Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cho Trọn Mùa Xuân

13/05/201312:51(Xem: 9958)
Cho Trọn Mùa Xuân
Cho Trọn Mùa Xuân


Cho Trọn Mùa Xuân

HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com


mai-8Xuân tết là ngày quan trọng và thân thiết đối với mọi người, dù người đó đang ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Kỳ gian xuân tết mỗi nơi mỗi khác, nhưng hễ mỗi lần xuân tết là báo hiệu ngày mở đầu năm mới, người người đều cảm thấy nơi lòng sống dậy niềm hy vọng sẽ được hạnh phúc sáng sủa và may mắn tốt lành hơn năm cũ.

Xuân mang ý nghĩa tăng trưởng nguồn sống cho vạn loại sanh linh. Xuân mang lại nguồn sống của vạn vật đâm chồi nẩy lộc tốt tươi như thế nào, thì ngày đầu năm xuân tết người ta cũng vui vẻ chúc cho nhau những điều lành tốt như thế ấy. Trong những ngày xuân tết, người ta hết sức kiêng cữ lời nói, cố tránh việc làm không hay đẹp. Người ta thường trao tặng cho nhau những món quà xinh tốt với nụ cười lời chúc “hạnh phúc, may mắn, tăng thọ, phát tài, phát lợi, bình an.”

Ngày xuân tết, chúng ta còn thấy giấy đỏ, chữ vàng dán trước cửa nhà với những câu chúc tết như: “Địa cửu, Thiên trường” - “Phước như đông hải, thọ như nam sơn” - “Vạn sự cát tường như ý”- “Tài lộc như thủy nhập môn” v.v…Đủ những lời hay ý đẹp để nói lên ý nghĩa hy vọng an lành cầu chúc cho nhau được may mắn hạnh phúc trường cửu trong ngày đầu năm mới. Nhưng có một điều chúng ta không thấy chúc cho nhau đó là: “Năm mới cố gắng tinh tấn làm lành, tu tâm sửa tánh hơn.” Lời chúc nầy đích thực là căn bản sản sanh hạnh phúc chơn thường, con người sẽ có tương lai sáng lạn huy hoàng trường cửu, ấy thế mà người ta lại quên! Chính vì quên, thiếu hay không để ý hoặc xem thường việc tu bồi phước đức, sửa tánh tu tâm nên không khuyến khích chúc cho nhau tinh tấn hướng về nẻo thiện, trong năm mới. Do đó mà những lời chúc tụng tốt lành trên kia trở thành thói quen, tập tục, nếu không muốn nói là những lời sáo ngữ, không thực tế chút nào. Vì sao?

Bởi vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” “Người trồng cây hạnh người chơi, ta trồng cây phúc để đời về sau.” Vậy thì may mắn hạnh phúc là do ngoại cảnh hay nội tâm? Không tu tâm sửa tánh, tức là tâm không tu, tánh không sửa, không lo làm việc lành thiện, chỉ biết mải mê tham danh đoạt lợi ích kỷ đố kỵ, thị phi hơn thua thì làm sao có phước như đông hải? Không biết bố thí, trì giới, phóng sanh, thực hành theo tâm hạnh nhân đức từ hòa của thánh hiền, chỉ biết chạy theo tham sân danh lợi trần tục thì làm sao được tuổi thọ như nam sơn? Chúng ta muốn được phước lộc thọ, địa cửu thiên trường mà chúng ta không nhiệt tình làm phước, không tu tâm sửa tánh, không khởi tâm lành thiện nhẫn nhục khiêm tốn, không cố gắng vun bồi phước đức thì làm sao có được phước lộc thọ? Phước lộc thọ, an vui may mắn hạnh phúc không phải do tranh danh đoạt lợi mà có được, mà phải chính do nội tâm của chúng ta tạo nên bằng gắng công tu phước bồi đức. Không có tu tâm sửa tánh hành thiện thì nhất định không thể nào có được phước lộc thọ và rất ít có được những phút giây tâm hồn định tĩnh thanh thản vui tươi thưởng xuân, dù đang sống trong lâu đài tiền kho bạc biển, trong mùa xuân bướm lượn hoa cười, áo mới pháo nổ cũng vẫn thấy lo âu sầu khổ trong mùa xuân. Thế nên cổ đức nói: “Tâm xuân vũ trụ đều xuân. Tâm buồn thế giới đâu đâu cũng buồn” là vậy.

Đời nay có người không tu tâm, không làm phước mà được giàu có, điều đó cũng không phải là tự nhiên. Nên biết rằng, tất cả sự việc trên đời không ngoài nhân quả. Người kia đời nay bất lương không tu tâm làm lành mà lại được giàu có, thì đó là họ hưởng phước lành đời trước họ đã tạo. Còn đời nầy họ làm điều bất thiện thì sẽ chịu quả báo hoặc cuối đời nầy hay đời sau. Gia đình cụ Ngô-Đình-Diệm chẳng đáng để cho chúng ta suy gẫm đó sao? Luật nhân quả công bằng nào có đổi thay, như lưới trời lồng lộng nhìn không thấy, nhưng không sai chạy, không sót lọt mảy lông. Kinh Nhân-Quả nói:

Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị

Nghĩa là:
Muốn biết nhân đời trước
Nên xem đòi sống họ ngày nay
Muốn biết quả đời sau
Cứ xem việc họ làm ngay nay.

Không biết tu tâm sửa tánh tạo phước đức thì lẽ tất nhiên không thể nào có may mắn, hạnh phúc, phát tài, hưởng lộc bền lâu. Cũng như không chịu khó bới đất trồng cây, không ra công gắng sức săn sóc bón phân, tưới nước thì không làm sao có được cây tươi, hoa đẹp, trái tốt để thưởng thức? Không chịu khó cố gắng học hành thì làm sao thành danh với bằng cấp sự nghiệp? Không chịu khó đọc kinh sách nghiên tầm học hỏi lời dạy của các bậc cổ đức thì làm sao thấu hiểu được triết lý ở đời, lời dạy thâm thúy của thánh hiền? Không gắng gổ tu tâm bồi đức bồi phước mà muốn được giàu sang hạnh phúc là người đánh bạc muốn làm phú ông, là kẻ nông phu không cần mẫn với ruộng vườn, là học sinh không đến trường vào lớp mà muốn được đỗ đạt bằng cấp.

Bởi thế, chỉ biết chúc cho nhau phát tài, đắc lợi, sống lâu, hạnh phúc bằng những lời sáo ngữ “đông hải, nam sơn” v.v… mà không chúc cho nhau tinh tấn cố gắng “tu tâm sửa tánh, vun bồi phước đức” hơn năm cũ là điều thiếu sót lớn lao. Điều quan trọng là để xây dựng hạnh phúc mà không lưu tâm làm phước tu đức thì bảo sao suốt năm chẳng lận đận, bất hạnh nhiều hơn là vạn hạnh? Chẳng khác nào kẻ suốt năm chẳng đi chùa lạy Phật nghe kinh, chẳng chịu làm lành làm phước tu tâm sửa tánh, mà chỉ đầu năm đến chùa xin xăm cầu hên, cầu vận mạng tốt là điều mơ mộng. Có kẻ sống trong hơn thua chụp giựt, suốt tháng năm chạy đôn chạy đáo chụp bắt danh nọ lợi kia, đến khi chạm trán với điều bất hạnh thì xin xăm bói quẻ cầu thần khấn trời ban phưóc! Người đời thường bỏ gốc lấy ngọn, quên sửa tâm tánh mà chỉ nhớ lợi danh! Vì thế cho dù đầu năm chúc nhau bằng những lời tốt lành, mà suốt năm vẫn phải nhận lãnh những điều bất hạnh, phiền muộn, bất như ý, nguyên nhân sâu xa từ đấy.

Lại còn có những người suốt năm chẳng biết tu tâm làm phước, đến ngày mùng một Tết hoặc rằm tháng Giêng vội vã đến chùa lạy Phật cầu được may mắn, vạn sự như ý! Chưa đủ, họ còn chạy đến các đền miếu để khấn cầu ông thần nầy, bà chúa nọ phù hộ, xin xăm bói quẻ cầu vận mạng năm mới được tốt lành như ý! Họ quên đi câu nói của ông bà chúng ta đã dạy: “Có phước đức mặc sức mà ăn.” Các bậc thánh hiền đã từng khuyên người đời: “Phước túc mạng” – “Đức thắng số.” Phước túc mạng nghĩa là mình biết làm điều lành thiện, bố thí, giúp người nghèo đói, cứu trẻ cô nhi thì đời sống của mình sẽ được đầy đủ sung túc thoải mái suốt đời. Đức thắng số có nghĩa là mình biết trì trai giữ giới, tu tâm sửa tánh làm lành, biết nhẫn nhục tha thứ thì tai ương hoạn nạn sẽ đưọc tiêu trừ, mạng sống cũng theo đó được lâu dài an lành hạnh phúc.

Đạo Phật dạy, muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói để được giàu sang, có chức phận địa vị thì cần bố thí, cúng dường, đó là tạo nhân “phước.” Muốn có trí huệ để thoát khỏi ngu dốt, đạt lý thông minh, được người đời kính trọng nể vì cung phụng thì nên trì giới tu tâm sửa tánh, đó là tạo cái nhân “lộc.” Muốn được mạnh khỏe sống lâu đời đời hưởng hạnh phúc với con cháu thì nên nhẫn nhục, nuôi dưỡng tâm từ bi thương người thương vật, biết sống trong tinh thần vị tha hỷ xả, chẳng những không sát sanh hại vật, mà còn phải bảo hộ mạng sống, phóng sanh, đó là tạo nhân “thọ.” Như thế, phước lộc thọ do chính mình tạo ra, do bên trong tâm tu dưỡng hình thành và bên ngoài thân làm lành thiện lợi tha tránh điều ác, tất cả đều do chính mình tạo phước lộc thọ mình hưởng, chứ không phải cầu thần thánh nào ban cho cả.

Cứ chân thành tu tâm sửa tánh làm lành lánh dữ, trì trai giới hạnh, biết sống đời tri túc, tập sống hạnh nhẫn nhục lợi tha, dẹp bỏ ngã mạn, diệt trừ ích kỷ hờn giận thì chắc chắn sẽ được hưởng phước lộc thọ. Nếu không lưu tâm để ý đến điều quan trọng tu bồi phước đức mà chỉ cầu chúc suông thôi, thì đó là lời cầu chúc xáo ngữ, trống rỗng vô nghĩa, điều hy vọng hạnh phúc may mắn năm mới chỉ là hão huyền mà thôi. Dù có tiền tài danh vọng mà không biết tu tâm sửa tánh thì bất quá cũng chỉ duy trì tiền tài danh vọng ấy trong tình trạng mong manh hồi hộp, lắm khi còn phải sống trong tủi nhục bất an vì tiền bạc do thất đức mà có đó nữa là khác.

Xuân trong nhà Phật không phải chỉ vui khi xuân đến hoa nở và buồn khi xuân đi hoa tàn. Xuân của người tu học Phật không phải xuân đến vui rộn với tiếng pháo nổ ran, xuân đi buồn tiếc với xác pháo ngập tràn đầu đường cuối ngõ. Xuân của người tu hiểu đạo Phật không chúc nhau “Phước như đông hải, thọ như nam sơn” – “Phát tài phát lợi bình an,”mà chúc cho nhau “năm mới tinh tấn tu hành hơn năm cũ.” “Năm mới phát tâm Bồ-đề, phát nguyện tinh tấn tu học.” Vì có thật tâm tinh tấn tu học thì mới tiêu trừ ác nghiệp, tiêu tai giải hạn, mọi việc được hanh thông như ý.

Người chân chánh tu học Phật nhờ trì trai giữ giới, giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý không tạo ác, cố gắng hành thiện, chuyên cần gột rửa tâm tánh được thanh tịnh, nên lúc nào cũng hưởng xuân tràn ngập nơi lòng. Thân tâm thanh tịnh, phiền não sạch trong, ấy là hạnh phúc là phước lộc thọ. Xuân hạnh phúc phước lộc thọ của thế gian nếu thật có, cũng chỉ hạn cuộc theo thời tiết tháng năm, vì con tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, ích kỷ. Còn xuân hạnh phúc phước lộc thọ của nhà Phật vượt ngoài thời gian tháng năm, vì lúc nào thân tâm cũng thanh tịnh, cõi lòng hỷ xả buông thả sự đời không dính mắc lợi danh, nên không bị buộc ràng theo cảnh đắc thất thịnh suy, vinh nhục, tham sân, chấp ngã. Không có mùa xuân nào an lạc hạnh phúc lâu bền bằng mùa xuân thân tâm thanh tịnh. Do đó, cổ đức tiên hiền đã nói: “Tâm an lý đắc” – “An bần lạc đạo” – “Sớm hiểu đạo, chiều chết cũng vui.” Đấy là tâm xuân khắp vũ trụ đều xuân.

Người đời cầu trường thọ. Nhưng trường thọ mà không thức tỉnh tu tâm thì đâu có biết trường thọ là nhân của khổ. Vì tuổi đời càng chồng chất mà không hiểu đạo, không biết tu tâm sửa tánh hành thiện, thì tội lỗi càng chồng chất theo tuổi thọ đó thôi. Nên cổ đức đã nhắc nhở “đa thọ đa nhục,” là ý nghĩa nầy vậy.

Trái lại, tuổi thọ trong nhà Phật không phải tính theo năm tháng chất chồng như thế gian, mà tính theo giới hạnh hạ lạp. Nghĩa là tính theo sự thọ giới hành đạo, an cư kiết hạ. Người càng hành trì giới luật nghiêm túc lâu năm thì được tuổi đạo càng cao. Phật pháp theo đó càng bền lâu phát triển. Thọ trì giới luật không phải chỉ riêng hàng xuất gia, mà Phật tử tại gia muốn thăng hoa hạnh phúc bản thân, gia đình và tiến nhanh trên đường giác ngộ giải thoát cũng phải khởi đi từ sự nghiêm trì giới luật, phát tâm Bồ-đề.

Ngược lại, dù tuổi đời có đến trăm năm mà không có tuổi đạo, thì cũng vẫn là kẻ tầm thường phàm tục. Dù tuổi đời có đến hơn trăm mà mới biết đạo, mới học hiểu đạo chỉ được vài ba năm thì vẫn là kẻ sơ cơ. Người như thế tuổi đạo chưa vào đâu. Đặc biệt, điều đáng lưu tâm hơn nữa là, dù là ấu niên xuất gia, thọ giới lâu năm mà giới hạnh không tinh nghiêm, đạo hạnh yếu kém, tâm hạnh không thanh tịnh thì Phật gọi đó là kẻ lạm xưng tăng bảo, thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo. Trong Giới kinh gọi người đó là: “Thân tuy hành đạo mà tâm đạo chẳng hành.”

Xuân đạo hạnh là xuân hạnh phúc chân thật vĩnh viễn chỉ có ở những tâm hồn thanh tịnh hỷ xả. Nếu tâm còn dính mắc hơn thua, nhân ngã, lợi danh, chức tước, quyền hành, hình thức thì không bao giờ hưởng được mùa xuân vạn hạnh, thanh thoát, mà chỉ tự mãn với xuân phiền não, xuân giả tạo, vui với huyễn ảo hoàn cảnh bên ngoài.

Với ý nghĩa trên đây, nay ngày đầu năm xuân tết, tôi xin chúc tất cả mọi người thân tâm thanh tịnh, trọn hưởng mùa xuân vạn hạnh. Chúc quý vị thân tâm thanh tịnh để trọn hưởng nhạc xuân muôn điệu, hoa xuân rộn nở muôn màu, ánh xuân rạng chiếu khắp muôn phương, hồn xuân tràn ngập đất trời hòa cùng vũ trụ, chan hòa cõi lòng tự tại thanh thoát. Ấy mới thật trọn hưởng mùa xuân: “Tâm xuân vũ trụ đều xuân.” Như Trần-Nhân-Tông nói:

“Trăng sáng đầy chân tâm
Tâm xuân rạng rỡ cõi lòng
Tình xuân hoa nở ngát thơm hương thiền.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 7119)
Cuộc đời là những mâu thuẫn, ở đây tôi không nói những gì cao siêu mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử. Chúng ta sống như thế nào để cuộc đời được an lành tự tại, không bị đau khổ làm ray rứt.
27/10/2010(Xem: 9964)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
27/10/2010(Xem: 9680)
Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
27/10/2010(Xem: 11469)
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
27/10/2010(Xem: 6942)
Vì Sao Cần Phải Niệm Phật? Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung. Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Độ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!
25/10/2010(Xem: 6877)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
23/10/2010(Xem: 8893)
Từ hơn bốn mươi năm nay, chưa bao giờ Việt Nam đứng ra tổ chức một lễ Phật Đản lớn về tất cả mọi mặt: tôn giáo, văn hóa, xã hội, và về cả chính trị như lần này. Nói lớn về cả chính trị là bởi trong ba ngày vừa qua, thủ đô Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới.
23/10/2010(Xem: 10102)
Trong kinh Pháp Hoa có dạy: "Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mới xuất hiện ra đời, để mở bày, chỉ dạy chúng sanh giác ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật". Giáo pháp của Phật như biển rộng rừng sâu, tuy nhiên cũng có thể tóm thâu trong bốn câu kệ: “Chư ác mạc tác Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý Thị chư Phật giáo”.
23/10/2010(Xem: 8901)
"Mưa dầm thấm sâu, sẽ giúp con cháu trong gia đình đến với đạo Phật, thực hành theo lời dạy của đức Phật một cách tự nhiên và bền vững. Điều quan trọng là tự thân của mỗi người cư sĩ Phật tử nên tự nổ lực tinh tiến tu học, cẩn thận ba nghiệp thân miệng ý, làm sao để trở thành một tấm gương sáng cho con cháu noi theo"
22/10/2010(Xem: 7798)
Sự ảnh hưởng sâu rộng của Đức Phật và Tăng đoàn đã làm cho ngoại đạo lo sợ quần chúng sẽ theo Phật và xa rời họ. Do đó, một nhóm ngoại đạo đã suy nghĩ, toan tính âm mưu triệt hạ uy danh Đức Phật. Sau cùng, một nữ đệ tử cuồng tín của họ tên là Tôn Đà Lợi đã chấp nhận hy sinh bản thân cho mục đích đen tối đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]