Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Những bước đầu tiên

12/02/201216:01(Xem: 6849)
01. Những bước đầu tiên
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ NHẤT: DƯỚI CHÂN HY MÃ

Những bước đầu tiên
Tháng ngày ấp ủ
Con sông thiêng
Giấc mơ cẩm thạch
Đền Birla

NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN

Đúng ngày Tết dương lịch 1.1.1989 tôi hăm hở lên đường đi Ấn Độ. Dù lúc đó đã sống hai mươi năm ở nước ngoài, tôi vẫn thấy xa lạ với xứ sở huyền bí này. Ngày xưa dù chưa sống xa nhà, tôi đã có ý niệm về Pháp, về Mỹ, về Canada. Hồi đó tôi đã thích nền văn hóa phương tâyï, đã yêu văn chương tiếng Pháp, đã biết lối sống Mỹ. Còn Ấn Độ là gì đối với tôi? Đó là quê hương của Gandhi, một vùng bán đảo rộng lớn với Hy-mã lạp sơn, với Hằng hà đầy cát. Tôi biết Ấn Độ chỉ giản đơn như thế, nhưng điều đậm nét trong tôi là, đây là một xứ sở huyền hoặc, hầu như được bọc trong một tấm màn thần thoại.

Những tài danh của Ấn Độ mà tôi biết thường là những nhà văn nhà thơ như Tagore hay Krishnamurti, các vị đó xem ra cũng rất huyền bí. Còn các nhà đạo học, dù đó là Phật Thích-ca hay các đạo sĩ, tất cả đối với tôi có tính hoang đường nhiều hơn thực tại. Và dù các vị đó có thật đi nữa thì họ quá cao xa đối với tôi. Lên đường đi Ấn Độ, tôi chỉ là một người Việt Nam làm công cho một công ty sản xuất máy phát điện ở Đức, làm nhiệm vụ mà ngày nay người ta gọi là tiếp thị, có cái vai trò sales manager đi bán một món hàng hết sức trần thế.

Tôi nhớ lại một anh bạn tuổi lớn hơn mình nhiều, anh có tiếng là thầy bói ngoại cảm. Một ngày nọ xa xưa, anh nhìn tôi cười nửa đùa nửa thật: “chú em kiếp trước làm thầy tu bên Ấn Độ“. Tôi nghe xong lòng không lấy gì thú vị, làm vua chúa thì may ra. Không, làm sao tôi mà là thầy tu được, tôi còn ham rượu thịt, còn ham vui chơi. Tôi càng không phải là người Ấn Độ, nếu không sống tại Việt Nam, tôi chỉ thích sống ở châu Âu văn minh và cổ kính.

Máy bay từ châu Âu đến Delhi thường hạ cánh lúc nửa đêm, giờ địa phương. Ngày đó là ngày Pan Am còn là một hãng hàng không uy tín của Mỹ, cạnh tranh với Lufthansa của Đức tranh nhau chở khách đi Ấn Độ. Thời đó tôi chưa hiểu sao có nhiều khách đi Ấn Độ, khách làm ăn có, khách du lịch có. Ngày đó tôi đâu biết, đó là một thị trường khổng lồ cho dân làm ăn và một lịch sử vô song cho người du lịch. Ở sân bay Delhi ở Ấn Độ một thứ mùi nửa lạ nửa quen làm tôi chú ý.

Mùi này hai mươi năm qua tôi chưa từng hít thở lại. “Eau de javel“ ! Thì ra cái thứ mùi để chùi rửa vệ sinh trong những ngày xa xưa trong thời thơ ấu của tôi nay vẫn được sử dụng tại sân bay quốc tế này. Mùi này tôi đã quên rất lâu, xứ Đức không có, Việt Nam ngày nay cũng không, không ngờ nơi đây vẫn thông dụng. Ngày nay mỗi lần đến Ấn Độ tôi đều chuẩn bị để hít thở mùi này, thứ mùi gây cho tôi cảm giác vừa khó chịu vừa dễ chịu. Khó chịu là chỉ những nơi dơ bẩn ta mới biết đến nó và dễ chịu là sự yên tâm dù sao cũng có ai lo cho sự vệ sinh ở đây.

Tôi ngồi gọn trong ghế bành nghe người ta nói tiếng Anh. Đồng nghiệp người Đức của tôi nói tiếng Anh rất dễ nghe, có lẽ thứ tiếng Anh của tôi cũng có cái giọng như thế. Đó là một thứ tiếng Anh giọng Đức, thứ tiếng Anh hay bị chê cười trên thế giới. Người ta gọi đó là tiếng Anh của Kissinger vì nhà chính trị này sinh tại Đức, sống lâu ở Mỹ nhưng vẫn nói thứ giọng quê mùa này. Còn tiếng Anh của Ấn Độ là một thứ tiếng Anh lạ lùng, tôi nghe không hiểu gì cả.

Tôi nhớ mình thích tiếng Anh của người Hồng Kông vì tiếng Anh của họ dễ hiểu, thanh quản và phát âm của họ xem ra giống của tôi. Tôi vốn sợ thứ tiếng Anh của người Úc và của người Mỹ vì khó hiểu nhưng có đến Ấn Độ mới thấy có thứ khó hiểu hơn. Điệu bộ cử chỉ của người Ấn cũng khác, họ hay dùng bàn tay để « minh họa » cho lời nói. Bàn tay của họ cứ lật qua lật lại theo nội dung câu chuyện. Tôi phải làm việc hàng tuần trong cái xứ đầy mùi lạ, tiếng lạ, phòng ốc chật chội này ư?

Văn phòng đại diện của chúng tôi tại Delhi thuộc loại tầm cỡ nhưng phòng ốc hết sức hạn chế. Tại sao người ta thuê tuyển nhiều người như thế, bàn nọ kê sát bàn kia, nhân viên hàng tá làm gì cho hết ngày giờ? Sau này tôi mới biết họ có nhiều người là để giúp việc cho chúng tôi, có những tea boy chỉ chuyên bưng trà rót nước, những công việc mà tại phương tây chúng tôi phải tự làm. Dễ chịu thay. Chỉ sau một ngày, tôi đã nhờ một cô gái đi copy văn bản. Bất ngờ thay, cô ta lắc đầu. Tôi đang tự hỏi tại sao cô này từ chối lời yêu cầu nhã nhặn của mình thì đã thấy cô đã nhặm lẹ cầm giấy tờ chạy đi làm việc. Thì ra cái lắc đầu của người Ấn Độ chính là cử động gật đầu của ta. Còn khi họ từ chối thật thì đầu họ cũng lắc cũng lắc cách khác. Đối với tôi lúc nào họ cũng lắc đầu cả. Khó hiểu thay, những người Ấn Độ !

Từ văn phòng chúng tôi nhìn ra là công trường Nehru đầy người. Đó là chỗ bán cam bán chuối, bến đợi xe bus, xe hàng rang hạnh nhân đậu phọng, chỗ sửa xe taxi, bến đậu xe «túc-túc», nơi của khỉ làm trò… Cuộc sống ở đây xem ra vừa vội vã vừa chậm chạp. Trên công trường Nehru đó hàng trăm người ngồi chơi sưởi nắng xem ra không có gì làm, hôm nay là một ngày mùa đông. Xung quanh họ là những người ăn mặc hết sức nghiêm túc theo kiểu người Anh đang vội vã rảo bước, họ tìm kiếm điều gì trong xứ sở nghèo nàn này ? Về sau tôi biết thêm Ấn Độ là một xứ sở của những hình ảnh đối chọi.

Đường sá đầy xe cộ với mùi xăng khét lẹt làm tôi nhớ Việt Nam. Taxi của họ là những chiếc xe nội hóa cũ kỹ với cái tên vang dội «Ambassador» mà bốn bánh xe thường mòn nhẵn làm chúng tôi e ngại, mỗi chuyến đi là một trò chơi ít nhiều rủi ro nhất là khi gặp trời mưa. Thế nhưng đã quen cách đi liều của mình và thấy đồng nghiệp nhiều năm kinh nghiệm Ấn Độ của tôi cũng chưa có ai mang vết tích gì trên người nên tôi yên tâm tự nhủ đời người có số.

Chỉ vài ngày sau khi đến Ấn Độ người ta đã biết đây là một xứ sở mang nặng đầu óc tôn giáo. Trong taxi tài xế thắp nhang liên tục, họ khẩn cầu một vị thần nào bảo hộ cho họ, cho họ nhiều khách và ít tai nạn. Ngoài đường các đàn bò đi đứng nằm ngồi xem ra rất tự nhiên thoải mái, tài xế lái xe thường rất hấp tấp nhưng khi gặp chúng đều kiên trì chờ đợi, không có một tiếng còi. Ra khỏi Delhi vài cây số là đã xanh một màu cây cối, ở đây cơ man nào là khỉ.

Theo người Ấn, chúng là hậu thân đáng thương của đời làm người, là cha mẹ anh em ngày trước, chúng được đối đãi bình đẳng và sống chung với người. Ngày nọ tôi đến làm việc tại một cơ quan chuyên trách “kiểâm tra chất lượng“ của bộ phận turbine. Đó là một tòa nhà nhỏ nằm trong một khu vườn lầy lội sau cơn mưa. Vừa bước xuống xe, một con heo rừng đâm đầu chạy đến. Tôi vội thót lên xe, đóng cửa đánh rầm. Sau đó hỏi ra nó chỉ là một heo nhà tầm thường nhưng chạy nhảy nhiều quá nên có cái bụng thon của một con heo rừng lực sĩ.

Tại Ấn Độ, thời gian lưu trú nhiều tuần cho phép tôi học nghe tiếng họ nói, học nhìn cách họ làm để giải quyết công việc của mình và khám phá nhiều điều lớn lao hơn. Xuất phát từ một cấu trúc xã hội có tính đẳng cấp, người Ấn Độ rất khó thân cận. Lạ thay, đối với thú vật thì họ gần gũi mà đối với người thì họ xa cách. Hình như mỗi người Ấn Độ khi gặp người khác, việc đầu tiên là họ định nghĩa ai hơn ai, về đẳng cấp huyết thống ai ưu việt hơn ai. Đi Ấn Độ hàng chục lần, tôi kết luận rằng đó là một xứ sở của sự phân biệt giai cấp. Người giàu có thì hợm hĩnh khinh người, người nghèo khổ thì yên phận chịu đựng. Những người mà tôi gặp và làm việc đều là kỹ sư hay thương nhân, họ thuộc thành phần có học và có tiền, trong nội bộ xã hội, họ coi khinh người khác, đối với chúng tôi ở nước ngoài đến thì họ e dè và phức tạp.

Đối với người nước ngoài, người Ấn Độ vừa có mặc cảm tự ty vừa tự tôn. Họ biết rất rõ bán đảo bao la của mình là một cái nôi văn hóa và học thuật của loài người. Cuộc đời của nhiều vĩ nhân nước họ là những bó đuốc soi đường cho hậu thế. Nền văn minh, triết lý và tôn giáo của họ là nền tảng của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, kể cả của Âu Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng nước họ ngày nay thuộc loại lạc hậu nhất, đời sống dân chúng khốn khổ nhất. Họ có cái đau khổ của một nhà quí tộc khánh kiệt. Cho nên khi một người nước ngoài đứng trước mặt họ, họ lúng túng không thể định nghĩa ai hơn ai kém. Và khi gặp chúng tôi, kẻ đi bán một thiết bị hiện đại, họ càng lúng túng. Vì trình độ kỹ thuật còn non, họ phải đi mua; nhưng vì là khách hàng họ thấy mình được o bế. Thế thì ai hơn ai thua, xem ra họ rất thắc mắc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/03/2011(Xem: 13454)
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám...
08/03/2011(Xem: 13000)
Trong chuyến du hành sang Ai Cập, tác giả đã dày công thâu thập được nhiều kinh nghiệm huyền linh và thần bí. Ngoài ra tác giả còn trình bày những khía cạnh bí ẩn khác của xứ Ai Cập...
01/03/2011(Xem: 11577)
Trước cuộc du hành đầu tiên của tôi, phương Đông đã xâm chiếm tâm hồn tôi với một sự hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Về sau, tôi quay sang việc khảo cứu các kinh điển của Á châu...
16/02/2011(Xem: 7634)
Bóng trúc bên thềm là tập hợp những trang tùy bút mà tôi đã trải lòng trong những năm gần đây. Chung quy không ngoài những chuyện thường ngày của cuộc sống...
16/02/2011(Xem: 7362)
Từ muôn trùng xa xôi diệu viễn, chúng tôi đã đến Ấn Độ bằng những tâm trạng vô cùng phức tạp. Những bước chân đàu dọ dẫm trên miền đất mới. Những ấn tượng sâu đậm chập chùng đã sống dậy trong tâm hồn chúng tôi. Là những đứa con của Phật, là những người đã chọn cho mình lối sống truyền thống của người thoát ly, dĩ nhiên chúng tôi luôn ao ước được đặt chân đến nơi đã từng là trụ xứ của người cha tinh thần của chúng tôi, của người cha hiền mà chúng tôi quen gọi là từ phụ.
23/01/2011(Xem: 9096)
Gần hai mươi sáu thế kỷ về trước, trong lúc chúng sanh đang lăn trôi trong biển đời sanh tử thì một ánh sáng kỳ diệu lóe lên nơi miền Bắc Ấn báo hiệu cho sự thị hiện kỳ diệu của một đấng Giác Ngộ. Đức Phật đã thị hiện chỉ nhằm một mục đích duy nhất là “khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật.” Sau những năm tháng tu hành tầm cầu chơn lý, Đức Phật đã giác ngộ và giải thoát. Ngài đã mang hết những gì mình liễu ngộ ra mà trao truyền lại cho chúng ta, chỉ với một mục đích là những mong cho chúng sanh mọi loài đều có được cuộc sống an lạc và tự tại
07/01/2011(Xem: 4020)
Ngày nay, ngôi tháp Đại Giác đã một lần nữa sống lại với sự viếng thăm của hàng triệu khách hành hương chiêm bái trên toàn thế giới. Thanh thế của Thánh địa được lớn mạnh như thuở vàng son của Phật giáo. Con số các chùa chiền tự viện của những nước Phật giáo trên thế giới tăng lên rõ rệt tại Bồ-đề Đạo Tràng.
07/01/2011(Xem: 6822)
Ngày nay, Buddhagay là nơi thu hút giới Phật giáo và các phái đoàn hành hương đến viếng thăm quanh năm. Như một điều kỳ diệu, Buddhagay , một ngôi làng tầm thường, cổ xưa đã được chuyển hoá trong chốc lát. Giờ đây, Buddhgay đang hoạt động mạnh mẽ trong đời sống, và một lần nữa, Buddhagay có triển vọng sẽ là một trung tâm của Phật giáo thế giới. Thánh tích "Bồ-đề Đạo Tràng" (Buddhagay hay còn gọi là Bodhgay ) là địa danh chỉ cho nơi Đức Phật đạt được quả vị giác ngộ tối thượng (Sambodhi). Buddhagay cách thị trấn Gay cũ sáu dặm về phía Bắc, ngày nay cũng được biết với tên Brahmagay , nơi chiêm bái của tín đồ Ấn giáo (Hinduism). Có lẽ tín đồ Ấn giáo đã thêm thuật ngữ ‘Brahma’ vào địa danh của thánh tích này để phân biệt với Buddhagay , thánh tích của Phật giáo. Buddhagaya bây giờ là một thị trấn thịnh vượng, phía bắc giáp với Haripur, phía đông giáp với Mastipur, Dhondowa, Bhalua and Turi, phía nam giáp với Rampur và phía đông giáp với dòng sông Lilajan. Đây là một hình thức
07/01/2011(Xem: 3011)
Bodh Gaya được xem là đệ nhất thánh tích Phật giáo, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Hằng năm tín đồ Phật giáo ở Ấn Độ và khắp thế giới lũ lượt hành hương về đây để chiêm ngưỡng cây bồ đề nơi Đức Phật ngồi thiền định, đông nhất là vào các ngày lễ truyền thống của Phật giáo. Nơi Đức Phật thành đạo
05/01/2011(Xem: 3108)
Đức Phật là vị A-la-hán đầu tiên. Các vị A-la-hán đệ tử của ngài đều giống ngài và các vị Bồ-tát ở chỗ sau khi chứng đạt giải thoát, tiếp tục cứu độ nhân loại thoát khỏi khối đau khổ của sanh tử luân hồi. Do đó, các cáo buộc cho rằng A-la-hán là tiêu cực, là ích kỷ, là tiểu thừa chỉ phản ảnh một sự hiểu biết phiến diện về lời Phật dạy nói chung, về các bậc A-la-hán nói riêng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567