhang khói. Rồi thời gian trôi qua, mãi cho tới một hôm có một bà lão nghèo tới khai hoang lô đất trống nơi đó để trồng khoai mì. Bà phát hiện ngôi mộ nên dọn dẹp sạch sẽ, rồi thắp nhang khấn vái kêu nó phù hộ cho bà, đừng cho mấy đứa nhỏ phá khoai lang khoai mì của bà. Lạ thay, vài hôm sau ban đêm nằm ngủ trong giấc mơ bà thấy có một chiếc hòm nhỏ từ xa bay lại, rồi dừng ngay trước mặt bà. Có tiếng con nít trong hòm vọng ra: “Con cám ơn bà đã dọn dẹp cho con, bây giờ con mát mẻ và thoải mái lắm”. Sau đó, chiếc hòm xoay đầu lại rồi từ từ biến mất. Bà ta đem câu chuyện đồn ra khắp xóm, nên có nhiều người hiếu kỳ tới xem mộ ngày càng đông.

Bà lão cực khổ trong suốt mấy tháng, lúc khoai có củ lại bị đám con nít lối xóm đào trộm. Lạ thật, mỗi lần bọn chúng đến phá đều có một con rắn đốm trắng đen theo rượt đuổi. Bọn trẻ rất thù ghét con rắn nên chúng rủ nhau để giết. Một hôm, chúng giả bộ đào khoai để dụ con rắn bò ra và rượt chúng. Nhưng lần này chúng có vũ khí sẵn trong tay, nên cả bọn bao vây đánh đập con rắn. Con rắn chạy đến ngôi mộ liền biến mất. Đám trẻ cho đó là chuyện ngẫu nhiên, nhưng lần nào con rắn cũng bị rượt tới mộ rồi biến mất. Từ đó chúng đồn khắp xóm rằng: đứa bé là con rắn.

Cha mẹ cô Huệ nghe tới tai nhưng gia đình không ai tin. Người cha sợ các con đi gây chuyện, là sẽ lộ ra tông tích. Cô Lan nghe xong lấy làm tức giận, nên quyết đi tìm đám trẻ hỏi cho ra lẽ. Cô tìm gặp và dọa tụi nó rằng, tụi bây đi phá làng xóm phải không? Mộ người ta đâu mắc mớ gì tụi mầy mà mày đồn phao rùm lên cái mộ đó là con rắn?

Bọn nó, chống chế nói rằng, đó là sự thật, nếu không tin thì đi hỏi mấy đứa trong xóm này. Nhưng, đám trẻ vẫn cứ kéo nhau bao quanh mộ để canh con rắn bò ra. Thế rồi, một trận đánh lộn giữa hai bên, thằng Du Ca, đầu đảng nói: “Cái mộ đó là cái gì của mày, tại sao mỗi lần tao nói động tới cái mộ, là mày chửi tao? Bây giờ mày còn gây chuyện đánh tao, bộ nó là em mày sao mà mày hung dữ quá vậy?”

Vì quá tức, bị đánh đau một phần, phần cô giận ghét người cha quá nghiêm khắc độc đoán lâu ngày nên vừa khóc cô vừa hét to: “Đúng, nó là em của tao, không ai được đụng tới nó. Nếu không, tao sẽ không tha cho đâu”.

Thế là bao nhiêu bí mật xưa nay, giờ đây trở thành bật mí. Rồi một hôm, Tuyết và Lan (hai chị em sinh đôi) rủ nhau đi biển, trên đường về Lan rủ chị: “Mình ghé qua thăm mộ em mình nghe”. Và hai người tạt ngang thăm mộ.

Tới mộ, hai chị em tìm chung quanh mộ coi xem thử có hang rắn nào không? Nếu như có hang rắn thì đứa bé đâu phải là rắn, mà tại vì con rắn làm hang ở trên mộ thôi. Cô cứ tự phân vân như thế mãi, nhưng sau một hồi tìm vẫn không thấy một lỗ hang nào cả. Hai chị em vừa rời ngôi mộ ra về độ vài chục bước, cô em thấy cây keo trước mặt có nhiều trái chín, bèn reo lên: “Tuyết ơi! Cây keo bửa nay có nhiều trái chín quá.” Rồi hai chị em cùng chạy tới dành nhau hái keo.

Đột nhiên, chân trái Lan có con gì bò quanh quấn riết lại, nên biết là bị rắn quấn, nhưng vì quá sợ hãi nên không dám nghĩ là thật mà nghĩ người chị muốn hù dọa thôi. Thì ra, Tuyết cũng bị giống như cô em, nhưng lại bị quấn chân phải. Cô ta quay lại la chị: “Mày đừng chơi tao nghe!” Và người chị cũng la ngược lại cô em bằng câu như thế.

Thế là, hai chị em biết chắc đã bị rắn quấn; và nhìn xuống thấy con rắn dài có đốm trắng đen, quấn chặt hai chân của hai chị em lại với nhau. Cả hai hoảng hồn, chết điếng nên hét thất thanh không ngừng, khiến hàng xóm chạy tới tíu tít hỏi chuyện gì xảy ra… Hai cô gái vừa khóc vừa hét: “Rắn! Rắn!”. Họ nhìn xuống và nói, đâu có con rắn nào đâu. Lúc đó cô em nhìn xuống không thấy rắn, nhưng thấy mắt cá chân mình có đầy bọt xanh nọc độc của rắn, nên rất sợ hãi vừa nhảy vừa la.

Lúc đó, có một người đàn ông lối xóm nghĩ rằng cô bé đã bị rắn cắn nên xé vội tay áo cột chặt vào đùi cô, rồi cõng cô ta đi tìm bác sĩ. Gặp bác sĩ, ông lấy khăn lau hết chất bọt xanh trên chân cô bé, nhưng tìm mãi vẫn không thấy dấu rắn cắn.

Câu chuyện này xảy ra tại huyện Đá Bạc, Cam Ranh vào năm 1970 cả xóm người ta đồn em cô Lan là con rắn đó là sự thật, không còn là chuyện đồn nhãm nữa.

Trong trường hợp hài nhi chưa đến kỳ sanh mà bị uổng tử từ trong bụng mẹ như câu chuyện kể trên, cha mẹ đứa bé hoặc người thân nên:

-chôn cất đàng hoàng không được khinh suất (xem nhẹ)

-không được than khóc làm rối trong nhà

-không nên lập bàn thờ, trí di ảnh hài nhi

-đọc tụng kinh hay rước thầy tụng kinh và khuyên hồn đi đầu thai thoát kiếp.

Hài nhi không những thành ma quỉ mà còn thành tinh như rắn là một hiện tượng đó, và rắn thành người như qua câu chuyện kể.

(xem thêm sách: “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi”, do cư sĩ Diệu Ngộ (Diệu Âm) biên soạn và ấn tống năm 2003 tại San Jose – Cali – Hoa Kỳ).

2) Chết bất đắc kỳ tử: có những cái chết không đáng chết vì không bịnh gì như bị cọp beo tấn công, sa hầm sụp hố, chết treo ngược, tự tử… thân hình như không còn nguyên vẹn.

3) Chết vì thiên tai: trong thế giới ngày nay có nhiều nạn thiên tai xảy ra khắp nơi như trận sóng thần tại Phuket – Thái Lan (2005), Florida – Hoa Kỳ (2005); động đất tại Haiti (2009), cháy rừng ngày thứ bảy đen (black Saturday) tại Úc (2008) tiểu bang Victoria… đã chôn vùi cả hàng trăm ngàn nhân mạng.

4) Nạn khủng bố: lần đầu tiên trong lịch sử, quân khủng bố Bin Laden chủ trương tấn công vào hai tòa nhà thương mại quốc tế (WTC) tại New York, Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001 đã giết hơn 3000 người. Biến cố gây kinh hoàng sững sốt cho cả thế giới như một trận địa chấn khủng khiếp nhất.

5) Nạn hải tặc trên biển đông: làn sóng người Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam sau năm 1975 đã đánh động cả lương tâm nhân loại. Trong số độ 1 triệu người vượt biên đã có hơn 200,000 người bị vùi thây giữa lòng đại dương làm mồi cho cá mập. Một số thuyền nhân khác bị hải tặc tấn công cướp bóc, hãm hiếp, giết chết. những người chết trên đường đi tìm tự do nơi rừng hoang, trong núi sâu, hang hiểm ở lao ngục v.v…

6) Chết nơi chiến trường: là những chiến sĩ hy sinh ngoài trận địa để bảo vệ đất nước, chủ quyền quốc gia. Họ là những anh hùng vô danh nên được tổ quốc ghi ơn đời đời (lest us forget: kẻo chúng ta quên) không bao giờ quên sự hy sinh mạng sống của họ cho sự sống còn của chúng ta, cũng như sự trường tồn của dân tộc ở hiện tại cũng như tương lai.

7) Những thánh tử đạo: những người hy sinh cho đạo giáo không kể tới thân mạng của mình. Là những công dân lương thiện, những Phật tử thuần thành gương mẫu cho ta cúi đầu bái phục, như những Phật tử anh dũng chết trước đài phát thanh tại Huế đêm 8 tháng 5 năm 1963 cho sự tự do tôn giáo và công bằng xã hội.

8) Chết đầu ghềnh, bờ suối: oan hồn những người này vất vưởng không nơi nương tựa, không ai hương khói cúng giỗ. Miếu mạo, chùa chiền là nơi để họ nương tựa làn khói hương, đồ cúng thí thực mà được ấm lòng, không đi khuấy phá dân lành.

9) Tội tử hình, tù chung thân: họ là những kẻ phạm pháp, chết dần chết mòn trong nổi oán hận, mỏi mòn, tức tửi đau khổ không cùng tận.

10) Những người tử nạn lưu thông: như đi xe cộ, tàu thuyền, máy bay, những người lâm nạn chết ngay lập tức tại hiện trường hoặc bị thương nặng một thời gian sau mới tắt thở…

V Kết luận:

Lễ cúng chẩn tế đại trai đàn nhằm mục đích cứu khổ những linh hồn (oan hồn) trong những trường hợp như trên để cầu cho thần thức khỏi đọa lạc lầm than. Có lẽ Phật Giáo bị pha trộn giữa Lạt ma giáo, Thần đạo, tín ngưỡng nhân gian trong các nghi cúng tế. Đó là chưa nói đôi lúc còn ảnh hưởng tới pháp thuật của thầy pháp, thầy phù thủy nên Phật Giáo bị đồng hóa với mê tín dị đoan, cũng là điều dễ hiểu không có chi phải thắc mắc. Nếu có ai phê phán cho rằng những lời sớ văn có tính cách cầu đảo tức nhắm tới tha lực nhiều hơn, chúng ta có bổn phận giải mối ngờ vực này bằng chánh tín. Người cúng cầu phải tích cực bằng thành tâm, tâm thanh tịnh, rộng lượng, cảm thông, hy sinh.

Đàn pháp chọn lựa nơi tịnh địa, thỉnh mời Tăng già giới đức, đọc kinh thành tâm tha thiết… không tích cực hay sao?

Vậy thì, cầu mưa thuận gió hòa, cầu dứt sâu bọ phá hại mùa màng ruộng lúa, cầu tuyết ngừng rơi; cầu thổ địa, long thần, vương quan, địa phủ gia hộ, tha thứ v.v… có mê tín không? Thậm chí cầu tiêu tai giải nạn, cúng sao hạn, cầu tật bịnh tiêu trừ … đều là tín ngưỡng nhân gian Phật Giáo mà người Phật tử chịu ảnh hưởng lâu đời. Vấn đề mê tín hay chánh tín là do thái độ người cúng và người chủ trì có đủ lực, đạo đức làm cho thế giới cõi âm hay cõi dương chuyển hóa ác niệm hay chuyển họa thành phước không mới là điều đáng quan tâm.

Sách tham khảo:
1-
Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy của Tổ Bách Trượng Hoài Hải. H.T. Thích Bảo Lạc dịch do chùa Pháp Bảo Sydney và chùa Viên Giác. Đức Quốc ấn tống năm 2008.
2-
Công văn toàn tập (bản viết tay) của đạo hữu Nguyễn Văn Bốn.
3-
Thiền môn văn điệp của HT. Thích Tín Nghĩa sưu tầm do chùa Viên Giác - Đức Quốc ấn hành năm 1995.
4-
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi của cư sĩ Đồng Thị Kim Lan - Diệu Ngô – biên soạn và tự ấn hành tại San Jose – California – Hoa Kỳ năm 2003.
5- Du Già Diệm Khẩu thí thực khoa nghi, HT. Thích Huyền Tôn dịch và ấn tống năm 2007.

----o0o---
Vi tính: Thích Nữ Giác Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/11/2010(Xem: 8718)
Hôm nay chúng tôi được duyên lành về đây, trước hết thăm chư Tăng trong mùa an cư, sau có vài lời muốn nói cùng chư Tăng Ni. Chúng tôi thường tự tuyên bố rằng tôi là kẻ nợ của Tăng Ni, nên trọn đời lúc nào tôi cũng canh cánh trong lòng nghĩ đến người tu xuất gia, muốn làm sao tạo duyên tốt cho tất cả Tăng Ni trên đường tu, mỗi ngày một tiến lên và tiến đúng đường lối của Phật đã dạy.
20/11/2010(Xem: 8450)
Khái niệm về "Tám mối lo toan thế tục" tiếng Phạnlà "Astalokadharma",tương đối ít thấy đề cập trong Phậtgiáo Trung hoa, Việt Nam, Triều tiên và Nhật bản, nhưng thường được triển khai trongPhật giáo Ấn độ và Tây tạng. Vậy "Támmối lo toan thế tục" là gì ? Đó là những tình huống, những mối bận tâmvà lo lắng làm xao lãng tâm thức và sự sinh hoạt của người tu tập. Những mối bậntâm đó được phân chia thành bốn cặp :
19/11/2010(Xem: 8281)
Nếu bạn hỏi ta tham dự vào việc lắng nghe, suy niệm và thiền định về giáo lý như thế nào thì câu trả lời là ta cần làm những điều đó không chỉ vì lợi ích của ta, nhưng bởi lợi lạc của tất cả chúng sinh. Như vậy bạn phát triển Bồ Đề tâm ra sao? Trước hết bạn thiền định về lòng từ ái, và sau đó là lòng bi mẫn. Làm thế nào bạn biết là mình có Bồ Đề tâm hay không? Người không phân biệt giữa bạn và thù, người ấy có Bồ Đề tâm. Điều này rất khó khăn đối với người mới bắt đầu, bạn nghĩ thế phải không? Vậy tại sao khó khăn? Từ vô thủy chúng ta đã bám chấp vào ý niệm sai lầm của cái tôi và đã lang thang suốt trong sinh tử.
19/11/2010(Xem: 9751)
Giáo lý này được đưa ra để làm lời nói đầu cho tập sách mỏng về Phật Ngọc và Đại Bảo Tháp Từ bi Thế giới được xây dựng tại Bendigo, Úc châu, theo lời khẩn cầu của ông Ian Green.
18/11/2010(Xem: 11164)
Tôi vừa từ Kuala Lumpur trở về Singapore tối nay. Tôi đã tới đó để dự một lễ Mani Puja trong 5 ngày do Trung tâm Phật giáo Ratnashri Malaysia tổ chức. Đây là trung tâm thuộc Dòng Truyền thừa Drikung Kagyu và có nối kết mật thiết với Đạo sư Drubwang Konchok Norbu Rinpoche. (1) Trong khóa nhập thất này, tôi đã cố gắng để được gặp riêng Đại sư Garchen Rinpoche. Rinpoche đã xác nhận rằng Khóa Nhập thất hàng năm Trì tụng 100 Triệu Thần chú Mani được tiếp tục để làm lợi lạc tất cả những bà mẹ chúng sinh chính là ước nguyện vĩ đại nhất của Đạo sư Drubwang Rinpoche. Rinpoche khuyên rằng chúng ta có thể thành tâm thỉnh cầu Tu viện KMSPKS (Tu viện Kong Meng San Phor Kark See tại Singapore) tiếp tục khóa nhập thất bởi điều này cũng làm lợi lạc cho Tu viện. Rinpoche cũng đề cập rằng các Đạo sư Tâm linh Drikung Kagyu sẽ luôn luôn hết sức quan tâm tới Khóa Nhập Thất Mani bởi nó rất lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
18/11/2010(Xem: 12436)
Cuốn sách là những chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu về cách nhìn sự vật và cách sống theo giáo pháp của đức Phật, về cách thương yêu chính mình...
17/11/2010(Xem: 11303)
Còn định nghiệp là sao? Ðịnh nghiệp mới xem bề ngoài cũng có phần tương tự như định mệnh. Ðã tạo nhân gì phải gặt quả nấy, gieo gió gặt bão. Nhân tốt quả tốt, nhân xấu quả xấu. Không thể có nhân mà không quả, hay có quả mà không nhân. Ðó là một quy luật đương nhiên. Tuy nhiên luật nhân quả nơi con người không phải do bên ngoài sắp đặt mà chính do tự con người chủ động. Con người tự tạo ra nhân, ấy là tạo nghiệp nhân, rồi chính con người thu lấy quả, ấy là thọ nghiệp quả. Do vậy dù ở trường hợp thụ quả báo có lúc khắt khe khó cưỡng lại được, nhưng tự bản chất đã do tự con người thì nó không phải là cái gì cứng rắn bất di dịch; trái lại nó vẫn là pháp vô thường chuyển biến và chuyển biến theo ý chí mạnh hay yếu, tốt hay xấu của con người.
16/11/2010(Xem: 8236)
Chúng tôi vui mừng biết rằng Hội Nghị Quốc Tế Sakyadhita về Đạo Phật và Phụ Nữ được tổ chức tại Đài Loan và được phát biểu bởi một tầng lớp rộng rãi những diễn giả từ thế giới Phật Giáo. Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng, những người Phật tử chúng ta có một đóng góp nổi bật để làm lợi ích cho nhân loại theo truyền thống và triết lý đạo Phật.... Thực tế, Đức Phật xác nhận rằng cả nữ và nam có một cơ hội bình đẳng và khả năng để thực hành giáo pháp và để thành đạt mục tiêu tu tập.
16/11/2010(Xem: 7372)
Sống là làm cho mình càng ngày càng hoàn thiện hơn, theo đúng với sự tiến hóa của con người và thế giới. Tự hoàn thiện là tránh làm những cái xấu và trau dồi thêm những cái tốt. Trau dồi, bồi dưỡng, trồng trọt cũng là nghĩa chữ văn hóa (culture) trong tiếng phương Tây. Bất kỳ con người nào cũng muốn cuộc sống mình tiến bộ theo chiều hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Không ai muốn điều ngược lại.
15/11/2010(Xem: 8440)
Nhiều thuật ngữ trong Đạo Pháp mang tính cách thật căn bản chẳng hạn như Giác ngộ hay sựQuán thấy sáng suốt(Bodhi),Vô thường(Anitya), sự Tương liêngiữamọi hiện tượng hay Lý duyên khởi(Pratityamutpada), v.v... Trong số này cómột thuật ngữ khá quan trọng là Khổ đau(Duhkha), tuy nhiên thuật ngữ này tươngđối ít được tìm hiểu cặn kẽ, có lẽ vì khổ đau là những gì quá hiển nhiên ai cũngbiết. Thật vậy tất cả chúng sinh đều gặp khó khăn nhiều hay ít không có một ngoạilệ nào cả.Lạm Bàn Về Khái Niệm « Khổ Đau » Trong Phật Giáo - Hoang Phong
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]