Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I. Có và Không theo quan niệm về tình yêu và ái nhiễm

13/05/201316:11(Xem: 8069)
Chương I. Có và Không theo quan niệm về tình yêu và ái nhiễm

Có và Không

Thích Như Điển

Phật lịch 2544 - 2000

Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam

tại Cộng Hòa Liên Bang Đức Xuất Bản

---o0o---

Chương I 

Có và Không theo quan niệm về tình yêu và ái nhiễm

Nói về tình yêu thì xưa nay đã có rất nhiều sách vở đã đề cập đến rồi; nhưng ở đây tôi chỉ muốn phân tích rõ ràng bản chất của sự việc qua cái nhìn của Phật Giáo để từ đó chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện hữu của tình yêu.

Tình yêu nó vô hình; nhưng nó đã làm xao xuyến không biết bao nhiêu con tim non dại, lẫn những kẻ trưởng thành và những người sắp chầu thiên cổ. Ngày xưa khi còn học Trung Học, tôi có học một bài thơ tình của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rất hay, nhan đề là "Chữ Tình" như sau: 

"Cái tình là cái chi chi

Dẫu chi chi cũng chi chi với tình

Đa tình là dở

Đã mắc vào đố gỡ cho ra

Khéo quấy người một giấc thiên ma

Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy

Đã gọi người nằm thiên cổ dậy

Lại đưa hồn mộng ngủ canh đi

Cực kỳ thay những lúc phân kỳ

. . . . ."

Kinh nghiệm như Tản Đà mà còn không định nghĩa được chữ tình, mà ông cho là cái chi chi. Nhưng dẫu sao đi nữa cũng phải đáp ứng với cái tình đó. Cũng tình yêu đó đã làm cho người chết ngàn năm vẫn còn có thể ngồi dậy để nghe tiếp những chuyện tình còn dang dở ở những kiếp xa xưa nào đó và cái tình nầy cũng đã làm cho con người túy sanh mộng tử, mờ mờ mịt mịt, không biết lối nào mà ra được. Vì vậy chuyện luân hồi sanh tử, con đường trần ai khập khuỷu cũng đã có lắm kẻ bước vào rồi trở ra. Trở ra rồi lại vào. Đúng là cái chi chi rồi. Nhưng tại sao thế ? Nơi đây tôi sẽ phân tích nhiều thứ tình yêu và ái nhiễm khác nhau để chúng ta có thể nhìn rõ bộ mặt thật của nó.

1. Tình yêu nam nữ

Tôi sẽ không đi sâu về vấn đề nầy; nhưng qua những hiện tượng yêu rồi bỏ, thương rồi ghét của nhiều người, chúng ta thử phân tích đó là gì ? Khi còn nhỏ người ta chưa phát hiện ra thứ tình nầy; nhưng khi lớn lên, tình yêu nầy tự nhiên nảy nở. Người con trai thương người con gái và ngược lại người con gái cũng không thể thiếu người con trai. Những năm tháng đầu của việc thương yêu nhau, cả hai người đều nhìn cái gì cũng đẹp hết. Vì tất cả đều hướng về những đam mê của mỗi bên, do vậy mà cái gì cũng tốt cũng hay hết. Dẫu có lỗi, có quấy xảy ra trong thời gian thương yêu nhau nầy đi nữa người ta cũng dễ tha thứ cho nhau và quên đi rất lẹ. Vì người đàn ông, con trai bao giờ cũng muốn chiếm hữu đối tượng của người mình thương, mình yêu đó. Ngược lại người con gái, đàn bà luôn luôn muốn nương tựa, cậy nhờ. Do vậy mà hai bên lại hợp ý và hợp tình với nhau. Từ thương yêu sinh ra ái nhiễm và từ ái nhiễm sẽ đi đến chỗ mê mờ không xa mấy. Khi ái dục đã phát khởi thì con tim si mê đã làm chủ mình rồi. Lý trí sẽ đi chơi chỗ khác. Do vậy mà khi ta thương thì tâm ta không có thù hận ở trong đó; nhưng khi tâm ta ghét ai thì hoàn toàn không có một hình ảnh tốt đẹp của lúc ban đầu. Do vậy ca dao Việt Nam mới có câu:

"Thương nhau thương cả đường đi

Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng"

Đây là cái tâm chấp trước về tình yêu. Khi thương nhau thì cái gì cũng được; nhưng khi ghét nhau rồi, thì những hình ảnh cũ đã nằm sâu trong A Lợi Da Thức (Thức chứa đựng) sẽ qua sự chấp trước của Thức A Mạt Na (Thức chấp ngã) mà tạo nên thương ghét, hay thiên đường, địa ngục cũng từ đó mà phát sanh. Dĩ nhiên nó không có cái bắt đầu nhứt định và cũng không có cái chấm dứt sau cùng. Tất cả đều hòa lẫn vào nhau để tồn tại, vì nhân duyên hội tụ kết lại mà thành.

Tôi quan sát cuộc đời, mặc dầu trong hiện tại không nhập cuộc với cuộc đời nầy và tôi đã thấy như sau. Có nhiều cặp trai gái rất xứng đôi vừa lứa, yêu nhau say đắm. Những ngày đầu tặng cho nhau những bông hồng thật tươi, thật đẹp. Họ đã có những nụ cười mãn nguyện, đã có những giờ giấc ngồi bên nhau thâu đêm suốt sáng, đã có nhiều lời hứa hẹn lấy đá vá trời và cũng không quên gọi nhau bằng những tiếng anh anh em em ngọt lịm, tưởng như không bao giờ gián đoạn. Tất cả những gì tốt đẹp đều đem ra phơi bày trang trải nơi tấm lòng của mỗi người. Nhiều người nhìn thấy thế cho là hạnh phúc. Nhưng chẳng bao lâu sau, nhất là khi đã sinh con đẻ cái, làm ăn khó khăn, gặp hoạn nạn chất chồng v.v... thì những bông hồng tươi ngày xưa tặng nhau không còn nữa, mà thay vào đó là những nguýt, háy, nói những lời nặng nề với nhau cho hả cơn giận. Vì đối phương không thể hiện những gì mà mình muốn. Những lời ngọt ngào anh anh em em ngày nào, bây giờ chỉ còn là ông nầy, bà kia, mầy tao, mi tớ v.v... Tại sao cũng mới ngày nào đó, cũng chỉ có hai người thôi, nói chỉ toàn là những lời trăng hoa, ong bướm; rồi bây giờ lại ra thể thống như vậy ? Tại sao và vì ai nên nỗi ấy? Lúc bấy giờ thì ai cũng phải hết và lỗi thì đổ cho đối phương. Tại ông đó, tại bà đó, tại vì... v.v... hết lý do nầy đến lý do khác để phân trần; nhưng kết cuộc rồi cũng chẳng ra thể thống nào hết.

Cũng như thế ấy, khi ta mới mua một chiếc xe về, trong những tuần lễ đầu ta hứng thú, vui vẻ, yêu đời và luôn luôn lau chùi sạch sẽ; nhưng việc nầy không lâu, ta lại quên đi để đi tìm một niềm vui khác, hoặc giả ta tự cho phép ta quên để đi tìm một đối tượng khác. Do vậy mà cái thương, cái yêu, cái khổ, cái ghét v.v... nó không có cái cuối cùng, luôn luôn thay đổi, luôn luôn tìm đối tượng để gởi trao, chào mời. Hợp thì vui, không thì khổ. Như vậy thực tướng của tình yêu ta thấy có đó, mà trái lại nó cũng là không và từ chỗ không nầy nó biến thành có và có lại trở thành không. Cứ mãi mãi như thế luẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử là vậy. Vì thế nên Ngài Nagarjuna (Long Thọ) Tổ Sư của học thuyết tánh không đã mô tả về tình yêu và ái nhiễm như những cơn ngứa ngáy vậy. Càng gãi thì càng ngứa. Không có cái đã ngứa để ta tự dừng lại. Ngoại trừ chính ta tự làm chủ mình. Trên thực tế thì khó ai mà dừng lại ở những lúc ái nhiễm được đáp ứng; nhưng sau đó và trước đó, là những khoảng trống không vô tận, không còn một mảy may gì nữa cả.

Trong Đại Trí Độ Luận, quyển thứ 42, Ngài Long Thọ cũng đã có nhiều ví dụ rất hay về chúng sanh và chư Phật. Ngài ví chúng sanh cũng giống như những con ruồi và ví những bậc giác ngộ như những đóa hoa sen. Con ruồi thì ưa đậu nơi phân dơ. Tuy hoa sen có đó; nhưng nó đâu có màn tới. Vì sao vậy? Vì trí tuệ của con ruồi thấp kém, chỉ chấp nhận bãi phân là đối tượng của mình. Chúng sanh trong cõi luân hồi cũng đều như vậy thôi. Chỉ ham mê nơi ái dục, tình yêu và ái nhiễm nơi thể xác; nên mới chọn Ta Bà chứ không thích Tịnh Độ hoặc các cảnh giới giải thoát khác. Mặc dầu ai thấy bông sen cũng đều cho là đẹp - giống như thế giới của chư Phật và Bồ Tát vậy; nhưng đâu phải chúng sanh nào cũng ưa thích giác ngộ. Vì lẽ tâm thức còn hạ liệt, trí tuệ chưa vun bồi, dẫu cho có bắt bỏ vào cảnh giới của hoa sen đi nữa, thì con ruồi kia vẫn chọn đống phân như thường. Điều ấy nó không khó hiểu mấy, vì lẽ chúng sanh chỉ thuận theo những gì mình ưa thích, mà chính những sự ưa thích ấy dẫn mình vào cõi đọa lạc; nhưng mấy ai hay biết bao giờ.

Đó là cõi người; chứ cõi chư Thiên và các cõi trời khác trong 33 từng trời cũng chỉ chừng ấy việc thôi. Có thế giới cao thượng hơn thì yêu nhau bằng tâm thức chứ không bằng thể xác; nhưng đồng thời cũng có những thế giới lạc hậu, dơ bẩn ở cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh v.v... chúng vẫn yêu đương nhau và tiếp tục sinh ra những chúng sanh như thế để kế thừa. Một sanh ra hai, hai sanh ra bốn và cứ thế mà tiếp tục nhân lên thôi. Không bao giờ có sự dừng nghỉ cả. Ví dụ chúng ta nhìn thấy con heo, con bò, con ngựa, con sư tử, con tằm, con rùa v.v... chúng làm tình với nhau cũng chỉ vì chúng ái nhiễm với nhau. Chọn con nầy và bỏ con khác, chỉ vì những tia quang phổ yêu đương của 2 con không hòa nhau. Nhưng sự hòa nhau nầy không lâu, chúng sẽ sinh ra ghét gỏng, bỏ bê. Sinh con ra không nuôi, giận hờn, theo con khác v.v... Con người cũng như thế. Tuy con người có văn minh đó; nhưng nếu chư Thiên ở cõi trời cao hơn chúng ta thì nhìn con người cũng như con vật vậy thôi. Ngược lại con vật nhìn chúng ta có lẽ chúng trọng vọng và nể sợ lắm giống như chúng ta nhìn chư Thiên vậy thôi. Rồi kế tiếp nữa, chư Thiên ở cõi trên và trên nữa sẽ nhìn xuống chư Thiên ở cõi dưới về vấn đề tình yêu và ái nhiễm thì vẫn thấp hèn vậy thôi. Cứ thế mà mãi lên đến tận những vị A La Hán, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật thì quả là một đoạn đường sanh tử rất xa vời. Phải là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp số chúng ta mới tới được. Tuy nhiên nếu tâm chúng sanh luôn luôn huân tập những chủng tử lành, thì Tịnh Độ cũng không xa mấy với cõi Ta Bà đầy não phiền ai lụy nầy.

Bồ Tát và Phật đã ra khỏi vòng luân hồi sanh tử; nên không còn yêu riêng ai. Chỉ lấy chúng sanh làm đối tượng để mình cứu độ mà thôi. Vì vậy trong kinh có câu: 

"Ái bất nhiễm bất sanh Ta Bà

Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ" 

là vậy, nghĩa là: nếu người nào ái dục không còn nhiễm ô thì không sanh ở thế giới Ta Bà nầy nữa. Cũng thế ấy, người niệm Phật không chuyên tinh thì không thể nào vãng sanh về Tịnh Độ được.

Phật thì không thương riêng ai mà cũng chẳng ghét riêng ai. Vì nơi tâm Phật và chư vị Bồ Tát đều có bình đẳng tánh. Ai đáng độ thì Phật đã độ và sẽ được độ. Ai đáng giáo hóa thì Phật giáo hóa, không từ nan một sự khó nhọc nào, nếu chúng sanh cần đến Ngài; nhưng vì lẽ chúng sanh còn cách Phật quá xa nên mới sinh ra những sự cố chấp vào hình tướng như thế.

Như vậy loại tình yêu nam nữ nầy không có gì là chắc thật cả. Nó chỉ là mộng ảo; nhưng vì con người mê nên mới khởi tâm lên như thế; đến khi ngộ rồi thì mọi thứ đối đãi về ái nhiễm nầy là những thứ đáng ghê sợ. Vì đã sa ngã vào con đường nầy rồi, rất khó có cơ hội để được thoát ra. Mà đã được thoát ra rồi; nhưng thân tâm không chánh niệm thì cũng dễ sa vào con đường tội lỗi nữa, để lúc nào cũng phải bị luân hồi sanh tử. Vì chính tâm thức của mình đã chọn nghiệp cho mình, chứ chẳng ai có thể làm cho mình tốt hơn hoặc xấu hơn cả. Do vậy mà có thể nói rằng những hành vi của chúng ta sẽ tạo nên nghiệp lực và chính nghiệp nầy đã dẫn dắt chúng sanh luôn luôn triền miên trong cảnh khổ. Chỉ có những người vượt qua được lưới ái, thì mới mong gần gũi được cảnh giới giác ngộ giải thoát mà thôi.

2. Tình yêu đồng loại

Trong mỗi người của chúng ta có nhiều thứ tình cảm khác nhau đan lẫn vào nhau trong tâm thức để tồn tại. Có người nặng về tình yêu nầy mà nhẹ tình yêu kia. Có người hầu như hoàn toàn không có, lãnh đạm trước mọi hoàn cảnh đổi thay của nhân thế. Con người mang toàn một khối lượng vật chất, nào thịt nào da, nào xương nào tủy, nào tim nào phổi và vô số tế bào để tồn tại cùng với cái tánh biết đó. Ngày nay khoa học luận cứ rằng mọi hành động của con người đều do não bộ điều khiển. Ngày xưa Trung Quốc bảo rằng do quả tim điều khiển. Còn đạo Phật thì sao? Nói về Phật học thì bao la vi diệu, khó diễn tả hết được; nhưng chúng ta có thể hiểu rằng: Cái nầy tồn tại nhờ cái kia. Nếu cái nầy thay đổi thì cái kia phải biến thể. Cái nầy tồn tại là vì đầy đủ nhân duyên. Cái nào mạnh hơn, sẽ lấn áp cái yếu thế hơn. Ví dụ trong mỗi con người, kể cả nam lẫn nữ đều có tánh mạnh và tánh yếu. Tánh mạnh ví dụ như sự can cường, không khuất phục vũ lực, luôn luôn ở thế tấn công v.v... Tánh yếu ví dụ như nước mắt, sự phục tùng quyền lực, luôn luôn dừng bước khi có vật cản trở v.v... bất luận là nam hay nữ. Nếu ai trong chúng ta có tánh nào mạnh hơn, chúng sẽ biểu lộ lên hành động của chúng ta rõ ràng hơn. Ví dụ có những người đang mang thân hình là nam tử; nhưng tình cảm và hành động luôn luôn biểu lộ của phái nữ. Vì sao vậy? Vì tánh cách của nữ rõ ràng hơn nơi người nam ấy. Ngược lại cũng có lắm người mang thân nữ nhơn; nhưng hành động của họ hoàn toàn nam tính. Vì lẽ những hành động mạnh thể hiện ở họ rõ ràng hơn. Do vậy ta có thể hiểu rằng trong người nam có sự hiện hữu của người nữ và trong người nữ có sự hiện hữu của người nam. Nếu đem vấn đề luân hồi sanh tử của Đạo Phật để giải thích thì không có gì khó khăn cả. Sở dĩ có nhiều người mang thân hình nam nhi; nhưng luôn luôn được cấu tạo tư tưởng của phái yếu. Điều đó chứng tỏ rằng người ấy mới từ phái nữ đầu thai lên làm người nam, hoặc giả người nam ấy chuẩn bị trở thành người nữ trong kiếp sắp đến. Ngược lại cũng có lắm người nữ mà hình tướng và tư tưởng của họ biểu trưng cho người nam một cách rõ rệt. Vì họ kiếp trước mới là người nam và kiếp nầy biến thành người nữ, cho nên hình dáng của họ vẫn còn phảng phất của một đấng nam nhi. Cũng có thể hiểu họ là những người kiếp trước luôn luôn muốn mình trở thành người nam; nên thân nầy họ nhận thân người nữ để sẽ được toại nguyện như những gì đã mong cầu ở thuở xa xưa cũng nên và họ chắc chắn sẽ làm thân nam ở kiếp sau. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Vì lẽ, cái gì mình mong muốn, đợi chờ, cái ấy sớm muộn gì cũng sẽ đến dầu xấu hay tốt do kết quả về nghiệp lực và hành vi tư tưởng của mình còn sót lại. Ví dụ một người luôn luôn để ý đến sự yêu đương thì trước sau họ cũng được hoặc bị yêu. Vì lẽ tư tưởng họ luôn luôn dán chặt vào đó; nhưng kết quả của sự yêu đương ra sao thì do nhân duyên và hành động của họ định đoạt vậy. Một người luôn luôn hướng đến chuyện học hành nghiên cứu thì kết quả là công danh sự nghiệp, nhiều người quên luôn chuyện tình yêu nam nữ nữa. Ở trên đời nầy không nhất thiết mọi người đều phải bước qua lỗ kim của sanh tử luân hồi; nếu người ấy muốn chối từ khổ đau và chọn con đường giải thoát cho chính mình.

Một người khác luôn hướng tư tưởng và hành động của mình về nẻo thiện, về giáo lý giác ngộ, về Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì trước sau gì người ấy cũng thành tựu dầu chậm hay mau. Ví dụ chúng ta có mục đích phải đi La Mã chẳng hạn. Khi mục đích đã được đặt ra rồi thì chúng ta chọn phương tiện để đi, cũng giống như chọn pháp môn để tu vậy. Người đi máy bay, người đi tàu lửa, người đi xe máy, kẻ đi xe đạp, người đi tàu thủy và cũng có kẻ đi bộ nữa. Nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đến La Mã và trên đoạn đường đó ta dừng nghỉ không biết bao nhiêu lần cũng giống như con đường luân hồi sanh tử của ta thôi, ta đã tạo nghiệp gì khi đi trên con đường ấy, chắc chắn ta phải trả và ta sẽ hưởng vậy.

Mỗi người trong chúng ta có một quê hương để mà nhớ nghĩ đến, cũng có nhiều bà con thân thuộc để mà tưởng nhớ về. Mọi người sẽ tự nhắc nhở cho mình, mình là người gì, sinh ra từ đâu v.v...

3. Tình yêu Quê Hương và Tổ Quốc

Mỗi người đều có một nơi sinh ra; nhưng việc trưởng thành và chết đi, không nhất thiết ở tại quê hương của mình. Do vậy có nhiều người đã xa quê cha đất tổ để đi lập nghiệp bốn phương trời và thế hệ thứ nhất, thứ nhì họ vẫn còn luôn luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rún của họ. Nhưng bắt đầu từ thế hệ thứ 3, thứ 4 trở đi thì cái tình cảm quê cha đất tổ không còn mặn nồng như những thế hệ trước nữa. Nếu cứ mỗi 20 năm là một thế hệ thì không gian và thời gian cứ như thế mà cách ly dần. Đa phần con người đều hướng về tương lai và chỉ một phần rất nhỏ lo hoài vọng về quá khứ. Vì tương lai bao giờ cũng mở rộng và mới mẻ, có nhiều hy vọng. Còn quá khứ là những gì đã trôi qua, cũ kỹ, xa xôi... nên không nhất thiết phải hướng về. Chỉ trừ những người có tâm hồn hoài cổ mà thôi.

Quê hương là gì, người ta không thể định nghĩa được, cũng giống như tình yêu; nhưng thiếu tình nghĩa của quê hương thì người ta cảm thấy thiếu thốn khó chịu. Con người luôn luôn chuyên vào những cái gì bị trói buộc; nên khổ tâm cũng không ít, khi bị thiếu thốn; nhưng ngược lại cứ đối diện với cái khổ đau của quê hương hoài, thì người ta cũng sinh ra sầu muộn.

Ở vào những năm đầu thế kỷ 20, Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã đi làm Phật sự, chữa bịnh, cho thuốc, giảng giáo lý v.v... với một tâm niệm thiết tha là cứu người và cứu đời ra khỏi chốn trầm luân khổ ải và cũng đã có nhiều người thương Ngài, ngay cả đến việc yêu riêng Ngài: nhưng Ngài đã đối lại với những tình yêu ấy bằng bài thơ như sau: 

Tôi có tình yêu rất mặn nồng

Yêu đời yêu đạo lẫn non sông

Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ

Chẳng phải yêu riêng khách má hồng

Nếu khách má hồng muốn được yêu

Thì trong tâm trí phải xoay chiều

Quay về phụng sự cho nhân loại

Sẽ gặp tình chung trong khối yêu.

Tình yêu nó cao thượng như thế, không nhất thiết chỉ là tình yêu nam nữ với nhau. Người ta cũng có thể yêu văn chương, âm nhạc, hội họa, triết học v.v... và nhiều khi người ta còn có thể biến những thứ tình yêu vị kỷ đó trở thành những loại tình yêu cao thượng như bài thơ bên trên biểu trưng cho tình thương cứu đời mến đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ vậy.

---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 10982)
Hôm nay là ngày 4 tháng 6 năm 2002 nhằm ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Ngọ tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 34 của mình với nhan đề là: "Cảm Tạ Xứ Đức".
09/04/2013(Xem: 11484)
Tác phẩm thứ 29 nầy được bắt đầu viết vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 7 tháng 6 năm 2000, nhằm ngày mồng 6 tháng 5 năm Canh Thìn. Hôm nay trời không đẹp lắm, vì có nhiều cụm mây đen đang phủ kín đó đây phía bên ngoài.
09/04/2013(Xem: 9171)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (2005) Phật lịch 2549 tại Chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, tôi và tăng chúng độ 30 vị, rất an lạc trong mỗi từng sát na sanh diệt của cuộc đời ở trong 90 ngày ấy.
09/04/2013(Xem: 12359)
Hoa là một loài thực vật tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà loài người thường hay trân quý, nhất là những loài hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa mẫu đơn, hoa mai, hoa cúc, hoa huệ...
09/04/2013(Xem: 17901)
Nếu nói 20 năm là một thế hệ, thì những bài viết trong quyển sách thứ 36 nầy đã hơn một thế hệ rồi. Đó là 25 năm của một chặng đường lịch sử mà chúng tôi đã đi qua.
09/04/2013(Xem: 10744)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật . Cùng tất cả trại sinh ngày Hạnh quý mến, Trong Lục Độ Tập Kinh, có dạy: “Thà mất nước không thà mất hạnh”. Thà mất nước, là thà mất biên cương, lãnh thổ, chứ không thà mất hạnh. Mất hạnh là mất văn hoá, mất nếp sống đạo đức, mất thuần phong mỹ tục, mất nhân tính, mất đi lý tưởng sống. Mất nước là mất biên cương, mất lãnh thổ, mất chủ quyền quốc gia, mà còn Hạnh, nghĩa là còn nền đạo đức của một dân tộc, còn nền văn hoá của một dân tộc, còn thuần phong mỹ tục của một dân tộc, và còn lý tưởng sống của một dân tộc, thì việc mất chủ quyền về chính trị, mất biên cương, mất lãnh thổ của dân tộc, sớm muộn gì cũng có thể phục hồi lại được, nhưng một dân tộc không mất biên cương, lãnh thổ mà mất Hạnh thì vĩnh viễn mất nước. Cũng vậy, người phật tử chúng ta, dù mất sinh mạng, nhưng không mất lý tưởng, thì chúng ta vẫn còn là một con người nguyên vẹn trong lý tưởng giác ngộ.
09/04/2013(Xem: 6484)
Hôm nay là ngày 16 tháng 11 năm 2003 tại vùng núi rừng của Tu Viện Đa Bảo ở Sydney thuộc nước Úc, tôi và tăng chúng ở đây đã gần một tháng nhập thất rồi và công việc của chúng tôi là dịch kinh, hành trì, tu tập, công phu, học tập, chấp tác v.v...
09/04/2013(Xem: 10497)
Nhiều người cho rằng Phật Giáo mang tư tưởng xuất thế nên không chủ trương có gia đình, không khuyến khích kết hôn, cũng tương đồng với việc cho rằng người theo đạo Phật đều phải xuất gia. Thật ra, đây là một quan niệm sai lầm.
09/04/2013(Xem: 8003)
Sống trên đời nầy, ai sinh ra rồi cũng phải có bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi đối với chính bản thân mình và đối với cộng đồng xã hội và từ đó luật pháp được đặt ra để bảo vệ cho những quyền lợi và trách nhiệm đó. Nếu người nào vi phạm, tức có luật pháp là cán cân dùng để giải quyết mọi việc trong cuộc đời.
09/04/2013(Xem: 7985)
Trong cuộc sống vốn dĩ mang tính chất vô thường biến đổi nầy, chẳng có gì mang tính chất nhất định cả. Vì vậy chư Phật và chư Tổ Sư đã vì đời mà khuyên nhủ chúng ta rằng: "Không có gì là thực tướng. Tất cả chỉ là mộng huyễn mà thôi".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]