Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI: Lễ nhập tháp của chư Tăng

06/05/201320:01(Xem: 6411)
Chương VI: Lễ nhập tháp của chư Tăng

Sống Và Chết

Chương VI: Lễ Nhập Tháp Của Chư Tăng

Thích Như Điển

Nguồn:Thích Như Điển


Ngày xưa, Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn 3 tháng, Ngài đã nói cho Tôn giả A Nan và chư đệ tử xuất gia cũng như tại gia rằng: Ngài không còn ở đời bao lâu nữa và Ngài sẽ vào vô dư Niết Bàn. Khi chúng Tăng nghe vậy, nhiều người đã buồn bã khóc than. Có người bảo rằng tại sao Đức Phật ở đời ngắn ngủi thế; nhưng ma ba tuần thì luôn luôn muốn Đức Phật nên rời khỏi chốn nầy, để chúng có cơ hội quấy nhiễu loài người, mà chúng thường biện minh là theo lời hứa của Đức Phật; rằng sau khi việc độ sanh đã mãn, Ngài phải vào Niết Bàn. Ngài tự biết mình phải làm gì khi báo thân nầy đã mãn, không cần ai nhắc nhở, Ngài cũng sẽ ra đi. Có như thế chư Tăng, Ni và Phật Tử mới cố gắng mà hành trì giới luật, nương vào đó mà tu học để đi đến quả vị giải thoát. Đức Phật cũng đã căn dặn rất rõ ràng trong kinh Di Giáo, những gì muốn nói Ngài đã nói; những gì đã dạy, Ngài đã dạy và trạng thái Niết Bàn là trạng thái của an vui tịch tịnh, như củi hết thì lửa tắt vậy thôi. Ngày nay có không biết bao nhiêu người cứ cố gắng tìm hiểu về Niết Bàn; nhưng điều ấy hẳn vô ích. Đức Phật vẫn thường hay dạy rằng: Ví như một mũi tên độc bị bắn vào một kẻ khác. Điều quan trọng và trước hết là phải rút mũi tên độc ra khỏi thân thể người bị nạn, không cần biết nguyên nhân mũi tên ấy từ đâu bắn tới, mũi tên ấy làm bằng gì và tẩm thuốc độc nào. Hoặc giả hỏi tại sao người kia lại bị tên độc v.v... tất cả đều vô nghĩa. Nếu cứ dùng thì giờ để hỏi cho ra ngọn ngành những câu hỏi nầy, thì thuốc độc đã ngấm sâu vào người đó, họ sẽ bị chết đi mất. Vậy điều quan trọng là phải cứu mạng sống trước, chứ không phải để truy cứu lý do. Con người của chúng ta cũng thế, sanh tử luân hồi còn chưa khỏi, giống như một mũi tên. Dục vọng và ngũ dục giống như thuốc độc; thế mà chúng ta đã ý thức được gì đâu, trong khi sanh tử cận kề, không lo giải quyết, mà lo đi tìm Niết Bàn, quả là điều xa lạ viển vông. Có nơi Đức Phật cũng trả lời về Niết Bàn; nhưng rất đơn giản, không đào sâu vào nội dung. Vì Ngài thấy rằng không cần thiết lắm. Cũng như một người khát nước, người ấy sẽ uống một ly nước, thấy đã khát vô cùng. Một người đứng bên cạnh hỏi người kia rằng: Uống nước đã khát như thế nào, thì chắc chắn người uống nước không trả lời được và dẫu có diễn tả như thế nào đi chăng nữa; người không uống nước sẽ không cảm nhận được sự đã khát như người đã uống nước. Niết Bàn cũng tương tự như thế ấy.

Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng đã dạy cho chư Tăng về phép tứ y, tức 4 nơi nương tựa cần phải có ở vào những đời sau như:

- Y pháp bất y nhơn

- Y nghĩa bất y ngữ

- Y trí bất y thức

- Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.

Điều thứ nhất: Y pháp bất y nhơn có nghĩa là nương vào giáo pháp để tu học; không nên nương vào người để theo đạo. Người ở đây có thể là Thầy dạy học, Thầy Bổn Sư, chư vị Tổ, chư vị A La Hán, Bồ Tát, hoặc giả ngay cả Đức Phật nữa. Lý do là con người vẫn có sai có đúng, có được có mất, có vi tế nghiệp, có phước đức, có lợi căn v.v... tất cả thân nầy do tứ đại giả hợp mà thành. Do vậy mà cũng sẽ bị phân ly, chi phối bởi những sự vô thường, khổ, không và vô ngã. Chỉ có giáo pháp mới là chân lý. Chân lý bao giờ cũng bất biến và không bị thay đổi bởi thời gian cũng như không gian. Do vậy mà Đức Phật cũng thường hay dạy rằng: Tất cả lời dạy trong kinh điển cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng thôi. Ngón tay là phương tiện, chỉ có mặt trăng mới là chân lý. Mặt trăng cho ánh sáng, cho sự hiểu biết cho con người. Trong khi đó ngón tay lại xê dịch, biến đổi. Ngón tay ví cho chư Tăng, chư Phật, chư Tổ... chỉ có đời sống đức hạnh, phương pháp tu học của chư Tăng mới đáng tôn kính mà thôi. Còn vóc dáng của vị Tăng ấy như thế nào, đẹp, xấu, thô thiển, trang trọng v.v... không thành vấn đề nữa. Đây là lời dạy vô cùng quan trọng trong giáo lý Đạo Phật. Ngày nay ở vào thời mạt pháp nầy, nhiều người đi tìm những vị Giáo chủ, các vị cao Tăng để nương nhờ; nhưng nếu không hiểu tinh thần y pháp bất y nhơn như ở trên thì một mai, nếu vị Giáo chủ ấy, hoặc các bậc Tổ Sư ấy có một hành động gì đó, có một lỗi lầm gì đó, con người sẽ đâm ra thất vọng, chán chường, rồi bỏ chùa, bỏ Thầy, bỏ đạo. Không những thế, khi ra ngoài còn hủy bán, thêu dệt nói xấu không tiếc lời. Vì tất cả đều đặt niềm tin nơi con người chứ không phải nương tựa vào pháp để tu. Điều nầy nên thận trọng và phải tế nhị mới tìm ra được hướng đi cho chính mình.

Y nghĩa bất y ngữ có nghĩa là y cứ vào ý của kinh điển mà tu hành, không nên nương vào lời nói. Vì lẽ lời nói có lúc đúng, lúc sai, lúc phương tiện, lúc quyền thừa, lúc thời điểm nầy, lúc thời điểm khác, dùng phương tiện để chuyên chở mọi chúng sanh đến bờ bến giác ngộ giải thoát; không vì phương tiện mà quên đi mục đích chính ấy. Chúng sanh có thể dùng nhiều phương tiện khác nhau, dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau để lý giải về vấn đề chân lý, về vấn đề lý nhân duyên sanh v.v... chúng ta là những người học Phật, không nên y cứ hoàn toàn vào các trợ duyên đó, mà phải hiểu rằng ý chính của những lời nói ấy là gì.

Y trí bất y thức nghĩa là nương vào trí tuệ, sự nhận xét mà tu hành, không nên nương vào sự hiểu biết nông cạn mà hành trì một pháp môn. Điều nầy nhiều người có học cũng đã lầm tưởng rằng: Bằng cấp là tất cả. Ấy không hẳn thế. Bằng cấp chỉ là phương tiện thôi. Nương theo phương tiện bằng cấp ấy để nhận biết mình là ai, giáo lý giải thoát là gì và tu làm sao để được giác ngộ, ấy mới là những điều căn bản cần phải tìm đến. Có một câu chuyện kể lại như sau:

Tổ Thiền Tông thứ 27 của Ấn Độ là Ngài Bát Nhã Đa La. Ngài có tiếng rất nhân từ đức hạnh, hay cứu nhơn độ thế và đặc biệt là chữa các bệnh nan y. Lúc bấy giờ có một nhà Vua ở xứ Ấn Độ bị bịnh nan trị. Nhà vua có truyền đi rằng: Nếu ai chữa lành được bệnh, nhà vua sẽ biếu cho một viên ngọc kim cương như ý rất quý giá. Thế rồi, Tổ Bát Nhã cũng đã đến hoàng cung trị bệnh. Sau khi bệnh tình của vua được chữa khỏi, vua y lời và đã biếu cho Tổ một viên ngọc như ý rất quý giá. Sau đó Tổ đem viên ngọc nầy hỏi các vị Thái Tử con vua rằng có gì trên thế gian nầy quý hơn viên ngọc nầy chăng? Cả 2 vị Thái Tử đầu đều thưa rằng: Kính Bạch Ngài, phụ thân của chúng đệ tử chỉ có viên ngọc nầy là vô giá, ngay cả giang sơn nầy cũng không thể sánh nổi, không có gì bằng cả. Đoạn Ngài day sang vị Thái Tử thứ 3 hỏi tương tự như trước và vị nầy trả lời rằng: Bạch Ngài, có chứ! Đó là trí tuệ vậy. Sở dĩ chúng ta biết được viên ngọc ấy quý, vì lẽ qua trí tuệ mà nhận biết được, chứ tự thể của viên ngọc không quý cũng không kém. Sở dĩ có đẹp, xấu, kém, hơn, tốt đẹp cũng như bất hảo đều qua sự nhận xét của trí tuệ mà có được. Mọi người khen Thái Tử thứ 3 là có lý và kể từ đó, Thái Tử nầy ngày đêm theo Tổ Bát Nhã Đa La để học kinh, đọc sách, tham thiền, hỏi đạo. Đến một ngày bừng tỉnh về chân lý có không, Ngài đã được Tổ thứ 27 trao truyền lại tâm thiền để trở thành Tổ thứ 28 của Ấn Độ và là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Đó là Ngài Bồ Đề Đạt Ma vậy.

Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa. Điều nầy có nghĩa là y cứ vào những gì rốt ráo để tu học; không nên nương vào những gì chưa rốt ráo. Đó là phương tiện và mục đích. Ví dụ như Đức Phật ra đời vì cứu độ chúng sanh; nên phương tiện quyền thừa đã lập ra không biết bao nhiêu thí dụ và quyền biến nói không biết bao nhiêu pháp để chúng sanh tu hành. Do đó có chia ra các pháp Tiểu Thừa, Trung Thừa và Đại Thừa. Đó cũng là những thừa của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật Thừa. Theo trong kinh Đại Bát Niết Bàn dạy rằng: Những gì không liễu nghĩa là những pháp môn thuộc về Thanh Văn và Duyên Giác thừa. Những gì liễu nghĩa thuộc về Bồ Tát Thừa và Phật Thừa.

Tóm lại 4 pháp nương tựa nầy đã chỉ rõ cho chúng sanh về đời sau, đâu là phương tiện, đâu là mục đích, tự chính mỗi người phải cố gắng công đi sâu vào biển giáo lý trí tuệ ấy mà hành trì và không nên nương vào một vị Giáo chủ nào cả, dầu cho vị sáng Tổ ấy có những gì đặc biệt đi chăng nữa.

Khi Đức Phật vào Đại Niết Bàn quả đất rúng động nhiều lần, chư Thiên và loài người cung kính hướng về đấng toàn giác và lắng đọng tâm tư của mình lại, nhằm hướng đến một mục đích cao cả hơn. Thân xác tứ đại được hợp thành của Ngài đã tan rã, phần còn lại của xương được gọi là xá lợi. Tâm thức của Ngài đã bay bổng vào cảnh giới an nhiên tịnh mặc; chỉ còn lại ở thế gian nầy là lời dạy, giới luật v.v... để chúng sanh từ đó bước vào ngôi nhà giải thoát. Ngài không có di ngôn nào để lại bao nhiêu ngôi chùa, bao nhiêu ngôi tịnh xá, bao nhiêu ý bát v.v... mà Ngài chỉ trao lại chánh pháp nhãn tạng và Niết Bàn diệu tâm cho Ngài Ma Ha Ca Diếp cũng như chúng đệ tử xuất gia và tại gia. Cũng không truyền ngôi Giáo chủ lại cho một vị đệ tử nào cả, mà tất cả phải "tự mình thắp đuốc lên mà đi" là lời di ngôn căn bản nhất của Đức Phật.

Rồi các bậc Tổ đức lần lượt truyền thừa qua 28 đời ở Ấn Độ, suốt 1.000 năm lịch sử tại đó. Phật Giáo đã thịnh suy qua bao nỗi thăng trầm; nhưng để rồi tỏa ngời ánh đạo qua Trung Hoa với 6 vị Tổ truyền thừa làm rạng danh Phật Giáo. Rồi tâm Phật ấy đã được truyền qua Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Mông Cổ v.v... đâu đâu cũng rạng ngời tâm giác ngộ giải thoát. Với giáo lý cao cả ấy đã độ được không biết bao nhiêu chúng sanh đang nổi trôi trong bể khổ luân hồi. Trên từ vua quan, thượng lưu trí thức, dưới đến dân giả nghèo cùng, ai ai cũng lấy giáo lý Phật Giáo làm chất liệu dưỡng sinh cho cuộc sống của đời mình và chất liệu ấy đã được nuôi dưỡng qua các thời kỳ phế hưng của lịch sử, lúc nào Phật Giáo cũng là Phật Giáo của dân tộc. Phật Giáo chưa bao giờ phản bội lại một dân tộc nào cả, mặc dầu Phật Giáo cũng được truyền từ ngoài vào, chứ không phải phát sinh tại quê hương của mình, ngoại trừ Ấn Độ. Các vị Tổ Sư đã đến và đã đi khỏi cõi Ta Bà nầy và mỗi Ngài như thế đều để lại một hành trạng khác nhau; nhưng tựu chung cũng là giáo lý giải thoát giác ngộ, khiến cho nhân sinh bỏ ác làm lành, quay về con đường chơn thiện mỹ, không bị dục lạc ở cõi đời ngự trị, nếu người đó muốn thoát ly sanh tử luân hồi.

Một người bình thường chết khác một người tu và những nghi lễ, cách thờ cúng, tang chế cũng khác một người bình thường; nên ở đây xin đơn cử một vài trường hợp lễ trà tỳ, nhập tháp của chư Tăng để độc giả lãm tường.

Như quý vị đều biết, cuộc đời của chư Tăng là cuộc đời độc thân, sống không có gia đình riêng lẽ kể từ khi cắt ái ly gia. Do vậy dưới mắt một bậc chân Tăng, không có gì là của riêng mình, ngoại trừ 3 y và một bình bát. Cuộc sống của người tu hành rất đơn giản; nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa cao thượng. Lấy chúng sanh làm nơi thực tập hạnh nguyện Bồ Tát của mình. Cái khổ của chúng sanh cũng là cái khổ của mình. Đến đâu và ở đâu cũng không có gì bị ràng buộc cả. Người đời bị ràng buộc bởi áo cơm, danh lợi, bạc tiền, nhà cửa, của cải v.v... nhưng người tu thì không bị chìm đắm nơi cuộc đời nổi trôi ấy; không tài sản, không vợ con, không oán thù, không oan trái, không có tình yêu riêng lẻ v.v... do vậy mà họ đã giải thoát ngay trong cuộc sống nầy chứ đâu cần gì đợi đến khi chết đi mới giải thoát.

Người tu chỉ vì một mục đích sinh tử mà đi đến đâu cũng thuyết pháp cho mọi người, chuyển mê khai ngộ, làm cho tiêu trừ phiền não và tội chướng để bước vào ngôi nhà giác ngộ của Như Lai mà thôi. Ngoài ra người tu không còn một mục đích gì khác nữa; ngoại trừ vấn đề sinh tử quan trọng ấy.

Trong Qui Sơn Cảnh Sách, một quyển sách nằm lòng của người tu, đặc biệt là những người mới xuất gia, Tổ Qui Sơn đã dạy rằng: Phàm cuộc sống của người xuất gia giống như một cánh chim trời, ra đi với sương gió. Thân hình và tâm thức khác hẳn người thế gian; nhằm mục đích làm hưng thịnh hạt giống Thánh, chấn nhiếp nội ma và ngoại ma để trên đền 4 ơn nặng, dưới cứu khổ muôn loài. Nếu không làm như vậy, tức uổng công ý chí của người xuất gia. Đây chỉ là một đoạn ngắn trong Cảnh Sách; nhưng đã nói lên được hết tất cả tâm nguyện của người tu hành rồi. Dầu cho người đó là người nước nào đi chăng nữa. Nếu đã chấp nhận con đường của Đạo Phật, tức phải chấp nhận lý tưởng giải thoát khỏi sinh tử luân hồi nầy.

Nếu người tu không làm tròn được bổn phận ấy, chẳng khác nào một đám ruộng hư, không thể gieo vào đó một loại hạt nào cả. Nếu người tu không sống đúng với phẩm hạnh của mình, chẳng khác nào một thây chết trôi linh đinh trên biển cả không có ngày cập bến. Tuy người tu không nghĩ đến cá nhân mình; nhưng đệ tử xuất gia và tại gia hay nghĩ đến ơn giáo dưỡng của Thầy mình, nên cũng đã báo ân, báo hiếu bằng cách phụng sự cho Sư phụ của mình đúng theo tinh thần của luật tạng khi đau yếu, lúc già nua và ngay cả khi đã viên tịch. Có nhiều ngọn tháp xây cao chất ngất giữa Ta Bà nầy để tưởng nhớ đến ân sư Thầy Tổ. Có tháp cao đến 9 tầng, 11 tầng, 13 tầng và thông thường là cao 3 đến 7 tầng. Bởi thế nên nhiều khi trong dân gian cũng có sự mỉa mai nói về việc làm ấy như sau:

"Dầu xây chín đợt phù đồ

Không bằng làm phước cho một người"

Đợt phù đồ có nghĩa là những tòa tháp; nhưng điều nầy cũng không hợp lý mấy. Vì lẽ xây tháp cho Sư phụ là do đệ tử xây, chứ đâu phải do Sư phụ tự ý lo xây cho mình; nhưng cũng có ý nói rằng: Cứu người quan trọng hơn là xây chùa, xây tháp, do vậy mới có câu ca dao bên trên, nhằm để giải quyết những khó khăn nhất thời của con người.

Thông thường ngôi tháp được xây trước khi quý vị Đại Tăng viên tịch. Dưới cùng nền tháp là một kim tỉnh. Tức là một huyệt mộ được đào sâu dưới lòng đất. Xây kín bên trên, phía dưới, hai bên hông và một mặt đầu, chỉ chừa trống lại phía chân để sau nầy đưa quan tài vào và xây bít phần còn lại, thế là thân thể đã được nằm yên nơi lòng đất lạnh. Phía trước kim tỉnh cũng đào một huyệt lớn từ trên xuống dưới như thế, để khi hạ quan tài, dùng đòn bẩy để bẩy quan tài vào tận đáy huyệt đã xây kim tỉnh trước, đoạn lấp đất lại. Bên trên người ta thường xây ngôi tháp có 6 cạnh. Mỗi cạnh tháp như thế để một chữ, ví dụ như chữ Án hoặc chữ Nam. Ví dụ câu Án Ma Ni Bát Di Hồng chẳng hạn. Hay câu Nam Mô A Di Đà Phật, cũng đủ làm cho mặt các tháp trang nghiêm đẹp đẽ hơn. Đa phần các tháp nầy được xây trong vườn chùa và tùy theo công trạng của mỗi vị Đại Sư mà được đệ tử hay người đời sau xây dựng to lớn để nhớ ơn giáo dưỡng của bậc mô phạm của đời mình.

Các vị Đại Sư đa phần rất sáng suốt trước khi chết và đặc biệt là tuổi thọ của các Ngài rất cao. Một người bình thường sống tới 80 hay 90 tuổi là hiếm; nhưng trong các Tổ Đức, hay các vị tu hành tuổi thọ nầy là tuổi thọ trung bình. Đa phần các vị sống trên 100 tuổi, như Ngài Giác Nhiên, Đệ nhị Tăng Thống của Việt Nam sống đến 105 tuổi. Ngài Hư Vân Đại Lão Hòa Thượng sống đến 120 tuổi thọ. Mặc dầu trong cuộc sống về vật chất không có gì cao sang quyền quí; nhưng các Ngài đã sống nghèo nhờ vui với đạo, nên tinh thần thoải mái, tự tại ung dung. Thế nên họ xem cái sống và cái chết rất nhẹ. Không bị việc sanh tử quấy rầy, nhất là những người tu hành liễu đạo.

Các Ngài bảo rằng đúng ngày rằm hay mồng một tháng nầy hãy tắm rửa cho ta sạch sẽ, ta sẽ thâu thần tịch diệt. Có Ngài sau khi niệm Phật nhiều năm, bảo rằng ngày đó, tháng đó sẽ có Đức Phật A Di Đà cùng với Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Thế Chí Bồ Tát phóng quang đến tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc v.v... có nhiều hiện tượng lạ như trong kinh Di Đà diễn tả đã xảy ra khi các Ngài sắp lâm chung. Điều nầy cũng đã được tường thuật lại nơi quyển: Pháp Môn Tịnh Độ, hay Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Long Thư Tịnh Độ và Lá Thư Tịnh Độ. Đây là kết quả tu học của các Ngài qua mấy mươi năm hoằng hóa độ sanh trong cuộc đời của mình. Có vị còn muốn làm chủ hơi thở của mình, nên muốn đi ngày nào thì đi và muốn ở lại cõi trần nầy bao lâu thì ở. Điều nầy rất hiếm có đối với các vị Cư sĩ tại gia; nhưng đối với các bậc cao Tăng thạc đức chuyện nầy không khó. Vì các Ngài đã làm chủ được chính các Ngài. Thông thường trong cuộc sống, chúng ta ít tự làm chủ được mình, cho nên các giặc phiền não, tham, sân, si dẫy đầy nơi nội tâm, do đó ác nghiệp và các chủng tử bất thiện hay nổi lên quấy phá nội tâm của mình; nên trước khi lâm chúng các điều dữ, điều xấu, tấm kiếng chiếu hậu của cuộc đời đã soi rọi mọi việc lành dữ trong thế gian và cứ thế, tâm thức lại hôn mê tán loạn. Nếu không có sự trợ lực của chư Tăng hộ niệm thì khó mà thoát ra khỏi đường dữ. Chỉ có chư Tăng, những người hành trì đúng theo giới luật, chắc chắn rằng tâm thức của các vị nầy sẽ được thông suốt và việc xả ly sanh tử luân hồi, đầu thai về cảnh giới cao hơn quả là điều hiển nhiên như vậy; nhưng cũng có một số quý vị Bồ Tát không chịu nhập vào vô dư Niết Bàn, mà phát nguyện trở lại thế giới Ta Bà để độ sanh và chịu đầu thai vào mỗi một loài trong lục đạo lại là một điều khác nữa. Vì các Ngài đã làm chủ được chính mình. Không bị nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai mà việc đầu thai ấy do chính hạnh nguyện của các Ngài mà thành tựu.

Người tu không có con cái riêng, nên đệ tử là những người thay thế cho vị trí ấy để chăm sóc Sư phụ của mình lúc sống cũng như lúc già yếu và ngay cả khi mãn phần. Nếu một bậc Đại Tăng mất, trong môn đồ hiếu quyến sẽ họp lại với nhau để bàn bạc cách tổ chức tang lễ sao cho hợp với Đạo và đúng với bản hoài của Thầy Tổ mình đã căn dặn trước khi lâm chung. Từ lễ nhập liệm cho đến lễ di quan, nhất nhất đều phải tuân theo vị Trưởng Ban Tang Lễ ấy. Có nơi còn đặt ra nhiều Ban như: Ban Nghi Lễ, Ban Tiếp Dẫn, Ban Hộ Niệm, Ban Thư Ký, Ban Trần Thiết, Ban Âm Nhạc, Ban Phát Chẩn, Ban Kinh Sư v.v... mỗi Ban đều làm theo trách nhiệm của mình đã được đề cử ra.

Ở Việt Nam đa phần các vị Đại Tăng khi viên tịch vẫn còn theo tục lệ là chôn thể xác với quan tài chứ ít thiêu, do vậy mà quan tài cũng phải được lựa chọn bằng những loại gỗ quý và khi liệm cũng được tắm bằng nước hoa, áo quần được mặc theo kiểu tu hành như lúc còn sống. Có đắp y áo, đội mũ Quan Âm, hay Hiệp Chưởng là tùy theo sở nguyện của các Đại Sư trước khi lâm chung có dặn lại.

Sau lễ nhập liệm là lễ thọ tang. Lễ thọ tang chia ra làm 3 phần. Phần chính là cho người xuất gia. Trong xuất gia có 2 phần, một phần là đệ tử của vị Đại Sư ấy; phần khác là chư Tăng Ni ở ngoài môn phái, tử đệ. Phần thứ hai là làm lễ thọ tang cho các Phật Tử tại gia đã quy y với vị Đại Sư ấy. Cả 2 loại tang nầy đều được dùng màu vàng. Không ai dùng tang để bịt trên đầu, mà đa phần để tang bằng một miếng vải hình thoi gắn nơi ngực. Loại thứ 3 bằng tang trắng. Dẫu sao đi nữa các vị Đại Sư vẫn còn bà con quyến thuộc nội ngoại trước khi xuất gia. Do vậy mà thân bằng quyến thuộc được để tang màu trắng như những người thế tục khác, để nhớ đến sự liên hệ của gia đình. Dĩ nhiên là không khóc lóc thảm thương như những đám ma bình thường, vì lẽ người xuất gia đã ly gia cắt ái mấy chục năm trường, nên sự bi lụy không được tỏ bày một cách sôi động như những đám ma bình thường khác.

Mỗi ngày, trước khi làm lễ nhập tháp vẫn có cúng cơm cho giác linh của vị đã mất. Hình thức cúng cơm nầy cũng giống như Lễ Cúng Ngọ mỗi ngày tại chùa. Môn đồ hiếu quyến, đệ tử xuất gia và tại gia đều có mặt nơi đặt giác linh để cúng cơm. Lúc nầy có kèn trống bát âm nổi lên để cúng dường hòa với tiếng tán tụng của Ban Nghi Lễ, Ban Kinh Sư và chư Tăng môn đồ đệ tử dâng cúng cơm theo nghi lễ của Thiền Môn rất đầy đủ cung cách để hiến dâng cho một bậc Đại Sư đã vì chúng sanh mà ra đi vĩnh viễn khỏi cõi trần nầy.

Phía trước kim quan thường tôn trí một bàn thờ Phật có Tây Phương Tam Thánh đứng trong vị thế tiếp dẫn. Phía sau để chừa một lối đi trống để chư Tăng và Phật Tử khi phúng điếu có thể đi nhiễu chung quanh quan tài để tỏ lòng tôn kính một bậc Đại Sư đã vì Đời vì Đạo mà xả thân. Kế tiếp là kim quan của Đại Sư. Sau phần kim quan là bàn thờ của vị Đại Sư vừa viên tịch. Trên bàn thờ nầy có dâng cúng đầy đủ hương hoa lễ vật trà nước, cơm canh v.v... Trên đó có an trí một di ảnh và bên cạnh là một long vị. Thông thường trên long vị được viết hoặc chạm trổ như thế nầy:

"Từ Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Nhứt (...) Thế Khai Sơn... Tự Thượng... Hạ... Hiệu... Đại Lão Hòa Thượng Liên Tọa"

Nghĩa là: Xuất xứ tông Thiền Lâm Tế đời thứ 41 (...) Xây chùa... Pháp danh... Đạo hiệu... Hòa Thượng, ngồi trên hoa sen"

Một người chết bình thường không được phép làm long vị mà chỉ làm bài vị. Trong khi đó các bậc Đại Sư, vua chúa đều có quyền khắc tên tuổi, ngày tháng năm sinh và ngày viên tịch lên long vị ấy để cho đời sau tử đệ phụng thờ. Dầu người tu không có con riêng; nhưng tử đệ còn có ý nghĩa hơn là con ruột. Vì thế dòng Thiên hay nói đúng hơn là dòng nước Tào Khê từ chùa Nam Hoa ở Trung Quốc vẫn còn lưu chuyển mãi mãi vào lòng người, cho bây giờ và đến tận cả ngàn năm sau nữa vẫn không bị thất truyền.

Lễ triệu Tổ là lễ mà chư Tăng Ni môn đồ hiếu quyến cung thỉnh long vị, di ảnh và bát nhang của Đại Sư vừa viên tịch đi về Tổ Đình để làm lễ cáo bạch với chư tiên đức Tổ Sư đã quá vãng. Lễ nầy cũng rất trang nghiêm và thành kính. Chư môn đồ hiếu quyến khiêng kiệu các loại nầy. Khi đến Tổ Đình, sau đó rước vào Tổ Điện để bái Tổ. Điều nầy cũng có nghĩa là, Đại Sư vừa viên tịch đến đảnh lễ lần cuối để ra đi vĩnh viễn. Nơi ấy chư Tăng Ni hợp cùng với môn đồ hiếu quyến cử hành một nghi lễ triệu Tổ rất trang trọng và đôi khi cũng có nhắc lại tiểu sử của Đại Sư đối với liệt Đại Tổ Sư tiền bối.

Trong thời gian tang lễ, chư Tăng Ni thường luân phiên tụng niệm kinh Thủy Sám, Lương Hoàng Sám hoặc Địa Tạng. Những bộ kinh nầy thường được tụng trong đêm. Vì lẽ ban ngày có nhiều phái đoàn đến để phúng điếu. Nếu vị Đại Sư viên tịch là một Đại Danh Tăng thì đám tang long trọng hơn và có nhiều phái đoàn đến để phúng điếu. Nếu phái đoàn là những bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa thi lễ trước kim quan thì chư Tăng Ni hiếu đồ phải đáp lễ bằng cách lạy tạ như lễ tạ Tam Bảo. Đa phần người ta đi phúng điếu vòng hoa, hương, trái cây, tiền bạc và liễn đối. Nhiều câu liễn đại khái được đi như sau:

- Hoa Khai Kiến Phật

- Thượng Phẩm Thượng Sanh

- Công Viên Quả Mãn

- Vô Thường Thị Thường

- Liễu Sanh Thoát Tử

- Vãng Sanh Cực Lạc

- Liên Trì Hải Hội

- Hồi Nhập Ta Bà

- Vô Sanh Pháp Nhẫn

- Nhập Bất Thối Địa

- v.v...

Có thể câu đối là 4 chữ, 8 chữ hay 12 chữ, tùy theo công nghiệp của Đại Sư mà người ta đặt nội dung của câu đối đủ để diễn tả sự kính trọng của người còn đối với kẻ mất.

Tuần tự các lễ khác được tiến hành như lễ động quan, lễ triệt linh sàng, lễ di quan và lễ nhập tháp. Mỗi lễ như thế thường từ 1 tiếng đồng hồ trở lên. Người ta phải xem cho đúng giờ để thực hành những nghi lễ ấy. Khi di quan, vị chấp lịnh thường là một vị Hòa Thượng hay một vị Thượng Tọa và khiêng kim quan là những môn đồ hiếu quyến. Có đám lớn còn cho 4 vị Tỳ Kheo mặc đồ như tứ Thiên Vương đi hộ hai bên kim quan. Đa phần được chôn trong vườn chùa, do vậy mà sự di chuyển đỡ tốn kém thời gian, cũng như không làm cản trở lưu thông của dân chúng. Chỉ trừ những chùa ở thành phố không có đất, mới phải di chuyển ra chùa ngoại ô để chôn.

Lễ nhập tháp như bên trên đã có trình bày sơ qua. Đầu tiên là lễ trị huyệt. Thông thường chư Tôn đức Tăng Ni hiện diện tụng đại bi thập chú, sau đó đi nhiễu huyệt, nếu thời gian cho phép và có đủ không gian trống để có thể đi lại. Vì lúc đó rất nhiều người đến để tiễn đưa.

Kim Quan được để bên trên huyệt, những bài điếu văn, những cảm tưởng của đại diện môn phái, đại diện chính quyền, đại diện môn đồ hiếu quyến được đọc lên nơi nầy. Đa phần là những bài kể lại công đức của vị Đại Sư suốt đời đã làm gì cho đất nước cho Đạo Pháp. Thường là những lời tán dương cơ nghiệp của Đại Sư về vấn đề hoằng hóa độ sanh. Cuối cùng môn đồ hiếu quyến đọc lời cảm tạ và sau đó kim quan từ từ hạ xuống trong sự đau đớn của mọi người và đòn bẩy tròn đặt phía dưới kim quan sẽ được di chuyển qua sự điều động của Thầy chấp lạnh, để kim quan được đưa vào an trí nơi bảo tháp. Đến đây một đời hoằng pháp độ sanh đã được viên mãn. Huyệt giả phía trước cửa tháp được lấp lại và hương đèn lại được đốt lên tại tháp nầy cho đến 49 ngày.

Tất cả mọi người rời nơi chôn trở về lại Tổ Đường để làm lễ cúng cơm và an linh, sau đó là cơm nước và cuối cùng mỗi người sẽ về lại nơi trụ xứ của mình. Khi có hữu sự, Thầy trò, tử đệ, môn phái quây quần lại dưới mái chùa để lo; nhưng khi việc xong rồi, phần ai trở lại phận sự nấy và chỉ còn lại những vị Trưởng Tử của Đại Sư lo tuần thất cho Sư phụ của mình.

Đến tuần chung thất thì mọi người lại vân tập một lần nữa để dự lễ và môn đồ hiếu quyến lần nầy hợp sức lại để tổ chức Lễ Trai Tăng, như là một lễ tạ ơn chư Tôn đức đã quang lâm chứng minh, hộ niệm trong suốt thời gian tang lễ của Sư phụ mình. Lễ Trai Tăng cũng tương tự như các lễ trai tăng khác, cũng thưa bạch và dâng tứ vật dụng lên chư Tăng Ni hiện tiền. Buổi chiều trong ngày có nơi tổ chức Lễ Trai Đàn Chẩn Tế, bạt độ chư hương linh quá vãng.

Lễ Chẩn Tế là một nghi lễ có tự ngàn xưa, nhằm cứu khổ cho những sinh linh còn đắm chìm nơi địa ngục. Một Lễ Chẩn Tế được diễn tiến như sau:

Ngoài Tam Bảo nội nơi chánh điện rồi, phía đối diện ngoài sân thiết lập mấy bàn thờ nữa, gọi là Tam Bảo ngoại. Chính giữa xây vào là bàn Tiêu Diện Đại Sĩ hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, chính giữa xây ra là bàn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Giữa đó có kê một cái bàn cho 4 hay 6 vị Kinh Sư, có để ghế ngồi. Sau bàn Kinh Sư là bàn Chủ Sám. Chủ Sám là một vị đạo cao đức trọng, sẽ thăng tòa để chẩn thí cho cô hồn. Phía sau vị Chủ Sám có hình con Đề Thính, giống như con sư tử xanh mà Đức Địa Tạng Vương cỡi. Vị Chủ Sám đội mũ Tỳ Lư, đắp y bá nạp màu đỏ, có thủ xính để làm hiệu và có tích trượng để dẫn vong. Trước bàn Đức Địa Tạng thường có thiết trí 5 bàn thờ ngũ phương ngũ Phật gồm: Đông Phương, Tây Phương, Nam Phương, Bắc Phương và Trung Ương Phật. Mỗi bàn như thế đều có chưng hoa quả và đốt nhang đèn cũng như cúng cơm cháo cho các hương linh. Khi chẩn thí có một bàn thờ thật lớn được thiết trước tượng Tiêu Diện Đại Sĩ, nào bánh, chuối, trái cây, tiền lẻ, cháo, gạo v.v...

Sau khi chẩn tế xong, người lớn, con nít nhào vô giựt bánh trái nầy gọi là Lễ Xô Cộ hay giựt giàn. Ngoài ra cũng có lễ thượng phan. Phan là một miếng vải dài độ 20 thước, treo cao trên một cây tre nơi chẩn tế; trên đó có viết tên tuổi của các vị Phật và những câu kinh câu chú. Người ta quan niệm rằng, nếu ai giựt được những miếng vải nầy đem về may áo cho con trẻ thì chúng ngủ khỏi giựt mình và ít thấy ác mộng. Những đồng tiền có lỗ cũng thế, khi lượm được, đem về nhà đeo vào cổ những đứa trẻ khó nuôi, sẽ được toại nguyện. Đây là một tín ngưỡng dân gian đã có tự ngàn xưa. Vì tự lực của con người còn yếu nên phải nương vào tha lực của chư Tăng và chư vị Long Thần Hộ Pháp.

Đầu tiên là lễ khai kinh bạch Phật. Đây là hình thức giới thiệu và tán dương chư Phật qua những câu kinh, lời kệ và trình lên chư Phật cũng như chư vị Bồ Tát chứng minh cho những lễ sắp cử hành trong một, hai hay ba ngày. Gia chủ hay môn đồ, pháp quyến của gia đình hoặc của chùa, của môn phái sẽ đội sớ dâng lên cúng Phật. Sớ là một cái bì thư hình chữ nhật. Người đội sớ dâng 2 tay lên cao, trịnh trọng như thưa gởi một điều gì, trong khi đó vị Chủ Sám hoặc vị Công văn tuyên độc sớ nầy. Nội dung của sớ cũng giống như một tờ trình thưa. Ví dụ người mất quê quán ở đâu, sinh ngày nào, tháng nào, năm nào? và chết ngày nào, tháng nào, năm nào? hưởng thọ được bao nhiêu tuổi và sau đó là tên họ pháp danh của con cháu trong gia đình hay trong môn đồ pháp quyến. Tất cả mọi người đều quỳ, chắp tay, nhất tâm hướng về Tam Bảo và cầu nguyện lực gia trì của Tam Bảo gia hộ cho giác linh hoặc hương linh được cao đăng Phật Quốc.

Sau lễ khai kinh bạch Phật đến lễ thỉnh Tam Bảo ngoại, gồm có: thỉnh Ngài Địa Tạng, Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ và Ngài Hộ Pháp. Sau đó thỉnh ngũ phương ngũ Phật. Tại bàn thờ Địa Tạng cũng đọc sớ như thế.

Ban nhạc bát âm thường hay thổi kèn, đánh trống, đánh thanh la, chụp chả, mõ, chuông, đờn cò và linh tang hòa thành một lễ nhạc tuyệt vời của Thiền Môn. Tuy dàn nhạc nầy không có nhạc trưởng như Tây Phương; nhưng tiếng đờn cò, tiếng tang linh hòa theo với hơi của vị Chủ Sám gia trì và các vị Kinh Sư rất nhịp nhàng. Chuông trống bát nhã sẽ thỉnh sư đăng bảo tọa. Vị tả bạch sẽ đọc những lời mời thỉnh rất trang trọng, đoạn vị Chủ Sám thăng tòa ở một cái bàn cao hơn các vị Kinh Sư, rồi làm ấn quyết theo khoa Du Già. Đây cũng là hình thức của Mật Tông Tây Tạng và lễ nghi nầy có lẽ được truyền vào Việt Nam từ thời nhà Trần ở thế kỷ thứ 13. Sau đó vị Chủ Sám an tọa và chư Tăng trong Ban Kinh Sư bắt đầu vào nghi Chẩn Tế Cô Hồn thật sự.

Trong nghi nầy có lễ thỉnh 12 loại cô hồn, đại loại như sau: Những người chết không được siêu thoát trong đó có vua chúa, quan thần, tể tướng, học trò, tăng sĩ, kỹ nữ, binh lính, nông dân, người bán mình nuôi thân v.v... Nghi lễ nầy nhằm chiêu cảm vong linh đã chết nhưng chưa được giải thoát, với lễ nghi nầy, mời tất cả về nơi đây để nghe kinh và ăn uống để được giải thoát. Qua hình thức của lễ nghi, mới xem trông như mê tín, dị đoan; nhưng nếu đi sâu vào thực tế, đây là một điều hiện thực của tâm linh. Vì lẽ khi sống như thế nào thì thác cũng như thế ấy. Nghĩa là sau khi chết không phải là hết, mà chết chỉ là một giai đoạn nghỉ ngơi trong đoạn đường dài sanh tử mà thôi.

Chắc chắn rằng những cô hồn ấy không ăn được những đồ cúng thí; nhưng qua các câu thần chú, có thể biến hóa thức ăn và cô hồn cũng như ngạ quỷ có thể dùng được thức ăn nầy như mình vẫn thường dùng bữa. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi. Vì lẽ chư Thiên dùng thức ăn khác, chư Bồ Tát và chư Phật hưởng thức ăn khác. Con người ăn cơm, gạo, rau quả. Con bò ăn cỏ, ăn rau. Con gà ăn trùng, ăn tấm. A Tu La ăn khác và dĩ nhiên ngọa quỷ phải ăn toàn bằng lửa và những loài chúng sanh trong địa ngục thì ăn tươi, nuốt sống tội nhân v.v... tất cả đều bị khổ đau và tục lụy dày vò. Chỉ có tiếng kinh lời kệ mới có thể mang họ ra khỏi tử sinh, sinh tử, thì ở đây nghi lễ chẩn tế cô hồn đã thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa siêu độ chư vong linh quá cố ấy.

Thông thường một Lễ Chẩn Tế Cầu Siêu bạt độ như thế cử hành ít nhất là 1 ngày mà nhiều nhất là 3 ngày. Ngoài nghi lễ chẩn tế, vào buổi chiều ngày cuối, còn có lễ đề phan và lễ vớt vong trong 2 buổi tối nữa. Xen kẽ vào đó là tụng những bộ kinh như Thủy Sám hoặc Địa Tạng.

Nghi Đề Phan được cử hành như sau: Trên trần có treo một cái đầu phan. Thân và đuôi phan được để trên một cái bàn. Vị Chủ Sám cùng với các vị Kinh Sư làm lễ chấp bút viết tên, tuổi, quê quán, ngày sinh cũng như ngày tử của người mất vào thân phan. Viết một chữ, niệm Phật bằng bao nhiêu câu Phật hiệu. Rất trang nghiêm thành kính và mầu nhiệm. Nghi lễ nầy thông thường mất dến 2 tiếng đồng hồ. Sau cùng thân phan được kết chung với đầu phan và để tại bàn linh suốt trong mấy ngày lễ, cuối cùng đem đốt.

Lễ Vớt Vong hay Lễ Vớt Đàn, có nghĩa là những hương linh bị chết đuối, những người bị chết non, bị chết bắn, bị chết oan ức v.v... đều được cử hành theo nghi lễ Phật Giáo. Người ta làm một hoặc nhiều nhà ngục khác nhau, chung quanh có những quỷ sứ hình thù đầu trâu, mặt ngựa rất ghê rợn. Đây là cảnh có thật ở địa ngục theo như trong kinh Địa Tạng có diễn tả. Ở giữa ngục là tội nhân. Tội nhân ấy tượng trưng cho người thân quá cố của mình, khi ra đi không được vẹn toàn thân thể, hoặc giả hồn chết oan thường hay về báo mộng khổ sở, oán than. Do vậy mà thân nhân mới làm đàn tràng để giải oan cho những linh hồn đã bị đày đọa nơi chốn âm cung u tối nầy.

Đến đêm vớt vong, thân nhân ngồi chung quanh đàn có hình thù địa ngục nầy. Một vị Chủ Sám đứng bên ngoài cầm tích trượng và mặc y, áo, mão giống như vị Địa Tạng nơi địa ngục. Theo sau là linh vị của hương linh. Bên trong có người ngồi đối đáp. Có khi tượng trưng cho quỷ quan, có lúc tượng trưng cho linh hồn của người mất. Bên ngoài, thân nhân, mỗi khi nghe hỏi đáp, đều niệm lớn câu: Nam Mô A Di Đà Phật, nhằm hỗ trợ cho thân nhân mình và cầu nguyện được sanh về thế giới an lành hơn. Buổi lễ nầy kéo dài chừng 3 tiếng đồng hồ.

Các nghi lễ bên trên được gọi chung là Lễ Chẩn Tế Cô Hồn. Nói nôm na là lễ ban phát tình thương và sự sống cho những linh hồn bị cô độc. Phật Giáo chủ trương không những lấy tình thương xóa tan thù hận đối với người còn sống, mà còn chủ trương ban phát tình thương cho những người ở cõi âm chưa được siêu thoát, mà phải qua những lời kinh, tiếng kệ mới mong hương linh nương theo đó mà sanh về thế giới an lành hơn. Đối với người còn sống, đây là một lễ nghi rất cần thiết để khỏi ân hận rằng mình đã không làm gì cho người quá cố. Có thể người đó là Thầy của mình, hay cha mẹ của mình. Vì chữ ân và chữ hiếu rất được coi trọng ở những xã hội Á Châu, nhất là những xã hội bị ảnh hưởng bởi Khổng Giáo và Phật Giáo. Trong kinh điển của nhà Phật cũng có dạy rằng: Thiên kinh vạn quyển hiếu hạnh vi tiên là vậy. Dầu cho một ngàn quyển kinh, một vạn quyển sách cũng không bằng chữ hiếu. Chữ hiếu bao giờ cũng phải được đứng đầu trong muôn hạnh của con người, lúc còn sống cũng như khi đã chết. Người Á Châu, nhất là những người Phật Tử hay quan niệm rằng trong khi sống, đời sống vật chất ra sao cũng được; nhưng đến khi chết, các lễ nghi cần phải đầy đủ, dầu cho có tốn kém đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bao giờ than van. Vì người còn sống quan niệm rằng: Cha mẹ sanh ta ra, nuôi ta suốt đời, cho ta ăn học thành tài, nên người, ra giúp đời giúp đạo; có bao giờ cha mẹ, Thầy Tổ đi kể công với ta đâu. Do đó, nếu là con, là đệ tử có hiếu với cha mẹ, với Thầy thì phải có bổn phận hầu hạ lúc cha mẹ già yếu cũng như lo cho cha mẹ đầy đủ các nghi lễ mãn phần.

Lúc sống rất ít người Việt Nam ăn mừng sinh nhựt, nhưng khi chết rồi, mỗi năm cứ đến ngày chết của người thân, thế là con cháu, đệ tử, đệ tôn quay quần về nhà hay về chùa, về Tổ Đình để cùng nhau cúng kỵ và chính ngày giỗ ấy đã nhắc nhở cho con cháu phải sống cho đúng với tinh thần đạo đức mà cha ông, Thầy Tổ đã truyền thừa cái mạng mạch ấy lại cho con cháu và đệ tử sau nầy.

Tục ngữ Việt Nam vốn có câu: Ở có đức không sức mà ăn. Điều ấy có nghĩa là những bậc cha mẹ nào giàu lòng nhân nghĩa, Thầy Tổ ân sư nào có đầy mối từ tâm đối với chúng sanh và muôn loài thì thế hệ con cháu, đệ tử đời sau sẽ hưởng được phước đức của cha mẹ, ông bà, Thầy Tổ và luôn luôn được vinh hiển sung sướng, an hưởng trong cảnh phú quý vinh hoa, không bị não phiền làm cản trở sự sinh sống của mình.

Chư Tăng Ni ai cũng có vị Bổn Sư hay Y Chỉ Sư hoặc giả Thế Độ Bổn Sư, do vậy việc báo ân, báo hiếu của chư Tăng Ni đối với Thầy Tổ của mình cũng giống như bao nhiêu sự báo ân, báo hiếu khác của thế gian. Nghĩa là sau lễ trà tỳ, nhập tháp xong, cứ mỗi năm đến ngày giỗ kỵ, tất cả môn đồ, hiếu quyến đều về chùa Tổ để bái vọng về giác linh ân sư của mình. Cây có cội, nước có nguồn là thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/02/2013(Xem: 6557)
Hôm nay, Tết Nguyên Đán năm Kỷ Tỵ, tấtcả quí Phật tử gần xa đều về chùa lễ Phật và chúc mừng năm mới. Nhân đây chúng tôi cũng nói chuyện và chúc Tết quí vị luôn. Năm Tỵ là năm con rắn, tôi cũng tùy tục mà nói chuyện đạo lý về con rắn.
04/02/2013(Xem: 10131)
Trước khi nhập điệt, 2500 năm trước, Đức Phật đã giảng pháp lần cuối. Bài pháp thoại này đã đưọc ghi lại trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh -Maha Parinibbana Sutta -Great Passing Discourse) và đã được lưu giữ trong Tam Tạng Kinh điển Pali, những thánh điển của Phật giáo. Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã chỉ dẫn cho chúng sanh bao giáo lý để đến được con đường giải thoát. Ở giai đoạn cuối đời, Đức Phật muốn nhấn mạnh với các đệ tử của Ngài là cần đem những lời giáo huấn đó áp dụng vào cuộc sống.
02/02/2013(Xem: 7553)
You may be surprised to hear that Most Venerable Thich Quang Do has made it known to President Obama and his Administration that Vietnam needs more than ever the service of VOA/ Vietnamese service. He is the supreme Buddhist Leader in Vietnam under House Arrest.
01/02/2013(Xem: 8273)
Đức Phật không cô lập, xa lánh vua A Xà Thế, mà là mở cơ hội cho vua đến với Đức Phật. Phật giáo cố sự đại toàn chép lời Đức Phật đón vua A Xà Thế: “Đại vương! Ông tới đúng lúc. Ta đợi ông đã lâu”. Đốivới trường hợp vương triều A Xà Thế, với một vị vua tàn nhẫn, độc đoán,hiếu chiến, Đức Phật đã tạo môi trường hóa độ như thế. Trường hợp vua AXà Thế là câu trả lời chung cho câu hỏi về mối quan hệ giữa chính quyềnvới Phật giáo trong mọi thời đại. Dù là chính quyền như thế nào, đối với Phật giáo, đó vẫn là mối quan hệ mởcửa, hóa độ, mối quan hệ cho những gì tốt đẹp nhất nẩy mầm, sinh sôi. Bài viết về trường hợp vua A Xà Thế trong quan hệ với Đức Phật và tăng đoànchắc rằng sẽ định hình những nét chính trong bức tranh quan hệ Phật giáo và chính quyền mà chúng ta đang thảo luận.
27/01/2013(Xem: 12225)
Theo truyền thống tín ngưỡng của dân gian, có lẽ hình tượng 2 vị Thần Tài – Thổ Địa không xa lạ gì với người dân Việt Nam.
21/01/2013(Xem: 8349)
Theo nguyên tắc chung, tôi nghĩ rằng tôn giáo của cha mẹ mình là tôn giáo thích nghi nhất cho mỗi người. Vả lại thật cũng không tốt nếu chạy theo một tín ngưỡng nào đó rồi sau này lại từ bỏ. Ngày nay, nhiều người rất quan tâm đến đời sống tinh thần mà đặc biệt nhất là Phật giáo, nhưng thường thì họ không suy xét cẩn thận để ý thức mình đang dấn thân vào một lãnh vực tinh thần có những đặc tính như thế nào.
18/01/2013(Xem: 8372)
Người ta vẫn thường hay nói nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thực ra người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên họ khổ. Người giàu sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ người khác lợi dụng hay hãm hại mình nên khổ. So ra, cái khổ của người giàu còn
18/01/2013(Xem: 8612)
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan niệm về tính Không – một nội dung quan trọng của kinh Kim Cương. Tính Không (Sùnyatà) là một khái niệm khá trừu tượng: vừa thừa nhận có sự hiện hữu, sự “phồng lên” (ở hình thức bên ngoài) của một thực thể, vừa chỉ ra tính trống rỗng (ở bên trong) của thực thể. Vì vậy, tính Không không phải là khái niệm chỉ tình trạng rỗng, không có gì, mà có nghĩa mọi hiện hữu đều không có “tự ngã”, không có một thực thể cố định.
13/01/2013(Xem: 12309)
Sáu mươi và vẫn còn khỏe mạnh, tôi chỉ mới chập chững bước vào tuổi già. Nên giờ đúng là thời điểm tôi cần tham khảo về vấn đề này để phát triển sự can đảm, vì tuổi già là điều khó chấp nhận. Tuổi già thật đáng sợ. Tôi chưa bao giờ chuẩn bị cho tuổi già. Tôi vẫn hy vọng mình còn có thể sống qua nhiều lần sinh nhật nữa, nhưng lại không chuẩn bị cho sự hao mòn trong quá trình đó. Vừa qua tuổi sáu mươi không lâu, các khớp xương của tôi đã cứng, tóc tai biến mất ở chỗ này lại mọc ra chỗ khác, tên tuổi của người khác tôi không còn nhớ rõ, thì tôi phải chấp nhận những gì đang xảy ra cho tôi.
11/01/2013(Xem: 8530)
BA VÒNG QUAY CỦA BÁNH XE ĐẠO PHÁP cùng sự hình thành của kinh điển và các học phái Phật Giáo
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]