Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành Hương Tích Lan

17/09/201307:26(Xem: 9344)
Hành Hương Tích Lan

Nhat_Hung_Tang_Hoa-HTNhuDien

Cuối cùng ngày mong đợi cũng đến: Hành hương Tích Lan 02.07.2011 - 14.07.2011.

Từ Thụy Sĩ xa xôi, một mình lẻ loi như cánh chim lạc đàn, tôi tìm về tổ ấm nhập đàn cùng thầy, bạn, những người quen và những người chưa quen ở Đức. Một chuyến đi xa, hành hương đến một nước xa lạ chưa hề nghĩ có ngày đặt chân tới, tôi háo hức như đứa trẻ sắp được mặc áo mới, hay cô dâu sắp về nhà chồng.

Chuyến bay cất cánh từ phi trường Frankfurt Đức quốc lúc 22.40 thuận lợi cho tôi đủ nhân duyên để tham dự chuyến hành hương này.

Có ba yếu tố thôi thúc bước chân tôi. Thứ nhất là ủng hộ nhị vị hòa thượng: Thầy Minh Tâm, trụ trì chùa Khánh Anh, Paris; Thầy Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác Đức quốc. Cả hai được chính phủ và giáo hội Tăng Già Tích Lan trao giải thưởng danh dự, người có công trong công việc hoằng pháp lợi sanh. Thứ hai, đi Tích Lan lần này, ngoài việc biết thêm một xứ sở mới, còn là cơ hội cho tôi họp mặt bạn bè, anh Phù Vân, chị Phương Quỳnh (chị Phương Quỳnh thông báo rủ rê, tôi mới biết chuyến đi này), anh chị Đan Hà và nhất là Hoa Lan, cô bạn văn… lí lắc luôn mang đến nụ cười cho mọi người, và là chất xúc tác “nhập“ cùng tôi… quậy, một trong bảy nàng bút nữ báo Viên Giác mà hằng năm chúng tôi luôn dự định gặp mặt nhau.

Chuẩn bị trước cả tháng, từ quần áo, thuốc men, chương trình vé tàu xe… đâu vào đấy, đúng ngày, tôi khăn gói lên đường. Vì mua vé máy bay tại Đức được cấp vé xe lửa đi và về miễn phí đến phi trường, tôi lo xa đi sớm cả 10 tiếng đồng hồ dù đoạn đường dài chỉ cần 6 tiếng thôi.

Trời mùa hè, nắng rực sáng lung linh như thủy tinh. Mây trắng lững lờ bay giữa bầu trời quang đãng. Ngồi trên tàu, tôi có nhiều thì giờ thả hồn mơ mộng, ngắm những đồng cỏ mượt mà tươi mát cắt tỉa gọn gàng như tấm thảm nhung xanh trải trên nền nhà Thụy Sĩ, cùng những hàng cây ăn trái để thấy nét dịu dàng hiền hòa của một xứ sở thanh bình thịnh trị. Tôi ngắm hồ Bodensee nước trong như ngọc thạch giáp nối biên giới Áo, Đức, Thụy Sĩ; cùng ngắm những rừng thông bạt ngàn hùng vĩ của Đức quốc vươn thật cao thành khu Rừng Đen (Schwarzwald) chạy dọc theo lối đi biểu hiện sự mạnh mẽ của nước này.

Đi sớm đến sớm, nhưng tôi không phải đợi lâu, chỉ vài phút sau đã… nhập đàn với phái đoàn do Hòa thượng Phương Trượng hướng dẫn. Gặp nhau, chắp tay chào mừng, thầy trò ai nấy đều rạng rỡ.

Hãng bay Oman của Ả Rập, “Oman” người Đức dịch là “Oh mann - than ôi” hay “trời ơi đất hỡi” nhưng không “ẹ” như cái tên của nó. Những cô tiếp viên với làn da nâu mặn mà, mắt to đen, xinh đẹp trong cách trang phục thật bắt mắt. Quần tây đen, áo vest màu xanh cổ vịt chạy một hàng viền đen ở những cổ tay gấu áo; đặc biệt nhất là chiếc mũ cũng màu xanh, cũng chạy một hàng viền đen, nhưng nổi bật và duyên dáng vẫn là giải lụa cùng màu áo móc từ chiếc mũ thòng xuống tới bờ vai. Dáng vẻ trang đài lịch sự ấy gợi cho tôi nhớ lại đã một thời, khi tôi 12 tuổi, lần đầu tiên đi máy bay, tôi đã từng ngẩn ngơ như bị “tiếng sét ái tình”, về nhà mơ mộng mê tha thiết mấy cô tiếp viên hàng không và nuôi mộng lớn lên sẽ được như những cô ấy. Tiếc là mộng không thành, tôi đã thất vọng bỏ cuộc khi chứng kiến nhiều chiếc máy bay rơi thuở đó. Nhưng niềm say mê và lòng ngưỡng mộ về những người đẹp vẫn tiềm ẩn trong tôi cho tới bây giờ. Nhưng hôm nay, một lần nữa, tôi lại thất vọng, ngay trong chuyến bay này, khi tình cờ bắt gặp lúc tôi đứng bên “cánh gà” cuối phía sau máy bay chờ đi vệ sinh, qua khe hở, tôi thấy và nghe được cuộc cãi vã của hai nữ tiếp viên, rồi một cô gục đầu ôm mặt khóc. Hình ảnh ấy khiến cho tôi chạnh lòng nhớ lại những nỗi ê chề, đắng cay của chính mình khi lăn lộn “kiếm ăn” trong đời sống. Cuộc cãi vã đó dù ngắn ngủi cũng đủ cho tôi xót xa nhận ra cái khổ của chữ “sinh” (sinh sản, sinh nhai, sinh sống) một trong bốn nỗi khổ “sinh, lão, bịnh, tử“ của đạo Phật. Thì ra, phía sau những nụ cười rạng rỡ chào đón hành khách kia là những giọt nước mắt. Họ khóc đó, ánh mắt còn vương sầu, nhưng thấy tôi, liền phải nở nụ cười, miễn cưỡng sống bằng hai khuôn mặt thế mà bấy lâu, tôi những tưởng ngành nghề cao quí ấy sẽ là những cuộc đời tốt đẹp, rồi tôi tự hỏi, trên đời này còn biết bao ngành nghề cao quí khác cho tới làm vua, tổng thống và ngay cả người tu đang trên đường tìm về nước Phật chắc gì đã hoàn toàn hạnh phúc an lạc khi đối đầu với chữ “sinh”. Và ngay cả trong chuyến đi này, tôi còn chứng kiến cảnh chụp giựt để sinh tồn của những con khỉ (Tích Lan có rất nhiều khỉ ở đồi cây); một con khỉ to lớn vồ chụp, gạt phăng, đánh đuổi hết những con khỉ nhỏ, kể cả khỉ mẹ đang ôm con, để dành phần ăn tôi ném ra, mục đích cho mẹ con con khỉ con. Bấy giờ tôi mới thấm thía lời Phật dạy “đời là bể khổ” và để thoát khổ, phải tu làm sao mong thoát luân hồi.

Chuyến bay khoảng 12 tiếng đồng hồ thì đến nơi, sau khi vượt qua vùng sa mạc mênh mông của nước Oman. Từ trên cao nhìn xuống chỉ rải rác vài đám cây khô cằn với những ngôi nhà trắng mái bằng. Những chiếc xe hơi cũng toàn trắng, trong khi con gái ăn mặc như trùm cái “mền” đen thui. Trái với Oman, Tích Lan lại xanh tươi từ những rừng dừa bao la trải dài, phủ khuất những căn nhà ẩn núp trong những lùm cây.

Bước ra khỏi phi trường, chúng tôi được bốn nhân viên chính phủ cùng tiến sĩ Seelawansa, một tu sĩ Tích Lan kiêm giáo sư đại học ngành tôn giáo học tại thủ đô Wien Áo quốc tiếp đón. Nhìn bốn nhân viên và một số Phật tử Tích Lan tại phi trường cúi mình quì rạp, chân trước chân sau, hai tay chấm nhẹ xuống đất hoặc chấm vào chân thầy Như Điển và tu sĩ của họ (nhìn thoáng như cung cách quần thần nhà Thanh cúi chào quân vương) rồi lại chấm lên đầu mới chắp tay đứng dậy tôi nhận ra sự cung kính tăng sĩ của xứ này.

Cũng như Thái Lan và Miến Địên, Tích Lan lấy Phật giáo làm quốc giáo. Trong Kinh, Luật, Luận thì Thái Lan chú trọng Kinh và tượng Phật; Miến Điện chú trọng Luật và tháp thờ Xá lợi Phật; còn Tích Lan chú trọng Luận và cây Bồ đề. Tuy nhiên Tích Lan có hai quốc bảo đó là Xá lợi Răng Phật và cây Bồ đề do công chúa Shanghamita con gái vua A Dục mang một nhánh từ Ấn Độ sang dâng tặng vua Tích Lan từ 2300 năm trước.

Phật giáo đến Tích Lan từ thế kỷ thứ 3. Tuy Phật giáo là quốc giáo tồn tại tại Tích Lan từ hơn 2300 năm, nhưng vẫn chịu luật vô thường biến đổi không ngừng trải qua nhiều độ thăng trầm cho đến ngày nay. Đã có nhiều vấn đề từ tăng sĩ. Những tu sĩ trẻ ngày nay đã nghĩ khác, quan niệm khác. Họ muốn đi nhanh nên không kiểm soát được mình, nội tâm mình. Tuy nhiên, nếu so với các Phật tử phương Tây đang tìm hiểu và theo Phật giáo, người Phật tử Á đông nói chung và tăng sĩ nói riêng làm điều gì cũng khởi từ tâm và làm tất cả từ nội tâm, không như người phương Tây, chưa làm gì nhiều cho Phật giáo nhưng hễ tu là muốn thành Phật nhanh và không làm chủ nội tâm, do đó tu Phật như thế sẽ không giá trị gì nhiều.

Tích Lan rất nghèo, mặc dù đất đai phì nhiêu, rất tốt, ăn bỏ hột là lên cây, ra quả. Phong cảnh xung quanh xanh tươi, rất nhiều dừa và những cây cao, cây đại thụ từ thôn quê ra tới thành phố. Nhờ thế, không khí trong lành, thêm sự sạch sẽ của đường phố làm giảm đi cái nóng gay gắt của xứ sở này. Tích Lan giống như một cô gái nông thôn mộc mạc hiền hòa, không có cái rộn ràng xô bồ hào nhoáng của một đất nước kỹ nghệ. Họ sống với thiên nhiên, với biển và cỏ cây. Cuộc sống thật êm đềm kể từ ba năm trước đây, cuộc nội chiến giữa người Tamil và chính phủ đã chấm dứt khi thủ lãnh của Tamil bị giết. Mặc dù tổng thống hiện nay là người tài giỏi có tấm lòng, nhưng thiếu sự giúp đỡ đúng mức của ban cố vấn nên Tích Lan cứ mãi… xìu xìu ểnh ểnh!

Phái đoàn lên xe Bus về một khách sạn ven biển. Dọc đường đi, có rất nhiều tượng Phật lớn có, nhỏ có được thiết trí rất trang nghiêm ở những ngã ba, ngã tư đường. Nhiều nhà treo cờ Phật giáo mặc dù không phải là ngày lễ.

Khách sạn chúng tôi ở tọa lạc ngay bãi biển, vùng phụ cận của thủ đô Colombo. Khách sạn ba tầng lầu. Các phòng ốc quây quần đâu mặt nhau nhìn xuống một hồ tắm nhân tạo và nhìn thẳng ra biển nên mỗi lần mở cửa là thấy… hàng xóm, bạn bè thân thương của mình, vô cùng ấm cúng. Đêm ngày nghe tiếng sóng vỗ rì rào, hàng dừa xào xạc, gió lồng lộng thổi và tiếng quạ kêu oăn oắc.

Suốt thời gian 12 ngày, chúng tôi được thăm thú những thắng tích của Tích Lan. Hầu hết là những tượng Phật lớn, có tượng cao đến 30 mét; tháp lớn, có tháp xây dựng từ 1500 năm về trước, và những cánh cửa gỗ đã hơn 1000 năm; những hang động hùng vĩ có từ 2000 năm, bên trong tạc hằng trăm tượng Phật lớn, nhỏ; có những hang nằm trên núi cao, chúng tôi người trước kẻ sau cùng nhau trèo đèo như “Em đi chùa Hương” vậy. Và có hang động tạc tượng lên đá, những phù đồ (tháp rất cao) thờ xá lợi Phật xây dựng từ những viên gạch xếp lớp rất công phu được Unesco đánh giá là di sản văn hóa của thế giới.

Đâu đâu từ thôn quê cho tới thị thành lẫn tới hang động, núi cao đều thấy Phật lớn, Phật nhỏ, Phật ngồi, Phật đứng, Phật nằm, Phật đang ngủ và Phật nhập Niết Bàn. Cũng nên lưu ý để phân biệt: khi Phật ngủ thì hai bàn chân sắp đều nhau, khi Phật nhập Niết Bàn thì mất tự chủ nên hai bàn chân so le nhau. Thầy Phương Trượng Viên Giác và Bhante (Bhante có nghĩa là Tôn giả, danh xưng để gọi tiến sĩ Seelawansa mà chúng tôi thường đọc trại cho vui là ông “Ba Tê”, còn đệ tử của ngài với cái tên Tích Lan dài thoòng khó nhớ, chúng tôi gọi tắt là Jambon để dễ phân biệt). Ba thầy thay phiên nhau có khi đi cùng lúc đưa chúng tôi thăm ngôi chùa Kelaniya, nơi có chiếc chuông lớn được mệnh danh là chuông “Hòa bình”. Chuông này do một vị trụ trì bên Đại Hàn, tiến sĩ Byun, gởi tặng nước Tích Lan vào năm 1982 và đưa về chùa năm 1984.

Ngài “Ba Tê” thỉnh thoảng đưa chúng tôi về thăm chùa, thăm gia đình của ngài, ăn cơm do gia đình ngài thết đãi. Nhiều món ăn lạ nặng mùi cà ri nị nên cũng khó nuốt, nhưng cái vườn nhà ngài thì… nào chuối, nào mít, nào dừa, nào ô ma (trái ô ma đã hơn 30 năm tôi mới thấy lại, ăn rất bùi, ngon và đậm nét quê hương Việt Nam). Được Thầy Seelawansa cho phép, chúng tôi tha hồ, thích trái nào thì cứ việc tự nhiên như người… Hà nội! Những trái mít ướt, mít ráo, dù cao dù lớn dù nặng, dù sống, chín bất kể, chúng tôi cũng cố trèo và hái cho bằng được, vừa ăn tại chỗ vừa hái mang về. Chín thì ăn ngay. Sống thì đem kho. Cũng nên kể thêm là, chủ khách sạn chúng tôi ở là một Phật tử Tích Lan, từng sống ở Đức, đệ tử của ngài Ba Tê nên đối xử với chúng tôi rất thân tình, thoải mái và dễ dãi như người trong nhà. Có khách sạn nào có thể cho du khách vào bếp “quậy”(?!) như nấu chè đậu xanh, mít kho, hột mít luộc, rau muống luộc, thơm xào… Vì mùi cà ri nị là gia vị chính của Tích Lan, cái gì cũng nêm cà ri khó nuốt lắm, chúng tôi đã “nhõng nhẽo, vòi vĩnh” thầy Phương Trượng cho ăn những món hợp khẩu vị hơn. Chúng tôi còn… vòi ăn sầu riêng nữa, “đòi” thầy mua cho bằng được mang lên xe, để rồi “sầu riêng” trở thành “sầu chung” cho mọi người, vì sầu riêng mua hối hả không biết lựa chọn nên vừa sống, hạt lớn múi mỏng, ăn không được còn làm… ngạt thở thầy Phương Trượng!

Người Tích Lan còn có một điều lạ nữa, ngoài việc lái xe bên trái không lấy gì ngạc nhiên, nhưng khi họ ưng ý, chấp thuận một điều gì thì thay vì gật đầu, họ lại lắc đầu. Có đôi lần chúng tôi hiểu sai ý của người Tích Lan, như khi xin ngài Ba Tê được phép hái trái cây trong vườn, ngài lắc đầu, khiến chúng tôi tiu nghỉu buồn năm phút; cho đến lúc hai tay ngài ra dấu xin mời, xin mời như… năn nỉ, chúng tôi mới sực nhớ ra. Và cũng có lần nhờ anh tài xế vác hộ hai trái mít to vào nhà, thầy Phương Trượng đã thưởng tặng anh 10 US đô la, anh nhận tiền nhưng đầu cứ... lắc lia, làm chị bạn tôi dù đang… tu cũng nổi sân lên trách: “Thầy trả công hậu hỉ như vậy mà anh ta từ chối là sao?!”. Tôi cười nhắc nhở: “Ổng lắc đầu là chấp thuận đó!”. Chị bạn mới nhớ ra, cười, khi thấy anh tài xế đang khệ nệ bưng hai trái mít vào cho chúng tôi.

Thầy Ba Tê còn đưa chúng tôi thăm trung tâm từ thiện, nơi hiện diện những trẻ mồ côi nạn nhân của sóng thần năm 2006. Trung tâm rất sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng, nằm trong một khu vườn rộng ngoại ô thành phố được thành lập từ năm 2007 do ngài Ba Tê chủ xướng. Trung tâm này đa số được tài trợ từ Áo, do những đệ tử học đạo với ngài, cùng sự trợ giúp của chính phủ Tích Lan. Giáo hội Âu Châu qua thầy Như Điển và thầy Minh Tâm cũng góp phần không nhỏ xây dựng trung tâm này, đã quyên được 17 ngàn Euro để đóng góp. Hiện có 22 em trai đang sinh sống trong khi trung tâm có thể chứa 40 em. Trong tương lai, ngài Ba Tê sẽ mở thêm khóa huấn luyện Computeur cho các em. Chúng tôi đến thăm được mời ở lại dùng cơm. Mãi 14 giờ các em mới đi học về. Các em đã hát và múa cho chúng tôi thưởng thức.

Nhưng, thắng tích quan trọng nhất được xem là quốc bảo mà du khách đến Tích Lan không thể bỏ qua đó là Xá lợi Răng Phật và cây Bồ đề.

Chúng tôi tạm rời khách sạn, “dọn nhà” đến thành phố Kandy, nơi có cung điện thờ Xá lợi Răng Phật. Kandy là một thành phố cổ của Tích Lan. Phố xá sầm uất, nhộn nhịp người qua kẻ lại. Suốt tuần qua ở… quê đóng vai anh, chị “hai lúa” giờ có dịp ra phố, nhất lại chiêm bái cung điện vua chúa và Xá lợi Răng, lòng ai nấy như mở hội.

Cung điện thờ răng Phật nằm ngay trung tâm phố, đối diện không xa lắm với khách sạn Queen chúng tôi ở. Nhìn cung điện nguy nga dưới bóng tà dương, cung điện của các triều đại cách nay đã 450 năm, không thấy quân sĩ vua chúa đâu nữa tôi lại chạnh lòng nghĩ đến luật vô thường của đạo Phật và ngậm ngùi nhớ đến câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Nhờ tháp tùng theo thầy Ba Tê và nhị vị hoà thượng vừa nhận giải, chúng tôi hưởng ké phúc lộc của quí thầy mới được phép vào tới cung điện đi loanh quanh khắp nơi để tưởng như mình là nhân vật của… hoàng gia, được phép chiêm bái tháp thờ Xá lợi Răng Phật dù chưa thấy Răng, vì theo luật Tích Lan, Xá lợi Răng hằng năm chỉ được chiêm bái lễ lạy một lần do bốn vị có chức quyền như Tổng thống, Thủ tướng, Tăng thống và vị Trụ trì giữ bốn chìa khóa mới được phép mở tháp vàng bao bọc Xá lợi Răng mà thôi. Vì Phật giáo là quốc giáo nên việc thờ tự rất tôn nghiêm, cung kính. Vào đó không được mang giày dép, không được đi hay đứng quay lưng với tượng Phật. Những ai quên mang áo tràng không được phép vào lễ lạy hoặc có nơi phải tốn tiền mua vé vào cửa. Trước khi vào cung điện chính, nơi có bảo tháp thờ Xá lợi Răng Phật còn có nhạc công nhảy múa vũ điệu dân tộc Tích Lan để cúng dường cùng chào đón chúng tôi nữa. Ôi, chúng tôi cứ ngỡ như mình đang sống vào thời huy hoàng của các bà hoàng công chúa xa xưa nào vậy.

Qua ngày sau, chúng tôi lại “dọn nhà” đến một nơi khác, nơi có cây Bồ đề do công chúa Shanghamita con gái vua A Dục trao tặng vua Tích Lan. Sự tích kể rằng, vua A Dục là một vị vua cùng hung cực ác, thậm chí thấy dân yêu cây Bồ đề cũng ra lịnh chặt hết đi; luôn dùng bạo lực để xâm chiếm nước khác. Ngày chiến thắng, đứng trên xác người, chìm trong biển máu, A Dục mới bừng tỉnh dậy. Lương tâm tiềm ẩn, ngủ quên bao năm đã đánh thức tâm Phật của ông, để rồi đêm đó, vua mơ thấy một thần linh đến mách bảo ông, muốn những cây bồ đề sống lại, cứ tưới sữa tươi, cây sẽ hồi sinh tức khắc. Từ đó, vua ăn năn hối cải, đứng giữa nghịch cảnh mới tìm thấy Niết Bàn, vua cho xây nhiều chùa chiền, hoằng dương chánh pháp đem lại sự an lành no ấm cho toàn dân. Vua cắt một nhánh bồ đề sai con gái là công chúa Shanghamita lúc đó đã đi tu đem sang biếu vua Tích Lan; từ đó chúng ta mới có cơ hội chiêm bái ngày hôm nay.

Có ba cây Bồ đề cao lớn như cổ thụ, cành lá sum sê, không rõ cây nào là cây chính nằm trên một điện đài có rào cản, có lính canh nghiêm ngặt. Phải là tu sĩ hay Phật tử có áo tràng mới được phép lên đó lễ lạy, còn không, tất cả đều đứng bên dưới ngưỡng vọng lên thôi. Xung quanh khuôn viên gần đó còn có một tháp lớn với vô vàn cây bồ đề lớn, nhỏ; hằng năm qui tụ hằng triệu người đến làm lễ dâng hoa ở khu vực này dưới những cây Bồ đề.

Cuộc hành hương Tích Lan của chúng tôi, ngoài thăm viếng thắng tích, trọng điểm chính là tham dự lễ phát giải danh dự ủng hộ nhị vị Hòa thượng Minh Tâm và Hòa thượng Như Điển.

Tôi ở xa, tới chùa Viên Giác của thầy Như Điển, tới chùa Khánh Anh của thầy Minh Tâm đều phải 12 tiếng xe lửa hay xe hơi. Năm thì mười họa tôi mới ghé chùa. Riêng chùa Khánh Anh, tôi chưa lần nào có dịp đến thăm. Và với hai thầy, tôi cũng chưa được hầu chuyện quá 2 phút.

Ở xa, cái nhìn của tôi về chùa cũng như về hai thầy có thể phiến diện. Nhưng trên tờ giấy trắng, nếu có chấm đen, tờ giấy trắng vẫn còn giá trị. Không thể vì chấm đen để phủ nhận giá trị của tờ giấy.

Bao năm qua, chỉ cá nhân tôi thôi, tôi tìm đến đạo pháp, hiểu phần nào giáo lý của Đức Phật để được lợi lạc phải nói là nhờ nhân duyên với hai hòa thượng. Với thầy Như Điển qua nhân duyên văn chương, qua tờ báo Viên Giác. Tờ báo sống mạnh mấy chục năm nay cho đến bây giờ không phải ngẫu nhiên mà có, mà do sự đóng góp tích cực trong tinh thần đoàn kết, nhất là sự tận tụy hết lòng lo cho tờ báo của anh Chủ Bút Phù Vân cùng Ban Biên Tập và sự ủng hộ chân thành của độc giả; nhưng Chủ Nhiệm sáng lập tờ báo tạo chất keo để nối kết mọi người đến với nhau, chính là thầy Như Điển.

Riêng với thầy Minh Tâm, tôi được biết qua các khóa học Âu Châu hằng năm mà chính thầy là người khai sáng cho đến nay đã 23 năm rồi, càng lúc càng phát triển từ lần đầu chỉ 30 người trong phạm vi quốc gia và nay lên đến cả ngàn người mở rộng cho khắp Âu Châu lẫn sự tham dự của nhiều nước trên thế giới. Qua đó, tôi nhìn thấy thành quả của hai vị phát huy chánh pháp đem lợi lạc đến bao người, như nhìn thấy giá trị của tờ giấy trắng hơn thấy dấu chấm đen. Nhờ đó rất nhiều người ở Âu Châu biết đến Giáo Pháp của Đấng Từ Phụ, thuộc và hiểu kinh điển Phật Giáo.

Từ bao năm qua, hai thầy bị đánh phá, chụp mũ… chẳng qua, như bác Tiểu Tử, trong bài viết “Người Bán Liêm Sĩ” trang 46 số báo Viên Giác 183 có viết: “Hạng chụp mũ nào cũng chỉ chụp người có tên tuổi đàng hoàng chớ chẳng ai chụp mũ một kẻ vô danh” mà muốn có tên tuổi, không phải dễ. Và bác Tiểu Tử còn xếp hạng người chụp mũ đó là hạng… mắc dịch! (lời của bác ấy). Riêng tôi, tôi tự hỏi sao không chụp mũ thầy Như Điển ngay khi thầy đến Đức với hai bàn tay… ny- lông, chưa có một xu dính túi để mua nổi cho mình đôi găng tay chống lạnh?! Ngày nay, sau mấy chục năm thầy thành công nên chuyện ghen ghét xuyên tạc, chụp mũ là chuyện bình thường. Nhưng, để được thành công phải có cái giá của nó, phải đánh đổi bằng tâm trí, sức lực và tài năng; phải phục vụ cho chúng sinh đúng mức, mới có cái ngày mà kẻ ghen ghét cho rằng: Mong ngày dài không chỉ 24 tiếng mà là 48 tiếng đồng hồ để được mở thùng phước sương!Muốn mở nó không dễ đâu nếu không tạo niềm tin, yêu kính đối với Phật Tử. Nếu dễ, thì thiên hạ xúm nhau mặc áo cà sa (tuy vậy, mặc vào thay vì phục vụ chúng sinh đáp ứng đúng mức nhu cầu tâm linh, mà lại bắt chúng sinh phục vụ mình thì cũng chả dễ đâu!) hơn là đi làm để phải úp mặt vào hai lòng bàn tay khóc nức nở như cô tiếp viên kia. Không chỉ Phật tử Việt Nam ngày nay với thông tin rộng rãi, được mở tầm mắt để nhận định, mà chính Hội Đồng Tăng già Tích Lan từ một xứ xa xôi, sau khi duyệt xét vào năm 2010 cũng thấy được những thành quả liên tục hoằng pháp lợi sanh từ công tác giáo dục, xã hội, từ thiện của hai hòa thượng mới có phần thưởng danh dự ngày hôm nay.

Trong ngày phát giải rất long trọng, có sự hiện diện của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tích Lan. Ba vị đều mặc bộ vest trắng kín cổ, kiểu đại gia. Dường như quần áo trắng của người Tích Lan là pháp phục như áo tràng của Việt Nam để dự các lễ của Phật giáo nên trong hội truờng đa số người Tích Lan đều mặc đồ trắng chỉ trừ nhóm ngoại quốc và phụ nữ Việt chúng tôi là quốc phục áo dài, mỗi người mỗi vẻ trăm hoa đua nở. Buổi lễ còn có sự hiện diện của vị Tăng thống, các Hội Đồng trưởng lão Tăng già Tích Lan và nhiều quan khách. Có tới 200 Phật tử và tu sĩ trong phòng khánh tiết. Riêng phái đoàn chúng tôi cả thảy là 40 người đến từ nhiều quốc gia. Đặc biệt có 4 vị sư trẻ Việt Nam du học Ấn Độ đang trình luận án tiến sĩ, bốn vị là một trong 150 vị kể từ 1994 cho đến nay được Hòa thượng Như Điển tài trợ ăn học. Nay đã có 100 vị đã ra trường.

Buổi lễ phát giải bắt đầu lúc 16 giờ bằng những tiếng kèn, trống và vũ công chào mừng qua những vũ điệu dân tộc. Khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng bước vào, chỉ có đồng bào Phật tử đứng dậy; riêng các tu sĩ vẫn ngồi yên, điều đó chứng tỏ, xứ Tích Lan tăng sĩ có một địa vị cao thượng bậc nhất luôn được mọi tầng lớp từ các cấp chính quyền đến nhân dân kính trọng.

Buổi phát giải không chỉ dành riêng cho nhị vị hòa thượng Việt Nam mà còn cho hai vị cư sĩ người Áo đã có công đóng góp trong việc truyền bá đạo Phật cho người bản xứ. Đó là ông Gerhard Weissgrab, tiến sĩ Khoa học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo tại Áo và ông Wolfgang Alkier, tiến sĩ Luật, Phó giám đốc và là thành viên dân biểu Quốc hội Áo. Hai vị đã góp phần để Phật Giáo được chính quyền sở tại công nhận như một tôn giáo cùng với các tôn giáo khác. Và theo quan niệm của hai ông, đạo Phật chữa trị nỗi đau khổ của thế gian.

Cùng đi trong chuyến chúng tôi, đặc biệt có một cô Thổ Nhĩ Kỳ. Cô sinh sống và học tại Áo, và là đệ tử học Phật với ngài Ba Tê. Suốt cuộc hành hương, cô hay theo đoàn Việt Nam, ăn uống và lễ lạy y như chúng tôi vậy. Cô rất dễ thương và rất hòa đồng. Có một lần thấy một vị trong đoàn người Áo nổi sân, cô nhẹ nhàng nói với chúng tôi “đã học Phật sao lại còn giận nhỉ!”.

Buổi lễ kết thúc sau hai tiếng đồng hồ, sau khi từng chính khách đọc diễn văn, phát giải và 16 em học sinh Tích Lan pháp phục màu trắng lên hát một bài đồng ca để cúng dường. Riêng nhị vị hòa thượng của chúng ta, ngoài lãnh bằng danh dự như hai vị cư sĩ Áo quốc còn đặc biệt được trao tặng hai quạt “ba tiêu” có giá trị của ngôi vị quốc sư được quyền bàn bạc chuyện chính sự của nước này. Do đó, mới sáng sớm hôm sau, nhị vị hòa thượng đã được phe đối lập mời dùng điểm tâm để gieo duyên!

Cuộc hành hương Tích Lan của chúng tôi đến đây kể như kết thúc. Vào cuối ngày, trước khi chia tay ai về trụ xứ nấy, không ai nói ra mà cứ bịn rịn nhau không rời, chẳng ai chịu về phòng sớm như mọi hôm, kể cả ba vị tu sĩ du học Ấn Độ (một vị bận rộn cùng thầy Như Điển viết bài nên không có mặt). Sẵn phòng khánh tiết của khách sạn “gia đình” đối diện với bãi biển, nơi chúng tôi hằng ngày quây quần dùng cơm, nơi mà mỗi ngày chúng tôi ngồi nghe sóng vỗ rì rào, hàng dừa xào xạc, gió lồng lộng thổi, tiếng quạ oăn oắc kêu… không ai bảo ai, tự nhiên ngồi đó để rồi… hát cho nhau nghe, múa cho nhau xem và kịch cho nhau cười, cười… pể pụng luôn! Cô Thổ Nhĩ Kỳ cũng gia nhập… gánh hát, hát và múa bụng cho chúng tôi thưởng thức nữa. Tất cả vừa làm khán giả vừa làm diễn viên, không… tha một ai!

Viết đến đây, kỷ niệm trong tôi sống dậy, tôi không khỏi nở một nụ cười khi nhớ lại từng cử chỉ, lời nói, tiếng hát, ánh mắt của từng... diễn viên! Và chúng tôi còn đua nhau (bắt chước Hàn Mặc Tử) làm thơ… cóc, nhái, ểnh ương, nòng nọc, loăng quăng nữa, không thiếu một thể loại nào để… vịnh và ca tụng… trăng, đèn và gió.

Một chương trình văn nghệ bỏ túi bộc phát độc nhất vô nhị trên thế gian này mà tôi quả quyết rằng, ai đã tham dự hôm đó chắc chắn in dấu sâu đậm trong lòng, không thể nào quên, nó sẽ là hành trang theo suốt cuộc đời, để một ngày nào đó trà dư tửu hậu khi nhắc nhớ lại sẽ thấy cõi đời này còn rất nhiều niềm vui.

Thân chào các bạn và cám ơn các bạn đã bỏ thì giờ quí báu “theo” tôi Hành Hương Tích Landù chỉ là hành hương hàm thụ qua bài viết này.

Trần Thị Nhật Hưng

(2011)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 7145)
Chùa Trúc Lâm ở về phía tây nam cách thành phố Huế khoảng 5km, tọa lạc trên đỉnh đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy.
09/04/2013(Xem: 7766)
Núi Túy Vân nằm phía nam kinh thành Huế khoảng hơn 40 Km, có thể đến Túy Vân theo hướng quốc lộ I qua cầu Trừng Hà, cũng có thể đi theo ven bờ biễn hướng Thuận An Hòa Duân Vinh Hiền hay qua phà ở Đá Bạc.
09/04/2013(Xem: 5386)
Chùa Mía nằm ở thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 40km về phía Tây Bắc. Chùa Mía có hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, nằm trên quả đồi giữa làng Ðông Sàng (xã Ðường Lâm).
09/04/2013(Xem: 6249)
Cách Hà Nội khoảng 40km, về phía Tây Bắc, xuôi theo đường cao tốc là một chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Xuân Mai có một quần thể các di tích, cảnh quan đa dạng, phong phú và thơ mộng thuộc tỉnh Hà Tây.
09/04/2013(Xem: 5363)
Lưng tựa núi Trường Úc, mặt hướng về dãy Trường Sơn, Tổ Ðình Sơn Long từ bao đời nay tồn tại oai nghiêm, cổ kính như một chứng nhân lịch sử phát triển Phật giáo Bình Ðịnh.
09/04/2013(Xem: 5755)
Những người tiền sử sống bằng nghề săn bắt thời Đồ đá cũ thường tìm nơi ẩn náu trong những hang động tự nhiên để tránh thời tiết xấu và các hiểm họa tấn công do thú dữ hay con người.
09/04/2013(Xem: 9276)
Tổ Ðình Linh Sơn Pháp Bảo tọa lạc tại thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 3km, trong phong quang tươi nhuận, tĩnh mịch giữa vườn cây ăn quả xanh mát cùng một hàng tre che nắng bốn mùa, âu cũng là bức bình phong che chắn ngọn gió dung tục đời thường, tạo dáng cảnh thiền môn thanh tịnh.
09/04/2013(Xem: 4828)
Cái tên Yên Tử bắt nguồn từ tên chùa Ông Yên hay Yên Tự (Yên là tên gọi tắt của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh, người đã đến tu hành và đắc đạo ở đây vào thế kỷ X).
09/04/2013(Xem: 6224)
Năm ngoái khi ghé thăm nhà nuôi trẻ em nghèo của vợ chồng anh Trần Quang Lãm ở trên đường Ngũ Tây Xã Thủy An gần chùa Thuyền Tôn, tôi nói với anh là tôi muốn ghé lại thăm ngôi chùa nỗi tiếng này, anh Lãm liền tặng tôi một cuốn tiểu sử thiền sư Liễu Quán và dặn là tôi nên ghé lại thăm ngôi bảo tháp của ngài.
09/04/2013(Xem: 8420)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]