Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI: Viếng thăm tu viện

23/05/201319:49(Xem: 7269)
Chương VI: Viếng thăm tu viện


Bhutan có gì lạ?

Thích Như Điển

◄♣►

Chương VI. Viếng thăm Tu Viện

Thế là tôi đã thoát được những câu chuyện đối đãi và ngoại giao rồi. Toàn là những câu rất hay, rất nặng ký; nhưng đồng thời cũng rất có giá trị. Kỳ nầy đi Bhutan có lẽ tôi là người mệt nhất. Vì phải ngoại giao cho bao nhiêu chuyện. Do vậy ngày 26 tháng 4 cả phái đoàn lên xe đi Dodena, cách Thimphu chừng 30 cây số, là ai nấy cũng vui rồi. 

Xe của Bộ Ngoại Giao Bhutan với cán cờ cuốn lại.

Đường đi gập ghềnh nhiều nỗi truân chuyên. Thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng lại để nghỉ. Đi đến một chỗ đẹp chúng tôi hỏi người tài xế đó là gì? Anh ta bảo rằng đó là nơi ở của Thái Hậu, mẹ của Vua. Chung quanh có nước chảy thông reo, trông thật hữu tình. Đúng là chỉ có Vua mới được thế. Cho nên Thượng Tọa Thích Trí Minh, trụ trì chùa Khuông Việt tại Na Uy, lúc nào cũng muốn làm Vua có lẽ cũng có nhiều lý do khác nhau là vậy.

Đường lên Tu Viện Tango hôm đó sao mà xa diệu vợi. Kẻ đi trước người đi sau; nhưng phải mất cả 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Dọc đường biết bao cảnh đẹp như hoa rừng và lắng nghe tiếng hót của chim muông. Xa xa thấy mây trời sà thấp xuống như đón khách trần ai nhẹ gót vân du; nhưng có lẽ thân tứ đại còn nặng nề quá nên đã chưa có ai theo mây về nơi thượng giới. Đến gần đỉnh thì Rattay, người Đức, ngộp thở, cũng chỉ vì áp suất còn lại trên 3.000 mét chỉ còn thoang thoảng mà thôi. Thế mà nơi đây đã đang và sẽ có không biết bao nhiêu con người tu luyện tại đó.

Khi phái đoàn chúng tôi vào cổng thì thấy 2 bên khói thông xông nghi ngút. Được biết rằng truyền thống nầy có tự ngàn xưa và chỉ để đón những bậc Đại Sư tôn quý. Chùa nầy có tất cả 150 vị đang tu học, hầu hết là cấp bậc Đại Học. Nơi nầy cũng là nơi của Thầy Gap và Thầy Dorji đang ở. Hôm ấy tuy Sư phụ của quý Thầy ấy không có ở chùa; nhưng việc tiếp đón rất chu đáo.

Đầu tiên chúng tôi vào phòng khách dùng trà cũng như cúng dường Tu Viện. Ở đây có 2 phần để cúng dường. Một phần cúng cho chùa và phần còn lại phổ đồng cúng dường. Nghĩa là 150 vị không kể lớn nhỏ. Mỗi vị nhận 30 Nu ở đây. Số tiền không lớn; nhưng đó là tấm lòng của tôi và đoàn.

Sau một hồi kẻng báo động, 150 vị Tăng lên hết chánh điện tụng kinh cầu nguyện chúc phúc cho phái đoàn. Trong khi tụng kinh Thầy Dorji mang đi phát cho mỗi vị 30 Nu như thế. Sau thời kinh thì việc cấp phát cũng xong. Chúng tôi lần lượt tụng kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt và tiếng Đức. Tu Viện nầy rất xưa nên cấm chụp hình. Do vậy mà chương nầy nếu quý vị lưu tâm hầu như không có một hình nào về Chùa Viện cả. Thời kinh vừa chấm dứt, vị Sư trụ trì dẫn chúng tôi vào bên trong Phật điện để đảnh lễ xá lợi của chư Phật. Ở đây còn quá nhiều tượng Phật cổ và những ngà voi cũng rất lớn. Đoạn đến một miếng đá có dấu chân người, vị Sư trụ trì bảo rằng đây là dấu chân của vị khai sơn cách đây 350 năm về trước và hiện tại vĩ Tulku đó đang ở đây. Chính bàn chân của vị tái sanh nầy để vừa vẹn và những chỉ chân rất giống nhau.

Nghe như vậy tôi như mở tấm lòng nên buột miệng thưa liền với vị Sư trụ trì rằng chúng tôi có được đảnh lễ vị Tulku ấy không? Vị Sư trụ trì trả lời rằng phải đi hỏi Ngài trước đã; nếu Ngài bằng lòng. Thông thường thì mỗi tuần vào ngày thứ bảy Ngài có gặp Phật Tử; nhưng bình thường thì không. Hôm đó chúng tôi đi ngày Thứ Năm; nên ít có hy vọng. Tuy nhiên sau một hồi chuẩn bị, vị Sư trụ trì trở ra bảo rằng vị Tulku nầy bằng lòng tiếp phái đoàn. Chúng tôi rất mừng vui.

Tương truyền rằng 350 năm về trước vị Tulku nầy đã thành lập nên Tu Viện nầy và sau đó Ngài viên tịch. Thời gian cứ thế mà trôi. Vị nầy đã đi đầu thai qua nhiều lần sanh tử và lần nầy sanh ra trong một gia đình bình dân tại miền Đông Bhutan, cách đây khoảng 300 cây số; nhưng khi lên 5 tuổi lúc nào Ngài cũng đòi về lại Tu Viện xưa. Do vậy các vị Trưởng Lão mới gạn hỏi Ngài và đã trả lời rất rõ ràng là trong 100 gian phòng của Tu Viện ấy nơi đó có thờ gì, kiến trúc theo kiểu gì Ngài đều mô tả rõ, mặc dầu mới 5 tuổi Ngài chưa đến đó bao giờ. Không những thế mà bàn chân của Ngài trong hiện tại để vừa vẹn với bàn chân của vị Đại Sư đã khai sơn chùa nầy hơn 350 năm về trước. Thật là hy hữu, hy hữu. Cho nên cả Tu Viện mới tôn Ngài lên ở ngôi vị Tulku. Nghĩa là một vị Lama tái sanh. Năm nay thì Ngài đã 7 tuổi. Trông nét mặt Ngài rất hiền từ và thông minh rực sáng. Phái đoàn chúng tôi chung tiền cùng nhau để cúng dường và đặc biệt là Chocolat, vì Ngài còn nhỏ mà, vẫn là đứa trẻ với thân vật lý 7 tuổi; nhưng trí tuệ thì siêu phàm. Sau nầy khi gặp ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa ở dưới chân núi, ông ta cũng nói rằng: đây là một vị Tulku đặc biệt.

Đầu tiên Ngài nói một số lời đã được dặn trước, trông có vẻ hơi khổ sở, nhất là nói tiếng địa danh Hannover. Ngài thỉnh thoảng ngồi yên nhìn hết người nầy tới người khác. Trong khi đó Thượng Tọa Quảng Bình nghĩ rằng nếu Ngài giỏi thì điểm mặt từng người để nói quá khứ vị lai đi. Lúc ấy chắc Thầy phải lạy sát đất. Mặc dầu điều ấy không xảy ra; nhưng mọi người cũng đã đưa đầu cho Ngài sờ tay lên để làm lễ chúc phúc.

Quà tặng của Ngài cho phái đoàn là một số bản kinh bằng tiếng Bhutan. Ngoài ra một số người cũng muốn nghe một cái gì đó từ Ngài nên còn nán lại lâu hơn. Tuy nhiên sự kiện ấy không xảy ra hôm đó. Có lẽ trí tuệ của Ngài và sự hiểu biết kia mới còn giới hạn nơi xứ Bhutan chứ chưa ra ngoài biên giới ấy. Dầu sao đi nữa truyền thống tái sanh nầy vẫn là một điều hay, nhằm nhắc nhở cho mọi người biết rằng việc chết chưa phải là hết, mà sau sự chết kia còn không biết bao nhiêu sự sống nữa. Đó là điều kỳ diệu trong nhiều điều kỳ diệu khác vậy.

Phái đoàn từ giã vị trụ trì cũng như chư Tăng để xuống núi. Vì còn phải dùng trưa tại một công viên công cộng nữa. Đường đi xuống núi thì rất nhanh. Hôm ấy có mưa hoa cúng dường, như để nhắc nhở cho chúng tôi biết rằng hôm ấy cũng là một đại sự nhân duyên vậy.

Picnic ngoài trời

Xuống cho đến khỏi núi là một giờ chiều rồi. Do vậy tất cả phái đoàn đều phải dừng chân để dùng cơm. Khung cảnh thiên nhiên ở đây rất đẹp. Vì lẽ có núi cao và có sông, có thác, có ghềnh. Tuy nước rất lạnh nhưng nghe đâu cũng có người tắm nơi ấy. Chúng tôi đang ngồi chờ chuẩn bị dùng trưa thì ông Bộ Trưởng Văn Hóa từ trên núi nơi tu kín của các vị Đại Sư đi xuống và ông ta báo tin rằng chờ lâu quá không thấy phái đoàn lên; nên ông ta lại phải xuống núi. Ông ta đâu có biết rằng chúng tôi là những người sanh ra ở đồng bằng và nơi biển cả ở độ thấp làm sao leo núi thoăn thoắt như những người bản xứ được. Cho nên mới chậm là thế. Nếu ông ta tính trừ hao cho phái đoàn chúng tôi thì đỡ biết mấy.

Dùng cơm ngoài trời tại Dodena

Bữa cơm đã được chuẩn bị sẵn từ lâu nên có phần bị nguội lạnh. Tuy nhiên lòng người chủ nhà thì lúc nào cũng nồng nàn; nên chúng tôi phải cố gắng dùng nhiều cho họ vui. Mặc dầu có một số thức ăn không hợp khẩu vị mấy.

Sau khi dùng cơm xong thì chia ra làm 2 toán. Một toán trở về lại khách sạn để nghỉ ngơi. Vì leo tiếp tục lên núi không nổi nữa, trong toán nầy có tôi. Còn toán khác tiếp tục leo núi, trong đó có Hạnh Hảo. Đây là một dòng tu kín mà Hạnh Hảo cố tìm gặp để trình giải một số công việc đã làm được.

Từ dưới đất nhìn lên trên núi cao thấy những cái cốc của những vị ẩn tu trông giống như những cái tổ yến nằm ép mình vào hang đá. Nghe đâu ở đây các vị Sư không tiếp xúc với thế trần trong chừng 3 năm 3 tháng 3 ngày như thế. Sau khi xả thất mới gặp gỡ nói chuyện và có người lại vào thất tiếp. Vì trong thất an lạc hơn và vui hơn với niềm vui đạo hạnh. Còn ở ngoài trần thế vui đấy chứ; nhưng đối với những vị nầy nội tâm bị cào xé từng hồi. Trên núi cao kia có độ 50 cái am như thế. Tôi không hiểu bằng cách nào mà họ có thể xây trên những triền núi cheo leo như thế được. Đúng là lánh đời như không còn chỗ nào lánh được nữa. Ở đây có lẽ chỉ làm bạn với gió mây, với trăng, với sao chứ chẳng còn gì nữa. Nhưng nếu ai đó đã quyết chí thì có ngày ánh sáng chơn lý sẽ tỏ ngộ.

Sau khi phái đoàn leo núi trở về lại khách sạn có kể cho tôi nghe rằng núi nầy còn cao hơn núi trước nữa và đặc biệt là rất khó đi. Nếu mà tôi có đi chắc có lẽ cũng chùn bước là cái chắc. Và hình như tôi cũng bắt đầu đau tim, hay cũng đã cảm nhận rằng với cái tuổi 53 nầy mình không còn trẻ trung như ngày xưa nữa. Nghe đâu vị Đại Sư trưởng môn phái dòng tu kín ấy cũng không tiếp phái đoàn còn lại vì biết rằng Trưởng phái đoàn bên nầy là tôi không có mặt. Tôi xin sám hối với Đại Sư. Vì lẽ hôm ấy không thể nào tiếp tục đi nổi nữa. Mặc dầu thế Ngài đã cho phái đoàn của chúng tôi nhiều tấm Thangkha và nhiều kinh điển giá trị. Có một số bài kinh đã được chính Ngài trì chú rất nhiều lần. Do vậy mà phái đoàn ai cũng muốn thỉnh một bài kinh như thế để được sức gia trì. Chỉ có Hạnh Hảo là hơi thất vọng, vì không gặp được Đại Sư; nhưng rồi đâu cũng vào đấy cả. Tu Viện đó gọi là Tu Viện Cheri mà quy luật ở đây rất nghiêm khắc; nên nghe đến Tu Viện nầy ai cũng biết cả. Nghe đâu năm 1995 có một vị Sư người Việt Nam từ Hawaii sang cũng đã thăm viếng Tu Viện nầy.

Đêm hôm đó tại một khung cảnh thiên nhiên, chính phủ Hoàng gia đã tổ chức một đêm lửa trại cho chúng tôi có các vị Bộ Trưởng đến tham dự. Không khí thật vui nhộn khi lửa được đốt lên lại có nhiều người nhảy múa. Dưới ánh sáng chập chờn của đêm thanh cảnh vắng ấy tôi liên tưởng đến quê tôi vào những thuở xa xưa khi mùa gặt đã đến và trai gái của dân làng tụ tập ở một nơi công cộng nào đó để đập lúa và hát hò.

Ban dân ca đêm lửa trại

Chúng tôi được chia nhau ra từng nhóm nhỏ. Cứ một người Việt hoặc một người Đức, là mấy người Bhutan để nói cho nhau nghe và nghe nhau nói thật nhiều đề tài. Những ai còn trai trẻ thì hòa chung cùng cái vui của tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng phách gõ nhịp để múa hát chung quanh đống củi mà lửa đã cháy lên cao sưởi ấm biết bao nhiêu tâm hồn của người xa xứ.

Lửa đã cháy cao 

Lửa cháy cao rồi cũng đến lúc lửa cũng phải tàn. Mọi người cảm thấy thấm lạnh nên có kẻ vào lều ngồi uống trà nói chuyện hoặc vào bên trong nhà hàng thì ấm cúng hơn. Tôi ngồi đó như giữa ba quân tướng sĩ của trận tiền mà sự vô thường của ánh lửa và củi kia khiến tôi suy nghĩ về sự thịnh suy của cuộc thế. Tất cả chúng ta cũng chỉ như gió, như mây, như đất, như nước, như củi, như lửa chứ có khác gì đâu. Vì mới đầu hôm cả một đống củi cao ngất, sau ánh lửa làm mồi đầu tiên được châm vào thì tất cả củi đều bị đốt. Chúng đã thành than. Lửa đang trở về trạng thái uyên nguyên của nó. Như vậy là hết hay còn ? Có thể nói rằng không hết mà cũng không còn. Vì trong củi sẵn có lửa và lửa ẩn tàng nơi củi ấy. Nếu ta cọ xát mạnh lửa sẽ xẹt ra; nhưng củi thì đi về đâu ? Dĩ nhiên là ngấm sâu vào lòng đất, bón thành phân để nuôi dưỡng cỏ cây, rồi một ngày nào đó cỏ cây lớn lên người ta đốn đi để làm củi; rồi trăm kiếp luân hồi về sau củi cũng sẽ là mồi của lửa để đốt lên những buổi lửa trại như hôm nay. Chỉ có thế thôi. Vì con người vẫn còn luân hồi sanh tử là thế.

Sau đó chúng tôi vào bên trong cùng ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa. Tôi đã nói câu của Phật đã dạy rằng: Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Nhân cơ hội đó ông ta giảng nghĩa chữ Tathagatha một hồi lâu để chứng tỏ về sở học cũng như sự nghiên cứu của mình. Theo ông thì chữ gatha có nghĩa là giác ngộ; nhưng mà giác cái gì thì đố ai mà biết. Còn Tatha là kẻ hay người; nhưng người nào ? người đã đủ nhân duyên với Phật Pháp, làm tròn đầy những hạnh nguyện lợi tha thì mới thành được. Còn bao nhiêu chúng sanh khác mới bắt đầu tu làm sao có thể thành.

Hạnh Hảo mà nghe đến đó rồi thì không chịu. Vì Thầy nầy đệ tử của tôi muốn thành Phật ngay trong kiếp nầy kia. Nhưng điều ấy tôi cũng bảo là không đúng. Vì trong kinh điển Phật Giáo chưa có nơi nào nói có một người Đức thành Phật trong hiện thế cả. Mà nhất là giáo lý của Đức Thích Ca Như Lai còn tồn tại trong đời nầy thì làm sao có thể có việc hy hữu đó được. Kỳ nầy Hạnh Hảo quyết chí làm Phật nên mới vào Hy Mã Lạp Sơn, mà thật ra trong núi cao ấy không có Phật thực sự. Vì đã bao phen tìm kiếm nhưng Hạnh Hảo đâu có thấy gì. Không biết bây giờ Hạnh Hảo đã tin chắc thật điều ấy chưa, chứ lúc còn hăng say mà nói điều đó quả là một chướng nạn. Nhưng sự luận bàn hôm nay với một số quan chức của Hoàng Gia, Hạnh Hảo sẽ rõ thêm một vấn đề là sự thành Phật còn xa lắm. Tôi bảo ít nhất là 2 triệu năm nữa mới có một người Đức thành Phật. Mặc dầu Đức Phật nói rằng ai cũng có thể thành Phật cả. 

Cùng ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa luận đàm về Phật Pháp. 

Việc luận bàn nào rồi cũng đến lúc kết thúc. Có khi căng thẳng; có lúc vui tươi. Có khi cũng đi đến một kết luận, mà nhiều lúc cũng chỉ là một câu hỏi còn để trống và chẳng bao giờ có một mẫu số chung để trả lời được cả. Vì vô biên thế giới đâu có thế giới nào tận cùng, ngay cả thế giới của chư Phật đang giáo hóa.

Đêm hôm đó chúng tôi đã ngủ một giấc an lành để chuẩn bị cho một ngày mai có một chuyến đi còn xa xôi dịu vợi hơn nữa.

---- ♣----

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/12/2018(Xem: 8047)
TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ PHÙ DU VĨNH HIỀN Chùa Diên Thọ (Thị trấn Thành), nơi đặt trụ sở của Ban Trị Sự Huyện Hội Phật Giáo Diên Khánh- Khánh Hòa. Linh cốt của bào huynh Vĩnh Hiền, nhà thơ Phù Du, được ký gửi nơi đây để tựa nương đạo lực bao trùm của Tam Bảo.
21/12/2018(Xem: 7618)
Chúng ta đang sống trong chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ, nên quỹ đạo bốn mùa (xuân hạ thu đông) hay 12 con giáp (Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi) luôn xoay chuyển. Năm 2019 là xuân Kỷ hợi, năm con heo, xin được nói chuyện về heo.
15/12/2018(Xem: 7972)
Người xưa sáng tác thơ ca là để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình trước thời cuộc, “Thi ngôn chí”, Bà Bang Nhãn làm thơ cũng không ngoài mục đích đó. Cuối thế kỷ XIX, đất nước ta bị thực dân Pháp xâm chiếm. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mất nước, bà không khỏi đau buồn trước cảnh non sông gấm vóc của cha ông đã nằm trong tay giặc. Sự xuất hiện những bài thơ “Qua cửa Hàn”, “Vịnh Ngũ Hành Sơn” bộc lộ một tâm sự yêu nước thiết tha mà vô cùng kín đáo của bà đã đưa bà bước lên một vị trí xứng đáng trên văn đàn.
14/12/2018(Xem: 8786)
Câu chuyện xôn xao dư luận những ngày qua là những cái tát ở Quảng Bình và Thủ đô Hà Nội. Xôn xao ở đây không chỉ là những cái tát mà là chính là tại sao cô giáo lại ra lệnh cho các học sinh tát bạn mình, thậm chí chính cô giáo, tấm gương sáng về đạo đức trong bạn và trong tôi lại giơ tay tát học trò. Chuyện gì nên nông nỗi này!
11/12/2018(Xem: 7576)
Bài viết này bàn về khả năng tên gọi 12 con giáp có gốc là tiếng Việt cổ, chú trọng đến chi thứ 12 là Hợi, đặc biệt cho năm Kỷ Hợi sắp đến (5/2/2019). Bài này đánh số là 5B vì là phần tiếp theo của các bài 5, 5A cùng một chủ đề - các bài 5 và 5A đã được viết cách đây nhiều năm. Trong thời gian soạn bài
10/12/2018(Xem: 6816)
Buổi sớm mai ngày cuối tuần. Đang đọc sách và thưởng trà. Tự nhiên nhớ đến thầy Vạn Lợi, một vị tu sỹ đang giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam trên Sóc Sơn và tại viện Trần Nhân Tông. Nhấc máy gọi cho thầy. Thầy Vạn Lợi nhấc máy hàn huyên. Rồi thầy rủ đi Hưng Yên, về chùa Cổ Am.
10/12/2018(Xem: 5427)
Sáng nay nhận tờ lịch đón năm mới 2019 đầu tiên đến nhà. Vẫn là Báo Giác Ngộ như mọi năm. Ảnh Lịch mang chủ đề "Sen". Thư pháp tiếng Việt bình dị chân phương của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lịch có 7 tờ, lật giở từng tờ, đọc và suy ngẫm, thích nhất là tờ lịch của tháng 9&10, câu "Có Bùn mới có Sen", bởi:
09/12/2018(Xem: 5902)
CẤU TRÚC THÂN TÂM Nguyên bản: The Inner Structure Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch và hiệu đính: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
04/12/2018(Xem: 5115)
Từ khi đọc được lời dạy của Sư Ông Thích Nhất Hạnh trong TRÁI TIM CỦA BỤT rằng , có người đến tuổi trung niên rồi 60 hay nhiều hơn nữa mà chưa bao giờ có đủ thì giờ để ngắm nhìn sâu sắc vào một đóa hoa đang nở trong vườn hay ngắm ánh trăng đang tỏa sáng bên song cửa vào đêm rằm ....tôi chợt tư duy nghĩ lại những gì thật sự gọi là giá trị một đời người , thế nào là hạnh phúc một đời người và phải chăng ta chưa biết được mình đang là người hạnh phúc ...
01/12/2018(Xem: 7859)
Nếu trong lúc chúng con tụng chú Lăng Nghiêm mà phát âm không hoàn toàn chính xác thì có sao không? Ngày xưa có một ông lão tu hành rất chân thật, nên lúc nào ông cũng không rãnh rỗi. Ông lão làm gì? Ông lão trì chú, tức là trì “Lục Tự Đại Minh Chú.” Nhưng ông lão tu hành này niệm không đúng. Bởi vì ông đã không hỏi cho rõ ràng cách đọc như thế nào, mà lại tự ý đặt ra. Hoặc là ông có hỏi qua, nhưng vì trí nhớ không mấy gì tốt, cho nên người ta dạy: khi chữ khẩu (口) bên cạnh chữ Án (奄) thì có âm đọc là Án (奄)Vì thế mà ông nghĩ rằng khi chữ khẩu có thêm chữ Ngưu (牛), thì nhất định cũng đọc là Ngưu. Thật ra chữ đó không phải phát âm là Ngưu (牛) mà có âm đọc là Hồng (吽). Thế là ông lão niệm câu chú Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu. Ông lão cứ như vậy mà niệm rất thành tâm, rất hứng thú. Với lòng nhiệt tâm và nghị lực trì niệm của ông, thì thật là bao nhiêu sức mạnh của chữ ngưu ( trâu ) đó như phát xuất ra vậy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]