Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ V: Các bài sám văn - cảnh tỉnh - khuyến tu

10/05/201318:07(Xem: 17151)
Phần thứ V: Các bài sám văn - cảnh tỉnh - khuyến tu

Tuyển tập các bài sám văn - Tập IV: 55 Bài sám văn chọn lọc

Phần thứ V: Các bài sám văn - cảnh tỉnh - khuyến tu

Thích Đồng Bổn sưu tập

Nguồn: Thích Đồng Bổn sưu tập

209. SÁM VÔ THƯỜNG (II)
(Cảnh tỉnh vô thường 8)


Thế gian giả tạm bến mê
Thành tâm hướng tới nẻo về đường chơn
Cuộc đời cõi mộng chi hơn
Người trong nhân thế oán hờn tranh nhau
Dòng đời lắm nỗi lao xao
Ðâu là bền chắc, có nào chi đâu?
Sống thì ngụp lặn vọng cầu
Tâm kia điên đảo, mối đầu trầm luân
Tham sân si nặng vác khuân
Thế nên tâm tánh trôi lăn đêm ngày!
Từ thương đến giận ai hay
Từ yêu đến ghét tháng ngày đa mang
Từ buồn đến muốn lầm than
Ðeo mang cho lắm con đàng sầu thương!
Ðấy là tâm vọng đâu thường
Tâm duyên trần cảnh là đường khổ đau
Tâm nầy không thật mảy hào
Cho nên biến đổi khi nào dứt đâu ?
Thân ta ví một con tàu
Luôn thay đổi bến chẳng lâu ở thường
Khi thì nóng sốt khổ vương
Khi thì lạnh rét tai ương đeo hoài!
Lão sanh tử bệnh đổi thay
Thọ thân là khổ nơi này trần gian
Có đâu bền chắc mà màng
Se sua thân xác theo đàng lụy thôi!
Trau tria cho lắm để rồi
Vô thường chợt đến mà lôi ra gò!
Vô thường hai chữ nhớ cho
Có chi bền chắc mà đo với lường
Cảnh đời cũng phải vô thường
Mọi loài mọi vật có dường bền lâu ?
Thế nên phải dứt vọng cầu
Gắng lòng tụng niệm đạo mầu bước lên
Ðể tạo phước báo thiện duyên
Ngày sau sẽ hưởng vượt lên cõi trần
Ðừng say ngũ dục ấm thân
Lầm mê trần thế, đắc phần tội mang
Ai ai thức tỉnh thế gian
Vô thường quỉ bắt, biết đàng nào đi ?
Thân tâm hoàn cảnh bủa vây
Nghiệp mang lửa đốt, do đầy lầm mê
Ai ơi lòng hướng cầu về
Nương theo chánh đạo một bề tu thân
Tử sanh khổ ải muôn phần
Vô thường phải sợ chuyên cần tu tâm
Khổ công giáo lý nghiêm tầm
Tâm kia bền vững đừng lầm đường mê
Ðó là giác ngộ đường về
Ai ơi nhớ lấy chớ mê cảnh trần.
 Trích soạn lại theo "Phật học sám kệ" - Thiích Tâm Minh - Bản in lụa Sàigòn 1994.

210. VĂN TẾ LIỆT SĨ
(Thí thực cô hồn 10)


Hỡi chư Liệt sĩ ôi!
Họa đao binh từng đốt nung đất Việt
Nạn xâm lăng đã giày xéo trời Nam
Phận làm trai, đành gánh vác nợ non sông
Người chiến sĩ, phải hy sinh đời oanh liệt
Nhớ những anh hùng xưa!
Vì chánh nghĩa, mất còn nào tiếc
Rửa nhục chung, sống chết đâu màng
Chốn sa tràng, trải mật phơi gan
Nơi chiến địa, nóng sôi nhiệt huyết
Gió đạn, mưa bom ào ạt, xông pha bắn giết
Núi xương, biển máu lăn mình, dày đẫm đau thương
Màn trời chiếu đất, lướt trời nồng, dãi nắng dầm sương
Vó ngựa sa trường, dày gió bụi, mang sao đội nguyệt
Vì nước vì dân, trước cái chết, vươn mình quyết tiến
Thương nòi thương giống, giữa đời trai, nung chí anh hùng
Ðạn nổ súng rền, gió hơi bom,
long trời lở đất, thi gan tiến tiến xung phong .
Cờ phất còi reo, tiếng trống dục,
chật đất tràn đồng, gắng sức đùng đùng tử chiến.
Dưới làn bom, thịt nát xương tan,
Ðành ngã gục không hề khuất tiếc.
Trước mũi súng, ruột tuông máu đổ,
cam lụy mình chẳng khứng phục hàng.
Người chiến sĩ, đền xong nợ nước,
trang sử xanh đánh dấu hiên ngang.
Ðấng anh hùng, rửa sạch nhục chung,
đài liệt sĩ nêu gương trung liệt.
Than ôi!
Vì nước quên mình, sống oanh liệt chết càng oanh liệt.
Xả thân báo quốc, sống vinh quang chết cũng vinh quang
Cảm thương người, tai nạn tràn lan
Thương xót kẻ, uổng oan mất tích
Nhờ đức Phật độ về cõi tịnh
Nương tiếng Kinh thoát kiếp đao binh
Nơi dạ đài, người tử si có linh
Nương thể phách, về trai đàn chứng giám
Hỡi ơi! Thương thay!
Có linh xin chứng! Có linh xin chứng!

 Trích soạn "Kinh Nhựt tụng" - Chùa Niệm Phật Bình Dương 1994.

211. VĂN TẾ CÔ HỒN (II)
(Thí thực cô hồn 11)


Từng nghe đạo cả, kỉnh thuật lời quê
Cõi nhơn gian thủy lục ê chề
Nỗi hồn phách tử vong ngao ngán
Trên đến bực vương hầu khanh tướng
Dưới đến người sĩ cổ nông công
Nào kẻ ty, nào người tôn
Nào là nam, nào là nữ
Hoặc có kẻ buộc mình trong linh ngữ
Hoặc có người sẩy bước chốn sa tràng
Hoặc sa hầm sa hang
Hoặc trúng thang trúng dược
Ðau ngang, dây buộc, sản nạn, huyết bồn
Hoặc nước bệnh dịch ôn, hoặc suông búa sấm
Phép vua giảo trảm, trù ẻo vong thân, loài ấy rất nhiều
Nhiều đã quá nhiều, dẫu muốn kể, kể sao cho xiết
Kìa nương dựa, mả mồ đà mất biệt,
Nào từ đường, nơi chỗ có chi chi
Bơ vơ bên bụi dưới cây, lài lạc chốn đầu gành cuối biển
Khổ nhiều nỗi gió mưa xao xuyến,
Biết mấy thu lạnh nắng đổi thay
Chẳng bốn mùa nào kẻ lạc trai
Mãn tám tiết vắng người đơm quảy
Rầu rầu rỉ rỉ, cõi u minh biết mấy xuân thu
Mù mù mịch mịch, đường xuất lý mảng đợi trông ngày tháng
Hội vô giá may vừa gặp khoản,
Nương theo công bí mật hôm nay
Này hà sa Phật tử là ai, rày gặp lúc tiêu diêu cõi thánh
Nọ lụy thế oan thân mấy kẻ, lại nhờ ơn giải thoát nợ trần
Chiến sĩ ôi! Cô hồn ôi!
Ngôi liên đài quanh quất bên thân
Miền tịnh độ chán chường gần trước mặt
Ngón tay búng chẳng phiền nhọc sức
Ðã chứng vào trong bực vô sanh
Lòng hởi lòng, lòng vốn hư minh
Ấy rõ thấu, ngôi Quan Âm Phật.
Nam Mô Siêu Lạc Ðộ Bồ Tát Ma Ha Tát.
 Trích soạn theo Kinh Nhật Tụng - Bồ Tát Như Nguyện Thích Thiện Huê - Chùa Niệm Phật - Bình Dương 1974.

212. HỒI HƯỚNG TẾ VĂN
(Thí thực cô hồn 12)


Kiến văn như huyển ế
Tam giới nhược không hoa
Văn phục, ế căn trừ
Trần tiêu, giác viên tịnh
Phục dĩ,
Nguyên chơn như thanh tịnh
Tội tánh vốn là không
Biển khổ rộng mênh mông
Sóng quanh theo đuổi mãi
Bởi nghiệp cảm chúng sanh mang phải
Khiến trầm luân kiếp nọ chịu đọa đày
Ðịa ngục đà thọ báo đắng cay
Ngạ quỉ lại chuyển sanh đói khát
Ðã chẳng có ngày giải thoát
Ắt là không chỗ đặng siêu thăng
Ví chẳng nhờ từ nguyện đức kim thân
Ðể mở đặng đảo huyền dây ác thú
Chơn thuyên ấy, niệm đôi câu chú
Thí ra trên tiệc cam lồ
Bảo cự kia, thắp một ngọn đèn
Soi khắp trong đường minh giới
Nào những mấy dòng mê cả thảy
Khiến đều về cực lạc phương tây
Buổi đạo tràng nay, khắp thỉnh vào viên thí thực
Ðem công đức ấy, trở về trong núi Thiết vi
Diệm nhiên Ðại sĩ một tay
Thống lãnh cả ba mươi sáu bộ chúng
Ngạ quỉ hằng hà sa số
Vô lượng vô biên xiết kể biết bao
Cúi xin từ kiếp bỏ liền
Cho đến ngày tái thế
Tiêu nghiệp chướng chẳng còn chút để
Rửa tội khiên phút đã sạch rồi
Vạc nóng dầu sôi, biến làm bồn liên trì bát đức
Lò hừng lửa cháy, hóa thành tòa hương cái thất trân
Kìa mũi gươm trần, kiếm thọ hóa ra ngọc thọ
Nọ con dao sắc, đao sơn đổi lại bửu sơn
Khắp nơi bủa chật thiết sàng
Hiện pháp tòa Bồ đề là đó
Với chảo đựng đầy đồng trấp đỏ
Sái đề hồ cam lộ vào đây
Gặp người trái chủ hôm nay
Buổi đó hết đòi hết hỏi
Nhóm kiếp oan gia buổi trước,
Cùng nhau thôi vấn thôi vương
Dạ hưng từ ngục chủ yêu thương
Lòng từ thiện minh quang bảo hộ
Thân phụ mẫu đa sanh kim với cổ
Nay thời nhập Thánh siêu phàm
Nợ nhơn thân lụy thế hết còn
Rày đã thừa ân giải thoát
Cõi thiên thượng ngũ si chẳng hiện
Miền nhơn gian tứ tướng có chi
Tu la đà bỏ cả sân si
Ðịa ngục lại hết điều khổ não
Hồn ngạ quỉ nhộn nhàng sáu đạo
Hứng gió thanh khỏi chốn lửa hồng
Giống làm sanh chật nức mười loài
Lên bờ giác lánh nơi đường tối
Khắp xin cả hữu tình một nỗi
Quốc độ này, quốc độ nọ
Và vô lượng các quốc độ thảy
Cùng nhau chung chứng chơn thường
Lại nguyện cùng hàm thức mấy loài
Thế giới đó, thế giới đây
Và vô lượng các thế giới nào
Buổi đó đều nên Phật đạo
Tứ ân khắp báo
Tam hữu đều nhờ
Người trong pháp giới bao giờ
Ai ai cũng đồng nên chưởng trí.
 Trích soạn "Kinh Nhựt Tụng " Chùa Niệm Phật - Bình Dương 1974.

213. KỆ KHUYÊN ÐỪNG SÁT SANH
(Văn khuyến tu 10)


Muôn loài nào khác chi ta
Cũng tìm sự sống lánh xa tai nàn
Có cha mẹ, có họ hàng
Kết bè sinh hoạt, hiệp đoàn tương siêng năng
Ta đừng giết nó mà ăn
Cũng đừng bắt nó trối trăng giam cầm
Bẫy câu, chước độc, mưu ngầm
Làm cho chúng nó âm thầm đớn đau
Lạc bầy dớn dác xôn xao
Lại e cái nạn thớt, dao hầu gần
Mình có thân, nó cũng có thân
Nuôi mình, giết nó trái cân công bằng
Lâm mình cảnh ấy khổ chăng?
Giả như có kẻ bắt phăng chúng mình
Mẹ cha cô bác thảm tình
Xót xa đã lắm, bất bình biết bao
Ruột rà ai cắt chẳng đau
Thương tình ai dứt, chẳng đau gan vàng
Nếu ta suy nghĩ kỹ càng
Tình này, cảnh ấy rõ ràng tương thân
Làm người ta có lòng nhân
Hãy khơi tánh Phật, lần lần sáng ra
Người cùng muôn vật một nhà
Ta là anh chị, chúng là đàn em
Khôn hơn ta phải xét xem
Trông nom giúp đỡ đàn em dại khờ
Khi lâm nạn chúng bơ vơ
Mau tay tiếp cứu chớ ngơ mắt nhìn
Thấy ai giết thác sanh linh
Lấy lời khuyên giải, dụng tình cản ngăn
Thú kia nó cũng là thân
Cũng xương cũng thịt cũng phần như ta
Ðánh đau chúng nó kêu la
Tiếng rên đứt ruột, tiếng la xé lòng
Tánh linh người vật cũng đồng
Xuống tay bao nỡ, cầm lòng sao đang
Thân ta thì muốn cho an
Mà thân kẻ khác lại toan xéo giày
Lòng ta muốn tránh nạn tai
Sao cùng kẻ yếu ra oai dữ dằn
Nếu ta biết lẽ công bằng
Biết câu phước tội, biết căn luân hồi
Chớ nên giết nó đành rồi
Cũng đừng hành hạ, tỏ lời dễ khinh
Chớ cho chúng khổ vì mình
Mở lòng thương xót tấm hình hài kia
Ðừng làm chúng nó chia lìa
Con nầy xa mẹ, con kia cách chồng
Ðừng bày cắt cổ, nhổ lông
Việc làm cũng phải dự phòng về sau
Dây oan ai lại buộc vào
Kiếp nầy gây nợ, kiếp nào trả xong
Muốn cho mình được thong dong
Ðừng làm kẻ khác khổ lòng làm chi
Chớ vì một chút sân si
Mà bao oan trái kéo trì cuốn lôi
Muốn ra khỏi biển luân hồi
Quả kia phải hái cho rồi đừng gieo
Dừng chân là bóng chẳng theo
Nhơn tay thì nghiệp chẳng đeo bên mình
Ai ơi! Nên khá giữ gìn.

 Trích Kinh Nhật tụng - Tịnh xá Trung Tâm - Sàigòn 1974.

214. SÁM VĂN SỰ TÍCH HI THỊ, CHÍ CÔNG
(Văn khuyên tu 11)


Tích xưa nhân quả một đường
Có Bà Hi thị, xà vương biến hình
Bởi gieo nhân dữ sát sanh
Khiến cho Tam bảo điêu linh một thời,
Mới hay oan báo chẳng rời
Nếu không cắt đứt đời đời tiếng chê
Xem gương Hi thị gớm ghê
Phá Tăng hủy Phật nặng nề oan khiên
Sát sanh mất hết phước duyên
Làm bánh nhưn thịt cúng liền Chí Công
Nào hay ngài đã tỏ thông
Tráo bánh nhưn đậu ăn không tội gì
Tánh tình Hi thị ngu si
Xé kinh, đập tượng mắng thì chúng Tăng
Bởi vì nghiệp báo tiền căn
Hại người, người hại lẽ hằng xưa nay
Tu hành giữ giới trì trai
Bốn giờ Lương gáy dậy mà tụng kinh([1])
Cớ nào đem dạ bất bình
Hòa thượng đi khỏi tự mình giết Lương
Cho nên sái đạo chơn thường
Khiến ra Hi thị nhiều đường tai ương
Mãng xà thân rắn thảm thương
Ở ngoài rừng nội tuyết sương lạnh lùng
Hi thị nhớ nghĩ hãi hùng
Xảo ta sao chẳng chịu dùng tu thân
Ðể làm chi việc sát nhân
Nay ta phải bị khổ thân chốn nầy
Phổ Môn thuyền báu là đây
Tỏ thông nghĩa lý nhờ Thầy giải phân
Quan Âm xưa cũng thường nhân
Phát lòng thệ nguyện chí chơn tu hành
Hôm nay Ngài đã viên thành
Tầm thinh cứu khổ chúng sanh đời đời
Hi thị bà mới mở lời
Phát tâm thiện niệm vậy thời Nam mô
Quan Âm Bồ Tát Như Lai
Từ bi cứu khổ muôn loài chúng sanh
Con nay thệ nguyện tu hành
Giải thoát thân rắn vãng sanh thiên đường
Quan Âm cảm động lòng thương
Phóng quang hiện tướng tỏ tường kim thân
Chói lòa khắp hết hồng trần
Quan Âm bèn dụng phép thần phóng ra
Ma ni châu bửu đây mà
Ðể vô trong miệng nói ra tiếng người
Cầu Lương Võ Ðế giúp ngươi
Rước Thầy sám hối đàn trời tụng kinh
Mãng xà Hi thị chớ khinh
Trở về cung viện sự tình tỏ phân
Nhắc qua Võ Ðế lâm trào
Chúa tôi Ngài mới bước vào Ngân An
Nhìn xem thấy rắn kinh hoàng
Mãng xà cất tiếng vang kêu nài
Thiếp là Hi thị về đây
Cầu xin Thánh thượng rước Thầy sám văn
Bởi vì tại kiếp tiền căn
Phá hủy kinh tượng đánh Tăng đốt chùa
Nhân xưa đâu phải chuyện đùa
Quả nay làm rắn bốn mùa tuyết sương
Cúi xin Thánh thượng lòng thương
Trai đàn thiết lập cúng dường chư Tăng
Từ nay thiếp nguyện ăn năn
Giải thoát thân rắn siêu thăng thiên đường
Chí Công Hòa thượng đoái thương
Nhập định cầu khắp mười phương Thánh hiền
Ðêm ngày lễ sám kiền thiền
Bốn mươi chín buổi tự nhiên an hòa
Hi thị cổi lốt mãng xà
Hiện thân tiên nữ đứng mà trên mây
Cúi đầu làm lễ lạy Thầy
Giã từ Võ Ðế cõi tây đặng về
Thiện ác nhân quả bảng đề
Làm lành đặng phước chớ hề bỏ qua
Xem gương Võ Ðế vậy mà
Làm dữ mắc họa như bà chánh cung
Ai ai nghe đến cũng run
Tránh xa sát nghiệp thung dung tu hành
Kíp mau bỏ dữ làm lành
Ngày sau mới đặng vãng sanh liên tòa
Lương hoàng bửu sám tụng qua
Ngày đêm lễ lạy Phật Ðà mười phương
Chí Công Hòa thượng lòng thương
Soạn ra Bửu sám làm gương tu hiền
Bao nhiêu tội nặng dứt liền
Tạ ơn sám chủ đàn tiền chứng tri.
Nguyện trì ngũ giới tam quy
Nguyện tu thiện nghiệp nguyện ly luân hồi.
 Trích soạn theo bài "Nguyên Thông Học tập Tam Quy Ngũ Giới " Của Thiền sư Thích Chơn Thường - Trường Quang Tự Mỹ Tho 1952.
- Chiêu Ðề trích soạn - Xắ lợi tự - TPHCM 1997.

215. THIỀN CƠ YẾU NGỮ VĂN
(Sám hồi tâm 6)


Lánh phồn hoa thanh nhàn dưỡng tánh
Sửa tấm lòng thủng thỉnh hôm mai
Xét mình kém đức sơ tài
Kính tin đã có Phật trời chứng minh
Thuở phù sinh gẫm mình thiếu phước
Ngỡ tình cờ gặp được chánh tôn
Cảm ơn đức lớn rộng dung
Thâm ân đều gởi về dòng Phật gia
Lòng thiết tha bốn ân hằng đội
Phải toan phương tìm dõi minh sư
Tập rèn lựa lọc kinh thư
Chí lăm vượt tới vô dư cõi ngoài
Thường đêm ngày dồi mài lòng cũ
Cá hóa rồng chờ có thuở nên
Ân sâu ghi dạ lo đền
Vun trồng cội đức, giữ gìn chi sai
Trọng hiền tài kỉnh tin tri thức
Kết bạn lành nhờ đức hôm mai
Ngọc lành sao chẳng dồi mài
Gương xưa nỡ để trần ai lâu ngày
Rất chóng thay tháng ngày dường gió
Tới non vàng dễ bỏ về không
Ngựa qua cửa sổ kịp dong
Vui chi cá chậu chim lồng chẳng lo
Ðã xét soi dốc theo thiền giáo
Vật phi tài vô đạo chẳng tham
Ruộng người năm mẫu hằng làm ([2])
Lọ là ruổi bắc tìm nam nhọc nhằn
Nhà sáu căn che thân ngày tháng ([3])
Một ngọn đèn rọi sáng mười phương
Hương phần ngũ phận danh hương
Dâng lên thượng điện cúng dường pháp thân
Tu cho cần thoát ba đường khổ ([4])
Dựa thuyền từ tìm ngõ tây phương
Hôm mai lễ niệm không vương
Chúng sanh mê muội lòng thương nỡ nào
Cháy hồng hào rần rần lửa dục
Nước ái hà rục rục dầu sôi
Gương xưa trí tuệ trau dồi
Dùng thanh lương thủy mà rươi lửa phiền
Hãy tùng quyền nương thuyền vô để ([5])
Vượt ái hà nào kể phong ba
Dạo chơi thế giới Ta bà
Ðâu đâu là chẳng cửa nhà bần tăng
Xem giàu sang ví bằng mây nổi
Gẫm lợi danh dường đỗi mưa dông
Vì tham tài sắc huyễn không
Nên nỗi mê lòng sanh tử bèn quên
Ðạo làm người ân trên phải nhớ
Gắng công phu bồi nghĩa bồi nhân
Mười phân chưa đặng một phần
Lấy đâu ngay thảo xứng cân cho tày
Dễ dám quên ơn thầy nghĩa bạn
Chút lòng đan muốn cạn hiếu trung
Một nồi hương tuệ đốt xông
Ba biến kinh lòng thường niệm hôm mai
Chữ sắc tài mặc ai đua sánh
Giữ phận hèn nương cảnh thiền Tăng
Mây che nên nỗi mờ trăng
Huệ nhựt thăng đằêng sương tuyết mới tiêu
Thuốc hay chữa đặng bệnh nghèo
Vâng lời Phật dạy tội tiêu phước dày
Như nhau dọc mũi ngang mày
Lòng phàm lòng Thánh cách thay ngàn trùng
Hãy dồi lòng “sắc không không sắc”
Lo chi đường ruổi bắc tìm đông
Nhớ câu ma Phật hỗn đồng
Vằng vặc đèn lòng soi xét chẳng sai
Sự sắc tài hay dời lòng đá
Hằng lánh xa chớ bá chớ chen
Cung dâu khéo bắn thì lên
Chuyên chí giữ gìn đạo cả ắt nên
Hãy chăm lòng vun cây tưới nước
Quả Bồ đề chắc được chẳng sai
Bỏ về thì thiệt mặc ai
Chớ khá chê cười mà tổn phước ta
Tảo tự gia môn tiền chi tuyết ([6]).
Hơi nào mà đàm thuyết sự ai
Mực vào son thắm ắt phai
Gần đấng hiền tài, người dữ xa trông
Tính chuốt trong, vì không nhân ngã
Tợ trăng rằm chẳng bá chút mây
Bã bôi liền cật chẵng nài
Thảo lư am tiện tháng ngày dựa nương
Cũng đã từng trải đường danh lợi
Uổng nhọc mình thấy vậy lại không
Sửa chí dùng, an lòng phân khổ
Tháng ngày thường vui thú Phật tiền
Giàu sang là áng ưu phiền
Gây đường nghiệp chướng cần quyền làm chi
Lời thị phi khen chê mặc thế
Hơi nào mà cấm chợ ngăn sông
Tơ kia ra mối ắt xong
Máy thiền ngộ đặng tấm lòng bằng an
Lửa cháy tàn lò than rời rạc
Tưởng người đời há được bao lâu
Mấy ai cho biết mà cầu
Ngàn vàng dễ đặng lời mầu không trao
Ðạo đức cao nên người kính mến
Quyết một lòng vượt đến Linh sơn
Cho hay túi rách có vàng
Ðêm tối lạc đường, nhờ đuốc người ngay
Vun lấy cây chờ ngày ăn trái
Chữ cạn cùng, nghĩa lý thấm sâu
Ðất liền ai mượn bắc cầu
Bệnh lành phải dụng thuốc mầu làm chi
Sự u mê khác chi tằm kén
Mình buộc mình ai khiến đó sao
Thuyền đưa xảy gặp ba đào
Chóng chèo gắng sức tiêu dao có ngày
Nom dưới ngòi ngậm ngùi bóng thỏ
Thấy trăng tròn tay vỗ ca xang
Bởi mình vụng liệu chẳng toan
Chân không bước ngược lên ngàn đặng đâu
Tuổi bạc đầu độc sâu không giản ([7])
Tham giàu sang biển cạn không phải
Thân người như tuyết ban mai
Bề ngoài sắc tướng dồi mài làm chi
Vàng mạ xi trau chi vật ấy
Sao chẳng tìm cho thấy chân kim
Ðèn kia sáng bởi vì tim
Ðốt thì thấy tỏ lọ tìm đâu xa
Phật trong nhà thật là rất báu
Biết tu trì đại đạo ắt nên
Kẻ khó hèn tu hành chớ nệ
Cây một mình chớ kể rằng cây
Quản bao lưng gió xông mây
Nhọc nhằn chớ nại quả rày mới cao
Mật ngọt kia dính dao mấy chút
Phỉnh hài đồng liếm mút đứt môi
Ngao cò vô ý chẳng coi
Mỡ dính miệng rồi được mấy mà ham
Ngụ thảo am luận đàm đạo lý
Chữ lợi danh, phú quý chẳng tham
Ðạo lành phải gắng mà làm
Máy thiền ngộ đặng mới cam tấm lòng
Thuyền giữa dòng chí mong tới bến
Dễ lòng còn tham mến chi sao
Mình bia sá nại tên lao
Cây kia đúng sức, đẽo bào mặc ai
Chốn Chiên già khoan thai dưỡng tánh
Ðượm màu thiền tịch mịch sớm trưa
Bữa dùng rau cháo tương dưa
Ý quen đã hiệp, miệng vừa thời thôi
Nước chảy xuôi thuyền kia chống ngược
Chốn phàm trần tu được mới ngoan
Chí công mài sắt cũng mòn
Ðường trường chớ ngại lòng son cho bền
Kinh thánh hiền cho chuyên tập đọc
Sự chửa từng chẳng học sao nên
Chưa nên chớ khá xa thầy
Bệnh già dễ dám buông hài đi không
Còn cách sông nương thuyền Bát nhã
Ðến bờ rồi mới thỏa chí mong
Sự ở lòng tỏ thông thì được
Phật hiện tiền phải kiếm đâu xa
Nên hư cũng ở lòng ta
Chẵng chánh thì tà, chẳng ngộ thì mê
Quả Bồ đề một mai có chín
Hoa Ưu đàm hóa hiện mấy thu
Tam thừa diệc trí dữ ngu ([8])
Dứt trừ vọng niệm công phu mới thuần
Có bi có lực có hùng
Mới đủ sức dùng vượt biển trèo non
Một bầu nhiệm giữ càn khôn
Tùy duyên hóa độ ai còn dám chê
Ngày xuân thong thả tay đề
Bút hoa thảo thảo chép ghi để truyền.

 Thiền sư Toàn Nhựt 1754-1832 - Sao từ bản in Thạnh Mậu 1960 (mất nhiều đoạn). Ðối chiếu bổ sung đầy đủ từ Lịch Sử Phật Giáo đàng trong - Nguyễn Hiền Ðức - NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1995.

216. GIỚI HÀNH ÐỒNG TỬ VĂN
(Sám hối tâm 7)


Tiết đông thiên đài đêm lâu khắc
Một mình ngồi tịch mịch mao lư
Ðã thương hậu học sơ cơ
Chưa thông kinh luật còn lờ tánh linh
Lại lo mình chuyên phương niệm Phật
Ðâu dám cho thẳng giấc Trang Chu ([9])
Ðạo này rộng nhiệm cao sâu
Trẻ nay biếng học già sau biết gì
Lóng tai nghe các liêu vãi đạo ([10])
Lâng lâng chìm sâu giấc như nhau
Ðặt mình những thuở canh đầu
Cho liền một giấc trống lầu điểm năm
Hãy còn nằm pho pho mà ngáy
Phải như Thầy để dậy sáng ra
Tớ Thầy cũng thể con, cha
Ðem phần dạy dỗ rằng mà sao nên
Phải răn khuyên chúng suy xét tỏ
Tua nhớ lời hối ngộ lo thân
Tổ xưa đã để lời răn ([11])
Sửa mình tấn đạo, giảm ăn ít nằm
Lại chí lăm thoát vòng sinh tử
Ắt sớm toan noi giữ lời xưa
Kìa như lớp trước Nho gia
Ông thì treo tóc người hằng gối cây ([12])
Hội rồng mây vận sau phát đạt
Hưởng vinh hoa danh tạc sử xanh
Ðể rồi cũng chịu gia hình
Tôn thân lửa chói triều đình trọng thương
Vả thế gian lo phương no ấm
Các nghề đều dậy sớm thức khuya
Huống chi đại đạo từ bi
Tục ăn mê ngủ việc gì cho nên
Ông Cao Phong ba năm lập nguyện
Không gần giường chõng đến một giây([13])
Ông thì thiền định trên cây ([14])
Ðặng mau thấy Phật dẹp bầy thùy ma([15])
Nay chúng ta sinh đời ngũ trược
Gắng học theo lớp trước mới hay
Khuyên cùng vãi đạo chúng bay
Muốn mau chứng đạo thuở nay cầm quyền
Chịu lao phiền ở trong ba cõi
Phật nói rằng vì cái thùy ma
Nó làm khốn khổ chúng ta
Mắc thân hữu lậu ở nhà vô minh
Việc tử sinh vô thường tấn tốc([16])
Kíp lo toan tu học cho chuyên
Muốn sau nhiều phước cả duyên
Chói nêu Phật pháp chớ quên lời thầy
Thương chúng bay gắng công răn dạy
Dễ muốn chi làm vậy mệt ta
Hễ người cho biết lo xa
Bé thì làm tớ lớn ra làm Thầy
Nếu lúc này luật kinh chẳng rõ
Biết lấy chi tiếp độ hậu côn
Phước đà vào chốn Phật môn
Tua trừ tham trược chớ còn sân si
Học từ bi cùng là hỉ xả
Lại nhớ câu Bát nhã Ba la
Gắng công hàng phục quần ma
Thoát vòng hắc ám lên nhà quang minh
Ngộ vô sinh, pháp thân tự tại
Mặc tùy duyên ba cõi ra vào
Ân sâu nghĩa nặng mẹ cha
Cù lao cúc dục chúng ta nên hình
Ðạo sinh thành ví như trời đất
Lại cho đi đầu Phật xuất gia
Tưởng nên đạo cả nghiệp nhà
Tiếng mình rạng chói mẹ cha cậy nhờ
Nếu lơ mơ tu không đắc đạo
Biết lấy chi trả thảo đền ơn
Một mai phút đến vô thường
Làm sao cho khỏi Diêm vương gia hình
Làm súc sinh cùng loài ngạ quỉ
Ðến bây giờ năn nỉ kịp đâu
Thầy đà tỏ bảo trước sau
Khá điều tạc dạ, mựa hầu lãng xao
Nguyện xuất gia vượt qua biển khổ
Ðể thân nầy ở chỗ am tranh
Vậy nên lánh trược tìm thanh
Theo Thầy học đạo tu hành giới trai
Cơ hàn tân khổ chi nài
Lóng trong tánh nước, dồi mài lòng gương.
 Nguyên bản của Ngài Toàn Nhựt Thiền sư (1754-1832) - Ðối chiếu từ hai bản đánh máy lưu trữ của tủ sách Giác Ðạo Như Tâm cung cấp và bản in "Lịch sử Phật Giáo đàng trong" của Nguyễn Hiền Ðức - NXB Thành Phố HCM 1995.
 Nguyên văn thiếu mất một câu, Chiêu Ðề soạn bổ sung câu thứ 27 - Khi nào tìm được nguyên bản, sẽ đính chính lại. (Người soạn.)

217. HOÁN TỈNH TRẦN TÂM KHUYẾN TU TỊNH ÐỘ VĂN
(Văn khuyến tu 12)


Chữ rằng : “Thiên cửu địa trường” ([17])
Phật Vô lượng thọ người thường hóa sanh
Ai ơi gắng lấy tu hành
Ðể sau tới bực vô sanh mới nhờ
Tử sanh hai chữ hững hờ
Sớm còn tối mất tựa hồ chiêm bao
Ai mà biết đặng phẩm cao
Công danh phú quý ngó vào hư không
Thạch Sùng tiếng nổi non sông
Sang giàu gẫm lại cũng không mấy hồi
Nghĩ đời mà lại sợ đời
Khôn ngoan mà khỏi luân hồi được chăng ?
Trách thân rồi lại than rằng
Tử sanh phú quý như từng mây che
Lợi danh ai thấy chẳng ưa
Vinh hoa biết mấy cho vừa lòng ai
Gẫm thân nào có lâu dài
Chữ rằng “nhựt vãng nguyệt lai” mấy hồi([18])
Sự đời biết nghĩ thì thôi
Giờ không toan liệu sau rồi làm sao ?
Thân này lấp lửng trên cao
Cây bờ dây giếng có bao lâu dài
Ðội trời đạp đất khoe tài
Vênh vang mà có đời đời đặng không ?
Tử sanh hai chữ chẳng đồng
Chết thì muôn kiếp, sống không mấy hồi
Nhân sinh ai cũng thế này
Cuộc vui ai thấy chẳng say sưa lòng
Chữ rằng “Sắc tức thị không”
Ví trong giấc mộng gẫm trong người đời
Cõi trần mấy chút thảnh thơi
Vênh vang cho mấy sau rồi làm sao
Nhớ xưa Hàn Tín tài cao
Ra tay giúp Hán biết bao công trình
Làm cho Tần, Sở thất kinh
Quyền cao chức trọng hiển vinh ai bì
Chẳng may gặp lúc hiểm nguy
Công trăm năm cũng bỏ đi một hồi
Làm người như thế thì thôi
Khác chi cát bụi mà chơi sự thường
Sao bằng hai chữ trung bình
Vui chi cho quá thất thường cực thân
Chữ rằng : "Lạc thị khổ thân"
Mê đường danh lợi, bỏ thân tồi tàn
Có vinh hiển, có gian nan
Không tu sao biết an nhàn tấm thân
Chữ rằng “Nhất nhật tu nhân” ([19])
Bao nhiêu tội chướng khỏa lần sạch không
Vượn còn biết mến rừng trong
Người sa vào chốn bụi hồng làm chi
Chim còn biết chốn ẩn vi
Người không biết chỗ để khi mà về
Sự đời gẫm lại mà ghê
Sanh lai tử khứ nhiều bề đắng cay ([20])
Chết thì đã chắc trong tay
Sống thì thấp thoáng biết ngày nào đây
Than rằng biển lớn non dài
Trời cao đất rộng thân nầy bao hơi
Những là vật sắc dò chơi
Công danh cát bụi đua bơi làm gì
Chi bằng hai chữ từ bi
Không trông danh lợi bận gì gian nan
Chữ tu là chữ an nhàn
Tham tài tắc tử, thế gian vô thường
Nhớ xưa Hạng Võ tranh cường
Làm cho thiên hạ tứ phương hãi hùng
Ra tài ra tướng anh hùng
Quân ba mươi vạn đối cùng ai hơn
Một mình cứ đỉnh bạc sơn
Nhà Hán cũng sợ nhà Tần cũng kinh
Ở đời vinh đã nên vinh
Cũng không khỏi chết bỏ mình Ô giang
Hết tài trí, hết khôn ngoan
Hết danh, hết lợi, hết sang, hết cường
Cho hay hoa nở cũng tàn
Pháo mà kêu lắm càng tan xác nhiều
Làm người chớ nghĩ thấp cao
Chớ so hơn thiệt mà xao xác lòng
Làm thân chi giống gà lồng
Sao bằng hạc nội muôn trùng cao bay
Khuyên người giữ giới ăn chay
Chí tâm niệm Phật có ngày thảnh thơi
Thuở xưa Phật cũng ra đời
Lánh vòng danh lợi ra ngoài càn khôn
Mới hay Phật đạo chí tôn
Làm người trước biết thiền môn tu trì
Ai ơi lòng thật chớ nghi
Tu hành dốc chí liễu kỳ tử sanh
Tuy rằng vạn quyển thiên kinh
Chẳng qua sáu chữ hồng danh rất mầu
Vui lòng một chuỗi giới châu ([21])
Sớm khuya tưởng niệm công phu mà lần
Ðã tu thì phải ân cần
Ðừng còn luyến ngó bụi hồng làm chi
Sau về Tịnh độ một khi
Thiếu chi châu báu, thiếu gì kim sa
Giữa không thường rải thiên hoa
Xuống hồ thơm nức chín tòa kim liên
Phật cùng Thánh chúng hiện tiền
Hào quang chói rạng bến biên bảo đài
Lời quê khuyên mấy ai ai
Gắng tu đến đó đặng đài châu ngân
May mà chứng đặng kim thân
Ðời đời thường ở chín từng phẩm cao.
 Bài do Ngài Toàn Nhật Thiền sư trước tác - (sđd)

218. SÁM HỐI TÂM HƯỚNG THIỆN
(Sám hối tâm 8)


Trong tám vạn bốn ngàn cửa Pháp
Nói không cùng lý đạt khó thông
Y theo Tịnh độ thiền môn
Mở ra một cửa chánh tông chân truyền
Tiếp khách thiền có duyên thời gặp
Dễ tu hành mà chắc nên công
Như thuyền ra đến giòng sông
Nước xuôi gió thuận khỏi công chống chèo
Ðường ngàn dặm một lèo thẳng tới
Khỏi quanh co biển ái sông mê
Khuyên đừng thấy dễ mà chê
Chớ trong sự dễ nhiều bề chẳng thông
Câu vô niệm ẩn trong hữu niệm
Có hữu vi mới nhiễm vô vi
Thử coi hoa trái vật chi
Lộ ngoài mới thấy có khi trong nhành
Có cội nhành mới sanh hoa trái
Không cội nhành hoa trái do đâu
Tụng kinh niệm Phật làm đầu
Cứ theo qui tắc chớ hầu sai ngoa
Tín hạnh nguyện giữa ba điều ấy
Trọn một đời như vậy cho y
Tín là tin chắc không nghi
Niệm Phật tưởng Phật đến kỳ vãng sanh
Chữ hành là làm lành một mối
Giữ thường thường chẳng đổi chẳng sai
Nguyện là muốn thấy Như Lai
Cầu về Tịnh độ liên đài phẩm cao
Do chữ Tín nhiễm vào chơn lý
Hữu sở hành, năng trí kỳ tri
Nguyện là chung hữu sở qui
Lòng thường tư tưởng cho y như lời
Ba căn ấy thấu trời tịnh độ
Thất bửu trì, hoa nở chờ ta
Báo thân để lại Ta bà
Tánh linh về yết Di Ðà pháp vương
Ra lửa vườn hết đường sanh tử
Quả Bồ đề bổ xứ siêu phương
Xưa nay giáo pháp chiêu chương
Rõ ràng Tịnh độ là đường vãng sanh
Dễ tu hành mau thành chánh quả
Các nẻo đường xa lạ hiểm nguy
Khuyên đừng thủ dị cầu kỳ
Nghe lời tà kiến mà đi sai lầm
Phật tức tâm thậm thâm tưởng niệm
Niệm thường thường công chuyện chẳng can
Trong nhà thiết lập một bàn
Ðến thời tu niệm sửa sang đàng hoàng
Mặc áo tràng thắp nhang cắm thẳng
Xướng hiệu rồi thoảng thoảng lạy ngay
Lạy rồi quì gối chấp tay
Tự trần tên họ sám bài nguyện sanh
Khi sám rành lạy ba lạy nữa
Ngồi bán già mình sửa cho ngay
Trừng tâm bế mục chấp tay
Lóng thần mật niệm hết bài xưng dương
Niệm thường thường tâm vương chủ một
Chuỗi tay lần mỗi hột mỗi câu
Niệm rồi chấp chuỗi khấu đầu
Niệm ba câu nữa mỗi câu mười lần ([22])
Mỗi mười lần chuyên thân khể thủ ([23])
Hồi hướng văn sám đủ kiền thiền ([24])
Khởi thân chiêm ngưỡng án tiền ([25])
Tạ đàn ba lạy hữu biên thoái hồi
Nghi Tịnh độ dọn rồi rất chắc
Lóng tâm thần sắp đặt chẳng sai
Y theo giáo pháp Như Lai
Chánh tông truyền kế chẳng sai chẳng lầm
Ðạo thậm thâm khó tầm khó kiếm
Sẵn sàng đây dễ niệm dễ tu
Kính khuyên nam nữ trượng phu
Biết thương bổn tánh phải tu kịp thời
Chớ buông lời nay mai sẽ tính
Cơn vô thường biết định bao lâu
Cõi trần trăm thảm ngàn sầu
Chưa toan dời bước còn cầu việc chi
Một câu niệm A Di Ðà Phật
Tiêu tội nhiều, phước thật vô biên
Căn lành trước có nhân duyên
Ngày nay gặp Phật phải chuyên tu hành
Nguyện chúng sanh đồng thành chánh giác
Chứng hưởng phần khoái lạc tiêu diêu
Cần tu tịnh độ bao nhiêu
Ðồng về cực lạc cao siêu liên đài
Văn tịnh độ một bài chỉ tắt
Nghi tu hành sắp đặt trước sau
Muốn tu phải học cho làu
Ðến khi hành sự mới mau việc làm
Khuyên đừng thế sự luận đàm
Tránh đường danh lợi để ham tu hành
Nguyện sanh về cõi lạc thành
Lâm chung gặp Phật vãng sanh sen vàng
Nam mô Tịnh độ Lạc bang
Chứng minh đệ tử Tây phang mau về.
 Trích "Pháp Môn Tịnh Ðộ" - Chùa Niệm Phật Bình Dương ấn hành 1974.

219. TIÊU TỰ THẦN CHUNG (Chuông sớm chùa Tiêu)
(Văn khuyên tu 13)


Khách chùa Tiêu ân cần Phật sự
Ðêm đêm hằng phân thứ âm dương
Giấc hòe hồn bướm mơ màng
Lầu quân, trống đã điểm sang năm dùi
Nỗi buồn vui, mặc lòng nhộn nhã
Gối chưa êm chưa hả sự lòng
Gió đưa mấy tiếng thần chung
Lóng tai nghe lọt, bên lòng vơi vơi
Dọi hòa trời, sao bay lẻ tẻ
Vén nhành dương, he hé bóng câu
Chày kình thánh thót đêm thâu
Tin nghe thì một, tin sầu thì trăm
Kẻ chẳng nằm, ngồi chăm đạo vị
Niệm cầu kinh, xử trí hằng đua
Dầu không lộc nước quyền vua
Cầu xoa lỗ kiến, cầu dùa chòm ong
Tiếng lạnh lùng, vận vòng sầu thiết
Khách tha phương sầu biết mấy mươi
Phủi buồn lập chí thảnh thơi
Ðã ôm sự nước, lại bươi sự nhà
Chạnh lòng già, riêng buồn chích gối
Một tiếng nghe bằng suối nước trong
Thuyền ai dặt dựa trên sông
Riêng than mấy tiếng não nùng nửa đêm
Kẻ lòng êm càng nhiều phổ tế
Ngộ thiền cơ làm lễ Y vương
Phong đô khi nổi hỏa thang
Dạ còn mơ tưởng mở mang từ đồ
Ánh vầng ô vén mù dương cốc
Tuệ nhãn xem trần tục cũng thanh
Ðường thiền khéo dắt bóng quanh
Cũng tay tinh trí tu hành rất sâu
Khách ngao du hứng tình vì cảnh
Bộ nguyên đề, phủ chánh tay cao
Rừng thiền sít sát án ngoài tào
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao
Chày thỏ bạt vang muôn khóm sóng
Oai kình tan tác mấy cung sao
Não phiền kẻ nấu sôi như vạc
Trí tuệ người mài sắc tựa dao
Mờ mịt gẫm đường say mới tỉnh
Phù sinh trong một giấc chiêm bao.
Bài do Mạc Thiên Tích trước tác - Ðây là bài thứ III trong mười bài được trích ra từ "Hà Tiên Quốc Âm Thập Vịnh" của Sĩ Lân Mạc Thiên Tích (1715-1780)
- Bản thảo do Giác Ðạo - Dương Kinh Thành cung cấp - tủ sách Giác Ðạo - Như Tâm TPHCM 1996.

220. BÁT NHÃ TÂM KINH (IV)


Khi hành Bát nhã Ba la
Ngài Quan Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
Nầy Xá lợi tử xét ra
Không là sắc đó, sắc là không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc, cũng sánh tày như nhau
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào
Cũng như sắc uẩn, một màu không không
Này Xá lợi tử ghi lòng
Không không tướng ấy đều không tướng hình
Không tăng giảm, không trược thanh
Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
Vậy nên trong cái chơn không
Vốn không năm uẩn cũng không sáu trần
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc thinh
Từ không giới hạn mắt nhìn
Ðến không ý thức, vô minh cũng đồng
Hết vô minh cũng vẫn không
Hết già, hết chết, giả không có gì
Không khổ, tập, diệt, đạo kia
Trí tuệ chứng đắc cũng là không không
Sở thành sở đắc bởi không
Các vì Bồ tát nương tòng huệ năng
Tâm không còn chút ngại ngăn
Nên không còn chút băn khoăn sợ gì
Ðảo điên mộng tưởng xa lìa
Niết bàn mới đến bên kia bến bờ
Ba đời chư Phật sau xưa
Ðắc thành chánh giác đã nhờ tuệ năng
Trí tuệ năng lực vô ngần
Ðại minh vô thượng, đại thần cao siêu
Trí tuệ năng lực có nhiều
Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
Trí tuệ năng lực vô biên
Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
Liền theo lời chú thuyết rằng
Ðộ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.
 Trích "Nghi Thức Tụng Niệm" - Hệ phái Khất sĩ - Thành hội Phật giáo TPHCM 1994.



Chú thích


[1]) Lương : con vạc sành
[2]) Ngũ uẩn.
[3]) Lục căn - Lục trần.
[4]) Tham sân si.
[5]) Thuyền không đáy.
[6]) Quét tuyết trước cửa nhà mình, ngụ ý chỉ lo riêng cho mình.
[7]) Không nở thêm ra.
[8]) Có sách ghi: tam thừa diệc trí thử ngu, hay tam thừa tuyệt trí thử ngu.
[9]) Trang Chu mộng thấy mình hóa thành bướm, không biết mình là bướm hay bướm là mình.
[10]) Các Tăng chúng chung quanh.
[11]) Tổ Linh Hựu (770-853) viết trong văn cảnh sách "Tấn đạo nghiêm thân tam thường bất tức".
[12]) Lưu Tuấn Hiếu liêm đời nhà Lương, nghèo nhưng ham học, ở nhờ chái nhà thiên hạ, treo tóc đốt đuốc học, lỡ ngủ ngục thì bị giựt cháy tóc. Tư Mã Quang đời nhà Tống, ham học, đẽo cây làm gối tròn để ít ngủ mà học.
[13]) Nguyên văn "Cật cùng giường chẳng bén một giây".
[14]) Thiền sư Ðạo Lâm (741-824) sôáng trên cây ở núi Tầm Vọng, do thiền định lâu ngày, chim quạ đến làm tổ trên đầu ngài , nên sau người ta gọi ngài là Ô Sào Thiền sư.
[15]) Ma ngu si - ma ngủ.
[16] Tiến bộ nhanh chóng.
[17]) Trời lâu đất dài.
[18]) Mặt trời đi, mặt trăng lại. Ý nói thời gian trôi đi nhanh chóng
[19]) Mỗi ngày làm một điều nhân, có sách viết "nhứt nhựt tu thân.”
[20]) Sinh ra, chết đi.
[21]) Chuỗi bồ đề
[22]) Ba câu : Quan Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát
[23]) Cúi đầu xá.
[24]) Lạy.
[25]) Ðứng dậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/08/2014(Xem: 17077)
Vu Lan báo hiếu lại về, Khắp nơi phật tử nhất tề dâng hương. Người người già trẻ bốn phương, Lên cầu cho mẹ, mến thương hết lời. Cửa chùa mở rộng đón mời, Hỏi thăm hiền mẫu trên đời còn không, Mẹ còn, chùa lấy hoa hồng, Cài lên vạt áo, cho lòng thêm tươi. Người nào mẹ đã qua đời, Thì cài hoa trắng, gửi lời nhớ thương.
05/08/2014(Xem: 6994)
Bạn nghe tiêu đề và thấy vô lý quá đúng không. Tôi cũng thế, nếu tôi chỉ đọc tên bài viết này thì cũng giật mình vì cho rằng có vấn đề. Rồi thấy buồn cười. Hằng ngày chúng ta suy nghĩ, nói năng, làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngay cả khi ngủ chúng ta cũng không nghỉ. Hằng ngày, khi chúng ta làm việc mà nếu tâm vẫn trong sạch, không mọc rễ, thì khi đó ta đã đưa tâm về nhà. I have a rrived. I am home. Ta đã về. Ta đã tới. Nhưng nếu ta làm cái gì đó rồi tâm ta mọc rễ thì ta đã đưa tâm đi xa nhà. I am far from my home. Ta đã đi xa nhà mất rồi, thật rồi.
01/08/2014(Xem: 9177)
Bạn bè tôi thường hay đùa nhau nói: giày dép còn có số huống chi con người ta. Tôi biết, đó là bạn bè đùa vui thôi! Cuộc đời tôi thì có gắn bó nhiều với những câu chuyện về giày dép. Có bạn còn nói: cái mũ người ta đội trên đầu mới đáng nói hơn, nói chi lòng vòng mấy cái chuyện giày chuyện dép, chỉ là món đồ dùng người ta mượn để đạp dưới đất mà đi. Thì cũng có sao đâu! Cái mũ đội trên đầu thấy „cao thượng“ nhưng lúc lỡ quên mang theo thì mình có thể chui vào đâu đó tránh nắng hay dùng khăn chùm đầu cũng đỡ lạnh. Nhưng giày dép mà vắng mặt thì… bạn ơi, có hơi chật vật đấy! Sỏi đá, gai góc vào chân thì chỉ có khóc thôi. Phải vậy không? Ai từng gặp cảnh ấy mới biết. Bởi nghĩ thế nên mấy cái chuyện giày chuyện dép ấy nó cứ đeo đuổi theo tôi nhiều năm, đến hôm nay mới có dịp kể ra đây.
31/07/2014(Xem: 7299)
Máy bay cất cánh từ phi trường Kastrup, Copenhagen lúc 20 giờ 30 tối, trong đầu tôi vẫn còn nỗi lo là mình đến phi trường Geneva lúc 22 giờ 25 rồi có gặp được các học viên của Khóa Tu Học Phật Pháp, hay có ai đến đón chúng tôi không? Như Thầy Quảng Hiền đã trấn an không?
30/07/2014(Xem: 6781)
‘Bạch Thế Tôn, mới rồi, một gia chủ giàu có ở thành Savatthi này qua đời mà không có con thừa kế. Con vừa cho chuyển tài sản của ông ta vào kho của hoàng cung; những tám triệu đồng tiền bằng vàng chưa kể số tiền bằng bạc. Mặc dù là một gia chủ giàu có, thế nhưng bữa ăn hằng ngày của ông ta thì chỉ là cháo nấu bằng gạo nát với bánh làm bằng đậu khô; y phục vỏn vẹn chỉ có ba mảnh vải dệt bằng sợi gai; phương tiện di chuyển là chiếc xe bò gãy gọng nóc lợp bằng rơm’.
29/07/2014(Xem: 8747)
Thông thường làm từ thiện, ai cũng liên kết với lòng Từ bi. Thấy ai làm từ thiện đều nghĩ người đó có tâm từ. Thật ra, cùng một động thái nhưng nội hàm có nhiều sai biệt. Có người vì xu hướng mà làm từ thiện, có người vì ham danh mà làm từ thiện, có người chạy theo phong trào mà làm từ thiện...những trường hợp nầy thiết nghĩ không cần phải đề cập, cái cần đề cập là những người thực tâm vì thương xót đối tượng mà làm từ thiện. Trường hợp nầy hoàn toàn đồng ý đây là tâm tốt, nhưng tốt đối với người bình thường trong xã hội, riêng với một Phật tử dù xuất gia hay tại gia, việc hành thiện còn phải xây dựng trên nền tảng tâm Bồ đề.
29/07/2014(Xem: 8687)
Tất cả chúng ta đều có thể bị bệnh. Một khi chúng ta được sinh ra trong vòng luân hồi sinh tử với thân thể này thì có nghĩa là chúng ta đã chịu sự ảnh hưởng của những phiền não và nghiệp chướng, cho nên bị ốm đau là điều không thể nào tránh khỏi. Đó cũng chính là bản chất của cơ thể chúng ta - thân thể này sẽ già đi và sẽ bị bệnh. Ma-ha Tăng kỳ luật, quyển 28, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, tập 22, trang 455b)
24/07/2014(Xem: 10553)
Hôm nay chúng tôi xin nói đề tài Ba điều căn bản của người tu Phật. Vì chúng ta tu Phật phải biết thế nào là cội gốc, thế nào là ngọn ngành. Ba điều này tôi căn cứ theo kinh Pháp Hoa, nhắc lại cho quí vị nhớ và thực hành.
22/07/2014(Xem: 9657)
Hoà thượng Chánh Tâm trụ trì ở chùa Kim Liên. Một ngôi chùa cổ, xinh xắn, ấm cúng, nhiều cây cổ thụ bao quanh. Chùa toạ lạc dưới chân núi, cạnh một con suối nhỏ chảy róc rách. Ngài có hai đệ tử, thầy tỳ kheo Tâm An và chú sa di Tâm Bình. Thầy Tâm An xuất gia từ thuở ấu thơ, vì mồ côi mẹ sớm. Thầy lớn hơn chú Tâm Bình đến hai mươi tuổi. Thầy đảm trách hai chức vị, Thị giả và Tri khách, nghĩa là vừa chăm sóc Hoà thượng, vừa lo việc trong, việc ngoài ở chùa. Thầy bận rộn suốt ngày, nhưng lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Chưa bao giờ ai thấy Thầy sân si. Thầy luôn luôn giữ phép lục hoà, trên kính, dưới nhường, làm mọi việc trong chánh niệm tỉnh giác, cần mẫn tinh tiến trong việc tu học. Sau công phu tối, Thầy thường toạ thiền dưới gốc cây cổ thụ bên bờ hồ sau chùa. Từ khi còn thơ ấu, Thầy đã được sự dìu dắt dạy bảo ân cần của Thầy Bổn Sư.
21/07/2014(Xem: 10496)
Những món thực phẩm dưới đây rất quen thuộc và bổ dưỡng. Nhưng nếu ăn không đúng cách thì hậu quả mà chúng đem lại cũng khôn lường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]