Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Ngọn Kim Tự Tháp

08/03/201103:08(Xem: 5546)
Chương 3: Ngọn Kim Tự Tháp

AI CẬP HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 3: NGỌN KIM TỰ THÁP

Những vị Pharaoh - vua Ai Cập - nay đã hóa ra người thiên cổ, nhưng họ còn để lại cho chúng ta những Kim Tự Tháp kiến trúc hùng vĩ, kiên cố dựng trên một vùng cao nguyên nhô lên giữa đồng cát. Nếu nước cổ Ai Cập vẫn còn hấp dẫn sự chú ý và thích thú của thế giới hiện đại, thì trước hết là nhờ những ngọn tháp này làm bằng chứng cho thời đại cổ xưa ấy. Không có một đế quốc Đông phương nào khác đã biệt tích mà còn để lại cho hậu thế những kỳ quan vĩ đại và lạ lùng như thế.

Triết gia Pline khẳng định rằng uy danh của các Kim Tự Tháp Ai Cập sẽ vang dội đến những nơi tận cùng của thế giới. Kể từ thời đại của ông đến nay đã hơn hai nghìn năm qua, nhưng thời gian vẫn không hề xóa mờ giá trị của lời nói đó.

Gần đây tôi có viết thư cho vài người bạn sống một cuộc đời rất ẩn dật tại một vùng hẻo lánh ở tận cùng của miền Nam Ấn Độ. Những người này có lẽ không bao giờ đi xa hơn dãy đồi ở vùng chung quanh làng họ ở, họ không hề chọc phá thế gian và thế gian cũng không hề làm phiền đến họ. Tôi cho họ biết về những công việc sưu tầm mà tôi đang theo đuổi ở ngọn Kim Tự Tháp lớn. Tôi không cần giải thích đó là cái gì và nó ở tại đâu, vì tôi chắc họ cũng đã biết rõ. Bức thư trả lời của họ đã xác nhận sự tin tưởng của tôi. Thật vậy, những người Ấn Độ chất phác này đã biết rõ đó là cái gì. Uy danh của những Kim Tự Tháp đã vang dội xa hơn là vào thời đại của triết gia Pline.

Những ngôi kiến trúc cổ bất chấp sự tàn phá của thời gian này đã hấp dẫn sự chú ý của các nhà bác học cũng như sự tò mò của người đời. Tại sao? Bởi vì chúng xuất hiện từ vực thẳm của một dĩ vãng xa xăm, và cũng bởi vì kích thước qui mô của những ngọn tháp này đã làm ngạc nhiên cả một thế hệ loài người đã từng quen thuộc với lối kiến trúc khổng lồ. Lần đầu tiên mà chúng ta nhìn Kim tự tháp, chúng ta có cảm giác như trở về một thời đại cổ xưa lạ lùng, mà nét cổ kính thâm nghiêm biểu lộ rõ ràng ở lối kiến trúc dị kỳ ấy. Chúng ta lấy làm ngạc nhiên vì không biết bằng cách nào mà những dân tộc cổ xưa đã xây dựng trên bãi sa mạc khô khan những ngọn núi nhân tạo như thế, không thua kém cả những công trình tạo tác thiên nhiên.

Khi những viên tướng soái Hy Lạp tiến quân vào Ai Cập và nhìn thấy những ngôi kiến trúc phi thường này chỉa mũi nhọn thẳng lên nền trời xanh của vùng sa mạc, họ đã nín thở vì ngạc nhiên và đứng nhìn trân trối trong im lặng.

Khi những nhà hiền triết của thời đại Alexandre soạn một quyển sách nói về những đại kỳ quan của thế giới, họ xếp Kim tự tháp đứng lên hàng đầu. Ngày nay, trong số bảy kỳ quan, chỉ còn cái kỳ quan đầu tiên này là còn đứng vững.

Nhưng cái tính cách cổ xưa và kích thước vĩ đại đó dẫu rằng có gây một ấn tượng mạnh mẽ cho người đời, cũng chưa phải là những lý do duy nhất đã làm cho ngọn Kim tự tháp có cái uy danh lừng lẫy như vậy. Có nhiều sự kiện được người đời biết rõ hoặc không hề biết về Đại Kim tự tháp có thể gây cho chúng ta một sự kinh ngạc lớn lao không kém sự kinh ngạc mà nó đã gây ra cho người cổ Hy Lạp.

Vậy cổ nhân xây Kim Tự Tháp với mục đích gì? Thần tượng Sphinx tượng trưng cho cái gì? Đó là hai điều bí mật lạ lùng nhất, hào hứng sôi nổi và thú vị nhất mà xứ Ai Cập dành cho du khách ngoại quốc cũng như cho dân tộc của họ. Đó cũng là những bí mật khó giải đáp nhất. Phải chăng Kim Tự Tháp Ai Cập được dựng lên chỉ để làm ngôi mộ tàng trữ xác ướp của các vị Pharaoh? Ta có nên dựa theo những quyển sách du lịch chỉ nam và tin theo lời của những người hướng dẫn viên Ả Rập mà tin như vậy chăng? Có lẽ nào người ta lại dựng lên một ngôi kiến trúc vĩ đại với những khối đá tảng hàng mấy người ôm, cắt ra từ vùng núi đá vôi Tourah và cưa ra từ trong động đá đỏ Syène ở xa hơn nữa, chỉ để che lấp những thi hài bọc lụa trắng? Có lẽ nào người ta đã phí bao nhiêu công lao khó nhọc, làm việc ráo riết dưới cái nóng thiêu người của mặt trời châu Phi, vận chuyển trên ba chục triệu mét khối đá tảng, chỉ để phục vụ ý muốn sau cùng của một ông vua? Có lẽ nào người ta chịu khó cẩn thận ráp nối hai triệu ba trăm ngàn tảng đá khối, mỗi tảng nặng khoảng hai tấn rưỡi, để làm thành một cái mộ mà lẽ ra chỉ cần vài tảng đá cũng đã quá đủ?

Những sử gia thận trọng cho biết rằng người ta không hề tìm thấy trong Kim Tự Tháp một quan tài, một xác chết, hay một cỗ xe tang nào, dẫu rằng có vài truyền thống cho rằng một trong những vị vua Ai Cập có cho dựng trước cửa cung một cái hòm đựng xác ướp bằng gỗ chạm trổ rất khéo, mà người ta đã lấy từ Kim Tự Tháp đem về. Trên những vách tường Kim Tự Tháp không thấy có khắc những chữ ám tự hay chạm hình nổi hoặc tranh vẽ những sự việc xảy ra trong thuở sanh tiền của các nhà vua đã băng hà. Nói tóm lại, không hề có những gì mà người ta thường thấy bên trong tất cả những ngôi mộ và lăng tẩm khác của Ai Cập.

Các vách tường bên trong Kim Tự Tháp đều trống trơn, không trình bày những tác phẩm mỹ thuật như tranh vẽ, hình chạm nổi hay ám tự để trang trí theo cách mà các vị Pharaoh thường thực hiện trong các lăng tẩm của họ, cũng không có dấu vết của sự trang trí nào mà người ta thường thấy ở những ngôi mộ quan trọng nhất của xứ Ai Cập.

Điều mà người ta xem như bằng chứng hiển nhiên nhất của giả thuyết rằng đó là lăng tẩm của một vị vua Ai Cập chỉ là một cái hòm trống trơn bằng đá đỏ, không đậy nắp, đặt dưới đất trong phòng lớn mà về sau được gọi là Vương cung. Phải chăng cái hòm đá như thế đủ để xem là một quan tài của vua? Đối với nhà Ai Cập Học, điều đó đã hiển nhiên và vấn đề đã được giải quyết. Nhưng tại sao hai bên chiếc hòm bằng đá này không có khắc những chữ ám tự hoặc tranh vẽ theo tập quán thông thường của nền tôn giáo cổ Ai Cập? Tại sao không thấy có một chữ nào hay một câu văn tự nào? Mọi cỗ quan tài khác đều có khắc chữ hoặc hình ảnh để lưu lại những kỷ niệm, ký ức về những trường hợp xảy ra quanh cái chết của người quá vãng. Tại sao cỗ quan tài này lại là một ngoại lệ, nếu nó là cái quan tài của một trong các vị minh vương nổi tiếng nhất của Ai Cập? Tại sao ống thông hơi dài trên bảy mươi thước được đặt từ trong phòng đựng cỗ quan tài bằng đá để thông với không khí bên ngoài? Những xác ướp không cần thở không khí, còn phu thợ thì không cần trở lại phòng ấy một khi đã xây dựng xong phần nóc phòng.

Trong thực tế, tôi không thấy một nơi nào ở Ai Cập có một ngôi mộ của các bậc vua chúa mà có đặt ống thông hơi với bên ngoài. Tại sao người ta đặt cỗ quan tài trong một căn phòng năm mươi thước cao hơn mặt đất, trong khi ở những nơi khác người ta thường đào hầm để đặt quan tài sâu dưới lòng đất? Đó là một tập tục được phổ biến khắp xứ, người ta luôn luôn đặt thi hài người chết dưới lòng đất hoặc trên mặt đất. Chính vì lẽ đó mà người Ai Cập vẫn thường truyền tụng cho nhau lời này: “Ngươi là cát bụi, và ngươi sẽ trở về cát bụi.”

Tại sao người ta lại đặt gian phòng thứ nhì, gọi là Hậu cung, ở gần bên gian phòng thứ nhất? Những vị Pharaoh không hề được chôn cất gần bên các phi tần, và một xác ướp không cần phải có đến hai huyệt. Nếu hậu cung có những hình ảnh hay những chữ ám tự khắc trên vách như phần nhiều những lăng tẩm mồ mả của Ai Cập, thì ở đây người ta có thể coi nó như một hành lang. Nhưng ở đây nó cũng trống trơn và không có một bày biện trang hoàng nào, giống như Vương cung.

Và tại sao Vương cung lại có những ống thông hơi, mặc dù những lỗ thông hơi đều bị bít khi người ta khám phá ra chúng? Tại sao người ta lại thông hơi vào những gian phòng kín mệnh danh là những ngôi mộ này? Và cũng tưởng cần nhắc lại, người chết không cần thở khí trời. Không, người ta cần tìm ra lý do thật sự của một công trình đòi hỏi bao nhiêu phí tổn về tiền của, thời giờ, nhân lực và nguyên liệu như thế. Và lý trí con người bắt buộc phải loại bỏ cái giả thuyết cho rằng Kim Tự Tháp là những mồ chôn xác người, hay là những kho tài liệu tiên tri bằng đá. Người ta phải quay trở lại vấn đề để tìm ra một sự giải đáp khác.

lll

Cửa vào Kim Tự Tháp mà các du khách sử dụng hiện nay không phải là cánh cửa chính của người cổ Ai Cập. Cửa chính này từ nhiều thế kỷ vẫn là một bí mật của Kim Tự Tháp, một bí mật được giữ gìn rất chặt chẽ, cho đến khi một ông vua Ả Rập cứng rắn và quyết tâm đã chi phí cả một gia tài khổng lồ để huy động một đạo binh phu thợ khổng lồ nhằm chọc thủng tấm màn bí mật kia và phát hiện ra cánh cửa Kim Tự Tháp đã bị khép chặt.

Từ khi cánh cửa chính bị đóng chặt, thì nhiều thế kỷ đã lặng lẽ trôi qua mà phía bên trong Kim Tự Tháp không hề có chân người bước vào, cho đến khi giấc ngủ triền miên đó bị khuấy động bởi những người đi tìm kiếm kho tàng.

Sau cùng, người ta đã tìm ra cửa chính đó vào khoảng năm 820. Vua Ả Rập Al Mamoun đã qui tụ trên cao nguyên Gizeh những người kỹ sư, kiến trúc sư, nhà xây cất và thợ giỏi nhất của ông ta, rồi ra lệnh cho họ phải tìm ra cửa chính vào Kim Tự Tháp.

Vị kỹ sư chỉ huy chiến dịch khai quật tìm kiếm này đã tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, việc này không thể làm được.

Nhưng vua trả lời dứt khoát:

– Quả nhân muốn việc này phải được thực hiện.

Công trình tìm kiếm này không theo một kế hoạch nào nhất định. Tương truyền rằng cửa chính nằm ở mặt phía bắc của Kim Tự Tháp nên tất nhiên là người ta đã chọn trung tâm điểm của mặt phía bắc để khởi công. Sự có mặt của vua Ả Rập ở tại chỗ là một sự khích lệ tinh thần cho những phu thợ. Nhà vua muốn xác nhận truyền thuyết cho rằng những vị Pharaoh thời cổ đã từng chôn giấu trong Kim Tự Tháp những kho bảo vật khổng lồ.

Tưởng cũng nên nói thêm rằng vua Al Mamoun chính là thái tử con vua Haroun Al Rachid, nhân vật nổi tiếng trong truyện Nghìn lẻ một đêm. Vua Al Mamoun không phải là một ông vua tầm thường. Ông ta đã ra lịnh cho những văn nhân trong xứ dịch những tác phẩm của các bậc hiền triết Hy Lạp. Ông luôn nhắc nhở cho quốc dân Ả Rập đừng quên những lợi ích của sự học hành. Chính ông đã từng tham dự những cuộc tranh luận giữa các bậc thức giả trong nước.

Những nhà xây cất Kim Tự Tháp thời xưa đã tiên liệu rằng lòng tham của người đời hẳn sẽ thôi thúc họ xúc phạm đến nơi cổ kính thâm nghiêm này. Vì thế, họ đã mở cánh cửa chính ở một khoảng độ vài thước cách điểm trung tâm mặt phía bắc, và cao hơn rất nhiều so với vị trí mà người ta đoán chắc là cửa ra vào. Kết quả là những phu thợ của vua Al Mamoun đã làm việc suốt nhiều tháng mà vẫn không tìm ra bất cứ dấu vết gì của một cửa vào hay lối đi.

Họ không tìm thấy gì khác hơn những vách tường kiên cố bằng đá khối dày đặc và cứng ngắc. Nếu họ chỉ dùng những dụng cụ thô sơ như búa đục thì công trình đục khoét đó có lẽ đã kéo dài đến hết triều đại của nhà vua hay lâu hơn nữa. Nhưng họ đã tìm cách đốt những đống lửa ở chỗ ráp nối các tảng đá đến độ nung cháy đỏ, và tưới dấm chua lên đó cho đến khi các tảng đá nứt nẻ ra. Ngày nay người ta còn nhìn thấy những vết cháy đen sạm trên các tảng đá đã từng kháng cự lại sức búa rìu cách đây trên một nghìn năm.

Thợ rèn không ngừng làm việc suốt ngày để mài dũa những búa đục bị sứt mẻ vì va chạm với những tảng đá khối, trong khi những loại máy bằng gỗ tiếp sức với lao công để cố gắng chọc thủng một lỗ vào Kim Tự Tháp! Nhưng bất chấp bao nhiêu những cố gắng, trải qua bao nhiêu tháng trường dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời Ai Cập, cửa vào Kim Tự Tháp vẫn khép chặt, không ai tìm thấy, và họ đã bắt đầu chán nản tuyệt vọng.

Phu thợ đã đào xới một khoảng trên ba mươi thước, họ đã sắp sửa buông hết dụng cụ và công khai nổi loạn không chịu tiếp tục một công việc vô ích như thế nữa, thì thình lình họ nghe thấy tiếng động của một tảng đá nặng vừa bị rơi xuống. Tiếng động ấy đến từ bên trong Kim Tự Tháp, chỉ cách nơi họ đang làm việc một khoảng không xa. Định mệnh đã can thiệp vào sự kiện này. Khi đó, sự hăng say và hứng khởi làm việc đã được hâm nóng lại.

Không bao lâu, người ta đã mở đường đưa đến lối vào và Kim Tự Tháp lớn từ nay đã mở cửa. Kể từ đó, người ta đã có thể đi lần theo con đường ấy để tìm thấy cánh cửa bí mật. Cửa này được che giấu một cách khéo léo đến nỗi người ta không thể nào khám phá được từ bên ngoài. Sau bao nhiêu thế kỷ bị khóa chặt, cửa bí mật ấy không còn hoạt động được nữa mà đã bị dính chặt vào vách.

Ngày nay nó đã biến mất, sau những vụ cướp phá để lấy đá về xây nhà sau trận động đất tại thành phố Cairo. Cửa ấy giống như những cái cửa bằng đá mà người cổ Ai Cập đặt ở lối vào những đền miếu bí mật của họ. Đó là một tảng đá xoay vòng chung quanh những bản lề và khi khép lại thì nó ăn khớp với mặt tường bên ngoài đến nỗi không ai có thể phân biệt được nó với những tảng đá khác ở chung quanh.

Sự ngụy trang khéo léo đó cũng chưa đủ. Bên trong cánh cửa bí mật ấy, lối vào bị chận lại bởi một cánh cửa bằng gỗ rất nặng. Qua được cửa này, người ta còn phải vượt qua mười cánh cửa khác nữa trước khi lọt vào Vương cung. Phần nhiều trong số mười cửa này đều bằng gỗ, nhưng có một cửa giống y như cánh cửa đá bên ngoài là một tảng đá khối xoay vòng trên bản lề và ăn khớp với vách tường đá như một cửa bí mật.

Tất cả những cửa này về sau đều không còn. Sau khi những toán kỹ sư và phu thợ của nhà vua Al Mamoun đã lọt vào bên trong Kim Tự Tháp, họ nhận thấy rằng công việc của họ chưa phải đã xong. Họ còn gặp phải bao nhiêu những chướng ngại vật, những tảng đá khổng lồ chặn ngang lối đi mà dụng cụ của họ đem theo không làm sao chọc thủng được. Có khi họ phải đục xuyên vách đá để mở một lối đi khác thông qua những dãy hành lang dài đưa đến những gian phòng trống trơn, mà về sau người ta đặt tên là Vương cung và Hậu cung để cho dễ gọi. Thật ra người cổ Ai Cập không hề sử dụng những danh từ đó.

Trải qua bao nhiêu gian nan, lao khổ và chướng ngại, khi họ lọt được vào gian phòng gọi là Vương cung thì vua Al Mamoun và toán kỹ sư, thợ thuyền đi theo đều lấy làm vô cùng thất vọng. Đó chỉ là một gian phòng trống, với một cỗ quan tài bằng đá, không đậy nắp. Trong cỗ quan tài, người ta chỉ thấy có cát bụi, ngoài ra không có gì cả! Họ nghĩ, phải chăng là một điều phi lý khi người cổ Ai Cập xây cất một ngôi mộ hùng vĩ như thế mà không có mục đích hay dụng ý rõ rệt? Họ bèn ra công nạy bật lên những tảng đá lót dưới đất, đào xới một góc trong gian phòng, dùng búa đập mạnh vào vách để thăm dò xem chỗ nào có thể là nơi chôn giấu kho tàng. Nhưng vô ích, thâm ý của những nhà xây cất Kim Tự Tháp vẫn là một điều bí hiểm khôn dò và chôn chặt trong lòng đất lạnh.

Đoàn người thám hiểm bèn lui gót ra về trong cơn thối chí và tuyệt vọng. Toán phu thợ còn thám hiểm nhiều đường hầm bí mật và một cái giếng sâu thẳm, tối đen như mực, ăn sâu dưới lòng đất, nhưng không hề tìm thấy những kho tàng của cải cùng bảo vật mà óc tưởng tượng của loài người vẫn tin là có thật và vẫn nằm yên đâu đó ở một góc bí mật trong Kim Tự Tháp!

Đến đây kết thúc cuộc phiêu lưu đáng ghi nhớ của vua Al Mamoun sau khi ông ta đã mở được cánh cửa bí mật của Đại Kim Tự Tháp, để mở màn cho những cuộc thám hiểm về sau này trong lịch sử tìm tòi khảo cổ Kim Tự Tháp Ai Cập.

***

Sau khi vua Al Mamoun tìm ra cánh cửa bí mật vào Kim Tự Tháp, nhiều thế kỷ đã trôi qua một cách lặng lẽ mà không ai dám bước vào bên trong ngọn tháp này. Sự truyền tụng trong dân gian không bao lâu đã bao trùm ngôi Kim Tự Tháp với một bầu không khí dị đoan mê tín và rùng rợn với nhiều chuyện huyền thoại kinh dị đến rợn người! Bởi đó, người dân Ả Rập tránh việc đi vào Kim Tự Tháp như người ta tránh ôn dịch! Chỉ có những tay phiêu lưu mạo hiểm mới thỉnh thoảng đột nhập vào để thám hiểm bên trong Kim Tự Tháp.

Phần lớn những hành lang đen tối và những gian phòng trống trơn trong Kim Tự Tháp vẫn tiếp tục yên nghỉ trong cái im lặng thâm u nghìn đời không người bước chân vào.

Mãi cho đến cuối thế kỷ 18 mới có những người Âu châu là những người nặng về vật chất và không mê tín, tìm đến để xem xét những đồng cát chung quanh, và từ đó người ta mới bắt đầu nghe lại những tiếng búa đục vang dội bên trong ngọn tháp cổ này.

Một người Anh có tinh thần phiêu lưu tên là Nathaniel Davison, giữ chức lãnh sự Anh tại Alger vào khoảng năm 1760, đã xin nghỉ phép dài hạn để sang Ai Cập. Ngọn Kim Tự Tháp làm cho ông ta suy nghĩ rất nhiều. Ông ta biết rằng người cổ Ai Cập thường chôn giấu trong lăng tẩm các vị vua chúa của họ một số vàng ngọc châu báu. Ông ta cũng biết dư luận chung của người đời coi những Kim Tự Tháp như những ngôi mộ khổng lồ. Khi ông ta lọt được vào bên trong Vương Cung, ông ta khám phá được một việc là mỗi khi ông ta kêu lên một tiếng lớn thì có một tiếng vang dội lại nhiều lần liên tiếp. Ông ta liền suy đoán rằng hẳn là có một gian phòng trống ở gần đâu đó, phía sau những tảng đá đỏ bao bọc chung quanh gian phòng đầu tiên. Có thể rằng tronsg cái khoảng trống ấy, nguyên nhân gây ra tiếng vang dội nói trên, có nằm yên nghỉ một cái xác ướp quấn hàng lụa và có mang theo những đồ châu ngọc và bảo vật quí giá.

Ông Davison bèn mộ vài người phu thợ và bắt tay vào việc. Từ nhiều thế kỷ trước, vua Al Mamoun đã thăm dò cái nền đá trong Vương cung, nhưng không tìm thấy gì. Nhưng những tiếng vang dội lại tiếng kêu của ông Davison dường như vọng lại từ phía trên. Ông ta liền chú ý đến cái nóc của Vương cung.

Khi xem xét kỹ lưỡng trần nhà và những hành lang chung quanh, ông ta thấy rằng phương pháp tiện lợi nhất để trổ lên trên nóc là đào một lỗ trống ở phần trên tường của dãy hành lang lớn, và theo lỗ trống đó có thể xâm nhập vào gian phòng trống ở trên trần. Ông ta bèn dùng một cái thang lớn để xem xét cho chắc chắn thì lấy làm ngạc nhiên mà thấy rằng ngay tại chỗ ấy đã có sẵn một cái lỗ trống. Ông ta bèn chui vào và thấy một gian phòng chiều dài độ bảy thước, ở ngay trên trần của Vương cung.

Nóc của gian phòng này rất thấp, đến nỗi ông Davison phải bò trên hai đầu gối để tìm cái kho tàng vô giá nó đã hấp dẫn ông đến đây. Nhưng gian phòng cũng hoàn toàn trống rỗng! Ông ta bèn trở về Alger tay không. Ông ta chỉ được mỗi một cái vinh dự là những nhà khảo cổ đến sau ông đã lấy tên ông để đặt tên cho cái gian phòng nhỏ hẹp mà ông khám phá trên nóc Vương cung!

Trong những năm đầu của thế kỷ 19, người kế nghiệp ông Davison trong công việc tìm tòi ở Kim Tự Tháp là một nhân vật lạ lùng, gồm đủ những phẩm chất của một triết gia mơ tưởng, một nhà thần bí và một nhà khảo cổ. Đó là Đại úy Caviglia, một người Ý.

Ông này đã dành một thời gian khá lâu cho việc tìm kiếm ở Kim Tự Tháp. Lord Lindsay, người đã gặp ông ta trong một chuyến du hành sang Ai Cập, có viết một bức thư gửi về Anh Quốc nội dung như sau:

“Caviglia có nói với tôi rằng ông ta đã dành cho việc học hỏi khoa huyền môn một sự hăng say đến nỗi làm cho ông có lần suýt chết. Ông tuyên bố đã đạt tới giới hạn cùng tột trên lãnh vực huyền môn bị ngăn cấm đối với tầm hiểu biết của con người. Chỉ có sự trong sạch trong ý đồ đã cứu được ông. Ông có những tư tưởng lạ lùng, không phải là của trần gian. Ông cho rằng rất nguy hiểm mà tiết lộ những tư tưởng đó...”

Trong công cuộc sưu tầm khảo cổ của ông, Caviglia đã tạm trú một thời gian trong gian phòng Davison, sau khi ông đã dọn dẹp cái phòng thấp và tối tăm đó thành một gian phòng để ở ngay trong Kim Tự Tháp! Công trình khảo cổ của ông không phải chỉ là giới hạn trong Đại Kim Tự Tháp mà thôi. Ông còn để lại cho đời những kết quả sưu tầm trong hai Kim Tự Tháp thứ nhì và thứ ba, sự thám hiểm những hầm chôn xác ướp ở giữa các Kim Tự Tháp và thần tượng Sphinx, việc khai quật vài cỗ quan tài quan trọng và những di tích lạ lùng khác của nền văn minh cổ Ai Cập.

Vào thời đại Nữ hoàng Victoria, định mệnh đã đưa sang Ai Cập một viên sĩ quan ưu tú của quân đội Hoàng gia Anh quốc, kiêm một nhà khảo cổ học uyên bác, đó là đại tá Howard Vyse. Ông ta đã huy động hàng trăm phu thợ để thực hiện những cuộc đào xới chung quanh các Kim Tự Tháp trong một công trình thám hiểm đại qui mô chưa từng có từ một nghìn năm nay, kể từ thời đại của vua Al Mamoun. Ông ta đã kêu gọi sự hợp tác của đại úy Caviglia trong một thời gian, nhưng hai người lại xung đột nhau vì tính khí bất đồng; một người Anh kỹ lưỡng, cẩn thận, trọng nguyên tắc kỷ luật và một người Ý tay ngang, bất chấp những qui ước, cổ lệ, đành phải sớm xa nhau.

Đại tá Vyse đã chi phí cho công trình khảo cổ của ông ở Ai Cập hết mười ngàn Anh kim tiền riêng của ông và đã thu hoạch được những kết quả cụ thể, Nhiều thùng lớn chứa đầy những di tích cổ và bảo vật lý thú đã vượt biển để được đưa vào Bảo tàng viện Anh quốc. Nhưng những cổ vật lý thú nhất vẫn còn ở lại tại chỗ.

Ông Vyse đã khám phá bốn gian phòng trong Đại Kim Tự Tháp chồng chất lên nhau ở ngay trên trần nhà của gian phòng Davison. Công việc thám hiểm này không phải là dễ dàng và không nguy hiểm. Trong khi họ đào một lối đi hẹp từ dưới lên trên xuyên qua những nóc phòng đá dày đặc, những phu thợ của ông ta luôn luôn suýt ngã xuống từ một bề cao mười thước! Những gian phòng này cũng thấp và hẹp như gian phòng Davison, và cũng hoàn toàn trống trơn không có gì cả.

Do sự khám phá kể trên và khi xem xét cái trần nhà bằng đá vôi của gian phòng ở trên chót đỉnh, người ta mới hiểu lý do của việc xây cất năm gian phòng thấp hẹp chồng chất lên nhau. Đó là để bảo vệ Vương cung khỏi phải chịu áp lực quá nặng nề của toàn thể khối đá tảng khổng lồ ở phía trên, chẳng khác nào một hệ thống trái độn bằng không khí tạo nên bởi khoảng trống của những gian phòng. Việc xây cất hệ thống trái độn này cũng che chở Vương cung khỏi bị đè bẹp bởi khối đá tảng ở phần trên trong trường hợp có thể xảy ra một cơn động đất làm sụp đổ Kim Tự Tháp. Bởi đó, Kim Tự Tháp đã chống đỡ một cách hữu hiệu sự tàn phá của thời gian trong bao nhiêu nghìn năm và chứng tỏ sự chu toàn cùng cái kỹ thuật kiến trúc vô cùng thần diệu của người cổ Ai Cập.

Trong số những điều phát hiện của đại tá Vyse, có một điều lạ lùng là một loạt những chữ ám tự chưa hề thấy trong Kim Tự Tháp. Những chữ ám tự này là do những người thợ đá khắc trên mặt những phiến đá tảng dùng để xây cất năm gian phòng kể trên. Trong những ám tự ấy có tên của ba vị vua Ai Cập là Khoufou, Khnem Khoufou, và Khnem.

Các nhà Ai Cập học không thể đưa ra sự giải thích nào khác về cái tên Khnem vì họ không tìm thấy tài liệu lịch sử về một vị vua Ai Cập nào có cái tên đó. Nhưng họ biết rõ tên vua Khoufou: đó là vị Pharaoh của triều đại thứ tư, mà người Hy Lạp gọi là vua Khéops. Sự khám phá của ông Vyse đã đưa đến việc xác định vua Khoufou là người đã xây dựng nên Kim Tự Tháp, và xác định Kim Tự Tháp được dựng lên từ thời nào. Tuy nhiên, xác ướp của vua Khoufou không hề được tìm thấy ở bất cứ nơi nào bên trong Kim Tự Tháp!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/10/2016(Xem: 25676)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 22 ngày từ 21-11 đến ngày 12-12-2016 Lệ phí: $5,900 (cho Phật tử tại Úc) & US$5,900 Mỹ Kim (cho Phật tử tại Mỹ & Canada): chi phí cho vé máy bay quốc tế khứ hồi (Sydney\Los Angeles - Taiwan – India & India – Taiwan – Sydney/Los Angles), Vé máy bay trong nội địa Ấn Độ (không dùng xe lửa), Bảo hiểm + Thuế phi trường + Vé vào cửa tham quan, Hotel (3 hoặc 4 sao) + Tips + Chi phí 3 bửa ăn sáng, trưa, chiều. Tu Viện Quảng Đức sẽ tổ chức chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ-Tích Lan, chuyến đi do Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn cùng với Đạo Hữu Tony Thạch (giám đốc công ty Triumph Tour ở Sydney) làm trợ lý cho Thầy để lo các công việc cần thiết. Phái đoàn dự kiến sẽ khởi hành ngày 21-11-2015, gồm 22 ngày để viếng thăm chiêm bái tất cả những Phật tích Ấn Độ cũng như đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ. Lệ phí chuyến đi là: A$5,900 cho Phật tử
07/10/2016(Xem: 5968)
Nói đến cảnh đẹp của Nhật Bản, không ai không nhắc đến cảm giác đi thưởng ngoạn cảnh sắc mùa lá Phong đỏ ở đây. Mỗi năm cứ đến tháng 10 lá phong bắt đầu đổi màu, mọi người lại cùng nhau đi xem mùa lá đỏ. Đã từ lâu lối đi hân thưởng cảnh đẹp của lá Phong ở kinh đô Nhật Bản dường như đã định, không ai bảo ai cứ đi xem là phải từ chùa Đông Phước đi ngang qua Khai Sơn Đường lên Thông Thiên Kiều đến khe Tẩy Ngọc rồi đến trước chùa Thanh Thuỷ, hai bên đường “ ngàn gốc Chu Hồng như hiện thành cổ kính, muôn lá Phong vàng như đỏ thắm đế đô” vẻ đẹp khó nơi nào có được…. NGÀY 01/10/2016: FRANKFURT/LAX/AUS - OSAKA Khởi hành từ Frankfurt/Lax đi Osaka bằng máy bay. Nghỉ đêm trên máy bay. NGÀY 02/10: OSAKA ( ĂN -/-/T ) Đến Osaka. Xe đón Quý Phật tử đưa về khách sạn. Ngoạn cảnh thành phố Osaka. Ăn tối. Nghỉ đêm tại khách sạn ở Osaka. NGÀY 03/10/: OSAKA – FUCHU – HIROSHIMA ( ĂN S/T/T ) Sau khi ăn sáng tại khách sạn, Đoàn khởi hành đi Fuchu, một thành phố thuộc Hiroshima. Đoàn c
12/09/2016(Xem: 10773)
Chùa Pháp Tánh ( nay gọi là Chùa Quang Hiếu) nơi Lục Tổ Xuất Gia tại Quảng Châu, Trung Quốc, chùa nằm trên đường Quang Hiếu là một trong những đền thờ Phật cổ nhất ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây từng là nơi đặt tư dinh của Vương tử Triệu Kiến Đức thời nhà Triệu nước Nam Việt trong lịch sử Việt Nam. Chùa Quang Hiếu cũng là nơi xuất gia của Lục Tổ Huệ Năng.
01/08/2016(Xem: 3544)
Nói đến thánh tích Phật giáo và với lòng khát ngưỡng của một người phật tử thì việc có được một duyên lành để tháp tùng một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì quả là một trong những điều nguyện ước đã được mãn nguyện trong đời. Đọc lịch sử Đức Phật, được nghe, được biết đến những địa danh, những thánh tích, kể cả được nhìn thấy những hình ảnh về thánh tích trên các phương tiện thời đại như sách báo, phim ảnh, truyền hình, internet v.v…thì cũng chỉ là để hiểu biết,và có thêm một chút kiến thức về những thánh tích thế thôi, nhưng được tham dự một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì không phải là như thế, không phải chỉ đi và đến để được thấy, được ngắm nhìn, để thỏa mản rằng chính mình đã được ”mắt thấy, tai nghe” về những thánh tích, mà chính thật ra là để cho chúng ta có được một cảm nhận rằng mình đã được" tìm về."
01/08/2016(Xem: 9957)
Từ chân núi đến tượng đài ta có thể đi bằng hai con đường, một bên là đường dốc bằng uốn lượn dựng đứng, một bên là đường dốc với hàng trăm bậc thang đá ghập ghềnh, nằm lọt thỏm giữa đồi thông vi vu xanh ngắt. Từ dưới chân cho đến đỉnh của con đường dốc đá có hơn 20 tấm bia đá ghi chép 12 lời nguyện ước của chúng sanh đến Quán Thế Âm Như Lai, cầu mong sự bình thành an lạc và bia đá các lời dạy của Phật, như mỗi bước đi đều nhắc ta nhớ đến điều lành, từ bi, hướng đến chân-thiện-mỹ. Trên triền dốc đến với tượng đài Quán Thế Âm là bức tượng đá Thiện Tài Đồng Tử đang chắp tay hướng về Mẹ từ bi. Phía dưới bức tượng có bia đề chữ: "Bậc trí như vách đá Gió cuồng nộ chẳng lay Lời tán dương phỉ báng Không xao gợn đôi mày" Tiến thẳng lên phía trên là lầu chuông nằm uy nghiêm như đón bước chân Thiền giữa rừng thông âm u hoang vắng.
20/06/2016(Xem: 4831)
Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việt Nam Hải Ngoại Quốc gia tại BIỆT ĐIỆN của Ngài Tu viện Namgyal là tu viện riêng, chính danh của Đức Dalai Lama, sẽ tổ chức một chuyến hành hương thăm Dharamsala, thủ đô của người Tây Tạng Lưu Vong – trú xứ của Đức Dalai Lama đời thứ 14 đang sống tỵ nạn 57 năm. Đức Dalai Lama được người Tây Tạng tôn kính và xem Ngài là vị Phật sống, là hiện thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Người Tây Phương xem Ngài là một thể hiện cho sự kêu gọi hòa bình của nhân loại. Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việtnam Hải ngoại Quốc gia ngay tại Biệt Điện của Ngài trong chuyến hành hương này. Kính mời quý Phật tử Việtnam cùng tham gia. • Thời gian 10 ngày - bắt đầu từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016. • Khởi hành từ phi trường San Francisco bằng Cathay Pacific Airlines đến New Delhi, India. • Những nơi thăm viếng tại Dharamsala:
08/06/2016(Xem: 6831)
Chuyến đi Việt Nam lần này, ngoài việc làm lễ giỗ cho Mẹ, chúng tôi về Tổ Đình Long Tuyền đảnh lễ Sư Phụ, lễ Giác Linh sư huynh Giải Trọng và thăm quý thầy, ghé Tổ Đình Phước Lâm lễ Phật, đến chùa Bảo Thắng thăm chư Tôn Đức Ni, cũng như đi thăm một vài ngôi chùa quen biết. Như đã dự trù, tôi còn đi miền Bắc để thăm viếng ngôi chùa mà vị Thầy thân quen của tôi T.T Hạnh Bình mới vừa nhận chức Trụ Trì. Khi nghe Thầy báo tin nhận chùa ở ngoài Bắc, tôi có nói: Thầy nhận chi mà xa xôi thế? Nói thì nói vậy, chứ thật ra tôi rất mừng cho Thầy, ngoài tâm nguyện hoằng pháp độ sanh mà hàng trưởng tử Như Lai phải lo chu toàn, Thầy còn có nỗi thao thức đào tạo những lớp phiên dịch cho chư vị Tăng Ni từ Hán ngữ sang Việt Ngữ.
27/05/2016(Xem: 6592)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
12/01/2016(Xem: 12323)
Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến !!! Một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây.
11/10/2015(Xem: 5151)
Đầm sen rộng hơn 5.000 m2 của anh Hạnh ở Thường Tín (Hà Nội) đang lai tạo nhân giống được 12 loài, thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]