Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ IV: Các bài sám văn cầu an cầu siêu

10/05/201317:48(Xem: 15833)
Phần thứ IV: Các bài sám văn cầu an cầu siêu

Tuyển tập các bài sám văn - Tập III: 55 Bài sám văn âm nghĩa sưu tập

Phần thứ IV: Các bài sám văn cầu an cầu siêu

Thích Đồng Bổn sưu tập

Nguồn: Thích Đồng Bổn sưu tập

143 - SÁM CẦU NGUYỆN
TRAI TĂNG


Nay tín chủ lòng thành phát nguyện,
Lễ cúng dường phụng hiến chư Tăng.
Sắm sanh vật uống, thức ăn,
Thuốc men, mùng chiếu, áo chăn cúng dường.
Là tứ sự thông thường mọi việc,
Sắp gom vào một tiệc trai Tăng.
Lễ này vốn lễ cầu an,
Hiền tiền phụ mẫu được ban phước nhiều.
Và cũng để cầu siêu báo bổ,
Trong Cửu Huyền Thất Tổ từ xưa.
Ðược nhờ ân đức móc mưa,
Tiêu diêu khoái lạc phước thừa sanh thiên.
Cùng nội ngoại hai bên cật ruột,
Tổ tông đồng quyến thuộc lục thân.
Kẻ xa cho chí người gần,
Thảy đều thọ hưởng phước phần vẻ vang.
Lòng tin tưởng trong hàng Tăng chúng,
Bủa đức lành mưa phún nước rơi.
Từ bi thương xót cứu đời,
Ra ơn chú nguyện như lời cầu xin.
Vậy gom cả tâm linh hòa nguyện,
Phước lành nầy phổ biến thế gian.
Chúng sanh khắp cõi các hàng,
Siêu vòng nghiệp chướng thoát đàng trầm luân.
Xứ xứ thảy thấm nhuần đạo đức,
Người người đều ra sức cần tu.
Mưa hòa gió thuận êm ru,
Trăm nhà phước lạc muôn thu thái bình.
Ðịa ngục bớt hãm hình thống khổ,
Ngạ quỉ thường được chỗ siêu lên.
Súc sanh vượt cõi thấp hèn,
Theo duyên tiến hóa đua chen lần lần.
Ðường thiện đạo chư thần cải dữ,
Cõi nhơn người biết xử khoan dung.
Nhịp nhàng theo lẽ sống chung,
Chư thiên hòa hiệp thảy đồng yên vui.
Mớ vật chất lấp vùi hố thẳm,
Nẻo tinh thần bước giẫm lên cao.
Thánh vương phải mặt anh hào,
Hiền thần đức hạnh thanh cao dạy đời.
Dân lành biết giữ lời khuyến nhủ,
Chỉ chuyên lo chăm chú tu hành.
Không người giàu có ỷ mình,
Không người nghèo khổ, ghét ganh khích hiềm.
Chốn tù tội ngày đêm trống vắng,
Nạn điên khùng mất hẳn hôn trầm.
Ăn xin, đui, điếc, què, câm,
Bao nhiêu những cảnh thương tâm chẳng còn.
Núi xương trắng mau mòn thán oán,
Biển máu đào chóng cạn thù hằn.
Bầu trời độc khí tiêu tan,
Mùi hương bác ái thơm lan khắp cùng.
Chúng sanh biết tôn sùng Phật Pháp,
Tiếng kệ kinh lấn áp lợi danh.
Ai ai lánh dữ về lành,
Bến mê Ðông độ đổi thành Tây phương.
Không còn phải vấn vương tứ khổ,
Nỗi khổ sanh đến độ khổ già.
Khổ đau oằn oại rên la,
Ngặt nghèo khổ chết, xót xa bi sầu.
Kỉnh đức Phật nhiệm mầu đạo chánh,
Trọng chư Tăng khổ hạnh công dày.
Quí yêu Pháp bảo bực thầy,
Biết cây đuốc sáng hiệp vầy nương theo.
Kẻ sống chớ giàu nghèo xao xuyến,
Người thác đừng lưu luyến tríu mê.
Sanh giả không, tử giả không hề,
Sống nương cõi tạm, thác về quê xưa.
Vong linh được cải chừa nghiệp dữ,
Giữa ngày nầy tứ sự cúng dâng.
Là ngày tín chủ trai Tăng.
Cầu siêu nghiệp tội vong nhân bấy chầy.
Ðược thọ thưởng đủ đầy phẩm thực,
Lại chi dùng phước đức dồi dào.
Thêm nghe nhạc Pháp thanh tao,
Vội vàng thức tỉnh xôn xao qui đầu.
Lối tham chấp từ lâu được giải,
Nợ buộc ràng oan trái dứt tiêu.
Cất mình bay nhẹ cao siêu,
Thung dung khoái lạc tiêu diêu thanh nhàn.
Người hiện tại bình an thơ thới.
Sức khỏe tăng, phấn khởi tinh thần,
Sống lâu tuổi thọ thêm phần,
Trí thông, huệ sáng, sắc thân tốt màu.
Ý nghiêm mật giồi trau đức hạnh,
Mắt tinh vi theo chánh bỏ tà.
Ðoan trang mặc áo nhu hòa,
Ngồi tòa thanh tịnh, vào nhà Từ Bi.
Học thấu suốt huyền vi phép nhiệm,
Diệt tâm phàm vọng niệm chẳng sanh.
Tập trung tư tưởng điển lành,
Hào quang rạng chói chung quanh đỉnh đầu.
Bồ đề nguyện đạo mầu chứng đắc,
Bồ Tát thân dìu dắt thế trần,
Trang nghiêm thị hiện oai thần,
Ðộ trong sanh chúng tinh cần chuyên tu.
Người người biết công phu thiền định,
Dưỡng tinh thần thanh tịnh tự nhiên,
Cõi đời biển ái lặng yên,
Sông mê trong vắt não phiền còn đâu.
Chúng sanh thảy quay đầu bến giác,
Kẻ sống vui, người thác nhẹ nhàng,
Ðàn na tín thí công ơn,
Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài.
Hữu tình vốn nhơn loài động vật,
Vô tình là cây đất bao đồng.
Thảy đều đắc quả thành công,
Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.*

144 - KỆ VĂN VÔ SINH NIỆM PHẬT


“Lửa mồi ánh chớp có gì đâu ?
Ân ái sao còn quấn quít nhau !
Một túi da khô đầy bảo vật,
Tấm thân vàng kệch rượu cơm bầu.
Luân hồi sống chết ai là khỏi,
Tờ lệnh Diêm La kíp tới hầu,
Phúc tội tóc tơ bày rõ hết,
Phân minh sổ sách trước như sau.
Cột đồng giường sắt trông ghê khiếp,
Than khóc kêu gào tránh được đâu ?
Hối lại tu hành e đã muộn,
Ðầu thai làm kiếp ngựa hay trâu.
Nghiệp duyên chồng chất quên đời trước,
Nhờ Phật rồi đây mới thoát cầu,
Một điểm “Chân như” ai nấy sẵn,
Thoát vòng sinh tử niệm lên mau.
“Quạ bay, thỏ chạy chóng như thoi,
Than hỡi ! Ðời ta được mấy hồi,
Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh.
Quay đầu ta kíp niệm đi thôi !
Nam mô A Di Ðà Phật (1 tràng)
Dù cho nhà ngọc với kho vàng,
Cảnh đến Vô thường khó nỗi mang,
Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh,
Quan Âm Bồ Tát độ cho sang.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (10 tiếng)
Sống lâu bảy chục mấy ai đâu,
Trăm tuổi xem như bóng ngựa câu.
Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh.
Cầu xin Thế Chí độ sang mau.
Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (10 tiếng)
Giơ tay, cất bước tội ngang mày,
Ðịa ngục đao sơn cửa rộng thay,
Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh,
Cầu xin Ðịa Tạng độ sang ngay.
Nam mô Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (10 tiếng)
Hàm đan giấc mộng có hay chi ?
Cuộc thế lân la cái nỗi gì ?
Chỉ cõi Tây phương an lạc cảnh.
Thanh Tịnh Bồ Tát độ cho về.
Nam mô Thanh Tịnh Hải Chúng Bồ Tát (10 tiếng)
Nguyện vong chóng sinh sang Tịnh độ,
Ngôi cửu liên là chỗ náu nương,
Vô sinh, sen nở ngát hương,
Chư tôn Bồ Tát bên đường tiếp nghinh.
Chốn ao báu muôn sen đua nở,
Phật Di Ðà, Thế Chí, Quan Âm,
Tiếp hồn lên cõi Lạc tâm,
Phát lời thệ nguyện dự phần tiêu dao.*

145 - SÁM TIÊU TAI GIẢI HẠN


Con nay dốc hết tâm thành,
Kính lạy đức Phật Xí Thạnh Quang Vương.
Nếu con sắp bị tai ương,
Cúi xin chư Phật đoái thương giải nàn:
La Hầu hay bị tai oan,
Tháng giêng, tháng bảy vô vàn điêu linh.
Con nguyền học đạo sửa mình,
Sân si dứt sạch, Phúc tinh phò trì.
Thổ Tú, Thủy Diệu sầu bi,
Tháng tư, Tháng tám thiếu gì nhiễu nhương.
Cúi xin Phật Tổ xót thương,
Giúp cho con được gia đường bình yên.
Thái Bạch hết sạch cửa nhà,
Tháng năm tan tác vào ra bực mình.
Khẩn cầu Cửu Diệu Thất Tinh,
Cứu con thoát khỏi điêu linh cửa nhà.
Thái Dương tiền bạc kiếm ra,
Tháng mười, tháng sáu cửa nhà bình an.
Con hằng tâm nguyện vái van,
Cầu cho con được an nhàn thảnh thơi.
Vân Hớn dù có nói chơi,
Tháng hai, tháng tám bị lời thị phi.
Con nguyền học đạo Từ bi,
Nhớ lời Phật dạy, khắc ghi vào lòng.
Kế Ðô gia thất long đong,
Tháng ba, tháng chín, xa chồng xa cha.
Khấn cầu đức Phật Thích Ca,
Quán Âm phò hộ cửa nhà bình yên.
Thái Âm, mười một truân chuyên,
Tháng chín tốt đẹp, của tiền khá ra.
Khuyên người theo chánh bỏ ta,ø
Trau giồi đức hạnh, mới là chân tu.
Mộc Ðức, bổn mạng không xui,
Tháng chạp, phúc lộc, hưởng vui, thanh bình.
Gắng lo bố thí, phóng sinh,
Ðể cho hết thảy gia đình bình an.
Nguyện cho Ðại hạn tiêu tan,
Tiểu hạn hết sạch, an nhàn thảnh thơi.
Nguyện cho con được đời đời,
Hành Bồ Tát đạo, cứu người lầm than.*

146 - SÁM KỆ GIẢI NGHIỆP SÚC SINH


Chúng sanh đấy có bấy nhiêu,
Lắng tai nghe lấy những điều dạy răn :
Các ngươi trước lòng trần tục lắm,
Nên kiếp này chìm đắm sông mê.
Bấy lâu chẳng biết tu trì,
Gây bao tội ác lại về mình mang.
Sống đọa đày chết thường đau khổ,
Lông, da, sừng có đỡ được đâu,
Dù là bay trước lặn sau,
Lưới vây, tên bắn, lưỡi câu thả mồi.
Tát cạn bắt cùng hơi hun độc,
Lúc đó dù kêu khóc ai thương,
Nằm trên chốc thớt lạ thường,
Hồn còn phảng phất nấu rang xong rồi.
Muôn phần chết nay ngươi cầm chắc,
May sao nhờ các bậc thiện nhân,
Cứu cho ngươi được thoát thân,
Ðến đây lại được nhờ ân pháp mầu.
Vậy ngươi kíp hồi đầu quy Phật,
Cùng dốc lòng quy Pháp quy Tăng,
Quy rồi tội chướng sạch băng,
Trí khôn sáng tỏ tưng bừng khắp nơi.
Phát tâm tu sau rồi được hưởng,
Về phương Tây sung sướng đời đời,
Lên tòa sen hưởng thảnh thơi,
Không hề luân chuyển yên vui tháng ngày.
Xin đại chúng ra tay cứu khổ,
Phát tâm cầu Phật độ chúng sanh,
Cùng nhau dốc một lòng thành,
Cầu cho thoát khỏi trong vành trầm luân.*

147 - VĂN CÚNG CỬU HUYỀN THẤT TỔ


Thành kính lạy Cửu Huyền Thất Tổ,
Ngỏ đáp ơn báo bổ sanh thành,
Con quy y Phật tu hành,
Cửu Huyền Thất Tổ lòng thành chứng tri.
Noi theo hạnh từ bi của Phật,
Bỏ dứt đi những tật xấu xa,
Trau giồi đức hạnh thuận hòa,
Ðạo thành cứu độ Mẹ, Cha, Cửu Huyền.
Nay phẩm vật hiện tiền dâng cúng,
Hương, đăng, hoa chúc tụng cầu xin,
Cửu Huyền Thất Tổ hương linh,
Chứng lòng hiếu thảo ân sinh thuở đầu.
Công dạy dỗ cao sâu thăm thẳm,
Công dưỡng nuôi khó gẫm gì hơn,
Ăn cay, uống đắng không sờn,
Vì con đau khổ không hờn phiền chi.
Cha mẹ rất từ bi hà hải,
Nội ngoại đồng bác ái tình thương,
Cửu Huyền Thất Tổ đồng nương,
Từ đời vô thỉ khôn lường kiếp sinh.
Ân dưỡng dục minh minh như hải,
Ân sanh thành tợ Thái Sơn cao,
Con nay muốn đáp công lao,
Ðền ơn trả nghĩa thế nào cho xong.
Lời Phật dạy mênh mông biển khổ,
Cõi Ta bà không chỗ dựa nương,
Chúng sanh vì bởi tình thương,
Tình ân, tình ái mà vương nghiệp sầu.
Sanh tử mãi biết đâu mà kể,
Cứ trầm luân trong bể ái hà,
Cũng vì bản ngã chấp ta,
Tham lam, sân giận, cùng là si mê.
Những tội lỗi không hề dứt bỏ,
Ðường tử sanh nên khó bước qua,
Làm con muốn cứu mẹ cha,
Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà đền ân.
Ðem phẩm vật cúng dâng Tam Bảo,
Nhờ chư Tăng tâm đạo cầu nguyền,
Cầu cho Thất Tổ Cửu Huyền,
Siêu sinh Tịnh độ phước duyên đủ đầy.
Ai muốn đáp công thầy dạy dỗ,
Hay đền ơn Thất Tổ Cửu Huyền,
Chúng sanh tất cả các miền,
Thì nên phát đại lời nguyền độ tha.
Trước xuất thế lìa xa cõi tục,
Sau diệt tiêu lòng dục, tánh phàm,
Chẳng còn ưa chuộng, muốn ham,
Thân tâm thanh tịnh, Già lam dựa kề.
Tu chứng đắc Bồ đề Phật quả,
Ðộ chúng sanh tất cả siêu thăng,
Vượt lên cửu phẩm thượng tầng,
Là phương trả nghĩa đáp bằng công lao.
Ai hiếu tử mau mau ghi nhớ,
Muốn đáp đền mối nợ từ xưa,
Cần nên tu niệm sớm trưa,
Công dầy quả mãn phước thừa báo ân.*

148 - VĂN CÚNG TỔ TIÊN


Ðốt nén hương thơm,
Chí tâm bái thỉnh :
Trời đẻ, đất nuôi,
Ðức che chở lấy gì lường kịp;
Nước nguồn, cây gốc,
Công bón vun biết sánh chi tầy.
Ðây nền nhân, đây nền nghĩa,
Do Tổ tiên gây dựng mà nên ;
Nọ lá ngọc, nọ cành vàng,
Bởi công đức chất chồng mới có.
- Hiểu đạo nghĩa mới thành gần gũi ;
Rõ nguồn cơn sẽ chẳng xa đâu.
- Dù âm dương, u hiểm khác nhau
Nhưng Phật pháp đề huề thật dễ.
- Xin nguyện Tổ tiên chư linh :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương bát nước cơm canh cúng dàng.
- Lại đốt hương thơm, hai phen triệu thỉnh:
Công Tổ tiên non cao biển rộng,
Phận cháu con phải cúng phải thờ ;
Nén hương nghi ngút khói đưa,
Chư linh phảng phất như vừa đâu đây.
Xin triệu thỉnh về ngay thụ hưởng
Chút tâm thành nhất hướng kính dâng,
Trượng thừa Tam Bảo gia ân,
Hộ trì tiếp dẫn dự phần trai nghi.
Xin nguyện chư linh :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương bát nước cơm canh cúng dàng.
Nam mô An Bảo Tọa Bồ Tát Ma Ha Tát.*

149 - VĂN CÚNG CHA MẸ


Ðốt nén hương thơm, chí tâm bái thỉnh :
Trời cao vòi vọi, đất rộng thênh thang,
Từ bé rồi đến lúc lớn khôn,
Công của cha bằng trời cao biển rộng ;
Nằm chỗ ướt nhường con chỗ ráo,
Ðức của mẹ như núi cả sông dài.
Lòng chỉ lo báo đáp nghĩa sinh thành :
Ý những đáp sớm hôm thường định tỉnh.
Tuy âm dương xa cách khôn lường,
Nhưng Phật pháp gia trì tất ứng.
Xin nguyện Phụ (Mẫu) thân chân linh :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương bát nước cơm canh cúng dàng.
- Lại đốt hương thơm, hai phen triệu thỉnh:
Nhớ ơn đức cha mẹ sinh dưỡng,
Khác nào như bể rộng sông sâu.
Nền Nhân, cội Phúc là đâu ?
Phận con cái phải nghĩ câu báo đền.
- Nay thời tiết nhân duyên vừa đến,
Trước linh sàng thân quyến tề quy,
Tụng kinh niệm Phật gia trì,
Nghe câu triệu thỉnh hồn về thụ trai.
Xin nguyện Phụ (Mẫu) thân chân linh :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương bát nước cơm canh cúng dàng.
Nam mô An Bảo Tọa Bồ Tát Ma Ha Tát.*

150 - VĂN CÚNG VỢ CHỒNG


Ðốt nén hương thơm,
Nhất tâm triệu thỉnh :
Tình như Loan Phụng,
Nghĩa tựa sắt cầm.
Bao tháng năm khăng khít keo sơn,
Nay bỗng chốc phân chia đôi ngả,
Ðau xót nhé ! Kẻ đi người ở.
Buồn thương thay ! Ðấy khuất đây còn,
Báo đáp nhau chút nghĩa sắt son
Cầu Phật độ cho hồn sang Tịnh cảnh.
Xin nguyện Lương quân (Hiền thê) chân linh :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương bát nước cơm canh cúng dàng.
- Lại đốt hương thơm hai phen triệu thỉnh:
Chim Loan Phụng từ xưa hòa hợp,
Ðàn sắt cầm bỗng dứt dây tơ,
Âm dương đôi ngã cách xa,
Bóng kia hình nọ bây giờ tìm đâu ?
Lòng thành kính ai cầu chư Phật,
Phóng Từ quang cứu vớt chân linh
Về nơi An dưỡng Vô sinh,
Dự ngôi bất thoái vô minh sạch lầu.
- Xin nguyện Lương quân (Hiền thê) chân linh :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương bát nước cơm canh cúng dàng.
Nam mô An Bảo Tọa Bồ Tát Ma Ha Tát.*

151 - VĂN CÚNG CON CHÁU


Ðốt nén hương thơm,
Lòng thương triệu thỉnh :
Ân thâm nghĩa trọng,
Con nỡ sao rứt bỏ cho đành ?
Gan héo ruột rầu,
Cha mẹ muốn quên đi chẳng được.
Hẳn duyên nghiệp không từ kiếp trước,
Nên giờ đây con cướp công lao,
Ðể mẹ cha sống cảnh quạnh hiu.
Nhìn ngó lại con đã theo tuyền lộ.
Nay triệu thỉnh hồn nhờ Phật độ,
Về đây cùng thụ hưởng chút dư ân,
Thôi không duyên, không nợ cũng thâm tình,
Con phù hộ cho gia đình an lạc.
- Cầu nguyện cho chân linh con
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương, bát nước, cơm canh khuyên mời.
- Lại đốt hương thơm, hai phen triệu thỉnh:
Mối tình Phụ (Mẫu) tử, chút nghĩa cái con,
Nuôi bao năm mong được lớn khôn,
Nay bỗng chốc lá xanh sớm rụng,
Ðau xót nhẽ ! Thần hôn cô quạnh,
Ngậm ngùi thay ! Ngày tháng đìu hiu,
Nghĩ đến con thương nhớ trăm chiều,
Cầu Phật độ cho hồn siêu cõi Tịnh.
Cúi nguyện cho chân linh con :
Trượng phép mầu tựa nương chư Phật,
Nhờ chân ngôn bí mật tối linh,
Về đây thụ hưởng đan thành,
Nén hương, bát nước, cơm canh khuyên mời.
Nam mô An Bảo Tọa Bồ Tát Ma Ha Tát.*

152 - SÁM GIÁC LINH TỐNG TÁNG


Ðời người như một giấc mơ,
Trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay.
Tuần hườn máy tạo chuyển xoay,
Chết đi, sống ở xưa nay lẽ thường.
Hương, đăng, hoa, quả cúng dường,
Nguyện cầu Tam Bảo mười phương chứng lòng.
Hôm nay ta hãy đồng thời,
Ðưa người nhẹ bước về nơi Phật đường.
Cũng vì bác ái lòng thương,
Cầu cho người được về nương Bồ đề.
Xa lìa biển khổ tối mê,
Tam đồ, lục đạo, mà về Tây phương.
Dứt lìa sanh tử vấn vương,
Ở nơi Phật quốc an khương đời đời.
Vậy nên đây có đôi lời,
Nhắc người bóng cũ nay thời biệt ly.
Cảnh đời lắm nỗi sầu bi,
Tình ân phụ mẫu nay thời cách xa.
Cảnh đời như bóng phù hoa,
Tình thâm huynh đệ phải xa hội này.
Cảnh đời nào khác chòm mây,
Tình chồng nghĩa vợ hôm nay xa lìa.
Cảnh đời như bọt nước kia,
Tình thương cho mấy cũng lìa với nhau.
Cảnh đời như gió thổi mau,
Tình thương con cháu thế sao cũng lìa.
Cảnh đời như bể dâu kia,
Tình bằng cố hữu cũng chia đôi đường,
Cảnh đời như thể sa sương,
Tình thâm quyến thuộc cũng thường cách nhau.
Cảnh đời như đá mài dao,
Cả hai mòn hết có nào bền lâu ?
Cảnh đời như lửa đốt dầu,
Cháy mau thì hết có đâu còn hoài.
Cảnh đời nghĩ luống bi ai,
Khác nào hoa nở rồi mai hoa tàn !
Cảnh đời khó nỗi thở than,
Khác nào một đám rừng hoang mịt mù.
Cảnh đời vì bởi chẳng tu,
Nên đường sanh tử lu bu không lìa.
Cảnh đời vì bởi trau tria,
Ðeo theo vật chất khó lìa lợi danh.
Cảnh đời như biển nước xanh,
Gió cuồng, sóng cuộn mé gành lao xao.
Cảnh đời như giấc chiêm bao,
Như lằn điển chớp, khác nào tiếng vang.
Cảnh đời như đống tro tàn,
Giống như Dã Tràng xe cát biển Ðông.
Cảnh đời như thể mật ong,
Thoa vào lưỡi kiếm gạt lòng trẻ em.
Cảnh đời nhìn kỹ mà xem,
Khi về âm cảnh nào đem món gì ?
Cảnh đời là khối hiệp ly !
Nay dời, mai đổi theo thì thời gian.
Hồi nào ở chốn đền vàng,
Bây giờ gởi xác đồng hoang một mình,
Hồi nào mắt đẹp, mày xinh,
Bây giờ một đống thịt sình mà thôi !
Hồi nào đứng đứng, ngồi ngồi,
Bây giờ yên lặng như chồi cây khô,
Hồi nào trang điểm khôi ngô,
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài !
Hồi nào tình bạn bắt tay,
Bây giờ cắt đứt làm hai con đường.
Hồi nào mền, nệm, gối, giường,
Bây giờ dứt bỏ thảm thương vô cùng.
Hồi nào xưng bá, xưng hùng,
Bây giờ nhắm mắt mà chun xuống mồ.
Hồi nào lên xuống, ra vô,
Bây giờ yên lặng như đồ bất tri.
Hồi nào ứng cử khoa thi,
Bây giờ sao dứt mà đi cho đành.
Hồi nào tham lợi, tham danh,
Bây giờ một đám cỏ xanh nắm mồ.
Hồi nào du lịch giang hồ,
Bây giờ ở chốn đồng khô băng ngàn.
Hồi nào trau ngọc chuốt vàng,
Bây giờ một đống xương tàn rũ da.
Hồi nào múa, hát, đờn, ca,
Bây giờ lìa bỏ tách xa xóm làng.
Hồi nào kiệu phụng, lầu vàng,
Hồi nào mặt biển sóng tràn nhấp nhô,
Hồi nào anh, chị, chú, cô,
Bây giờ chẳng thấy ra vô bóng hình.
Hồi nào con, vợ của mình,
Bây giờ hai ngã thình lình cách xa.
Hồi nào mẹ mẹ, cha cha,
Bây giờ bóng đã khuất qua xế rồi,
Hồi nào tớ, chủ, quân, tôi,
Bây giờ như giọt nước trôi giữa dòng.
Hồi nào bác, thím, em, chồng,
Bây giờ cách biệt hết mong được gần.
Hồi nào yểm cựu nghinh tân,
Bây giờ chỉ thấy mộ phần thiết tha.
Cảnh đời bách chiết, thiên ma,
Huỳnh tuyền choán lộ phải qua một lần.
Ở trong cảnh thế dương trần,
Dầu cho vua, chúa, quan, dân, sang, hèn.
Hạng nào cũng thể bóng đèn,
Hết tim thì tắt một phen mịt mù.
Dầu cho kẻ trí, người ngu,
Kẻ khôn, người dại hình thù nhỏ to.
Rốt rồi cũng táng một gò,
Của trần để lại chẳng cho đem về !
Có gì tríu mến, tham mê,
Ðeo theo vật chất nghiệp nghề làm chi ?
Thế rồi cũng bỏ mà đi,
Nghĩ ra lắm nỗi sầu bi dập dồn.
Tiếng kêu ơi hỡi linh hồn !
Cảnh đời nay biển, mai cồn tỉnh chưa ?
Tỉnh rồi dứt mối say sưa,
Thì là có Phật rước đưa qua liền.
Do hồi đời sống sanh tiền,
Gieo nhiều miếng ruộng phước điền khắp nơi !
Bây giờ an hưởng vui chơi,
Cũng như trong lúc đương đời có tu.
Cho nên mới được võng dù,
Không còn trăng trói ngục tù trần lao.
Dứt lìa sanh tử đớn đau,
Ở nơi Phật quốc ra vào thảnh thơi.
Chẳng còn nghĩ đến việc đời,
Cõi trần giả tạm vốn thời đổi thay.
Nếu như muốn vậy hôm nay,
Phải lo tu trước ngày mai là nhờ.
Biết rằng phải ngộ thiền cơ,
Mau mau nhẹ gót qua bờ sông mê.
Khi nào bỏ thế về quê,
Thì là có Phật dựa kề một bên.
Rước đem về đến cõi trên,
Hưởng điều khoái lạc vững bền dài lâu.
Ðôi lời kính chúc mong cầu,
Nhờ ơn chư Phật rước thâu hồn về.
Khỏi vòng biển khổ, sông mê,
Tam đồ, lục đạo; dựa kề hoa sen.
Nhìn xem thấy rõ bóng đèn,
Quang minh rạng chói một phen sáng lòa.
Nguyện cầu với đức Di Ðà,
Từ bi tế độ những là chúng sanh.
Dầu loài vô giác, hữu tình,
Thảy đều được phước về sinh nước Ngài.
THÍCH CA PHẬT TỔ NHƯ LAI,
QUAN ÂM, THẾ CHÍ cùng Ngài TẠNG VƯƠNG.
Từ bi mở tấm lòng thương,
Nước mưa cam lộ mười phương rưới vào.
Chúng sanh tất cả trần lao,
Nương theo quả giác về mau Niết bàn.*

153 - SÁM CẦU SIÊU


Cuộc nhân thế như tràng ảo mộng,
Chuỗi thời gian tựa bóng bạch câu.
Ðời người gẫm có bao lâu,
Tử vong là một nhịp cầu phải qua.
Cơn tử biệt châu sa lệ đổ,
Cảnh chia phôi thảm khổ sầu bi ;
Não nề kẻ ở người đi,
Khóc than nghẹn tiếng, biệt ly nát lòng.
Những tiếc rẻ tấm công cha mẹ,
Nợ cưu mang bồng bế dưỡng nuôi;
Vật trong vũ trụ đắp bồi,
Hôm nay một phút thôi rồi bỏ đi.
Một thể sống đã ly cõi sống,
Ðem hình hài tăm bóng về đâu ?
Mênh mông trời đất nhiệm mầu,
Huyền vi máy tạo cơ cầu ai hay !
Trong Phật Pháp giãi bày tỏ rõ,
Người thế gian nếu có tâm lành,
Việc làm trong thuở bình sanh,
Giúp người cứu vật để dành phước to.
Ngày nhắm mắt khỏi lo chi nữa,
Khối âm công tích chứa từ xưa,
Nẻo về đã có người đưa,
Cõi riêng đã có phước thừa an vui.
Bằng có kẻ một đời qua luống,
Chưa kịp gieo miếng ruộng phước lành.
Thì người quyến thuộc chung quanh
Thay người quá vãng làm lành gieo duyên:
Dưới chơn Phật kiền thiềng đảnh lễ,
Nghe câu kinh kính nể chắp tay.
Trai Tăng cung dưỡng các thầy,
Qui y, giữ giới, ăn chay, hành thiền.
Phát tâm rộng thí tiền, thí gạo,
Thương người nghèo cho áo, cho cơm.
Những ngày cúng kiến quảy đơm,
Ðừng bày giết vật oán hờn về sau.
Phải duyên cũng sửa cầu bồi lộ,
Gặp vật thì ủng hộ phóng sanh.
Một nhơn tốt, một quả lành,
Phước này hồi hướng vong linh hưởng nhờ.
Cõi trần thế mơ hồ giả tạm.
Kiếp nhơn loài như đám phù vân,
Hiệp tan, tan hiệp xoay vần.
Mà cơn tan hiệp, là phần thương đau.
Ngao ngán nỗi thảm sầu vô tận,
Thức tỉnh cơn phiền hận vĩnh miên.
Dầu rằng khổ hải vô biên,
Hồi đầu thị ngạn, nghiệp duyên sạch lần.
Âu cũng bởi lòng trần vọng niệm,
Ðể xa rời một điểm chơn như,
Ðường trần từ đó ngẩn ngơ,
Càng dong ruỗi bước, càng mờ mịt xa.
Do tâm ý tạo ra nghiệp cảnh,
Cho thân hình chịu lãnh đau thương,
Tỉnh ra một giấc mộng trường,
Liệu bề giải khổ, tìm đường thoát sinh.
Trước bửu tọa nghe kinh sám hối,
Lượng từ bi xả tội lỗi lầm;
Nước dương rửa sạch trần tâm,
Qui y Tam Bảo kỉnh thâm phụng thờ.
Hồn được nhẹ là nhờ phép nhiệm,
“A Di Ðà “, rán niệm Phật danh.
Phật xưa sẵn có nguyện lành,
Niệm danh mười tiếng được sanh nước Ngài.
Niệm chuyên chú đừng sai chỗ diệu,
Chớ luyến trần mê tríu tiếc thương.
Luyến trần ngăn lấp con đường,
Thoát trần thức tỉnh tỏ tường lối đi.
Mê tríu dứt, tức thì nhẹ bước,
Giác ngộ xong Phật rước theo Ngài,
A Di Ðà Phật Như Lai,
Hiện thân tọa bửu liên đài độ sanh.*

154 - SÁM VĂN LÂM CHUNG


Ðầu ngưỡng vọng Tây phương Phật Tổ,
A Di Ðà Phật độ trần gian.
Từ bi cứu kẻ lâm nàn,
Trong giờ bịnh ngặt, linh quang từ trần.
Nhờ đức cả Quan Âm tế độ,
Văn Thù đồng ủng hộ Giác linh.
Phổ Hiền, Ðịa Tạng Thánh minh,
Hộ người khỏi bị vật mình trở trăn.
Mong Phật Tổ bủa giăng ân đức,
Trợ vong hồn thêm sức thiêng liêng.
Kim thân Phật hiện nhãn tiền,
Phóng hào quang giải nghiệp duyên não phiền.
Trấn hồn phách, độ yên tâm cảnh,
Diệt ác tà, pháp tánh qui chơn.
Lục căn, lục thức, lục trần,
Thảy đều thanh tịnh, Chơn thần định an.
Kìa trước mắt đài vàng cửa Phật,
Rước những người chơn chất thiện lương.
Tĩnh lòng quán cõi Tây phương.
A Di Ðà Phật niệm thường chớ sai.
Ðừng vọng tưởng trần ai ân ái,
Bỏ lợi danh khổ hải luân hồi,
Giữ lòng định tĩnh mà thôi,
Một niềm tưởng Phật, vãng hồi Tịnh bang.
Cầu Di Lặc, Nhiên Ðăng Cổ Phật,
Thích Ca đồng gom phách hồn thâu.
An trong một giấc tịnh mầu,
Xuất ra nơi đỉnh huyền châu nê hoàn.
Noi đại đạo minh quang Chánh Giác,
Thoát khỏi vòng sóng thác trầm luân.
Hồn linh theo dõi Phước Thần,
Nương nơi phước báu siêu thăng kịp giờ.*

155 - SÁM NGUYỆN CẦU SIÊU


Quy mạng lễ mười phương Tam bảo,
Khắp ba đời chánh đạo Bồ đề.
Nay con thành kính hướng về,
Chí tâm sám nguyện tư vì hương linh.
Chúng con bởi vô minh bất giác,
Nên tử sanh trôi dạt luân hồi.
Ðể cho nghiệp lực cuốn lôi,
Ðẩy đưa ràng buộc từ đời xưa xa.
Nhờ chút niệm nên đà sanh được,
Làm thân người trong kiếp sống này.
Trải qua những tháng năm dài,
Chung quy rồi cũng đến ngày tử vong.
Tất cả những điều trong cuộc thế,
Ðã sống theo những lẽ phàm tình.
Chỉ vì nghĩ đến thân mình,
Mà gây tạo tác muôn nghìn oán ân.
Ðem trọn cả cái THÂN, MIỆNG, Ý,
Quay cuồng nơi tục lụy hồng trần.
Bởi con chẳng rõ VỌNG CHÂN,
Lại không tri kiến định phân chánh tà.
Lầm chấp vào “CÁI TA” hư ngụy,
Lấy “VỌNG TÂM PHÀM Ý” làm mình.
Cho nên tư tưởng tánh tình,
Dẫy đầy tà ác VÔ MINH mê lầm.
Những cái gì thuận lòng hợp dạ,
Thì thích, THAM MUỐN cả không ngơi.
Còn khi bị nghịch ý rồi,
Căm tức, SÂN HẬN tạo thời ác duyên.
Tánh tình trở thành PHIỀN NÃO chướng,
Làm cội nguồn ý tưởng nảy sanh,
Chẳng rõ xấu ác, tốt lành,
Chỉ biết phải trái theo mình nghĩ thôi.
Bị danh lợi, tình đời thúc đẩy,
Tạo gây nên đầy dẫy ác nhân,
Nào là những nghiệp nơi THÂN :
Sát sanh trộm cướp, tà dâm, rượu chè.
Cùng bao thứ đam mê đọa lạc,
Khiến thành người bạo ác, xấu xa,
Nào từ LỜI NÓI thốt ra :
Những điều dối trá, điêu ngoa, ngang tàng.
Hoặc đâm thọc, khoe khoang, khêu gợi,
Khinh khi và chửi bới hỗn hào,
Càng ngày tội lỗi càng cao,
Thế mà con vẫn có nào biết đâu.
Ðã vậy tánh hiểm sâu xảo quyệt,
Khiến cho con chỉ biết lợi mình,
Mặc cho tổn hại chúng sinh,
Miễn sao thỏa ý thích tình thì thôi.
Bởi thế nên một đời tạo nghiệp,
Ðành trải thân nhiều kiếp khổ mê,
Bao nhiêu tội chướng nặng nề,
Bao nhiều phiền não, sở tri chất chồng.
Ðều tích lũy vào trong TẠNG THỨC,
Kết tạo thành nghiệp lực buộc ràng,
Tùy theo nhân tố đã làm,
Ðẩy đưa dắt dẫn đôi đàng đọa thăng.
Theo cái sự vận hành nhân quả,
Tà ác thì sa đọa đắm chìm,
Ðịa ngục, ngạ quỉ, súc sanh,
Khổ đau, đói khát, ngục hình tối tăm.
Trải bao kiếp khó mong thoát khỏi,
Bởi đấy là cảnh giới đọa đầy,
Ðể đền trả nghiệp đã gây,
Cho nên rất đỗi lâu dài khổ nguy.
Hoặc lúc sống thường thì làm thiện,
Tạo phúc lành tinh tiến huân tu,
Thể hiện đức hạnh nhân từ,
Hóa sanh thiên giới thường cư lâu dài.
Hay sẽ được tái lai trần cảnh,
Tùy nhân xưa thọ lành phúc phần,
Hay sanh cảnh giới quỷ thần,
Ðều do nghiệp lực chuyển vần đẩy đưa.
Chúng con từ xa xưa vô thủy,
Quanh quẩn trong tục lụy luân hồi,
Sáu đường, ba cõi nổi trôi
Bởi chưa giác ngộ để hồi lại tâm.
Nay nhờ lượng hồng ân Tam Bảo,
Mà được nương theo đạo Bồ đề,
Khiến con giải bớt khổ mê,
Khiến con thức tỉnh hướng về nẻo chân.
Xin thành khẩn ân cần sám hối,
Những mê lầm, tội lỗi ác tà,
Kể từ những kiếp xưa xa,
Cho đến hiện tại cùng là hậu lai.
Những nghiệp chướng tự tay gây tạo,
Hoặc cố tình xúi bảo người làm,
Hoặc do vô ý vương mang,
Hoặc cùng kẻ khác tính toan thực hành.
Nay nương vào nguyện lành chư Phật,
Và quang minh pháp lực oai thần,
Khiến cho nghiệp chướng giảm lần,
Khiến cho phước huệ được phần phát sanh.
Ðể tâm thức thiện lành trong sáng,
Mà tỏ ngộ được ánh đạo mầu,
Bao nhiêu phiền não nặng sâu,
Bao nhiêu oan trái cũng mau giải trừ.
Nhờ Pháp Bảo Dược Sư Quán Ðảnh,
Và bổn nguyện siêu thắng vô lường,
Của đấng Vô thượng Y vương,
Cũng là oai đức mười phương độ trì.
Nguyện Tam Bảo thường thì gia hộ,
Ðến chúng sanh mê khổ trầm luân,
Thảy đều thọ lãnh hồng ân,
Thảy đều giải thoát khỏi dòng sông mê.
Lại thành kính nguyện về tất cả,
Chư Bồ Tát hỷ xả, từ bi,
Dùng mọi phương tiện huyền vi,
Ứng hóa gia hộ độ trì chúng sanh.
Ðồng được ánh quang lành nhuần thấm,
Giải tan dần mê vọng vô minh,
Khiến cho trí sáng phát sinh,
Khiến cho nghiệp chướng tội tình nhẹ vơi.
Việc xấu ác đồng thời xa lánh,
Ðiều tốt lành cố gắng huân tu,
Giữ tâm trong sạch hòa nhu,
Nương theo Chánh pháp công phu hành trì.
Thể hiện lòng đại bi đại xả,
Hằng rộng làm tất cả việc lành,
Nguyện cho lục đạo chúng sanh,
Thảy đều giác ngộ phát tâm Bồ đề.
Ðạo giải thoát thẳng về tới chốn,
Không ai còn lăn lộn tử sanh,
Vô thượng Chánh giác chóng thành,
Nguyện xin chư Phật mười phương gia trì.
Nay chúng con đã vì vong giả,
Mà sám nguyện với cả lòng thành,
Ðược bao phước lực phát sinh,
Xin hồi hướng đến hương linh đủ đầy.
Và nhờ Pháp bảo này hộ niệm,
Nguyện mười phương ứng hiện oai thần,
Phóng quang tiếp dẫn hương linh,
Nương công đức lực siêu sinh cõi lành.*



Chú thích


* Trích “Luật Nghi Khất Sĩ ”, Thành Hội Phật Giáo TP. HCM. xuất bản, 1993
* Trích “Khoa Chú Thực”, Bản Bắc in lụa, phần chữ Việt, Hải Phòng, 1996.
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày”,HT Thích Thiện Thanh, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM xuất bản, 1994
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày”,HT Thích Thiện Thanh, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản, 1994
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm”, Hệ phái Khất Sĩ, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM xuất bản, 1996
* Trích “Khoa Chú Thực”, Bản Bắc in lụa, phần chữ Việt , Hải Phòng, 1990
* Trích “Khoa Chú Thực”, Bản Bắc in lụa , phần chữ Việt ,Hải Phòng ,1990
* Trích “Khoa Chú Thực”, Bản Bắc in lụa , phần chữ Việt ,Hải Phòng ,1990
* Trích “Khoa Chú thực”, Bản Bắc in lụa , phần chữ Việt , Hải Phòng , 1990
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm ”, Hệ phái Khất Sĩ ,Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản , 1996
* Trích “Kinh Tam Bảo” , Ni Trưởng Huỳnh Liên ,
Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. xuất bản , 1992
* Trích “Thiền Môn Nhựt Tụng” , HT Minh Tr?c ,Tổ đình Phật Bửu ấn hành ,Sài Gòn ,1992
* Trích “Nghi Thức Tụng Niệm Dược Sư Pháp Bảo” , Thích Thanh Ngọc ,chùa Khuông Việt ấn hành , 1990.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/01/2015(Xem: 7062)
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của Phật Giáo Tây Tạng là tương duyên sanh khởi hay duyên sanh. Không điều gì có thể tồn tại hay có thể xảy ra trên chính nó mà không liên hệ và nương tựa vào những nhân tố khác. Hơn thế nữa, mọi thứ sinh khởi từ một phức hợp của nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh; không thứ nào sinh khởi từ việc chỉ dựa trên một nguyên nhân hay từ hoàn toàn không nguyên nhân. Thí dụ, một thân thể khỏe mạnh sinh khởi, trên trình độ nội tại, lệ thuộc trên tất cả những nội tạng và hệ thống chức năng của nó biểu hiện trong sự hòa điệu với nhau.Về trình độ ngoại tại, sức khỏe tốt cũng tùy thuộc vào thuốc men, dinh dưỡng, sự săn sóc ân cần từ người khác, môi trường, và v.v… Tương tự thế, một xã hội lành mạnh sinh khởi, trên trình độ nội tại, lệ thuộc vào toàn thể những nhóm thành viên của nó hợp tác với nhau và hoạt động hòa hiệp với nhau. Ở trình độ ngoại tại, xã hội lành mạnh cũng tùy thuộc vào những nhân tố kinh tế, chính trị môi trường, cũng như hoàn cảnh thế giới
20/01/2015(Xem: 7070)
Một nhóm 50 người đang tham dự một seminar, đột nhiên diễn giả ngừng lại và đề nghị nhóm tham gia một hoạt động, ông ta đưa cho mỗi người một quả bóng bay và yêu cầu từng người viết tên của mình lên quả bóng bay. Sau đó, những quả bóng bay được đưa tới một căn phòng khác. Những người tham dự bước vào căn phòng có những quả bóng và phải tìm ra quả bóng có tên của họ trong vòng 5 phút. Mọi người đều cố gắng tìm quả bóng có tên của mình, xô đẩy những người khác và đẩy các quả bóng khác sang một bên. Khung cảnh rất hỗn độn.
18/01/2015(Xem: 7708)
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng dạy rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc, vì hạnh phúc thuộc về lãnh vực tinh thần, con người không thể mua được, kể cả máy móc cũng không thể cung cấp cho chúng ta chút hạnh phúc nào cả: “Tiền bạc và giàu sang chỉ mang lại cho con người một phần nào hạnh phúc, chứ không thể có hạnh phúc trọn vẹn. Không ai có thể ban phát cho chúng ta hạnh phúc, hạnh phúc đến từ trong tâm của chính chúng ta. Tâm bình an chính là nguồn hạnh phúc tuyệt vời nhất. Nó không tùy thuộc vào ngoại cảnh. Cuộc sống của chúng ta dù tiện nghi vật chất không đầy đủ, học vấn thời tầm thường hay sự nghiệp công danh không mấy thành công thời cũng chẳng sao, miễn là tâm chúng ta an lạc.” (Live In A Better Way.)
17/01/2015(Xem: 14282)
Trong kinh A Hàm lại kể một câu chuyện như sau: Có một người ngoại đạo tên Tu Nhàn Đề đến yết kiến Đức Phật để bài bác chủ trương xa lìa ngũ dục của Phật giáo. Sau khi Đức Phật dùng đạo lý giáo hóa thì ông tỉnh ngộ và bấy giờ Đức Phật mới nói cho ông nghe bài kệ: Không bịnh lợi bậc nhất Niết bàn vui bậc nhất. (Tịch diệt vi lạc)
17/01/2015(Xem: 11556)
Trái đất đang đi vào chỗ chết: rừng rú, tài nguyên đang bị khai thác kịch liệt, ô nhiễm tràn đầy mọi xứ, nhiệt độ khắp quả đất ngày càng lên cao, cả ngàn súc vật bị giết để tế thần, đất đai của người nghèo bị chính quyền mua rẻ để xây cất... Lúc này hơn lúc nào hết chúng ta phải đọc lại các bài học của người xưa để lại, để suy ngẫm và hành sự.
17/01/2015(Xem: 8568)
Jean-Paul Ribes sinh năm 1939, một nhà văn và nhà báo chuyên về Tây Tạng, và cũng là một người tu tập Phật Giáo đã hơn bốn mươi năm. Ảnh chụp ngày 27 tháng 4, năm 2008, trong một cuộc phỏng vấn của một chương trình Phật Giáo trên đài truyền hình quốc gia Pháp) Người ta thường xem phi-bạo-lực là một trong các phẩm tính tự nhiên của Phật Giáo. Điều này quả hết sức đúng. Thế nhưng sự phi-bạo-lực ấy có phải là một trong các mục tiêu hay chỉ là một phương pháp luyện tập chủ yếu của Phật Giáo? Câu hỏi thật tế nhị.
16/01/2015(Xem: 21539)
Ram Bahadur Bomjan, 01 cậu trai trẻ (sinh ngày 09 -tháng 04 -1990) đã ngồi thuyền định trong suốt 06 năm,mà không dùng bất kỳ thức ăn, nước uống nào, từ ngày 17 -05 -2005 đến ngày 17 -05 -2011. Với mong muốn đem lại thông điệp Hòa Bình và Yêu Thương Của Đấng Thiêng Liêng đến Toàn Thể Nhân Loại. Mong rằng mọi người hãy truyền bá thông điệp này rộng rãi hơn, và hãy thật sự yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình. Ngài không khác gì 01 vị Bồ Tát tái sinh. Ngày nay người ta gọi Ngài là Dharma Sangha. Quý vị có quyền đặt câu hỏi với điều này "Đây có phải là sự thật hay là trò nhảm nhí, và anh ta làm vậy để làm gì và được gì ?" Dù cho Niềm Tin của quý vị có đặt ở đâu đi nữa, chỉ mong quý vị hướng đến việc Thiện, tránh xa việc Bất Thiện.Và nếu như chúng ta đã từng lầm lỗi cũng chẳng sao, vì vốn dĩ đâu ai hoàn thiện, nhưng quan trọng là chúng ta biết sai,chịu sửa, không tái phạm , điều đó đáng quý hơn. Xin hãy truyền bá thông điệp yêu thương này đến tất cả mọi người. Mong bình an và hạnh
15/01/2015(Xem: 9410)
Mùa xuân, vạn vật sinh trưởng. Ngắm một cây thân mộc hay thân thảo, ta thấy chúng đều đang chuẩn bị sinh lực để phát triển cành nhánh, nảy lộc, đơm hoa rồi kết trái. Con người cũng vậy, bé thơ, thiếu niên rồi thanh niên... Cái cây thì nó phát triển toàn bộ. Con người cũng phát triển toàn bộ cả phần vật chất và phần tinh thần. Thân vật chất thì tương tợ nhau nhưng phần tinh thần thì nó phát triển rất phức tạp.
14/01/2015(Xem: 7591)
Tiếng Hồng chung Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang nói riêng và các chùa trong thành phố Nha trang nói chung, sớm khuya ai cũng có thể nghe được, nhưng nghe để “Trí tuệ lớn” và “Bồ-đề sinh” thì tùy theo “phiền não” của đối tượng nghe có vơi nhẹ hay không? Riêng với nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ” cho thấy Trí tuệ và Bồ đề của ông sanh trưởng tốt. Nhưng nhân duyên như thế cũng chưa đủ, ông là giáo sư của PHV, của trường Bồ Đề, là thiện tri thức của các bậc cao Tăng ở đồi Đông và đồi Tây non Trại Thủy. Có thế mới có truyện ngắn “Cây khế lưng đồi”, có tùy bút “Con đường thanh tịnh”. Thưa thầy Võ Hồng, chừng ấy đủ rồi, đủ cho PHV đi vào lịch sử văn học, đủ cho 100 năm sau, 1000 năm sau hay nhiều hơn thế nữa, nhìn thấy PHV uy nghi như một Linh Thứu thời Phật và cũng cho thấy các bậc cao Tăng Miền Trung nói riêng xứng đáng là những Sứ giả Như Lai đầy trách nhiệm đối với sự trường tồn của Phật giáo Việt Nam.
14/01/2015(Xem: 7658)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]